Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ năm 22 tháng 9 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Zelensky phát biểu trước LHQ, đòi trừng phạt Nga

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-1426017858.jpg

Tổng thống Ukraine V. Zelensky phát biểu qua video trước hội nghị thường niên lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York sáng nay thứ Tư 21 Tháng Chín 2022, yêu cầu trừng phạt Nga về hành vi xâm lược, Ảnh Spencer Platt/Getty Images 

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York hôm Thứ Tư 21 Tháng Chín 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Ukraine muốn “trừng phạt công bằng” cho tội ác mà Nga đã gây ra đối với nước mình.

Trong một bài diễn văn được ghi hình trước và được chiếu tại hội nghị của Đại hội đồng, ông Zelensky cũng đưa ra kế hoạch năm điểm để thiết lập hòa bình cho Ukraine, đồng thời bác bỏ đề nghị biến Ukraine thành một quốc gia trung lập, theo bản tin của hãng Reuters.

Ông Zelensky cũng loại trừ mọi đề nghị hòa bình khác với kế hoạch mà Ukraine đưa ra.


Năm điều kiện “không thể thương lượng” mà ông Zelensky đưa ra trong kế hoạch hòa bình Ukraine bao gồm trừng phạt hành vi xâm lược của Nga, khôi phục an ninh của Ukraine và bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh cho đất nước ông. 

“Điểm đầu tiên trong công thức hòa bình của chúng tôi. Điểm toàn diện. [là] Trừng phạt,” ông Zelensky nói trước Đại hội đồng LHQ. “Trừng phạt cho tội ác xâm lược. Trừng phạt hành vi xâm phạm biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ [của Ukraine]. Sự trừng phạt phải được thực thi cho đến khi đường biên giới được quốc tế công nhận được phục hồi”, ông Zelensky nói.

Ông nói thêm: “Điều gì KHÔNG có trong công thức của chúng tôi? Tính trung lập. Những người nói về tính trung lập, khi các giá trị của con người và hòa bình bị tấn công, họ nhắm tới điều gì đó khác.”

Nhiều phái đoàn đã đứng dậy dành cho Zelensky sự hoan nghênh nhiệt liệt sau bài phát biểu của ông. Phái đoàn Nga vẫn ngồi yên.

Việc tìm kiếm tư cách thành viên của liên minh NATO và Liên minh châu Âu đã được ghi trong hiến pháp của Ukraine. Nhưng Nga cho biết trước khi bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng Hai rằng việc Ukraine gia nhập NATO là “lằn ranh đỏ” không thể bị vượt qua.

Zelensky loại trừ “mọi cuộc dàn xếp khác với công thức hòa bình của Ukraine. Khủng bố Nga càng vươn xa, càng ít có khả năng bất kỳ ai trên thế giới đồng ý ngồi vào bàn với họ”.

Mỹ, châu Âu, châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi khẩn cấp chống nạn đói

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị về An ninh Lương thực nhân kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 77 ở New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2022. REUTERS - DAVID DEE DELGADO 

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga và nguy cơ nạn đói gia tăng trên quy mô toàn cầu là hai trong số các chủ đề nổi bật trong phiên khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 77, ngày hôm qua, 20/09/2022. Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu (EU), Liên Hiệp Châu Phi, Colombia, Nicaragua và Indonesia ra một tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp chống nạn đói. 

Theo AFP, tuyên bố chung được đưa ra bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, sau một cuộc họp cấp cao của các quốc gia liên quan, nhấn mạnh ‘‘cần hành động khẩn cấp, có phối hợp và đủ tầm mức để đáp ứng được các nhu cầu khẩn cấp về thực phẩm của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới’’. Các nước đưa ra tuyên bố cam kết gia tăng đóng góp về tài chính cho các tổ chức nhân đạo, và không thiết lập các biện pháp siết chặt đối với các thị trường thực phẩm và phân bón.  

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nêu bật sự gắn bó mật thiết giữa cuộc chiến chống nạn đói và hòa bình, ‘‘không thể có hòa bình khi nạn đói hoành hành, và không thể thành công trong cuộc chiến chống nạn đói, nếu không có hòa bình’’. Theo ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, một trong những người chủ trì cuộc họp nói trên, tổng thống Joe Biden - có kế hoạch phát biểu hôm nay tại Liên Hiệp Quốc - sẽ phải thông báo loạt trợ giúp mới của nước Mỹ.  

Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích hành xử của nước Nga khiến nạn đói thêm trầm trọng trên quy mô toàn cầu, tuy nhiên cũng hoan nghênh thỏa thuận giữa Ukraina và Nga, với sự trung gian của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được hồi tháng 7, cho phép lương thực, thực phẩm có thể rời Ukraina đến các nước đang bị đói, và ‘‘kéo giá thực phẩm toàn cầu xuống thấp’’. Ông Blinken cũng kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thực thi thỏa thuận này. Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Mỹ Conflict Observatory, chuyên theo dõi về tình hình Ukraina, kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lăng, Ukraina đã mất 15% tổng dự trữ thực phẩm, để lại nhiều hậu quả với an ninh lương thực thế giới.

Tổng thư ký LHQ : ''Chia rẽ nguy hiểm giữa phương Tây và các nước phía Nam''

Trung Quốc và Nga không tham gia vào sáng kiến nói trên của Mỹ, Liên Âu, Liên Hiệp Châu Phi và một số quốc gia châu Mỹ Latin và châu Á. Cũng trong phiên khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh đến các chia rẽ về địa chính trị ghê gớm hiện nay, đặc biệt là ‘‘sự chia rẽ nguy hiểm giữa phương Tây với các nước phía nam, nguy cơ đối với hòa bình và an ninh toàn cầu là vô cùng lớn’’. 

Nga thả ông Andy Huynh, người lính sang Ukraine chiến đấu

Andy Tai Ngoc Huynh (trái) và Alexander Drueke

Nguồn hình ảnh, CBS/Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Andy Tai Ngoc Huynh (trái) và Alexander Drueke

22 tháng 9 2022

Hai người Mỹ bị lực lượng do Nga hậu thuẫn bắt giữ sau khi tình nguyện chiến đấu ở Ukraine đã được thả.

Alexander Drueke và Andy Huynh, cả hai là cựu quân nhân từ Alabama, mất tích sau một cuộc chiến ở khu vực Kharkiv của Ukraine vào tháng Sáu.

"Chúng tôi rất vui mừng được thông báo rằng Alex và Andy đã được tự do", các gia đình cho biết. 

"Họ đang được đại sứ quán Hoa Kỳ ở Saudi Arabia tạm giữ an toàn và sau khi kiểm tra y tế và thẩm vấn, họ sẽ trở về Hoa Kỳ."

Drueke và Huynh được cho là những công dân Hoa Kỳ đầu tiên bị lực lượng của Nga bắt giữ ở miền đông Ukraine khi họ được thông báo mất tích vào giữa tháng 6.

Sau khi bị quân Nga bắt, cả hai bị giam giữ tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), chế độ ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết hôm thứ Tư rằng "các nỗ lực hòa giải" thay mặt cho Thái tử Mohammed bin Salman đã dẫn đến việc thả 10 tù nhân chiến tranh - trong số đó có công dân Hoa Kỳ - như một phần của cuộc trao đổi giữa Nga và Ukraine.

Các công dân Anh, Thụy Điển, Croatia và Morocco cũng được trả tự do.

Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết bà "vô cùng hoan nghênh khi 5 công dân Anh bị lực lượng do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine bắt giữ, sắp được trở về an toàn, chấm dứt những tháng bất ổn và đau khổ cho họ và gia đình của họ."

Drueke, một cựu binh và Huynh, một cựu Thủy quân lục chiến, cả hai đều rời Alabama đến Ukraine vào tháng 4 và gặp nhau ở đó. 

Sau khi gia đình của họ thông báo rằng đã mất liên lạc với họ vào đầu tháng 6, các bức ảnh bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội của Ukraine và Nga cho thấy họ bị giam cầm.

Điện Kremlin cho rằng người Mỹ là lính đánh thuê và đã "phạm tội".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã gọi cả hai người là "anh hùng" và nói rằng ông sẽ đấu tranh để họ được thả. "Chúng tôi sẽ đưa họ trở lại, và tất nhiên họ sẽ trở về với gia đình", ông nói vào tháng Sáu.

Lệnh động viên cho thấy thế bế tắc của Putin

Trong nhiều tháng qua, tổng thống Vladimir Putin đã trấn an người Nga rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ở Ukraine vẫn tiến triển theo kế hoạch. Nhưng vào hôm qua, ông tuyên bố lệnh “động viên một phần,” qua đó buộc tất cả công dân nam Nga trong lực lượng dự bị phải nhập ngũ nếu từng có kinh nghiệm quân sự.

Động thái này cho thấy sự tuyệt vọng của Điện Kremlin. Dù bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu nói chỉ có ít hơn 6.000 binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine, số lính động viên do ông đưa ra lại lên tới 300.000 người. Đây là con số áp đảo lực lượng xâm lược Ukraine hồi tháng 2.

Ông Putin hứa sẽ có “huấn luyện quân sự bổ sung.” Song nhiều sĩ quan có thể đứng lớp huấn luyện đã thiệt mạng, bị thương hoặc phải ra tiền tuyến. Và người dân không ủng hộ động viên. Vào tối thứ Ba, cú pháp tìm kiếm “cách rời khỏi Nga” đã tăng vọt trên internet. Có lẽ Nga vẫn còn nhớ bài học của năm 1917, khi cuộc cách mạng Bolshevik lật đổ chế độ quân chủ và rút khỏi Thế chiến 1.

Biểu tình kéo dài ở Iran

Iran chìm trong biểu tình suốt một tuần qua kể từ cái chết khi bị giam giữ của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị kết tội mặc trang phục không đúng quy chuẩn. Cô Amini bị cảnh sát đạo đức giam giữ ở Tehran vào đầu tháng này vì mang khăn trùm đầu lỏng lẻo. Cảnh sát nói cô chết vì đau tim, trong khi nhân chứng nói cô bị đánh đập thậm tệ. Vụ việc đã châm ngòi cho biểu tình trên khắp đất nước, trong đó một số phụ nữ đã đốt khăn trùm đầu của mình.

Bắt buộc đội khăn trùm đầu là một quy tắc trụ cột trong chế độ thần quyền của Iran. Nếu nới lỏng quy định về trang phục, những ‎‎‎suy nghĩ sai lệch sẽ bắt rễ, theo suy nghĩ của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ebrahim Raisi, tổng thống bảo thủ được bầu vào năm ngoái, đã tỏ ra khắt khe hơn đối với các quy định về trang phục. Có thể đoán cảnh sát sẽ đàn áp gay gắt những người biểu tình (các nhà hoạt động nói năm người đã bị giết). Bất ổn bùng nổ ngay giữa bối cảnh lạm phát cao, bế tắc đàm phán hạt nhân với phương Tây, và những tin đồn về sức khỏe của lãnh đạo tối cao. Cái chết của cô Amini đã trở thành giọt nước tràn ly.

Cựu thủ tướng Pakistan bị kết án

Vào thứ Năm, tòa án cấp cao của Pakistan sẽ kết tội Imran Khan khinh thường tòa án. Vụ kiện này xuất phát từ tuyên bố của cựu thủ tướng rằng một thẩm phán từ chối thả một trong những phụ tá của ông dù biết người này bị cảnh sát tra tấn. Trước đó vào tuần trước, một tòa án khác đã ra phán quyết ông Khan không thể bị buộc tội khủng bố. Dù thế bản án thấp hơn vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Nếu bị kết tội, ông Khan có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Vì vậy, ông buộc tội các đối thủ dùng luật pháp để gạt bỏ ông. Ông có cái l‎‎‎ý của mình. Kể từ khi bị mất chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội vào tháng 4, ông và những người ủng hộ đã khiến người kế nhiệm Shehbaz Sharif phải đau đầu. Ông Khan đã khai thác các vấn đề quản l‎‎‎ý kinh tế của ông Shehbaz và hậu quả lũ lụt để tăng ủng hộ cho chính mình. Tòa án sẽ không thể thay đổi lựa chọn đó của ông.

Khủng bố gia tăng ở sa mạc Sahel

Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu các phiên thảo luận về Sahel, một dải đất ở biên giới phía nam của sa mạc Sahara, vào thứ Năm. Dự kiến sẽ rất căng thẳng. Trong những năm gần đây các phần tử thánh chiến có liên kết với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đã biến Sahel trở thành điểm nóng khủng bố toàn cầu. Năm ngoái, khu vực này chiếm tới 1/3 tổng tử vong do khủng bố. Năm nay có vẻ sẽ còn tồi tệ hơn.

Để đối phó với các phần tử thánh chiến, chính quyền quân sự Mali đã nhờ đến lính đánh thuê Wagner của Nga. Pháp, nước vốn dẫn đầu cuộc chiến, sau đó đã rút quân. Hiện các vụ thảm sát thường dân liên quan đến Wagner đang tăng lên chóng mặt, dù lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vẫn hiện diện. Khoảng 3.600 người đã thiệt mạng ở Mali, gần gấp đôi tổng số của cả năm ngoái.

Còn ở Burkina Faso, hồi tháng 1 quân đội đã đảo chính giành chính quyền, và cam kết tăng cường an ninh. Dù thế năm nay vẫn là năm có thương vong vì khủng bố cao nhất của Burkina Faso. Niger, một nền dân chủ, có hơn 700 người đã thiệt mạng cho đến nay.

Gián tiếp thừa nhận thất bại, Putin điều động 300,000 quân dự bị

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-1243258680.jpg

Xác lính Nga tại chiến trường Balakliia, Kharkiv Oblast, Ukraine; ngày 15 Tháng Chín 2022 (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images) 

9g sáng Thứ Tư 21 Tháng Chín 2022 giờ Moscow, trong diễn văn 15 phút phát sóng trên truyền hình quốc gia, Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ điều động 300,000 quân dự bị trong nỗ lực gỡ gạc chuỗi thất bại nhục nhã trên chiến trường Ukraine…

Trong diễn văn, Putin đả kích phương Tây, bày tỏ quyết tâm thực hiện các cuộc “trưng cầu dân ý” tại những khu vực chiếm đóng để hợp pháp hóa “chủ quyền”, và ám chỉ việc Kremlin sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để “bảo vệ lãnh thổ Nga”. “Trước mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta, để bảo vệ đất nước và người dân Nga, chúng ta chắc chắn dùng đến mọi phương tiện” – Tổng thống Nga nói. Putin cũng nói rằng những gì đang xảy ra là nỗ lực phương Tây nhằm tiêu diệt và chia cắt nước Nga. “Mục đích của phương Tây là làm suy yếu, chia rẽ và cuối cùng là phá hủy đất nước chúng ta… Năm 1991, chúng đã làm tan rã Liên Xô, và giờ phải đến lúc chính Nga phải tan rã chúng… Trong nhiều thập niên, chúng luôn nuôi dưỡng lòng căm thù đối với Nga…”

Putin còn nói rằng giới chức chóp bu NATO toan tính tiêu diệt nước Nga bằng vũ khí hạt nhân (!), rằng phương Tây lâu nay kích động các nổi dậy bên trong nước Nga, cung cấp vũ khí cho đám phiến quân khủng bố ở miền Nam, giật dây cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014 và biến Ukraine thành một “đầu cầu chống Nga, biến chính người Ukraine thành bia đỡ đạn”…

Theo văn bản của sắc lệnh được công bố trên trang web Kremlin ngay sau diễn văn của Putin, việc huy động lực lượng dự bị sẽ có hiệu lực bắt đầu từ thứ Tư, đồng thời quân đội cũng cho biết các hợp đồng đối với quân dự bị và binh sĩ hiện chiến đấu ở Ukraine sẽ được tự động gia hạn cho đến khi kết thúc giai đoạn động viên một phần, hoặc vô thời hạn. Andrei Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện, nói rằng đối tượng đầu tiên là các sĩ quan, trung sĩ, hạ sĩ và trung úy 35 tuổi trở xuống và họ sẽ trải qua khóa huấn luyện quân sự trước khi được đưa qua Ukraine.

Matthew Harries, Giám đốc chính sách hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân tại Royal United Services Institute, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nhận định: “Bất kỳ quyết định nào của Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là điều ngu xuẩn thảm khốc”. Nga đã nhiều lần sử dụng vũ khí có khả năng hạt nhân với đầu đạn thông thường tại chiến trường Ukraine. Thị trưởng thành phố Kryvyi của Ukraine, quê hương của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được sử dụng vào đầu tháng này để phá một con đập và gây ra trận lụt lớn trong khu vực.

Hôm thứ Ba, Hạ viện Nga thông qua luật mới qui định rõ các hình phạt đối với tội trốn động viên, đào ngũ, đầu hàng và cướp bóc trong thời chiến. Theo luật được đề xuất, nếu không thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đào ngũ sẽ bị phạt 10 năm tù. Cướp bóc bị phạt 15 năm tù… Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của việc huy động lực lượng dự bị.

Trước mắt, kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý được thực hiện từ thứ Sáu 23 Tháng Chín đến thứ Ba 27 Tháng Chín, tại bốn khu vực chiếm đóng ở miền Đông Ukraine – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson – mở đường cho việc sáp nhập bất hợp pháp vào Nga. Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ không bao giờ công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ Ukraine do Nga sáp nhập. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Anh Liz Truss và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng lên án động thái này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng vừa công bố tổn thất quân sự Nga trên chiến trường Ukraine, với 5,937 người chết. Tuy nhiên, vào Tháng Bảy, Giám đốc CIA William J. Burns ước tính khoảng 15,000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và khoảng 45,000 người bị thương. Trong khi đó, hãng truyền thông Nga Mediazona và Đài BBC tiếng Nga cho biết (dựa vào mạng xã hội, các thông báo chính thức và cáo phó), ít nhất 6,200 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Với việc huy động quân dự bị, đây là lần đầu tiên kể từ ngày Nga đưa quân vào Ukraine cách đây 209 ngày (gần bảy tháng) cũng như lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai, nam giới ở các thành phố lớn Moscow và St. Petersburg sắp nếm mùi khói súng. Cho đến nay, gánh nặng chiến tranh chủ yếu đổ dồn vào những người lính hợp đồng từ những vùng nghèo khó nhất của Nga, nhiều người trong số họ nhập ngũ vì thất nghiệp hoặc chỉ muốn kiếm tiền để thoát cảnh nợ nần.

Vài giờ sau thông báo tổng động viên một phần của Putin, 180,000 người Nga đã ký vào bản kiến ​​nghị trực tuyến chống nhập ngũ, được nhóm “Quyền lực mềm” tổ chức. Hiện tổng số binh lính Nga có mặt ở Ukraine là hơn 100,000 quân. Trong thực tế, vấn đề của Nga ở chiến trường Ukraine không chỉ là chuyện thiếu lính mà còn thiếu vũ khí nghiêm trọng. Và điều quan trọng nhất là thiếu tinh thần chiến đấu.

Hai hãng quốc doanh EVN, Vietnam Airlines lỗ gần 1 tỷ đô la trong nửa năm 2022 

21/9/2022 

VOA Tiếng Việt 

Một thợ điện sửa cáp điện trên một con phố ở Hà Nội, 2/12/2020.

Một thợ điện sửa cáp điện trên một con phố ở Hà Nội, 2/12/2020. 

Hai doanh nghiệp nhà nước lớn của Việt Nam, EVN và Vietnam Airlines, ghi nhận các khoản lỗ khổng lồ lên đến tổng cộng 21,7 nghìn tỷ đồng (920 triệu đô la) trong nửa đầu năm 2022, theo các báo cáo tài chính của hai hãng này.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây công bố báo cáo tài chính trong đó cho hay họ bị lỗ sau thuế trong 6 tháng đầu của năm nay là gần 16,6 nghìn tỷ đồng.

Lý do mà tập đoàn này đưa ra về tình trạng thua lỗ là giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng đột biến, đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao. EVN cho hay các nhiên liệu đầu vào chủ yếu là than đá, dầu và khí đốt.

Các bài báo của Dân Việt và Zing News đăng lần lượt trong hai ngày 19 và 20/9 cho hay chi phí đầu vào của giá nhập than đã tăng rất mạnh là một trong những nguyên nhân khiến EVN thua lỗ do phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu than cho một số nhà máy điện.

Tương tự là giá khí đốt cũng dao động mạnh. Cả hai diễn biến này có nguyên nhân sâu xa là cuộc chiến xâm lược của Nga vào Ukraine.

Tình trạng giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng vọt gây ra áp lực rất lớn đối với giá điện, báo Thanh Niên đưa ra quan sát trong một bài báo đăng hôm 19/9.

Nhưng báo này cho biết rằng mặc dù vậy, EVN mới đây đã khẳng định “chưa đề xuất tăng giá điện” và tái khẳng định “tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của người dân”.

Bên cạnh khoản lỗ kể trên, báo cáo tài chính của EVN còn phác họa bức tranh lớn hơn về tập đoàn này với số liệu cho thấy trong tháng 6/2022, tổng tài sản của EVN là trên 673 nghìn 100 tỷ đồng, bị giảm hơn 32 nghìn 200 tỷ đồng so với đầu năm 2022; và vốn chủ sở hữu của tập đoàn cũng giảm hơn 17 nghìn 200 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong cùng giai đoạn, một “ông lớn” khác trong số các tập đoàn quốc doanh của Việt Nam, hãng hàng không Vietnam Airlines, công bố báo cáo tài chính ghi nhận khoản lỗ sau thuế cao tới 5.254 tỷ đồng.

Tính đến hết quý 2/2022, hãng hàng không quốc gia của Việt Nam đã chịu thua lỗ trong 10 quý liên tiếp, với tổng số lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tính đến ngày 30/6/2022 tăng thành gần 29 nghìn tỷ đồng (1,22 tỷ đô la). Vốn chủ sở hữu bị âm hơn 4 nghìn 900 tỷ đồng.

Vietnam Airlines giờ đây hoạt động bằng tiền đi vay, trong đó vay ngắn hạn hơn 15.000 tỷ đồng và vay dài hạn gần 17.900 tỷ đồng.

Theo quan sát của VOA, người dân Việt Nam bày tỏ thái độ khó tin khi Vietnam Airlines báo lỗ vào lúc ngành hàng không nói chung hoạt động gần như bình thường trong nhiều tháng nay so với trước đại dịch COVID-19, với các đường bay nội địa của Việt Nam cũng như các đường bay quốc tế đã được nối lại.

Lý giải về tình trạng thua lỗ, một đại diện Vietnam Airlines nói với báo chí hôm 14/9 rằng dù thị trường hàng không nội địa khởi sắc nhưng thị trường hàng không quốc tế chưa phục hồi, đội bay chỉ khai thác 75% cộng thêm lỗ lũy kế các năm trước khiến hãng này chưa thoát lỗ.

Cam Bốt : Y án chung thân với cựu lãnh đạo Khmer Đỏ

Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Khieu Samphan tại phòng xử án, Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 22/09/2022. AP 

Trong phiên xử cuối cùng, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ hôm 22/09/2022 đã y án chung thân đối với Khieu Samphan, lãnh đạo cuối cùng dưới thời Pol Pot còn sống sót, vì tội « diệt chủng ». 

Ông Khieu Samphan, 91 tuổi, từng là Chủ tịch Hội đồng đại diện nhân dân Campuchia ( lãnh đạo Nhà nước ) trong giai đoạn 1976-1979 và là một trong bốn nhân vật quan trọng nhất của chính quyền Pol Pot. Trong phiên xử hôm nay tại Phnom Penh, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ đã giữ nguyên các tội danh « tội ác chống nhân loại » và « diệt chủng ». Tòa giải thích :  Trong cương vị lãnh đạo hàng đầu này, ông Khieu Samphan đã « trực tiếp được thông báo về những tội ác, đã có ý định tiến hành những tội ác đó và đã cùng với một số người khác nhúng tay vào tội ác ». 

Thẩm phán Kong Srim trong phiên xử hôm nay nhắc lại tội ác Khmer Đỏ đã làm gần 2 triệu người thiệt mạng trong giai đoạn từ 1975 đến 1979. 

Khieu Samphan, ngồi xe lăn, đã hiện diện trong phiên tòa với sự tham dự của khoảng 500 người, trong số này có gia đình các nạn nhân, nhiều tu sĩ Phật giáo Cam Bốt và giới ngoại giao. Năm 2014, cựu lãnh đạo chế độ Khmer Đỏ này đã bị kết án tù chung thân về « tội ác chống nhân loại ». 

Cho tới nay, cựu chủ tịch Hội đồng đại diện nhân dân Campuchia luôn bác bỏ những cáo buộc về trách nhiệm trong các tội ác, đặc biệt là trong cuộc diệt chủng nhắm vào người Việt Nam. Khieu Samphan là nhân vật thứ ba trong hàng ngũ các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ phải trả lời trước Tòa án đặc biệt, bao gồm các thẩm phán Cam Bốt và quốc tế.

Trước đây, Kaing Guek Eav, biệt danh Duch, trưởng trại tù khét tiếng S21, cũng đã bị kết án chung thân. Duch đã qua đời năm 2020. 

Noun Chea, người được cho là « lý thuyết gia » của chế độ Pol Pot, cũng đã lãnh án chung thân và đã qua đời hồi 2019. Về phần nhân vật quan trọng nhất là Pol Pot, ông đã chết hồi 1998, trước khi phải trả lời trước công lý về những tội ác đã gây ra.

Anh Quốc: Đình công tiếp diễn sau tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II

Những thợ đóng tàu biểu tình chống lạm phát gia tăng ở Anh Quốc hôm 22/08/2022. © AFP/Ben Stansall 

Một ngày sau khi Anh Quốc tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Elizabeth II, hôm qua, 20/09/2022, phong trào đình công đã tiếp diễn trong bối cảnh nước này ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế và nay đang gặp tình trạng giá năng lượng leo thang, kéo lạm phát tăng theo. 

Từ đầu mùa hè năm nay, nhân viên của nhiều ngành nghề như bưu điện, bốc dỡ bến cảng, tài xế xe tải, vệ sinh môi trường và kể cả luật sư đã đình công để đòi tăng lương với mức tương ứng với tỷ lệ lạm phát 10%. 

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà ngày 08/09/2022, các công đoàn ở Anh Quốc đã tạm ngưng phong trào đình công dự trù trong tháng 9. Nay đã hết thời gian nước Anh để tang Nữ hoàng, họ khởi động lại phong trào. 

Mặc dù tân thủ tướng Liz Truss đã thông báo một kế hoạch trợ giúp rất nhiều cho các hộ gia đình, các công đoàn dứt khoát không nhượng bộ, thậm chí đã rất bất bình về một quy định mới, có hiệu lực từ tháng 7, cho phép sử dụng những người làm việc với hợp đồng ngắn hạn để thay thế các nhân viên đình công. 

Các công đoàn mạnh nhất ở nước Anh đã liên kết với nhau để kiện chính phủ về quy định mới này. Họ cáo buộc chính phủ muốn phá hỏng phong trào đình công. 

Ngoài việc trợ giúp cho các hộ gia đình, hôm nay, chính phủ Luân Đôn thông báo sẽ hỗ trợ trả một nửa tiền hóa đơn điện và khí đốt của các công ty và các cơ sở công, hiện đang gặp nhiều khăn do tình trạng giá năng lượng tăng vọt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét