Võ Thái Hà tổng hợp
Quân Nga sẽ tập trung tấn công Donetsk sau khi chiếm được Luhansk
04/7/2022
Một tòa nhà bị phá hủy bởi đạn pháo ở thành phố Lysychansk, thuộc vùng Luhansk của Ukraine
Quân Nga ở Ukraine sẽ tập trung nỗ lực đánh chiếm toàn bộ Donetsk, sau khi đã buộc quân Ukraine rút khỏi thành phố lớn cuối cùng mà họ còn kiểm soát ở khu vực Luhansk lân cận, thống đốc Luhansk cho biết hôm 4/7.
Sau khi từ bỏ nỗ lực tấn công thủ đô Kyiv, trong những tuần đầu cuộc chiến, Nga đã tập trung chiến dịch quân sự của họ vào trung tâm công nghiệp Donbass bao gồm các khu vực Luhansk và Donetsk, nơi phe ly khai thân Moscow đã chiến đấu chống Ukraine từ năm 2014.
Nga cho biết họ đã thiết lập toàn quyền kiểm soát khu vực Luhansk sau khi quân Ukraine rút khỏi thành phố Lysychansk bị tan nát vì bom đạn.
“Về mặt quân sự, thật tệ khi phải rời bỏ vị trí, nhưng mất Lysychansk không có gì quan trọng. Chúng tôi cần phải giành chiến thắng chung cuộc, chứ không phải chỉ thắng cuộc chiến giành Lysychansk,” Thống đốc Serhiy Gaidai nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
“Việc đó rất đau đớn, nhưng nó không có nghĩa là Ukraine đã thua trong cuộc chiến.”
Ông nói việc rút quân khỏi Lysychansk là chiến dịch được hoạch định từ “trung ương”, nó diễn ra có kế hoạch và trật tự, trong lúc quân Ukraine trước đó đối mặt nguy cơ bị bao vây.
“Tuy nhiên, đối với họ (quân Nga) mục tiêu số 1 là vùng Donetsk. Sloviansk và Bakhmut sẽ bị tấn công – Bakhmut đã bắt đầu bị pháo kích rất dữ dội,” ông nói.
Ông Gaidai nói rằng thành phố Sloviansk và thị trấn Bakhmut nói riêng sẽ bị tấn công khi Nga đang đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass ở miền đông Ukraine.
Moscow cho biết việc chiếm được Lysychansk chưa đầy một tuần sau khi họ chiếm được thành phố Sievierdonetsk lân cận có nghĩa là họ đã ‘giải phóng’ Luhansk, một mục tiêu quan trọng của Điện Kremlin.
Moscow cho biết họ sẽ trao lãnh thổ chiếm được cho Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng được Nga hậu thuẫn mà họ đã công nhận độc lập trước thềm cuộc chiến.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tối ngày 3/7 tuyên bố sẽ giành lại lãnh thổ đã mất với sự trợ giúp của vũ khí tầm xa của phương Tây.
Ông Zelenskiy cho biết Nga đang tập trung hỏa lực vào mặt trận Donbass, nhưng Ukraine sẽ đáp trả bằng vũ khí tầm xa như tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp.
“Việc chúng tôi bảo vệ sinh mạng của những người lính chúng tôi, người dân chúng tôi, cũng quan trọng không kém. Chúng tôi sẽ dựng lại các bức tường, sẽ giành lại đất đai và trên hết mạng người phải được bảo vệ,” ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu video hàng đêm.
Tại Sloviansk, nằm về phía tây Lysychansk thuộc Donetsk, Thị trưởng Vadym Lyakh viết trên Facebook rằng các cuộc pháo kích dữ dội hôm 3/7 đã giết chết ít nhất sáu người, trong đó có một bé gái 10 tuổi.
Trong khi Nga sẽ cố gắng mô tả bước tiến ở Luhansk là thời điểm quan trọng trong cuộc chiến, họ đã phải trả cái giá quá đắt, ông Neil Melvin thuộc tổ chức tư vấn RUSI ở London cho biết.
“Lập trường của Ukraine là không bao giờ họ có thể giữ được tất cả những chỗ này. Những gì họ đang cố làm là làm chậm cuộc tấn công của Nga và gây thiệt hại tối đa, trong khi họ gầy dựng lực lượng để phản công,” ông nói.
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây tăng tốc viện trợ vũ khí và cho biết quân họ thua xa Nga về hỏa lực.
Trong khi đó, văn phòng của ông Zelenskiy cho biết Nga đã pháo kích vào các tòa nhà dân cư và trang trại ở Kharkiv.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 3/7 cũng cho biết họ đã tấn công cơ sở hạ tầng quân sự ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine ở đông bắc, nơi phóng viên Reuters cho biết quân Ukraine đang xây dựng công sự sau các cuộc pháo kích hàng đêm.
Cách Kharkiv khoảng 70 km bên lãnh thổ phía Nga, Nga cho biết đã xảy ra các vụ nổ hôm 3/7 ở Belgorod giết chết ít nhất ba người và phá hủy nhà cửa.
Moscow cáo buộc Kyiv đứng sau các cuộc tấn công vào Belgorod và các vùng khác giáp với Ukraine. Kyiv chưa bao giờ nhận đã thực hiện các vụ tấn công này.
Ukraine cho biết không quân của họ đã thực hiện khoảng 15 phi vụ ‘hầu như ở tất cả các hướng chiến sự’, phá hủy thiết bị và hai kho đạn dược.
Đất nước Sri Lanka gần như ngừng hoạt động khi dự trữ nhiên liệu cạn kiệt
Hôm Chủ nhật (3/7), Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka cho biết nhiên liệu nước này chỉ còn đủ dùng cho chưa đến một ngày, trong bối cảnh giao thông công cộng bị đình trệ khi cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước ngày càng trở nên sâu sắc.
Tại thủ đô Colombo, những hàng người kéo dài nhiều km xếp hàng mua xăng và dầu diesel dù hầu hết các trạm bơm đã không có nhiên liệu trong nhiều ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết dự trữ xăng dầu trong nước chỉ còn khoảng 4.000 tấn, dưới mức tiêu thụ một ngày.
Ông Wijesekera nói với các phóng viên tại Colombo: “Chuyến hàng dầu tiếp theo dự kiến đến từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 7.”
“Chúng tôi đã liên hệ với các nhà cung cấp khác, nhưng chúng tôi không thể xác nhận bất kỳ nguồn cung cấp mới nào trước ngày 22”.
Tuần trước, Sri Lanka đã thông báo tạm dừng bán nhiên liệu trong vòng 2 tuần, ngoại trừ cho các dịch vụ thiết yếu, nhằm tiết kiệm xăng và dầu diesel cho các trường hợp khẩn cấp. Hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa vào Chủ nhật.
Trên đường phố, nhiều người tuyệt vọng vẫy xe mong được đi nhờ.
Hai phần ba xe buýt ở Sri Lanka thuộc sở hữu tư nhân, cho biết họ chỉ có thể vận hành các dịch vụ cốt lõi do bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu nhiên liệu.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà khai thác xe buýt tư nhân Gemunu Wijeratne cho biết: “Chúng tôi đã chỉ vận hành được khoảng 1.000 xe buýt trên khắp đất nước trong số 20.000 xe buýt.”
“Tình hình chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn vào ngày mai [thứ Hai] bởi vì chúng tôi không có cách nào để có được dầu diesel.”
Ông cho biết các dịch vụ sẽ được cắt giảm thêm vào thứ Hai và không có giải pháp nào thay thế ngay lập tức.
Taxi ba bánh – phương tiện giao thông phổ biến – cũng không còn xuất hiện trên đường phố.
Việc thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng đã đẩy Sri Lanka đến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất cho đến nay, với 22 triệu người phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng hàng ngày.
Nước này cũng phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài kể từ cuối năm ngoái.
Tất cả các tổ chức chính phủ và trường học không thiết yếu đã được lệnh đóng cửa cho đến ngày 10/7 để giảm thiểu việc đi lại và tiết kiệm năng lượng.
Truyền thông địa phương đưa tin đã có những cuộc đụng độ lẻ tẻ bên ngoài các trạm nhiên liệu.
Tuần trước, quân đội đã nổ súng để giải tán một đám đông phản đối quân đội chen hàng.
Sri Lanka hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có được một gói cứu trợ sau khi nước này vỡ nợ 51 tỷ USD vào tháng 4.
Xuân Lan (theo AFP)
Phương Tây họp bàn cách hỗ trợ Ukraine tái thiết thời hậu chiến
Ukraine sẽ được xây dựng lại, và phương Tây sẽ tài trợ. Đó có thể là thông điệp của Hội nghị Phục hồi Ukraine sẽ khai mạc tại Lugano, Thụy Sĩ, vào thứ Hai.
Hồi đầu tháng 6, Trường Kinh tế Kyiv ước tính thiệt hại vật chất do chiến tranh của Ukraine lên tới 104 tỷ USD. Bên cạnh đó là thiệt hại về nhân mạng và sản lượng kinh tế, doanh thu thương mại và đầu tư bị bỏ lỡ, cũng như chi tiêu bổ sung cho quân đội và các khoản hỗ trợ cho 6,3 triệu công dân phải di dời trong nước. Tác động tổng thể rất nghiêm trọng. IMF ước tính GDP của Ukraine có thể giảm hơn một phần ba trong năm nay, ngang với thiệt hại do Đại Suy thoái gây ra ở Mỹ trong những năm 1930.
Hứa hẹn tiền bạc cho tương lai không quá phức tạp. Nhưng cấp bách hơn là tài trợ cho nỗ lực chiến tranh và củng cố tài chính của Ukraine. Ngân hàng trung ương nước này đã in tiền với mức cao đáng báo động để vá lỗ hổng ngân sách. Hệ quả là lạm phát, hiện ở mức 18%, đang tăng lên. Hội nghị Lugano có một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Chile công bố dự thảo hiến pháp mới
Hội nghị hiến pháp của Chile đã làm việc suốt một năm qua. Vào thứ Hai, họ sẽ chính thức trình bày hiến pháp mới trước toàn quốc. Văn kiện mới bắt nguồn từ tình trạng hỗn loạn: cơ quan soạn thảo được bầu sau các cuộc biểu tình lớn chống bất bình đẳng và dịch vụ công tồi tệ hồi năm 2019. Nếu được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9, hiến pháp này sẽ thay thế bản hiến pháp hiện tại của Chile, vốn được soạn thảo dưới chế độ độc tài quân sự của Augusto Pinochet.
Văn bản mới sẽ trao cho nhà nước vai trò lớn hơn trong cung cấp dịch vụ công, mở rộng quyền lao động, yêu cầu ít nhất một nửa cơ quan lập pháp và tư pháp phải là phụ nữ, cũng như công nhận các vùng đất bản địa và phân cấp quyền lực. Song kết quả thăm dò lại cho thấy người Chile sẽ bỏ phiếu phản đối. Các vụ bê bối (ví dụ như việc một thành viên ban soạn thảo nói dối về việc mắc bệnh ung thư) cũng như tin tức giả (bao gồm tin đồn hiến pháp sẽ bãi bỏ quyền sở hữu tài sản tư nhân) đã làm tổn hại danh tiếng của nó. Gabriel Boric, tổng thống cánh tả được bầu gần đây, rất muốn tình hình thay đổi từ giờ cho đến cuộc trưng cầu dân ý. Vì đã ủng hộ hiến pháp mới, sự tồn tại của chính phủ ông hoàn toàn phụ thuộc vào thành công của nó.
Ả Rập Saudi tiếp tục mở cửa thị trường chứng khoán cho khối ngoại
Một thập niên trước, người nước ngoài thậm chí không thể trực tiếp mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Ả Rập Saudi. Nhưng giờ đây họ có thể làm điều đó và nhiều hơn nữa. Kể từ thứ Hai, sàn giao dịch Tadawul ở Riyadh sẽ bắt đầu cho phép giao dịch hợp đồng tương lai một cổ phiếu, đánh dấu một bước tiến nữa trong tiến trình thay đổi của sàn. Kể từ năm 2015, vương quốc này đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài lớn và nới lỏng giới hạn sở hữu. Vào cuối tháng 3 năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu tới 318 tỷ rials (85 tỷ USD) trên sàn giao dịch, tăng từ 103 tỷ của hai năm trước đó.
Tuy vậy, khối ngoại vẫn chỉ kiểm soát một lượng nhỏ thị trường. Một số công ty lớn nhất, chẳng hạn như gã khổng lồ hóa dầu SABIC, là doanh nghiệp được nhà nước sở hữu đa số, trong khi số khác được kiểm soát bởi các gia đình tinh hoa. Nhưng việc mở cửa thị trường là tốt cho cả người Ả Rập lẫn người nước ngoài. Các công ty lớn được tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài, còn các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận tốt hơn so với các thị trường phương Tây đang chậm đi. Ví dụ, chỉ số Tadawul tăng 5% trong năm qua, trong khi chỉ số Dow của Mỹ mất 10%.
Ông Jeff Bezos phản hồi sau khi Tổng thống Biden yêu cầu các trạm xăng giảm giá
Jack Phillips
Ông Jeff Bezos, người sáng lập công ty Amazon, tại Thành phố New York hôm 20/09/2021. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images) Hoa Kỳ
Tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập công ty Amazon, đã chỉ trích thông điệp của chính phủ Tổng thống Biden về giá xăng và lạm phát gia tăng.
Hôm thứ Bảy (02/07), Tổng thống Joe Biden đề nghị trên Twitter rằng các trạm xăng trên khắp Hoa Kỳ nên tính phí xăng cho khách hàng ít hơn để bù đắp các mức giá xăng cao lịch sử.
“Ối”, ông Bezos viết đáp lại. “Lạm phát là một vấn đề quá đỗi quan trọng đối với Tòa Bạch Ốc khi tiếp tục đưa ra những tuyên bố như thế này. Điều đó đơn giản là sự định hướng sai lầm hoặc là một sự hiểu lầm sâu sắc về các động lực thị trường căn bản.”
Trước đó, tài khoản Twitter của ông Biden đã viết rằng ông có một “thông điệp” gửi tới các trạm xăng: “Hãy hạ mức giá mà quý vị đang ấn định tại trạm xăng để phản ánh chi phí quý vị phải trả cho sản phẩm này. Và hãy lập tức làm điều đó”.
Từ bài đăng trên Twitter này, thì không rõ các trạm xăng có thể đáp ứng yêu cầu trên Twitter của ông Biden bằng cách nào. Yêu cầu này đã được một tài khoản truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi. Tuy nhiên, những người khác đã chỉ trích bài đăng của tổng thống.
“Ông cũng như mọi người đều biết rằng trên thực tế thì Cục Dự trữ Liên bang ấn định giá cả — thông qua lạm phát tràn lan,” tài khoản của Đảng Tự do viết. “Khi 40% đồng USD trên thế giới được in ra trong một năm, thì lạm phát bắt đầu và giá cả tăng vọt. Mới hôm qua ông đang đổ lỗi cho [Nga]. Chúng tôi đã nhìn thấu được sự không trung thực của ông.”
Ứng cử viên thống đốc tiểu bang California Michael Shellenberger nói thêm vào, “Vào thời điểm chiến tranh, lẽ ra ông Biden nên thẳng thắn trao đổi với người dân Mỹ và hợp nhất đất nước thông qua một chiến dịch năng lượng sạch ‘toàn diện’ kể cả dầu mỏ và khí đốt. Thay vào đó, ông ấy đã nhiều lần nói dối về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng và chia rẽ đất nước.”
Dữ liệu do câu lạc bộ xe hơi AAA công bố hôm Chủ Nhật (03/07) cho thấy giá trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng thông thường hiện ở mức 4.81 USD, giảm khoảng 10 cent so với một tuần trước. Giữa tháng Sáu, giá trung bình lần đầu tiên chạm mức 5 USD/gallon.
Ông Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ đã chuyển từ việc đổ lỗi cho Nga và lãnh đạo của nước này, ông Vladimir Putin, về việc giá khí đốt tăng vọt sang đổ lỗi cho các công ty dầu mỏ và các trạm xăng trong những ngày gần đây. Tổng thống đã gửi một bức thư tới các công ty dầu mỏ hàng đầu ở Hoa Kỳ, yêu cầu họ giảm giá đồng thời cáo buộc họ làm giá.
ExxonMobil, một trong những công ty dầu mỏ, đã đáp trả bằng việc ám chỉ rằng các chính sách liên bang đã góp phần làm tăng giá.
“Trong ngắn hạn, chính phủ Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp thường được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp sau bão hoặc sự gián đoạn nguồn cung cấp khác — chẳng hạn như miễn trừ các điều khoản của Đạo luật Jones và một số thông số kỹ thuật nhất định của nhiên liệu để tăng nguồn cung”, đại công ty dầu mỏ này viết trong một thông cáo báo chí.
Họ nói thêm rằng chính phủ liên bang “có thể thúc đẩy đầu tư thông qua chính sách rõ ràng và nhất quán hỗ trợ phát triển nguồn tài nguyên của Hoa Kỳ, chẳng hạn như các hợp đồng thuê khoan dầu khí thường xuyên và có thể dự đoán được, cũng như hợp lý hóa việc chấp thuận quy định và hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng chẳng hạn như các đường ống dẫn dầu.”
Đảng Cộng Hòa và một số nhà phân tích cho rằng giá cao hơn là do năm ngoái ông Biden đã ban hành một loạt các sắc lệnh đình chỉ các hợp đồng thuê khoan mới trên đất liên bang, các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, và chấm dứt đường ống Keystone.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Cẩm An biên dịch
Trung Quốc chỉ trích Mỹ ‘chỉ hô khẩu hiệu thay vì hành động về biến đổi khí hậu’
01/7/2022
Một nhà máy điện than ở Craig, bang Colorado. Sản xuất điện bằng than đá được cho là phát thải nhiều carbon
Mỹ phải đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình về biến đổi khí hậu và làm nhiều hơn là ‘hô khẩu hiệu’, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 1/7 sau phán quyết của Tòa án Tối cao giới hạn khả năng cắt giảm khí thải trong ngành điện của Washington.
Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu để kiềm chế quyền hành của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, tức EPA, trong việc điều tiết lượng khí thải nhà kính từ các nhà máy điện hiện tại chạy bằng than và khí đốt theo Đạo luật Không khí Sạch, khiến các nhà hoạt động môi trường bất bình.
Ông Triệu nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng phán quyết đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, nói thêm rằng ‘chỉ hô khẩu hiệu để giải quyết biến đổi khí hậu là chưa đủ’.
“Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển, bao gồm cả Mỹ,... đối mặt với trách nhiệm lịch sử của họ và cho thấy tham vọng và hành động lớn hơn,” ông Triệu nói thêm.
Các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc cho biết quyết định này có thể làm tổn hại mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Bắc Kinh và Washington về khí hậu, vốn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo các thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế khí thải nhà kính làm trái đất nóng lên.
“Phán quyết có hậu quả sâu sắc và sẽ làm suy yếu đáng kể điều kiện cho các cuộc đàm phán khí hậu Mỹ-Trung trong tương lai,” ông Lý Thạc, cố vấn cấp cao của tổ chức Greenpeace, nói.
‘Sự thụt lùi’ của Mỹ cũng có thể khiến Trung Quốc khó có thể hành động nhiều hơn để hạn chế tiêu thụ than, vốn đạt mức kỷ lục vào năm 2021, ông Lý nói thêm.
“Phía Trung Quốc tin rằng sẽ không thể có chuyện bánh ít đi, bánh quy lại giữa họ với Mỹ về khí hậu,” ông nói.
Hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ bắt đầu cắt giảm tiêu thụ than vào năm 2026, với các viện nghiên cứu nhà nước dự kiến công suất phát điện bằng than đá sẽ tăng thêm 150 gigawatt trong giai đoạn 2021-2025.
Trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý quá trình chuyển đổi năng lượng sang phát thải ít carbon một cách cẩn thận.
Phó Thủ tướng Hàn Chính trong tuần này đã mô tả than đá là bệ đỡ cho nền kinh tế, và nói thêm rằng Trung Quốc ‘cần duy trì nguyên tắc an ninh năng lượng dựa trên các điều kiện cơ bản quốc gia về ưu thế than đá’.
Hội nghị Mekong-Lan Thương khai mạc
Đăng ngày: 04/7/2022
Ảnh minh họa: Ngư dân Cam Bốt thuộc làng Preah Romkel, tỉnh Stung Treng (Cam Bốt), bên bờ sông Mekong, khúc gần đập Don Sahong, gần biên giới Lào-Cam Bốt. Ảnh chụp năm 2016. AP - Heng Sinith
Hội nghị hợp tác Mekong-Lan Thương (Lancang) quy tụ ngoại trưởng của 6 nước - Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam - đã khai mạc hôm nay, 04/07/2022, tại Miến Điện. Mục đích của hội nghị là thảo luận về tương lai của con sông quan trọng nhất khu vực. Trung Quốc nhân cơ hội này muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :
Sáu bộ trưởng gặp nhau tại thành phố lịch sử Bagan, miền trung của Miến Điện để thảo luận về tương lai của sông Mekong-Lan Thương, Lan Thương là tên tiếng Trung của con sông, nơi đa dạng sinh học đã bị việc xây dựng nhiều đập thủy điện hủy hoại. Hợp tác khu vực này - dưới sự bảo trợ của Trung Quốc - cạnh tranh trực tiếp với Ủy ban sông Mê Kông (MRC), một cơ quan chịu ảnh hưởng của Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặc biệt tích cực trong hồ sơ này khi ông hứa sẽ tài trợ cho các dự án trị giá ba mươi triệu đô la của Cam Bốt, hứa tăng cường hợp tác với Lào về các chủ đề như bảo vệ môi trường, giám sát biên giới hoặc nền kinh tế kỹ thuật số.
Cuộc họp - trùng thời điểm với chuyến thăm ngoại giao của đặc phái viên ASEAN tại Miến Điện (đồng thời là ngoại trưởng Cam Bốt) - chắc chắn sẽ cho phép nhiều cuộc gặp mang tính chính trị hơn.
Như vậy, Trung Quốc đang khẳng định ảnh hưởng của mình trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên ở khu vực sông Mekong và củng cố hình ảnh của mình như một trọng tài trong khu vực.
Trong ngày hôm qua 03/07, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã kêu gọi quân đội Miến Điện đàm phán với đối lập. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương tới Miến Điện kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm 2021 khiến nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét