Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Phan Nhật Nam - Chiến tranh Việt Nam – Tại sao? Như thế nào? Với ai?

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-514981434.jpg

Hà Nội sau khi về tay Việt Minh (Getty Images) 

Phần I. 

Dẫn Nhập: 

Trong tháng 9, năm 2022 nầy, Diễn Đàn Tiếng Dân trong nước kể lại câu chuyện: Có lần, Bà Nguyễn Thị Bình, cựu phó chủ tịch nước, bộ trưởng giáo dục (sau 1975); cựu bộ trưởng ngoại giao Chính phủ lâm, thời Cộng Hòa Miền Nam VN tại Hội Đàm Ba Lê (1968-1973) hỏi Nhà Văn Nguyên Ngọc, Đại Tá Quân Đội, Phó Chủ Tịch Hội Nhà Văn CS Hà Nội: “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc nói:

“Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại Hội Tua” (Đại Hội Toàn Quốc Thứ 18 của Tổ Chức Công Nhân Thế Giới/Phân Bộ Pháp/SFIO từ 25 đến 30 Tháng 12, 1920 tại Thành phố Tours, vùng Tây-Bắc nước Pháp. Đại hội có mặt anh thanh niên người Việt – Nguyễn, sinh 1890 với tư cách “đại biểu” (?) thợ thuyền Đông Dương – Đấy là Nguyễn Sinh Côn/Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc… tiền thân của Hồ Chí Minh của 1945.


Sự thật như thế nào? Chẳng lẽ cuộc chiến kéo dài qua hai trận lửa đạn: Lần thứ Nhất (19/12/1946-20/7/1954); tiếp lần thứ Hai (19/12/1960-30/4/1975) với triệu người Việt hai miền Nam-Bắc tan thân, xương cao chất núi, máu chảy thành sông. Nay, 47 năm sau ngày chấm dứt, 1975 đất nước vẫn đang trong vòng nguy nan không lối thoát với nạn Hán Hóa từ Bắc Kinh mỗi ngày mỗi hiển hiện cụ thể!? Không những thế, cuộc chiến ấy đã khiến cho Đế Quốc Pháp mất đà, gục ngã từ 1954 đến nay không còn cơ hội hồi phục.

Và nước Mỹ qua Thế Kỷ 21 vẫn xem như một lỗi lầm không thể giải thích?! Không khả năng giải thích?! Tại sao? Bài viết xem như một/của rất nhiều cố gắng của nhiều người, nhiều phía để tìm hiểu: Tại sao? Như thế nào? Với ai? Đã xẩy ra ở Việt Nam suốt hậu bán Thế Kỷ 20, bắt đầu từ sự kiện Ngày 2 Tháng 9, 1945 tại Hà Nội. Cũng nhân lần kỷ niệm 21 năm sau Biến Cố 911 năm 2001 tại New York, Mỹ – Biến cố trực tiếp thay đổi cục diện thế giới trong Thế Kỷ 21. Để có thể kết luận: Không có gì là ngẫu nhiên, đơn lẻ nơi cuộc sống nhiều đau thương, tai họa trên thế giới nầy.

11/ Ngày 5 Tháng 9, 2022 người kể câu chuyện ở Phần Dẫn Nhập gọi điện thoại vào Hội An, Quảng  Nam chúc mừng sinh nhật Nguyên Ngọc, và xin ông cho phép nhắc lại câu chuyện “Từ Đại Hội Tua”. Nguyên Ngọc đồng ý: “Được, nhưng nên nói rõ phản ứng của bà Bình”. “Bà Bình phản ứng ra sao? Người kể chuyện hỏi. “Bà ấy im lặng”. Nguyên Ngọc đáp. Như thế là thế nào?

Dẫu khách quan và giản lược bao nhiêu, cuộc chiến nơi vùng Đông Dương từ những năm 1945, 1946, kết thúc tạm thời với Hiệp Định Đình Chiến Đông Dương, 20/7/1954 ký kết tại Genève giữa các bên tham chiến (Pháp/Việt Minh); tiếp trận chiến mở rộng từ 1960 đến 1975 gây tác động đến toàn thể văn hóa-xã hội, chính quyền, Quốc hội nước Mỹ cho đến hôm nay; cũng hiện thực Bi Kịch Việt Nam không cơ may giải thích, dẫu đã kết thúc sau 47 năm chấm dứt. Sự im lặng của Bà Bình, cách giải thích của Nguyên Ngọc không thể là trả lời thích đáng. 

12/ Một hội nghị có tính cách cục bộ của tổ chức thợ thuyền Pháp sau đó chia ba mà một nhánh là hạt nhân xây dựng nên Đảng Cộng Sản Pháp theo chủ trương của Đệ Tam Quốc Tế dưới sự chỉ đạo của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, Đảng CS Pháp trước, sau qua hai cuộc thế chiến (1914-1918; 1939-1945) luôn là và vẫn là một lực lượng chính trị thứ yếu của chính quyền, Quốc hội Pháp.

Đảng CS Pháp vốn đã yếu như thế, thì thử hỏi một thanh niên người Việt vừa qua tuổi 20, học vấn chỉ xong bậc tiểu học chương trình Pháp tại xứ thuộc địa sẽ làm được gì? Có thể làm được gì? Thậm chí danh xưng Nguyễn Ái Quốc kia cũng chỉ là tính danh vay mượn của nhóm Người An Nam Yêu Nước (Les Annamists Patriots) gồm những tên tuổi lớn: Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh… mà Nguyễn Ái Quốc/Nguyễn Sinh Côn/Nguyễn Tất Thành kia chỉ là một người trẻ tuổi với khả năng Pháp, Anh Ngữ (đường phố) học từ nghề bồi tàu, dọn bàn.

Nguyễn (Ái Quốc/Sinh Cung/Tất Thành) cũng không có khả năng, điều kiện, ý định để năm 1924 qua Nga nhằm gặp Lenin như báo chí, sử sách cộng sản Hà Nội thường tô vẽ. Bởi, 21 Tháng 1, 1924 Lenin đã chết; hơn nữa, sau khi bị tay khủng bố Kaplan bắn trúng trong cuộc mưu sát trước đó, Lenin rất yếu, và những nhân vật cộng sản cao cấp người Nga còn rất khó được gặp; huống hồ gì một kẻ vô danh tính đến đâu từ đất Pháp, hay một nơi nào đó?

Trong thực tế, Nguyễn không đến Mạc Tư Khoa từ đầu năm 1924, mà đến từ Mùa Hè 1923 (Hồi ký của cộng sản Hà Nội nói rõ Nguyễn không có áo quần ấm cho Mùa Đông 1923-1924). Cũng cần nhắc lại chi tiết: Trưởng Phòng (Khu vực Đông Dương/VN) của Trung ương ĐCS Liên Xô là E.V. Kobelev đã ghi rõ: “Tháng 12/1923 tạp chí Ngọn Lửa Nhỏ có đăng bài: “Nguyễn Ái Quốc đến thăm một “Nhà Quốc Tế CS”. “Nhà cộng sản quốc tế” ấy là Osip Emilievich Mandelshtam – Cán bộ cộng sản hạng tầm tầm, tờ báo cũng chỉ là “Ngọn Lửa Nhỏ”.

13/ Đến đấy, hẳn chúng ta có thể kết luận: Nhận định “sai từ Hội Nghị Tua…” của Nguyên Ngọc thật sự “quá oan cho bác”! Hội nghị kia (nếu) có quan trọng chăng cũng chỉ đối với Đảng CS Pháp, một tổ chức chính trị đã bị chiến tranh, thời cuộc của chính nước Pháp, cuộc diện thế giới từ đầu Thế Kỷ 20 cuốn phăng đi không ảnh hưởng – Đảng CS cũng không hề chiếm được đa số tại Quốc Hội Pháp, họa chăng được một lần ngắn ngủi với Léon Blum, giữ ghế Thủ Tướng trong nhiệm kỳ 1936–1938 với Mặt Trận Bình Dân/Front Populaire/Popular Front – Mặt Trận Bình Dân với những Người Xã Hội vốn phản đối quan điểm vô sản của Lenin. Léon Blum đã có câu nói (quốc gia/dân tộc) nổi tiếng: “Mọi người phải đứng vũng và giữ gìn căn nhà cổ kính của chúng ta”. Thủ Tướng Léon Blum KHÔNG BAO GIỜ LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN ĐỆ TAM.

14/ Đảng Cộng Sản Pháp với những Người Xã Hội trước sau chỉ là vậy, thế nên bảo: “Chiến tranh Việt Nam” do từ, với “bác Hồ (Danh tính chỉ có sau 1945 ở Bắc Pó) đã có “SAI PHẠM” từ Đại Hội Tua thì “quá oan cho bác và đảng cộng sản Pháp” vốn chưa ra dạng tại năm 1920 ấy (?!). Cựu Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình im lặng cũng phải. Cũng bởi, dù “kính yêu bác đến bao nhiêu”, Thị Bình cũng phải nhận ra rằng: Phải đến Ngày 3 Tháng 2, 1930 (thực tế là 6 Tháng 1) Đảng Cộng Sản Đông Dương bao gồm ĐCS Việt Nam mới thống nhất thành hình tại Hương Cảng với Tổng Bí Thư Trần Phú. Không nín thinh trước nhận định của Nguyên Ngọc về “Sau Đại Hội Tua 1920 với “bác kính yêu” thì Phó chủ tịch nước Thị Bình biết nói gì đây?

__________________

Phần II 

Dẫn Nhập: 

Nếu “Chúng ta- Người/Đảng cộng sản Hà Nội” không phải sai từ “sau Đại Hội Tua” như lời của Nguyên Ngọc với im lặng của Phó Chủ Tịch Nước Thị Bình – Không biết nhận hay không nhận (?) – Mà Phần #I bài viết đã trình bày rõ. Vậy lịch sử Việt Nam cần phải tìm một thời điểm khác để xem “cộng sản chúng ta sai – sai quá rõ” từ đâu? Nay, năm 2022, Người Việt Nam hẳn có đủ yếu tố khách quan, cụ thể để biết đâu là sự thật về Ngày 19 Tháng 8, 1945 mà phía cộng sản luôn gọi là ngày “cướp chính quyền”. Cũng bởi sau đó, cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài trong chín năm từ 1946 đến 1954 là chung xương máu của toàn thể quốc dân Việt Nam chứ không riêng của đảng cộng sản.

21/ Bắt đầu từ năm 1940, một năm sau lần khởi cuộc Ðệ II Thế Chiến, chính phủ Pháp ở Ba Lê đầu hàng quân Đức nên thuận nhường cho Nhật chủ trị Đông Dương vì lúc ấy Nhật là đồng minh gánh chịu nhiệm vụ chiến lược yểm trợ Đức ở mặt trận Châu Á. Vì lý do nầy, Toàn Quyền Pháp ở Ðông Dương là Decoux thuận để cho quân Nhật vào Bắc Kỳ, hải quân Nhật sử dụng hải cảng Hải Phòng, còn không quân Nhật được quyền chiếm đóng các phi trường Gia Lâm (Hà Nội), Lào Cai, Phủ Lạng Thương.

Nhưng rồi sự hợp tác bất đắc dĩ giữa chính quyền bảo hộ của Thực Dân Pháp và Phát-Xít Nhật trên đất nước Việt Nam phải đến lúc chấm dứt. Do đó vào đêm 9 Tháng 3, 1945, Ðại Sứ Nhật là Matsumoto Shunichi đã chính thức trao tối hậu thư cho Toàn Quyền Jean Decoux, ra lệnh cho quân viễn chinh Pháp trên toàn cõi Việt Nam phải buông súng đầu hàng Nhật vô điều kiện.

22/ Cuộc đảo chính quân sự ngắn ngủi của Quân Đội Nhật trong đêm 9 Tháng 3, 1945 chấm dứt 80 năm đô hộ của Thực Dân Pháp trên toàn cõi Ðông Dương. Nhưng chỉ sau một thời hạn ngắn, vì buộc phải ký hiệp ước đầu hàng đồng minh với Tướng McArthur, đại diện Mỹ giữ vai chủ tọa ngày 2 Tháng 9, 1945 trên chiến hạm Missouri, quyền lực Nhật ở Đông Dương thật sự cáo chung khiến tạo nên một khoảng trống về quyền lực. 

Do quân đồng minh gồm liên quân Anh-Ấn chưa vào miền Nam (dưới Vĩ Tuyến 16/ Đà Nẵng), và quân Trung Hoa Dân Quốc chưa vào miền Bắc (trên Vĩ Tuyến 16/Đà Nẵng) để giải giới quân Nhật theo như thỏa thuận của các cường quốc vừa thắng trận gồm Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc nên tình thế Việt Nam rơi vào tình trạng một quốc gia vô chủ quyền. Sự kiện cũng có nguyên nhân do hậu quả của việc nội các của Thủ Tướng Trần Trọng Kim tuyên bố giải nhiệm (24/8/1945) và Vua Bảo Đại thoái vị (25/8) vì xúi giục có tính đe dọa của Phạm Khắc Hòe, là cán bộ cộng sản giữ chức chánh văn phòng nằm vùng bên cạnh nhà vua, và áp lực quần chúng do cán bộ cộng sản trong Mặt Trận Việt Minh vận động, tổ chức.

23/ Mặc dù Chính Phủ Trần Trọng Kim là một yếu tố chẳng đặng đừng của lịch sử được khai sinh do nhu cầu quân sự-chính trị của Nhật tại Đông Dương. Tuy nhiên Chính Phủ Hợp Hiến của Thủ Tướng Trần có đủ đại diện ba miền Nam-Trung-Bắc – Là Chính Phủ Quốc Gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc có được.

Sử sách cộng sản và các học giả thiên tả thường hạ thấp giá trị những kế hoạch của chính phủ Trần Trọng Kim qua đánh giá chỉ là cải cách trên giấy tờ, thuần túy những tuyên cáo rất ít ảnh hưởng đến đám đông. Tuy nhiên, công lao lớn của Chính Phủ Trần Trọng Kim đáng được nhắc nhớ là đã tranh đấu với chính phủ Nhật để lấy lại tất cả lãnh thổ Việt Nam. Chính Phủ Thủ Tướng Trần dùng ngoại giao chẳng những thu hồi được Ba Kỳ, mà còn lấy lại những thành phố nhượng địa cho Pháp như Hà Nội, Hải Phòng, và Ðà Nẵng vào tháng 7 cùng năm 1945.

Cũng cần nêu rõ sự khác biệt giữa Chính Phủ Trần Trọng Kim và Chính Phủ Lâm Thời do Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 2 Tháng 9 năm 1945 qua danh xưng – Từ Tháng 3, 1945 giới lãnh đạo cộng sản) ở miền Bắc chỉ sử dụng danh xưng Ðại Việt, trong khi ở miền Nam lại dùng từ “Việt Nam”, và tại miền Trung thì dùng danh xưng “An Nam” hay “Ðại Nam.”

24/ Cũng cần nhắc thêm kể từ năm 1925, Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Ái Quốc mới “Việt Nam Hóa” tổ chức thanh niên cộng sản do ông thành lập qua danh xưng Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Ðồng Chí Hội. Trước đó trong Thỉnh Nguyện Thư 8 Điều gởi Tổng Thống Wilson của Mỹ vào năm 1919 thì tên gọi của đảng chính trị đầu tiên do ông Côn đặt ra là An Nam Quốc Dân Hội. Năm 1930, ông Côn bị thất sủng với Ban Phương Ðông của Quốc Tế Cộng Sản vì tự động thống nhất các chi phái cộng sản thành Việt Nam Cộng Sản Ðảng!

Do bị kết án là có khuynh hướng quốc gia dân tộc nên Nguyễn Sinh Côn/Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh đã bị Mạc Tư Khoa thay thế bởi Trần Phú (Phần #14 đã đề cập). Ông Phú được chỉ định trách nhiệm triệu tập Hội Nghị Trung Ương lần thứ nhất ở Hương Cảng, 6 Tháng 1, 1930 tập họp tất cả (Ba) tổ chức cộng sản thành Ðông Dương Cộng Sản Ðảng.

25/ Nhắc lại những điều kể trên không phải là vô ích, với kinh nghiệm của những năm 1930, 1940 nên khi thành lập chính phủ trong Ngày 2 Tháng 9, 1945 tại Hà Nội, ông Hồ che giấu tuyệt đối nguồn gốc cộng sản của bản thân và các thành viên trong Mặt Trận Việt Minh. Sự che giấu toàn hảo đến nỗi không những chỉ quần chúng bị nhầm lẫn mà ngay những nhân viên tình báo Mỹ trong tổ chức OSS tiền thân của CIA sau nầy cũng không khám phá ra tính chất và nguồn gốc cộng sản của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, v.v.

Quá trình và hậu quả của mưu đồ ngụy trang, che giấu nầy hiện thực cụ thể với hoạt cảnh như sau qua lời kể của nhân chứng Tô Hải viết lại trong hồi ký xuất bản tại hải ngoại (Hồi Ký của Một Thằng Hèn – Tô Hải, NXB Tiếng Quê Hương, 2009):

“Đúng Ngày 17 Tháng 8, 1945, đồng bào kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội họp mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ Quẻ Ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo súng ngắn, đăng đàn diễn thuyết kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng… 

Cuộc mít-tinh của các ông bà công chức quốc gia với Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bỗng nhiên bị thay thế bởi một lá Cờ Đỏ Sao Vàng rất lớn thả từ bao lơn của nhà hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu yểm trợ Việt Minh và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh… Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người không biết từ đâu đến hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng do ai, từ đâu.” 

26/ Ngày 13 Tháng 7, 2010, Giáo Sư người Pháp Philippe Devilliers 90 tuổi, cựu phóng viên tờ “Le Monde” người đã có mặt tại Việt Nam vào những ngày của năm 1945 đã trao tặng cho cá nhân giáo sư Phan Huy Lê ở Hà Nội 203 tấm ảnh gọi những “tấm ảnh lịch sử”. Cụ thể theo báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn số ngày 19/8/2010 để kỷ niệm biến cố gọi là Cách Mạng Tháng 8 là tấm ảnh chụp cuộc biểu tình của “Tổng Hội Công Chức” trong Ngày 17 Tháng 8, 1945 ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim với Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của công chức Hà Nội.

Và ngay trong buổi chiều Ngày 2 Tháng 9, 1945, ông Hồ đã yêu cầu thị dân Hà Nội tuyên hứa bốn điều không làm: “Thề không đi lính cho Pháp. Thề không làm việc cho Pháp. Thề không bán lương thực cho Pháp. Và thề không đưa đường cho Pháp trở lại Việt Nam.” Nhưng không đầy một năm, sau vào Ngày 6 Tháng 3, 1946 ông Hồ đã thuận ký Hòa Ước Sơ Bộ tại Đà Lạt thuận cho quân Pháp trở lại Bắc Việt. Để từ đấy, đêm 19 Tháng 12, 1946 khởi đầu cuộc chiến mãi đến Tháng 7, 1954 mới chấm dứt với lần chia đôi đất nước theo ký kết 20/7/1954 ở Hội Nghị Genève – Tiền đề của cuộc máu xương 1960 -1975.

27/ Vào thời điểm hậu bán Thế Kỷ 20, Việt Nam đã được hai lần trao trả độc lập từ chính quyền Nhật và Pháp qua Vua Bảo Đại. Cả hai lần Độc Lập Quốc Gia đều bị Hồ Chí Minh và tổ chức cộng sản phá hỏng, đưa đẩy đất nước vào hai cuộc chiến gọi là đuổi Pháp, đánh Mỹ đẫm máu hoàn toàn không cần thiết. Đấy là những cuộc chiến được quyết định từ Châu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông với sự đồng thuận sau nầy từ Nixon, Kissinger là những người không hề biết đến Mối Đau Việt Nam. Vậy có thể nói: “Đảng và Bác” đã sai từ đây chăng? 

__________________

Phần III. 

Dẫn Nhập: 

Năm 1941 từ Tàu về hang Pắc Bó, thành lập Mặt Trận Việt Minh 19 Tháng 5, 1941, chuẩn bị cho lần “cướp chính quyền” 15/8/1945, đến buổi đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, ngày 2 Tháng 9, 1945 tại Ba Đình, Hà Nội – Mục tiêu duy nhất của Hồ Chí Minh và toàn bộ nhân sự tổ chức cộng sản Việt Nam trước sau như một là củng cố quyền lực hệ thống chính trị qua tổ chức gọi là “Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Mục tiêu tối thượng nầy của Hồ vấp phải lực lượng đối kháng là hệ thống quyền lực gồm Phát Xít Nhật + Thực Dân Pháp trước ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, 2 Tháng 9, 1945.

Từ thời điểm 2 Tháng 9 nầy, trong suốt hai năm 1945, 1946 sách lược, chiến thuật của Hồ và nhà nước cộng sản tại Hà Nội là dàn xếp, thương lượng với giới cầm quyền Pháp. Diễn tiến, hậu quả “nói chuyện” dằng dai trong hai năm thất bại, đưa đến chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất, 19 Tháng 12, 1946. Chín năm sau, 1954, Pháp lẫn Việt Minh “cùng kiệt lực” sau trận thử sức cuối cùng, quyết định ở chiến trường Điện Biên Phủ (3-5/1954).

Hai bên Pháp-Việt Minh buộc phải ngồi lại tại Hội Nghị Genève, Thụy Sĩ do một thế lực mới thành hình từ bãi lửa chiến tranh Quốc-Cộng Trung Hoa – Nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc cầm quyền định đoạt. Dàn xếp ở Genève dẫn đến kết quả với lần chia đôi đất nước Việt Nam qua ký kết 20/7/1954 – Tiền đề của cuộc máu xương 1960 -1975. Bài viết tiếp tục xem thử ”bác và đảng cộng sản bắt đầu sai” từ chỗ nào? Không lẽ không có lần sai trật mà Nguyên Ngọc đã đặt “nhầm chỗ” từ “Hội Nghị Tua, 1920” và Nguyễn Thị Bình thì không đủ sức để phủ nhận hay chấp nhận (?!)

Vì người phụ nữ nầy nghĩ cho cùng dẫu giữ nhiều chức vụ nhưng xét kỹ cũng chỉ là một người đàn bà lạc lõng giữa ma trận chính trị cộng sản nên chỉ biết im lặng, chịu trận. Không phải một mình Nguyễn Thị Bình mà cả hệ thống nhân sự cao cấp hàng đầu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng bị vất bỏ toàn diện từ 1976. Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Huỳnh Tấn Phát… còn không đáng kể huống gì cỡ Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng. Thị Bình im lặng là phải!

31/ Khi chiếc kim đồng hồ của phòng hội nơi Geneva được giữ yên ở số 12 của Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 7 năm 1954 để đúng với lời hứa của Thủ Tướng Mendès France trước Quốc hội Pháp là sẽ giải quyết xong vấn đề Đông Dương sau một tháng nhậm chức. Hội nghị cũng kết thúc với điểm then chốt là đường ranh giới chia cắt hai miền Nam-Bắc Việt Nam cuối cùng đã được đồng thuận tại Vĩ Tuyến 17 nằm dọc theo sông Bến Hải, Bắc Thị Xã Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị. Nhưng chỉ sáu năm sau Hội Nghị Genève, chiến tranh tiếp bùng nổ trên quê hương Miền Nam, bi kịch Việt Nam được tiếp nối tại một thời điểm với lần thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 20/12/1960.

32/ Lần ký hiệp định ngưng chiến ở Đông Dương 20 Tháng 7, 1954, đảng cộng sản Việt Nam trong thực tế đã tạo cớ cho Mỹ vào thế chân quân đội Pháp tại Đông Dương. Và kẻ được hưởng lợi lớn nhất chính là Trung Cộng vì bây giờ đã có thể nói chuyện với siêu cường Âu-Mỹ trên thế mạnh. Trong lúc thế nước lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn và phức tạp, ngày 16 tháng 6, 1954 Quốc Trưởng Bảo Đại đề cử ông Ngô Đình Diệm giữ chức thủ tướng Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam với toàn quyền hành động.

Ngày 7 tháng 7, 1954, Thủ Tướng Ngô chính thức nhậm chức ra mắt nội các tại Sài Gòn. Trong nội các nầy Bác Sĩ Trần Văn Đỗ được Thủ Tướng Diệm cử sang Genève cầm đầu phái đoàn Quốc Gia Việt Nam thay thế Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định xác định thêm một lần chính sách không chấp thuận đối với bất cứ hình thức phân chia nào, quyết tâm giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam. Nhưng khi Ngoại Trưởng Đỗ đến Genève thì sự đã rồi bởi hai phái đoàn Pháp và Việt Minh do xếp đặt có tính quyết định của Liên Xô, Anh Quốc và nhất là của Trung Cộng đã hoàn tất tiền đề: Chia đôi đất nước Việt Nam.

33/ Dẫu Hà Nội có được lợi thế quân sự sau chiến thắng Điện Biên trả bằng giá máu của toàn dân tộc, nhưng sự kiện của một triệu người di cư vào Miền Nam đã cho Sài Gòn nhận được Lý Chính Nghĩa qua xác chứng của tấm lòng Người Dân về nỗi khao khát sống đời Tự Do. Kinh nghiệm dân chúng miền Bắc đã hứng chịu đủ đau thương của Chiến Dịch Cải Cách Ruộng Đất khởi động từ Tháng 12, 1953 do chỉ đạo quyết định của đoàn cố vấn Trung Cộng vốn từ lâu ở sẵn bên cạnh Hồ Chí Minh/Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản/MT Việt Minh không chỉ riêng cho chiến dịch Điện Biên Phủ (3/1954).

Nhưng trên lý thuyết lẫn thực tế là một sách lược chung của Cộng Sản Đệ Tam do Stalin chủ trương áp dụng tại Liên Xô, và Mao thực hiện tại Hoa Lục trong giai đoạn từ trước, sau 1950 – Sách lược mà HCM cam kết sẽ thực hiện để đổi lấy viện trợ quân sự của Liên Xô, quan trọng hơn hẳn là từ Trung Cộng sau hai cuộc viếng thăm khẩn cấp của Hồ trong hai năm 1950, 1952. Cũng thực hiện thêm cụ thể những cam kết CAM KẾT MẬT giữa HCM với Châu Ân Lai (nhận trực tiếp từ Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ) tại mật nghị Liễu Châu (3-5 Tháng 7, 1954). Mật Nghị Liễu Châu, 7/1954 đến nay vẫn là hồ sơ Mật không hề được công bố.

34/ Số cán bộ, bộ đội cộng sản từ miền Nam tập kết ra Bắc không được thống kê đầy đủ mà theo trình bày của Võ Nguyên Giáp tại Hội Nghị Liễu Châu, Quảng Tây (như trên vừa trình bày), trước khi chiến tranh kết thúc (20/7/1954) thì Việt Minh dự tính sẽ rút về Bắc khoảng 60,000 người trong đó 50,000 người là bộ đội và 10,000 người làm công tác chính trị, cụ thể những người đã lộ rõ mặt là cán bộ cộng sản không thể để lại miền Nam. Ngoài ra phía cộng sản cũng (bí mật) lưu lại miền Nam từ 5,000 đến 10,000 cán bộ nằm vùng, cất giấu vũ khí để chờ thời cơ sau khi bộ đội cộng sản rút đi.

Ngoài số cán bộ cộng sản được cài lại sống lẫn lút trà trộn trong dân chúng như trường hợp Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn. Theo kế hoạch tập kết, Lê Duẩn lúc ấy đã ngụy trang xuống tàu ở Cà Mau để ra Bắc, nhưng sau đó lén lút ở lại miền Nam để sau nầy mới trở ra Bắc nhận chức Bí thư thứ Nhất Đảng Lao Động (cải danh của Đảng cộng sản từ 1946) mở đường xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực qua nghị quyết của Đại Hội Đảng lần thứ 3, tháng 9/1960 tại Hà Nội; rồi thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Tháng 12, 1960.

35/ Cũng như tiền thân Mặt Trận Việt Minh (1941-1945), Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được tổ chức thành nhiều cấp từ ủy ban trung ương đến các tổ chức ở cấp làng, xã với chủ nghĩa cộng sản  được che giấu không hề nhắc tới. Trong khi đó trong thực tế Mặt trận đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Bộ Chính Trị Đảng Lao Động tức đảng cộng sản và Trung ương cục Miền Nam. Cuối cùng con đường xâm nhập lật đổ chế độ miền Nam đi từ Hà Nội được mở ra thông suốt cả hai mặt chính trị lẫn quân sự.

Hoạt động du kích từ đầu năm 1960 lần đầu tiên tiến lên vận động chiến với trận Ấp Bắc đánh thiệt hại một đơn vị tiểu đoàn của Sư Đoàn 7 Bộ Binh có thiết vận xa yểm trợ. Trận đánh gây ảnh hưởng (chính trị-quân sự) mạnh mẽ đối với Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, thêm được mô tả lệch lạc bởi những viên chức Mỹ vốn mang mặc cảm chủ quan (khôn ngoan) đối với người lãnh đạo miền Nam nơi Dinh Độc Lập khiến Tòa Bạch Cung bắt đầu nẩy ra ý niệm thay thế tổng thống nhà Ngô Đình…

36/ Dự mưu thay đổi thành phần lãnh đạo miền Nam dần hiện thực từ lý do Tổng Thống Diệm không thỏa thuận cho đổ bộ quân bộ chiến vào miền Nam với quy mô lớn. Kế hoạch đảo chính 1 tháng 11, 1963 cuối cùng được thực hiện cũng do có quá nhiều tướng lãnh quân đội miền Nam vốn bất mãn với người lãnh đạo nơi Dinh Độc Lập. Sau cái chết của người lãnh đạo VNCH (2/11/1963) miền Nam không có một ngày bình an. Để chính thức hóa lần can thiệp quân sự, chủ nhân Toà Bạch Ốc, Tổng Thống Mỹ Johnson nại đến biến cố vịnh Bắc Việt. 

Sự kiện Vịnh Bắc Việt được mô tả theo diễn tiến là Hải Quân Bắc Việt mở hai cuộc tấn công vào hai tầu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công được báo cáo đã xảy ra vào các ngày 2 và 4 tháng 8, 1964 trên lãnh hải Vịnh Bắc Việt. Cuộc tấn công mà sau nầy chính Tướng Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận sự kiện ngày 2 tháng 8 là có thật, nhưng lại phủ nhận vụ tấn công ngày 4 Tháng 8.

Ngày 7 Tháng 8, 1964 Quốc Hội Mỹ thông qua Nghị Quyết Đông Nam Á (được biết nhiều hơn với danh xưng Nghị Quyết Vịnh Bắc Bộ thuận để Tổng Thống Johnson sử dụng quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia Đông-Nam Á. Cũng cùng lần miền Nam co cụm trong thế thụ động quân sự và chính trị do không thể lường được cảnh nguy nan sau lần nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị thay thế, 1/11/1963. Hệ thống Ấp Chiến Lược bị xóa bỏ trong một thời gian cực ngắn. Và chiến tranh bùng vỡ với quy mô lớn từ lần Mỹ đổ quân bộ chiến, Tháng 3/1965 lên Đà Nẵng – Thời điểm được Ken Burns và Lynn Novick sử dụng là khởi điểm của Chiến Tranh Việt Nam. Toàn bộ bài viết 1, 2, 3 đến đây có thể kết thúc với xác chứng: Chiến Tranh Việt Nam hoàn toàn không phải là vậy!

Kết Từ

Quả thật Đảng Cộng Sản Việt Nam/Hà Nội không phải hên may mà đoạt thắng suốt lịch sử dài từ 1945, 1954, 1968, 1972, 1975… nhưng bởi đã tập họp đủ các điều kiện thuận tiện, vận động thời cơ đúng lúc, lợi dụng được tình thế… do những sơ hở, nhầm lẫn của lịch sử luôn lặp lại. Những nhầm lẫn khách quan và chủ quan của thế trận quốc tế, nơi khu vực Đông-Nam Á đưa tới để thực hiện “Cách mạng Tháng 8 năm 1945”; những lổ hổng (có dự tính của các bên đàm phán) của Hiệp Ước Đình Chiến Đông Dương 1954; những mù mờ (rất nhiều tính toán của các bên giữ phần quyết định) khi ký kết Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam 27/1/1973.

Những nhầm lẫn, dự mưu, tính toán từ nhiều thế hệ lãnh đạo mang đủ quốc tịch Mỹ, Hoa, Nga, Anh, Pháp… Những nhân sự khôn ngoan, trí hiểm nói lên lời và thực hiện đủ sách lược: “Trong chính trị không có kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích (quốc gia của mỗi bên) là không thay đổi”. Đây là những người không hề kể đến mối đau Việt Nam, vì “Việt Nam Cộng Hòa” hay “Việt Nam Cộng Sản” không là mối quan tâm của họ như trong lần giữ chức vụ Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger bàn tính với Thủ tướng Châu Ân Lai ở năm 1972 về cục diện Đông Nam Á, thế trận toàn cầu.

Và xuyên suốt từ trước, sau 1945 nhân vật tên gọi Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Côn, Linov, Thầu Chín, Lão Vương,  Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh và những phụ tá: Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ… cùng một tập thể gồm những cá nhân thuộc tổ chức đảng cộng sản nơi Hà Nội – Tập thể tuy gọi là người Việt nầy nhưng suy nghĩ, hành động theo ĐÚNG chỉ đạo của tổ chức cộng sản quốc tế, cụ thể những nghị quyết xuất phát từ Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. 

Cuối cùng, kể từ Hội Nghị Thành Đô 1990 Bắc Kinh chiếm giữ độc quyền chỉ đạo Hà Nội, sau khi đảng và nhà nước cộng sản Liên Xô tan rã, 1991. Đồng thời trong quá trình tuân phục tổ chức quốc tế cộng sản, giới cầm quyền đảng, nhà nước cộng sản VN luôn áp dụng một phương cách, phương tiện, điều kiện,hoàn cảnh riêng để thực hiện cho bằng được mục tiêu:  “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình. Đấu tranh này là trận cuối cùng. Kết đoàn lại để ngày mai.. Sẽ là xã hội tương lai..” như bài hát Quốc Tế Ca kêu gọi thúc giục.

Chỉ khác, nội dung bài hát được sáng tác năm 1870 từ lời thơ viết bởi trái tim cao thượng của Eugène Pottier (1816–1887), sau được Pierre Degeyter (1848–1932) phổ thành khúc ca hùng tráng thì quyền lợi hôm nay (đã) không vào tay của giai cấp công nhân-nông dân như lời tuyên truyền khuyến dụ của Karl Marx, Lenin, Stalin, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh khi khởi nghiệp bạo loạn, cướp chính quyền THÌ VÀO TAY AI TRONG THỰC TẾ?

Bởi tại Thế Kỷ 21, hai giai cấp tiền phong nầy trở thành thành phần cùng khổ, đọa đày nhất với thực tế suốt một thế kỷ vừa qua và hiện nay. Công nhân, nhất là nông dân chiếm số lượng lớn trong tổng số 100 triệu người bị giết bởi những chế độ cộng sản Đông-Tây. Và giai cấp gọi là “vô sản chuyên chính cầm quyền” trở thành một loại “tư bản đỏ/thái tử đảng”– Tập trung đủ thành phần “tàn bạo/bóc lột/phản động/lạc hậu/độc đoán/tham lam/ích kỷ” của tất cả những chế độ, cá nhân độc tài cầm quyền mà lịch sử nhân loại hằng chứng kiến. Tập đoàn những cá nhân-gia tộc-phường hội-bè đảng hiện đang có mặt đủ ở Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, La Havana, Hà Nội, và Sài Gòn được “Bắc kỳ 75 hóa” nên thành TP.HCM!

Putin, kẻ cầm quyền hiện tại nơi nước Nga, kẻ đã gây nên cuộc chiến Nga-Ukraine từ Tháng 2, 2022 là một hậu sản phẩm của hệ thống cầm quyền gọi là Liên Xô/Cộng sản Nga chứ không là ai khác.

Người viết chấm dứt bài viết quá dài với Ngày 11 Tháng 9, 2022, kỷ niệm 21 năm Biến Cố 911 năm 2001 ở New York, Mỹ – Biến cố đưa nhân loại vào một thời kỳ nguy nan mới – Khi tấm đệm an toàn gọi là CHIẾN TRANH VIỆT NAM KẾT THÚC TẠI THỜI ĐIỂM 30 THÁNG 4, 1975.

_________

Phan Nhật Nam

Để nhớ 911, năm 2001

Sau lần sụp vỡ Miền Nam- 30/4/1975.

Quê Hương Bắc Mỹ, 11 Tháng 9, 2022.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét