Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ hai 18 tháng 4 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Úc gỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách quốc tế

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/students.jpg

Bắt đầu từ ngày 18/4, hơn 2 năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Úc đã chính thức gỡ bỏ quy định yêu cầu khách du lịch quốc tế phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus corona trước khi lên máy bay tới nước này.

Điều này có nghĩa là du khách nước ngoài không còn phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, tuy nhiên, họ vẫn phải xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 cũng như đeo khẩu trang trên các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, những người chưa tiêm chủng sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly khi đến Úc và phải tự chi trả phí cách ly này.

Cũng từ ngày 18/4, chính phủ Úc đã cho phép các du thuyền quốc tế cập cảng nước này, theo đó, du khách sẽ phải hoàn thành bản khai hành trình hàng hải, thông tin về sức khỏe và các thông tin khác trước khi xuống tàu.

Theo số liệu của Hiệp hội Du thuyền quốc tế, trước đại dịch, khoảng 350 du thuyền với trên 600.000 hành khách đã tới Úc, đóng góp khoảng 5,2 tỷ AUD (3,8 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này.

Trước đó, vào tháng 3/2020, các du thuyền quốc tế đã bị cấm vào vùng biển của Úc sau một bùng phát dịch COVID-19 bắt nguồn từ tàu du lịch Ruby Princess. Đợt bùng phát này có hàng trăm ca nhiễm và 28 ca tử vong. Pacific Explorer và 2 du thuyền khác thuộc sở hữu của P&O đã phải neo đậu ở vùng biển ngoài khơi của Cyprus nhiều tháng trong năm 2021 để chờ đợi Chính phủ Úc gỡ bỏ lệnh cấm nói trên.

Đặc phái viên Mỹ đến Hàn Quốc bàn về căng thẳng tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên 

18/4/2022 

Reuters 



Ông đặc Noh Kyu-duk và Đặc phái viên Hoa Kỳ Sung Kim hôm 18/4/2022.

Ông đặc Noh Kyu-duk và Đặc phái viên Hoa Kỳ Sung Kim hôm 18/4/2022. 

Mỹ và Hàn Quốc sẽ duy trì “biện pháp răn đe chung mạnh nhất có thể” đối với “các hành động leo thang” của Triều Tiên, đặc phái viên Mỹ phụ trách Triều Tiên cho biết hôm 18/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị nối lại thử nghiệm hạt nhân, theo Reuters.

Đặc phái viên Hoa Kỳ Sung Kim và Phó Đặc phái viên Jung Pak vừa gặp các quan chức Hàn Quốc, bao gồm cả đặc phái viên hạt nhân Noh Kyu-duk, sau khi đến Seoul hôm 18/4 bắt đầu cho chuyến công du 5 ngày.

Ông Kim nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Noh: “Điều cực kỳ quan trọng đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới CHDCND Triều Tiên rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận các cuộc thử nghiệm leo thang như là điều bình thường”.

Ông nói: “Chúng tôi nhất trí về sự cần thiết phải duy trì khả năng răn đe chung mạnh nhất có thể trên bán đảo Triều Tiên”.

Ông Kim cũng cho biết các đồng minh sẽ “phản ứng một cách có trách nhiệm và dứt khoát trước hành vi khiêu khích”, đồng thời nhấn mạnh ông sẵn sàng can dự với Triều Tiên “ở bất kỳ nơi đâu mà không cần bất kỳ điều kiện nào”.

Sự xuất hiện của ông Kim tại Seoul trùng hợp với thời điểm bắt đầu cuộc diễn tập quân sự chung kéo dài 9 ngày của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Cuộc tập trận bao gồm “huấn luyện sở chỉ huy phòng thủ sử dụng mô phỏng máy tính” và sẽ không liên quan đến các cuộc diễn tập thực địa của quân đội, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết hôm 17/4.

Triều Tiên đã lên án các cuộc tập trận chung này là diễn tập cho chiến tranh và chúng đã được thu hẹp lại trong những năm gần đây trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng, và vì các hạn chế của dịch COVID-19.

Hôm 16/4, Triều Tiên thử tên lửa mà truyền thông nhà nước cho là tên lửa liên quan đến việc chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Đặc phái viên Hoa Kỳ đã nhiều lần đề nghị tái can thiệp với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng cho đến nay bác bỏ những tuyên bố đó, cáo buộc Washington duy trì các chính sách thù địch như trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự.

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 13 tháng 5

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 13 tháng 5

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bang North Carolina hôm 14/4/2022 /AFP 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại Washington từ ngày 12 đến 13 tháng năm tới. Nhà Trắng thông báo tin này hôm 16/4.

Cuộc gặp diễn ra vào khi có những chia rẽ trong khối ASEAN về ứng phó đối với khủng hoảng ở Myanmar và Ukraine.

Người phát ngôn báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki được trích lời trong thông báo nói rằng: “Tổng thống Biden sẽ chủ trì cuộc gặp với các lãnh đạo khối ASEAN ở Washington DC từ ngày 12 đến 13 tháng năm trong Thượng đỉnh Đặc biệt.”

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN dự kiến đã phải diễn ra cuối tháng ba nhưng đã bị hoãn lại vì những khác biệt trong lịch trình một số lãnh đạo các nước thuộc ASEAN.

Thư ký báo chí Nhà Trắng nói rằng: “Thượng đỉnh Đặc biệt sẽ cho thấy cam kết liên tục của Mỹ đối với ASEAN, nhìn nhận vai trò trung tâm để tìm giải pháp bền vững cho các thách thức lớn nhất của khu vực, và kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN.”

Cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Philippines.

Trong suốt sáu năm tại nhiệm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích lại gần hơn với Bắc Kinh và chỉ trích đồng minh Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ, trong khi đó, coi ASEAN là bộ phận quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình nhằm đối phó với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc trong khu vực.

Bà Psaki nói: “ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden - Harris là trở thành đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy ở Đông Nam Á. Những khát vọng chung của chúng ta đối với khu vực sẽ tiếp tục củng cố cam kết chung về Ấn Độ - Thái Bình Dương - một khu vực tự do và mở, an ninh, kết nối và kiên cường.”

Cho đến trưa ngày 16/4 (giờ Washington), Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN vẫn chưa đưa ra phản ứng nào về tuyên bố mới của Nhà Trắng.

200 ngày quan trọng đối với Tổng thống Biden

Lương Thái Sỹ 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1388432898.jpg

Những ông nghị Cộng hòa chỉ trích cách chi tiêu ngân sách liên bang của Tổng thống Joe Biden, Washington DC, ngày 29 Tháng Ba 2022 (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images) 

Chỉ còn hơn 200 ngày nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2022, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đang được cải thiện, thậm chí một số cuộc thăm dò cho thấy mọi thứ còn tồi tệ hơn.

Hãng CNN tổng kết mức trung bình của bốn cuộc thăm dò quốc gia gần đây nhất cho thấy sự đồng ý với cách điều hành của Biden chỉ ở mức 39% trong khi tỉ lệ không đồng ý là 55%; không thay đổi nhiều so với 40% tán thành và 54% không tán thành trong cuộc thăm dò vào Tháng Ba; hay 41% tán thành và 54% không tán thành vào giữa Tháng Một.

Nói chung, tỉ lệ chấp thuận Biden đang ở mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Các kết quả thăm dò mới cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ tăng đột ngột trong cuộc thăm dò ngay sau bài phát biểu của tổng thống về Tình trạng Liên bang vào đầu Tháng Ba chỉ là tạm thời, không phải bằng chứng về sự trở lại của tổng thống. Tin tức trở nên tồi tệ hơn cho Tổng thống Biden khi đi sâu vào một số cuộc thăm dò.

Cuộc thăm dò ý kiến ​​của Đại học Quinnipiac được công bố ngày 13 Tháng Tư cho thấy 33% người trưởng thành đồng ý với Biden và 35% cử tri đã đăng ký đồng ý; nhưng chỉ có 18% “tán thành mạnh mẽ” cách Biden đang xử lý công việc với tư cách tổng thống, trong khi 43% (cao hơn gấp đôi) “phản đối mạnh mẽ”. Điều đó nói lên khoảng cách lớn giữa hai bên.

76% đảng viên Dân chủ cho biết họ tán thành tổng thống so với 12% không tán thành. Đảng Cộng hòa hoàn toàn tiêu cực về hiệu suất công việc của Tổng thống Biden, với 94% không tán thành so với 3% tán thành. Đa số cử tri độc lập cũng không tán thành Biden, với 56% không tán thành so với 26% thích cách Biden đang làm.

Người Mỹ cũng đánh giá việc Biden xử lý cuộc chiến ở Ukraine kém, chỉ 39% tán thành cách tổng thống xử lý cuộc khủng hoảng. Đa số người Mỹ tin rằng Mỹ nên làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn vụ giết người ở Ukraine, với 52% muốn chính quyền tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. “Với hàng ngàn người chết ở Ukraine và niềm tin nghiệt ngã rằng sự dã man chỉ mới bắt đầu, người Mỹ coi Putin là kẻ giết người đã chỉ đạo quân đội làm những điều không thể tưởng tượng được, giết cả những người không tham chiến” – Nhà phân tích Tim Malloy của Đại học Quinnipiac nói về kết quả thăm dò.

Đây hoàn toàn là một tin xấu đối với các ứng viên Quốc hội Đảng Dân chủ có số phận gắn liền trực tiếp với sự mức tín nhiệm dành cho Biden. Tính đến năm 2018, tỷ lệ mất ghế trung bình cho đảng của tổng thống đương nhiệm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ – khi tỷ lệ chấp thuận tổng thống dưới 50% – là 37 ghế Hạ viện.

Hai dẫn chứng: Vào Tháng Mười Một 1994, khi Đảng Cộng hòa giành được tổng cộng 54 ghế Hạ viện và giành lại quyền kiểm soát đa số Hạ viện, tỷ lệ tán thành Tổng thống Dân chủ Bill Clinton, theo hãng thăm dò Gallup, đạt 46%. Vào Tháng Mười Một 2010, khi Đảng Cộng hòa giành được 63 ghế Hạ viện và giành lại quyền kiểm soát đa số Hạ viện, tỷ lệ tán thành Tổng thống Dân chủ Barack Obama, theo Gallup, là 45%.

Không chỉ tỷ lệ chấp thuận công việc của Tổng thống Biden tại thời điểm này thấp hơn nhiều so với hai người tiền nhiệm Đảng Dân chủ gần đây nhất, mà Đảng Cộng hòa cũng không cần nhiều mà chỉ cần thêm năm ghế vào tổng số ghế cũ giữ nguyên để giành lại thế đa số Hạ viện. Thêm vào các khó khăn đối với Biden và Đảng Dân chủ là thực tế không có tín hiệu tốt hoặc cơ hội rõ ràng nào đang chờ phía trước để có thể xoay chuyển tình thế.

Thông tin đầu tuần này cho thấy Chỉ số Giá Tiêu dùng tăng 8.5% từ Tháng Ba năm ngoái đến Tháng Ba năm nay là “cú đấm đau thấu ruột” đối với một chính quyền đang cố gắng kích thích kinh tế bùng nổ trở lại. Biến thể mới nhất của Covid-19 với số ca nhiễm tăng ở một số tiểu bang ngay cả khi tổng thống quyết định gia hạn lệnh bắt buộc hành khách mang khẩu trang thêm 15 ngày đã dẫn đến sự không đồng tình. Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy những lo ngại về kinh tế chiếm ưu thế hơn chính sách đối ngoại trong đa số cử tri. Nói tóm lại, đây là thời điểm khá đen tối để trở thành một ứng viên Dân chủ khi họ phải đối mặt với lá phiếu của cử tri vào mùa Thu này. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tương lai sẽ tươi sáng hơn cho cả tổng thống lẫn đảng của ông.

TASS: Nga gọi việc gia tăng hoạt động quân sự của NATO ở Bắc Cực là đáng lo ngại, cảnh báo về ‘các sự cố ngoài ý muốn’ 

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Đại sứ Nga Nikolai Korchunov cho biết hôm Chủ Nhật (17/04) rằng Nga đang lo lắng về sự gia tăng hoạt động của các lực lượng NATO ở Bắc Cực và nhận thấy nguy cơ về “các sự cố ngoài ý muốn” xảy ra trong khu vực này. 

Hồi tháng Ba, Phần Lan và Thụy Điển, cả hai đều đang xem xét gia nhập liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu, đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự kết hợp của NATO. Cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24/02 đã khiến cuộc tập trận này tăng thêm cường độ. Moscow mô tả các hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”. 

“Sự gia tăng hoạt động gần đây của NATO ở Bắc Cực là một việc đáng lo ngại. Một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn khác của liên minh này vừa được tổ chức ở miền bắc Na Uy. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không góp phần vào an ninh của khu vực,” ông Korchunov nói. 

Theo ông Korchunov, những hoạt động như vậy làm tăng nguy cơ xảy ra “các sự cố ngoài ý muốn”, mà ngoài rủi ro an ninh, còn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái Bắc Cực. 

Ông không nói rõ cụ thể ông đang ám chỉ đến loại sự cố nào. 

Quan chức cao cấp: Ukraine đã yêu cầu G7 hỗ trợ 50 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách  

Ukraine đã yêu cầu các quốc gia G7 hỗ trợ tài chính 50 tỷ USD và cũng đang xem xét phát hành trái phiếu phiếu không trái tức (trái phiếu có lãi suất bằng 0%) để giúp nước này bù đắp thâm hụt ngân sách do chiến tranh trong sáu tháng tới, cố vấn kinh tế của tổng thống Oleh Ustenko cho biết hôm Chủ Nhật (17/04). 

Trình bày trên truyền hình quốc gia, ông Ustenko cho biết các lựa chọn này đang được tích cực thảo luận. 

Ngoại trưởng Ukraine: Tình hình ở Mariupol có thể trở thành ‘lằn ranh đỏ’ trong các cuộc đàm phán 

https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/04/1.tagreuters.com2022binary_LYNXNPEI3F03I-FILEDIMAGE-700x420-1.jpg

Một khung cảnh cho thấy các cổng của nhà máy sắt thép Ilyich bị hư hại trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine, hôm 15/04/2022. (Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters) 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết không có bất kỳ liên lạc ngoại giao nào gần đây giữa Nga và Ukraine ở cấp bộ ngoại giao của họ và tình hình ở cảng Mariupol, mà ông mô tả là “thảm khốc”, có thể là “lằn ranh đỏ” trong con đường đàm phán. 

“Mariupol có thể là một lằn ranh đỏ,” ông nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ Nhật (17/04). 

Các binh sĩ Ukraine đã kháng cự tối hậu thư của Nga về việc hạ vũ khí vào ngày Chủ Nhật tại cảng Mariupol, nơi mà Moscow cho biết lực lượng của họ đã gần như hoàn toàn chiếm giữ trong cuộc chiến kéo dài gần hai tháng này. 

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết quân đội ở Mariupol vẫn đang chiến đấu bất chấp yêu cầu đầu hàng vào rạng sáng của Nga. 

“Chúng tôi không thực sự có bất kỳ liên lạc nào với các nhà ngoại giao Nga trong những tuần gần đây ở cấp bộ ngoại giao,” ông Kuleba cho biết trong cuộc phỏng vấn. 

Công nghiệp hàng không và mùa cao điểm du lịch hỗn loạn

Các chuyên gia dự đoán mùa du lịch hè năm nay hỗn loạn. Lý do tại sao?

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1390178186.jpg

Hành khách của JetBlue Airways tại Phi trường Fort Lauderdale-Hollywood International Airport; Fort Lauderdale, Florida ngày 7 Tháng Tư 2022 (ảnh: Robert Nickelsberg/Getty Images) 

Đã đến lúc đi du lịch rồi! Hạn chế đi lại được nới lỏng, tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống, nếu đã được tiêm phòng đầy đủ thì bạn hãy nghĩ đến việc đi nghỉ dưỡng để bù đắp cho những kỳ nghỉ phải bỏ phí trong hai năm qua. Tiền bạc tiết kiệm được sẽ giúp chuyến đi thoải mái hơn. Nhưng điều đáng buồn là cho dù bạn có đầy đủ tất cả mọi thứ cần thiết cho một chuyến đi, kỹ nghệ hàng không và du lịch lại không sẵn sàng phục vụ bạn.

Không chỉ các quy tắc xét nghiệm thay đổi xoành xoạch, vaccine và kiểm dịch phải tuân thủ khi đi, mà còn những phát sinh không ngờ nữa khiến kế hoạch du lịch gặp đầy khó khăn. Đến được đích an toàn và như ý là cả vấn đề! Trước hết là hỗn loạn hàng không, một ngành công nghiệp tưởng đã tàn lụi bởi đại dịch, nay đang hồi sinh trở lại nhưng nhiều hãng hàng không và sân bay dường như không thể đối phó với đợt bùng phát mới của du lịch sau nhiều tháng phải chôn chân một nơi.

Tin hủy chuyến bay trên toàn nước Mỹ do thiếu hụt nhân sự đã trở thành… bình thường. Các quốc gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương – châu Âu và Bắc Mỹ – đều chứng kiến tình trạng loạt chuyến bay bị hủy do thiếu phi hành đoàn. Hàng dài xếp hàng làm thủ tục do thiếu nhân viên và giá thuê xe cao ngất ngưởng tại nơi đến. Niềm hy vọng khi nghe Giám đốc điều hành Delta Air Lines, Ed Bastian thông báo Tháng Ba, 2022 là tháng bán vé tốt nhất trong lịch sử của hãng bỗng trở thành… thất vọng!

Ở Anh, tình trạng hỗn loạn tại các sân bay lớn đang trở thành tin thời sự trong vài tuần qua. Hãng hàng không quốc gia British Airways báo cáo với cơ quan quản lý ngành về khả năng có vi phạm pháp luật. Du khách hy vọng không xảy ra hỗn loạn trong du lịch mùa hè, nhưng các số liệu trong ngành lại nói khác. Christopher Elliott, người đang theo dõi tình hình ở Mỹ và châu Âu, cho biết: “Nhìn qua bản dự báo của những điều sắp xảy ra, mọi thứ có vẻ chỉ tồi tệ hơn thay vì cải thiện. Du lịch hè năm nay sẽ rất hỗn loạn nên tôi khuyên mọi người hãy tránh châu Âu vào Tháng Tám, cao điểm của mùa cao điểm”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239609074.jpg

Các hãng hàng không thế giới, trong đó có Mỹ, đang khủng hoảng thiếu người (ảnh: Irfan Khan / Los Angeles Times via Getty Images) 

Thiếu nhân viên nghiêm trọng

Khi Covid-19 hoành hành, các hãng hàng không đã cắt giảm biên chế và sa thải hàng loạt nhân viên. Bây giờ họ lại thiếu chuẩn bị khi nhu cầu tăng trở lại. Hệ quả là nhân viên không thể tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, các hãng hàng không ở Mỹ sử dụng các hệ thống theo dõi chuyến bay cũ không cập nhật thường xuyên nên khi gặp sự cố, dễ dẫn đến hủy chuyến hàng loạt. British Airways, hãng hàng không chính của Vương quốc Anh cũng gặp vấn đề tương tự. Vào ngày 26 Tháng Hai, một trục trặc làm gián đoạn hệ thống đã khiến phải dừng tất cả chuyến bay cự ly ngắn. Đây là sự cố công nghệ thông tin lần thứ hai trong 10 ngày, sau các sự cố tương tự vào năm 2017 và 2018.

Kể từ đó, hàng trăm ngàn du khách thấy các chuyến bay bị hoãn, hủy, hoặc đơn giản là lỡ chuyến do hỗn loạn tại một số sân bay lớn của Vương quốc Anh. Hai sân bay Heathrow và Manchester thiếu nhân viên trầm trọng từ cuối Tháng Ba khiến hành khách mất thêm nhiều giờ để làm thủ tục, an ninh, kiểm tra hộ chiếu và lấy hành lý. Các tin tức về đánh nhau, tranh chỗ, hủy chuyến xuất hiện trên truyền thông hàng ngày. Những ảnh chụp post lên mạng hàng đống hành lý bị bỏ trên băng chuyền vì hành khách quá mệt mỏi vì chờ đợi phải bỏ về. Tình trạng hỗn loạn ở Anh hiện tồi tệ hơn nhiều quốc gia khác. Việc tuyển dụng lại nhân viên rất khó vì các nhân viên hàng không bị sa thải trong đại dịch đã tìm được việc làm khác lương cao hơn. Trừ khi các sân bay và hãng hàng không tăng ưu đãi, họ sẽ khó tuyển nhân viên. Nhiều người phản đối Brexit xem các vấn đề đi lại của đất nước là do nước Anh rời EU.

Du lịch Mỹ cũng chẳng mấy khả quan

Courtney Miller, giám đốc điều hành bộ phận phân tích của The Air Current nói: “Ở Mỹ, trải nghiệm cũng rất tệ”. Miller cho biết sự phục hồi bất ngờ của thị trường nội địa Mỹ vào mùa hè năm ngoái đã chứng kiến ​​nhu cầu cao tới 70% mức trước đại dịch khiến các hãng hàng không thiếu cơ sở hạ tầng để đáp ứng. “Các hãng hàng không đã trải qua giai đoạn khủng hoảng, hơn 5,000 phi công bỏ việc (hoặc cho nghỉ) vào năm 2020. Tuyển dụng lại là rất khó”. JetBlue phải cắt giảm hoạt động mùa hè vì thiếu nhân sự dù đã phục hồi 90% so với năm 2019.

“Người ta thường phàn nàn về hủy chuyến, giảm chuyến, giá vé tăng cao nhưng vấn đề chính là có nhiều người muốn bay hơn số ghế các hãng hàng không có” – Miller nói. Kỹ nghệ hàng không vào mùa cao điểm đại dịch mất đến 98% công việc kinh doanh trong khi cuộc tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín vào New York chỉ làm mất 10%!”. ​​Các hãng hàng không Mỹ đang giảm hủy bớt các chuyến bay để tránh chờ đợi và người ta khuyên bạn nên đặt chỗ càng sớm càng tốt.

Zane Kerby, chủ tịch Hiệp hội Cố vấn Du lịch Mỹ nhận định: “Bất chấp hỗn loạn và chờ đợi, nhiều fan du lịch cuồng chân vẫn sẵn sàng chờ hai giờ xếp hàng để làm thủ tục lên máy bay. Muốn mọi thứ hoạt động trơn tru như cũ thì phải mất vài tháng chấn chỉnh chứ không phải vài tuần”. Điểm mấu chốt chính là sự không thống nhất áp đặt và dỡ bỏ các hạn chế do Covid trên toàn cầu, đặc biệt là yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở về Mỹ nên đã gây ra tâm lý bất an cho du khách. Đó là chưa kể những khó khăn lớn khác như giá cả tiêu dùng và dịch vụ tăng vọt đến mức khó tin. Một vấn đề khác của du lịch năm 2021 là giá thuê cao ngất ngưởng do không đủ xe bây giờ lan sang năm 2022. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc thế giới thiếu xe mới xuất xưởng và các công ty cho thuê xe không thể tăng cường đội xe của họ. Các đại lý cho thuê xe còn sợ một biến thể khác sẽ tàn phá ngành công nghiệp du lịch nên chần chừ mua xe mới.

Trung Quốc ban “quân lệnh”: Ngày 20/4 Thượng Hải phải hoàn thành ‘Zero COVID’

Có nguồn tin tiết lộ nhà cầm quyền Trung Quốc đã “đặt mục tiêu” hạn chót vào ngày 20/4 Thượng Hải phải hoàn thành chính sách ‘Zero COVID’.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/dan-thuong-hai-phan-doi.jpg

Người dân Thượng Hải tự “gỡ phong tỏa” xuống đường kháng nghị việc phòng chống dịch thất bại. (Ảnh chụp màn hình video). 

“Quân lệnh” khắp Thượng Hải

Ngày 17/4, Reuters dẫn 2 nguồn tin quen thuộc tình hình cho biết, để ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan bên ngoài khu vực cách ly, gần đây chính quyền Thượng Hải đã yêu cầu cơ quan chức năng các nơi tại thành phố Thượng Hải phải đạt bằng được mục tiêu ‘Zero COVID’ trước ngày 20/4.

Theo văn kiện mà Reuters có được, một bài phát biểu vào ngày 16/4 của Bí thư Trần Kiệt của Quận Bảo Sơn – Thượng Hải đã đề cập rằng tình hình dịch bệnh của thành phố đã đến “thời điểm quan trọng”, Ban Công tác Chính phủ và Chính quyền Thành ủy Thượng Hải yêu cầu cho đến hạn chót vào ngày 20/4 phải thực hiện được ‘Zero COVID’.

Ông Trần Kiệt cũng nhấn mạnh rằng đây là “quân lệnh” buộc phải thực hiện được: “Đây là cuộc tấn công toàn diện, là trận chiến cuối cùng chuyển đổi tình hình dịch COVID-19, chúng ta chỉ có thể thắng chứ không thể thua”.

Ngoài ra, thông tin của tờ Sohu Trung Quốc vào ngày 17/4 cũng đề cập rằng không chỉ quận Bảo Sơn mà quận Phổ Đà vào ngày 16/4 cũng đã tổ chức “Hội nghị vận động loại bỏ COVID-19”. Tại hội nghị, Phó chủ tịch Chính hiệp của Thượng Hải đã kêu gào: “Với tinh thần khẩn trương thực hiện trận chiến quyết định, phải sử dụng mọi nguồn lực, cống hiến hết sức lực và dốc hết mọi phương tiện, tiếp tục phát huy tinh thần của cần cù, chịu khó và không ngừng chiến đấu, nghiến răng thực hiện chiến thắng bằng được cuộc chiến này”.

Tờ “Quan sát Thượng Hải” (Jfdaily) của thành ủy Thượng Hải cũng đưa tin, hôm 16/4 quận Tùng Giang đã ra thông báo cho hay: “Công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh là một trận chiến lớn và cam go, không thể dễ dàng tuyên bố chiến thắng khi chưa ngã ngũ”, “Trong thời điểm cuối phát động cuộc tổng tiến công đạt được ‘Zero COVID’, chúng ta hãy cùng nhau nghiến răng chiến đấu, tin chắc rằng kiên trì là thắng lợi, kiên trì mới có thể thắng lợi”.

Tại quận Phụng Hiền cũng đã ban hành “Đề xuất chiến thắng trong trận chiến phòng chống dịch COVID-19”, qua đó nhấn mạnh sẽ có những hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, nỗ lực hết sức để giành thắng lợi trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 đầy cam go. Đồng thời, quận này thông báo từ ngày 16/4 sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát toàn diện như quản lý tĩnh toàn vùng, kiểm tra axit nucleic đối với tất cả mọi người, điều tra và khảo sát để thực hiện được ‘Zero COVID’…

Còn chính quyền quận Từ Huy thì tổ chức “Hội nghị vận động để toàn xã hội không còn COVID-19”, qua đó nhấn mạnh: “Chúng ta không còn cách nào khác ngoại trừ chiến thắng. Hiện chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng của chiến thắng quyết định, không có lý do để rút lui”.

COVID-19 tại Thượng Hải nghiêm trọng nhất Trung Quốc

Hiện nay, Thượng Hải vẫn là khu vực COVID-19 bị nặng nề nhất ở Trung Quốc. Từ tối 27/3 khi thành phố thực hiện phong tỏa theo khu vực lấy ranh giới là sông Hoàng Phố, đến nay đã qua hơn 3 tuần nhưng dịch bệnh vẫn chưa được cải thiện.

Theo thông báo vào ngày 17/6 của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc, ngày 16/4 toàn Trung Quốc có 3529 trường hợp COVID-19 mới được xác nhận (3504 trường hợp bị nhiễm trong nước) thì Thượng Hải chiếm đến 3238 trường hợp; có 22.626 ca nhiễm mới không có triệu chứng (22.512 ca nhiễm trong nước) thì Thượng Hải chiếm 21.582 ca. Như vậy chỉ riêng trong ngày 16/3, số ca nhiễm COVID-19 ở Thượng Hải tổng cộng 24.820 ca gồm có và không có triệu chứng; kể từ khi số ca tăng vọt vào đầu tháng Ba đến nay, có hơn 320.000 trường hợp nhiễm đã được báo cáo chính thức.

Một công dân Thượng Hải tiết lộ với Reuters rằng ủy ban khu phố của khu người này sinh sống đã ban hành một thông báo cho người dân vào ngày 17/4, theo đó cho hay nhiều nhân viên phòng chống dịch bệnh và xe buýt đã được huy động để đẩy nhanh việc chuyển các ca dương tính trong cộng đồng đến các trung tâm cách ly, chẳng hạn như các bệnh viện dã chiến.

Nhưng chính quyền Thượng Hải và Quốc vụ viện Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi về thông tin của Reuters.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Ấn Độ hủy kế hoạch mua máy bay trực thăng của Nga

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/truc-thang.jpg

Hôm thứ Bảy (16/4), trích dẫn các nguồn tin chính phủ, truyền thông Ấn Độ đưa tin, Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đã hủy bỏ kế hoạch máy 48 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17V5 của Nga. Thay vào đó, quân đội và các cơ quan khác của Ấn Độ vốn có kế hoạch sử dụng các máy bay này của Nga đã quyết định mua các máy bay trực thăng hạng trung chưa xác định được sản xuất trong nước.

Các nguồn tin cho biết, quyết định hủy bỏ kế hoạch mua máy bay trực thăng Nga của Ấn Độ không liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Động thái này đã được thực hiện trước khi cuộc xung đột xảy ra và nhắm mục đích thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India), một chương trình của chính phủ Ấn Độ được thiết kế để thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhập khẩu.

Phát biểu với tạp chí India Today, một nguồn tin chính phủ tiết lộ: “Gói thầu mua 48 máy bay trực thăng Mi-17V5 đã được rút lại với lý do thúc đẩy bản địa hóa. Bây giờ, IAF sẽ hỗ trợ chương trình bản địa hóa đối với máy bay trực thăng.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu kế hoạch mua máy bay trực thăng Nga của Ấn Độ đã được thực hiện thành bất kỳ loại thỏa thuận hoặc biên bản ghi nhớ nào với Nga hay không, hay đây chỉ là một kế hoạch do chính phủ Ấn Độ ấp ủ.

Ấn Độ là một khách hàng lớn nhập khẩu các loại vũ khí do Nga sản xuất. Ấn Độ hiện đang vận hành một phi đội lớn các máy bay trực thăng Mi-17 với nhiều cấu hình khác nhau. Ngoài vai trò chủ lực trong việc vận chuyển hàng không hạng trung của IAF, loại máy bay trực thăng này của Nga còn được nhiều cơ quan chính phủ khác của Ấn Độ sử dụng, bao gồm cả việc chuyên chở các quan chức hàng đầu trên khắp đất nước.

Nhật Minh (Theo RT)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét