Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

Milton Ezrati * - Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng: Dự luật Hoa Kỳ nhắm vào Bắc Kinh về lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ

Những người hái bông thu hoạch bông tại một cánh đồng ở Hami, thuộc vùng Tân Cương viễn tây Trung Quốc, hôm 20/09/2011. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Bắc Kinh đang rất tức giận về một luật mới của Hoa Kỳ. Dự luật đã được thông qua vào cuối năm 2021 nhưng vừa mới có hiệu lực vào tháng Sáu vừa qua. Luật này sẽ cấm nhập cảng bất kỳ hàng hóa nào liên quan đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.

Sẽ không quá khi nói rằng Bắc Kinh đã nổi giận. Phát ngôn viên của họ đã giận dữ phủ nhận sự tồn tại của lao động cưỡng bức ở bất cứ đâu bên trong Trung Quốc và tuyên bố sẽ có hành động pháp lý và đáp trả đối với hàng hóa Mỹ.

Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao về tự do tôn giáo quốc tế, được công bố hôm 02/06, Bắc Kinh “đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakh, người dân tộc Hồi, và các thành viên của các nhóm Hồi giáo khác, cũng như một số tín đồ Cơ Đốc trong các trại tập trung được xây dựng đặc biệt hoặc địa điểm được chuyển đổi thành cơ sở giam giữ” ở Tân Cương kể từ tháng 04/2017. 

 

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng lên theo những cách thậm chí không được dự kiến trong “cuộc chiến thương mại” của cựu Tổng thống Donald Trump. Đối với cuộc tranh chấp mới nhất này, vẫn còn sớm, nhưng dù mọi thứ phát triển thế nào, tình trạng bất lợi này sẽ khiến hai nền kinh tế có xu hướng tách rời nhau lại càng chia rẽ hơn.

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) cho rằng bất kỳ hàng hóa nào được sản xuất ở Tân Cương đều liên quan đến lao động cưỡng bức và do đó sẽ không được phép vào Hoa Kỳ. Điều đó có khả năng ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa.

Hải quan Hoa Kỳ đã xác định những mặt hàng sau đây là đáng nghi vấn: bông, cà chua, polysilicon, quả óc chó, hạt tiêu, tơ nhân tạo, hóa thạch carbon, tuabin gió, và beryllium, cùng những thứ khác.

Một số sản phẩm này có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ví dụ, bông đóng vai trò rất lớn. Trung Quốc sản xuất ⅕ doanh số toàn cầu, với 85% sản lượng đến từ Tân Cương. Cà chua cũng rất quan trọng. Trung Quốc sản xuất ¼ nguồn cung của thế giới, với khoảng 70% sản lượng đó đến từ Tân Cương. Các sản phẩm khác của Tân Cương tuy kém ưu thế hơn nhưng vẫn đáng kể.

Các thực tập sinh Hồi giáo làm việc trong một xưởng may tại Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Dạy nghề Hotan ở Hotan, Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc. (Ảnh: CCTV qua AP Video)

Như thường lệ, thực tế luật mới này của Hoa Kỳ gần như chắc chắn áp đặt ít hơn so với bề ngoài. Theo quy định, các nhà nhập cảng có thừa không gian để giành được một ngoại lệ cho các sản phẩm bằng cách bác bỏ quy định của pháp luật về lao động cưỡng bức. Trên thực tế, có một thủ tục rõ ràng để được miễn trừ như vậy, và có vẻ như nó sẽ cho phép nhiều hàng hóa trước đây được nhập cảng từ khu vực này tiếp tục tràn vào thị trường Hoa Kỳ.

Lấy ví dụ như bông. Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra lập luận thuyết phục rằng khoảng 98% việc thu hoạch và chế biến đã được cơ giới hóa, để lại rất ít hoặc không có chỗ cho lao động cưỡng bức. Trên cơ sở này và cũng giống như các cơ sở [khác], luật dường như sẽ ít gây ra mối đe dọa hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc — luôn quá nhạy cảm với bất cứ điều gì thách thức quyền lực của họ — đã phản ứng với sự cường điệu thái quá. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Uông Văn Bân, đã mô tả đạo luật này là một sự can thiệp bất hợp pháp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông hứa rằng chính phủ của ông sẽ kiện Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như tại Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Ông ta còn đe dọa sẽ đáp trả. Mặc dù không đưa ra chi tiết cụ thể về bản chất của các biện pháp đáp trả của Trung Quốc, nhưng ông ngụ ý rằng chúng có thể sẽ bao gồm các hạn chế đối với hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.

Một người hoài nghi có thể nói rằng tất cả những điều này giống như đang diễn kịch. Cả hai bên đều biết rằng tác động thực tế là có hạn. Với một chút đau đớn về kinh tế, Quốc hội được tỏ ra đức hạnh trong khi Bắc Kinh thì được khẳng định lại chủ quyền của mình. Và theo thời gian, toàn bộ vấn đề sẽ ‘bị biến mất’ vì rơi vào quên lãng.

Quan điểm này — mặc dù không nghi ngờ gì là một mô tả về các khả năng có thể xảy ra — nhưng vẫn quá khắc nghiệt. Một số người trong Quốc hội chắc chắn và chân thành muốn [đạo luật] có hiệu lực, mặc dù văn bản luật pháp đó không có khả năng làm như vậy. Và Bắc Kinh ngày nay đã trở nên thuần thục với sự phẫn nộ mang tính hình thức trên sân khấu, với phần lớn cơn thịnh nộ đó chắc chắn là có thật.

Nhưng ngay cả khi tất cả những điều này chỉ liên quan đến ít hoặc không liên quan gì về mặt kinh tế và thực tế, thì nó vẫn là một bước khác, mặc dù là một bước nhỏ trong một loạt các bước dẫn đến sự tách rời của các nền kinh tế này, một xu hướng đã được ghi nhận trước đó về cùng chủ đề.

Quan điểm trong bài viết này là ​​ca tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

* Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Niên Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống”).

Vân Du biên dịch

https://www.epochtimesviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét