Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Đảng đối lập của Sri Lanka họp mặt để thiết lập chính phủ mới trong bối cảnh hỗn loạn

 https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/07/1.download-60-700x420-1.jpg

Những người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng tổng thống ở Colombo, Sri Lanka, hôm 09/07/2022. (Ảnh: Thilina Kaluthotage/AP Photo) 

COLOMBO, Sri Lanka – Hôm Chủ Nhật (10/07), các đảng chính trị đối lập của Sri Lanka đã họp mặt để thống nhất về một chính phủ mới một ngày sau khi tổng thống và thủ tướng của đất nước này đề nghị từ chức trong ngày bất ổn chính trị kịch tính nhất kéo dài suốt nhiều tháng, với việc những người biểu tình xông vào tư gia của cả hai nhà lãnh đạo này và phóng hỏa một trong những tòa nhà trong cơn thịnh nộ vì cuộc khủng hoảng kinh tế. 

Những người biểu tình vẫn ở trong nhà của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, văn phòng bên bờ biển của ông và dinh thự của thủ tướng, nói rằng họ sẽ ở lại cho đến khi cả hai nhà lãnh đạo này chính thức từ chức. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của tổng thống, nhưng một tuyên bố từ văn phòng của ông cho biết ông đã ra lệnh cho các quan chức bắt đầu phân phối ngay lập tức một lô bình ga nấu ăn cho người dân, cho thấy rằng ông vẫn đang làm việc. 

 

Các binh sĩ đã được khai triển xung quanh thành phố này và Tham mưu trưởng Quốc phòng Shavendra Silva đã kêu gọi sự ủng hộ của công chúng để duy trì luật pháp và trật tự. Tuy nhiên, quân đội chỉ đơn giản là quan sát từ xa khi đám đông người đổ xô vào hồ bơi trong khu vườn, nằm dài trên những chiếc giường và sử dụng máy ảnh từ điện thoại di động của họ để ghi lại khoảnh khắc trong dinh thự trải dài của ông Rajapaksa. 

Hôm Chủ Nhật (10/07), những người cư ngụ trong dinh thự chính thức của thủ tướng đã nấu ăn trong nhà bếp ngoài trời, chơi carrom — một trò chơi trên bàn phổ biến — và ngủ trên những chiếc ghế sofa lớn. 

Ông Ranjith Madduma Bandara, một quan chức hàng đầu của đảng đối lập lớn nhất United People’s Force (SJB), nói rằng các cuộc thảo luận riêng biệt đã được tổ chức với các đảng khác và các nhà lập pháp đã tách khỏi liên minh cầm quyền của ông Rajapaksa và nhiều cuộc họp nữa đã được lên kế hoạch. Ông không cho biết khi nào thì có thể đạt được một thỏa thuận, mặc dù nó dự kiến ​​sẽ được hoàn tất vào ngày Chủ Nhật. 

Một nhà lập pháp đối lập khác, ông M. A. Sumanthiran, trước đó nói rằng tất cả các đảng đối lập kết hợp lại có thể dễ dàng tập hợp thành 113 thành viên cần thiết để thể hiện đa số trong Quốc hội, tại thời điểm đó họ sẽ yêu cầu ông Rajapaksa thành lập chính phủ mới và sau đó từ chức. 

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết ông sẽ rời nhiệm sở khi chính phủ mới được thành lập, và vài giờ sau, chủ tịch của Quốc hội cho biết ông Rajapaksa sẽ từ chức vào thứ Tư (13/07). Áp lực đối với cả hai người ngày càng lớn khi suy thoái kinh tế gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu, khiến mọi người phải vật lộn để có được thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. 

Nếu cả tổng thống và thủ tướng từ chức, thì theo hiến pháp, Chủ tịch Mahinda Yapa Abeywardena sẽ đảm nhận cương vị tổng thống tạm thời. 

Ông Rajapaksa đã bổ nhiệm ông Wickremesinghe làm thủ tướng vào tháng Năm trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt và bắt đầu phục hồi kinh tế. 

Ông Wickremesinghe đã tham gia các cuộc đàm phán quan trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một chương trình cứu trợ và với Chương trình Lương thực Thế giới để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lương thực được dự báo trước. Chính phủ này phải đệ trình kế hoạch về tính bền vững của nợ cho IMF vào tháng Tám trước khi đạt được một thỏa thuận. 

Các nhà phân tích cho rằng thật đáng nghi ngờ rằng bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào có thể làm được nhiều hơn ông Wickremesinghe. Những nỗ lực của chính phủ của ông đã cho thấy sự hứa hẹn, với lượng phân bón cần thiết được phân phối cho nông dân để canh tác trong mùa vụ tới và các lô hàng bình ga nấu ăn sẽ đến đất nước này vào ngày Chủ Nhật (17/07). 

Nhà phân tích chính trị Ranga Kalansooriya cho biết: “Tình trạng bất ổn này có thể tạo ra sự bối rối giữa các tổ chức quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới,” đồng thời nói thêm rằng một chính phủ mới nên đồng thuận về một chương trình chung để phục hồi kinh tế. 

Ông cho biết trong khi ông Wickremesinghe đang làm việc đúng hướng, thì điểm yếu của chính phủ của ông là không thực hiện một kế hoạch dài hạn để tập trung vào giải quyết các vấn đề hàng ngày. 

Một chính phủ đa đảng sẽ không thể đồng thuận về các cải cách kinh tế do IMF hậu thuẫn nếu không có một số đảng phái mất đi sự ủng hộ chính trị của họ. 

Hôm thứ Bảy (09/07), ông Wickremesinghe nói rằng sẽ không hợp lý khi ông rời đi mà không có chính phủ nào được thiết lập. 

“Hôm nay ở đất nước này chúng ta đang gặp khủng hoảng nhiên liệu, thiếu lương thực, chúng ta có người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới tới đây và chúng ta có một số vấn đề cần thảo luận với IMF,” ông Wickremesinghe nói. “Do đó, nếu chính phủ này ra đi thì nên có một chính phủ khác.” 

Bốn bộ trưởng Nội các đã từ chức kể từ cuộc biểu tình hôm thứ Bảy. 

Mặc dù cả ông Wickremesinghe và ông Abeywardena, chủ tịch của quốc hội, đều cho biết trong bài diễn văn của họ rằng họ đã nói chuyện với tổng thống, nhưng họ không tiết lộ bất cứ điều gì về nơi ở của ông ấy. 

Những người biểu tình cũng đã đột nhập vào tư dinh của thủ tướng và phóng hỏa trong trận hỗn chiến hôm thứ Bảy. Quan chức đảng của ông, ông Ruwan Wijewardena, cho biết ông Wickremesinghe đã ở bên trong khi những người biểu tình tụ tập nhưng các nhân viên an ninh đã đưa ông đến một địa điểm khác. 

Ông Wijewardena cho biết những hành động như vậy sẽ chỉ làm phân cực xã hội và các đảng phái chính trị. 

Ông nói, “Nếu những sự cố như thế này vẫn cứ tiếp diễn, thì chúng ta có thể sẽ vẫy tay chào tạm biệt với IMF và bất kỳ hỗ trợ quốc tế nào sẽ đến với đất nước này. Nếu không có luật pháp, nếu không có sự đoàn kết giữa các nhóm chính trị, thì sẽ không có cách nào cộng đồng quốc tế có thể vào cuộc và giúp đỡ đất nước này.” 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng Hoa Thịnh Đốn đang theo dõi những diễn biến ở Sri Lanka và kêu gọi Quốc hội nhanh chóng làm việc để thực hiện các giải pháp và giải quyết sự bất bình của người dân. 

Trình bày tại một cuộc họp báo ở Bangkok, ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ lên án các cuộc tấn công nhằm vào những người biểu tình ôn hòa đồng thời cũng kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về bất kỳ bạo lực liên quan đến biểu tình. 

Sri Lanka đang dựa vào viện trợ từ Ấn Độ và các quốc gia khác khi các nhà lãnh đạo cố gắng đàm phán một gói cứu trợ với IMF. Ông Wickremesinghe gần đây nói rằng các cuộc đàm phán với IMF rất phức tạp vì Sri Lanka hiện là một quốc gia phá sản. 

Vào tháng Tư, Sri Lanka đã thông báo về việc đình chỉ trả các khoản vay ngoại quốc do thiếu hụt ngoại tệ. Tổng nợ ngoại quốc của nước này đã lên tới 51 tỷ USD, trong đó họ phải trả 28 tỷ USD vào cuối năm 2027. 

Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng gần như đã phá hủy triều đại chính trị của ông Rajapaksa, vốn đã điều hành Sri Lanka trong phần lớn hai thập niên qua nhưng đang bị những người biểu tình cáo buộc là quản lý yếu kém và tham nhũng. Anh trai của tổng thống đã từ chức thủ tướng vào tháng Năm sau khi các cuộc biểu tình bạo lực đã khiến ​​ông phải tìm kiếm sự an toàn tại một căn cứ hải quân. Sau đó, ông chuyển đến một ngôi nhà ở Colombo.

Do Krishan Francis của The Associated Press thực hiện
Thanh Tâm biên dịch

https://www.epochtimesviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét