Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Hồng Dân - Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội ra sao khi đang tư bản hóa nông nghiệp?

VNTB – Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội ra sao khi đang tư bản hóa nông nghiệp?

Tư bản Hòa Lan là quốc gia đang “thôn tính” ngành chăn nuôi của Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Vốn tư bản đang đổ vào nông nghiệp

Đầu năm 2022, De Heus Genetics, một “ông lớn” trong lĩnh vực chăn nuôi từ Hòa Lan đã vận chuyển 2 lô heo giống thuần chủng với tổng cộng hơn 600 con heo giống từ Canada về Việt Nam bằng chuyên cơ riêng. Số heo này đã được đưa về trang trại heo giống De Heus Genetics ở Sơn La để nhân đàn.

Toàn bộ hơn 600 con heo giống được chọn lọc kỹ với khả năng sinh sản và nuôi con vượt trội, thích nghi tốt ở môi trường chăn nuôi của Việt Nam. Đây là một bước tiến nhằm đẩy mạnh chiến lược mở rộng sản lượng chăn nuôi heo công nghiệp tại Việt Nam của De Heus.


Trước đó, De Heus Genetics đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan, trở thành doanh nghiệp nước ngoài sở hữu nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nhất cả nước. Tiếp đó, De Heus cũng hợp tác với tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hàng loạt dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh… Quy mô các dự án của 2 tập đoàn này lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Những ngày cuối năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến bùng phát phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, đình trệ thì De Heus Việt Nam vẫn tất bật với việc tiếp nhận 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi mua lại từ Masan. Được biết, tổng công suất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi này lên tới gần 4 triệu tấn/năm, bao gồm số lượng thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) và thủy sản (cá, tôm)…

Tổng mức đầu tư cho các dự án tại Tây Ninh dự kiến khoảng 141,5 triệu USD, gồm: 2 trang trại gà bố mẹ (có công suất 25 triệu trứng/năm), 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn (có công suất 25 triệu gà thịt/năm); hệ thống chuỗi các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Lãnh đạo De Heus Việt Nam cho biết, từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục duy trì là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam, phát triển thêm nhiều các dự án mới để hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.

Đã hứa thì phải giữ lấy lời

Dường như trong câu chuyện ở trên người ta không thấy bóng dáng của cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam luôn miệng hô hào cho “nền kinh tế thị trường”.

Với những gì mà tập đoàn tư bản này đang mang đến cho người nông dân Việt Nam, tin chắc ai nấy cũng thấy rất rõ rằng nên “chơi cùng với ai” trong “thể chế chính trị” vẫn còn khá mơ hồ trên con đường “đi đến chủ nghĩa xã hội” mà Tổng bí thư đảng luôn kỳ vọng.

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp, hồi trung tuần tháng chín này, ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, cho biết De Heus đã có mặt ở Việt Nam được 12 năm, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi phân bố ở các vùng chăn nuôi lớn trên khắp cả nước.

“De Heus không trực tiếp chăn nuôi heo, không nuôi bò sữa, không nuôi cá, cũng không nuôi gà, nhưng chúng tôi luôn luôn hợp tác, đồng hành với người chăn nuôi Việt Nam”, ông Johan Van Den Ban khẳng định.

Tại Việt Nam, trong suốt thời kỳ đại dịch Covid 19 căng thẳng, nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là năm 2021. Trong đó người chăn nuôi bị thua lỗ rất nặng nề vì khó tiêu thụ, giá bán sản phẩm thấp. Thời điểm đó, De Heus đang tham gia một chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ.

Qua chuỗi liên kết, ông Johan Van Den Ban cho biết, đã cung cấp con giống gà màu, gà công nghiệp cho bà con và thu mua gà lông để cung cấp cho các nhà máy giết mổ. Tuy nhiên lúc đó, giá gà lông tại thị trường chỉ được dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá ký cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 29.000 đồng/kg.

“Nếu thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng. Nhưng De Heus vẫn thu mua gà lông cho bà con như với giá như cam kết. Giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì chúng tôi bán cho ai? Nhưng chúng tôi hiểu rằng, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi liên kết hợp tác, đã nói là phải làm” – Tổng Giám đốc De Heus cho rằng, khi tham gia chuỗi liên kết thì sự tin tưởng giữa các đối tác là rất quan trọng.

Nhờ giữ lòng tin với nhau, mà ở châu Âu đã có rất nhiều hợp tác xã thành công, như Tập đoàn Topigs Norsvin – doanh nghiệp hàng đầu cung cấp giống heo hậu bị của Hà Lan.

Chữ trinh của Kiều và niềm tin của dân

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính khách văn nhân thích lẫy Kiều.

Ngày 26-6-2006, phát biểu khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng lẩy Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!”.

Tháng 7-2011, mừng Chủ tịch Quốc hội khóa mới (Nguyễn Sinh Hùng), ông Nguyễn Phú Trọng lẩy hai câu Kiều: “Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày”…

“Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào…”. Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, đã lẩy Kiều để nhắc nhở cán bộ phải tỉnh táo, giữ mình trong sạch…

Và lòng tin của người dân vào chuyện người đứng đầu đảng cứ lẫy Kiều cho chuyện hứa hẹn đi lên chủ nghĩa xã hội ở tương lai, có lẽ giờ cũng chỉ là “chữ trinh còn một chút này” mà nàng Kiều đã nói khi tái ngộ tình cũ sau 15 năm lưu lạc…

Theo thiển kiến người viết, Kiều khéo lập luận “chữ trinh còn một chút này”… để an lòng Kim Trọng, chứ thật sự bề trong nàng muốn thủ tiết với Từ. Bởi, “Khéo là dở nhớp bày trò,/ Còn tình chi nữa, là thù đất thôi”…, Kiều như muốn nói ra rằng : “Nếu chàng cứ nhất định đòi giao tiếp xác thịt thì chỉ là bày trò nhơ nhớp, khiến cái tình cũ mà thiếp đã từng dành cho chàng 15 năm về trước, nay biến ra thù hận mà thôi! Hãy để cánh hoa này được phụng thờ linh hồn Từ Hải. Vì chính Từ đã từng vớt nó khi còn ở lầu xanh, đem nó về đưa lên ngôi tuyệt đỉnh, trân trọng nó, và chết đứng vì nó. Hãy giữ trong lòng cô Kiều ở tuổi cặp kê, và để yên cho cái thể xác của Kiều sau 15 năm luân lạc này!…

Nhìn rộng hơn, có lẽ đây cũng là tâm sự của Tiên Điền tiên sinh khi mà thể xác mặc triều phục nhà Nguyễn, nhưng trong lòng vẫn hoài vọng vua Lê.

Người dân mình cũng vậy thôi, tư bản thật sự tốt đẹp thì hà cớ gì cam chịu “ngu trung” đeo đuổi một chủ nghĩa mà giờ cũng chỉ là hoài vọng của những người cộng sản bảo thủ…

https://vietnamthoibao.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét