Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ ba 13 tháng 9 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Nga, Myanmar không được mời dự đám tang Nữ hoàng Elizabeth 

13/9/2022 

Reuters 

Cung điện Buckingham ở London, Anh, ngày 12/9/2022.

Cung điện Buckingham ở London, Anh, ngày 12/9/2022.  

Anh không mời đại diện của Nga, Belarus và Myanmar tham dự lễ tang cấp nhà nước của Nữ hoàng Elizabeth, Reuters dẫn một nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết hôm 13/9.

Trong thời gian qua, Anh cùng với các đồng minh phương Tây đã tìm cách cô lập Nga và đồng minh Belarus trên trường thế giới bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và các biện pháp khác để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Myanmar và quân đội của nước này cũng là đối tượng của các lệnh trừng phạt của Anh khi London tăng cường hỗ trợ cộng đồng người Rohingya ở Đông Nam Á.

Theo BBC, khoảng 500 chức sắc nước ngoài dự kiến sẽ tham dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth ở London, với lời mời đã được gửi tới các nguyên thủ quốc gia của hầu hết các quốc gia mà Anh có quan hệ ngoại giao.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden, thủ tướng Canada, Úc và New Zealand đã xác nhận tham dự sự kiện này. Đây có thể là một trong những cuộc gặp ngoại giao lớn nhất của Anh trong nhiều năm.


Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 

13/9/2022 

VOA Tiếng Việt 

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Tiến sĩ Ely Ratner (trái), và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Tiến sĩ Ely Ratner (trái), và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến. 

Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/9, dưới sự chủ trì của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Tiến sĩ Ely Ratner, và Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Đây là diễn đàn cấp cao nhất nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung tá Martin Meiners, cho biết trong thông cáo.

“Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh các động lực khu vực đang thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Tại cuộc họp, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ratner khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập là lâu dài, đồng thời ông nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

Hai nhà lãnh đạo Việt - Mỹ cũng tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhất trí làm việc tập thể và với các đối tác cùng chí hướng để giải quyết và giải quyết các tranh chấp trong khu vực một cách hòa bình, thông cáo cho biết thêm.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác thiết thực giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, những nỗ lực chung trong việc tìm kiếm hài cốt của binh sĩ mất tích của cả hai bên và ghi nhận cam kết lâu dài của Bộ Quốc phòng đối với các nỗ lực xử lý dioxin.

Ngoài ra, Tiến sĩ Ratner cũng chia sẻ dữ liệu mới, do Đại học Harvard thu thập, nhằm giúp xác định những quân nhân Việt mất tích.

Cả hai lãnh đạo Việt - Mỹ cũng nhất trí tập trung tăng cường hợp tác hai bên trong lĩnh vực thương mại quốc phòng, an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin, an ninh mạng và quân y.


Cựu tướng Mỹ: Phương Tây “cần chuẩn bị cho sự sụp đổ của Nga”

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/09/ben-hogdes-700x480.jpg

Trung tướng Ben Hodges, khi còn là Tổng tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tháng 9/2016. (Ảnh Bộ Quốc phòng Mỹ) 

Trước tình hình Nga bất bại nặng nề tại chiến trường Ukraine, cựu Tư lệnh Lục quân Châu Âu của Mỹ là Trung tướng Ben Hodges cảnh báo phương Tây “cần chuẩn bị cho sự sụp đổ của Nga”.

Ngày 11/9, đánh dấu 200 ngày Nga xâm lược Ukraine, thời khắc này Ukraine đã giành lại được những vùng đất rộng lớn ở phía nam và phía đông, gây tổn thất nặng nề cho Nga.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã đạt được những bước tiến đáng kể trên mặt trận phía đông dưới hỗ trợ bởi thông tin tình báo và vũ khí sát thương hiệu quả từ Mỹ và NATO, theo Newsmax TV.

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đang thúc đẩy thêm viện trợ từ Mỹ và Liên minh châu Âu để giúp Ukraine kết thúc chiến tranh vào mùa đông này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt xu thế phản đối và lên án nặng nề bên trong nước Nga khi quân đội Nga bị đẩy lùi.

Tổng thống Zelensky hôm thứ Bảy (10/9) cho hay: “Tôi tin rằng mùa đông năm nay là một bước ngoặt có thể giúp Ukraine nhanh chóng thoát khỏi cảnh bị quân xâm lược chiếm đóng, nếu vũ khí của chúng tôi mạnh hơn một chút thì chúng tôi sẽ nhanh chóng thoát cảnh bị chiếm đóng hơn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov của Ukraine nói rằng cuộc phản công được lên kế hoạch cho mùa hè này là “tốt hơn dự kiến”, giống như “một quả cầu tuyết lăn xuống một ngọn đồi”. Ông nói: “Đây là một dấu hiệu cho thấy Nga có thể bị đánh bại”.

Bộ trưởng Reznikov cũng cho biết: “90 ngày tới sẽ quyết định hơn 30 năm độc lập của Ukraine, 90 ngày đó sẽ quyết định sự tồn tại của Liên minh châu Âu nhiều hơn bất kỳ năm nào khác”.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine vui mừng về việc đảo ngược tình thế chiến tranh và kêu gọi thêm vũ khí để đưa chiến tranh kết thúc càng sớm càng tốt. “Vũ khí, khí tài, đã luôn trong chương trình nghị sự của chúng tôi kể từ mùa xuân”, ông Kuleba nói. “Tôi cảm ơn các đối tác đã đáp ứng lời kêu gọi của chúng tôi. Thành công của Ukraine trên chiến trường là thành quả chung của chúng ta. Nguồn cung cấp kịp thời sẽ mang lại chiến thắng và đến gần hòa bình hơn”.

Bình luận viên Dick Morris của Newsmax TV cho biết, những diễn biến gần đây đã khiến Nga đứng bên bờ vực chống lại ông Putin, có thể dẫn đến việc lật đổ ông ta. Ông Morris nói: “Tôi nghĩ chúng ta đang xem một sự kiện gây chấn động thế giới, tôi nghĩ ảnh hưởng của biến cố này sẽ giống như biến cố sụp đổ của bức tường Berlin”.

Vào ngày 11/9, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu là Trung tướng Ben Hodges (đã nghỉ hưu) nói với Đài phát thanh London (Radio London) rằng sự sụp đổ của quân đội Nga ở Ukraine có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nước Nga. Tướng Hodges nói: “Trước đây chúng ta đã không chuẩn bị cho sự sụp đổ của Liên Xô. Bây giờ chúng ta cần phải chuẩn bị cho sự sụp đổ của Nga”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine cho biết trong một bài phát biểu trực tuyến vào tối ngày 10/9 rằng đến nay, quân đội Ukraine đã thu hồi được khoảng 2.000 km vuông lãnh thổ. Ông cũng chế nhạo Moscow rằng cuộc rút lui của quân đội Nga là “thể hiện tốt nhất những gì họ có thể làm: vạch áo cho người xem lưng, họ đã lựa chọn phương án chạy trốn rất hay”.

Theo hãng tin AP, sụp đổ quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra sự phẫn nộ trong giới blogger quân sự và các nhà bình luận yêu nước Nga, họ đã lên án Điện Kremlin không huy động thêm lực lượng và không có hành động mạnh mẽ hơn chống lại Ukraine. Ngay cả lãnh đạo vùng Chechnya của Nga được Moscow hậu thuẫn là Ramzan R. Ramzan Kadyrov cũng đã công khai chỉ trích “sai lầm” của Bộ Quốc phòng Nga đã kích hoạt cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine.

Nhà phân tích quân sự Oleh Zhdanov của Ukraine cho biết quân đội Ukraine “đã áp dụng chiến lược làm hao mòn quân đội Nga một cách có phương pháp, làm suy yếu sức mạnh và tước đi khả năng tiếp viện thường xuyên của họ”.

Ở chiến trường phía đông không giống như ở phía nam, cuộc phản công của quân Ukraine diễn ra chậm chạp trên thảo nguyên cằn cỗi của miền nam Kherson, điều này khiến quân đội Ukraine dễ bị pháo binh Nga tấn công. Nhưng những khu rừng ở miền đông Kharkov lại cung cấp cho quân đội Ukraine lá chắn tự nhiên, cho phép họ tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ nhanh như chớp từ nhiều hướng nhắm vào quân Nga.

Ông Zhdanov cho biết: “Sau khi quân Nga được triển khai ở khu vực Kharkiv về phía nam, tốc độ và tính bất ngờ đã trở thành yếu tố then chốt trong các hoạt động của quân đội Ukraine ở khu vực Kharkiv”.

Chuyên gia quân sự Nga tại tổ chức tư vấn CNA ở Virginia (Mỹ) là ông Michael Kofman nhận định rằng cuộc phản công “đã được chứng minh là một chiến thắng rất quan trọng đối với Ukraine”. Ông Kofman nói: “Quân đội Nga dường như bị phân tán mỏng và ban lãnh đạo quân đội không được chuẩn bị, mặc dù trước đó họ đã có bằng chứng về việc tập kết của quân đội Ukraine. Tôi nghĩ rằng một đánh giá công bằng là Nga đã mất cảnh giác nên trở tay không kịp”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War) có trụ sở tại Washington cho biết hôm thứ Hai (12/9) rằng Nga có thể thiếu lực lượng dự phòng cần thiết để tăng cường phòng thủ ở Ukraine. Mặc dù cuộc chiến vẫn có thể kéo dài sang năm sau, nhưng Viện Chiến tranh nhận định rằng “Ukraine đã lật ngược tình thế của cuộc chiến này, thông qua việc sử dụng hiệu quả các vũ khí do phương Tây cung cấp, như hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS và áp dụng xuất sắc các chiến thuật chiến trường. Kyiv có thể ngày càng có ưu thế mang tính quyết định trong các trận đánh lớn trước Nga”.

Trình Văn, Vision Times

Ukraine kêu gọi phương Tây cấp thêm vũ khí sau sự thụt lùi của quân Nga 

13/9/2022 

Reuters 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi phương Tây đẩy nhanh việc chuyển giao các hệ thống vũ khí cho Ukraine trong lúc quân đội Ukraine tiến tới củng cố quyền kiểm soát đối với một vùng lãnh thổ đông bắc rộng lớn chiếm lại từ phía Nga, Reuters loan tin hôm 13/9.

Kể từ khi Moscow rút khỏi tiền đồn chính ở đông bắc Ukraine ngày 10/9, đánh dấu thất bại nặng nề nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã chiếm lại hàng chục thị trấn.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết Nga đã rút lui khỏi phần lớn lãnh thổ gần Kharkiv ở phía đông bắc và rút nhiều binh sĩ của họ về lại biên giới.

Washington và các đồng minh trong thời gian qua đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ đôla vũ khí mà Kyiv cho rằng đã giúp Ukraine chặng đà xâm lược của quân Nga lại. Trong một video phát biểu vào tối ngày 12/9, ông Zelenskiy nói Ukraine và phương Tây phải “tăng cường hợp tác để đánh bại khủng bố Nga”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các lực lượng Ukraine đã đạt được “tiến bộ đáng kể” với sự hỗ trợ của phương Tây.

Ông Blinken nói tại một cuộc họp báo ở Mexico City: “Những gì họ đã làm được lên kế hoạch rất bài bản và tất nhiên điều này nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trong việc đảm bảo rằng Ukraine có trong tay các thiết bị cần thiết để thực hiện cuộc phản công này”.

Washington vào tuần trước công bố chương trình viện trợ vũ khí mới nhất cho Ukraine, bao gồm đạn dược cho hệ thống chống tên lửa HIMARS và trước đó đã gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS có khả năng bắn hạ máy bay.

Ông Zelenskiy cho biết Ukraine đã chiếm lại được khoảng 6.000 km2 lãnh thổ, một phần nhỏ trong tổng diện tích đất liền của Ukraine khoảng 600.000 km2.

Nga chiếm đóng khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine kể từ họ xua quân vào xâm lược nước này vào ngày 24/2.

Những ngày khó khăn của Putin

Trong những ngày gần đây, quân Nga đang trải qua giai đoạn thất thế nghiêm trọng nhất kể từ khi từ bỏ chiến dịch chiếm Kyiv vào tháng 3. Việc Ukraine giải phóng ít nhất 3.000 km vuông đã làm sụp đổ tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng Donbas cũng như các khu vực khác ở Ukraine của Nga.

Trong khi người Ukraine và các đồng minh vui mừng, những gương mặt trên truyền hình Nga sửng sốt. Các tướng lĩnh và phương tiện truyền thông nhà nước phải lý luận là quân đội đang “tập hợp lại.” Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nói đến khả năng đàm phán. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục im lặng trước những diễn biến bất thường. Vào thứ Bảy, khi quân đội của ông phải thoái lui ở Ukraine, tổng thống khai trương vòng đu quay tại một công viên ở Moscow.

Putin đang chịu nhiều áp lực ở quê nhà cũng như trên chiến trường. Các blogger quân sự ủng hộ chiến tranh tỏ ra đặc biệt giận dữ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc kêu gọi thay đổi chiến lược, bao gồm cả việc bắt lính. Nhưng việc gửi thêm binh sĩ miễn cưỡng và được huấn luyện kém ra chiến trường đấu với vũ khí Mỹ sẽ không được người dân chấp nhận. Trong khi đó, bất chấp khả năng chịu đựng khó tin của kinh tế Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm tổn hại đến tầng lớp tinh hoa của đất nước. Putin chưa thua trong cuộc chiến, nhưng các trận đánh của ông đang trở nên khốc liệt hơn.

Lạm phát hạ nhiệt: tin vui cho Biden

Nhà Trắng từng lo lắng về các báo cáo lạm phát hàng tháng. Mỗi báo cáo sau đều tệ hơn báo cáo trước, và lần lượt khiến tỉ lệ ủng hộ của tổng thống Joe Biden đi xuống. Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi. Trong tháng 7, giá tiêu dùng giữ nguyên mức của tháng 6 – lần đầu tiên không có lạm phát tháng kể từ đầu năm 2020. Các số liệu cho tháng 8, được công bố vào thứ Ba, dự kiến sẽ nối dài thành tích đó.

Lạm phát giảm dần đã giúp tỉ lệ ủng hộ của ông Biden tăng lên trước thềm bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Ngay cả phe Cộng hòa cũng đang giảm bớt chỉ trích. Nhưng các nhà kinh tế lại khó tính hơn. Lý do chính khiến lạm phát của Mỹ đi xuống là do giá dầu giảm mạnh. Nếu loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm, ước tính lạm phát cơ bản vẫn tăng khoảng 0,4% trong tháng 8. Bấy nhiêu là không đủ để tuyên bố lạm phát giảm. Do đó, giới phân tích và các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tiếp tục kiên trì chống lạm phát.

Singapore mở cửa trong khi Hồng Kông tiếp tục hạn chế người nhập cảnh

Trong đại dịch, hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines gặp nhiều khó khăn đến nỗi họ phải chuyển hóa tàu bay A380 hai tầng thành nhà hàng tạm thời. Từ năm 2019 đến năm 2021, số lượng hành khách qua sân bay Changi đã giảm 96%. Nhưng kể từ khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các hạn chế biên giới vào cuối năm ngoái, khách du lịch đã bắt đầu quay trở lại. Giao thông mùa hè này tại Changi đạt 50% mức trước đại dịch. Kể từ thứ Ba, sân bay sẽ mở lại Nhà ga số 4, vốn đóng cửa từ tháng 5 năm 2020.

Động thái mở cửa của Singapore trái ngược hoàn toàn với những hạn chế đi lại tại một thành phố đối thủ khác, Hồng Kông, nơi lượng hành khách chỉ đạt khoảng 5% trước đại dịch. Hồng Kông, trước đây là một trung tâm kinh doanh và du lịch, vẫn yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly ba đêm trong khách sạn. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông đang ngày càng phản đối, khiến nhà chức trách phải bắt đầu lưu ý. Các quy tắc kiểm dịch đối với phi hành đoàn địa phương đã được nới lỏng vào cuối tuần qua.

Thách thức đón chờ tân tổng thống Kenya

William Ruto, người sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Kenya vào thứ Ba, có một tiểu sử đáng quan ngại. Cuộc đời chính trị của ông bắt đầu từ cánh thanh niên bạo lực của đảng cầm quyền dưới thời nhà độc tài Daniel arap Moi. Sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi hồi năm 2007, Tòa án Hình sự Quốc tế đã buộc tội ông Ruto dàn dựng bạo lực sắc tộc; ông phủ nhận hành vi sai trái, và vụ án sau đó đi vào ngõ cụt. Các cáo buộc tham nhũng, mà ông Ruto khẳng định là bịa đặt, cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông.

Ông Ruto vận động tranh cử tổng thống với một thông điệp dân túy và chống giới tinh hoa. Nhưng ông thề nắm quyền một cách dân chủ. Đáng chú ý, ông đã cam kết tăng cường độc lập cho nhánh tư pháp-hình sự so với chính phủ bằng cách chuyển sang quốc hội quyền phê duyệt ngân sách độc lập cho lực lượng tư pháp và cảnh sát. Nếu ông Ruto thực hiện lời hứa này, những người tự do trước giờ hay chỉ trích ông sẽ ít nhiều cảm thấy vừa ý. Tuy nhiên, phía trước có nhiều thử thách khó khăn hơn. Ông Ruto thắng cử với lời hứa bảo vệ quyền lợi của người nghèo. Nhưng lạm phát cao và nền kinh tế chìm trong nợ nần sẽ là thách thức không hề nhỏ.

Giá xăng sẽ lại tăng

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/09/Gia-xang-GettyImages-1-1280x743.jpg

Giá xăng trên $7 một gallon được hiển thị tại một trạm xăng Chevron vào ngày 25 Tháng Năm năm 2022 ở Menlo Park, California. Khi giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục trên khắp Hoa Kỳ, khu vực Vịnh San Francisco có giá cao nhất trong nước với giá trung bình là $6.06, còn giá trung bình trên toàn quốc là $ 4.59 cho một gallon. (ảnh: Justin Sullivan / Getty Images) 

Giá xăng dầu tại Mỹ có thể tăng lên trong mùa Đông khi châu Âu cắt giảm mạnh nguồn cung dầu mỏ từ Nga.

Bộ trưởng Tài chánh Janet Yellen nói với CNN ngày 11 Tháng Chín rằng giá xăng sẽ tăng vào cuối năm nay. Bà nói đó là nguy cơ và Bộ Tài chánh đang làm việc về giá trần và cố gắng giải quyết tình hình không tốt này.

Những dự báo có cơ sở của bà Yellen có thể làm gia tăng nỗi lo tại Mỹ về việc xăng tăng giá trở lại sau khi bắt đầu giảm nhẹ hồi Tháng Tám.

Bà Yellen cho rằng việc tăng giá có thể xảy ra vì hầu hết các thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngừng mua dầu mỏ của Nga vào mùa Đông này và cấm các dịch vụ cho phép Nga vận chuyển dầu mỏ bằng tàu biển. Cũng theo bộ trưởng Yellen, kế hoạch áp giá trần được G7 thống nhất nhằm giảm nguồn thu mà Nga có thể sử dụng cho cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời giúp duy trì nguồn cung dầu mỏ của Nga để giảm giá dầu toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Yellen cũng thừa nhận nguy cơ suy thoái kinh tế khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó lạm phát. “Chúng tôi đang thấy tăng trưởng có chậm lại, nhưng đó là điều tự nhiên”, bà Yellen nói. Bà cũng đề cập đến tình hình nền kinh tế mà Tổng thống Joe Biden tiếp quản từ khi nhậm chức đầu năm 2021.

Lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh trong vòng 40 năm hồi Tháng Sáu ở mức 9.1% và sau đó giảm xuống trong Tháng Bảy. Do lạm phát cao, Fed đã tăng lãi suất bốn lần trong năm 2022 và có thể sẽ tiếp tục tăng nữa trong những tháng còn lại trước khi bước sang năm 2023.

Ghi nhận trong ngày 12 Tháng Chín, dầu thô WTI của Mỹ giảm nhẹ $0.13/thùng, ở mức $86.09/thùng, giá dầu Brent giảm $0.22/thùng và ở mức $92.12/thùng.

Theo dữ liệu từ Viện Dầu mỏ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng hơn 3.6 triệu thùng, ngược lại so với dự đoán là giảm 733,000 thùng của các nhà phân tích; tồn kho xăng giảm 836,000 thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng hơn 1.8 triệu thùng.

Nguồn cung khí đốt ở châu Âu đang bị thắt chặt hơn và chịu áp lực lớn khi mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần cũng là động lực hỗ trợ giá dầu khởi đầu tuần giao dịch với xu hướng tăng mạnh.

40% người dân Mỹ tin rằng ĐCSTQ coi bản thân đang giao chiến với Hoa Kỳ

Andrew Thornebrooke

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-83014546-700x420-1.jpg

Sinh viên năm nhất đại học thực hành các kỹ năng chiến đấu trong khóa huấn luyện quân sự vào ngày 25/09/2008 tại huyện Cao Thuần, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Ảnh Trung Quốc/Getty Images) 

Theo kết quả của một cuộc khảo sát quốc gia mới đây, ngày càng nhiều người dân Mỹ tin rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc tự coi bản thân đang giao chiến với Hoa Kỳ.

Khoảng 40% cử tri Hoa Kỳ tiềm năng cho biết họ nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc là như một quốc gia độc đảng, tự coi bản thân đang ở trong một cuộc chiến với Hoa Kỳ. Không tới 26% cử tri cho biết ĐCSTQ không coi mình đang giao chiến với Hoa Kỳ, trong khi hơn 34% thì không chắc chắn.

Cuộc khảo sát do tổ chức bất vụ lợi Convention of States Action và công ty thăm dò Trafalgar Group thực hiện từ ngày 02/09 đến ngày 05/09, đã thu thập ý kiến ​​của hơn 1,000 cử tri tiềm năng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trên toàn phổ chính trị. Cuộc thăm dò có sai số là 2.9 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, cuộc thăm dò này cũng cho thấy một sự chia rẽ mang tính đảng phái rõ rệt về ý kiến liên quan đến mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ ĐCSTQ.

Không tới 60% cử tri Đảng Cộng Hòa tin rằng ĐCSTQ tự cho bản thân đang giao chiến với Hoa Kỳ, trong khi chưa đến 24% cử tri Đảng Dân Chủ có đánh giá tương tự.

Tuy nhiên, bất kể đến từ đảng nào, nhiều người dân Mỹ không chắc chắn lắm về tính xác thực của tuyên bố hơn những người tự tin cho rằng điều này không đúng sự thật.

Liên quan đến phản ứng của Hoa Kỳ đối với mối đe dọa đã được nhận thức, 67% tất cả những người được hỏi cho biết họ không tin rằng chính phủ Hoa Kỳ coi mình đang trong một cuộc chiến với Trung Quốc.

Nhìn chung, chưa đến 9% cử tri tin rằng Hoa Kỳ cho rằng mình đang trong một cuộc chiến với Trung Quốc, mặc dù số lượng những người theo Đảng Dân Chủ có khả năng tin điều đó nhiều hơn gấp đôi so với số những người theo Đảng Cộng Hòa.

“Đây là những kết quả đáng kinh ngạc,” ông Mark Meckler, chủ tịch của Convention of States Action, cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times. “Người dân Mỹ thấy rõ rằng ĐCSTQ coi bản thân đang ở trong một cuộc chiến với Hoa Kỳ, nhưng họ thừa nhận rằng chính phủ Hoa Kỳ dường như không biết gì về thực tế này.”

Các nghị sĩ quốc hội thuộc Đảng Cộng Hòa từ lâu đã chỉ trích gay gắt chính phủ ông Biden vì rõ ràng đã không có phản ứng thích đáng trước sự gây hấn của ĐCSTQ. Kết quả của cuộc khảo sát dường như cho thấy rằng nhiều người dân Mỹ chí ít cũng đồng tình với quan điểm rằng giới lãnh đạo Hoa Kỳ không đáp trả một cách tương tự những hành động khiêu khích của Bắc Kinh.

Trong thập niên qua, ĐCSTQ đã dẫn đầu một nỗ lực nhằm phá hoại các thể chế của Hoa Kỳ trên diện rộng. Chiến dịch đó bao gồm một âm mưu tấn công một cựu chiến binh Lục quân Hoa Kỳ đang tranh cử, đốt phá các tác phẩm điêu khắc chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, và sự rình rập cũng như đe dọa nhắm vào một vận động viên Olympic Hoa Kỳ có người cha đã lên tiếng chống lại chính quyền cộng sản.

ĐCSTQ còn tiến hành hoạt động gián điệp hàng loạt ở Hoa Kỳ, đánh cắp kỹ thuật, nghiên cứu, và tài sản trí tuệ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và quân sự của họ.

Một số chuyên gia tin rằng ĐCSTQ đang trong cuộc chiến với Hoa Kỳ do học thuyết “chiến tranh không hạn chế” của chính quyền này nhằm đạt được các mục tiêu quân sự thông qua việc sử dụng luật pháp, tâm lý học và cưỡng bức kinh tế. Do đó, các chiến dịch gián điệp tràn lan của Bắc Kinh có thể được coi là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền nhằm phá hoại và thay thế hệ thống quốc tế tự do bằng một hệ thống thân thiện với Trung Quốc hơn.

“Đây không phải là một vấn đề cánh tả-cánh hữu; đây không phải là một vấn đề Đảng Cộng Hòa-Đảng Dân Chủ,” ông Meckler nói. “Đây là một vấn đề tồn vong của Mỹ quốc và thế giới tự do.”

Andrew Thornebrooke

Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich. Khánh Ngọc biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét