Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Lê Tây Sơn - Nước Mỹ và một “mùa hè… đỏ lửa”

Mùa hè ở Mỹ ngày càng trở nên nóng hơn, kéo dài hơn và nguy hiểm hơn.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1238339147.jpg

Thời tiết nóng bất thường ảnh hưởng nhiều hoạt động vui hè truyền thống của người Mỹ (ảnh: Gina Ferazzi / Los Angeles Times via Getty Images) 

Những con số đáng sợ

Cháy rừng kéo dài nhiều tuần, bao trùm thành phố đang phát triển Reno của tiểu bang Nevada. Đi qua làn khói vàng độc hại, Jillian Abney lái xe đưa con gái 8 tuổi Izi đến Sierras để tìm kiếm không khí trong sạch hơn. Nhưng màn sương mù màu vàng kỳ lạ bao phủ bầu trời đã khiến mùa hè tươi đẹp trong ký ức đột ngột dừng lại. Abney lái xe đến hồ Donner, hy vọng sẽ thoát khỏi đám khói. Nhưng thay vì được bầu trời xanh chào đón như trong vô số chuyến đi mùa hè trong suốt cuộc đời, Abney chỉ nhìn thấy khói lơ lửng trên cao và len lỏi qua các thung lũng bên dưới. Nó có mùi giống như mùi lửa trại, dù lửa trại đã bị cấm ở đây.

 

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central, nhiệt độ mùa hè ở Reno đã tăng trung bình 10.9 độ F kể từ năm 1970, khiến Reno trở thành thành phố nóng lên nhanh nhất trong những tháng nóng nhất. Trong hai mùa hè liên tiếp, khói cháy rừng từ California bay đến đã làm nghẹt thở cả khu vực, khiến nhiều người già và có bệnh phải nhập viện cấp cứu, trường học đóng cửa và kỹ nghệ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

Đây là một trong những ví dụ rõ nét nhất về việc biến đổi khí hậu tác động xấu đến mùa hè như thế nào, khi nó lấy mất của nhiều người Mỹ những kế hoạch truyền thống mùa hè và buộc họ phải chịu đựng cái nóng khắc nghiệt, không khí ô nhiễm. Dù mùa hè năm 2022 chưa hết nhưng nhiều vùng của nước Mỹ đã chứng kiến nhiệt độ cao khủng khiếp, hạn hán gay gắt, cháy rừng, bão tố hoành hành, lũ lụt. Dự báo từ các cơ quan thời tiết liên bang cho thấy trong những tháng tới thời tiết sẽ còn nóng bất thường hơn, hạn hán kéo dài, lan rộng; cháy rừng và bão ở trên mức trung bình.

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia (National Weather Service-NWS), năm mùa hè vừa qua ở khu vực phía Tây có nhiệt độ trung bình nóng hơn 2.7ºF so với 1971-2000, tăng hơn bất kỳ khu vực nào khác ở Mỹ. Đây là sự thay đổi rõ ràng so với những năm trước. Theo phân tích của tờ The Washington Post từ dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration-NOAA), nhiệt độ mùa hè trung bình trong năm năm qua nóng hơn 1.7 độ (0.94 độ C) so với 1971-2000. Một số vùng bị ảnh hưởng nặng hơn; ví dụ miền Tây tăng 2.7 độ F (1.5 độ C).

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1404346729.jpg

Hạn hán đang xảy ra gay gắt ở California, nơi hiện chứng kiến năm thứ ba liên tiếp tình trạng “siêu hạn hán” (megadrought). Trong ảnh là cánh đồng cỏ gần Ojai, California chụp ngày 21 Tháng Sáu 2022 – ảnh: Mario Tama/Getty Images 

Mùa hè không còn như xưa

Mùa hè luôn là thời điểm có nhiều kế hoạch để thực hiện. Mùa hè cũng là dịp tốt quan sát bầu trời trong xanh. Vì vậy, bất chấp những thay đổi mang tính cảnh báo, nhiều người vẫn thích thú với mùa hè. Những người đi nghỉ vẫn đổ về những nơi có nguy cơ cao cháy rừng hoặc lũ lụt. Nhưng biến đổi khí hậu ngày càng đẩy mùa hè đến mức dữ dội, tạo ra những tình huống nguy hiểm cho cả con người lẫn động vật, cây cối.

Trong khi những thay đổi khí hậu diễn ra quanh năm trên toàn quốc, trên thực tế, ở nhiều khu vực, mùa hè những năm gần đây nóng hơn nơi khác. Bất kỳ sự gia tăng nhiệt độ nào quá mức cho phép cũng có thể gây tác động xấu cho sức khoẻ, nhất là những người già hoặc người có bệnh mãn tính. Ở ngoài trời càng lâu, nguy cơ càng cao. Trên khắp nước Mỹ, các đợt nắng nóng đến thường xuyên hơn, khốc liệt hơn và sớm hơn trong vài năm trở lại đây. Theo Đánh giá Khí hậu Quốc gia (National Climate Assessment) gần nhất, ban đêm đang nóng lên với tốc độ cao hơn một chút so với ban ngày ở hầu hết nước Mỹ, làm cơ thể không thể hạ nhiệt được nhiều sau ban ngày nắng nóng.

Một nghiên cứu của Climate Central cho thấy, tính bình quân, hơn một nửa số thành phố được phân tích, những ngày nắng nóng cao đến sớm hơn ít nhất một tuần so với 50 năm trước. Ba phần tư thành phố ở Mỹ có nhiều ngày “cực kỳ nóng” so với 50 năm trước. Ở phía Tây và Tây Nam, mùa cháy rừng cũng kéo dài, và đợt hạn hán lịch sử đang làm cạn kiệt các hồ chứa. Ở Bờ Đông, nhiệt độ nóng hơn bình thường làm cho lũ lụt nghiêm trọng hơn với những trận mưa như trút. 

Khi thời tiết nóng bức, điện dùng nhiều, khiến đặt áp lực lên lưới điện quốc gia. Các cơ quan quản lý điện từ Trung Tây đến Tây Nam cảnh báo sẽ tái diễn cảnh mất điện trong mùa hè này. Năm nay, dự báo của Trung tâm Dự báo Khí hậu (Climate Prediction Center) thuộc NWS cho thấy trong ba tháng đến hết Tháng Chín, nhiệt độ sẽ nóng hơn bình thường trên khắp nước Mỹ, với đỉnh nhiệt cao nhất ở Miền Tây và Miền Trung. Khi nắng nóng hoành hành cả nước, hạn hán ​​sẽ phủ lên Vành đai ngô (Corn Belt) của quốc gia và Thung lũng giữa Mississippi (Middle Mississippi Valley). Hoa Kỳ cũng đang đối mặt với một mùa cháy rừng khác và mùa bão Đại Tây Dương thứ bảy liên tiếp mạnh trên mức trung bình.

Nguyên nhân

Các chuyên gia tin rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu (Global Warming) là nguyên nhân làm cho mùa hè nóng hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng đô thị cũng phải tính đến. Ba thành phố nóng lên nhanh nhất, Reno, Las Vegas và Boise, đều đang mở rộng ra bên ngoài.

Theo Stephanie McAfee, nhà khí hậu học bang Nevada, khi những ngôi nhà mới được xây dựng và nhiều nhựa đường được đổ hơn, ba thành phố này đang hấp thụ và giữ nhiệt nhiều hơn những vùng đất chưa phát triển xung quanh. Các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng hòn đảo nhiệt đô thị” (urban heat island effect). McAfee nói: “Càng ngày, Las Vegas càng chứng kiến ​​những đêm oi bức và người dân Nam Nevada thà mở thường xuyên máy điều hoà nhiệt độ còn hơn tiết kiệm trong thời đại khó khăn”. Thủ phủ Portland của tiểu bang Oregon đã phá kỷ lục nóng ba ngày liên tiếp, đạt đỉnh 116 độ F. Theo ước tính chính thức, đợt nắng nóng này gây thiệt mạng gần 200 người Oregon và Washington.

Ở những nơi khác của vùng Tây Nam, nhiều cộng đồng đang phải chống chọi với nguy cơ lũ quét. Ở Flagstaff, Arizona, một cửa ngõ vào Grand Canyon và các điểm tham quan địa phương khác, mùa hè cũng là mùa gió mùa mạnh và lũ quét. Những cơn mưa, thường được chào đón ở những nơi bị hạn hán, lại gây ra sự lo lắng và sợ hãi trong vài năm gần đây.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1404922104.jpg

Hồ Mead, Neveda – hồ trữ nước nhân tạo lớn nhất Bắc Mỹ, hiện chứng kiến tình trạng giảm mực nước so với mực nước biển xuống mức thấp nhất kể từ khi được làm đầy năm 1937 sau khi đập Hoover được xây dựng (ảnh: Mario Tama/Getty Images) 

Năm ngoái, lượng mưa lớn không gặp lực cản do rừng đã bị cháy trút xuống hạ lưu đã tàn phá nhà cửa và buộc người dân Flagstaff phải đi lánh nạn. Năm nay, đám cháy rừng Tunnel Fire càn quét nhanh qua Rừng Quốc gia Coconino vào Tháng Tư đã khiến 700 ngôi nhà phải sơ tán. Một trận cháy rừng khác đã thiêu rụi khoảng 26,500 mẫu Anh cách thành phố sáu dặm về phía bắc vào Tháng Sáu.

Lo sợ hỏa hoạn đã khiến một số thành phố phía Tây nước Mỹ phải thay thế bắn pháo bông ngày 4 Tháng Bảy bằng các màn trình diễn máy bay không người lái và trình diễn ánh sáng laser đổi màu. Các tác động của biến đổi khí hậu bắt đầu để lại dấu ấn trong sinh hoạt trại hè vốn được hàng triệu người Mỹ ưa thích. Những hạn chế về nấu nướng ngoài trời được áp dụng cùng lệnh cấm đốt lửa trại trong các khu rừng quốc gia khi trời hanh khô, gió mạnh. Trên bờ Hồ Tahoe, Đại học Nevada ở Reno tổ chức một trại hè 4-H với sự thận trọng đặt lên hàng đầu. Năm ngoái, đám cháy Caldor đã trở thành vụ cháy lớn thứ 15 trong lịch sử được ghi nhận tại California, thiêu rụi hơn 200,000 mẫu Anh gần hồ.

https://saigonnhonews.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét