Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 18

HGBT

25 tháng 9, 2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GIO-LOC-1-800x450-1-2.png

Chương VII – Lưu vong (Kỳ 3)

Tàu chạy khá nhanh, chỉ một ngày một đêm là cập bến khi trời còn chưa sáng rõ, nhìn lên bờ thấy có đèn điện chiếu sáng lờ mờ nhà cửa. Tôi mừng khấp khởi, thế là tôi sắp được đặt chân lên Hương Cảng, một thành phố nổi tiếng trên thế giới, nhưng trước đây, hồi còn ở trong nước, tôi đã từng được xem ảnh Hương Cảng với nhiều nhà cao tầng đồ sộ, mà sao, tuy trời chưa sáng tỏ, tôi có thể nhận ra hai bên đường phố toàn là những ngôi nhà thấp, độ hai hay ba tầng. Trong lòng nghi ngại, tôi hỏi thăm một hành khách đứng bên:

– Is it Hong Kong? 

Ông này có vẻ ngạc nhiên, trả lời:

– Không phải, đây là Macao.


Tôi tá hỏa, vội chạy lên tầng thượng, tìm ông thuyền trưởng, gặp ông này đang đứng ở phòng hoa tiêu, hút thuốc bằng ống điếu. Tôi rụt rè bước vào. Ông nhìn tôi một lát, rồi có lẽ đã nhớ ra tôi là người Việt Nam ở Quảng Châu Vân, xin đi nhờ tàu của ông nên ông hỏi tôi có việc gì. Tôi cho ông biết tôi và bạn tôi cần đi đến Hương Cảng mà đây là Macao nên chúng tôi không thể lên bến được, xin ông vui lòng cho chúng tôi được ở trên tàu để đến Hương Cảng.

Ông thuyền trưởng bảo tôi là tàu của ông chỉ được chở khách đến Macao, sau đó chở hàng hóa tới Hương Cảng. Thế này thì thật là nguy cho chúng tôi vì Macao là một thuộc địa của Bồ Đào Nha, tôi nói tàm tạm được tiếng Anh nhưng tiếng Tây Ban Nha thì tôi mù tịt và anh Cấn cũng vậy. Thấy tôi có vẻ lúng túng, không biết xoay sở ra sao, ông thuyền trưởng nói:

–Thôi được , tôi cho anh và bạn anh được ở lại trên tàu để tới Hương Cảng.

Khuya hôm ấy, tàu cập bến. Tàu đậu rất gần Ma Lo Trung là con đường lớn nhất hải cảng này và lần đầu tiên tôi trông thấy xe điện hai tầng. Bước lên bến, chúng tôi hỏi thăm đường tới ngân hàng Đông Dương vì ở Quảng Châu Vân tôi nghe nói ngân hàng này của Pháp nên có một người Việt tên là Đại làm việc ở đây, tuy chúng tôi không quen biết ông và cũng không có ai giới thiệu chúng tôi với ông Đại.

Tôi với anh Cấn đều bỡ ngỡ như mấy bác nhà quê ra tỉnh, giữa các dãy nhà cao tầng. Mãi đến gần trưa chúng tôi mới tìm được ngân hàng Đông Dương, một ngôi nhà đồ sộ, bảy tầng. Ăn mặc lôi thôi, lếch thếch như người sắp chết đói mà bước vào một ngân hàng nguy nga, sang trọng, tôi tự thấy xấu hổ vô cùng.

Ông Đại người tầm thước, hơi mập, năm ấy độ bốn mươi tuổi, không tỏ ra ngạc nhiên khi gặp chúng tôi, có lẽ ông đã từng gặp những người lạ đến tìm ông nhiều lần. Đúng như vậy, sau này tôi biết nhiều người Việt từ lục địa Trung Hoa lạc loài tới thành phố này đã đến tìm ông Đại và tá túc tại nhà ông một thời gian.

Ở Hong Kong thời ấy chỉ có trên dưới mười người Việt, ông Đại được coi như đại diện cho số Việt kiều này. Tôi ngỏ ý xin ông cho chúng tôi ở nhờ ít ngày, ông nhận lời tuy có vẻ không vui lắm và bảo chúng tôi đi loanh quanh chơi, đến năm giờ chiều trở lại. Chúng tôi trở lại ngân hàng vừa đúng lúc ông Đại bước ra cửa. Ông dẫn chúng tôi ra phía sau tòa nhà, bấm thang máy đưa chúng tôi lên lầu bảy. Đây là “apartment” gồm một phòng khách nhỏ và một phòng ngủ ở trên lầu. Ông bà Đại ở trên lầu với hai cậu con trai. Bà Đại là người Trung Hoa không nói được tiếng Việt Nam. Anh Cấn biết nghề vẽ chân dung truyền thần, nên mấy hôm sau bắt đầu kiếm được tiền, đủ sống. Còn tôi đi lang thang tìm việc.

Một hôm tôi đi ngang qua văn phòng của Đảng Bộ Trung Quốc Quốc Dân Đảng nên ghé vào tìm gặp ông chủ nhiệm, nhờ ông tìm cho tôi một việc làm tạm và nếu có thể, một chỗ ở để khỏi phiền gia đình ông Đại. Ông chủ nhiệm niềm nở tiếp tôi, ông cho biết hiện ở Đông Hoa Y Viện, một y viện lớn của người Hoa Kiều, có một khu do cơ quan cứu trợ những người vì chiến tranh chưa về được quê hương, thuộc Liên Hiệp Quốc quản trị.

Ông sẽ giới thiệu tôi tới đó để tạm trú một thời gian. Tôi sẽ có chỗ ở và được cung cấp thực phẩm hằng ngày. Tôi trở về cám ơn và từ biệt ông Đại. Lúc ấy ở nhà ông Đại, ngoài tôi và anh Cấn, còn có một người tôi rất mến phục. Trong những năm phiêu bạt trên đất Trung Hoa, tôi đã được gặp nhiều người kỳ lạ, các người này thực sự không giống ai. Hơn nửa thế kỷ đã qua, tôi không còn nhớ được tên anh, hãy tạm gọi anh là anh Hai vậy.

Anh Hai người tầm thước, da ngâm ngâm đen, đặc biệt trên mắt anh có một cái sẹo dài, chạy suốt từ mang tai lên tới gần thái dương, năm ấy anh độ ba mươi tuổi. Không những anh nói được tiếng Quảng Đông mà tiếng Phổ Thông (Quan Thoại) anh cũng nói rất sõi vì anh lưu lạc sang Trung Hoa từ hồi anh còn nhỏ. Anh cho biết anh mới ở cai hội thất tức nhà tù tỉnh Quảng Đông ra. Hỏi anh phạm tội gì mà phải tù, anh cười và cho chúng tôi biết lâu lâu hễ anh túng tiền, anh lại xin vào tù ở ít lâu để được các đàn em của anh cung phụng tiền, quần áo…

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Đại liền nói:

-Anh Hai là đại ca, thật ra phải gọi anh ấy là đại vương mới đúng vì anh được tất cả các băng, đảng thuộc xã hội đen và những phái võ Thiếu Lâm, Nga Mi… suy tôn làm ông trùm suốt mấy tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến… tức là miền Nam nước Trung Hoa. Ở Trung Hoa đã có nhiều người Việt làm tới cấp tướng, nhưng làm bá chủ các băng,  đảng một vùng rộng gấp bốn, năm lần nước Việt Nam thì từ xưa tới nay chỉ có một mình anh Hai mà thôi!

Ông Đại là người đã sống ở Trung Hoa mấy chục năm, lời nói của ông phải dựa vào sự thật. Chưa hết, anh Hai cho biết sở dĩ anh biết được nước Việt Nam đã độc lập, thoát khỏi nền thống trị của Pháp vì ngày 2 Tháng Chín 1945, anh đang nằm ngủ trong một chiến xa thuộc một đơn vị thiết vận xa nặng của đạo quân viễn chinh Trung Hoa được Tổng thống Tưởng Giới Thạch phái sang mặt trận Miến Điện đánh Nhật, cùng với đạo quân Anh của Tướng Auchinleck.

Cấp bậc của anh lúc ấy là thiếu tá thiết đoàn trưởng. Sở dĩ anh được thăng thiếu tá sớm vì trong một trận đánh ở biên giới Miến Điện – Trung Hoa, đơn vị thiết giáp do anh chỉ huy đã bắn cháy ba chiến xa Nhật và tiêu hủy hai chiếc khác. Binh chủng chiến xa là một binh chủng ưu tú trong quân đội của Thống chế Tưởng Giới Thạch. Anh Hai được tuyển vào binh chủng này vì anh tốt nghiệp trường đại học quân sự Hoàng Phố.

Thú thật, tôi cũng chưa hẳn tin những lời anh Hai kể. Mãi sau này, vào cuối năm 1948, khi quân đội Trung Cộng từ miền Bắc tràn xuống, tiến chiếm Bắc Kinh, Thượng Hải, tôi đã mất liên lạc với anh Hai từ lâu, bỗng nhận được thư của anh Hai gửi bưu điện xuống Hương Cảng cho tôi từ thành phố Từ Châu, gần Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Trong thư có kèm theo một tấm hình đen trắng chụp một đoàn chiến xa dài đến ba, bốn chục chiếc. Trước mỗi chiến xa đều có một người mặc quân phục, có thể là một sĩ quan hay hạ sĩ quan, đứng nghiêm chào, còn một người khác đứng một mình trước hàng chiến xa như đang ra lệnh. Người ấy chính là anh Hai.

Lúc ấy tôi mới thực sự tin những lời anh Hai trước đây kể về cuộc đời binh nghiệp của anh. Trong thư anh Hai cho biết, sau khi chia tay với tôi ở Hương Cảng, anh xin tái nhập ngũ vào binh chủng thiết xa và được mang lại lon thiếu tá bởi những huân chương cũ của anh hồi anh đánh Nhật ở mặt trận Miến Điện.

Anh tỏ ra vui vẻ với cuộc sống trong quân ngũ, mặc dù trong quân đội quốc gia Trung Hoa, lương sĩ quan không được bao nhiêu. Anh viết trong thư rằng anh đang chờ đội quân của Mao Trạch Đông tới để quyết một trận thư hùng với chúng.

Từ đó không bao giờ tôi được tin tức gì của anh Hai nữa, tôi đoán anh đã tử trận. Từ một sĩ quan tốt nghiệp đại học quân sự nổi tiếng Hoàng Phố, chỉ huy một đoàn chiến xa đánh Nhật tại mặt trận Miến Điện, cách xa Trung Hoa hàng ngàn cây số, trở thành một trùm Mafia Trung Hoa, rồi lại điều khiển một thiết đoàn đánh Trung Cộng ở một tỉnh nằm sâu trong lục địa Trung Hoa, cuộc đời giang hồ, đầy màu sắc của anh có thể viết thành một quyển tiểu thuyết.

Tôi tìm tới Đông Hoa Y Viện, xin gặp ông tổng kinh lý. Ông này, sau khi đọc thư giới thiệu của ông chủ nhiệm Trung Hoa Quốc Dân Đảng, vui vẻ hỏi qua về cuộc sống của tôi hiện nay, rồi bấm chuông gọi người phụ tá đưa tôi xuống tầng dưới. Tôi được dẫn tới ngôi nhà một tầng ở bên kia đường, dùng làm nơi khám bệnh ngoại chẩn vào mỗi buổi sáng.

Ông phụ tá cho tôi biết, tôi sẽ ngủ tại đây, còn hai bữa ăn, tôi sang tòa nhà chính để nhận phần ăn. Ông này cho biết thêm lẽ ra tôi phải ngủ ở lầu ba của tòa nhà chính, nằm giường hai tầng với một “nạn nhân” khác, ở đây rất dơ bẩn vì mỗi tầng lầu chứa tới gần một trăm người, hầu hết là người Trung Hoa quê ở các tỉnh trong nội địa. Họ xả rác và khạc nhổ bừa bãi, nhưng thấy tôi là một “đại học sinh” nên ông tổng kinh lý cho tôi ở một mình, riêng biệt tại phòng khám bệnh ngoại chẩn.

Phòng này khá lớn, không có ai ở, tương đối đủ tiện nghi. Mỗi buổi sáng, bác sĩ chỉ khám bệnh khoảng hai tiếng đồng hồ. Lúc ấy tôi đi loanh quanh hay đọc sách tại thư viện, rồi trở về phòng như nhà riêng của mình. Phần ăn của tôi cũng đặc biệt; trong khi bốn người khác nhận chung một khẩu phần gồm cơm trắng và một đĩa đậu xanh hay đậu trắng trên có thịt bò “ra – gu” hoặc thịt bò xào củ hành để ăn chung thì tôi lại cũng nhận được một phần tương tự như thế, chỉ có cơm là ít hơn, nhưng một người vẫn không ăn hết được.

Sau một thời gian sống thiếu thốn, tất nhiên tôi ăn rất khỏe, mà vẫn phải chia bớt cho những người ngồi chung quanh. Vì thế thường có vài “nạn nhân” khác, hình như họ ăn hết phần của mình rồi mà vẫn còn đói, đến ngồi cạnh tôi để đón nhận cơm và thức ăn tôi san sẻ cho họ. Họ luôn chào hỏi tôi và gọi tôi là “ tai hoc sang”. Cuộc sống lưu vong trên đất nước người như vậy là may mắn lắm rồi.

Trong thời gian này, tôi lang thang hết thư viện này đến thư viện khác, vừa đọc báo hàng ngày vừa đọc được khá nhiều sách tiếng Anh. Một thời gian sau tôi đăng ký học lớp đêm của Đại học Hương Cảng, lớp này miễn phí, dành cho các người lớn tuổi muốn trau dồi thêm Anh Văn.

Ít lâu sau anh Cấn bị bệnh lao phổi, phải vào nằm bệnh viện Queen Mary, rồi mất ở đây. Nghe tin chồng đau nặng, chị Cấn ở trong nước chạy chọt, mua được vé máy bay sang thăm chồng (vào thời gian này quân Pháp đã chiếm được Hải Phòng, Hà Nội và nhiều thành phố khác ở miền Bắc, Việt Minh chỉ còn kiểm soát được vùng quê và miền núi). Chị trông nom chồng được mấy tháng, hết giấy phép chị phải về nước. Chị rời khỏi Hương Cảng được vài tuần thì anh Cấn mất. Trong chuyến đi thăm chồng, chị mang bầu, về nước sanh được cậu con trai, về sau cậu này gia nhập quân đội quốc gia và từ trần tại miền Nam Việt Nam.

Ở Đông Hoa Y Viện được hơn nửa năm, tôi bắt đầu đi kiếm việc làm. Một hôm tôi đi ngang qua Sở Phúc Lợi Xã Hội nên ghé vào nhờ cơ quan này tìm việc. Sở này gợi ý tôi nên dạy tiếng Pháp, vì ở đây chưa có ai nhận dạy từ Pháp văn, họ sẽ nhờ báo đăng để tìm người học.

Thế là vài hôm sau, trên trang tư của nhật báo South China Morning Post, trong mục rao vặt có mấy dòng quảng cáo “nhận dạy Pháp văn tại tư gia” của tôi do tòa báo đăng không lấy tiền, suốt từ đầu năm 1947 đến đầu năm 1949 khi tôi yêu cầu tòa báo ngưng đăng vì tôi không còn ở Hương Cảng nữa. Tôi phải thành thật cảm ơn báo South China Morning Post và Sở Xã Hội Hương Cảng là cơ quan giới thiệu tôi với báo này, nếu phải trả tiền thì phải cả mười ngàn đôla Hương Cảng. Do đó không lúc nào tôi thiếu người xin học Pháp Văn, cuộc sống tôi ở Hương Cảng tương đối đầy đủ, lại còn có thể giúp đỡ một vài anh em khác.

Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét