Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 30 tháng 9 năm 2022

Thái Hà tổng hợp

Bắc Hàn thử hàng loạt tên lửa sau chuyến thăm của bà Kamala Harris

Harris at the DMZ

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Phó tổng thống Mỹ đến thăm khu vực chia cắt cả hai miền Triều Tiên

Bắc Hàn thực hiện một vụ thử tên lửa bị cấm khác, chỉ vài giờ sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, quân đội Hàn Quốc cho biết.

Hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được bắn vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Bắc Hàn, trong lần vi phạm thứ ba các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong tuần này.


Vụ thử diễn ra sau chuyến thăm của bà Harris tới khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.

Đây là một năm kỷ lục về các vụ thử tên lửa ở Bắc Hàn, và vụ phóng mới nhất đã được lên lịch để gửi một thông điệp.

Các vụ phóng được thực hiện khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung trong tuần này quanh bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, hôm thứ Năm, bà Harris đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngay sau khi bà đến thủ đô Seoul.

Cả hai đều lên án hành động của Bình Nhưỡng.

Trong một tuyên bố của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã chỉ trích "các phát biểu mang tính khiêu khích về hạt nhân và các vụ phóng tên lửa đạn đạo" của Bình Nhưỡng, đồng thời "tái khẳng định sự liên kết của họ ... và mục tiêu của việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".

Phó tổng thống Mỹ cũng "nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ [Hàn Quốc] ... và hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ [giữa hai nước]".

Với việc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bắc Hàn và Mỹ bị đình trệ từ lâu, các vụ phóng tên lửa này là một phần trong sự leo thang của Bắc Hàn, trong đó Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo và tinh chỉnh vũ khí, trong khi Washington tăng cường phòng thủ.

Các vụ phóng tên lửa tuần này - tên lửa đầu tiên được phóng vào Chủ nhật trước khi cuộc tập trận hải quân bắt đầu, tiếp theo là hai tên lửa trước chuyến thăm của bà Harris và hai giờ cuối cùng sau khi bà rời đi - là tên lửa đầu tiên được phóng kể từ đầu tháng Sáu, nhưng Bắc Hàn đã phóng thử hơn 30 tên lửa cho tới nay, riêng trong năm 2022. Nhiều hơn bất cứ năm nào khác. 

Các chuyên gia tin rằng các vụ phóng là để trả đũa cuộc tập trận hải quân chung khi Washington và Seoul tăng cường bảo vệ Hàn Quốc - cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày là cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ kể từ năm 2017.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng hồi đầu tuần, Đại sứ Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc Song Kim đã chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc về các cuộc tập trận quân sự, cho rằng họ đang đưa bán đảo này đến "bờ vực chiến tranh". 

Ông này nói rằng "chính sách thù địch" của Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn là lý do khiến thế giới hiện đang "bước vào một giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều".

Hàn Quốc và Mỹ từ lâu đã bảo vệ các cuộc tập trận chung, nói rằng mụch đích là nhằm ổn định khu vực.

Sự quyết đoán của Bắc Hàn - một quốc gia cộng sản bí mật - đối với việc sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng - và điều đó khiến Mỹ và Hàn Quốc lo ngại.

Đầu tháng này, Bắc Hàn đã thông qua luật tuyên bố mình là một quốc gia có vũ khí hạt nhân. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đất nước của ông sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hoặc tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân.

Luật này cũng cho phép Bắc Hàn nổ súng trước, trong một loạt các kịch bản. Cho đến gần đây, Bắc Hàn luôn tuyên bố vũ khí của mình là nhằm ngăn chặn chiến tranh.

Trong nhiều tháng, thông tin tình báo của Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Bắc Hàn sẵn sàng thử vũ khí hạt nhân nhưng đang chờ thời cơ chính trị.

Đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ bảy và là lần đầu tiên trong năm năm. Hôm thứ Tư, cơ quan gián điệp của Hàn Quốc nói với các chính trị gia rằng vụ thử hạt nhân có thể xảy ra từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, có khả năng xảy ra trong thời điểm diễn ra giữa đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc và trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.

Tổng thống Yoon, người nhậm chức vào tháng Năm, đã tập trung vào việc tăng cường quan hệ đồng minh của Hàn Quốc với Hoa Kỳ để đối phó với mối đe dọa do Bắc Hàn gây ra.

Mỹ : Bão Ian tàn phá bang Florida

Bão Ian hất tung một chiếc thuyền vào khu nhà dân, ở Fort Myers, Florida, Hoa Kỳ, ngày 29/09/2022. REUTERS - MARCO BELLO 

Bão Ian thổi qua bang Florida hôm 09/09/2022. Nhiều thành phố bị tàn phá, ít nhất 12 người chết. Không dưới 2,3 triệu căn hộ vẫn bị mất điện. Đây là trận bão gây thiệt hại nhân mạng cao nhất tại bang này từ trước tới này. Tổng thống Joe Biden chuẩn bị đi thị sát tình hình tại chỗ và đã ban bố « tình trạng thiên tai ». 

Thông tín viên David Thomson, từ Miami, bang Florida tổng kết thiệt hại về vật chất do bão Ian gây nên :

« Chung quanh những thành phố bị thiệt hại, tại Fort Mayer với 80.000 dân hay Naples nơi có 20.000 người cư ngụ, thống đốc Ron DeSantis thẩm định phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống đường dây điện tại hai địa điểm này. Đây là những điểm đầu tiên bão đã thổi đến. Tàu thuyền bị gió hất tung vào bờ, rơi vào nhà ở của dân. Cây cối bị tróc gốc. Cột điện, bảng chỉ đường sập hết. Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá.

Đảo Sanibel chẳng hạn, một điểm thu hút du khách, giờ đây hoàn toàn bị cô lập : cây cầu duy nhất dẫn vào đất liền đã bị gió thổi tung. Sức gió có lúc lên tới 240 km/giờ. Mực nước biển dâng cao đến 3 mét. Thiệt hại về vật chất và nhân mạng khiến các giới chức địa phương lo ngại. Trước khi bão Ian thổi đến bang Florida, hai triệu rưỡi dân cư trong vùng được lệnh di tản tránh bão, nhưng nhiều người đã ở lại nhà. Nhân viên cứu hộ không thể can thiệp khi họ nhận được hàng ngàn lời kêu cứu một khi bão đổ vào đất liền.

Theo lời tổng thống Joe Biden đây có lẽ là trận bão gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của bang Florida. Tuyên bố này của tổng thống có thể là bi quan. Riêng thống đốc bang Florida thì cho rằng cho đến lúc này, còn quá sớm để đưa ra bản tổng kết thiệt hại nhân mạng».

Ai là thủ phạm vụ phá hoại 2 đường ống Nord Stream ở biển Baltic ?

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde, thủ tướng Magdalena Andersson và bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hultqvist họp báo về vụ rò rỉ khí đốt ở biển Baltic tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 27/09/2022. via REUTERS - TT NEWS AGENCY 

Hai hôm sau các vụ rò rỉ đầu tiên từ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 dưới biển Baltic, với thông tin về một vụ rò rỉ thứ tư vừa được loan báo hôm nay, 29/09/2022, các chính phủ cũng như giới chuyên gia hầu như nhất trí cho rằng đây là một vụ phá hoại. Tuy nhiên, vấn đề thủ phạm là ai vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhất là khi giới điều tra chưa thể tiếp cận được hiện trường vụ phá hoại. 

Cho đến lúc này, các nước có liên quan hầu như đều dùng đến từ ngữ “nước ngoài” để gọi thủ phạm vụ phá hoại, nhưng không xác định rõ đó là nước nào. Hôm nay Nga cho biết họ nghi ngờ có bàn tay nước ngoài trong vụ phá hoại 2 đường ống Nord Stream. Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhận định như sau: “Rất khó mà tưởng tượng ra rằng một hành động khủng bố như vậy có thể diễn ra mà không có sự tham gia của một nhà nước”.

Trước Nga, vào hôm qua, Thụy Điển và Phần Lan cũng nghi có sự dính líu của một thế lực ngoại quốc vào vụ phá hoại. Trong lúc cơ quan tình báo Thụy Điển Sapo “không loại trừ việc một cường quốc nước ngoài” liên can đến vụ việc, thì ngoại trưởng Phần Lan cũng nhận định: “Quy mô của hành động quan trọng đến mức chắc chắn phải có một tác nhân chính phủ đứng phía sau”.

Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 28/09 đã nêu lên một số giả thuyết về cách thức các thủ phạm thực hiện vụ phá hoại, từ việc cho người nhái xuống đặt chất nổ, cho thả mìn từ một chiếc tàu trên mặt nước, cho đến việc dùng các phương tiện tối tân hơn, như tàu lặn tự hành hay loại thiết bị ROV điều khiển từ xa.

Riêng đối với Le Monde ngày 29/09, nơi tiến hành vụ phá hoại có độ sâu 70 mét dưới mặt biển, dù không phải là vấn đề ngoài tầm với của một quân đội chuyên nghiệp, nhưng đó là một công việc phức tạp, không dễ thực hiện. Ông Lion Hirth, giáo sư tại Trường Hertie ở Berlin, được AFP dẫn lời xác nhận: “Làm hỏng hai đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển là một công việc nặng nề, vì vậy rất có thể có sự can dự của một tác nhân nhà nước”.

Câu hỏi đặt ra là tác nhân nhà nước nào có đủ năng lực kỹ thuật để tiến hành vụ phá hoại ?

Theo nhận định của Le Monde, nghi phạm đầu tiên được mọi người nghĩ tới chính là Nga, nước đã dùng khí đốt làm vũ khi bắt chẹt Châu Âu từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraina. Quốc gia nhanh chóng lên tiếng vạch tội Nga chính là Ukraina, nhưng Kiev chỉ cáo buộc suông mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Còn đối với chuyên gia phân tích hải quân độc lập HI Sutton, “Hải Quân Nga hiện có hạm đội tàu ngầm do thám lớn nhất thế giới, đặt bản doanh tại Bắc Cực. Tàu ngầm Nga hoàn toàn có thể phá hỏng một đường ống dẫn khí dưới biển Baltic”.

Dù không nêu tên Nga trong vụ này, bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov vào hôm qua cũng nói đến việc “Nga có sự hiện diện quân sự quan trọng ở Biển Baltic”.

Bị tình nghi, Matxcơva đã nhắc lại rằng chính khí đốt của Nga đã bị thất thoát ra khỏi đường ống bị rò rỉ, trong lúc tập đoàn Nga Gazprom có liên quan chặt chẽ đến các đường ống.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây rất có thể là một đòn cảnh cáo khác của tổng thống Nga Putin nhắm vào Liên Âu, muốn cho thấy rằng Matxcơva hoàn toàn có khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của châu Âu.

Các nước EU tạm đồng ý về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga 

Reuters 

Cờ EU tại Brussels, Bỉ

Cờ EU tại Brussels, Bỉ 

Các nước Liên hiệp châu Âu đạt được thỏa thuận ban đầu về vòng trừng phạt thứ tám của khối đối với Nga vì gây ra chiến tranh xâm lược Ukraine, ba nguồn tin ngoại giao nói với Reuters hôm thứ Sáu 30/9.

Cơ quan hành pháp EU hồi đầu tuần này khuyến nghị rằng khối này cần áp đặt thêm các biện pháp hạn chế thương mại và đưa thêm các cá nhân vào sổ đen, và hướng tới - thay vì áp dụng ngay lập tức - biện pháp giới hạn giá đối với dầu của Nga đi bằng đường biển đến các nước thứ ba, hầu hết số dầu này được các công ty châu Âu bảo hiểm.

Các đại sứ của 27 nước EU tại Brussels đã thảo luận về đề xuất này hôm 30/9 và họ đã bước đầu bật đèn xanh, dự kiến việc chuẩn thuận cuối cùng sẽ diễn ra vào tuần tới, ba nguồn tin cho biết.

Các nguồn tin giấu tên cho hay 27 nước cần có sự nhất trí hoàn toàn mới áp đặt các biện pháp trừng phạt, và nếu họ có sự khác biệt khó vượt qua được, vấn đề sẽ được đưa ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo quốc gia của khối ở Praha vào ngày 6-7/10.

Trong khối EU, Hungary là nước chỉ trích mạnh mẽ nhất các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt mới được tính đến vì gần đây đã có thêm các bước leo thang của Moscow trong cuộc chiến kéo dài 7 tháng: đó là lệnh động viên quân, lời đe dọa hạt nhân và động thái tiến tới chính thức sáp nhập vào Nga một phần lớn lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.

(Reuters)

Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang từng bước tiến hành thôn tính các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine. Trong 5 ngày qua, dưới sự giám sát của binh sĩ có vũ trang, cư dân của các tỉnh Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Luhansk được cho là đã “bỏ phiếu áp đảo” để sáp nhập vào Nga. Vào thứ Sáu, ông Putin dự kiến ​​sẽ tổ chức một buổi lễ tại Điện Kremlin và tuyên bố chủ quyền đối với tất cả bốn tỉnh, mặc dù không kiểm soát toàn bộ tỉnh nào trên thực địa. Đây sẽ là cuộc thôn tính lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Các cuộc trưng cầu dân ý giả được Nga công bố một cách vội vàng hồi giữa tháng 9 trong bối cảnh thất bại đáng xấu hổ trên chiến trường. Cùng với lệnh động viên một phần và lời đe dọa dùng hạt nhân, Nga đang làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang không kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói việc sáp nhập sẽ không làm thay đổi mục tiêu giải phóng nhân dân và lãnh thổ của ông. Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền của Nga sẽ khép lại mọi triển vọng đàm phán trong tương lai.

EU họp sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream

Chương trình nghị sự cho cuộc họp các bộ trưởng năng lượng châu Âu vào thứ Sáu vốn dĩ đã rất dày đặc. Nhưng rồi Nord Stream 1 và 2, hai đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Đức, bị phá hoại. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã hứa sẽ có “phản ứng cứng rắn nhất có thể.” Hành động phá hoại ngay lập tức tô đậm điểm yếu năng lượng của châu Âu, và khiến việc hoạch định chính sách trở nên khó khăn hơn.

Phần còn lại của chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc hạn chế tăng giá khí đốt và điện. Các bộ trưởng sẽ thảo luận cách chi trả cho các khoản này, có lẽ là thông qua việc áp thuế các công ty năng lượng. Họ cũng sẽ thảo luận về việc giảm nhu cầu điện, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Ý tưởng gây tranh cãi nhất là giới hạn giá khí đốt: trên diện rộng hoặc chỉ đối với hàng nhập khẩu Nga. Nhưng các cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream – lời nhắc nhở về khả năng tiến hành chiến tranh năng lượng của Nga – khiến triển vọng đường dài của khí đốt Nga ngày càng xấu đi.

Cuộc đua thống đốc bang Texas 

Thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa của Texas, Greg Abbott, sẽ tranh luận với đối thủ Dân chủ, Beto O’Rourke, vào tối thứ Sáu. Được biết đây là cuộc tranh luận duy nhất trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11, và sẽ được tổ chức ở Edinburg, một thị trấn biên giới ở miền nam Texas. Địa điểm này, vốn do nhóm của ông Abbott chọn, sẽ cho phép ông nhấn mạnh các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư bất hợp pháp, vốn là trọng tâm tranh cử của đương kim thống đốc.

Ở phía còn lại, ông O’Rourke muốn khai thác nỗi tức giận của cử tri trước các thay đổi về luật phá thai và súng của Texas. Ván cược của ông Abbott là cử tri sẽ quan tâm nhiều hơn đến lạm phát và nhập cư bất hợp pháp. Có lẽ ông đúng, khi thăm dò gần đây đều cho thấy ông dẫn trước O’Rourke từ bảy đến tám điểm. Quan điểm Nhà Trắng thờ ơ trước tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã khiến nhiều cử tri gốc Tây Ban Nha chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Xem ra đảng Dân chủ đã quá lạc quan khi kỳ vọng thay đổi nhân khẩu học sẽ khiến Texas chuyển xanh.

14 phụ nữ Việt Nam được Philippines giải cứu khỏi đường dây buôn người 

VOA Tiếng Việt 

Người mẫu tại một casino ở Philippines. Ngành cá cược trực tuyến ở Philippines đang thu hút nhiều lao động từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhưng cũng gây tranh cãi vì những điều tiếng và hoạt động mờ ám trong ngành này.

Người mẫu tại một casino ở Philippines. Ngành cá cược trực tuyến ở Philippines đang thu hút nhiều lao động từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhưng cũng gây tranh cãi vì những điều tiếng và hoạt động mờ ám trong ngành này. 

Cảnh sát Philippines vừa giải cứu 24 nạn nhân buôn người, trong đó có 14 phụ nữ Việt Nam và 10 phụ nữ Trung Quốc, khỏi hai nghi phạm người Trung Quốc được cho là đã giam giữ họ ở thành phố Paranaque của nước này.

Các nạn nhân đã được cảnh sát giải cứu trong một cuộc đột kích vào khu chung cư ở Barangay Tambo vào khoảng 11 giờ 30 tối 27/9, truyền thông Philippines dẫn lời Trung tướng Jose Chiquito Malayo, người phụ trách Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), cho biết.

Malayo nói vụ đột kích xuất phát từ một tin tình báo cho hay có một số phụ nữ châu Á bị giam giữ ngoài ý muốn trong 3 căn hộ của tòa nhà chung cư ở Tambo.

Hai người đàn ông Trung Quốc đang canh gác các nạn nhân đã bị bắt trong cuộc đột kích. Cảnh sát Philippines cho biết họ đang chuẩn bị các cáo buộc hình sự đối với Du Wei, 36 tuổi, và Fang Zeng, 28 tuổi.

Các nạn nhân cho biết họ đã được hứa hẹn về công việc “nhẹ nhàng, lương cao” tại Philippines nhưng sau đó bị ép phải hành nghề mại dâm.

Hiện các nạn nhân đã được chuyển đến Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển để được thẩm vấn và tư vấn.

Đầu tuần này, Philippines cho biết họ có ý định đóng cửa 175 công ty cá cược trực tuyến và trục xuất khoảng 40.000 công dân Trung Quốc đang làm việc cho họ, do những áp lực lên chính phủ về việc trấn áp nạn cá cược trực tuyến đầy mờ ám, theo Diplomat.

Hôm 29/9, Tập đoàn Giải trí và Trò chơi Philippines (PAGCOR) lên tiếng nói rằng những người Việt và Trung Quốc bị bắt được cho là có liên quan đến trò chơi trực tuyến bất hợp pháp không liên quan đến hoạt động Nhà điều hành trò chơi ngoài Philippines” (POGO).

“Cơ quan nhấn mạnh rằng bất kỳ cá nhân, nhóm hoặc tổ chức nào tiến hành cá cược trực tuyến mà không được PAGCOR chấp thuận hoạt động sẽ không được xếp loại là POGO”, cơ quan quản lý trò chơi của Philippines cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Tư pháp Philippines ước tính có khoảng 40.000 công nhân POGO vẫn ở trong nước ngay cả khi giấy phép hoạt động của 175 công ty POGO đã bị chấm dứt.

Trong khi đó, hồ sơ PAGCOR cho thấy có 120.976 công nhân POGO tại Philippines vào năm 2020. Trong số này, có 69.613 người Trung Quốc, 3.000 người Việt Nam, 2.400 người Indonesia, 1.700 người Đài Loan, 1.200 người Malaysia, và số còn lại đến từ 44 quốc gia khác.

Tòa Thái Lan ra phán quyết 'có lợi cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha'

Ông Prayut Chan-o-cha 

Nguồn hình ảnh, EPA-EFE/REX/Shutterstock

Chụp lại hình ảnh, Ông Prayut Chan-o-cha 

Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm thứ Sáu (30/9) đã ra phán quyết rằng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chưa vượt quá 8 năm tại vị tối đa, mở đường cho khả năng ông trở lại sau 5 tuần bị đình chỉ.

9 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp Thái Lan bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ ủng hộ 6/9.

Tòa án Hiến pháp nói rằng do hiến pháp có hiệu lực năm 2017, sau khi ông Prayut đã lên nắm quyền nên giới hạn nhiệm kỳ không áp dụng cho thời gian ông đã đảm nhiệm trước đó. 

Theo tòa, nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut chưa đến hạn 8 năm vì được tính từ ngày 6/4/2017 khi Hiến pháp bắt đầu có hiệu lực.

Tranh cãi

Ông Prayut lên nắm quyền tại Thái Lan ngày 24/8/2014 sau cuộc đảo chính do ông đứng đầu vào tháng 5 cùng năm. 

Ngày 9/6/2019, ông Prayut tiếp tục giữ chức Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử.

Hiến pháp của Thái Lan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/4/2017, trong đó Điều 158 của Hiến pháp quy định “Thủ tướng không được giữ chức vụ tổng cộng quá 8 năm, dù liên tục hay ngắt quãng". 

Gần đây, Tòa án Hiến pháp chấp nhận xem xét kiến nghị của phe đối lập yêu cầu phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayut.  

Ngày 24/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra lệnh đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng.

Phán quyết của tòa 

Nếu lấy năm 2014 là thời điểm bắt đầu, ông Prayuth đã chạm tới giới hạn pháp lý từ tháng Tám. 

Nhưng ngày 30/9, theo tòa, nhiệm kỳ chính thức của Thủ tướng Prayut được tính từ khi Hiến pháp hiện hành của Thái Lan có hiệu lực vào ngày 6/4/2017. 

Vì thế, thời gian giữ chức vụ Thủ tướng tính đến ngày 24/8/2022 chưa quá thời hạn tại điều 158, khoản 4, Hiến pháp năm 2017. 

Tòa nói, theo lẽ đó, tư cách Thủ tướng của ông Prayut không bị chấm dứt theo điều 170, khoản 2, và điều 158, khoản 4 của Hiến pháp.

Tòa án tuyên bố: “Căn cứ những lý do nêu trên, Tòa án Hiến pháp Thái Lan, với số phiếu đa số ủng hộ, phán quyết ông Prayut sẽ không bị miễn nhiệm Thủ tướng".

Những người ủng hộ Prayut nói rằng nhiệm kỳ của ông chỉ bắt đầu vào năm 2017 - khi hiến pháp có hiệu lực - hoặc thậm chí sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019 khi ​​ông được bầu lên nắm quyền. 

Theo các điều khoản này, về cơ bản ông có thể tiếp tục phục vụ cho đến năm 2025 - nếu ông giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử sắp tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét