Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ hai 25 tháng 4 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gặp Tổng thống Ukraine tại Kyiv

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/2282dea21f475ec606d289646d7f9676.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin – đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kyiv vào tối Chủ Nhật (24/4, giờ địa phương) 

Hai quan chức cấp cao của chính quyền Biden – Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin – vào tối Chủ Nhật (24/4, giờ địa phương) đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kyiv. Đây là chuyến công du cấp cao nhất của một phái đoàn Mỹ tới Ukraine kể từ khi nước này bị Nga tấn công xâm lược hôm 24/2.

Theo AP, một quan chức cấp cao của Ukraine đã xác nhận cuộc gặp của hai bộ trưởng Mỹ với Tổng thống Zelensky.

“Vâng, họ đang gặp tổng thống. Chúng ta hãy hy vọng điều gì đó sẽ được quyết định về sự giúp đỡ thêm nữa”, ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Zelensky nói với luật sư, nhà hoạt động người Nga Mark Feygin trong chương trình “Feygin Live” của kênh YouTube cá nhân của ông này.

Phía chính phủ Mỹ chưa xác nhận về sự kiện gặp gỡ cấp cao nêu trên.

Trước cuộc gặp mặt trực tiếp ông Blinken và ông Austitn, Tổng thống Zelensky đã nói rằng ông đang mong muốn người Mỹ đem lại những kết quả về cả sự đảm bảo vũ khí và an ninh.

“Hôm nay, quý vị không thể gặp chúng tôi với hai bàn tay trắng, và chúng tôi hy vọng không chỉ có những món quà hay một vài loại bánh, chúng tôi đang muốn những thứ cụ thể và những vũ khí cụ thể”, ông Oleksiy Arestovych nói.

Truyền thông quốc tế trước đó đưa tin rằng ông Zelensky đã có ý định đề nghị các quan chức Mỹ hỗ trợ thêm cho Ukraine vũ khí hạng nặng. Cuộc họp giữa tổng thống Ukraine và bộ trưởng Mỹ tại Kyiv dự kiến sẽ tập trung vào công tác hậu cần của việc chuyển viện trợ quân sự Mỹ tới Ukraine.

Lần gần nhất ông Zelensky gặp trực tiếp một quan chức cấp cao của Mỹ là vào ngày 19/2. Khi đó tại Munich, Đức, Tổng thống Zelensky đã gặp mặt Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres dự kiến sẽ công du Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) vào thứ Hai (25/4), và sau đó sẽ tới Moscow (Nga) và Kyiv (Ukraine).

Như Ngọc

Tàu SpaceX của CEO Musk đưa nhóm du hành tư nhân đầu tiên rời ISS về Trái Đất

Hôm 24/4 vừa qua, nhóm phi hành gia tư nhân đầu tiên lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) đã rời vũ trụ để trở về Trái Đất trên tàu Crew Dragon của hãng SpaceX (do tỷ phú Elon Musk sáng lập), qua đó kết thúc chuyến du hành kéo dài khoảng 2 tuần. Đây được xem là cột mốc quan trọng đối với hoạt động du hành vũ trụ thương mại khi cả 4 thành viên của phi hành đoàn lần này đều là dân thường, làm việc tại công ty hàng không vũ trụ thương mại có tên Axiom Space. Giá vé cho chuyến du hành này là 55 triệu USD/người.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/04/tau-vu-tru-700x480.jpg

Cụ thể, tàu SpaceX Crew Dragon đưa nhóm du hành gồm 4 người thuộc công ty khởi nghiệp Axiom Space, có trụ sở tại Houston (Mỹ), đã rời ISS để trở về Trái Đất trong chuyến đi dự kiến kéo dài 16 giờ. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, tàu Dragon sẽ đáp xuống Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Florida vào khoảng 13h00 ngày 25/4 theo giờ Mỹ (tức 0h00′ ngày 26/4 theo giờ Việt Nam).Trước đó, chuyến bay đưa các nhà du hành tư nhân trở về Trái Đất đã bị hoãn vài ngày do thời tiết không thuận lợi tại điểm hạ cánh.

Hôm 8/4 vừa qua, hãng Space X đã thực hiện chuyến bay đặc biệt đưa phi hành đoàn tư nhân đầu tiên lên ISS. Tên lửa Falcon 9 của Space X đã đưa tàu Crew Dragon rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ) vào lúc 15h17′ giờ GMT ngày 8/4 (tức 22h17′ cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Đáng chú ý, chuyến du hành mang tên Axiom-1 này không có sự tham gia của bất kỳ phi hành gia nào thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Cả 4 thành viên của phi hành đoàn đều là dân thường, làm việc tại công ty hàng không vũ trụ thương mại Axiom Space.

Trong đó, chỉ huy chuyến du hành là Michael López-Alegría (người mang 2 quốc tịch Mỹ và Tây Ban Nha), từng là phi hành gia của NASA, đã thực hiện 4 chuyến du hành vào không gian và hiện là Phó Chủ tịch của Axiom Space. Ba nhà du hành còn lại gồm nhà đầu tư người Canada Mark Pathy, nhà đầu tư bất động sản người Mỹ Larry Connor và cựu phi công Không quân Israel Eytan Stibbe.

NASA đã đánh giá cao sự hợp tác giữa Space X và Axiom Space, nhận định rằng đây là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu thương mại hóa không gian được gọi là “Quỹ đạo Trái Đất thấp”, qua đó thúc đẩy những nỗ lực tham vọng hơn để tiến sâu hơn vào vũ trụ.

Phan Anh (tổng hợp)

Nga tấn công kho dầu và cơ sở quân sự của Ukraine 

Reuters 

Ảnh minh họa. Nhà máy dầu ở Odesa, Ukraine.

Ảnh minh họa. Nhà máy dầu ở Odesa, Ukraine. 

Nga tấn công nhà máy lọc dầu Kremenchuk của Ukraine bằng tên lửa tầm xa và tấn công các cơ sở quân sự ở nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 25/4.

“Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Nga nói họ đã tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine và nhà máy lọc dầu Kremenchuk gần sông Dnipro mà thống đốc vùng Poltava cho biết nhà máy này đã bị phá hủy hồi đầu tháng này.

Bộ này cho biết: “Các loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao đã phá hủy các cơ sở sản xuất nhiên liệu tại một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô phía bắc thành phố Kremenchuk, cũng như các cơ sở lưu trữ các sản phẩm dầu mỏ cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội Ukraine”.

Trong diễn biến liên quan, một đám cháy lớn bùng phát vào sáng ngày 25/4 tại một cơ sở lưu trữ dầu ở thành phố Bryansk của Nga, Bộ các trường hợp khẩn cấp cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng không có ai bị thương, vẫn theo Reuters.

Không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy đám cháy này có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù các quan chức Nga tuần trước cho biết máy bay trực thăng của Ukraine đã bắn trúng các tòa nhà dân cư và khiến 7 người trong khu vực bị thương.

Trong một tuyên bố, Bộ các trường hợp khẩn cấp cho biết đám cháy xảy ra tại một cơ sở thuộc sở hữu của công ty đường ống dẫn dầu Transneft vào lúc 2 giờ sáng theo giờ Moscow và không cần phải sơ tán bất kỳ khu vực nào của thành phố có 400.000 dân.

Ủy ban điều tra của Nga cho biết trong một tuyên bố riêng rằng người đứng đầu cơ quan này, ông Alexander Bastrykin, đã ra lệnh điều tra vụ việc. Cho đến nay, các quan chức Ukraine chưa đưa ra bình luận nào về vụ cháy này và nguyên nhân có thể xảy ra.

Chiến tranh Ukraine bước sang tháng thứ ba

Chiến tranh Ukraine đã bước sang tháng thứ ba vào Chủ nhật, đúng ngay dịp Lễ Phục sinh của Chính thống giáo. Thế nhưng hòa bình vẫn còn rất xa vời. Sau khi không thể chiếm thủ đô Kyiv, Nga chuyển hướng sang phía nam và phía đông để kịp chào mừng Ngày Chiến thắng Đức Quốc xã vào ngày 9 tháng 5. Mỹ và các đồng minh đang dồn khí tài cho Ukraine – giờ đây có cả xe tăng, pháo và máy bay không người lái.

Chiến tranh sẽ kết thúc ra sao? Một số người châu Âu đang nghĩ về một thế trận bế tắc và sau đó là đàm phán giữa hai bên. Điều tốt nhất mà Nga có thể đạt được là một thỏa thuận có lợi cho họ và khiến Ukraine trung lập, giống như Phần Lan sau thế chiến thứ hai. Khả năng cao hơn là một thỏa thuận ngừng bắn đầy nguy hiểm như ở bán đảo Triều Tiên, trong đó Ukraine trở thành pháo đài mới của phương Tây. Câu hỏi là phương Tây sẽ quyết tâm đến đâu để đánh bại lực lượng của Nga.

Nhà Murdoch mở mang thế lực sang Anh bằng kênh truyền hình mới

Piers Morgan thường hay làm mất lòng người khác. Những bình luận chê bai của nam MC này về Meghan Markle, một nữ diễn viên và vợ của Hoàng tử Harry, trong chương trình tin tức buổi sáng hồi năm ngoái đã thu hút nhiều chỉ trích nhất trong lịch sử truyền hình Anh. Giờ đây ông trùm sở hữu Fox News Rupert Murdoch đã thuê Morgan làm gương mặt đại diện cho TalkTV, một kênh truyền hình sẽ ra mắt tại Anh vào thứ Hai tới.

Ông Murdoch đã cân nhắc thành lập TalkTV kể từ khi ông mất quyền kiểm soát đài truyền hình Sky hồi năm 2018. Ông cũng từng cân nhắc đầu tư vào GB News, một đài truyền hình cánh hữu ra mắt hồi năm 2021 nhưng không thể thu hút được khán giả. Các ông chủ của TalkTV cho biết sản phẩm của họ đỡ mang tính ý thức hệ hơn. Họ sẽ giảm chi phí bằng cách chia sẻ chương trình với kênh TalkRadio và lấy tin từ các tờ báo của ông Murdoch. Nước Anh chưa bao giờ chào đón loại hình tin tức theo đảng phái như ở Mỹ. Nhưng TalkTV muốn thay đổi điều đó. Ông Morgan hứa sẽ “làm phiền tất cả mọi người.”

Aung San Suu Kyi lại nghe phán quyết

Một tòa án Myanmar sẽ ra phán quyết cho cựu lãnh đạo của đất nước vào thứ Hai. Lần này bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc nhận hối lộ từ một chính trị gia, bên cạnh một loạt các tội danh tham nhũng khác. Kể từ khi bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021, bà Suu Kyi đã bị giam giữ tại một địa điểm bí mật. Bà từng nhận một bản án sáu năm vì vi phạm quy tắc chống dịch covid-19 và sai phạm trong nhập khẩu máy bộ đàm. Tới đây bà sẽ đối mặt hàng loạt các cáo buộc nghiêm trọng hơn nữa, với mức án tối đa hơn 150 năm tù.

Các cáo buộc được thiết kể để ngăn bà quay lại chính trường. Chính quyền quân sự sẵn sàng làm mọi thứ, thậm chí là thảm sát, để không phải chia sẻ quyền lực với giới dân sự. Thế nhưng các tướng lĩnh không được người dân ủng hộ. Các lực lượng dân quân đã nổi lên ở khắp nơi kể từ sau cuộc đảo chính và đẩy lùi được quân đội khỏi nhiều vùng lãnh thổ. Tình hình này khiến khoảng 550.000 người phải di dời, trong khi hàng triệu người khác rơi vào cảnh nghèo đói.

El Salvador đẩy mạnh đàn áp băng đảng tội phạm

Chính phủ El Salvador đang trở nên cứng rắn với tội phạm có tổ chức. Hồi tháng Ba, chỉ trong một cuối tuần các băng đảng đã giết chết 87 người. Kể từ đó, bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp, nhà chức trách đã bắt giữ hơn 15.000 người. Hiện các luật mới đã tăng thời hạn tù giam đối với thành viên băng đảng từ chín lên 45 năm, hoặc lên đến 60 năm đối với quan chức nhà nước. Trẻ em dưới 12 tuổi cũng có thể bị đi tù.

Các tổ chức xã hội dân sự cho rằng phản ứng này quá nặng tay. Được biết tỉ lệ ủng hộ của tổng thống Nayib Bukele đã tăng lên khi tỷ lệ giết người giảm. Tuy nhiên việc này có lẽ là nhờ các băng đảng và giới chức có thương lượng với nhau. (Nguyên nhân gia tăng bạo lực gần đây có thể là do đổ vỡ đàm phán.) Nhưng ông không quá quan tâm về nhân quyền. Một số người lo ngại tình trạng khẩn cấp sẽ gây ra hậu quả lớn, và tạo điều kiện cho chính phủ nhắm vào những mục tiêu khác, chẳng hạn như các phóng viên.

Miến Điện : Phe nổi dậy dọa tấn công các mỏ khoáng sản do Trung Quốc khai thác

Lực lượng Phòng vệ Nhân dân tại Miến Điện. Ảnh chụp ngày 15/04/2022. AFP - STR 

Tại Miến Điện, phe nổi dậy hôm qua, 23/04/2022 dọa tấn công các mỏ khoáng sản được khai thác với sự hậu thuẫn của Trung Quốc ở miền trung đất nước nếu các dự án khai thác không được ngưng lại. Phe nổi dậy tố cáo đây là những nguồn lợi làm giầu cho tập đoàn quân sự Miến Điện.  

Theo AFP, hôm thứ Năm, 21/04, mười sáu nhóm nổi dậy đã đăng một thông cáo chung, cùng đe dọa tấn công những mỏ khoáng sản do quân đội sở hữu và khai thác nhằm phục vụ cho việc làm giầu giới chức quân đội Miến Điện và người thân cận của họ.  

Ngoài ra, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân cũng kêu gọi những người làm việc tại các mỏ khai thác gia nhập phong trào bất tuân dân sự và « từ bỏ việc làm từ đây đến ngày 05/5 ». Trong trường hợp ngược lại, phe nổi dậy tuyên bố không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong các cuộc tấn công nhắm vào các khu mỏ. 

Hãng tin Pháp nhắc lại, kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021, nhiều nhóm nổi dậy liên kết với Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) để phản đối chế độ quân sự và xem các doanh nghiệp có bắt tay với tập đoàn quân sự như là mục tiêu tấn công ưu tiên.  

Publicité

Gần đây, hãng Wanbao Mining của Trung Quốc đã đúc kết một thỏa thuận đối tác với tập đoàn Myanma Economic Holdings, do quân đội quản lý, để khai thác các khu mỏ đồng tại miền trung Miến Điện. Các hoạt động khai thác của những khu mỏ này đã bị xáo trộn do các cuộc giao tranh, những khó khăn về nguồn cung điện và dịch bệnh virus corona. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét