Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón tại Khu nghỉ dưỡng Biển Đen ở Sochi của Nga ngày 16/9/2018. Sau hai lần bỏ phiếu trắng, Việt Nam quyết định chống lại việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/4 ở New York.
Việc Việt Nam bỏ phiếu chống lại nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ được cảnh báo là có thể khiến mối quan hệ của Hà Nội với phần còn lại của thế giới rơi vào lâm nguy
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì những cáo buộc rằng binh lính Nga giết hàng trăm thường dân ở Bucha của Ukraine, Moscow cảnh báo các nước rằng một lá phiếu “đồng ý” hoặc “trắng” đối với sự thúc đẩy của Mỹ để loại bỏ Nga sẽ được coi là một “cử chỉ không thân thiện” và sẽ gây hậu quả cho quan hệ song phương.
Việt Nam, sau hai lần bỏ phiếu trắng vào tháng trước khi Hội đồng Bảo an LHQ tìm sự đồng thuận để lên án Nga vì cuộc xâm lược ở Ukraine, đã bỏ phiếu chống trong cuộc biểu quyết lần thứ 3, mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield gọi là “khoảnh khắc lịch sử.” Dù có 24 nước không ủng hộ nghị quyết được Mỹ thúc đẩy hôm 7/4, trong đó có Việt Nam, nhưng có đến 93 quốc gia bỏ phiếu tán thành, vượt quá mức tối thiểu cần thiết 2/3 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ ở New York – trong đó 58 phiếu trắng không được tính – để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới. Nga trở thành quốc gia thứ hai trong lịch sử, sau Libya, bị loại khỏi hội đồng này.
“Tôi không ngạc nhiên bởi vì Việt Nam có một mối quan hệ lâu dài với Nga kể từ thời chiến tranh (chống Mỹ),” Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ chuyên về chính trị và an ninh Đông Nam Á, nói. “(Việt Nam) có quan hệ ngoại giao với Nga ở mức cao nhất (tức đối tác chiến lược toàn diện) và rõ ràng Nga đóng vai trò quan trọng đối với (Việt Nam) trong việc hiện đại hóa quân sự.”
Ngoài Nga, chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược toàn diện còn lại của Việt Nam, và Moscow cung cấp phần lớn vũ khí cho Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua.
Điều này có thể khiến cho Việt Nam mất đi một trong những cuộc gặp mặt bên lề với Tổng thống Biden trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN đã được lên kế hoạch và nó sẽ không giúp ích gì cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.
GS Zachary Abuza, Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ
Giải thích về quan điểm của Hà Nội ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm 7/4, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang nói rằng các quyết định của các cơ quan tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động và mọi quyết định của Đại hội đồng LHQ “cần dựa trên thông tin được kiểm chứng.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ thảm sát ở Bucha là giả tạo trong khi chính phủ Đức nói có bằng chứng cho thấy quân Nga gây ra vụ thảm sát này. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông Putin là “tội phạm chiến tranh” và kêu gọi xét xử người đứng đầu nước Nga.
Dù khẳng định rằng Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, nhưng ông Giang, người đứng đầu Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, cho rằng “cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan.”
Quyết định của Việt Nam bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ được cảnh báo là có thể khiến mối quan hệ của Hà Nội với phần còn lại của thế giới rơi vào thế lâm nguy.
“Việt Nam, bằng cách không chỉ bỏ phiếu trắng mà là bỏ phiếu cho quan điểm của Nga, sẽ gây tổn hại tới các mối quan hệ với Liên minh châu Âu, Úc, Nhật Bản và Mỹ,” GS Abuza, nhà phân tích hàng đầu về chính trị và an ninh Đông Nam Á, nói. “Và điều này có thể khiến cho Việt Nam mất đi một trong những cuộc gặp mặt bên lề với Tổng thống Biden trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN đã được lên kế hoạch và nó sẽ không giúp ích gì cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.”
Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, ban đầu được dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 nhưng sau đó bị hoãn lại vì thời điểm không phù hợp cho lãnh đạo của khối 10 nước Đông Nam Á cùng tới Washington tham dự, đã được lên kế hoạch lại vào 12-13 tháng sau. Việt Nam chưa cho biết ai sẽ tham dự hội nghị tại Nhà Trắng vào tháng sau nhưng thủ tướng của các nước ASEAN dự kiến sẽ là người đại diện tham dự. Các lãnh đạo của khối sẽ gặp mặt trực tiếp Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại thượng đỉnh mà giới quan sát xem là nhằm tăng cường mối quan hệ với khối ASEAN để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Khang, ứng viên tiến sỹ tại Khoa Chính trị học của Trường Đại học Boston, việc Việt Nam bỏ phiếu chống lại việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ dường như sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam một cách công khai. Theo ông Khang, Mỹ hạ thấp tác động của quyết định bỏ phiếu “chống” của Việt Nam với sự thấu hiểu rằng Việt Nam đang ở trong một tình thế khó khăn.
Rõ ràng Việt Nam là một nước có một mối quan hệ lâu dài với Liên bang Xô viết và Nga. Quân đội của họ rất khăng khít với quân đội Nga Đồng thời, (Việt Nam) đang phải vật lộn với điều này.
Derek Chollet, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ
Ông Khang đưa ra nhận định này sau khi cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet, người vừa có chuyến thăm tới Việt Nam và Philippines trong chuyến công du Đông Nam Á, cho biết rằng Mỹ sẽ không đánh đồng các nước như nhau, nếu có quốc gia bỏ phiếu trắng, vì cuối cùng thì Nga đã bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền.
“Rõ ràng Việt Nam là một nước có một mối quan hệ lâu dài với Liên bang Xô viết và Nga. Quân đội của họ rất khăng khít với quân đội Nga,” ông Chollet nói trong một cuộc phỏng vấn với The Diplomat. “Đồng thời, (Việt Nam) đang phải vật lộn với điều này. Họ có thể liên hệ nhiều mặt với hoàn cảnh của người dân Ukraine cũng như sự kiên cường dũng cảm của người dân Ukraine trước sự tấn công dữ dội của một nước láng giềng lớn hơn rất nhiều lần.”
Theo GS Abuza, Mỹ hiểu được rằng Việt Nam có mối quan hệ lịch sử với Nga nhưng Hoa Kỳ có thể thất vọng nếu Việt Nam tiếp tục ủng hộ Nga khi Mỹ đang trở thành đối tác thương mại và an ninh hàng đầu của Việt Nam.
“Mỹ hiểu rằng (Việt Nam) là một nước độc tài và sẽ bỏ phiếu theo những quốc gia độc tài khác,” GS Abuza, tác giả cuốn sách “Đổi mới Chính trị ở Việt Nam Đương đại” (Renovating Politics in Contemporary Vietnam), nói.
Ba lần bỏ phiếu của Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine cách đây gần 2 tháng, đều trùng khớp với quyết định của Trung Quốc. Sau hai lần bỏ phiếu trắng, Trung Quốc, nước phản đối các chế tài của Mỹ và phương Tây áp lên Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine, hôm 7/4 cũng bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.
“Chúng tôi không phải là không biết điều đó nhưng chúng tôi muốn nhắc nhở Việt Nam rằng tương lai và sự thịnh vượng kinh tế của (Việt Nam) gắn liền hơn với Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản,” GS Abazu nhận định và cho rằng ngoài vũ khí ra, Nga “không có ý nghĩa gì với Việt Nam về mặt kinh tế” trong khi Mỹ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam.
Trong khi thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt hơn 110 tỷ USD vào năm ngoái thì con số này giữa Việt Nam và Nga là 7,1 tỷ USD. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington trở nên gắn bó hơn trong những năm gần đây khi có những mối quan ngại song trùng trước sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Việt Nam cũng trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực để kiềm tỏa sức mạnh của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Vì tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội trong chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên mặc dù Việt Nam vẫn đang tiếp tục mua vũ khí của Nga, nhưng chính quyền Tổng thống Trump và Biden đã không đưa Hà Nội vào danh sách bị trừng phạt theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Chính quyền Biden kêu gọi các quốc gia “đứng về phía lẽ phải của lịch sử” khi chọn cách ủng hộ hay chống đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và theo GS Abuza, Mỹ có nhiều đòn bẩy để trừng phạt Việt Nam nếu muốn trong khi Nga không thể làm được điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét