Võ Thái Hà tổng hợp
Ông Medvedev phác họa kịch bản tấn công hạt nhân vào Ukraine
27/09/2022
Ông Dmitri Medvedev.
Ông Dmitry Medvedev, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 27/9 nêu ra những nét chính trong kịch bản một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine, nói rằng liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu sẽ rất sợ hãi về một “ngày tận thế hạt nhân” nên không dám trực tiếp bước vào cuộc xung đột này, theo Reuters.
Dmitry Medvedev, cựu tổng thống hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói Nga có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị đẩy đi quá giới hạn của họ và đây “chắc chắn không phải là lời nói suông”.
Tuần trước, ông Putin ra lệnh tổng động viên lực lượng đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến II và ủng hộ kế hoạch sáp nhập vùng lãnh thổ Ukraine, cảnh báo phương Tây rằng ông không nói suông khi cho hay ông sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nga.
Ông Medvedev nói trong một bài đăng trên Telegram: “Hãy tưởng tượng rằng Nga buộc phải sử dụng vũ khí đáng sợ nhất chống lại chế độ Ukraine, chế độ đã thực hiện một hành động gây hấn quy mô lớn gây nguy hiểm cho chính sự tồn tại của nhà nước chúng ta”.
Phát biểu trên của ông Medvedev trích dẫn thuật ngữ chính xác của một trong những điều kiện của học thuyết tấn công hạt nhân của Nga: “gây hấn với Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường khi chính sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan hôm 25/9 cho biết Hoa Kỳ sẽ đáp trả một cách dứt khoát trước bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga nhằm vào Ukraine và đã nói rõ với Moscow về “hậu quả thảm khốc” mà nước này sẽ phải đối mặt.
Khoảng 90% đầu đạn hạt nhân trên thế giới do Nga và Hoa Kỳ nắm giữ, hai nước cho đến nay vẫn là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn, còn Trung Quốc có 350, Pháp có 290 và Anh có 225.
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý tại các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine mà Ukraine và phương Tây coi là một trò giả mạo bất hợp pháp.
Các nhà ngoại giao cho rằng chiêu dùng hạt nhân của Nga cho thấy ông Putin đang cố gắng dọa phương Tây để giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine bằng cách ám chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga sáp nhập.
Phó Tổng thống Harris có lịch thăm khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên
27/9/2022
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Tokyo hôm 27/9/2022.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến thăm khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên vào ngày 29/9 nhằm thể hiện cam kết của Washington đối với an ninh của Hàn Quốc, Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết hôm 27/9.
Chuyến thăm này, được công bố hôm 27/9, diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo về phía biển và trong bối cảnh có lo ngại về một vụ thử hạt nhân có thể xảy ra khi nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tiếp cận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thất bại.
Chuyến thăm DMZ của bà Harris đã được Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo xác nhận công khai trong cuộc gặp với phó tổng thống Hoa Kỳ ở Tokyo và sau đó đã được một quan chức Hoa Kỳ xác nhận.
Quan chức Mỹ cho biết: “Gần 70 năm kể từ ngày đình chiến Triều Tiên, chuyến thăm này sẽ nhấn mạnh sức mạnh” của “liên minh” giữa Seoul và Washington “khi đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên”.
Thủ tướng Han nói với Phó Tổng thống Harris: “Chuyến thăm của bà tới DMZ và Seoul sẽ là những minh chứng mang tính biểu tượng cho những cam kết mạnh mẽ của bà đối với an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Khu DMZ thường được mô tả là biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh trên thế giới và tồn tại kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến.
Triều Tiên nói rằng họ duy trì quyền tự vệ của một quốc gia có chủ quyền, đồng thời cáo buộc cả Hoa Kỳ lẫn Hàn Quốc đều giữ thế thù địch với nước này.
Chiến tranh Ukraina: Mỹ yêu cầu Nga ngưng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ngoài cùng bên phải) nghe ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov ( ngoài cùng bên trái) phát biểu tại cuộc họp Hội Đồng Bảo An LHQ, ngày 22/09/2022. AP - Mary Altaffer
Hoa Kỳ yêu cầu Nga ngưng đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến tranh Ukraina và cảnh báo là việc sử dụng loại vũ khí này sẽ gây ra những hậu quả “tàn khốc”.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News tối qua, 25/09/2022, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “ Chúng tôi đã nói rất rõ với phía Nga, nói công khai, cũng như khi nói chuyện riêng, rằng họ phải ngưng nói đến vũ khí hạt nhân”. Ông nhấn mạnh: “ Mọi việc sử dụng vũ khí nguyên tử đều sẽ có những hậu quả tàn khốc đối với nước sử dụng chúng, và dĩ nhiên là đối với nhiều nước khác”.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan trên đài NBC cũng đã cảnh báo Matxcơva về những hậu quả “tàn khốc” nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử.
Hôm thứ Tư tuần trước, trong một bài phát biểu trên đài truyền hình Nga, tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố, để đối đầu với phương Tây, mà theo ông đang tìm cách phá hủy nước Nga, Matxcơva sẵn sàng sử dụng “mọi phương tiện” có trong tay, ám chỉ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Ông Putin còn nhấn mạnh đây không phải là lời đe dọa suông.
Ngày 16/09 vừa qua, trước khi tổng thống Nga có lời đe dọa như trên, tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắn gởi một thông điệp đến ông Putin: “ Đừng làm như thế. Vì ông sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh một cách chưa từng có từ Thế chiến Thứ hai đến nay.” Ông Biden cũng cảnh cáo là trong trường hợp đó, Hoa Kỳ sẽ đáp trả “rất mạnh”, nhưng không nói rõ về hình thức đáp trả.
Học thuyết quân sự của Nga dự trù khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các lãnh thổ mà Matxcơva xem là thuộc chủ quyền quốc gia bị tấn công. Đây sẽ là trường hợp của các vùng lãnh thổ Ukraina mà Nga đang kiểm soát và hiện đang tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
Đồng Nhân dân tệ tiếp tục yếu đi so với Đô la Mỹ, thấp nhất từ năm 2008
Đồng CNY nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD khi Fed dự định tăng thêm lãi suất vào cuối năm nay. (Ảnh: HamsterMan/Shutterstock)
Đồng nhân dân tệ (CNY) đang tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ (USD), về mức gần thấp nhất kể từ đầu năm 2008. Tính từ đầu năm nay, đồng CNY đã mất hơn 11% giá trị, rơi về mức 1 USD đổi 7.158 CNY vào lúc 17h ngày 26/9 (giờ địa phương).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Hai cho biết họ sẽ áp đặt yêu cầu dự trữ rủi ro là 20% đối với hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn của các ngân hàng.
Kể từ tháng 8, PBOC đã tìm cách hạn chế thiệt hại của đồng nhân dân tệ thông qua tỷ giá tham chiếu (biên độ 2%) hàng ngày, cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng dành nhiều ngoại hối hơn làm dự trữ.
“Bằng cách áp đặt yêu cầu dự trữ rủi ro, PBOC đặt mục tiêu làm chậm tốc độ mất giá nhưng nó sẽ khó có thể lật ngược tình thế”, Peiqian Liu, nhà kinh tế tại NatWest Markets cho biết.
Đồng nhân dân tệ đã giảm 0,4%, xuống 7,1588 mỗi đô la Mỹ vào lúc 17h theo giờ địa phương, từ đầu năm đến nay đã mất hơn 11% giá trị. Nếu nó mất giá qua mức 7,1854 mỗi đô la, nó sẽ là mức yếu nhất kể từ đầu năm 2008.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nâng dự trữ rủi ro cho giao dịch kỳ hạn ngoại hối từ 0% lên 20% vào năm 2015, trước khi hạ dự trữ 2 năm sau đó và tăng trở lại vào năm 2018. PBOC đã loại bỏ nó vào năm 2020 sau khi đồng nhân dân tệ phục hồi.
Liu Guoqiang – Phó thống đốc PBOC cho biết vào đầu tháng này rằng ngân hàng trung ương sẽ không cho phép thay đổi tỷ giá hối đoái, trong khi cảnh báo các nhà giao dịch không nên đặt cược vào các mức nhân dân tệ cụ thể.
PBOC có nhiều công cụ chính sách hơn trong tay để bảo vệ đồng tiền này, Jingyang Chen, một chiến lược gia ngoại hối tại HSBC Holdings Plc cho biết.
Sự suy yếu của đồng nhân dân tệ có thể thúc đẩy PBOC trì hoãn bất kỳ việc nới lỏng chính sách tiền tệ nào nữa cho đến cuối năm nay. Sau khi bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 8, PBOC đã tạm dừng nới lỏng trong tháng này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Bloomberg Economics ước tính Fed sẽ thắt chặt đến hết năm 2022 và 2023, và PBOC sẽ duy trì lập trường nới lỏng trong giai đoạn này, cắt giảm lãi suất một năm xuống còn 2,45% vào cuối năm 2023.
Nhất Tín, theo Bloomberg
Khả năng Nga “tống tiền hạt nhân” ở Ukraine
Các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại nguy cơ Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine nếu chịu thất bại nghiêm trọng trên chiến trường. Nga sẽ sáp nhập một phần lớn lãnh thổ Ukraine mà họ chiếm được thông qua các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo, có lẽ sớm nhất là vào thứ Ba. Trước đó, tổng thống Vladimir Putin đã nói việc Ukraine tấn công các vùng lãnh thổ này sẽ bị coi như tấn công Nga, và ám chỉ hành động trả đũa hạt nhân để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ.”
Liệu ông có nghiêm túc? Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cho biết ông không nghĩ Putin nói đùa. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, nói chính phủ Mỹ đã cảnh báo Nga rằng việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc.” Các quan chức Mỹ cho biết chúng có thể bao gồm tấn công quân sự thông thường nhằm vào Nga. Nhưng nếu Nga đáp trả, NATO và Nga sẽ lâm trận – điều mà hai bên đã cố tránh kể từ đầu cuộc xâm lược của ông Putin.
Thách thức từ việc đồng Bảng Anh lao dốc
Giới đầu tư đang bất ổn sau tuyên bố ngân sách của Kwasi Kwarteng vào thứ Sáu tuần trước, khi tân bộ trưởng tài chính Anh thông báo cắt giảm thuế lớn nhất trong nửa thế kỷ qua, đi kèm với các biện pháp tăng vay thêm 3% GDP trong năm nay. Quỹ đạo tài khóa lỏng lẻo này ngay lập tức khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong những giờ đầu của ngày thứ Hai trước khi phục hồi ít nhiều.
Vào thứ Ba, chính phủ sẽ được thấy hậu quả hành động của mình khi họ đi vay 1,2 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ đô la) trái phiếu có khấu trừ lạm phát đáo hạn vào năm 2031. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 9, lãi suất thị trường của trái phiếu không khấu trừ là 3,46%, nhưng đến cuối phiên thứ Hai, nó đã tăng lên 4,1%. Hôm Chủ nhật, ông Kwarteng đã từ chối bình luận về các động thái thị trường ngắn hạn, và nói ông đang tập trung vào tăng trưởng. Nhưng ông sẽ không thể lảng tránh mãi, trừ khi có thay đổi gì đó để xoa dịu thị trường.
Nga nói gì về vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tổng động viên một phần
Hôm 21/9, Tổng thống Putin tuyên bố tổng động viên một phần quân dự bị của Nga sau khi quân đội Kyiv giành được một số thắng lợi đáng kể trong cuộc phản công vào các thành phố quan trọng bị Nga chiếm đóng như Kherson và Kharkiv. Đã có nhiều thông tin trái chiều đến từ Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi các quan chức Nga đôi khi tỏ ra thận trọng khi nói về vấn đề này, nhưng truyền hình nhà nước Nga đôi khi đưa ra những phát biểu khích động hơn.
Trong bài phát biểu khi tuyên bố tổng động viên một phần quân dự bị, Tổng thống Putin dường như đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông cho biết sẵn sàng đáp trả cái mà ông gọi là “đe dọa hạt nhân” từ phương Tây bằng cách sử dụng vũ khí của chính đất nước mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nếu Nga cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương pháp phòng vệ theo ý mình, và đây không phải là một trò lừa bịp.”
“Những ai đang cố gắng đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi hướng về họ.”
Gia Huy (Theo Newsweek)
Nhật Bản tiễn biệt ông Abe tại lễ tang cấp nhà nước
Với hoa, những lời cầu nguyện và 19 phát súng tiễn biệt, Nhật Bản đã vinh danh cố Thủ tướng Shinzo Abe vào thứ Ba (27/9) tại lễ tang cấp nhà nước đầu tiên cho một cựu Thủ tướng trong 55 năm.
Buổi lễ bắt đầu lúc 2 giờ chiều địa phương, khi tro cốt của ông Abe được người vợ góa của ông, Akie, mang vào Hội trường Nippon Budokan ở trung tâm Tokyo, trong điệu quân nhạc và tiếng chào của đội bảo vệ danh dự.
Khoảng 4.300 người đã tham dự lễ tang, cùng với ít nhất 48 nhân vật chính phủ đương nhiệm hoặc cựu quan chức, bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
“Chính ông ấy là người đặt ra thuật ngữ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, bà Harris nói với các phóng viên, đề cập đến một khái niệm đã trở thành nền tảng của an ninh châu Á.
Bên trong Budokan, một bức chân dung lớn của ông Abe được treo bằng dải băng đen với một dải hoa màu xanh lá cây, trắng và vàng.
Gần đó là một bức ảnh treo tường chụp ông đang đi dạo cùng các nhà lãnh đạo G7, nắm tay trẻ em và đi thăm các khu vực thiên tai.
Sau bài điếu văn hồi tưởng về cuộc đời chính trị của Abe và các bài phát biểu của các nhân vật hàng đầu trong đảng cầm quyền, bao gồm Kishida và Yoshihide Suga, tất cả dành một phút mặc niệm.
Bên ngoài Budokan, hàng nghìn người Nhật đứng xếp hàng khi tro cốt của ông Abe được đưa đến, chờ đến lượt dâng hoa và cầu nguyện trong hai chiếc lều tang lễ.
Ông Abe là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản và là một trong những nhân vật chính trị nổi tiếng nhất của đất nước, được biết đến với việc vun đắp các liên minh quốc tế và chiến lược kinh tế “Abenomics”.
Ông từ chức vào năm 2020 vì các vấn đề sức khỏe, nhưng vẫn là một tiếng nói chính trị quan trọng. Trong khi ông đang vận động cho đảng cầm quyền của mình thì bị một tay súng bắn chết vào ngày 8 tháng 7.
Vụ ám sát đã gây ra làn sóng chấn động Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm sử dụng súng rất thấp.
Tuy vậy, quyết định tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho ông – lần thứ hai đối với một cựu thủ tướng trong thời kỳ hậu chiến – đã gây ra nhiều tranh cãi tại Nhật Bản.
Khoảng 60% người Nhật đã phản đối sự kiện này trong các cuộc thăm dò gần đây, chủ yếu được cho là do chi phí tổ chức tang lễ quá lớn (11,5 triệu USD), đặc biệt vào thời điểm kinh tế khó khăn.
Biểu tình phản đối quốc táng dành cho ông Shinzo Abe (Reuteurs)
Một số nhà lập pháp từ các đảng đối lập cũng đã tẩy chay hoàn toàn lễ tang, cáo buộc ông Kishida đơn phương thông qua việc tổ chức lễ tang thay vì tham khảo ý kiến quốc hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét