Võ Thái Hà tổng hợp
Tàu chiến Mỹ, Canada đi qua Eo biển Đài Loan
21/9/2022
Tư liệu tàu USS Higgins cập cảng tại thành phố Haifa, miền bắc Israel, ngày 6 tháng 9 năm 2009.
Một tàu chiến của Hải quân Mỹ và một khinh hạm của Canada tiến hành một chuyến quá cảnh thường lệ, đi ngang qua Eo biển Đài Loan hôm 20/9, quân đội Mỹ loan tin.
Trong những năm gần đây, tàu chiến Mỹ, và đôi khi là tàu chiến của các nước đồng minh như Anh và Canada, thường đi ngang qua eo biển này khiến Trung Quốc khó chịu. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan thuộc chủ quyền của họ dù chính phủ dân chủ dân cử Đài Loan phản đối.
Trong một thông cáo, Hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục Higgins có tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke của Mỹ và khinh hạm Vancouver thuộc lớp Halifax của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua Eo biển Đài Loan thông qua một hành lang nằm ngoài lãnh hải của bất cứ nước nào.
“Sự hợp tác như thế này thể hiện trọng tâm trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với một khu vực an ninh và thịnh vượng”, thông cáo của Hải quân Mỹ cho hay.
Tháng rồi, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Trung Quốc sau đó đã mở các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan và hiện vẫn tiếp tục.
Mỹ ra mắt nhóm giám sát 52,7 tỷ đôla tài trợ bán dẫn
20/9/2022
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa chỉ định một nhóm cố vấn cấp cao để giám sát 52,7 tỷ đôla tài trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu linh kiện bán dẫn.
Hôm 20/9, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chỉ định một nhóm cố vấn cấp cao để giám sát 52,7 tỷ đôla tài trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu linh kiện bán dẫn, theo Reuters.
Ông Aaron “Ronnie” Chatterji, trưởng nhóm các nhà kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, sẽ làm Điều phối viên Nhà Trắng về Thực thi luật CHIPS tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) và sẽ quản lý công việc của Hội đồng Chỉ đạo Thực thi CHIPS. Hội đồng này được thành lập theo sắc lệnh hành pháp về chip của Tổng thống Biden ký vào tháng trước.
Vào tháng 8, Quốc hội Mỹ phê duyệt 52,7 tỷ đôla cho sản xuất và nghiên cứu linh kiện bán dẫn và khoản giảm trừ thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỷ đôla.
Giám đốc NEC Brian Deese cho biết ông Chatterji “sẽ giúp điều phối một cách tiếp cận thống nhất đối với các ưu tiên triển khai chính của chúng tôi trong khi đảm bảo rằng chúng tôi có các rào chắn và giám sát để chi tiêu tiền thuế của người dân một cách có trách nhiệm”.
Đạo luật CHIPS được ông Biden ủng hộ nhằm mục đích thúc đẩy nỗ lực giúp cho Hoa Kỳ cạnh tranh hơn với Trung Quốc và giảm bớt tình trạng thiếu chip dai dẳng đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, máy giặt đến trò chơi điện tử và vũ khí.
Ông Michael Schmidt, một quan chức Bộ Tài chính, sẽ làm giám đốc Văn phòng Chương trình CHIPS. Ông Schmidt trước đây từng là ủy viên Tài chính và Thuế bang New York.
Ông Eric Lin, giám đốc Phòng thí nghiệm Đo lường Vật liệu của chính phủ, sẽ là giám đốc lâm thời của Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển CHIPS. Luật chip bao gồm 11 tỷ đôla cho chi tiêu nghiên cứu.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết nhóm về luật CHIPS sẽ bao gồm khoảng 50 người.
Anh quốc lặng lẽ tiễn biệt Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị sau 70 năm trị vì
Alexander Zhang
Nghi lễ rước linh cữu của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đi theo đường Long Walk khi đến Lâu đài Windsor để hành lễ tại Nhà nguyện St. George, Vương quốc Anh, hôm 19/09/2022. (Ảnh: Aaron Chown/PA Media)
Hôm thứ Hai (19/09), Anh quốc trở nên lắng đọng khi quốc gia này bày tỏ lòng tôn kính cuối cùng tới vị quân chủ tại vị lâu nhất của họ, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, người đã băng hà hôm 08/09 sau 70 năm trị vì trên ngai vàng.
Hàng trăm ngàn người đã xếp hàng trong tang lễ của Nữ hoàng để đưa vị quân chủ từ lễ viếng linh cữu tại Hội trường Westminster đến lễ quốc tang của bà và đến Lâu đài Windsor để thực hành nghi thức tang lễ.
Vua Charles Đệ tam và các thành viên Vương thất Anh khác theo sau linh cữu được phủ cờ, nằm trên cỗ linh xa chở súng do 142 thủy thủ Hải quân Hoàng Anh kéo.
Trong số 2,000 giáo đoàn hùng hậu trong tu viện, có khoảng 500 tổng thống, thủ tướng, thành viên hoàng gia ngoại quốc, và chức sắc, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ Canada, Úc, Pháp, Đức, Ấn Độ, và Brazil.
Hoàng gia Anh ngồi đối diện với các vị vua và hoàng hậu ngoại quốc bao gồm Vua Willem-Alexander của Hà Lan, Hoàng tử Albert của Monaco, Vua Felipe Đệ lục và Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha, và Thiên hoàng Nhật Bản Naruhito và Hoàng hậu Masako.
Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby đã nói với giáo đoàn rằng cảm xúc dâng trào dành cho nữ hoàng “nảy sinh từ một đời sống phong phú và đạo phụng sự tràn ngập yêu thương của bà, nay đã tan biến trong chúng ta.”
Đức Tổng Giám mục Welby, đứng tại nhà thờ nơi các vị vua và hoàng hậu lên ngôi kể từ năm 1066, cho biết nữ hoàng đã tuyên bố vào ngày sinh nhật thứ 21 của mình “rằng bà sẽ cống hiến cả cuộc đời để phụng sự quốc gia và Khối thịnh vượng chung.”
“Hiếm có ai giữ trọn một lời thệ ước như vậy. Ít có nhà lãnh đạo nào nhận được tình yêu thương ngập tràn như chúng ta đã từng thấy,” ông nói.
Hành trình cuối cùng
Tang lễ được truyền hình trực tiếp tại khoảng 125 rạp chiếu phim và một số nhà thờ chánh tòa ở Anh quốc, và trên một màn hình lớn ở Công viên Holyrood phía trước Cung điện Holyroodhouse, Edinburgh.
Một số màn hình lớn còn được đặt tại Công viên Hyde, trong khi Tòa thị chính của London cho biết tất cả các khu vực công cộng để theo dõi lễ tang của nữ hoàng đã chật kín.
Sau buổi lễ, linh cữu của nữ hoàng bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng từ Tu viện Westminster đến Lâu đài Windsor.
Các cửa hàng đóng cửa
Một thông báo hôm 10/09 tuyên bố ngày quốc tang của Nữ hoàng sẽ được chuyển thành một ngày lễ quốc gia.
Downing Street chỉ thị rằng các doanh nghiệp tư nhân tùy ý sắp xếp ngày nghỉ quốc gia này như thế nào.
Nhưng nhiều doanh nghiệp, như siêu thị, cửa hàng thời trang, và rạp chiếu phim, đã quyết định đóng cửa một phần hoặc cả ngày này.
Vua Charles Đệ tam và các hoàng thân đi theo sau linh cữu của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị khi linh cữu được đưa vào Nhà nguyện St. George ở Lâu đài Windsor, Berkshire, để hành lễ, vào ngày 19/09/2022. (Ảnh: Ben Birchall/PA Media)
Các nhà bán lẻ lớn nhất của quốc gia, chẳng hạn như Tesco, Sainsbury’s, Morrisons, Lidl và Aldi, đã đóng cửa các cửa hàng của họ để nhân viên có thể tỏ lòng tôn kính với Nữ hoàng.
Ông Jason Tarry, Giám đốc điều hành của Tesco, doanh nghiệp bách hóa lớn nhất Vương quốc Anh cho biết: “Chúng tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình hoàng gia, cũng như lòng biết ơn của chúng tôi đối với Nữ hoàng vì lòng phụng sự kiên định của bà.”
Nhiều cửa hàng tiện lợi vẫn đóng cửa khi lễ tang diễn ra nhưng đã mở cửa trở lại lúc 5 giờ chiều sau khi hành lễ.
Hôm thứ Hai (19/09), McDonald’s cho biết họ sẽ đóng cửa 1,300 nhà hàng ở Anh quốc như một sự tôn kính mặc dù các cửa hàng sẽ được phép mở cửa trở lại lúc 5 giờ chiều.
Các chuỗi rạp chiếu phim như Cineworld và Odeon cũng đóng cửa các địa điểm của họ.
Nhưng một số nhóm quán rượu cho biết họ sẽ mở các địa điểm trong ngày. Nhóm quán rượu Stonegate cho biết họ sẽ vẫn mở và có kế hoạch trình chiếu tang lễ trên màn hình.
Các chuyến bay bị hủy
Giao thông hàng không cũng bị ảnh hưởng do lễ tang, với hơn 100 chuyến bay bị hủy tại phi trường Heathrow.
Phi trường phía tây London thông báo rằng 15% trong số 1,200 chuyến bay của họ sẽ cất cánh hoặc hạ cánh vào thứ Hai sẽ bị gián đoạn “để tránh tiếng ồn.”
Phi trường này cho biết họ muốn bảo đảm bầu trời London sẽ yên tĩnh trong giờ toàn quốc mặc niệm kéo dài hai phút vì lễ tang của Nữ hoàng tại Tu viện Westminster sắp kết thúc ngay trước buổi trưa.
Việc khởi hành và đến cũng sẽ bị tạm dừng trong thời gian diễn ra lễ tang và đám rước tại Lâu đài Windsor, và chuyển hướng xung quanh lâu đài trong lễ dành riêng cho gia đình vào tối hôm đó.
Nữ hoàng Elizabeth băng hà hôm 08/09 tại Lâu đài Balmoral, ngôi nhà nghỉ hè của bà ở vùng cao nguyên Scotland.
Sức khỏe của bà đã suy giảm, và trong nhiều tháng, vị quân chủ từng thực hiện hàng trăm cuộc chứng hôn chính thức ở tuổi 90 của bà, đã rút lui khỏi công chúng.
Tuy nhiên, theo bổn phận, bà đã được chụp ảnh chỉ hai ngày trước khi qua đời, khi đó bà trông có vẻ yếu ớt nhưng vẫn mỉm cười. Bà phải chống gậy khi bổ nhiệm bà Liz Truss làm thủ tướng thứ 15 và cũng là thủ tướng cuối cùng dưới thời trị vì của bà.
Trước sự trường thọ và sự kết nối chặt chẽ của bà với Anh quốc, ngay cả hoàng gia những tưởng rằng bà chỉ đang trải qua một biến cố.
“Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng bà là bất khả chiến bại,” Hoàng tử William nói với những người ủng hộ.
Bản tin có sự đóng góp của PA Media và Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Các nhà lọc dầu Hoa Kỳ để mắt đến dầu của Canada sau khi kho Dự trữ Chiến lược ngừng xuất dầu
Reuters
Nhà máy lọc dầu Imperal, một trong nhiều cơ sở ở “Thung lũng Hóa chất” của Canada ở Sarnia, Ontario, Canada, vào ngày 03/11/2021. (Ảnh: Nick Iwanyshyn/Reuters)
NEW YORK — Các nhà lọc dầu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ mua thêm dầu của Canada sau khi chính phủ Tổng thống Biden ngừng xuất dầu từ kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) vào mùa thu này, các nhà giao dịch cho biết, nói thêm rằng điều này sẽ thúc đẩy giá dầu của Canada vào thời điểm nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Việc ngừng xuất dầu từ SPR sắp tới có thể thay đổi diễn biến thị trường một lần nữa trong một năm có nhiều biến động sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai. Hồi tháng Ba, Tòa Bạch Ốc thông báo sẽ xuất 180 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược của Hoa Kỳ để giúp dập tắt giá cao.
Những lần xuất dầu này đã tác động đến giá của Western Canada Select (WCS), loại nặng tiêu chuẩn của Canada. Loại dầu đó, vì có phẩm chất tương tự như dầu thô chiếm ưu thế trong kho dự trữ của Hoa Kỳ, đã giao dịch ở mức thấp hơn giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Hoa Kỳ khoảng 20 USD/thùng trong phần lớn mùa hè này. Theo Cơ quan Điều tiết Năng lượng Alberta, vào năm 2021, mức giảm giá trung bình của WCS là 12.78 USD/thùng.
Ông Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, cho biết xuất cảng dầu thô của Canada từ Vịnh Hoa Kỳ đã giảm trong hai tháng qua, xuống khoảng 130,000 thùng/ngày (bpd) trong tháng Bảy và tháng Tám, thấp hơn tốc độ 200,000 thùng/ngày của năm ngoái (2021). Những người mua ngoại quốc đã chuyển sang những thùng dầu được giảm giá của Nga, làm giảm xuất cảng dầu thô của Canada.
Ông Smith nói: “Đó là một trò chơi kiểu như những chiếc ghế âm nhạc. Khi SPR ngừng xuất dầu, các nhà máy lọc dầu này sẽ dựa nhiều hơn vào các thùng dầu nhập cảng từ Canada hoặc đường biển.”
Một số người tham gia thị trường lo ngại rằng công suất đường ống hạn chế từ Canada đến Hoa Kỳ có thể gây ra sự tắc nghẽn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa ở trung tâm Alberta, từ đó có thể khiến giá ở đó giảm xuống.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Canada đạt sản lượng kỷ lục 5.5 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt 5.7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Trong một thông lệ được gọi là phân bổ, Enbridge Inc. một lần nữa đang chia khẩu phần công suất đường ống trên hệ thống Mainline của mình khi sản lượng của Canada đã tăng lên. Hệ thống đó vận chuyển phần lớn lượng dầu thô xuất cảng của Canada sang Hoa Kỳ.
Sự phân bổ giảm mạnh vào năm ngoái khi đường ống dẫn Line 3 mở rộng đi vào hoạt động và ngừng hoàn toàn từ tháng Ba đến tháng Bảy, nhưng kể từ đó Enbridge đã bắt đầu phân bổ lại công suất trên Mainline. Enbridge cho biết các chuyến giao hàng thô tới Kerrobert, Saskatchewan, trung tâm được phân bổ 2% trong tháng Tám và 6% trong tháng Chín.
Theo Reuters
Phương Tây phản đối Nga trưng cầu dân ý tại Ukraine
Hiếu Chân
Binh lính Ukraine tiến vào thành phố Izium mới giải phóng trong vùng Kharkiv. Thành phố bị quân Nga chiếm vào ngày 1 Tháng Tư 2022. Thất bại trên chiến trường đã khiến ông Putin lặp lại kịch bản “trưng cầu dân ý” trong các vùng tạm chiếm để thâu tóm lãnh thổ Ukraine. Ảnh Oleksii Chumachenko/SOPA Images/LightRocket via Getty Images.
Các chính quyền bù nhìn do Nga dựng lên tại các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga trong những ngày tới, đặt ra một thách thức mới với Ukraine và Phương Tây, đồng thời có nguy cơ làm chiến tranh lan rộng lôi kéo cả Hoa Kỳ và NATO.
Trong một kế hoạch phối hợp và có sự điều khiển từ Kremlin, các chính quyền tay sai của Nga tại bốn khu vực chiếm đóng ở miền Đông và Đông Nam Ukraine – gồm hai tỉnh Donetsk, Lugansk hợp thành vùng Donbass, thành phố Kherson và tỉnh Zaporizhzhia – sẽ tổ chức “trưng cầu dân ý” trong năm ngày, bắt đầu từ thứ Sáu tuần này kéo dài đến thứ Ba tuần sau. Mục đích của cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu này là để hợp thức hóa việc Nga thâu tóm một phần đất mà họ chiếm được của Ukraine, bằng khoảng 15% lãnh thổ Ukraine, tương đương diện tích nước Hungary.
Các nhân vật ủng hộ cuộc chiến tranh của Putin coi tổ chức trưng cầu dân ý là một tối hậu thư cho phương Tây: Hoặc phương Tây chấp nhận việc chiếm đất của Nga hoặc đối mặt với một cuộc chiến toàn diện với một kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân. Sau khi thâu tóm các vùng lãnh thổ này, Moscow sẽ tuyên bố những cuộc tấn công vào đó là tấn công nước Nga, sẽ tổng động viên dân Nga hoặc có một hành động trả đũa nguy hiểm nào đó như sử dụng vũ khí hạt nhân chẳng hạn.
Dmitry Medvedev, người từng là tổng thống, thủ tướng và bây giờ là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga dưới quyền Putin, nói việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga sẽ cho phép Moscow sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ lãnh thổ và sẽ “thay đổi hoàn toàn” tương lai của nước Nga. “Sau trưng cầu dân ý và các lãnh thổ mới được nhập vào Liên bang Nga, sự chuyển dịch về địa chính trị của thế giới sẽ trở nên không thể đảo ngược được. Một sự xâm phạm lãnh thổ Nga sẽ là hành động mà chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để tự vệ,” ông Medvedev nói.
Nga từng dùng thủ đoạn “trưng cầu dân ý” để thâu tóm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 mà phương Tây không có phản ứng đáng kể. Lần này, thủ đoạn của Nga lập tức gặp phải sự chống đối mạnh mẽ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói:“Nga đã và đang tiếp tục là kẻ xâm lược chiếm đóng bất hợp pháp đất đai của chúng tôi. Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và đang phản công tái chiếm chúng bất chấp Nga nói gì”. Trong một tweet, ông nói thêm: “Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và đang phản công tái chiếm chúng bất chấp Nga nói gì”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Washington dứt khoát từ chối bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào như vậy và không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Nga trên các vùng đất chiếm được từ Ukraine.
Nga đã coi hai tỉnh Lugansk và Donetsk mà Moscow chiếm đóng một phần vào năm 2014, là các quốc gia độc lập. Ukraine và phương Tây coi tất cả các khu vực của Ukraine do lực lượng Nga nắm giữ đều bị chiếm đóng bất hợp pháp.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU và các nước thành viên không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo chống lại Nga nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tham dự hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York nói với các phóng viên rằng thủ đoạn trưng cầu dân ý chỉ là một trò hề.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, phát biểu trước Đại hội đồng hôm thứ Ba 20 Tháng Chín, lên án cuộc xâm lược của Nga là gây bất ổn cho trật tự quốc tế. “Việc Nga xâm lược Ukraine là một hành vi chà đạp triết lý và nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc … Nó không bao giờ được dung thứ”, ông Kishida nói.
Ngay đến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, người đang làm trung gian giữa ông Nga và Ukraine cũng phản đối. Trả lời phỏng vấn đài PBS tại New York, ông Erdogan nói để có hòa bình ở Ukraine, điều rất quan trọng là Nga phải trả lại những vùng đất đã xâm chiếm. Ông cũng nhắc lại lập trường từ trước đến nay của Thổ Nhĩ Kỳ là bán đảo Crimea bị Nga thâu tóm năm 2014 phải được trả lại cho Ukraine. “Từ năm 2014 chúng tôi đã nói với ông bạn thân Putin như vậy và đó là điều mà hiện chúng tôi vẫn yêu cầu ông ta thực hiện”, ông Erdogan nói.
Sự phản đối của phương Tây chắc chắn không làm ông Putin thay đổi kế hoạch thâu tóm các vùng lãnh thổ chiếm được của Ukraine. Putin vốn không đếm xỉa gì tới công luận bên ngoài và sẵn sàng chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế nên chắc chắn ông ta vẫn sẽ hành động bất chấp hậu quả.
https://saigonnhonews.com
Sri Lanka tính vay thêm Trung Quốc, Ấn Độ để chi trả cho năng lượng
Aldgra Fredly
21/9/2022
Một người đàn ông vẫy quốc kỳ Sri Lanka khi anh đứng trên hàng rào chắn lối vào văn phòng tổng thống trong cuộc biểu tình ở Colombo, Sri Lanka, hôm 11/04/2022. (Ảnh: Eranga Jayawardena/AP Photo)
Bộ trưởng Điện và Năng lượng Kanchana Wijesekara cho biết Sri Lanka đang xem xét mua các tấm quang năng thông qua một hạn mức tín dụng từ Ấn Độ và Trung Quốc để bù đắp cho việc tăng giá điện.
Chính phủ Sri Lanka đã tăng 75% giá điện vào tháng Tám, lần tăng đầu tiên trong vòng chín năm, gây ra sự phản đối trong giới tăng lữ Phật giáo địa phương, những người đang chật vật để trả các hóa đơn tiền điện.
Tờ Daily Mirror đưa tin, Tăng đoàn Ramanya Nikaya thuộc tỉnh Trung ương cho biết họ sẽ tắt đèn ở tất cả các ngôi chùa trong tỉnh vào Ngày Poya — một lễ hội mang đậm tính truyền thống văn hóa của Phật giáo Sri Lanka — để phản đối việc tăng giá điện.
Trình bày trước quốc hội hôm thứ Ba (20/09), ông Wijesekara đề nghị sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và lắp đặt các tấm quang năng cho các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là những cơ sở trả tiền điện cao hơn.
Theo Press Trust of India, ông nói, “Chúng ta gặp vấn đề về ngoại hối, gây khó khăn cho việc thanh toán hàng nhập cảng. Một giải pháp mà chúng tôi phải nghĩ đến là có một hạn mức tín dụng từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc vì các tấm pin được nhập cảng từ họ.”
Hội đồng Điện lực Ceylon Sri Lanka (CEB) thuộc sở hữu nhà nước đang nợ nần chồng chất, nợ hơn 80 tỷ rupee (225 triệu USD) chi phí nhiên liệu và 46 tỷ rupee (129 triệu USD) khác cho các nhà cung cấp năng lượng tái tạo.
Cắt điện hàng ngày
Dân số 22 triệu người của Sri Lanka đang sống trong cảnh bị cắt điện hàng giờ đồng hồ mỗi ngày do chính phủ thiếu ngoại tệ trầm trọng để thanh toán cho các mặt hàng nhập cảng thiết yếu.
Ủy ban Tiện ích Công cộng Sri Lanka (PUCSL) cho biết đã lên lịch cắt điện 80 phút vào thứ Ba và thứ Tư, với lý do sản xuất điện không đủ do thiếu nhiên liệu.
Một vài tuần trước đó, PUCSL đã áp dụng việc cắt điện hôm 27/08 và 28/08, và sau đó kéo dài đến ngày 29/08 vì lý do tương tự. Sri Lanka cũng đã áp dụng hình thức cắt điện kéo dài 13 giờ trên toàn quốc vào tháng Ba, theo các bản tin địa phương.
Chủ tịch Liên minh Kỹ sư CEB Anil Ranjith cho biết trong cuộc họp báo hôm 15/09 rằng việc cắt điện liên tục của Sri Lanka có thể tiếp tục trong ít nhất ba năm nếu chính phủ từ chối tăng nguồn cung cấp điện cho quốc gia.
Economy Next đưa tin, ông nói: “Nhu cầu lên đến đỉnh điểm vào ban đêm. Nguồn điện chủ yếu đến từ thủy điện, nhiệt điện, và nếu có gió thì sẽ lấy năng lượng từ các nhà máy phong điện. Nếu chúng tôi không có than hoặc dầu, thì chúng tôi phải cắt điện.”
Ông Ranjith nói thêm, “Nếu chúng tôi không tăng nguồn cung cấp thông qua nhiệt điện, gió, [khí đốt tự nhiên hóa lỏng], than đá, hoặc năng lượng mặt trời, và tích trữ năng lượng, thì việc cắt điện sẽ tiếp tục.”
Thỏa thuận IMF
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó đã thông qua khoản cứu trợ 2.9 tỷ USD trong Khuôn khổ Quỹ Mở rộng 48 tháng mới để giúp khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô và tính bền vững nợ của Sri Lanka.
IMF cho biết thỏa thuận của họ với Sri Lanka phụ thuộc vào sự chấp thuận của ban lãnh đạo và ban điều hành IMF, cũng như sự bảo đảm tài chính từ các chủ nợ của Sri Lanka, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe nói với các phóng viên hôm thứ Hai (19/09) rằng Sri Lanka sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các chủ nợ lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, và Nhật Bản, cũng như các chủ nợ tư nhân.
Ông Wickremesinghe nói trong bài diễn thuyết của mình: “Trong khi chúng ta xem xét vấn đề nợ của mình, chúng ta cũng phải trả lại những gì chúng ta đã vay. Điều này có nghĩa là chúng ta cần 25 năm từ bây giờ đến năm 2048. Rồi khi chúng ta tròn 100 tuổi, thì xã hội này sẽ trở nên thịnh vượng.”
Theo Bộ Tài chính (pdf), Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng Năm. Quốc đảo này có 10 tỷ USD nợ song phương tính đến tháng Tám, trong đó 44% là nợ Trung Quốc. Nhật Bản nắm giữ 32% nợ của Sri Lanka, trong khi Ấn Độ nắm giữ 10% khác.
Sài Gòn bị lún nhiều gấp 4 lần Jakarta
Nghiên cứu của Đại học công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore cho thấy các thành phố ven biển ở Đông Nam Á đang lún với tốc độ nhanh nhất thế giới. TP.HCM bị lún nhiều gấp 4 lần Jakarta của Indonesia.
Người dân ở thủ đô Jakarta của Indonesia lội nước trong đợt ngập nghiêm trọng năm 2020 – Ảnh: USA TODAY
Ngày 20-9, báo Straits Times dẫn lời bà Cheryl Tay, một tác giả của nghiên cứu, nói rằng sự phát triển và đô thị hóa nhanh chóng của các thành phố ven biển làm tăng việc lấy nước ngầm để phục vụ nhu cầu về nguồn nước.
Việc này góp phần khiến các thành phố bị lún nhanh chóng. Trong bối cảnh mực nước biển dâng đang là mối đe dọa toàn cầu, việc các thành phố bị lún càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Nghiên cứu của NTU có sự hợp tác của Đại học New Mexico, ETH Zurich, Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA do Viện Công nghệ California (Mỹ) quản lý và đăng trên tạp chí Nature Sustainability.
Nghiên cứu theo dõi 48 thành phố qua hình ảnh vệ tinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2020 cho thấy mức lún trung bình là 16,2mm mỗi năm, trong đó một số thành phố lún đến 43mm.
Hiện tại, nước biển trên toàn cầu dâng 3,7mm mỗi năm. Powered by GliaStudio
Các nhà nghiên cứu so sánh các thành phố ven biển trên toàn thế giới và nhận thấy tốc độ sụt lún nhanh nhất là ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Theo nghiên cứu,Sài Gòn của Việt Nam lún với tốc độ 16,2mm mỗi năm, trong khi thủ đô Jakarta của Indonesia lún 4,4mm/năm. Việc lấy nước ngầm là nguyên nhân lớn nhất gây lún tại hai thành phố này, trong khi tại Sài Gòn việc nhiều tòa nhà tập trung tại những khu vực có nền yếu cũng góp phần gây lún.
Tại Singapore, mực nước biển trung bình đang tăng với tốc độ từ 3-4mm mỗi năm. Dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Singapore vào năm 2020 cho thấy mực nước biển ở đây đã tăng 14cm so với mức trước năm 1970.
Bà Tay nhận định sự sụt lún kết hợp với nước biển dâng có thể khiến tình trạng ngập tại các thành phố ven biển diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng và kéo dài hơn trong những năm tới.
“Ngập lụt có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và làm hư hại tài sản, cơ sở hạ tầng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, lũ lụt kéo dài có thể ảnh hưởng đến sinh kế khi làm hư hại đất nông nghiệp và buộc người dân phải chuyển đi nơi khác”, bà nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét