Tôi biết Trần Thị Mai qua một cuộc phỏng vấn của ký giả Việt Hùng, vào hôm 23 tháng 3 năm 2016, trước khi bà sang Lào để tìm xác chồng – cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương. Ông tử trận vào hôm 24 tháng 2 năm 1971, và được người đời biết đến qua tác phẩm nổi tiếng (“Anh Không Chết Ðâu Anh”) của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh: Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương / Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu…
Tuy thế, có lẽ không ai hay biết (và cũng chả ai “thấy”) gì về cuộc sống của người cô phụ còn ở lại, cho đến khi bà lên tiếng trả lời những câu hỏi (thiết thân) trên nhật báo Người Việt :
“Vì hoàn cảnh quá khó khăn, tôi làm đủ thứ nghề mà vẫn không khá được. Các con tôi đều không được học hành đàng hoàng. Lớn lên một tí thì hai đứa con trai lớn vì không chịu nổi hoàn cảnh và đã đến tuổi đi “bộ đội” (trên 18 tuổi, luật của CSVN là bắt đi nghĩa vụ quân sự), nên đã bỏ trốn qua Campuchia làm nghề cạo mủ cao su. Rồi cả hai đều mất vì những căn bệnh hiểm nghèo…
“Với tôi thì tuổi đã già, tôi không mong muốn gì hơn là có thể được sang vùng Hạ Lào năm xưa, để hỏi thăm về tin tức anh Ðương. Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mạng.”
Mong ước của bà Nguyễn Thị Mai thì hơi khác. Tuy cũng giản dị thôi (“được chôn cất sau khi nhắm mắt”) nhưng e vẫn là điều bất khả. Tôi tình cờ gặp người phụ nữ đồng hương này trong quán cơm Ba Số Bẩy, ở khu chợ Tô Sanh (Phnom Penh) khi bà đang chào mời thực khách mua vé số – loại xổ hàng ngày – phát hành từ những tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Qua vài câu trao đổi “tâm tình,” tôi mới biết thêm được những nỗi truân chuyên trong kiếp sống tha hương của một bà Mai khác. Cũng như quả phụ Nguyễn Văn Đương, chồng của bà Nguyễn Thị Mai là một người lính miền Nam đã tử trận từ lâu. Và cả hai cùng đều đang bước vào tuổi đã xế chiều trong hoàn cảnh khốn cùng.
Bà Nguyễn Mai quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, nơi mà chỉ cần vài giờ xe là đã vượt sang xứ khác – xứ Chùa Tháp. Tuy thế, bà chưa bao giờ trở lại cố hương vì không còn thân bằng quyến thuộc gì nơi chốn cũ.
Bà chấp nhận Cambodia làm mảnh đất dung thân. Quê hương thứ hai – may thay – đủ bao dung cho một người Việt lâm vào bước đường cùng (không chồng, không con, không tiền, không nhà, và không cả manh giấy tùy thân) nên kẻ tha phương vẫn sống được lây lất qua ngày.
Mặc dù không còn có thể đi đứng được dễ dàng vì sức khỏe và tuổi tác, bà Mai vẫn còn kiếm được mười lăm/hai mươi ngàn đồng riels mỗi ngày, nghĩa là khoảng trăm hai đến trăm năm mươi Mỹ Kim hàng tháng. Chỉ cần nửa số tiền này cũng đã đủ để thuê được một chỗ tắm rửa, và ngủ nghỉ qua đêm :
Tui đi lòng vòng suốt ngày mà, mệt thì ngồi, được cái người Miên họ dễ lắm chú à. Họ cho mình ngồi trong quán nghỉ, cho xài cầu tiêu cầu tiểu thoải mái, và có khi còn cho đồ ăn dư luôn nữa.
Khi nghe hỏi về ước nguyện hiện tại của mình, bà Mai nhỏ giọng :
Tui không có mong ước gì hết trơn, hết trọi. Bây giờ còn đi bán được ngày nào thì hay ngày đó thôi. Có điều tui lúc nào cũng thấy khuây khoả vì có lũ nhỏ bao quanh, và đứa nào cũng sẵn sàng “bán dùm vé ế cho ngoại Mai kẻo tội.” Đêm về thì có chỗ để nằm, không ai đụng chạm phiền phức gì mình. Chỉ sợ khi chết bỏ xác ở đây, không ai chôn cất, chú ơi!
Năm rồi tôi không có dịp trở lại Nam Vang. Không biết bà Nguyễn Mai xoay trở ra sao trong những ngày tháng dịch bệnh nơi xứ lạ. Cầu mong cho bà chị vẫn được an lành, dù biết đây chỉ là một lời … cầu âu. Đời vẫn vốn không nương người thất thế mà. Nói chi đến thân phận nắng mưa thui thủi quê người một thân của một người già góa bụa!
Mới rồi thì tôi biết thêm một bà Mai nữa, qua bài tường thuật (“Trở Về Nhà Chăm Chồng Bệnh Nặng Là Lý Do Không Chính Đáng”) trên báo Công Luận, của phóng viên Hoàng Tuấn :
Nhận tin báo mẹ ở quê bị bệnh, ngày 28/6, bà Trương Thị Tuyết Mai (SN 1967) từ nhà ở quận Bình Tân, TP. HCM đi xe máy về xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để chăm sóc…
Dự tính đến ngày 15/9, khi TP. HCM hết giãn cách thì bà Mai sẽ trở về nhà. Nhưng nghe tin chồng …bị bệnh nặng, không ai chăm sóc, nên ngày 11/9 bà đã Mai đã đến Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre để xin giấy đi đường.
Tại đây đã cấp cho bà Mai một Giấy xác nhận với nội dung gửi: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp; các trạm, chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà Trương Thị Tuyết Mai được rời khỏi Bến Tre đến phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM…
Khi đến tại một chốt kiểm soát ở khu vực Tân An, Long An, lực lượng ở đây không cho bà Mai đi tiếp với lý do: Giấy xác nhận của UBND tỉnh Bến Tre không có số hiệu. Yêu cầu quay lại xin cấp giấy khác.
“Trình bày hoài mà họ không cho, họ yêu cầu phải bổ sung nội dung nên tôi phải chạy xe máy quay lại Bến Tre xin cấp giấy khác để kịp về trong ngày,” bà Mai nói…
Đinh ninh lần này sẽ được trở về nhà suôn sẻ, không ngờ khi tới chốt kiểm soát đầu tiên thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TP. HCM, nơi đây cách Bến Tre gần 100km, bà Mai bị lực lượng kiểm soát nơi đây chặn lại. Sau khi kiểm tra giấy tờ, những cán bộ tại chốt kiểm soát không cho bà Mai đi tiếp, mà yêu cầu quay về nơi xuất phát với lý do: Chăm chồng bệnh là lý do không chính đáng.
“Tôi trình bày, năn nỉ mà anh công an mặc áo vàng khăng khăng không cho, anh ấy bắt tôi quay lại, nếu không sẽ lập biên bản xử phạt”, bà Tuyết Mai bức xúc.
Nhiều vị thức giả cũng “bức xúc” không kém!
Bỉnh bút của Tạp Chí Luật Khoa, Yên Khắc Chính: “Có thể thấy trong hầu hết các quyết sách chống dịch của chính quyền, chỉ có người dân là chịu tác động trực tiếp và phải gánh hậu quả, các quan chức thì không. Điều này vi phạm một trong những nguyên tắc nền tảng nhất của mọi xã hội văn minh: nguyên tắc đối xử công bằng (equal treatment principle)… Khi xã hội xuất hiện khủng hoảng, sự bất bình đẳng này càng lộ rõ.”
Blogger Trân Văn (VOA): “Trong đại dịch, công dân có còn là con người hay không phụ thuộc vào việc viên chức hữu trách của các địa phương có… thích hay không!”
T.S Mạc Văn Trang: Sao họ coi dân như những kẻ nô lệ dưới thời thực dân phong kiến, như anh Pha, chị Dậu vậy?
Nhà văn Nguyễn Viện: “Không biết từ bao giờ, người ta đã không còn nhận ra phẩm giá của mình bị chà đạp. Và vì thế, người ta chấp nhận bị chà đạp như một điều hiển nhiên. Không thắc mắc, không phản đối. Ai sao mình vậy. Đấy là một tâm thức khốn cùng của kẻ nô lệ.”
Ba bà Mai kể trên thuộc hai thế hệ. Cả ba đều đã trải qua một kiếp nhân sinh mà “phẩm giá” người dân bị chà đạp một cách rất tự nhiên.” Nếu may mắn mà “CNXH có thể hoàn thiện ở Việt Nam” vào cuối thế kỷ này, như kỳ vọng của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, chả hiểu sẽ cần thêm bao nhiêu bà Mai phải (tiếp tục) sống “với tâm thức khốn cùng” như thế nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét