Hồi đó, trước năm 1975, người dân Miền Nam khi vào bịnh viện có ai dám đưa tiền cho bác sĩ, y tá, bác sĩ đâu. Không dám bởi vì sợ, không phải sợ uy vũ, không phải sợ chức tước, tiền bạc. Họ sợ hành động đó xúc phạm người trong ngành y tế. Không vị bác sĩ, y tá nào nhận tiền của bệnh nhân như thế cả. Đó là thời bác sĩ, y tá, các nhân viên y tế tận tâm nhẹ nhàng chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhân nhìn bác sĩ, y tá đầy vẻ cám ơn và tôn trọng. Người ta đối xử nhau một cách tự trọng, cao thượng và cùng nhau giữ gìn nếp sống đó.
Sau năm 1975, chế độ tem phiếu đưa từ miền Bắc vào miền Nam tỏ rõ tác dụng. Người ta tính với nhau chi li từng lạng thịt lạng mỡ, từng gói đường nửa kí-lô, từng mét vải thô xấu… Trong bịnh viện, trước mặt các bệnh nhân và người nhà nằm chen chúc, các cô y tá bàn cách cân đong đo đếm nhu yếu phẩm, chia nhau từng bịch đường, miếng thịt, từng túi ni-lông con con đựng mỡ… Có khi người ta còn chửi rủa nhau, hay thậm chí đánh lộn nhau vì các thứ đó!
Trong một xã hội thiếu thốn và tiếng nói người dân ít được tôn trọng, kẻ có quyền trên người khác một chút tìm mọi cách vòi tiền. Bước ra xã hội là đối mặt với nhũng nhiễu, với tham nhũng được núp dưới mỹ từ “bồi dưỡng”. Từ núp dưới dạng này dạng khác, tham nhũng đã đường hoàng bước ra trở thành văn hoá của cả một xã hội, nhất là khi xã hội bắt đầu có tiền của hơn!
Vâng, chưa tới năm chục năm sau khi Việt Nam thống nhất, tham nhũng đã đường hoàng trở thành văn hoá chính thức của xã hội. Báo chí chính thống không quan tâm đủ mức tới mối hoạ này, nhưng hiện thực xã hội xảy ra độc lập với báo chí chính thống!
Hiện thực đó được phản ảnh chân thực trong sinh hoạt xã hội tại công sở nhiều cấp, nơi người dân, doanh nghiệp có việc liên hệ cần sự hỗ trợ của giới chức trách. Hiện thực này xuất hiện sinh động dưới muôn hình muôn vẻ, tất cả đều nhằm mục đích lấy tài sản chung, tài sản của người dân bỏ vào túi riêng người có quyền hành. Nếu nhìn thẳng vào mắt nhau và nói trung thực với nhau, xin được hỏi có mấy phần trăm dân số không tin rằng tham nhũng là một thành tố quan trọng vận hành xã hội Việt Nam?
Hiện thực đó vừa được thực chứng và thực nghiệm bằng một logo nhái. Từ logo chính thức của Bộ Y tế, logo nhái vẽ hình con rắn truyền thống của ngành Y tế ngậm phong bì. Nếu nhìn thẳng vào mắt nhau và nói trung thực với nhau, có mấy phần trăm dân chúng thấy hình logo sửa đổi đó mà không nghĩ phong bì chứa tiền đút lót, tiền lại quả, tiền tham nhũng?
Bài viết này tin rằng nếu tiến hành một thăm dò ý dân công khai và trung thực, câu trả lời thu được sẽ là rất nhiều người nghiêng về ý rằng độ tham nhũng trong xã hội quá cao!
Giả sử một thăm dò ý dân được tổ chức và kết quả như dự đoán nói trên, chúng ta phải rất đau lòng.
Để một xã hội từ tình trạng trong sạch, tự trọng, cao thượng chuyển thành một xã hội mà tham nhũng hoành hành, mà cách hành xử chung thiếu tự trọng, bất chấp các giá trị đạo đức cao đẹp truyền thống và văn minh, sự chuyển đổi đó phải chịu tác động từ nhiều mặt. Trong nhà trường đạo đức không được coi trọng. Ngoài xã hội, gương xấu nhan nhản. Chốn công quyền, sự nhũng lạm, dối trá ở mức một nền hành chánh hữu hiệu, trong sạch không thể chấp nhận. Câu thành ngữ, cũng là quan điểm chính của bất kỳ nền quản trị tiến bộ nào, nêu rõ: đạo đức là từ cấp cao nhất (from the top). Sự điều hành chung xã hội phải chịu trách nhiệm rất lớn!
Sự chuyển đổi nói trên, tức là sự suy thoái đạo đức xã hội, xảy ra theo tốc độ hàm số cấp hai với nhánh parabol hướng về cực âm. Sự suy thoái chậm thời gian đầu, tới mức độ nào đó sẽ rất nhanh. Khi nào tới mức không còn sửa chữa được nữa?
Giới chức trách nếu thực sự vì dân, vì nước cần xem logo Y tế sửa đổi là một tiếng kêu cảnh tỉnh thống thiết. Không nên xem là thế lực thù địch, cũng bỏ hẳn não trạng phe ta phe địch. Cần thực lòng tự hỏi tiếng kêu này phản ảnh sự thực như thế nào? Có phải chỉ phản ảnh sự thực của ngành Y tế, hay ở mức độ rộng hơn và sâu hơn?
Cần làm rất nhiều việc để con rắn không thể ngậm phong bì. Cần không để những con rắn đó chui vào bộ máy công!
Một sự cải cách toàn diện có cần thiết để chấn hưng quốc gia?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét