Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Việt Nam: Vụ cô giáo ở Quy Nhơn tự vẫn cho thấy áp lực nặng nề của nhà giáo

Vụ cô giáo ở Quy Nhơn tự vẫn  cho thấy áp lực nặng nề của nhà giáo

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA edited 

“Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ tiếc một cái nghề cao quý này, quá kinh tởm…”

Lời một cô giáo ở trường THCS Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn) để lại trong bức thư tuyệt mệnh khiến nhiều giáo viên đồng nghiệp cảm thấy xót xa, tức giận mà cũng đồng cảm cho hoàn cảnh của một nhà giáo chịu sức ép, đến mức phải tự vẫn.

Công đoàn ở đâu?

Ngày 24/9, người dân phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn phát hiện thi thể được xác định là giáo viên tên P., chết do uống thuốc tự tử, cùng với bức thư tuyệt mệnh của cô giáo này.


Trong bức thư để lại, cô P. (33 tuổi), nói về những áp lực mà một giáo viên bình thường phải chịu đựng:

“Sau những áp lực công việc mà giáo viên phải lên lớp, giảng dạy…, hồi hộp không biết có tên mình sai sót trong đó không. Trong khi thời gian quá ít mà lượng công việc quá nhiều. Bao nhiêu thứ giáo viên là người chịu.”

Tuy nhiên, đó không phải là nguyên do chính khiến cô giáo này quyết tự vẫn. Cũng theo nội dung bức thư thì “Có một việc mà em không thể chấp nhận được, đó là điều khiến em phải ra đi hôm nay. Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ tiếc một cái nghề cao quý này, quá kinh tởm…”

Facebooker Lã Minh Luận, là một giáo viên đã về hưu, bức xúc chất vấn Ban giám hiệu trường THCS Hải Cảng  trên trang Facebook cá nhân:

“Vì sao cô ấy không thể chấp nhận được thái độ hành xử của các vị mà khiến cô ấy phải quyên sinh? Các vị không vô can...

Nếu Ban giám hiệu có thành kiến với cô ấy thì tôi muốn hỏi trách nhiệm của Công đoàn trường - người đại diện chăm lo quyền lợi cho người lao động ở đâu? Tổ trưởng chuyên môn ở đâu mà không ở bên, giúp đỡ tinh thần cô ấy (nếu cô ấy mắc lỗi)? Hay các vị cũng chỉ vây quanh Ban giám hiệu, người có chức quyền... mà cô lập, bỏ rơi đồng nghiệp của mình?

Một giáo viên ở Hà Nội, muốn giấu danh tính, cho biết trường nào cũng có công đoàn. Nhưng việc làm chính của công đoàn chỉ là xem nhà ai có tang thì đi phúng viếng, xem ai nằm viện thì cho cái phong bì…

“Công đoàn không có tác dụng gì hết, hoàn toàn không bảo vệ được cho giáo viên. Thậm chí họ còn độc ác, trở thành cánh tay nối dài của lãnh đạo, rất độc ác và vô cảm.”

Đồng nghiệp đồng cảm

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội, nói với RFA rằng ông phẫn nộ khi hay tin  này:

“Cái chết của cô giáo ở Quy Nhơn vừa rồi gây phẫn nộ rất nhiều. Đối với chúng tôi đó là điều rất đau lòng.

Tuy nhiên giá như cô ấy đăng lên mạng xã hội, chia sẻ với các thầy cô khác trên cả nước, với gia đình, bạn bè để tìm ra cách đấu tranh tốt nhất để thoát khỏi các áp lực thì tốt hơn là cô ấy phải tự sát như vậy”

Giáo viên giấu tên chia sẻ rằng cô đồng cảm với nỗi uất ức mà giáo viên ở Quy Nhơn phải chịu đựng, bởi chính cô cũng đã từng trầm cảm vì những áp lực trong môi trường làm việc:

“Tôi hoàn toàn đồng cảm và hiểu được lý do vì sao cô giáo viên ấy lại nghĩ đến việc tự vẫn. Cho nên mấy ngày hôm nay tôi cứ suy nghĩ mãi rằng mình có nên lập nên một nhóm gồm những giáo viên những giáo viên bị chèn ép để chia sẻ với nhau hay không. Nhưng chỉ mới nghĩ tới ý đó, chỉ cần tôi nói ra ý nghĩ đó chắc có lẽ một tuần sau là tôi vào tù luôn.”

000_1QZ1QZ.jpg

Giáo viên và học sinh trong một lớp học ở trườn Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020 (hình minh hoạ). AFP 

Áp lực tứ phía 

Với gần 20 năm trong nghề giảng dạy, cô giáo giấu tên cho biết một giáo viên bình thường hiện nay phải chịu áp lực từ “tứ phía”, từ phía học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và cả dư luận xã hội:

“Một người không có chức vụ gì trong một cơ sở giáo dục thì họ phải làm rất nhiều việc. Họ phải trực tiếp dạy dỗ học sinh và đồng thời cũng phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm tất cả mọi thứ đối với học sinh và cả phụ huynh nữa.

Ví dụ như là điểm số, thành tích học tập, học sinh có ngoan hay không, làm sao để không ảnh hưởng đến thành tích chung cả lớp.”

Chủ tịch Thành phố Quy Nhơn, vào ngày 26/9, lên tiếng với truyền thông trong nước rằng trước khi xảy ra vụ tự tử một ngày, cô P. phải kiểm điểm, giải trình về việc có phụ huynh buộc nhà trường làm rõ việc con của họ bị cô giáo P. đánh.

Nếu những áp lực từ khối lượng công việc, từ học sinh và phụ huynh mà được đồng nghiệp chia sẻ, cảm thông cho nhau thì cũng không đến mức đẩy cô giáo ở Quy Nhơn đến mức phải tự vẫn. Giáo viên giấu tên nói:

“Nhưng ngược lại, cái cơ chế này đã được định hình là những cá nhân không có tiếng nói phải tự tìm cho mình cách an toàn nhất để tự bảo vệ họ. Cho nên, khi đồng nghiệp bị vùi dập, bất công thì không ai dám lên tiếng.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, từng là nạn nhân của sự trù dập, o ép trong môi trường sư phạm nói rằng tất cả các áp lực, từ công việc, từ đồng lương ít ỏi của nghề giáo, ông đều sẽ vượt qua được hết nếu được làm việc trong một môi trường giáo dục đúng nghĩa, mọi người biết tôn trọng nhau:

“Nhưng rất tiếc là có rất nhiều trường học trên cả nước, hiệu trưởng trở thành những tên côn đồ, lưu manh, đê tiện, tiểu nhân, hãm hại người, lừa đảo phụ huynh học sinh, hãm hại giáo viên. Chuyện đó là không hề thiếu và trường hợp của tôi có lẽ là một trường hợp điển hình.”

Nói về trường hợp của mình, thầy Khoa cho biết do ông từng tố cáo hiệu trưởng nơi ông từng công tác làm việc sai quy định, quan hệ bất chính và có con ngoài giá thú… nên đã bị cô lập, trù dập, đe doạ suốt nhiều năm liền.

Dù có gởi đơn khiếu nại, tố cáo lên lãnh đạo Bộ giáo dục, thậm chí ra cả toà án… nhưng cũng chẳng ai giải quyết cho.

Tính từ đầu năm 2020 cho đến nay, theo báo chí trong nước, TPHCM có hơn 5.500 viên chức nghỉ việc. Trong đó, khối ngành giáo dục chiếm hơn 2.400 người.

Ở Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, có 1.218 giáo viên nghỉ việc. Cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh Bình Dương có 527 giáo viên xin nghỉ.

Hà Nội, Gia Lai… cũng báo cáo nhiều trường hợp giáo viên nghỉ việc.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục, được Vietnamnet dẫn lời cho biết việc giáo viên chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân như thu nhập thấp cộng thêm áp lực từ phụ huynh và xã hội rất lớn.

Làm gì khi bị o ép?

Để tránh tình trạng đáng tiếc như trường hợp của cô giáo ở Quy Nhơn, khi giáo viên gặp phải những vấn đề như bị cấp trên đì, đồng nghiệp cô lập… theo nhà giáo giấu tên, điều cần thiết là cần tìm chia sẻ câu chuyện của mình cho cộng đồng giáo viên, sẽ có người đồng cảm và san sẻ với mình. Sau đó, giáo viên cần có kiến thức để đấu tranh đòi quyền lợi theo đúng pháp luật:

“Trước tiên phải có một cộng đồng hoặc những người đồng nghiệp ở xung quanh chia sẻ…

Sau đó, người giáo viên này phải biết cách tìm đến luật sư, tìm hiểu pháp luật để đấu tranh pháp lý với cấp trên. Hiểu rõ pháp luật và các quyền cơ bản của mình để soi ra được là các quy định do đơn vị mình làm việc ban hành nó đúng hay sai để mà đấu tranh lại.”

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, nếu muốn đấu tranh đòi quyền lợi, nhà giáo cần phải xác định luôn rằng phần thắng là rất khó. Nếu không chịu được áp lực thì hãy mạnh dạn tìm công việc khác:

“Đầu tiên là các thầy cô đó phải lượng sức đấu tranh trong phạm vi của mình.

Sau đó phải biết nhờ các nhà báo hay luật sư và các lực lượng xã hội có thể trợ giúp mình trong cuộc đấu tranh này, nhưng phải tôn trọng pháp luật.

Sau tất cả các biện pháp đấu tranh mà không được thì thầy cô nên dũng cảm rời bỏ ngành giáo dục, chuyển sang một môi trường khác.”

Chuyện giáo viên kiện cấp trên mà giành phần thắng dù ít, nhưng cũng không phải là chưa từng có ở Việt Nam.

Điển hình là vụ năm giáo viên ở huyện Krong Pak, Đak Lak thắng kiện, buộc nhà trường và UBND huyện này bồi thường tổng cộng 1,2 tỷ đồng.

Do UBND tỉnh Đắk Lắk ồ ạt tuyển giáo viên khiến tỉnh này dư đến khoảng 600 giáo viên từ năm học 2011-2016, khiến lãnh đạo tỉnh này phải đơn phương chấm dứt hợp đồng với khoảng 500 giáo viên.

Năm người này khởi kiện vì bị cho nghỉ việc hồi năm 2018, dù không vi phạm kỷ luật.

https://www.rfa.org/vietnamese


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét