Người bảo vệ nhân quyền: Việt Nam hiện đang giam giữ 253 tù nhân lương tâm
Hình minh hoạ: Ông Trịnh Bá Phương, một người đấu trang về quyền đất đai, tại phiên toà ở Hà Nội hôm 15/12/2021 /AFP
Con số tù nhân lương tâm ở Việt Nam theo công bố mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền hiện đang là 253 người, tuy nhiên tổ chức thống kê cũng cho rằng còn số thực có thể còn cao hơn.
Hôm 6 tháng 4, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền ra thông cáo báo chí trong đó công bố con số tù nhân lương tâm cập nhật ở Việt Nam.
Cũng theo thông cáo trên thì thuật ngữ tù nhân lương tâm được dùng để chỉ những cá nhân bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc vì lương tâm; hay do sắc tộc, giới tính, màu da, và ngôn ngữ của mình.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cho biết thêm thông tin về vấn đề này:
“Tổng số tù nhân lương tâm hiện giờ là 253 trong đó có 24 người là phụ nữ và có 36 người đang trong thời gian giam giữ chưa xét xử, còn lại là đã bị kết án tù.
Trong đây nhiều nhất có lẽ là tội danh phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tức là các tù nhân lương tâm thuộc về vấn đề tôn giáo. Có khoảng gần 100 người là thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và vùng phía Bắc Việt Nam.
Còn lại là các tội danh như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước, hay là lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”
Ông Ngữ cũng cho biết con số tù nhân lương tâm thực có thể cao hơn rất nhiều tuy nhiên do nhiều hạn chế như khó khăn trong việc liên lạc với người thân, hoặc các vụ xét xử diễn ra một cách bí mật, hoặc không xuất hiện trên mặt báo, nên nhiều trường hợp tù nhân lương tâm không được biết đến.
Theo báo cáo này, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, tòa án các tỉnh thành kết tội sáu nhà hoạt động và kết án họ tổng cộng hơn 20 năm tù và năm năm quản chế, trong đó có vụ xử nhà báo độc lập Lê Dũng Vova vào hôm 23/3 với bản án năm năm tù giam.
Trả lời câu hỏi về việc con số hàng trăm tù nhân lương tâm này phản ánh điều gì, ông Vũ Quốc Ngữ nói:
“Nó phản ánh rằng là chế độ độc tài ở Việt Nam không tôn trọng các quyền tự do cơ bản, gồm quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do báo chí. Con số này phản ánh một cái tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Cộng Sản.”
Trong thông cáo của mình tổ chức này còn cáo buộc chính quyền mở rộng chiến dịch đàn áp và nhắm tới các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với nhà nước, thông qua việc bắt giữ một loạt người đứng đầu của các tổ chức này, với nhằm duy trì sự “độc quyền chính trị”.
Ví dụ điển hình là hai phiên tòa riêng biệt của Tòa án Hà Nội xét xử hai nhà hoạt động dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách với cáo buộc “trốn thuế” nhằm ngăn chặn các hoạt động của họ trong việc thúc đẩy giáo dục dân quyền.
Thông tin về số lượng tù nhân lương tâm ở Việt Nam được công bố trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang vận động để được làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu - Việt Nam sẽ diễn ra trong ngày 6/4/2022.
Việt Nam kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt quân sự ở Biển Đông
Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 4/2018 /Reuters
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 7/4 lặp lại quan điểm lâu nay khi trả lời báo giới về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây và hiện nay.
Phó Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng khi trả lời câu hỏi về thông tin cuộc tập trận mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo diễn ra từ ngày 19/3 đến 9/4 rằng Hà Nội tiếp tục giao thiệp với phía Bắc Kinh về vấn đề này.
Trước đợt tập trận vừa nêu, Trung Quốc cũng tập trận ở Biển Đông từ ngày 4 đến 15/3 tại khu vực với những tọa độ tương tự. Vào ngày 7/3 Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc để nêu vấn đề tập trận tại khu vực mà Hà Nội cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với thông tin Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp nên tại quần đảo Trường Sa, Phó Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng lặp lại: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).”
Uỷ ban Chứng khoán huỷ quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng đối với ông Trịnh Văn Quyết
RFA
07/4/2022
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí hôm 30/7/2018
AFP
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) thông báo huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, vì Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Quyết hôm 29/3.
Đó là nội dung trong thông báo của SSC ban hành ngày 5/4 được truyền thông Nhà nước loan hôm 6/4.
Bộ Công an đã đề nghị SSC bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết mặc dù theo SSC trước đó, hôm 18/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chấp hành xử phạt 1,5 tỷ đồng về vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Đây là mức xử phạt cao nhất đối với ông Quyết trong việc bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 mà không báo cáo về việc dự kiến giao dịch, không công bố thông tin.
Cũng trong ngày 6/4, SSC đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hương Trần Kiều Dung – Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC).
Nguyên nhân bà Dung bị phạt được SSC cho biết là do bà Dung vừa là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) tại một công ty đại chúng, vừa là thành viên HĐQT tại hơn năm công ty khác.
Theo đó, bà Dung bị phạt tiền 70 triệu đồng, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
VinFast nộp đơn xin lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng tại Mỹ
Xe điện của VinFast được trưng bày tại LA Auto Show ở Los Angeles, Mỹ hôm 17/11/2022. /AFP
Hãng sản xuất ô tô điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm 7/4 vừa nộp đơn xin lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) tại Mỹ sau khi công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và pin tại Mỹ trị giá lên đến bốn tỷ đô la.
Theo Reuters, VinFast với trụ sở chính tại Singapore cho biết hãng chưa quyết định số lượng và mức giá của lần IPO này.
Reuters trích lời bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị của VinFast - nói bên lề một buổi trưng bày xe SUV VF8 của hãng hồi tuần trước rằng IPO sẽ được thực hiện vào nửa năm sau của năm 2022 và đây là một trong những lựa chọn mà hãng nhắm tới để kêu gọi vốn cho việc xây dựng nhà máy ở bang North Carolina.
Reuters trích các nguồn tin giấu tên cho biết hồi năm ngoái rằng VinFast đang xem xét IPO với trị giá khoảng 60 tỷ đô la.
Tuy nhiên một nguồn tin giấu tên rất thông thạo với vấn đề này nói với Reuters là việc định giá như vậy vào lúc này là khá lớn vì ngay cả các công ty đã được phía Mỹ cho phép thực hiện IPO cũng phải chịu những điều chỉnh đáng kể.
VinFast là hãng sản xuất ô tô đầu tiên hoàn toàn của Việt Nam được ra đời từ năm 2019 nhưng sau đó đã bỏ sản xuất ô tô chạy xăng để chuyển sang làm ô tô chạy điện.
Hồi tháng 11 năm ngoái, hãng đã cho ra mắt các nhãn hiệu ô tô điện tại Mỹ. Theo thông tin từ hãng, giá bán một xe SUV VF8 tại Mỹ là 41.000 đô la, rẻ hơn rất nhiều so với ô tô của hãng Tesla có giá khoảng 63.000 đô la.
Hồi tháng 12 năm ngoái, tập đoàn Vingroup, chủ của VinFast, đã quyết định chuyển toàn bộ vốn góp của VinFast sang một công ty con ở Singapore với mục đích đưa VinFast lên sàn IPO tại Mỹ.
Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch VinFast nói với báo Nhà nước Việt Nam khi đó rằng đây là đường vòng mà VinFast phải đi để có thể niêm yết tại Mỹ vì việc niêm yết các công ty Việt Nam tại Mỹ hiện vẫn chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan.
Hôm 29/3 vừa qua Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thống đốc bang North Carolina đã công bố thông tin việc VinFast sẽ mở nhà máy tại bang North Carolina và tạo ra 7.500 việc làm cho dân Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét