Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ hai 26 tháng 9 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Iran lên án Mỹ hỗ trợ 'những kẻ bạo loạn' 

25/9/2022 

Reuters 

Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian.

Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian. 

Hãng thông tấn bán chính thức ISNA dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian nói hôm Chủ nhật rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với "những kẻ bạo loạn" đi ngược lại với lập trường ngoại giao của Washington đối với Iran.

"Phản đối ôn hòa là quyền của mọi quốc gia. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ tham gia vào các vấn đề của Iran và hỗ trợ 'những kẻ bạo loạn' trong việc thực thi dự án gây bất ổn của họ rõ ràng là mâu thuẫn với các thông điệp ngoại giao của Washington đối với Iran về sự cần thiết của một thỏa thuận hạt nhân và thiết lập sự ổn định trong khu vực”, ông Amirabdollahian nói.

Trước đó, hôm thứ Bảy, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói nước này phải xử lý dứt khoát các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp đất nước sau khi một phụ nữ chết trong lúc bị cảnh sát đạo đức của nước cộng hòa Hồi giáo giam giữ.

Theo đài truyền hình nhà nước Iran, 35 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài một tuần và lan rộng đến hầu hết 31 tỉnh của nước này.

Hôm thứ Sáu tuần trước, phía nhà nước tổ chức các cuộc tuần hành ở một số thành phố của Iran để phản công các cuộc biểu tình chống chính phủ, và phía quân đội cam kết sẽ đối đầu với "bọn địch" đứng đằng sau tình trạng bất ổn.


Thêm bảy tàu chở nông sản rời các cảng của Ukraine 

25/9/2022 

Reuters 

Tàu chở ngũ cốc từ Ukraine.

Tàu chở ngũ cốc từ Ukraine. 

Bộ Cơ sở Hạ tầng của Ukraine cho biết, thêm 7 tàu chở đầy nông sản của nước này đã rời các cảng Ukraine hôm Chủ nhật.

Con số trên nâng tổng số lên 218 tàu kể từ khi hành lang do Liên Hợp Quốc làm trung gian qua Biển Đen có hiệu lực vào đầu tháng 8.

Ukraine, quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn, đã không thể xuất khẩu qua Biển Đen sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 cho đến khi có thỏa thuận về ngũ cốc, dẫn đến cam kết về việc qua lại an toàn cho các tàu chở hàng nông nghiệp.

Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trên cho biết, các chuyến tàu biển trên đã nâng tổng lượng nông sản được vận chuyển qua hành lang lên 4,85 triệu tấn.

"Vào ngày 25 tháng 9... 7 tàu với 146,2 nghìn tấn nông sản [xuất sang] các nước ở châu Phi, châu Á và châu Âu đã rời các cảng Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi", Bộ cho biết.

Ukraine đã vận chuyển tới 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng trước khi xảy ra chiến tranh.

Bầu cử Quốc Hội Ý: Phe cực hữu giành chiến thắng lịch sử

26/9/2022 

Lãnh đạo đảng Huynh Đệ Ý, Giorgia Meloni và biểu ngữ "Cảm ơn nước Ý", trước tổng hành dinh chiến dịch tranh cử tại Roma ngày 25/09/2022. AP - Gregorio Borgia 

Sau Thụy Điển, phe cực hữu vừa có một cú đột phá mới, giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc Hội tại Ý hôm qua, 25/09/2022.  


Hãng tin AFP cho biết, theo các thẩm định đầu tiên, đảng Huynh Đệ Ý ( Fratelli d’Italia)  đã thu được đến một phần tư số phiếu bầu, trở thành đảng lớn nhất ở nước Ý và như vậy là lãnh đạo đảng, bà Giorgia Meloni, có thể thực hiện tham vọng lên làm thủ tướng.

Liên minh giữa đảng này với đảng cực hữu khác là đảng Liên Đoàn của Matteo Salvini và đảng bảo thủ Forza Italia của ông Silvio Berlusconi đã thu được đến 43% số phiếu, tức là sẽ nắm đa số tuyệt đối tại Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Đây là lần đầu tiên từ năm 1945, một đảng hậu phát xít có khả năng lên cầm quyền nước Ý.

Phó chủ tịch Đảng Dân Chủ, cánh tả, Debora Seracchiani tối qua đã công nhận chiến thắng của liên minh cách hữu của bà Giorgia Meloni 

Từ Roma, thông tín viên Juliette Gheerbrant tường trình:

 “ Đây một chiến thắng cá nhân đối với Giorgia Meloni, ván bài của bà đã thắng đậm: Đúng như dự báo qua các cuộc thăm dò, Huynh Đệ Ý đã trở thành đảng đứng hàng đầu ở Ý, bỏ xa Đảng Dân Chủ, trong khi cách đây mới một tháng, hai đảng này còn ngang ngửa với nhau. 

Một điều khác mà người ta biết chắc chắn ngay từ tối qua: liên minh cánh hữu sẽ chiếm đa số ở cả hai viện của Quốc Hội. Như vậy là con đường đang rộng mở cho Giorgia Meloni. Bà có nhiều cơ may trở thành lãnh đạo chính phủ Ý.  

Tuy vậy, còn phải chờ các kết quả chung cuộc để đánh giá tương quan lực lượng bên trong liên minh cánh hữu và nói chung là vẫn phải thận trọng với các kế t quả từng phần được công bố đêm qua. Lý do là vì hệ thống bầu cử của Ý rất phức tạp, vừa bầu theo đa số, vừa bầu theo tỷ lệ, cho nên việc kiểm phiếu rất chậm và như vậy chưa thể biết ngay số ghế của mỗi đảng trong Quốc Hội mới. 

Ngoài ra, phong trào Năm Sao, đảng đã làm đổ chính phủ Draghi, dường như đạt kết quả không tệ lắm. Thăm dò trước đó dự báo đảng này thu được 13% số phiếu, nhưng trên thực tế, đảng này có thể đạt được tỷ lệ cao hơn. 

Ngược lại, có một điều đã được chờ đợi và đã được xác nhận, đó là tỷ lệ cử tri đi bầu đã giảm nhiều, số người không đi bỏ phiếu hôm qua đã phá kỷ lục. Tỷ lệ không tham gia bầu cử đã tăng liên tục từ năm này qua năm kia, tại một quốc gia mà cho đến cuối thập niên 1990, vẫn có đến hơn 80% cử tri đi bỏ phiếu.” 

Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới của OECD

Nước nào sẽ suy thoái trong những tháng tới — và suy thoái toàn cầu sẽ nghiêm trọng đến đâu? Bản báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OECD, được công bố vào thứ Hai, sẽ giúp trả lời phần nào câu hỏi đó.

Ngày càng nhiều nhà kinh tế dự đoán kinh tế châu Âu sẽ sớm suy thoái, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao làm ảnh hưởng tiêu dùng của các hộ gia đình. Nếu Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải phản ứng với chương trình cắt giảm thuế của chính phủ bằng cách tăng lãi suất, vấn đề của nước Anh sẽ càng thêm tồi tệ.

Trong khi đó, tình hình ở Mỹ tốt đến đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tạo ra việc làm và chi tiêu không hề có dấu hiệu giảm. Dữ liệu gần đây của lĩnh vực sản xuất cũng ổn, nếu không muốn nói là rất tốt, trong khi niềm tin của người tiêu dùng dường như tăng lên nhờ giá xăng dầu giảm. Nhưng với triển vọng lạm phát không rõ ràng và Cục Dự trữ Liên bang nhanh chóng tăng lãi suất, không có gì là quá chắn chắn.

Cuộc chiến bị quên lãng ở Myanmar

Nếu không có chiến tranh Ukraine, cuộc chiến hiện tại ở Myanmar có thể sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn. Gần đây nhất là vụ tấn công hôm 16 tháng 9 của quân đội vào làng Let Yet Kone, ở miền tây bắc đất nước, trong đó một trường học đã bị trực thăng bắn, khiến ít nhất 11 trẻ em và hai người lớn thiệt mạng. Vụ việc chắc chắn sẽ xuất hiện trong báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào thứ Hai khi tổ chức này dành một phiên họp để nói về Myanmar.

Kể từ khi quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính năm ngoái, tình hình ở Myanmar đã xấu đi nhanh chóng. Liên Hợp Quốc nói có hơn 13 triệu người đang bị thiếu lương thực. Hơn 1 triệu người phải di tản vì giao tranh giữa quân đội và các nhóm đối lập. Nhiều quốc gia đã áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Myanmar, nhưng sẽ có nhiều lời kêu gọi Liên Hợp Quốc làm nhiều hơn nữa để chính quyền quân sự không thể tiếp cận các nguồn thu và vũ khí. Dĩ nhiên các biện pháp từ trước đến nay hoàn toàn không có tác dụng.

Dự thảo ngân sách của chính phủ Pháp

Vào thứ Hai, bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire sẽ công bố ngân sách chính phủ cho năm 2023. Nhiệm vụ của ông khá phức tạp. Pháp đã hứa giảm thâm hụt ngân sách chính phủ xuống còn 3% vào năm 2027; song con số của năm tới dự kiến lên tới 5%. Và Pháp sẽ phải chi mạnh để hỗ trợ chi trả hóa đơn năng lượng, như đã hứa. Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi lạm phát, chính phủ có kế hoạch giới hạn tăng giá điện và khí đốt ở mức 15%.

Pháp cũng cần thể hiện trách nhiệm tài khoá của mình. Ủy ban Châu Âu đã tạm đình chỉ các quy tắc tài khóa của khối, vốn quy định thâm hụt quốc gia phải dưới 3%, cho đến năm 2024. Nhưng thâm hụt của Pháp trông giống với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hơn là Đức. Vì vậy, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ muốn nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi lên 64 hoặc 65 như ông đã từng hứa. Gắn việc này với vấn đề ngân sách giúp thể hiện tinh thần cải cách của ông, nhưng đổi lại sẽ là biểu tình và đình công.

Colombia và Venezuela nối lại quan hệ

Một cửa khẩu quan trọng ở Nam Mỹ sẽ mở cửa lại hoàn toàn từ thứ Hai. Nhờ quan hệ Colombia-Venezuela tan băng, các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa sẽ được đi lại giữa hai nước lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Biên giới đã bị đóng khi tổng thống lúc bấy giờ của Colombia, Iván Duque, từ chối công nhận Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo của Venezuela sau cuộc bầu cử 2018. Nhưng quan hệ được cải thiện sau khi Gustavo Petro, một người cánh tả, được bầu làm tổng thống mới của Colombia vào tháng 6. Đại sứ mới đã được bổ nhiệm, và các chuyến bay sẽ được nối lại.

Việc mở cửa có ích cho cả hai nền kinh tế. Xuất khẩu từ Colombia sang Venezuela, bao gồm dầu cọ, chỉ đạt 331 triệu USD vào năm ngoái. Bộ trưởng Thương mại Colombia tính toán thương mại có thể đạt 1,2 tỷ đô la trong năm nay – gấp đôi ước tính trước đó. Nhưng mọi chuyện còn phụ thuộc vào quá trình phục hồi kinh tế mong manh của Venezuela. Xuất khẩu của Colombia sang Venezuela từng giảm mạnh khi nền kinh tế Venezuela sụp đổ vào năm 2014. Ngoài ra hai bên còn phải đối phó với hoạt động băng đảng và buôn lậu tràn lan ở biên giới.

Căng thẳng eo biển Đài Loan khiến phố Wall rục rịch đánh giá lại rủi ro tại thị trường Trung Quốc

Thanh Hải

Căng thẳng eo biển Đài Loan khiến phố Wall rục rịch đánh giá lại rủi ro tại thị trường Trung Quốc

Sự ăn miếng trả miếng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các công ty tài chính toàn cầu phải đánh giá lại rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc. Ảnh một bảng hiệu trên phố Wall. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Sự ăn miếng trả miếng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đang khiến các công ty tài chính toàn cầu phải đánh giá lại rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc. Trước đó, các tổ chức tài chính quốc tế này đã thua lỗ hàng tỷ USD tại Nga.

Trong vài tháng qua, một số ngân hàng quốc tế, bao gồm Societe Generale, JPMorgan và UBS, đã yêu cầu nhân viên xem xét các kế hoạch dự phòng, theo tờ Bloomberg. Đồng thời, các công ty bảo hiểm quốc tế bắt đầu ngừng ban hành các chính sách mới đối với các công ty đầu tư vào Trung Quốc và Đài Loan. Chi phí bảo hiểm rủi ro chính trị đã tăng hơn 60% kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine.

Rủi ro chính trị xung quanh các lệnh trừng phạt Mỹ-Trung “đang khiến các nhà quản lý rủi ro phải bận rộn”, giáo sư Mark Williams của Đại học Boston cho biết.

Ông nói: “Một cuộc chiến trừng phạt sẽ làm tăng đáng kể chi phí hoạt động và thúc đẩy các ngân hàng Mỹ phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc”.

Gần đây, căng thẳng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan đã khiến các công ty cảm nhận được bầu không khí bất an.

Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Biden đã nói trong chương trình “60 minutes” của đài CBS rằng, nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, quân đội Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo. Đây là tuyên bố rõ ràng nhất mà ông Biden đưa ra kể từ khi nhậm chức, bất chấp việc Nhà Trắng tuyên bố rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan không đổi.

Tuần trước, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã buộc các giám đốc điều hành ngân hàng Hoa Kỳ phải trả lời liệu họ có rút khỏi Trung Quốc hay không, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Các giám đốc điều hành của Bank of America, JPMorgan và Citigroup đều cho biết, các ngân hàng của họ sẽ tuân theo hướng dẫn của chính phủ Hoa Kỳ và thu hẹp quy mô hoạt động của họ ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh xâm chiếm hòn đảo này.

ĐCSTQ không chịu thua kém. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng bất cứ ai cản trở quyết tâm thống nhất hai bờ eo biển sẽ bị “con tàu lịch sử khổng lồ đè bẹp”, “chỉ khi Trung Quốc thống nhất hoàn toàn thì mới có hòa bình ở eo biển Đài Loan”, “chúng tôi phải tấn công với quyết tâm cao nhất đối với hoạt động ly khai giành độc lập cho Đài Loan”, v.v.

Một giám đốc điều hành ngành tài chính nói với tờ Bloomberg rằng, họ nhận thấy nguy cơ xung đột vũ trang thấp nhưng khả năng bị trừng phạt giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng.

Điều đó có nghĩa sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ đối với Phố Wall, nơi đã đổ một lượng tiền khổng lồ vào Trung Quốc sau khi mở cửa lĩnh vực tài chính. Vào thời điểm căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là một khoản tiền lớn.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, các công ty đã tiến hành kiểm tra mức độ căng thẳng trong vài tháng qua, kiểm tra mức độ tiếp xúc của họ với tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu để xem liệu họ có thể xử lý sự sụt giảm đột ngột của thị trường hay không.

Societe Generale được cho là đã đánh giá số lượng nhân viên ở Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, trong bối cảnh các giám đốc điều hành ở Paris lo lắng về tình hình này.

UBS đã yêu cầu các đơn vị tại Đài Loan xem xét các kế hoạch dự phòng, trong đó cân nhắc đến việc giảm các dịch vụ giao dịch ngoại hối cho khách hàng Đài Loan, một người quen thuộc với vấn đề này cho hay.

Societe Generale, JPMorgan và UBS đã từ chối yêu cầu bình luận của tờ Bloomberg.

Hai giám đốc điều hành ngân hàng cho biết, ưu tiên hàng đầu là giữ an toàn cho nhân viên, xác định những khách hàng có thể bị xử phạt và tìm cách giảm thiểu rủi ro của đối tác và tổn thất giao dịch tiềm ẩn.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm đã tăng giá bảo hiểm rủi ro chính trị liên quan đến Trung Quốc lên trung bình 67%, theo dữ liệu từ công ty quản lý rủi ro đa quốc gia Willis Towers Watson.

Tuy nhiên, một số ban lãnh đạo ngân hàng không muốn có các cuộc thảo luận chính thức hoặc đưa ra kế hoạch bằng lời nói vì lo ngại sự đáp trả của ĐCSTQ.

Ông Isaac Stone Fish, người sáng lập Strategy Risks, chuyên về quan hệ doanh nghiệp – Trung Quốc, cho biết: “Một số ngân hàng rủi ro lo ngại các kế hoạch dài hạn vì sợ Trung Quốc đáp trả”.

Một số giám đốc điều hành ngành tài chính lo ngại một tình huống giống như Nga, trong đó Bắc Kinh chặn các ngân hàng chuyển vốn ra nước ngoài để đáp trả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Ông Dale Buckner, giám đốc điều hành của Global Guardian, một công ty dịch vụ an ninh quốc tế cho biết: “Nga là một ví dụ thực sự tồi tệ về những gì đã xảy ra”.

“Mọi người đang đặt ra những câu hỏi ‘giả định’: Nếu có một cuộc phong tỏa, nếu các hệ thống mạng bị phong tỏa, nếu có một cuộc tấn công hải quân hoặc một cuộc chiến thực sự thì điều gì sẽ xảy ra?”, ông Buckner nói.

Ông nói, bước đầu tiên trong đánh giá là kiểm tra tài sản phần cứng và sở hữu trí tuệ của khu vực để hiểu dòng tiền của một công ty đang ở đâu và ai có quyền kiểm soát, nếu Trung Quốc quyết định tiếp quản hệ thống ngân hàng và từ chối quyền truy cập.

Trước đó, tờ Financial Times của London đưa tin, kể từ khi xâm lược Ukraine, các công ty phương Tây đã nhận thấy sự gia tăng nhu cầu họp giao ban về nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan.

Ông Buckner cho biết vào thời điểm đó, bảy công ty trong danh sách Fortune 500 đã liên hệ với công ty của ông để lên kế hoạch dự phòng cho rủi ro ở Đài Loan, bao gồm cả việc sơ tán nhân viên khỏi hòn đảo nếu cần thiết. Ông tiết lộ, ba trong số đó là những công ty công nghệ có tiếng.

“Họ là những thương hiệu mà quý vị đều biết đến”, ông Buckner nói, “Và thành thật mà nói, họ rất sợ hãi”.

Thanh Hải

Ông Tập Cận Bình ẩn thân sau chuyến thăm Trung Á, xuất hiện tin đồn bị đoạt quyền

Trí Đạt

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/09/Screen-Shot-2022-05-18-1.jpg

Ông Tập Cận Bình (Ảnh cắt từ video) 

Việc ông Tập Cận Bình vắng mặt một cuộc hội thảo về cải cách quốc phòng và quân sự của ĐCSTQ một cách hiếm thấy, cùng việc ông đã ẩn thân hơn 1 tuần từ khi về nước sau chuyến thăm Trung Á, làm dấy lên tin đồn ông bị đoạt quyền.

Tin dồn dấy lên khắp nơi về việc ẩn thân của ông Tập sau chuyến thăm Trung Á

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, Hội thảo Cải cách Quân đội và Quốc phòng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 21/9. Hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) đã phát biểu tại hội nghị, các ủy viên Quân ủy Trung ương Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Miêu Hoa (Miao Hua), Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin) đã tham dự cuộc họp.

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã không tham dự hội nghị, mà chỉ đưa ra “chỉ thị” cho hội nghị, yêu cầu quân đội tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh, v.v. Một thành viên khác của quân ủy vắng mặt là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), ông là tướng lĩnh do đích thân ông Tập Cận Bình đề bạt trọng dụng.

Cảnh quay đưa tin của CCTV cho thấy ông Lý Kiều Minh (Li Qiaoming – 61 tuổi), nguyên Tư lệnh Chiến khu Bắc bộ bị miễn nhiệm trước đó, cũng tham dự hội nghị này và ngồi ở hàng ghế đầu. Trước đó có nhiều tin đồn cho rằng ông Lý Kiều Minh dính líu đến một cuộc “binh biến”.

Ông Lý Kiều Minh ngồi ở hàng ghế đầu đeo huy hiệu Quân đội trước ngực tại cuộc họp. Sự xuất hiện của ông không chỉ đồng nghĩa với việc đập tan tin đồn ông có liên quan đến “binh biến”, mà còn cho thấy ông vẫn được ông Tập tin tưởng.

Ông Tập Cận Bình đã thăm Kazakhstan và Uzbekistan liên tiếp từ ngày 14 đến ngày 16/9, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do ĐCSTQ và Nga dẫn đầu. Theo Nhân dân Nhật báo, sau khi hội nghị thượng đỉnh SCO kết thúc vào ngày 16/9, ông Tập Cận Bình đã “ra thẳng sân bay đáp chuyên cơ trở về Trung Quốc” từ địa điểm tổ chức thượng đỉnh và trở về Bắc Kinh vào nửa đêm ngày 16/9.

Ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông trở về Bắc Kinh, và đã ẩn hình trong hơn một tuần.

Tân Hoa Xã từng đưa tin, vào ngày 22/9 ông Tập Cận Bình đã gửi lời thăm tới “Lễ hội thu hoạch của nông dân Trung Quốc”; vào ngày 23/9, ông Tập đã gửi thư chúc mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Thông tấn xã Trung Quốc (CNS).

Trong giai đoạn này, rất nhiều tin tức bất lợi về ông Tập đã được lan truyền trên Twitter và thậm chí trên WeChat ở Trung Quốc Đại Lục. Một trong những tin tức phổ biến nhất trên Twitter là ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo đã thuyết phục thành công ông Tống Bình (Song Ping), cựu Ủy viên Thường vụ, nắm quyền kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương. Ông Tập trở về Bắc Kinh vào tối ngày 16/9, bị kiểm soát tại sân bay, và bị quản thúc tại nhà ở Trung Nam Hải, Hội nghị Trung ương 7 khóa 19 sẽ tuyên bố sự thật, v.v.

Một nhà văn ẩn danh trên mạng Internet Đại Lục, nói với phóng viên Epoch Times vào ngày 23/9 rằng thông tin mà ông nghe được là hiện giờ ông Tập Cận Bình hiện chỉ gửi thông tin từ xa và đang bị giam lỏng, không được phép lộ diện. Ông cũng không được tham gia cuộc họp quan trọng về cải cách quân ủy.

Vị này cho rằng nếu thực sự bị giam lỏng, thì có thể không cần đợi đến phiên họp toàn thể lần thứ bảy (Hội nghị Trung ương 7) mới tuyên bố, chính sách ‘zero COVID’ cũng sẽ lập tức kết thúc.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng trên Twitter cho rằng lý do ông Tập Cận Bình ẩn thân và vắng mặt trong cuộc họp, có thể là do ông cần phải cách ly một thời gian theo quy định phòng chống dịch sau chuyến thăm nước ngoài.

Phân tích: Tin đồn chống Tập để tỏ sự bất mãn

Nhà quan sát các vấn đề thời sự Vương Hách nói với Epoch Times hôm 23/9 rằng ông Tập Cận Bình có lộ diện hay không không thành vấn đề, bởi trước đây ông đã từng thường không xuất hiện trong một thời gian dài. Trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của ĐCSTQ, chuyến thăm Trung Á của ông Tập Cận Bình là một biểu hiện nắm chắc phần thắng, ông ấy không phải là mạo hiểm ra nước ngoài.

Nhà bình luận Vương Hách tin rằng rất nhiều người không muốn ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, vì vậy họ muốn làm gì đó. “Giống như tin đồn khắp nơi như thế này, từ góc độ chính trị mà nói, nó không có ý nghĩa thực chất. Chỉ là biểu đạt một kiểu bất mãn.”

Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), người dẫn chương trình truyền thông nổi tiếng “Chính luận thiên hạ” cho rằng tin đồn liên quan đến việc ông Tập bị đoạt quyền không phù hợp kiến thức thông thường về chính trị cơ bản. Ông nói, nếu ông Tập Cận Bình mất quyền lực thì làm sao có khả năng kết án nghiêm khắc các thành viên trong băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân?

Trong khoảng thời gian ông Tập ẩn thân, “6 con hổ chính trị pháp luật” thuộc bè phái chính trị Tôn Lực Quân đã bị kết án nghiêm khắc trong 3 ngày qua, trong đó có Vương Lập Khoa, Phó Chính Hoa, Tôn Lực Quân, lần lượt bị kết án tử hình hoãn thi hành án, bị giam giữ suốt đời.

SCMP bóng gió ông Tập Cận Bình tái nhiệm?

Tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông, được coi là có bối cảnh tuyên truyền đối ngoại, vào ngày 22/9 đã đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể tới Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình vào tháng 11 năm nay.

SCMP do doanh nhân Trung Quốc Jack Ma kiểm soát, cũng được cho là thân cận với Tăng Khánh Hồng thuộc phe Giang Trạch Dân. Ngày 18/7, tờ báo này cũng loan tin 4 nước châu Âu sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 11, nói rằng “thực tế này gián tiếp xác nhận rằng ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba”. Tuy nhiên vào hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi đó là “tin giả”. Ngày 19/7, SCMP lại đưa tin, lời mời liên quan dự kiến ​​sẽ được chính thức xác nhận vào cuối năm nay.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói với Epoch Times rằng SCMP là một tờ báo ở Hồng Kông, cho nên nội dung mà nó đưa tin có hạn chế nhất định. Bất kỳ tin tức nào động chạm đến nội bộ ĐCSTQ đều có thể dễ dàng được coi là ĐCSTQ đang tung tin. Nhưng đôi khi tin tức không nhất thiết phải từ cùng một phe, và có yếu tố đấu đá nội bộ. Ví dụ, tin tức lần này có thể được coi là đến từ phe Tập, để cho thấy rằng ông Tập về cơ bản sẽ tái đắc cử.

Nhà bình luận Vương Hách cho rằng từ góc độ bố cục ngoại giao của ĐCSTQ, việc các nhà lãnh đạo của các nước châu Âu có thể thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 là có khả năng. ĐCSTQ hiện đang cố gắng lôi kéo Liên minh Châu Âu (EU). Sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử, ông ta sẽ muốn chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và EU, và đối đầu với Mỹ. Nhưng sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, sau khi có địa vị vững chắc thì mời mời các nhà lãnh đạo châu Âu đến.

Ông nói, “Ông ấy chắc chắn sẽ nỗ lực ngoại giao trong vấn đề này. Nhưng trước khi thành công, ông ấy sẽ không tiết lộ.”

Trí Đạt 

Bắc Triều Tiên lại thử tên lửa đạn đạo vào lúc Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tập trận

Hình ảnh Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa được phát trên TV tại trạm xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, 25/09/2022. AP - Ahn Young-joon 

Bắc Triều Tiên một lần nữa đã bắn một tên lửa đạn đạo vào hôm nay 25/09/2022, trong bối cảnh một tàu sân bay Mỹ đang ở Hàn Quốc để chuẩn bị tập trận và vài ngày trước chuyến thăm Seoul của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. 

Trong một thông cáo, Quân Đội Hàn Quốc cho biết là họ đã “phát hiện một tên lửa tầm ngắn do Bắc Triều Tiên phóng đi lúc 6:53 sáng theo giờ địa phương từ khu vực lân cận Taechon, tỉnh Bắc Pyongan, về phía Biển Nhật Bản”, và nói rõ thêm là tên lửa đó đã bay được khoảng 600 km ở độ cao tối đa 60 km với tốc độ Mach 5 (khoảng 6.000 km/giờ).

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada, hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đã kết thúc hành trình bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Bình Nhưỡng đã bắn thử tên lửa trong bối cảnh tàu sân bay hạt nhân Mỹ USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến đi kèm theo đã ghé cảng Busan ở miền nam Hàn Quốc hôm 23/09 vừa qua, để chuẩn bị tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc trong những ngày tới đây.

Ngoài ra, theo chương trình dự kiến, phó tổng thống Mỹ cũng sẽ ghé Seoul vào thứ Năm 29/09 sắp tới và sẽ hội đàm với tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Từ khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, tân tổng thống Hàn Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Washington là đồng minh an ninh chính của Seoul và có khoảng 28.500 quân đóng ở Hàn Quốc.

Hai nước từ lâu đã tiến hành các cuộc tập trận chung, nhấn mạnh vào mục tiêu phòng thủ, nhưng bị Bắc Triều Tiên xem là những buổi tổng diễn tập cho một cuộc xâm lược trong tương lai.

Hoa hậu Myanmar bị từ chối nhập cảnh Thái Lan khi bay sang từ VN

26/9/2022

Han Lay

Nguồn hình ảnh, Miss Grand International

Chụp lại hình ảnh, 

Bài phát biểu của Han Lay trở thành tiêu điểm khắp thế giới

Han Lay, hoa hậu Hoà bình Myanmar 2020 bị từ chối nhập cảnh tại sân bay Suvarnabumi, Bangkok khi bay từ Việt Nam sang Thái Lan, theo thông tin từ BBC Burmese. 

Người đẹp Myanmar thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm ngoái với bài phát biểu xúc động trong cuộc thi sắc đẹp. Cô kêu gọi sự giúp đỡ khẩn thiết từ cộng đồng quốc tế vì người dân Myanmar bị quân đội đàn áp.

Theo đó, người đẹp 23 tuổi hiện đang ở phòng chờ của sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan hôm 21/9. Cô nói với BBC Burmese rằng cảnh sát Thái cho hay cô nằm trong danh sách truy nã của Interpol. Tại đây, Han Lay đã liên lạc với BBC Burmese về tình hình hiện tại của cô.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Burmese, cô cho hay chính phủ Thái Lan muốn cô bay về lại Việt Nam nhưng cô từ chối vì lo sợ sẽ bị áp giải về Myanmar. 

Han Lay hiện đang ở tại phòng chờ chuyến bay quốc tế và kêu gọi sự giúp đỡ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. 

Cô cũng cho hay, các nhân viên Vietnam Airlines đang chờ cô vì họ nghĩ mình phải có trách nhiệm với hành khách.

Về việc vì sao bay đến Việt Nam, người đẹp Myanmar giải thích rằng cô ở Thái Lan bằng visa du lịch. Do quá hạn visa nên cô phải bay sang một nước khác. 

Khi đến Việt Nam, cô không gặp trở ngại gì. Nhưng khi nhập cảnh vào lại Thái Lan, cô bị tạm giữ do có tên trong danh sách truy nã của Interpol vì "phạm tội ở Myanmar".

"Tôi không quay về Việt Nam. Một khi quay về Việt Nam, tôi sẽ bị gửi về Myanmar nên tôi sẽ ở lại Thái Lan."

Trong khi đó, Cơ quan Di trú Thái Lan cho biết Han Lay không có thị thực hợp lệ để nhập cảnh vào Thái Lan, theo Reuters

Trong một thông cáo, cơ quan này cho hay Han Lay 'không bị giam giữ và cô đang được sắp xếp để lên chuyến bay ra khỏi Thái Lan,' theo Reuters.

Người phát ngôn hội đồng quân sự cầm quyền của Myanmar không đưa ra bình luận gì về vụ việc, trong khi Interpol không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về việc liệu Han Lay có phải là đối tượng trong của một thông báo truy nã của Interpol hay không.

Trên trang Facebook cá nhân với hơn 300.000 người theo dõi, Han Lay viết:

"Cảnh sát Myanmar hiện đang ở sân bay Suvarnabumi và họ cố gắng tiếp cận để nói chuyện với tôi. Tôi khẩn cầu chính quyền Thái Lan giúp đỡ và tôi sẽ từ chối gặp mặt cảnh sát Myanmar bằng cách dùng quyền con người của mình. Tôi cũng đã báo cáo việc này với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn."

Tờ Irrawaddy dẫn lời Han Lay:

"Tôi tức giận về danh sách truy nã của Interpol. Tôi không thích việc vi phạm nhân quyền và vì vậy tôi đã lên án chúng. Tôi nghĩ cùng lắm là họ sẽ phát lệnh bắt giữ ở Myanmar thôi."

Nawit Itsaragrisil, người sáng lập cuộc thi Miss Grand International của Thái Lan, kiêm đại diện cho Han Lay cho biết cô đã đến khu vực quá cảnh của Bangkok từ chiều thứ Tư 21/9.

Ông nói rằng Han Lay đã bị giữ lại sân bay vì là đối tượng trong danh sách của Interpol.

"Cô ấy không muốn đi bất cứ nơi nào khác. Cô ấy muốn sống ở Thái Lan," ông nói với Reuters. "Cô ấy đang chờ một giải pháp để có thể ở lại Thái Lan."

Hồi tháng 4/2021, trong cuộc thi sắc đẹp Miss Grand International 2020 diễn ra tại Thái Lan. Han Lay đã lên tiếng phản đối những hành vi tàn bạo của quân đội nước cô.

"Hôm nay ở đất nước Myanmar của tôi... có rất nhiều người chết," cô nói tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2020 ở Thái Lan. "Hãy giúp Myanmar. Chúng tôi cần sự giúp đỡ cấp bách của quốc tế ngay bây giờ."

Bài phát biểu đã gây chấn động, trở thành tựa đề trên nhiều tờ báo. Sau đó, cô nhận nhiều lời đe dọa: "Họ dọa tôi trên mạng xã hội, nói rằng khi tôi về Myanmar thì… nhà tù sẽ đón chào tôi," cô nói. Cô không biết ai đứng đằng sau các lời đe dọa nói trên. Cô cho biết bình luận ủng hộ cô trên mạng xã hội vẫn áp đảo.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính tháng Hai năm ngoái, với xung đột lan rộng trên khắp cả nước sau khi quân đội trấn áp hầu hết các cuộc biểu tình ôn hòa ở các thành phố.

AAPP cho biết hơn 2.100 người đã bị lực lượng an ninh sát hại kể từ cuộc đảo chính, nhưng chính quyền quân đội nói rằng con số này đã bị phóng đại.

Khó có thể đánh giá được bức tranh thực sự của bạo động khi các cuộc đụng độ đã lan rộng đến các khu vực xa xôi hơn, nơi các nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số cũng đang chiến đấu với quân đội.

Hồi tháng 7/2022, các nhà chức trách quân sự Myanmar đã hành quyết bốn nhà hoạt động dân chủ bị cáo buộc giúp tiến hành "các hành vi khủng bố".

Bà Suu Kyi - cựu lãnh đạo của Myanmar và cũng là người đạt giải Nobel Hòa bình - hiện bị kết án tổng cộng 20 năm tù với 11 tội danh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét