Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Nguyễn Mạnh Trinh - Hai mươi năm văn học Miền Nam và các giải thưởng văn chương

 https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giai-van-chuong-toan-quoc-8-9-1962.jpg?w=640

Hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) là một thời kỳ văn học có nhiều đặc sắc. Như mọi nền văn học khác, cũng có thời kỳ hưng và thời kỳ suy. Cũng như thời cuộc đã ảnh hưởng rất lớn vào đời sống văn chương, cả về cuộc đời tác giả lẫn nội dung tác phẩm. Hai mươi năm, thời thế có nhiều biến chuyển đặc biệt. Bắt đầu với biến cố hòa ước Genève năm 1954 chia đôi đất nước, và chấm dứt với ngày 30 tháng tư năm 1975, quân Cộng sản miền Bắc thôn tính xong miền Nam, văn học cũng như về các phương diện khác như quân sự, xã hội, kinh tế, văn hóa,… là của một đất nước chiến tranh sau một thời kỳ hòa bình ngắn ngủi.

Với chiến tranh, trong tình trạng mọi sinh lực quốc gia đều dồn cả vào quân sự và tất cả thành phần nồng cốt của quốc gia đều vào quân đội, làm công việc cầm súng. Do đó, trong hai mươi năm ấy, mà thời kỳ sau cùng biểu hiện rõ nhất, là nhận thức về cuộc chiến. Có người đã ví von rằng từ năm 1954, văn học miền Nam đã khởi đi từ một bến vắng với sinh hoạt văn chương không đáng kể so với nền văn chương kháng chiến. Nhưng sau cuộc di cư của gần một triệu người dân miền Bắc vào Nam thì lại có sự thay đổi. Văn chương trở thành tiếng nói tâm huyết của những người xây dựng cuộc đời mới, say sưa với những hướng vọng dân chủ tự do. Từ đó, một con đường văn học đã được vạch đi và hầu như là một con đường độc đạo. Nhưng đến khi chiến tranh bùng nổ và càng ngày càng tăng cường độ, qua một thời gian rồi với sự hiện diện của quân đội viễn chinh Hoa kỳ, cũng như chiến tranh đã mang dân chúng về sống trong thành phố nên ở nông thôn vắng vẻ đi và thành phần thị dân chiếm đa số dân chúng. Lúc ấy, niềm tin về tương lai đã giảm đi và con đường độc đạo ấy đã phân hai thành hai khuynh hướng, một vẫn giữ những ý nghĩ tâm tình cũ và một có khuynh hướng khác, nhìn vào thực tại đất nước để phán xét chiến tranh.

Đó chỉ là một nhận xét. Nghĩ cho cùng, vẫn chưa lý giải và thể hiện được sự thực. Có rất nhiều người cầm bút, sống trong thời kỳ văn học ấy và có những nhận xét mà phát xuất từ kinh nghiệm thực sự của đời cầm bút. Có khi, những phát biểu ấy tùy theo từng thời kỳ mà có cảm thức nhận xét khác nhau nên thời điểm là một yếu tố khá quan trọng để từ đó những người thuộc thế hệ sau hiểu được sự chi phối của thời sự như thế nào.

Trong tập san Vấn Đề ra tháng 5 năm 1968, nhà văn Mai Thảo viết:

“Năm 1954 còn ghi lại, chói lọi, cái đẹp ấy của mùa mới, cái đẹp ấy của lên đường.Ta đứng đi chật đất. Ta từng có, lớp lớp. Ta từng đến, hàng hàng. những khởi đầu của từng hoạt động văn học từng phát động nghệ thuật nói chung của ta tuyệt đúng tuyệt đẹp..”

Nhưng có khi, những nhận xét ấy lại có sự khiêm tốn khi nói về những bước chân mở đầu cho một thời kỳ văn học. Trong bài phỏng vấn “Mai Thảo, nhà văn ở phút nói sự thật” của Nguyễn Nam Anh trong tạp chí Văn số 192 ra ngày 15 tháng 12 năm 1971 có đoạn trả lời khi nói về thời kỳ Sáng Tạo:

“Tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường. Hậu quả nếu có cũng là của những thí nghiệm, những mở đường. Tôi không nhìn Sáng Tạo như một nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nào, một cách thế nào, thì có …”

Tại sao, ở một nhà văn mà cả đời người sống gắn liền với văn chương chữ nghĩa mà cũng có suy nghĩ lúc hào hứng tột độ, lúc khiêm nhượng đơn sơ như vậy? Có phải vì trong những hoàn cảnh khác nhau của thời thế không?

Thành ra, sự nhận định những sự kiện văn học không phải đơn giản để có những kết luận hữu lý. Từ một sự kiện, có thể nhìn ngắm khác nhau để có một sự thực. Rất nhiều người có nhận xét, nhưng đãi lọc những ý kiến ấy để có một kết luận hợp lý lại là một vấn đề quan trọng. Đó là nói về có những tư liệu để tìm hiểu để lựa chọn.

Còn như tình trạng hiện nay, khi hai mươi năm văn học miền Nam bị chế độ đương quyền ra tay bôi xóa. Sách vở bị đốt bỏ, nhà văn bị cầm tù, cả một hàng ngũ văn nô đông đảo lên tiếng chê bai miệt thị theo chỉ thị của Đảng, tất cả những sự kiện ấy đã làm thành những điều bất khả cho những người làm công việc ghi chép lại văn học sử.

Một bằng chứng xác đáng nhất biểu hiện một phần nào sinh hoạt văn học là các giải thưởng văn chương. Qua đó, người đọc có thể hiểu được xu thế thời đại cũng như những nỗi niềm, tâm sự của thế hệ hiện tại chuyên chở theo.

Thông thường, giải thưởng văn chương được chú ý nhất trên thế giới là giải Nobel của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Sở dĩ được chú ý vì uy tín của ban tuyển chọn và giá trị hiện kim lớn cũng như phần đông những tác giả hàng năm đoạt giải đều xứng đáng.

Ở các nước Âu Châu thì có giải The European Union Prize for Litterature. Pháp thì có giải Goncourt, giải Renaudot, giải Femina, Giải Medicis, Giải Interalité … Anh thì có Man Booker Prize, British Book Awards, Commonwealthds Litterature Prize,…Hoa kỳ có Pulitzer Prize for litterature,…

Ở Việt Nam, trở lại những năm về trước lâu đời thì có giải thưởng của hội Khai Trí Tiến Đức từ năm 1924, giải Tự Lực Văn Đoàn từ năm 1936, giải của hội Khuyến Học Nam Việt từ năm 1941, giải Alexandre De Rhodes từ năm 1943.

GIẢI VĂN CHƯƠNG TOÀN QUỐC NĂM 1957

Về sau, mãi đến năm 1957 vào thời đệ nhất Cộng Hòa mới có Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc.

Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc do Văn Hóa Vụ tổ chức và không đòi hỏi nào về nội dung hoặc hình thức đối với tác phẩm gửi đến dự thi hoặc được xét đến. Điều ràng buộc duy nhất là tác phẩm phải được in trong năm. Ban giám khảo đã đọc, chọn lựa và nhận xét 206 tác phẩm in từ năm 1954 đến năm 1956.

Ban giám khảo gồm có chủ tịch là học giả Đoàn Quan Tấn và các thành viên: Nghiêm Toản, Nguyễn Thành Châu (tức Năm Châu), Nguyễn Khắc Kham, Linh mục Nguyễn Văn Thích, Trương Công Cừu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bà Tùng Long, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vũ Hoàng Chương và Vũ Khắc Khoan.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/nguyenmanhcon_tacphamdoatgiai1957.jpg?w=640

Danh sách đoạt giải:

– Bộ môn Khảo luận:

* tác phẩm “Văn Chương Bình Dân” của Linh mục Thanh Lãng,
* tác phẩm “Xây Dựng Nhân Vị” của Bùi Tuân,
* tác phẩm “Người Xưa” của Trần Đình Khải.

– Bộ môn Tiểu thuyết:

* tác phẩm “Tìm Về Sinh Lộ” của Kỳ Văn Nguyên,
* tác phẩm “Đem tâm Tình Viết Lịch Sử” của Nguyễn Mạnh Côn,
* tác phẩm “Nếp nhà” của Bửu Kế.

– Bộ môn Thơ:

* tác phẩm “Anh Hoa” của Phạm Mạnh Viện,
* tác phẩm “Long Giang Thi Tập” của Trần Hữu Thanh,
* tác phẩm “Nam Trung Thi tập” của Nguyễn Văn Bình,
* tác phẩm “Kiếp Hồng Nhan” của Quang Hân.

– Bộ môn Kịch:

*tác phẩm “Bão Thời Đại” của Trần Lê Nguyễn,
*tác phẩm“Ái Tình Bôn-Sê-Vích “ của Thạch Bích,
*tác phẩm “Hai Màu Áo” của Minh Đăng Khánh

GIẢI VĂN CHƯƠNG TOÀN QUỐC NĂM 1958-1959

Ban Giám khảo đổi tên là Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1958-1959 do ông Trương Công Cừu khoa trưởng đại học Văn Khoa làm chủ tịch và thành viên là các tên tuổi như Hà Như Chi, Hà Thượng Nhân, Đái Đức Tuấn (Tchya), Trần Hữu Thanh, Đỗ Đức Thu, Đông Hồ và Vi Huyền Đắc.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giai-van-chuong-toan-quoc1958-59.jpg?w=640

(Các tác phẩm đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1958-1959)

Danh sách đoạt giải:

– Khảo luận : 

* tác phẩm “Dịch Kinh Tân Khảo” của Nguyễn Mạnh Bảo,
* tác phẩm “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” của Hoàng Trọng Miên.

– Tiểu thuyết: 

* tác phẩm “ Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc,
* tác phẩm “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan,
* tác phẩm “Đời Phi Công” của Toàn Phong,
* tác phẩm “Mưa Đêm Cuối Năm” của Võ Phiến

– Thơ: tác phẩm “Hoa Đăng” của Vũ Hoàng Chương.

– Kịch: Không có giải thưởng.

GIẢI VĂN CHƯƠNG TOÀN QUỐC NĂM 1960-1961

Hội Đồng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc lại thay đổi phương hướng và tên gọi. Tên mới là “Hội Đồng Tuyển Trạch Giải Thưởng Văn Chương 1960-1961” do ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần làm chủ tịch gồm ba tiểu ban. Tiểu ban Khảo luận gồm các tên tuổi như Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Trung. Tiểu ban Thơ gồm Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Thanh Tâm Tuyền. Tiểu ban tiểu thuyết và kịch: Vi huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Đỗ Đức Thu, Bình Nguyên Lộc.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giai-van-chuong-toan-quoc1960-1961.jpg?w=640

(Các tác phẩm đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1960-1961)

Danh sách đoạt giải gồm:

– Bộ môn Biên khảo: “Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ.

– Bộ môn Tiểu thuyết: 

* giải nhất: tác phẩm “Thềm Hoang” của Nhật Tiến;
* giải nhì tác phẩm “Gìn Vàng Giữ Ngọc” của Doãn Quốc Sỹ;
* giải nhì đồng hạng “Tầu Ngựa Cũ” của Linh Bảo

– Bộ môn Thi ca: 

* tác phẩm đoạt giải nhất: “Đường Vào Tình Sử” của Đinh Hùng;
* giải nhì : “Hy Vọng” của Hoàng Bảo Việt;
* giải ba : “Tổ Ấm” của Anh Tuyến ;
* giải ba đồng hạng: “40 Bài Thơ” của Vương Đức lệ và Mai Trung Tĩnh.

– Bộ môn Kịch: không có giải thưởng.

Sau cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, tình hình trong nước có nhiều xáo trộn về chính trị nên đến năm 1966 thì giải thưởng văn chương toàn quốc mới được Bộ Văn Hóa tổ chức lại.

GIẢI VĂN CHƯƠNG TOÀN QUỐC NĂM 1966

Hội đồng Tuyển Trạch được thành hình do nhà thơ Đông Hồ làm chủ tịch. Thành viên thì trên danh nghĩa là do sự lựa chọn của văn nghệ sĩ nhưng thực chất là do sự chỉ định của Bộ Văn hóa.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giai-van-chuong-toan-quoc1966.jpg?w=640

(Các tác phẩm đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1966)

Danh sách trúng giải:

– Bộ môn Biên khảo: 

* “Đại Cương Văn học Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi Nguyễn Hữu Văn ;
* tác phẩm thứ hai là “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” của Nguyễn Văn Hầu.

– Bộ môn Văn: với các tác giả Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu.

– Bộ môn Thơ: với ba thi sĩ là Tuệ Mai , Nhã Ca, và Huy Lực.

– Bộ môn Kịch: với Dương Kiền , Phan Tùng Mai.

Advertisements

Report this ad

(Tên những tác phẩm đoạt giả về các bộ môn văn , thơ , kịch, tôi chưa sao lục tìm kiếm được. Xin các vị thông hiểu và còn nhớ bổ túc giùm!)

Năm 1966 có những sự kiện lạ. Hai ông Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi từ chối giải thưởng và để cho ban Tuyển chọn trao giải thưởng cho cơ quan văn hóa nào xét ra cần thiết hơn. Nhà văn Thanh Tâm Tuyền không đi tham dự buổi lễ nhận giải và ủy quyền cho người khác đi thay. Và trong buổi lễ trao giải thưởng bà Tuệ Mai trong phần diễn văn phát biểu cảm tưởng đã có những lời nói công kích thẳng thừng chính quyền và báo động về những tình trạng sa sút bi thảm của văn nghệ hiện nay.

Tuy vậy, bà Tuệ Mai không bị một hậu quả nào của chính quyền mặc dù trong công luận không phải là tất cả đều đồng ý với lời nói tuy can đảm nhưng chưa phải là hữu lý tuyệt đối.

Cũng phải nên ghi nhận thêm là trong năm 1966 có giải thưởng văn chương thứ hai là giải thưởng về truyện dài của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Nhà văn Lê Tất Điều đã đoạt giải với tiểu thuyết : “Đêm Dài Một Đời”.

Sau một thời gian không liên tục, Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1966 đã tạo ra nhiều thắc mắc trong văn giới và công luận. Trong bối cảnh mà những xáo trộn chính trị làm đời sống dân chúng chịu ảnh hưởng thì đó có phải là một biểu hiện của một xã hôi đang trong cơn sốt chiến tranh. Tình trạng lạm phát kinh tế, chiến tranh tăng cường độ khốc liệt cũng như sự hiện diện của những lực lượng quân đội ngoại quốc đã tạo thật nhiều biến động cho đời sống hàng ngày. Và văn học cũng phải chịu quy luật chung ấy…

GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 1967-1969 CỦA TỔNG THỐNG VNCH

Kết quả Giải Văn Học Nghệ Thuật 1967-1969 về các bộ môn: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn học .. đã được công bố vào cuối năm 1969 đầu năm 1970.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giai-van-chuong-toan-quoc1967-1969.jpg?w=640

(Các tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật 1967-1969
của Tổng Thống VNCH)

– Bộ môn Văn: 

* giải nhất truyện dài “Má Hồng” của Đỗ Tiến Đức;
* giải nhì tập truyện “Y Sĩ Tiền Tuyến” của Trang Châu;
* giải ba hồi ký “Trại Đầm Đùn” của Trần Văn Thái.

– Bộ môn Thơ: 

* giải nhất đồng hạng “Lời Gửi Cây Bông Vải” của Trần Tuấn Kiệt và “Tình Biển Nghĩa Sông” của Hoàng Thoại Châu;
* giải nhì không có;
* giải ba đồng hạng “Trên Quê ta Đó” của Tường Linh và “Nước Mắt Quê Hương” của Lê Minh Ngọc.

– Bộ môn Biên khảo: 

* giải nhất tác phẩm “Cười” của Dương tấn Tươi;
* giải nhì tác phẩm “Văn Học Chu Tần” của Trần Trọng San;
* giải ba tác phẩm “Những Hàng Châu Ngọc Trong Thi Ca Việt Nam” của Huy Trâm.

– Bộ môn Kịch: 

* giải nhất không có;
* giải nhì đồng hạng “Cơn lốc” của Nguyễn Tinh Vệ (tức Diệu Tần sau này ở hải ngoại) và “Phút Quyết Định” của Thanh Hiệp;
* giải ba: “Hoa cỏ” của Trương Thủy.

(Các tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật 1967-1969 của Tổng Thống VNCH)

GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 1970 CỦA TỔNG THỐNG VNCH

Lần này, Giải thưởng mở ra nhiều ngành cho nhiều bộ môn. Về biên khảo có biên khảo về các vấn đề văn hóa, phê bình, lý luận văn học, triết học biên khảo, Việt sử, tham luận chính trị đông tây. Rồi ca kịch, hôi họa, điêu khắc. Âm nhạc có giải về thể nhạc Tây phương, về thể nhạc cổ truyền. Nhiếp ảnh có ảnh đen trắng, ảnh màu, Điện ảnh có giải thưởng về phim truyện, giải thưởng về phim tài liệu phóng sự.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giaivanhocnghethuat-1970.jpg?w=640

(Các tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật 1970
của Tổng Thống VNCH)

– Bộ môn Biên khảo:

* về các vấn đề văn hóa phê bình, lý luận văn học, triết học thì giải nhất, nhì, ba không có chỉ có giải khuyến khích với tác phẩm “Nguyên Thủy” của Lê Chí Thiện.
* Biên khảo Việt sử giải nhất tác phẩm “Lịch Sử Nội Chiến VN từ 1771 đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường.
* Biên khảo tham luận tư tưởng chính trị đông tây giải nhì với “Kiến Quốc Cơ Bản Luận” của Vũ Tiến Phúc.

– Bộ môn Văn với :

* giải nhất truyện dài “Những Sợi Sắc Không” của Túy Hồng;
* giải nhì tác phẩm “Khung Rêu” của Nguyễn Thị Thụy Vũ;
* giải ba hồi ký “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhã Ca.

– Bộ môn Thơ : 

* giải nhất “Sầu Ở Lại” của Tạ Ký;
* giải nhì “Còn Gì Cho Anh” của Hà Huyền Chi;
* giải ba “Mưa Quê Hương” của Thế Viên ;
* giải khuyến khích: “Sương Giá Biên Thùy” Thần Liên Lê Văn Tất; “Gởi Hồn Cho Đá” của Nguyễn Đăng Doanh; và “Trên Đường Gió Bụi” của Lê Xuân Giáo.

– Bộ môn Kịch Nói: 

* không có giải nhất;
* giải nhì là vở “Hàn Mặc Tử” của Đinh Xuân Hòa;
* giải ba đồng hạng: “Người Cha” của Trần Minh Đại; “Mất Tiền Mua Đổi” của Đỗ Đức Tiến; “Ra Đi Vì Nước” của Lê Thị Minh.

Năm 1970, Trung tâm Văn Bút cũng đã trao giải thưởng về Thi Ca với hai giải đồng hạng: “Sầu Tuổi Đá” của Tường Linh và “Trái Tim Còn lại” của Hoàng Lộc. Giải Biên khảo của Trung tâm Văn Bút có giải khuyến khích với tác phẩm “Lịch Sử Người Việt Tại Kampuchea từ năm 1853 đến 1970” của Lê Hương.

(Các tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật 1970 của Tổng Thống VNCH)

GIẢI TUYÊN DƯƠNG SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG HỌC THUẬT VÀ MỸ THUẬT NĂM 1972.

Giải thưởng Văn học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1972 được đổi tên là Giải Tuyên Dương Sự Nghiệp Văn chương Học Thuật và Mỹ Thuật và gồm có ba giải: Văn chương (thơ, tiểu thuyết, kịch..) Học thuật (nghiên cứu, khảo luận..) và Mỹ thuật (nhạc , họa, điêu khắc, nhiếp ảnh,..) nhằm mục đích tuyên dương toàn bộ sự nghiệp xuất sắc của văn nghệ sĩ đã có địa vị vững vàng hoặc vạch ra định hướng độc đáo khả dĩ góp phần phát huy văn hóa Việt Nam. Hội đồng tuyển trạch do học giả Giản Chi Nguyễn Hữu Văn làm chủ tịch và các thành viên như giáo sư Bùi Xuân Bào, nhạc sĩ Lê Thương, họa sĩ Lưu Đình Khải, kiến trúc sư Nguyễn văn Quyện, nhà văn Võ Long Tê, giáo sư Nghiêm Toản.

Kết quả là giải được trao tặng cho nhà thơ Vũ Hoàng Chương giải Văn chương, nhà biên khảo Thiên Giang Nguyễn Duy Cần cho giải Học thuật và họa sĩ Nguyễn văn Anh (tức Nguyễn Anh) cho giải Mỹ thuật.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giaituyenduongvanchuonghocthuatmythuat1-1972.jpg?w=640

Kiến Trúc Sư Nguyễn Văn Quyện (ngồi ngoài cùng bên phải)
là một trong nhiều vị Giám Khảo
của Giải Tuyên Dương Sự Nghiệp Văn chương Học Thuật và Mỹ Thuật
năm 1972

GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 1973.

Giải thưởng Văn học Nghệ Thuật do Tổng Thống VNCH sáng lập từ năm 1970. Việc tuyển chọn và chấm giải do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa giáo dục tổ chức với hai bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên phối hợp thi hành. Những tác phẩm dự thi chỉ do các tác giả gửi tới chứ không tuyển chọn trong các sách đã xuất bản để tránh tình trạng được giải mà không nhận khiến cho giá trị giải thưởng vị giảm sút như đã có nhiều trường hợp đã xảy ra.

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/04/giaivanhocnghethuat-1973.jpg?w=640

(Các tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật năm1973)

Hội đồng chấm giải bộ môn Văn do nhà văn Bình Nguyên Lộc làm chủ tịch với các thành viên: Nhật Tiến, Võ Phiến, Sơn Nam, Nguyễn Thị Vinh.

Tác phẩm trúng giải:

– Thể loại Tiểu thuyết giải chính thức “Áo Mơ Phai” của Nguyễn Đình Toàn

– Thể loại Tuỳ bút, Hồi ký, phóng sự: giải khuyến khích “Đường Đi Không Đến” của Xuân Vũ Bùi Quang Triết.

Bộ môn Thơ với hội đồng chấm giải do nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải làm chủ tịch và: Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân, Bàng Bá Lân và Mộng Tuyết là thành viên.

– Tác giả trúng giải chính thức về thể loại Thi tập là Du Tử Lê với tác phẩm “Thơ Du Tử Lê”.

– Thể loại Trường thiên: giải chính thức là Phạm Thiên Thư với “Đoạn Trường Vô Thanh”

Bộ môn Kịch Nói với hội đồng chấm giải nghệ sĩ Năm Châu Nguyễn Thành Châu làm chủ tịch và các thành viên: Vi huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Đỗ Văn Rỡ, Tam Lang Vũ Đình Chí.

Giải thưởng Kịch:

* thể loại văn xuôi “Buổi Tập Kịch”, bản thảo của Phạm Đức Thịnh.
* thể loại Kịch thơ: không có. 

Ngoài ra còn có các hội đồng chấm giải về ca kịch, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh. Tổng cộng giải Văn học Nghệ thuật năm 1973 có 10 bộ môn và chia ra làm 25 thể loại khác nhau.

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1973 đã để lại nhiều dư âm trong công luận. Như việc chọn lựa thiên hồi ký “Đường Đi Không Đến” đã gây ra sự việc là tác giả Phan Nhật Nam của “Mùa hè Đỏ Lửa” đã viết lá thư riêng đăng trên nhật báo Sóng Thần để nêu ra những thắc mắc của ông về giải thưởng Văn học về bộ môn này. Nhà văn Nhật Tiến trong Hội đồng Tuyển chọn đã viết thư trả lời đăng trên nhật báo Hòa Bình để giải tỏa những thắc mắc trên và gây sự thông cảm hiểu biết trong giới cầm bút.

Cũng như về giải thưởng về thơ có sự hiểu lầm giữa nhà thơ Hoàng Trúc Ly và Du Tử Lê. Không hề có sự kiện nhà thơ Hoàng Trúc Ly được tuyển chọn từ vòng đầu đến vòng cuối và giờ chót thì có sự thay đổi bằng Du Tử Lê. Một thành viên trong Hội đồng chấm giải đã khẳng định như vậy. Cũng như những giải thưởng Văn học khác, dĩ nhiên có sự bẽ bàng giữa người được giải và người không được giải. Những giải văn chương lớn trên thế giới cũng có những chuyện tương tự như thế…

TỔNG KẾT

Để tạm tổng kết bài viết đã trình bày ở trên, chúng tôi xác nhận đây chỉ là những chi tiết mà chúng tôi tìm kiếm và góp nhặt từ các tạp chí văn chương thời trước năm 1975 như Bách Khoa, Văn Học, Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Văn Hữu…Dĩ nhiên, là góp nhặt nên không thể đầy đủ được. Dẫu sao, trong cố gắng để làm rõ nét hơn những sinh hoạt văn chương của một thời. Hai mươi năm văn học miền Nam là một thực thể của văn hóa dân tộc dù chính quyền Cộng sản cố tình bôi xóa và triệt hủy nhưng cũng chẳng thể thành công.

Với tấm lòng yêu sách vở và biết ơn với những đóng góp của các nhà văn, nghệ sĩ làm đẹp cho đất nước, tôi tìm trong rừng sách vở để có những chi tiết hầu biểu lộ một nền văn học có nhiều đặc tính khác biệt hẳn với văn học miến Bắc trước năm 1975 và ở trong nước sau này.

Tôi mong ước sẽ viết được một bài viết kế tiếp để đi sâu vào văn nghiệp cũng như chân dung của những tác giả trong danh sách những người đoạt giải thưởng qua những thu góp tìm tòi trong những sách vở tạp chí văn chương mà tôi đã đọc. Ở đó, tôi tìm thấy những cảm xúc và nhận định của những người đồng thời cùng trong một thời điểm qua những bài viết, những câu trả lời phỏng vấn đăng tải trên báo chí thời đó. Và như thế, tôi mường tượng rằng những nhà văn đã sống, đã viết, đã nghĩ như thế nào trong lúc đó.

Đầu năm, qua những trang sách giở, tôi tìm về một thời đại xưa của những nhân dáng cũ từ ba mươi mấy năm về trước…

Nguyễn Mạnh Trinh

https://baovecovang2012.wordpress.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét