Sự gắn bó giữa tôi và Ukraine là một huyền nhiệm không hề được sắp đặt trước. Khi đại tấu khúc Việt Nam 1975 của tôi được Pacific Institute Orchestra trích diễn năm 1995 ở phòng hòa nhạc Sergerstrom Performance Center trong khu thương mại của South Coast Plaza, California, tất cả báo chí lớn nhỏ của Hoa Kỳ từ Los Angeles trở xuống phía Nam đều có bài nhận định thuận lợi.Tôi nghĩ phải thu bài nhạc này vào CD để làm tài liệu cho thế hệ sau. Lúc bấy giờ tôi làm cố vấn cho Pacific Symphony Orchestra để họ làm chương trình đánh dấu 20 năm sau chiến tranh Việt Nam. Họ đã biết tôi có viết nhạc, nên khi tôi ngỏ ý nhờ họ giúp thực hiện CD, họ nhận lời ngay. Họ cho biết phải thu thanh trong ba ngày, chi phí tối thiểu cho ban nhạc là 120.000 đô-la, chưa kể tiền thuê phòng thu và chuyên viên thu thanh. Sau khi suy nghĩ tôi cám ơn họ nhưng không thể có tiền để đi tới.
Tôi tạm coi Hoa Kỳ như là trung tâm của địa cầu. Tôi không thành công ở trung tâm thì bước kế là xuống tận phương Nam để thử thời vận. Tôi xuống Úc và liên lạc với ban chấp hành của dàn nhạc giao hưởng Sydney. Cuộc gặp gỡ rất tốt. Họ yêu cầu tôi để nhạc lại cho họ nghiên cứu rồi cho tôi biết sau. Chờ đợi trong nhiều tháng vẫn không có âm tín gì. Rồi sau đó mất liên lạc luôn. Ở trung tâm không xong, xuống phương Nam không kết quả, tôi nghĩ thầm bây giờ sẽ lên tận phương Bắc.
May mắn có Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tôn Bình biết sự bối rối của tôi nên mách tôi liên lạc với Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra ở Ukraine. Tôi làm theo, viết điện thư cho Kyiv Symphony Orchestra rồi chờ đợi nhiều tháng, mỗi ngày duyệt điện thư hai ba lần mà vẫn chẳng thấy tăm hơi nào. Trong cơn chán nản, tôi định bỏ cuộc, thì nhận được một thư rất lạ, viết bằng thứ chữ tôi không đọc được. Do dự trong nhiều tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi quyết định mở thư ra xem. Có thể computer bị hư, mất hết tài liệu tôi giữ trong ấy, nhưng không nín được nữa. Tôi mở thư ra và suý thét to lên vì thư ấy viết cho tôi bằng thứ tiếng Anh lạng quạng lắm. Tôi trả lời ngay, ngỏ ý muốn nhờ ban nhạc thu thanh Symphony Việt Nam 1975 của tôi. Họ không trả lời nhận làm hay không, nhưng biểu tôi gửi nhạc cho họ xem trước khi quyết định. Tôi gửi nhạc qua. Họ xem và trả lời là họ nhận thu thanh. Sau khi biết tôi trên 70 tuổi, họ nói tôi không còn nhiều thì giờ, nên lo thu thanh ngay. Tôi một mặt lo xin sổ thông hành và visa, mặt khác làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho kịp để họ in nhạc ra cho từng nhạc sĩ trong ban nhạc.
Tôi bay qua Kyiv, Ukraine, đầu tháng hai năm 2005. Tuyết vẫn còn phủ trắng khắp nơi. Tôi được ông phó nhạc trưởng ra đón ở phi trường và đưa tôi về ở nhà của ông, tầng 6 trong chung cư có rất nhiều tòa nhà. Ông sắp xếp mọi sự, thuê phòng thu thanh tại Kyiv, lớn thứ nhì trên toàn châu Âu. Ngoài sân khấu rộng có thể để hai hay ba đại dương cầm, có ghế cho độ 100 nhạc sĩ ngồi và còn chỗ cho ban hợp ca 80 người đứng hát. Bên dưới có 300 ghế gắn cứng, để khán giả ngồi xem. Mọi sự giao tiếp, liên lạc của tôi do ông sắp xếp. Nếu không có ông, tôi chẳng làm được gì vì ở Ukraine rất ít người biết nói tiếng Anh, còn tôi chẳng nói được một tiếng Ukraine nào.
Tôi may mắn được gặp nhiều nhạc sĩ xuất chúng của Ukraine. Họ là những người góp tiếng nhạc trong các CD của tôi.
Sáng hôm sau, ông Taras đưa tôi đi gặp cô nhạc sĩ violin để giao bài nhạc cho cô đàn độc tấu. Duyên gặp gỡ giữa tôi và các nhạc sĩ Ukraine bắt đầu từ đây.
Tôi đinh ninh sẽ đến nhà cô để nói chuyện, không ngờ điểm hẹn là chiếc ghế trống vắng nơi công viên tuyết phủ. Thật tình tứ. Thật lãng mạn. Hình ảnh ấy gợi ý để tôi viết một chuyện ngắn với tên Nocturne. Phần đầu của câu chuyện, tôi ghi lại từng chi tiết. Phần sau thêm mắm muối nhiều.
Svyatoslava Semchuck, nhạc sĩ độc tấu violin, thu thanh nhiều nhạc phẩm tôi viết cho violin độc tấu. Chiếm giải Quán Quân Nhạc Sĩ Trẻ toàn Liên Bang Sô Viết năm 16 tuổi, chiếm giải cuộc thi quốc tế tại Đức năm 18 tuổi. Giáo Sư Violin nhạc viện Tchaikowsky ở Kyiv, Ukraine, Nga, ĐạiHàn và Nhật Bản.
“Tôi là Svyatoslava Semchuk, một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (Violon) thành danh ở Ukraine. Tôi rất cảm ơn số phận đã đưa chúng tôi biết đến một nhạc sĩ và là soạn nhạc gia tuyệt vời Lê Văn Khoa.
“Ông là một người hết sức linh hoạt, giàu kiến thức và có đời sống tâm linh phong phú. Tôi rất may mắn có cơ hội trình diễn một số nhạc phẩm của ông, đặc biệt là các nhạc phẩm "Nocturne", "Romance", và một số tác phẩm khác của người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng này.
“Tôi muốn nói ông là một người có nhiệt tình và khả năng làm việc phi thường với một tâm hồn phong phú. Âm nhạc của ông bao quát các kiến thức và kinh nghiệm của những người làm việc chung với ông.
“Trong nhạc phẩm "Nocturne", ông kết hợp chủ nghĩa siêu biểu hiện với chủ nghĩa lãng mạn, đó là sự hòa quyện Chopin và âm nhạc Âu Châu. Đó là những dòng nhạc phong phú một cách diệu kỳ, tinh tế và tươi sáng. Nó cho ta thấy âm nhạc không có biên giới mà đó chính là ngôn ngữ của thế giới.
“Tôi khuyến khích các bạn nên đến các buổi hòa nhạc của Lê Văn Khoa. Khi trực tiếp nghe nhạc của ông, bạn sẽ thấy một độ sâu thẳm, một nguồn cảm xúc tuyệt vời của sự hiệp nhất tinh thần. Ai cũng sẽ tìm thấy một cái gì đó mới lạ trong âm nhạc của ông.
Lyudmila Chychuk là Giáo sư Nhạc Thính Phòng của trường dành cho trẻ em có biệt tài về âm nhạc, và là nhạc sĩ Piano trình diễn độc tấu. Năm 17 tuổi cô thắng giải thưởng sáng tác nhạc Young Composers of The Republic. Đoạt giải Người Đệm Đàn Xuất Sắc trong cuộc thi quốc tế năm 2001-2002. Lyudmila đã thu thanh tập nhạc piano của tôi. Sau đó cô đem nhạc của tôi đi trình diễn ở nhiều nơi, nhờ cô giới thiệu nên có nhiều trường nhạc ở Ukraine đã dạy nhạc của tôi.
Khi qua Mỹ nhiều năm trước, cô ở nhà tôi, thấy các con gọi tôi là bố, cô xin phép được gọi tôi là bố như các con tôi. Do đó cô trở thành con tôi. Mối tình bố con này rất lạ. Cô thấy trong nhạc piano của bố Khoa có sự hấp dẫn đặc biệt nên dùng cho chương trình biểu diễn piano của cô. Cô tâm tình: “Bên cạnh nhạc kinh điển, tôi còn thêm nhạc lãng mạn, ví dụ như nhạc của Schubert, hoặc những bản nhạc nổi tiếng của Chopin. Và ngay sau phần trình diễn những danh phẩm này thì những nhạc khúc của Lê Văn Khoa được trổi lên. . .
Khi tôi có một buổi hòa nhạc ở Vienna, Áo, tôi cũng đã trình diễn nhạc của Lê Văn Khoa cho các khán giả của Vienna. Không ngạc nhiên khi nhiều người tìm gặp tôi sau buổi biểu diễn. Họ đã có những nhận xét khá thú vị. Họ nói: ‘Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội nghe bản nhạc piano lý thú đến như thế tại một buổi hòa nhạc cổ điển’.Thực tế mỗi khi tôi đưa một trong những tác phẩm của Lê Văn Khoa lên Internet, tôi thấy thính giả khác nhau đã nghe nó. Và có lần một nghệ sĩ Piano người Ý tên Andrea Bambace, viết thư cho tôi: "Bạn tìm thấy bản nhạc tuyệt vời này ở đâu thế? Ước gì tôi cũng có được để chơi thử."
“Tôi trả lời tôi không có bản ký âm vào lúc đó và cách hay nhất là ông ấy nên trực tiếp hỏi thẳng Lê Văn Khoa. Như tôi biết, ông ấy đã viết thư tới ông Khoa và đã nhận được trả lời.
“Andrea Bambace là Nhạc sĩ độc tấu Piano quốc tế,Giáo sư Piano nhiều nhạc Viện Ý và các quốc gia Âu Châu,Giám khảo nhiều cuộc thi trình diễn dương cầm quốc tế. Ông viết:“Bài Piano Solo Cây Trúc Xinh của Lê Văn Khoa rất hay, rất êm dịu. Nó hấp dẫn vô cùng cho tôi là một người Ý. Nó tràn đầy tính chất khêu gợi. Tôi rất thích bài nhạc này.”
“Nhiều người quan tâm tới loại nhạc này bởi vì nó mang đến một làn gió mới, hết sức thú vị, khác biệt so với văn hóa của chúng tôi, văn hóa châu Âu.”
Bây giờ hãy nghe bà Alla Kulbaba, Nhạc Trưởng chính của Ukrainian National Opera, Nhạc Trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, đi trình diễn khắp thế giới. Bà đã chiếm giải thưởng Nhạc Trưởng Xuất Sắc. Đã thu thanh nhiều CD nhạc giao hưởng của Lê Văn Khoa từ năm 2005.
Bà phát biểu: “Tôi đã thu thanh cho Lê Văn Khoa nhiều lần trong nhiều năm. Tôi đã gặp ông cách đây 11 năm khi ông đến Kyiv lần đầu tiên (2005). Chúng tôi đã ghi âm bản nhạc giao hưởng của ông.
Với tôi, đó là một khám phá tuyệt vời, bởi vì tất cả sức mạnh và sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam được biểu lộ trong những nét nhạc của bản giao hưởng đặc biệt này [Symphony Vietnam 1975]. Những đoạn về chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh của người Việt được diễn tả thật tuyệt diệu.
Âm nhạc của ông Khoa có thể được nhận ra dễ dàng bởi các yếu tố sau đây:
- Nhạc của ông trần đầy ánh sáng, sự ấm áp và lòng nhân hậu. Những nét nhạc lạc quan khiến ta phải nghe một mạch không ngừng, và tâm hồn bỗng thấy êm ả hơn.
- Tính dân tộc luôn hiện diện trong âm nhạc của ông. Đây là điểm hết sức đặc biệt.
Mỗi lần chúng tôi thu thanh nhạc của Lê Văn Khoa thì luôn nhận thấy tiết nhịp và tính chất rất riêng trong âm nhạc của ông.
Mọi chi tiết trong âm nhạc của ông thật rõ ràng nên khi làm việc với ông thì thật khoan khoái. Việc thu thanh tác phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam (mặc dù ông đang sống tại Mỹ) đã giúp đưa hai dân tộc Việt Nam và Ukraine gần lại với nhau.
Dường như chẳng hề có khoảng cách thời gian, năm, mười năm giữa các cuộc gặp gỡ của chúng tôi với nhà soạn nhạc, bởi vì âm nhạc của ông đã gắn kết tâm hồn chúng tôi. Tất cả các nhạc sĩ chúng tôi luôn luôn hào hứng tham gia vào việc thu thanh nhạc của ông.”
YuriPogoretsky là nhạc sĩ độc tấu Cello chiếm nhiều giải thưởng quốc tế và là thành viên của ban Kyiv String Quartet, Ukraine, từng trình diễn khắp Âu châu.
“Tôi xin có đôi lời về một con người tuyệt vời, là nhà soạn nhạc tài danh Lê Văn Khoa. Chúng tôi đã làm việc với nhau từ năm 2005. Có một điều quan trọng trong những sáng tác của ông: Ông rất giỏi về ngôn ngữ âm nhạc. Đó là thứ ngôn ngữ không biên giới.
Ngôn ngữ âm nhạc của ông rất rõ ràng và dễ hiểu, nhờ đó hai quốc gia Ukraine và Việt Nam gặp nhau. Vì vậy, chúng tôi đã thu thanh các tác phẩm của ông. Tôi muốn nhắc tới một đoản khúc đã thu thanh có tên "Ký Ức". Là một nhà soạn nhạc, ông ấy rất nhạy cảm với các nhạc cụ - trong trường hợp này là đàn Cello. Điều này thể hiện cả trong phần nhạc độc tấu và bản tổng phổ của ông.
Tôi rất vui mừng và đầy ấn tượng về những nhạc khúc chúng tôi đã thu thanh tại phòng thu của Kyiv. Một dàn nhạc quy mô là Kyiv Symphony Orchestra được dùng để thực hiện dự án này. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn thấy ấm lòng mỗi khi nhớ lại thời khắc ấy, công việc ấy, tình thân ấy, và dĩ nhiên, những dòng nhạc tuyệt diệu ấy.”
Irina Starodub là thần đồng âm nhạc Ukraine. Năm 14 tuổi đã đi trình diễn vòng quanh nước Pháp, đã từng chiếm giải thưởng trong cuộc thi tài bên Nga, hiện là giáo sư Piano cho nhạc viện National Tchaikowsky Conservatory ở thủ đô Kyiv, Ukraine.
“Thật thích thú được là bạn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm đa dạng tuyệt vời của ông, khi đơn tấu, lúc độc tấu với dàn nhạc và song tấu với piano.
Tôi đã thu thanh toàn bộ đĩa CD Piano của ông ở Mỹ. Với tôi, đó là vinh dự lớn lao bởi vì nhạc của ông thật ấm áp, nhân hậu và sâu thẳm.
Tôi đã cố gắng truyền đạt cho khán giả Ukraine và Hoa Kỳ (tôi muốn nói, những người Mỹ gốc Việt) về tấm lòng cao thượng của ông Khoa và tình yêu ông dành cho đất nước của ông. Nhạc của ông thật du dương, thật đẹp và chứa đầy nỗi u hoài thương nhớ quê hương. Đó là những gì tôi nghe và cảm nhận được trong những nhạc khúc của ông.
Tôi xin cảm ơn đất nước Việt Nam đã "sinh ra" một nhà soạn nhạc tuyệt vời. Thông qua âm nhạc của ông, chúng tôi hiểu thêm tâm hồn của các bạn, bản chất, lòng tốt, vẻ đẹp của các bạn bằng sự rung cảm rõ ràng và sâu xa.
Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Ukraine và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và cải thiện theo thời gian. Nhờ các dự án âm nhạc như vậy và nhờ nghệ thuật, chúng ta sẽ đến gần nhau hơn và tìm thấy các giá trị chung.
Các bạn Việt Nam thân mến, tôi chân thành cảm ơn vì đã vinh dự gặp tận mặt ông Lê Văn Khoa và qua các tác phẩm của ông, tôi biết thêm chút ít về nền văn hóa tuyệt diệu của các bạn. Đối với cá nhân tôi, đó là một điều mới mẻ và tôi muốn nói những lời cảm ơn đến tất cả các bạn vì văn hóa của các bạn quá trong sáng, đầy màu sắc, tinh tế và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho chúng tôi.”
Bên trên là một số ghi nhận nét nhạc theo khuynh hướng Tây phương của tôi. Nhớ lại ý niệm ngày xưa, tôi vói qua khía cạnh dân nhạc Ukraine.
Violetta Dutchak là Tiến Sĩ Nghệ Thuật, Tiến Sĩ Văn Chương, Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Âm Nhạc và Nhạc Khí Dân Tộc, trường Đại Học Quốc Gia Prykarpattya (Vasyl Stefanyk Precarpathian National University). Bà đã đi xe lửa 8 tiếng đồng hồ từ trường học ở miền Tây đến Kyiv để gặp Lê Văn Khoa và tiếng đồng hồ rồi lên xe lửa trở về trường mất 8 tiếng đồng hồ nữa, cho kịp giờ dạy hôm sau. Bà nói:
“Tôi sống tại thành phố Ivano-Frankivsk (miền Tây Ukraine). Tôi là một nhạc sĩ chuyên về đàn Bandura, đồng thời giảng dạy và nghiên cứu về đàn này. Đối với tôi, nghệ thuật đàn Bandura vừa là bộ môn trình diễn nghệthuật vừa là chuyên ngành nghiên cứu khoa học.
“Mấy năm trước, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Kateryna Mironyuk, tôi nhận được một số nhạc phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam Lê Văn Khoa. Đó thật là một khám phá mới lạ, một cú sốc văn hóa. Từ trước tôi cứ ngỡ chỉ có âm nhạc Ukraine đặc biệt cho đàn Bandura mới thích hợp để trình diễn theo phong cách âm nhạc Tây Phương. Nhiều bản nhạc Tây Phương đã được viết lại để trình tấu với đàn Bandura nhưng tỏ ra không thích hợp với nhạc cụ này. Vậy mà những bản nhạccủa Lê Văn Khoa đã vượt qua được thử thách ấy và trở thành những bản nhạc bổ túc cho các nghiên cứu khoa học của tôi.
“Nghệ thuật của Lê Văn Khoa là sự kết hợp giữa âm nhạc Âu Châu và âm nhạc Đông Phương. Trước tiên, tôi rất kinh ngạc bởi cách sử dụng được sắc điệu rất riêng của đàn Bandura. Sắc điệu là một trong những đặc tính chủ yếu của nhạc cụ này bởi vì đàn Bandura khởi thủy là loại đàn 7 nốt, nó tạo nên những âm sắc đặc biệt cho âm nhạc Ukraine.Vậy mà ngũ cung (pentatonic) và những âm giai lạ lùng với chúng tôi lại được Lê Văn Khoa áp dụng vào trong những bản nhạc soạn cho đàn Bandura để trình tấu trong dàn nhạc giao hưởng. Những bản nhạc ấy là bước đi tiên phong trong việc kết nối và giúp cho các nền văn hóa giao thoa với nhau.
“Ngày nay, người ta thường nói về việc "tổng hợp" các nền văn hóa. Nhưng trong luận án của tôi, tôi dùng chữ "hội tụ". Đó là sự thâm nhập sâu xa những yếu tố văn hóa đã kết hợp một cách tự nhiên từ trước. Đối với tôi, những bản nhạc soạn cho đàn Bandura của Lê Văn Khoa quả là biểu tượng cho sự hội tụ này, cho sự kết hợp các quốc gia lại với nhau.
“Nói chung, một nhạc khí nói lên tính cách văn hóa của một quốc gia, một dân tộc; đó là dụng cụ thể hiện cảm tình và một số những sở thích nội tâm. Khi chúng tôi trình diễn những bản nhạc của soạn giả Việt Nam với đàn Bandura thì chúng tôi có cơ hội được hiểu biết và thông cảm với dân tộc Việt Nam.”
Taras Stolyar là Nhạc Sĩ đàn Bandura, một Nghệ Sĩ Ukraine từng được giải thưởng. Ông là Nhạc Trưởng dàn Bandura trong Ban Nhạc Khí Dân Tộc Hàn Lâm Quốc Gia Ukraine. Ông nhận xét về kỹ thuật viết nhạc của Lê Văn Khoa cho đàn Bandura như sau:
“Tôi được vinh dự thực hiện một trong những nhạc phẩm của ông Lê Văn Khoa. Chúng tôi vừa thu thanh bài “Lý Ngựa Ô” do ông viết cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng. Tôi phải nói rằng sự hợp tác này hết sức thú vị. Âm nhạc của ông hoàn toàn khác với những gì chúng tôi dùng trước đây với đàn Bandura.
“Bandura là một nhạc khí của quốc gia Ukraine vậy mà ở đây tôi trình tấu một bài dân ca Việt Nam. Âm thanh đàn Bandura trong nhạc khúc này nghe rất thuần túy, rất thanh thoát. Ông đã viết cho đàn trình diễn với các bộ giảm chấn khác nhau và với phong cách khác thường. Nhà soạn nhạc rất can đảm khi sử dụng nhạc cụ này, ngay cả các nhạc sĩ Ukraine cũng không mấy ai có thể áp dụng đàn Bandura một cách thú vị như thế. Hơn nữa, lại còn phải tạo âm thanh cho thật gần với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với tôi, dường như ông Khoa đã biết cách làm được tất cả những điều ấy.
“Đàn Bandura ngày nay được kể là "đồ cổ" trong nhạc khí thế giới. Qua sự cộng tác giữa chúng tôi, các tấu khúc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa (ông đã viết nhiều tấu khúc cho đàn Bandura) rất có giá trị cho lịch sử của đàn Bandura nói chung. Khi tấu lên những cung điệu khác, đàn Bandura đã tiến đến một phong vị mới, một lịch sử mới. Thính giả quan tâm nhiều hơn. Đàn được nâng cấp cao hơn. Tôi nghĩ rằng khi đàn Bandura chơi những bản nhạc của các nước khác ta sẽ được nghe những thanh âm mới lạ như chưa bao giờ từng nghe trước đó.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét