DỐC NGÂN SÁCH NGHÈO TỔ CHỨC BỘ MÁY CẢNH SÁT KHỔNG LỒ DUY TRÌ SỰ CẦM QUYỀN KHÔNG CHÍNH DANH CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
Ngày 24.9.2021 đầu đảng cộng sản Việt Nam có cuộc bẩm báo qua điện thoại với đầu đảng cộng sản Trung Hoa. Phía cộng sản Việt Nam giấu nhẹm cuộc bẩm báo thực ra chỉ là cuộc chầu kiến online để nhận chỉ thị của đảng lớn cộng sản Trung Hoa. Nhưng phía cộng sản Trung Hoa đã huênh hoang công bố chỉ thị của đầu đảng lớn Tập Cận Bình với đầu đảng nhỏ Nguyễn Phú Trọng: Bảo vệ an ninh cầm quyền của Đảng Cộng sản và an ninh chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược căn bản nhất của hai nước Hoa – Việt
Nhắc nhở bảo vệ an ninh cầm quyền là nhắc tới bài học Thiên An Môn, Bắc Kinh, 4.6.1989. Bài học về khát vọng tự do dân chủ của dân là nỗi đe doạ cận kề nhất, to lớn nhất với nhà nước độc tài cộng sản. Bài học về bố trí và sử dụng sức mạnh bạo lực thường trực bóp chết khát vọng tự do dân chủ của người dân là bài học còn mất, sống chết với sự cầm quyền không chính danh của đảng cộng sản.
Để sử dụng bạo lực nhà nước với dân, cả hệ thống truyền thông khổng lồ của nhà nước độc tài cộng sản luôn ra rả lu loa vu cho những tiếng nói sự thật, thẳng thắn, trung thực của người dân, vu cho khát vọng tự do dân chủ của người dân là thế lực thù địch.
Đảng cử dân bầu, chính quyền không chính danh vì không do người dân tự do bầu chọn, không mang ý chí của người dân. Không chính danh nên càng nơm nớp nỗi sợ nhân dân thức tỉnh giành lại quyền làm người, giành quyền làm chủ đất nước, đảng cộng sản cầm quyền dè sẻn tối đa tiền đầu tư cho y tế, chắt bóp đến tận cùng tiền đầu tư cho giáo dục, cầm chừng ngân sách quốc phòng để dồn ngân sách nhà nước, dồn tiềm lực quốc gia tổ chức bộ máy công cụ bạo lực khổng lồ, trang bị đến tận răng, chăm bẵm đến đời con, đời cháu lực lượng công cụ còn đảng còn mình.
Mua sắm, trang bị vũ khí hiện đại nhất có uy lực lớn, sát thương nhanh và rộng cho công an. Biến lực lượng bán vũ trang giữ gìn an ninh xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân thành đội quân chiến đấu tinh nhuệ, hiện đại được vũ trang từ gót chân tới đỉnh đầu để đối đầu với khát vọng tự do dân chủ của dân. Sẵn sàng dìm tiếng nói đòi quyền sống, đòi tự do dân chủ của người dân vào biển máu mà trung đoàn cảnh sát cơ động cùng các lực lượng phối thuộc lên đến hơn ba ngàn cảnh sát vũ trang rầm rập xe bọc thép, xe trang bị điện tử tập kích vào thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội giết dân rạng sáng ngày 9.1.2020 như một cuộc diễn tập, rèn luyện trái tim chai lì, vô cảm trước nhân dân của con người công cụ, kiểm tra sức chiến đấu của đội quân còn đảng còn mình. Máu dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội rạng sáng 9.1.2020 chính là bài thực hành của công an Việt Nam khi học bài học máu ở Thiên An Môn Bắc Kinh, Trung Hoa rạng sáng 4.6.1989.
Thời thuộc Pháp, để giữ gìn bản sắc văn hoá rất đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, chính quyền thuộc địa Pháp có chính sách hạn chế người Kinh lên Tây Nguyên khai phá đất rừng màu mỡ và bạt ngàn. Nhưng từ sau năm 1975, người Kinh tràn lên Tây Nguyên, tàn phá rừng ngàn tuổi, làm chủ đất đai Tây Nguyên. Đồng bằng hoá rừng đại ngàn. Kinh hoá sinh hoạt dân cư và văn hoá Tây nguyên. Các dân tộc Tây Nguyên trở thành những tộc người nhỏ bè, yếu thế, mất quyền làm chủ núi rừng ngàn đời của họ. Mất núi, mất rừng, không còn hồn núi, hồn rừng cũng không còn nền văn hoá của núi rừng Tây Nguyên. Năm 1954, các dân tộc Tây Nguyên chiếm 85 phần trăm dân số, 510 ngàn dân trên tổng số 600 ngàn dân. Tỉ lệ và con số đó những năm sau là: Năm 1976 chỉ còn 69,7 phần trăm, 853 ngàn dân Tây Nguyên trên tổng số 1,225 triệu dân. Năm 2004 tỉ lệ dân tộc Tây nguyên chỉ còn chiếm 25,3 phần trăm, 1,181 triệu trên 4,668 triệu dân.
Năm 2004, hơn ba mươi ngàn người dân các dân tộc niềm núi Tây Nguyên biểu tình đòi quyền tự trị, quyền tự do tôn giáo, quyền giữ gìn di sản văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, quyền làm chủ những cánh rừng của sử thi, của cội nguồn văn hoá Tây Nguyên đang bị những tập đoàn tư bản hoang dã và gia dình người Kinh di dân tự do tràn đến chiếm đoạt, tàn phá.
Một nhà nước nhân văn biết lắng nghe dân phải điều chỉnh chính sách để bảo vệ không gian sinh tồn và không gian văn hoá dân tộc. Nhưng ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, nhà nước cộng sản Việt Nam đã đưa súng đạn quân đội và còng số 8 công an ra trả lời tiếng nói chính đáng của người dân Tây Nguyên. Súng của quân đội, dùi cui, roi điện, còng số 8 và nhà tù của công an nhanh chóng dập tắt tiếng nói dân sự của người dân Tây Nguyên rồi nhà nước độc tài cộng sản vội vã lập ra ba bộ máy giám sát và phản ứng nhanh với người dân ở ba vùng rộng lớn, xa xôi, khuất nẻo mà lực lượng bạo lực nhà nước mỏng. Ba bộ máy giám sát dân vùng xa có tên là Ban Chỉ Đạo. Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ Đạo Tây Bắc, Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ ra đời từ đó. Đại tướng, Bộ trưởng bộ Công an luôn trực tiếp đứng đầu Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, vùng chứa chất bất công xã hội lớn nhất cũng là vùng đáng lo ngại nhất của nhà nước cộng sản.
Không phải chỉ người dân vùng xa đòi quyền tự trị, tiếng nói đòi tự do dân chủ của người dân ngày càng lan rộng và mạnh mẽ ở các đô thị, các trung tâm dân cư. Cùng với sự ra đời các Ban Chỉ Đạo là các trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc bộ Công an vội vã được thành lập.
Chống lại đòi hỏi tự do dân chủ của dân, lính cảnh sát cơ động từ đầu đến chân được bọc trong lớp thép vừa để chống lực tác động, vừa để biến con người bọc trong những lớp dày sắt thép không còn là con người mà chỉ là công cụ, ngăn cách trái tim con người ở người lính công an với trái tim người dân. Chỉ còn là công cụ, vũ khí hiện đại có sức huỷ diệt nhanh và lớn trong tay chỉ còn biết theo lệnh dìm khát vọng tự do dân chủ của dân trong máu. Và máu dân đã lênh lảng ở thôn Hoành, Đồng Tâm, Hà Nội đêm 9.1.2020 là một dẫn chứng xác thực.
Từ 2001, mười bốn trung đoàn cảnh sát cơ động (TĐCSCĐ), trong tay bộ Công an lần lượt ra đời, tạo thành tấm lưới bạo lực nhà nước trùm kín đất nước. Họng súng cảnh sát cơ động lăm lăm chĩa vào cuộc sống người dân.
– TĐCSCĐ Tây Nguyên. E 20. Lập 2003. Đóng ở Buôn Ma Thuột.
– Tây Nam Bộ. E 21. Lập 2001 – Cần Thơ
– Thủ đô. E 22. Lập 2003 – Hà Nội
– Nam Trung Bộ. E 23. Lập 2010 – Quy Nhơn.
– Tây Bắc Bộ. E 24. Lập 2010 – Tỉnh Điện Biên
– Đông Nam Bộ. E 25. Lập 2010 – Biên Hoà
– Bắc Trung Bộ. E 26. Lập 2014 – Tỉnh Nghệ An
– Đông Bắc Bộ. E 27. Lập 2014 – Tỉnh Quảng Ninh
– Trung Bộ. E 28. Lập 2010 – Đà Nẵng
– Đông Nam Sài Gòn. E 29. Lập 2014 – Sài Gòn.
– Bảo vệ cơ sở ngoại giao. E 30. Lập 1999 – Hà Nội
– Bảo vệ chính trị, kinh tế E 31. Lập 2014 – Hà Nội
– Không quân. E 3 2. Lập 2021 – Hà Nội
– Kỵ binh. Lập 2020 – Thái Nguyên
Cùng với 14 trung đoàn cảnh sát cơ động rải ra khắp nước, ba đô thị trung tâm ba miền đất nước tập trung dân cư đông đúc, sôi động nhất nước còn có ba tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ và có sức chiến đấu cao hơn cả cảnh sát cơ động. Tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 1 ém quân ở thủ đô Hà Nội. Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 đứng chân ở trung tâm dân cư Đà Nẵng. Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 chốt trong khối hơn mười triệu dân Sài Gòn.
Thiên An Môn, Bắc Kinh 4.6.1989 chỉ có lưới đạn AK và xích xe tăng. Các trung đoàn cảnh sát cơ động Việt Nam có sức chiến đấu, sát thương lớn hơn nhiều. Trung đoàn cảnh sát cơ động Việt Nam được trang bị máy bay vũ trang, tàu thuyền chiến đấu, xe bọc thép và súng lớn có sức cơ động nhanh và tầm hoả lực rộng. Khi những họng súng hiện đại của những trung đoàn cảnh sát cơ động và những tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc bộ Công an đã phủ lưới lửa kín cả nước, năm 2018, nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam mới yên tâm giải thể ba Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.
Không phải chỉ các trung đoàn cảnh sát cơ động và các tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm, cả công an quản lí hành chính cũng được trang bị như những đơn vị chiến đấu mạnh, sẵn sàng mang vũ khí hiện đại giết người nhanh nhất, nhiều nhất ra đối đầu với dân. Theo thông tư 17/2018TT-BCA của bộ Công an, từ 1.7.2018 công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã … ngoài các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã có còn được trang bị súng tiểu liên, trung liên, đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng. Theo lệnh đảng, ngày 14.6.2022 Quốc hội lại thông qua luật Cảnh Sát Cơ Động với nhiệm vụ tấn công giải tán các vụ tập trung đông người. Ngoài vũ khí trang bị theo thông tư 17/2018 TT-BCA, các trung đoàn Cảnh sát cơ động còn được trang bị máy bay vũ trang, tàu thuyền chiến đấu.
Tăng cường sức mạnh đàn áp dân núp dưới danh nghĩa chống tội phạm, tháng sáu, 2020 bộ Công an đã cho ra đời trung đoàn cảnh sát cơ động kị binh. Rồi lần lượt công an các tỉnh cũng gấp gáp tổ chức trung đoàn cảnh sát cơ động cấp tỉnh với hơn ngàn tay súng được trang bị súng lớn, hiện đại, sát thương hàng loạt.
Sau hai đô thị Hà Nội và Sài Gòn, Thanh Hoá với gần 4 triệu người là tỉnh có dân số lớn nhất nước cũng là tỉnh đi đầu thành lập trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc chính quyền tỉnh. 11.11.2021 ra mắt trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc công an Thanh Hoá với 3 tiểu đoàn, 9 đại đội, 30 trung đội, 90 tiểu đội, hơn nghìn tay súng do đại tá, phó giám đốc công an tỉnh là trung đoàn trưởng.
Ngày 25.6.2022, ra mắt trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc công an tỉnh Đồng Nai. Đại tá, phó giám đốc công an tỉnh là trung đoàn trưởng.
Ngày 4. 8. 2022 Công an tỉnh Bình Phước công bố quyết định của bộ trưởng Bộ Công an thành lập Trung đoàn Cảnh sát cơ động chiến đấu với hơn 1.000 quân do đại tá, phó giám đốc Công an tỉnh làm trung đoàn trưởng.
Ngày 10.8.2022 ra mắt trung đoàn Cảnh sát cơ động chiến đấu thuộc công an Sài Gòn với 1.279 quân do thiếu tướng phó giám đốc Công an thành phố là trung đoàn trưởng cùng 3 phó trung đoàn trưởng cấp đại tá.
Theo kế hoạch, 14 tỉnh thành trọng điểm có trung đoàn cảnh sát cơ động quân số đông, trang bị hiện đại luôn trong tư thế trực chiến sẵn sàng ra quân. Các tỉnh còn lại xa trọng điểm chính trị có tiểu đoàn cảnh sát cơ động.
Công an là sức mạnh bạo lực nhà nước đối nội. Thời yên hàn mà phải duy trì và chăm bẵm một bộ máy công cụ bạo lực nhà nước khổng lồ. Bộ máy công an vốn có đã quá đông lại thêm 14 trung đoàn cảnh sát cơ động và 3 tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc bộ Công an. 14 trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc công an các tinh, thành phố trọng điểm. 49 tỉnh còn lại có tiểu đoàn cảnh sát cơ động trang bị vũ khí hiện đại, đắt tiền là một gánh nặng, một nguồn chi quá lớn với ngân sách còm của đất nước, làm hao hụt lớn nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế và làm cạn kiệt quĩ phúc lợi xã hội.
Gần nửa thế kỉ đất nước thanh bình vẫn đổ tiền vô tội vạ tổ chức nuôi dưỡng gần ba chục trung đoàn và hơn năm mươi tiểu đoàn độc lập cảnh sát cơ động tinh nhuệ, vẫn đổ tiền trang bị máy bay, tàu chiến, súng lớn hiện đại, sát thương rộng, súng điện tử cho công an. Vì vậy gần nửa thế kỉ hoà bình phát triển kinh tế xã hội mà ba bốn người dân đau bệnh vẫn phải chồng chất trên một giường bệnh.
Lực lượng cảnh sát khổng lồ cùng những họng súng, dùi cui, roi điện nhìn thấy và những vũ khí điện tử hiện đại vô hình để kìm kẹp, không chế dân không những là gánh nặng của đời sống kinh tế đất nước mà còn là bóng đen đè nặng xuống đời sống tinh thần người dân và nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thực sự là nhà nước cảnh sát trong thời đại dân chủ, trong kỉ nguyên văn minh tin học.
https://baotiengdan.com/2022/09/04
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét