Nguồn: John J. Mearsheimer, “Playing With Fire in Ukraine,” Foreign Affairs, 17/08/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
01/9/2022
Về những rủi ro không được đánh giá đúng mực của leo thang chiến tranh.
Các nhà hoạch định chính sách phương Tây dường như đã đạt được đồng thuận về cuộc chiến ở Ukraine: xung đột sẽ đi vào bế tắc kéo dài, và cuối cùng, nước Nga suy yếu sẽ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Mỹ và các đồng minh NATO, cũng như Ukraine. Dù các quan chức thừa nhận cả Washington và Moscow đều có thể leo thang để giành lợi thế, hoặc để ngăn thất bại, nhưng họ cho rằng vẫn có thể tránh được leo thang thảm khốc. Hiếm có ai cho rằng lực lượng Mỹ sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc giao tranh, hay Nga sẽ dám sử dụng vũ khí hạt nhân.
Washington và các đồng minh đang quá ung dung. Dù đúng là có thể tránh được thảm họa leo thang, nhưng khả năng quản lý mối nguy này của các bên tham chiến là không chắc chắn. Về cơ bản thì rủi ro lớn hơn đáng kể so với những gì chúng ta nghĩ. Và bởi vì hậu quả của leo thang có thể bao gồm một cuộc chiến lớn ở châu Âu, thậm chí bao gồm sự hủy diệt hạt nhân, nên lại càng có lý do chính đáng để lo ngại.
Để hiểu được động lực của leo thang ở Ukraine, hãy bắt đầu với mục tiêu của mỗi bên. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, cả Moscow và Washington đều đã nâng tham vọng của mình lên đáng kể; hiện tại, hai bên đều cam kết sẽ giành chiến thắng sau cùng và đạt được những mục tiêu chính trị lớn. Do đó, mỗi bên đều có động lực mạnh mẽ để tìm cách chiếm ưu thế, và quan trọng hơn, để tránh thua cuộc. Trên thực tế, điều này có nghĩa là người Mỹ có thể tham chiến nếu họ tuyệt vọng muốn giành chiến thắng hoặc muốn ngăn Ukraine thua cuộc, trong khi Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu họ tuyệt vọng muốn giành chiến thắng hoặc phải đối mặt với thất bại gần kề – vốn là điều có thể xảy ra nếu lực lượng của Mỹ thực sự tham chiến.
Hơn nữa, xét đến quyết tâm đạt được mục tiêu của mỗi bên, khả năng xảy ra một thỏa hiệp có ý nghĩa là cực thấp. Tư duy theo kiểu tối đa hóa – hiện đang phổ biến ở cả Washington và Moscow – khiến các bên càng có thêm lý do để giành chiến thắng trên chiến trường, từ đó trở thành người quyết định các điều khoản của hòa ước sau cùng. Trên thực tế, việc thiếu một giải pháp ngoại giao khả thi sẽ tạo thêm động lực để cả hai bên lựa chọn leo thang. Những điều nằm trên các nấc thang cao hơn có thể thực sự thảm khốc: một sự chết chóc và tàn phá vượt xa thời Thế chiến II.
Những mục tiêu cao hơn
Ban đầu, Mỹ và các đồng minh ủng hộ Ukraine nhằm ngăn chặn chiến thắng của người Nga và tạo ra cơ sở đàm phán một kết thúc có lợi sau giao tranh. Nhưng khi quân đội Ukraine bắt đầu thắng thế trước lực lượng Nga, đặc biệt là xung quanh Kyiv, chính quyền Biden đã chuyển hướng và cam kết giúp Ukraine giành chiến thắng cuối cùng. Họ cũng cố gắng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã giải thích về các mục tiêu của Mỹ, “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những điều mà họ đã làm khi xâm lược Ukraine.” Trên thực tế, Mỹ đã tuyên bố ý định loại Nga ra khỏi hàng ngũ các cường quốc.
Hơn nữa, Mỹ đã gắn uy tín của chính mình với kết quả của cuộc xung đột. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “tội ác diệt chủng” và cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tội phạm chiến tranh” cần bị đưa ra “phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh.” Những tuyên bố như thế này của Tổng thống khiến người ta khó có thể hình dung chuyện Washington lùi bước; và nếu Nga thắng Ukraine, vị thế của Mỹ trên thế giới sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Tham vọng của Nga cũng được mở rộng. Trái ngược với lập luận phổ biến ở phương Tây, Moscow đã không xâm lược Ukraine để chinh phục và biến vùng đất này thành một phần của Nước Nga Vĩ đại. Mục tiêu chủ yếu của họ là ngăn chặn Ukraine trở thành “tường thành” của phương Tây ngay tại biên giới Nga. Putin và các cố vấn của ông đặc biệt lo ngại về việc Ukraine sau cùng sẽ gia nhập NATO. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng tóm gọn quan điểm này trong một cuộc họp báo vào giữa tháng 1, “chìa khóa của mọi vấn đề là đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông.” Đối với các nhà lãnh đạo Nga, viễn cảnh Ukraine trở thành thành viên NATO, như lời Putin nói trước cuộc xâm lược, là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh Nga” – một mối đe dọa chỉ có thể bị loại bỏ bằng cách tham chiến và biến Ukraine thành một quốc gia trung lập hoặc thất bại.
Xét về mục tiêu đó, dường như các mục tiêu lãnh thổ của Nga đã mở rộng rõ rệt kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Cho đến ngay trước khi tiến hành xâm lược, Nga vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk II, giữ Donbas là một phần của Ukraine. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh nổ ra, Nga đã chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraine, và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng Putin hiện có ý định sáp nhập toàn bộ hoặc phần lớn vùng đất đó, điều này sẽ biến phần còn lại của Ukraine thành một quốc gia tàn tồn (rump state) rối loạn.
Lúc này đây, mối đe dọa đối với Nga thậm chí còn lớn hơn giai đoạn trước chiến tranh, chủ yếu là vì chính quyền Biden đang quyết tâm giành lại lãnh thổ từ tay Nga và hủy hoại vĩnh viễn sức mạnh của Nga. Tệ hơn nữa, Phần Lan và Thụy Điển đang xúc tiến gia nhập NATO, còn Ukraine thì được trang bị vũ khí tốt hơn và liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây. Moscow không thể để mất Ukraine, và họ sẽ sử dụng mọi cách có thể để tránh thất bại. Putin tự tin rằng Nga cuối cùng sẽ giành ưu thế trước Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ họ. “Hôm nay, chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường,” ông nói vào đầu tháng 7. “Tôi nên nói gì đây? Cứ để họ thử xem nào. Chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Không có nghi ngờ gì về điều đó.”
Về phần mình, Ukraine có cùng mục tiêu với chính quyền Biden. Nước này đang cố gắng chiếm lại phần lãnh thổ đã mất vào tay Nga – bao gồm cả Crimea – và một nước Nga yếu hơn chắc chắn sẽ ít đáng sợ hơn đối với Ukraine. Hơn nữa, họ tự tin rằng mình có thể giành chiến thắng, như Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã nói rõ vào giữa tháng 7, “Người Nga chắc chắn có thể bị đánh bại, và người Ukraine đã chỉ ra cách để làm điều đó.” Người đồng cấp Mỹ của ông rõ ràng cũng đồng ý. “Những hỗ trợ của chúng ta đang tạo ra khác biệt thực sự trên chiến trường,” Austin nói trong một bài phát biểu vào cuối tháng 7. “Nga nghĩ rằng họ có thể tồn tại lâu hơn Ukraine – và tồn tại lâu hơn chúng ta. Nhưng đó chỉ là sai lầm mới nhất trong chuỗi tính toán sai lầm của Nga.”
Về bản chất, Kyiv, Washington, và Moscow đều cam kết sẽ giành chiến thắng và buộc đối thủ của họ phải trả giá. Cách nghĩ này không để lại nhiều cơ hội cho thỏa hiệp. Chẳng hạn, cả Ukraine và Mỹ đều ít có khả năng chấp nhận một Ukraine trung lập. Trên thực tế, Ukraine ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với phương Tây. Nga cũng ít có khả năng sẽ trả lại toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ mà họ đã lấy từ Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh những thù hận đã thúc đẩy cuộc xung đột ở Donbas giữa phe ly khai thân Nga và chính phủ Ukraine trong 8 năm qua đang căng thẳng hơn bao giờ hết.
Những lợi ích xung đột này giải thích tại sao rất nhiều nhà quan sát tin rằng một thỏa thuận được thương lượng sẽ không sớm xảy ra, và theo đó dự đoán một bế tắc đẫm máu. Họ đúng về điều ấy. Nhưng các nhà quan sát đang đánh giá thấp khả năng leo thang thảm khốc, biến thành một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.
Khi chiến tranh nổ ra, có ba con đường cơ bản sẽ dẫn đến leo thang: một hoặc cả hai bên cố tình leo thang để giành chiến thắng, một hoặc cả hai bên cố tình leo thang để ngăn chặn thất bại, hoặc giao tranh leo thang không phải do lựa chọn có chủ ý mà chỉ là vô tình. Mỗi con đường đều có khả năng đưa Mỹ vào cuộc chiến, hoặc kích động Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc cả hai.
Mỹ tham chiến
Khi chính quyền Biden kết luận rằng Nga có thể bị đánh bại ở Ukraine, họ đã gửi nhiều vũ khí hơn (và gửi vũ khí mạnh hơn) tới Kyiv. Phương Tây bắt đầu tăng cường khả năng tấn công của Ukraine bằng cách gửi các vũ khí như hệ thống pháo phản lực HIMARS, bên cạnh các vũ khí “phòng thủ” như tên lửa chống tăng Javelin. Theo thời gian, cả tính sát thương lẫn số lượng của vũ khí đều tăng lên. Hồi tháng 3, Washington đã phủ quyết kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine, với lý do làm như vậy có thể khiến cuộc chiến leo thang, nhưng sang tháng 7, họ đã không phản đối khi Slovakia thông báo nước này đang xem xét gửi các máy bay tương tự đến Kyiv. Mỹ cũng đang dự tính trao những chiếc F-15 và F-16 của chính họ cho Ukraine.
Mỹ và các đồng minh cũng đang huấn luyện quân đội Ukraine, đồng thời cung cấp cho lực lượng này những thông tin tình báo quan trọng mà họ đang sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của Nga. Hơn nữa, như tờ New York Times đã đưa tin, phương Tây có “một mạng lưới biệt kích và gián điệp bí mật” hoạt động ngay tại chiến trường Ukraine. Washington có thể không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng vẫn can dự sâu sắc vào cuộc chiến. Và chẳng mấy chốc, có thể chính những người lính Mỹ sẽ kéo cò súng, hoặc các phi công Mỹ sẽ nhấn nút phóng tên lửa.
Quân đội Mỹ có thể tham gia vào chiến tranh theo nhiều cách khác nhau. Giả sử cuộc chiến đã kéo dài một năm hoặc hơn, và không có một giải pháp ngoại giao nào trong tầm với, cũng không có một con đường khả thi để Ukraine giành chiến thắng. Đồng thời, Washington đang tuyệt vọng để kết thúc chiến tranh – có thể là vì họ cần tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc, hoặc vì chi phí kinh tế của việc hậu thuẫn Ukraine đang gây ra các vấn đề chính trị ở trong nước và ở châu Âu. Trong trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ có mọi lý do để cân nhắc thực hiện các bước đi mạo hiểm hơn – chẳng hạn như áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine, hoặc điều động các nhóm nhỏ từ lực lượng mặt đất của Mỹ – đến giúp Ukraine đánh bại Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ở Kyiv, tháng 04/2022 © Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine / Reuters
Một kịch bản mà khả năng Mỹ can thiệp sẽ cao hơn là nếu quân đội Ukraine bắt đầu suy yếu và Nga có thể thắng lớn. Trong trường hợp đó, vì chính quyền Biden đã cam kết ngăn chặn kết quả ấy, Mỹ có thể cố gắng lật ngược tình thế bằng cách tham gia trực tiếp vào giao tranh. Người ta có thể dễ dàng hình dung việc các quan chức Mỹ tin rằng uy tín của đất nước họ đang bị đe dọa, và tự thuyết phục bản thân rằng việc sử dụng vũ lực hạn chế sẽ cứu được Ukraine mà không kích động Putin sử dụng vũ khí hạt nhân. Một kịch bản khác nữa là Ukraine, trong cơn tuyệt vọng, có thể tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các thị trấn và thành phố của Nga, mong đợi rằng hành động leo thang đó sẽ khiến Nga đáp trả mạnh mẽ, cuối cùng buộc Mỹ phải tham gia chiến tranh.
Kịch bản cuối cùng cho sự can dự của Mỹ có liên quan đến leo thang vô tình: dù không mong muốn, Washington vẫn có thể bị kéo vào cuộc chiến bởi một sự kiện leo thang không lường trước. Có thể các máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga – từng tiếp xúc gần trên Biển Baltic – đã vô tình va chạm. Một sự cố như vậy có thể dễ dàng dẫn đến leo thang, nếu xét đến mức độ sợ hãi cao của cả hai bên, sự thiếu vắng liên lạc, và sự “ác quỷ hóa” lẫn nhau.
Cũng có thể Litva sẽ ngăn chặn việc vận chuyển các hàng hóa bị trừng phạt đi qua lãnh thổ của mình khi chúng đi từ Nga đến Kaliningrad, vùng đất thuộc Nga nằm tách biệt với phần còn lại của nước này. Litva từng làm điều đó vào giữa tháng 6, nhưng đã quyết định nhượng bộ vào giữa tháng 7, sau khi Moscow nói rõ rằng mình đang dự tính “các biện pháp mạnh tay hơn” để chấm dứt điều mà họ coi là một cuộc phong tỏa bất hợp pháp. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Litva đã phản đối việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa. Vì Litva là một thành viên NATO, Mỹ gần như chắc chắn sẽ đứng ra bảo vệ nếu Nga tấn công nước này.
Hoặc có thể Nga sẽ phá hủy một tòa nhà ở Kyiv hoặc một căn cứ huấn luyện ở Ukraine và vô tình giết chết một số lượng đáng kể người Mỹ, ví dụ như nhân viên cứu trợ, đặc nhiệm tình báo, hoặc cố vấn quân sự. Chính quyền Biden, đối mặt với làn sóng phẫn nộ của dư luận ở quê nhà, quyết định phải trả đũa và tấn công các mục tiêu ở Nga, dần dần biến thành một trận đánh “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên.
Cuối cùng, có khả năng giao tranh ở miền nam Ukraine sẽ gây thiệt hại cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya hiện do Nga kiểm soát – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu – đến mức nó phát ra bức xạ xung quanh khu vực, khiến Nga phải đáp trả. Vào tháng 8, Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và thủ tướng Nga, đã có một phát biểu đáng ngại về khả năng đó, rằng: “Đừng quên rằng cũng có các nhà máy hạt nhân khác ở Liên minh châu Âu. Và sự cố cũng có thể xảy ra ở những nơi đó.” Nếu Nga tấn công một nhà máy điện hạt nhân của châu Âu, Mỹ gần như chắc chắn sẽ tham chiến.
Tất nhiên, Moscow cũng có thể tự khơi mào leo thang. Không thể loại trừ khả năng Nga, trong lúc cố gắng ngăn chặn dòng viện trợ quân sự của phương Tây vào Ukraine, sẽ tấn công các quốc gia mà phần lớn viện trợ đi qua: Ba Lan hoặc Romania, cả hai đều là thành viên NATO. Cũng có khả năng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn trên mạng, nhắm vào một hoặc nhiều quốc gia châu Âu đang hỗ trợ Ukraine, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến Mỹ phát động tấn công mạng trả đũa nhắm vào Nga. Nếu người Mỹ thành công, Moscow có thể đáp trả bằng quân sự; nếu họ thất bại, Washington có thể quyết định rằng cách duy nhất để trừng phạt Nga là tiến đánh trực diện. Những viễn cảnh như vậy nghe có vẻ xa vời, nhưng không phải là không thể. Và chúng chỉ là một vài trong số rất nhiều con đường có thể biến cuộc chiến cục bộ của hiện tại trở thành một cuộc chiến lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều.
Chiến tranh hạt nhân
Dù quân đội Nga đã gây ra những thiệt hại to lớn cho Ukraine, nhưng cho đến nay, Moscow vẫn chần chừ không leo thang để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Putin đã không mở rộng lực lượng của mình bằng việc huy động nghĩa vụ quân sự quy mô lớn. Ông cũng không nhắm mục tiêu vào lưới điện của Ukraine – vốn là điều tương đối dễ thực hiện và sẽ gây ra thiệt hại lớn cho Ukraine. Thật vậy, nhiều người Nga đã chỉ trích Tổng thống vì không tiến hành chiến tranh một cách mạnh mẽ hơn. Putin công nhận những lời chỉ trích này, nhưng đã tiết lộ rằng ông sẽ leo thang nếu cần thiết. “Chúng ta thậm chí vẫn chưa bắt đầu một cách nghiêm túc,” ông nói vào tháng 7, gợi ý rằng Nga có thể và sẽ làm nhiều hơn nếu tình hình quân sự xấu đi.
Vậy còn “hình thức leo thang sau cùng” thì sao? Có ba trường hợp mà Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Đầu tiên là nếu Mỹ và các đồng minh NATO của họ tham chiến. Diễn biến đó không chỉ làm thay đổi rõ rệt cán cân quân sự chống lại Nga, làm gia tăng đáng kể khả năng thất bại, mà còn có nghĩa là Nga sẽ tham gia vào một cuộc chiến giữa các cường quốc mà có thể dễ dàng tràn vào lãnh thổ của chính họ. Các nhà lãnh đạo Nga chắc chắn sẽ nghĩ rằng sự sống còn của họ đang gặp rủi ro, khiến họ có động lực mạnh mẽ để sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm giải cứu chính mình. Ở mức tối thiểu, họ sẽ tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân nhằm thuyết phục phương Tây lùi bước. Liệu một bước đi như vậy sẽ giúp kết thúc chiến tranh, hay dẫn đến leo thang ngoài tầm kiểm soát, là điều không thể biết trước.
Trong bài phát biểu ngày 24/02 thông báo về cuộc xâm lược, Putin ám chỉ một cách mạnh mẽ rằng ông sẽ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và các đồng minh tham chiến. Ông nói với “những kẻ có thể bị cám dỗ để can thiệp,” “họ phải biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức, và hậu quả sẽ là chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của họ.” Lời cảnh báo của ông đã không bị ngó lơ bởi Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, người đã dự đoán vào tháng 5 rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu NATO “hoặc can thiệp, hoặc chuẩn bị can thiệp,” nguyên nhân phần lớn là vì hành động đó “rõ ràng sẽ góp phần vào nhận thức rằng ông ấy sắp thua trong cuộc chiến ở Ukraine.”
Trong kịch bản hạt nhân thứ hai, Ukraine sẽ tự mình lật ngược tình thế trên chiến trường mà không có sự tham gia trực tiếp của Mỹ. Nếu các lực lượng Ukraine đang trên đà đánh bại quân đội Nga và giành lại lãnh thổ đã mất của đất nước họ, thì không nghi ngờ gì, Moscow có thể dễ dàng coi kết cục này là một mối đe dọa sống còn, đòi hỏi một phản ứng hạt nhân. Rốt cuộc thì Putin và các cố vấn của ông vì cảnh giác trước sự liên kết ngày càng tăng của Kyiv với phương Tây nên mới cố tình chọn tấn công Ukraine, bất chấp lời cảnh báo rõ ràng từ Mỹ và các đồng minh về những hậu quả nghiêm trọng mà Nga sẽ phải đối mặt. Không giống như kịch bản đầu tiên, Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân không phải trong bối cảnh chiến tranh với Mỹ, mà là chiến tranh với Ukraine. Họ sẽ làm như vậy mà không sợ bị trả đũa hạt nhân, vì Kyiv không có vũ khí hạt nhân, và vì Washington sẽ không có ý định bắt đầu chiến tranh hạt nhân. Việc không có mối đe dọa trả đũa rõ ràng sẽ khiến Putin dễ dàng cân nhắc sử dụng phương án hạt nhân hơn.
Trong kịch bản thứ ba, cuộc chiến đi vào bế tắc kéo dài mà không có giải pháp ngoại giao và trở nên cực kỳ tốn kém đối với Moscow. Tuyệt vọng tìm cách chấm dứt xung đột theo hướng có lợi cho mình, Putin có thể theo đuổi việc leo thang hạt nhân để giành chiến thắng. Như với kịch bản trước đó, khi ông ta quyết định leo thang để tránh thất bại, việc Mỹ trả đũa hạt nhân sẽ rất khó xảy ra. Trong cả hai kịch bản, Nga nhiều khả năng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại một nhóm nhỏ các mục tiêu quân sự, chí ít là trong giai đoạn đầu. Họ có thể tấn công các thị trấn và thành phố trong những đợt tấn công sau đó nếu cần. Giành được lợi thế quân sự là một trong những mục tiêu của chiến lược, nhưng mục tiêu quan trọng hơn là ra một đòn quyết định, làm thay đổi hoàn toàn thế trận – tạo ra nỗi sợ hãi ở phương Tây đến mức Mỹ và các đồng minh nhanh chóng kết thúc xung đột theo những điều kiện có lợi cho Moscow. Chẳng có gì ngạc nhiên khi William Burns, Giám đốc CIA, đã nhận xét vào tháng 4, “Không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu quả thấp”.
Chuẩn bị cho thảm họa
Người ta có thể thừa nhận rằng, về mặt lý thuyết, dù một trong những kịch bản thảm khốc này có thể xảy ra, nhưng khả năng chúng xảy ra là rất nhỏ, và do đó chúng ta không nên quan tâm nhiều đến chúng. Sau cùng thì, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều có động lực mạnh mẽ để ngăn người Mỹ tham chiến, và tránh việc sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế, chứ chưa nói đến chiến tranh hạt nhân thực sự.
Giá như chúng ta có thể lạc quan như vậy. Trên thực tế, quan điểm thông thường đã đánh giá quá thấp nguy cơ leo thang ở Ukraine. Đầu tiên, chiến tranh thường có một logic của riêng chúng, điều này khiến cho việc dự đoán diễn biến của chúng trở nên rất khó. Bất cứ ai tự tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ đi theo một con đường nào đó nhất định đều sai lầm. Tương tự, các động lực của leo thang trong thời chiến là điều khó có thể dự đoán hoặc kiểm soát, và đó chính là lời cảnh báo cho những người tin tưởng rằng có thể quản lý các sự kiện ở Ukraine. Hơn nữa, như nhà lý thuyết quân sự người Phổ Carl von Clausewitz đã chỉ ra, chủ nghĩa dân tộc khuyến khích chiến tranh hiện đại leo thang đến mức cực đoan nhất của chúng, đặc biệt là khi lợi ích của cả hai bên đều cao. Điều này không có nghĩa là chiến tranh không thể bị giới hạn, nhưng không dễ để làm được chuyện đó. Cuối cùng, vì cái giá đắt đỏ của chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc, nên dù chỉ có một cơ hội rất nhỏ để điều đó xảy ra, chúng ta cũng phải suy nghĩ thật lâu và thật kỹ xem cuộc xung đột này có thể dẫn đến đâu.
Tình huống nguy cấp này tạo ra một động lực mạnh mẽ để tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Đáng tiếc là không có giải pháp chính trị nào trong tương lai gần, vì cả hai bên đều kiên quyết phải đạt được những mục tiêu chiến tranh vốn khiến cho việc thỏa hiệp gần như không thể xảy ra. Chính quyền Biden lẽ ra nên làm việc với Nga để giải quyết khủng hoảng Ukraine từ trước khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2. Bây giờ đã quá muộn để đạt được một thỏa thuận. Nga, Ukraine, và phương Tây đang mắc kẹt trong một tình huống tồi tệ mà không có lối thoát rõ ràng. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của cả hai bên sẽ quản lý cuộc chiến theo những cách tránh leo thang thảm khốc. Tuy nhiên, đối với hàng chục triệu người đang bị đe dọa mạng sống, điều đó chỉ đơn giản là không đủ.
*John J. Mearsheimer là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago.
https://nghiencuuquocte.org/2022/09/01
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét