Từ Rạch Giá – hôm 21 tháng 3 năm 2022 – nhà văn Thận Nhiên đã gửi đến độc giả xa gần tấm hình của người đàn ông gầy gò/đen đủi, ngồi trên chiếc xe lôi (trong một con phố nào đó) ở thị xã này. Bức ảnh tuy chỉ đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng vẫn khiến tôi không khỏi ngậm ngùi tự hỏi, theo thói quen nghề nghiệp :
Xe của thằng chả hay là xe thuê vậy kìa?
Dù đều phải “nhọc nhằn cam chịu mưu sinh” nhưng dân chạy mướn phải đổ mồ hôi gấp đôi mới đủ ăn vì tiền thuê xe khá bộn. Tuy thế, đây vẫn chưa phải là đám cùng đinh mạt hạng. Ít nhất thì họ cũng còn có đủ “uy tín” và “tư cách” để thuê được một cái xe.
Tôi thì không!
Không tiền, không nhà, không một tờ giấy lận lưng, cũng không quen biết bất cứ một ai ở Rạch Giá – ngoài ông chủ ghe tổ chức vượt biên nhưng thằng chả đã bị công an bắt mất tiêu rồi.
Lạnh và đói nên giấc khuya tôi hay la cà trước rạp hát Châu Văn ở trung tâm thành phố. Nơi đây, ngoài mấy cái xe hủ mì của người Tầu, còn có hơn chục cái bàn ăn thấp lè tè chuyên bán rượu đế (tôm khô, củ kiệu, cải chua, hột vịt bắc thảo, hột vịt muối …) và cháo trắng cho đám dân nghèo mà phần lớn đều là phu xe cả!
Tôi chưa lần nào dám xin xỏ gì ai (và cũng chả bao giờ giành giật chi với đám trẻ bụi đời còi cọc) chỉ lặng lẽ đi loanh quanh nhặt những mẩu thuốc lá cho vào túi quần hay thu vét chút thực phẩm thừa cho vào một cái lon gô, rồi tìm một góc khuất ngồi ăn cho đỡ ngượng.
Đôi lúc, tôi cũng được mời một ly rượu nhỏ, hay một chén cháo khuya, từ quí vị thực khách hảo tâm và hào sảng. Thảng hoặc, cũng có một hai tay chạy thuê may mắn (kiếm đủ sở hụi sớm hơn mong đợi) nên họ có thể yên tâm ngồi nhậu lai rai và cho tôi được mượn tạm cái xe – đạp lòng vòng – kiếm khách.
Tôi vợ con không có (mèo chó cũng không) và lại rất hảo rượu nên kiếm được đồng nào cũng đều bỏ hết vào bàn nhậu để chung vui với mọi người. Ai cũng vui như Tết nên dần dà tôi được dân xe lôi ở Rạch Giá “chấp nhận” như là một thành viên chính thức, và rồi cũng thuê được một cái xe, như nhiều người khác.
Từ đó, tôi sống khỏe! Ngày nào cũng cơm no, xui lắm mới có hôm chỉ chạy đủ tiền thuê xe và đành phải nhai khoai nướng hay chuối nướng (chan nước dừa) cho qua bữa. Đêm lại càng khoẻ nữa. Từ đây, khỏi còn lo chuyện bắt bớ lôi thôi như trước.
Thỉnh thoảng, bạn đồng nghiệp trúng mánh (chắc mới chở dầu cho ghe vượt biên) còn lôi dậy rủ nhậu vài ly nữa chớ. Sau khi uống “sương sương” chừng nửa chai, có người còn rủ rê về chơi (cho biết nhà biết cửa) dù giữa đêm khuya khoắt.
Tôi chả hề phân biệt (hay kỳ thị) ngày/đêm gì sất nên gật đầu là cái chắc. Thực sự, tôi không cần chỗ ngủ nhưng cần được xối vài gáo nước cho sạch sẽ và mát mẻ. Tắm rửa là một trong những nhu cầu cấp thiết nhưng rất khó thực hiện khi lâm vào cảnh … không nhà!
Nói chung là tôi OK. Không có gì để phàn nàn cả, nếu so với cuộc sống nhếch nhác của đám phu kéo xe thời trước :
“Ở Hà Nội có tới ngàn rưỡi người chỉ vì bát gạo mà làm cái nghề kéo người. Bất cứ trời rét hay trời nóng, đang mưa như trút nước hay đang nắng như hun trời, đút đầu qua hai cái càng gỗ, anh em phu xe phải thúc tay co vó, chạy bở hơi tai, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, áo quần ướt như dúng nước. Họ khó nhọc như thế để kiếm cái gì! - Năm ba xu, một hào, một cuốc. Vừa đúng số tiền để mua ít cơm đút miệng, cái thứ cơm thổi bằng gạo hẩm trộn với ít nước hàng. Ăn để mà sống, ta không cần nói đến cái ăn! Nhưng sống nào đã được yên?” (Tam Lang. Tôi Kéo Xe. nxb Mai Lĩnh, Hà Nội: 1935).
Đạp xe lôi cũng không “yên” lắm nên một đêm tối trời – vào tháng 3 năm 1980, khi mà nước biển êm ru như nước trong lu – tôi đã đành đạn bỏ Rạch Giá ra đi. Tôi đến được nơi mà người ta sẵn sàng cấp phát cho mình một cái căn cước mới (với tên họ cũ) và một cái thẻ cử tri mà không cần phải qua một cuộc điều tra lý lịch xét nét hay lôi thôi nào cả. Nói cách khác là tôi đã tìm được một cơ hội đổi đời.
Những bạn đồng nghiệp còn lại tại Rạch Giá thì không. Tấm ảnh Thận Nhiên chụp được gần nửa thế kỷ sau, vào hôm 21 tháng 3 vừa qua, cho thấy là họ vẫn sống như xưa: chưa ráo mồ hôi đã cạn túi rồi!
Ở những thành phố lớn mới có ít nhiều đổi thay. Xe lôi và xích lô nay đã được thay thế bằng xe ôm hay xe grab. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Những cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ.”
Những thay đổi trong giới phu phen ở thành phố, xem chừng, có vẻ “triệt để” hơn thế. Phu quét rác nay đã trở thành “công nhân vệ sinh đường phố” với đồng phục đàng hoàng và tươm tất. Đám phu xe kéo hay xe lôi cũng thế. Họ được mệnh danh là “công nhân công nghệ xe ôm” với phương tiện hành nghề là những chiếc xe máy tân kỳ (với đủ loại sắc mầu tươi tắn thật sự) chứ chả phải là “ảnh mầu” đâu.
Chỉ có sự cơ cực thì dường như vẫn không khác mấy. Báo Tuổi Trẻ vừa đăng tải một bài viết ngắn (“Xe Ôm Chắt Bóp Mưu Sinh”) với những chi tiết não lòng: “Những ngày qua, nhiều tài xế xe ôm phải tăng giờ chạy xe từ 10 tiếng lên 14-15 tiếng mỗi ngày để bù đắp cho các khoản chi phí gia tăng. Cuộc sống họ đang phải đắp đổi từng ngày.”
Bài báo thượng dẫn cũng trích dẫn vài lời tâm sự của đôi ba người trong cuộc :
Nguyễn Văn Thảo: “Dân chạy xe ôm chỉ qua năm thứ ba, thứ tư trở lên đã hay đổ bệnh, mà nhiều nhất là bệnh hô hấp và mắt vì khói bụi. Còn tai nạn thì chỉ biết tự an ủi là gặp xui xẻo thôi.”
Trần Văn Chí: “Rất nhiều dân xe ôm chạy đến nát xe và không dành nổi tiền để mua lại xe mới. Nghĩ lại cứ y như lấy mỡ mình rán mình.”
Ngô Du: “Sáng xách chiếc xe ra đổ 100 ngàn xăng để mưu sinh. Họ đã cúng cho nhà nước 64 ngàn. Chạy một cuốc xe... Nộp thêm 10% VAT nữa.”
Blogger Nguyễn Thùy Dương cho biết thêm :
“Mội tài xế chạy Grab được xem như một giám đốc doanh nghiệp riêng lẻ. Và mức thuế họ chịu bằng với mức thuế của một doanh nghiệp vận tải. Đúng là một niềm vui hiếm thấy, khi chỉ cần một bản xác minh lý lịch của địa phương, một chiếc xe máy, một cái điện thoại, một bộ đồ, 2 cái nón bảo hiểm, 2 triệu đồng ký quỹ, từ người tốt nghiệp Tiểu học cho đến Cử nhân Đại học đều có thể cùng nhau làm Giám đốc doanh nghiệp.
Các giám đốc doanh nghiệp này không được giảm trừ gia cảnh, không được trừ các loại thuế phí hao hụt, không có chế độ bảo hiểm, không có chế độ đãi ngộ. Ngày đêm, họ cần mẫn nuôi ‘Má mì’ Grab và đóng góp vào ngân sách Quốc gia.”
Thùy Dương giúp tôi nhớ đến đôi câu ca dao Việt Nam mà mình đã quên bẵng từ lâu, sau nhiều năm viễn xứ: Thương thay thân phận con rùa/Lên đình cõng hạc xuống chùa đội bia!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét