Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Matthew Kroenig * - Mỹ phản ứng thế nào nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraina?

Một hỏa tiễn chiến thuật lưỡng dụng Iskander của Nga, có thể mang đầu đạn quy ước và đầu đạn hạt nhân. Tên lửa Inskander đã được Nga sử dụng trong chiến tranh Ukraina năm 2022. © wikipedia 

Ngày 21/09/2022, đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa đe dọa ‘‘sử dụng mọi vũ khí’’, ngụ ý bao hàm cả vũ khí hạt nhân, tại Ukraina. Theo một số chuyên gia, nhà quan sát, quân Nga bị dồn vào chân tường trong cuộc chiến tranh tại Ukraina, không loại trừ khả năng điện Kremlin sẽ liều lĩnh dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật với hy vọng đảo ngược tình thế.   

Ngay sau phát biểu của tổng thống Nga, chính quyền Mỹ đã lên tiếng. Nhà Trắng coi đây là một đe dọa cần được xem xét nghiêm túc, đồng thời lên án thái độ ‘‘vô trách nhiệm’’ của tổng thống Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia, ông John Kirby, khẳng định ‘‘sẽ có các hậu quả nghiêm trọng’’, nếu lãnh đạo Nga dùng đến loại vũ khí hủy diệt này tại Ukraina, nhưng không nói rõ phản ứng nào. Các cường quốc hạt nhân nhìn chung đã thống nhất với nhau là sẽ không có bên nào thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân nếu sử dụng vũ khí nguyên tử, thì không loại trừ khả năng chính quyền Nga có thể dùng đến các vũ khí hạt nhân ‘‘phi chiến lược’’ hay vũ khí hạt nhân "chiến thuật", có mức hủy diệt thấp hơn.  


Trang mạng chuyên về chính trị quốc tế và chiến lược an ninh Mỹ Atlantic Council, cùng ngày 21/09/2022, đăng tải một bài viết của chuyên gia Matthew Kroenig, quyền giám đốc Council’s Scowcroft Center for Strategy and Security (*). Bài viết nêu bật một số phương án hành động mà Hoa Kỳ cần thực thi để ngăn chặn khả năng chính quyền Nga sử dụng loại vũ khí hủy diệt này, và những phản ứng cần thiết, nếu Nga quyết định ra tay. RFI tóm lược nội dung chính.  

** 

Thông điệp chính của bài viết là gì ?  

Bài viết mang tựa đề ‘‘How to deter Russian nuclear use in Ukraine—and respond if deterrence fails’’ (Làm thế nào để răn đe khiến Nga không dám sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraina - và phản ứng cần có nếu nỗ lực răn đe thất bại) được đăng tải như một văn bản gửi đến tổng thống Hoa Kỳ, được công bố với toàn thể công chúng. Thông điệp chính của tác giả là ‘‘việc sử dụng vũ khí hạt nhân như vậy có thể thúc đẩy các mục tiêu quân sự của điện Kremlin, làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn cầu và gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng thấy kể từ năm 1945. Để ngăn chặn thảm họa tiềm tàng này, Hoa Kỳ cần đưa ra những đe dọa công khai về các hậu quả nghiêm trọng đối với bất kỳ hành vi nào của Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, và kiên quyết đáp trả bằng các cuộc tấn công với vũ khí quy ước nhắm vào quân đội Nga, nếu việc ngăn chặn thất bại’’. 

Nga có nhiều khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tại Ukraina?  

Chuyên gia Matthew Kroenig tóm lược một số nét chính cho thấy không thể loại trừ việc chính quyền Nga liều lĩnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cho đến nay, Hoa Kỳ và các đồng minh đã duy trì chính sách hỗ trợ quân sự cho Ukraina – cùng với các trừng phạt kinh tế - trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga, nhưng không trở thành một bên tham chiến. Tuy nhiên, chính quyền Putin luôn duy trì đe dọa hạt nhân như một cốt lõi chiến lược trong cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina. Chính quyền Putin đã nhiều lần sử dụng đe dọa hạt nhân như một sách lược ‘‘leo thang căng thẳng để làm giảm căng thẳng’’ trên chiến trường Ukraina. Mỗi lần quân đội Nga bị đẩy vào thế khó, điện Kremlin lại giương lên đe dọa hạt nhân. Chính quyền Nga đã từng nhiều lần sử dụng các vũ khí ‘‘lưỡng năng’’ (tức có thể mang đầu đạn quy ước và đầu đạn hạt nhân) chống Ukraina trên chiến trường. Có thể tổng thống Nga tin tưởng rằng việc sử dụng vũ khí (hạn chế) có thể buộc Hoa Kỳ và phương Tây ngừng hỗ trợ Ukraina.  

Về khả năng Nga tấn công hạt nhân, theo chuyên gia Matthew Kroenig, Matxcơva có trong tay hàng nghìn vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, cho phép tiến hành ‘‘các cuộc tấn công hạt nhân phi chiến lược’’, nhắm vào các lực lượng vũ trang, căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần, và thậm chí vào các đô thị của Ukraina.  

Vì sao Hoa Kỳ buộc phải răn đe đủ mức để ngăn chặn  Nga sử dụng vũ khí hủy diệt tại Ukraina?  

Trước khi nêu ra một số biện pháp chính mà nước Mỹ có thể làm để có được ảnh hưởng mang tính răn đe đối với quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của điện Kremlin, chuyên gia Matthew Kroenig nêu bật những hậu quả vô cùng nghiêm trọng một khi Putin bật đèn xanh cho các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật tại Ukraina. Nếu điều này xảy ra, cùng với các thảm họa nhân đạo, sẽ là các tổn thất nặng nề cho quân đội Ukraina, chia rẽ liên minh phương Tây, và buộc chính quyền Kiev phải ngừng cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.  

Việc Nga liều lĩnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ ‘‘phá vỡ một điều cấm kỵ gần 80 năm nay’’, để ngỏ khả năng cho các quốc gia khác (như Trung Quốc) nhận ra rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể ‘‘giúp cho họ đạt được các mục tiêu mà không dẫn đến các trả đũa quân sự nghiêm trọng từ Hoa Kỳ và các đồng minh’’. Và điều này cũng dẫn đến việc nhiều quốc gia buộc phải gia tăng chạy đua tìm kiếm khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, bởi lo ngại bị tấn công mà không được bảo vệ.  

Chuyên gia Matthew Kroenig nhấn mạnh, ‘‘hiện tại tổng thống Nga có thể đang tin tưởng rằng hành động sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không bị phương Tây đáp trả đáng kể’’. Đây chính là lý do vì sao mà Hoa Kỳ cần phải có các răn đe rõ ràng và mạnh mẽ hơn để khiến tổng thống Nga từ bỏ một quan niệm như vậy.  

Hoa Kỳ và các đồng minh cần phản ứng như thế nào để răn đe đủ mạnh đối với Nga?  

Chuyên gia Matthew Kroenig trước hết nêu ra hai cách răn đe. Cách thứ nhất là kiểu răn đe mơ hồ (ví dụ như ‘‘Quyết định của Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina sẽ gây ra những hậu quả nặng nề nhất có thể”). Cái lợi của thông điệp này là truyền đạt với phía Nga về mức độ nghiêm trọng của các hậu quả mà không đặt nước Mỹ vào thế ràng buộc phải thực hiện một hành động cụ thể nào. Cách thứ hai là kiểu răn đe rõ ràng và cụ thể (ví dụ “Hoa Kỳ coi bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân hạt nhân nhắm vào Ukraina cũng là một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ, đòi hỏi phải có một loạt trả đũa đầy đủ”). Kiểu răn đe này sẽ có tác động lớn hơn, nhưng khiến tính linh hoạt của Mỹ bị thu hẹp. Chính quyền Mỹ cần cân nhắc mặt mạnh và mặt yếu của hai phương thức này để có lựa chọn phù hợp. Nhìn chung, điều quan trọng là Hoa Kỳ phải có các đe dọa đủ mạnh và khả năng thực thi đe dọa, nếu việc ngăn chặn thất bại. 

Chuyên gia Matthew Kroenig nêu bật hai nhóm phản ứng, một khi việc răn đe thất bại và chính quyền Putin ra tay sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhóm thứ nhất (option 1) không bao gồm các biện pháp đáp trả trực tiếp bằng vũ lực nhắm vào Nga (có thể gọi là nhóm "các biện pháp gián tiếp") và nhóm thứ hai (option 2A và 2B) bao gồm các biện pháp quân sự.   

Trong nhóm ‘‘option 1’’, nước Mỹ có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, tiếp tục cô lập Matxcơva trên trường quốc tế, trang bị cho Ukraina những vũ khí tối tân hơn và tăng gấp bội nỗ lực củng cố quân sự tại sườn đông châu Âu. Việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân có thể tạo cơ hội để thuyết phục các nước vẫn còn miễn cưỡng - như Ấn Độ, và thậm chí có thể cả Trung Quốc - tham gia vào việc siết chặt các trừng phạt.  

Trong nhóm phản ứng này, Hoa Kỳ cũng có thể cung cấp cho Ukraina những vũ khí tối tân hơn để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga và giúp các đơn vị Ukraina hoạt động trong môi trường hạt nhân. Việc tăng cường binh lực của NATO tại sườn đông châu Âu có thể đi kèm với việc bố trí thường trực vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Ba Lan chẳng hạn. Mỹ cũng có thể thông báo phát triển thêm nhiều vũ khí hạt nhân có độ hủy diệt thấp để triển khai tại châu Âu, như tên lửa hạt nhân phòng không trên bộ (JASSM) hoặc tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM).  

Nhìn chung, theo chuyên gia Matthew Kroenig, nhóm biện pháp thứ nhất nói trên có ưu điểm là khiến Nga phải trả giá ở mức độ đáng kể, và khả năng thực thi cam kết của Hoa Kỳ là nằm trong tầm tay. Nhược điểm của nhóm biện pháp này là ‘‘nhiều quốc gia bạn hữu và kẻ thù sẽ coi các phản ứng của Mỹ là không đủ đối với một cuộc tấn công hạt nhân’’. 

Trong lúc nhóm phản ứng thứ nhất không bao hàm các biện pháp vũ trang, nhóm phản ứng thứ hai – option 2 là các biện pháp thuần túy vũ lực. Option 2A chỉ bao gồm các biện pháp phản công bằng vũ khí quy ước, và option 2B bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân.  

Cụ thể là, theo phương án 2A, để trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân của Nga tại Ukraina, Hoa Kỳ có thể tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường, mang tính hạn chế nhắm vào các lực lượng hoặc căn cứ của Nga đã trực tiếp tham gia vào cuộc tấn công. Cũng trong nhóm phương án này, Mỹ có thể trực tiếp đưa quân tham chiến tại Ukraina. Theo phương án 2B, Hoa Kỳ thậm chí có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả, ngăn chặn việc Nga tiếp tục sử dụng hạt nhân ở Ukraina.  

Lựa chọn tốt nhất: Đe dọa tấn công bằng vũ khí quy ước và hàng loạt biện pháp ''gián tiếp''

Theo tác giả, nhìn chung nhược điểm của cả hai biện pháp nói trên là gia tăng mạnh nguy cơ NATO và Nga đụng độ trực tiếp, riêng với phương án 2B, có thể kích động hành động đáp trả hạt nhân của Nga dễ dàng đến xung đột vượt tầm kiểm soát. Trước mắt, theo Matthew Kroenig, lựa chọn tốt nhất của Mỹ là kết hợp giữa các biện pháp thuộc phương án 1 (tức không đáp trả Nga bằng vũ lực) với các biện pháp thuộc phương áp 2A, tức trả đũa bằng vũ khí quy ước, chưa dùng đến vũ khí hạt nhân. Điều chủ yếu, theo vị chuyên gia này, là gởi một thông điệp công khai và rõ ràng đến chính quyền Nga về các hậu quả thảm khốc của một quyết định liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraina.  

Ghi chú 

(*) Chuyên gia Matthew Kroenig từng phục vụ trong bộ Quốc Phòng và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ thời các chính quyền Bush, Obama và Trump, trong đó có văn phòng Phòng thủ Tên lửa thuộc bộ Quốc Phòng và Nhóm Phân tích Chiến lược của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). 

https://www.rfi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét