Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Trứng Phục sinh pysanky

Trứng Phục sinh pysanky truyền thống của Ukraine tại Viện bảo tàng Pysanka ở Kolomyia, vùng Ivano-Frankivsk, Tây Ukraine (ảnh: Yurii Rylchuk / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) 

Đầu thập niên 1970, một tạp chí ở Nam Việt Nam, hình như là Thời Nay, có một bài về trứng Phục Sinh kèm theo ảnh của những quả trứng có họa tiết, hoa văn linh động, màu sắc rực rỡ. Những quả trứng này là pysanka (số ít) hay pysanky (số nhiều) có nguồn gốc từ Ukraine. Thật ra có rất nhiều quốc gia Đông Âu, như Ba Lan, Cộng hòa Czech, và Belarus cũng có nghệ thuật vẽ trứng, nhưng Ukraine được xem là nguồn gốc nghệ thuật pysanky. Ukraine trong hơn trăm năm bị sáp nhập vào Nga, không được sử dụng ngôn ngữ Ukraine, bị cấm đàn bandura, bị tàn sát diệt chủng, ngay cả pysanky cũng bị ngăn cấm đến suýt nữa nghệ thuật này cũng biến mất. 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/kaja-reichardt-5gYBfEx7kwg-unsplash-scaled.jpg

Ảnh: kaja-reichardt-unsplash 

Tại sao chào đón lễ Phục sinh bằng trứng màu?

Phục sinh là một trong những lễ rất quan trọng của Thiên Chúa Giáo, bên cạnh lễ Giáng sinh. Ngày lễ Phục sinh nhiều cửa hàng siêu thị đóng cửa, hoặc cho nhân viên về sớm để mừng lễ. Nhiều gia đình có thói quen tổ chức tiệc họp mặt đại gia đình. Trẻ em và người lớn mặc quần áo mới đẹp. Trứng nhuộm màu pastel được treo trên cây để trang trí. Kẹo chocolate giả thành hình quả trứng được đem giấu như kho tàng cho trẻ em săn lùng.  Nhưng tại sao trứng có liên quan đến lễ Phục sinh?

Người Ukraine thời cổ xưa thờ thần Mặt trời Dazhboh. Mặt trời là nguồn ánh sáng sưởi ấm quả đất, và do đó, là nguồn sống. Chim được xem là sự sáng tạo của thần Mặt trời vì chỉ có chim mới có thể đến gần thần Mặt trời. Người Ukraine cổ xưa tin rằng có bàn tay của đấng tối cao trong sự sáng tạo ra nguồn sống trong quả trứng. Loài người không đến được gần thần, cũng không đến gần chim được, nhưng có sự liên kết với thần nhờ nhặt được trứng chim. Trứng mang mầm sống của chim và do đó tượng trưng cho mầm sống của cuộc đời.  Khi vừa qua khỏi mùa Đông, vạn vật như bừng sống trở lại, cũng là lúc trứng chim nở ra con; do đó, trứng là biểu tượng của sự duy trì nguồn sống và của sự tái sinh.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1236766950.jpg

Viện bảo tàng Pysanka; Kolomyia, Ivano-Frankivsk, Tây Ukraine (ảnh: Yurii Rylchuk / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1316158905.jpg

Mẫu pysanky của họa sĩ Helen Badulak (ảnh: Susan L. Angstadt/MediaNews Group/Reading Eagle via Getty Images) https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1236766655.jpg

Trong Viện bảo tàng Pysanka; Kolomyia, Ivano-Frankivsk, Tây Ukraine (ảnh: Yurii Rylchuk / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) 

Pysanky đã có rất lâu đời, trước khi Thiên Chúa Giáo vào Ukraine vào khoảng năm 988.[1]  Với sự phát triển của Thiên Chúa Giáo, niềm tin vào Dazhboh và các vị thần linh dần dần được thay thế bằng Jesus. Pysanky trở thành biểu tượng của lễ Phục Sinh.

Nhiều năm bị cấm đoán vì xung đột chính trị và tôn giáo với Nga, pysanky gần như bị tận diệt. Người Ukraine di dân mang pysanky đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ, và nghệ thuật này được lưu truyền. Những viện bảo tàng lưu trữ pysanky cũng bị phá hủy bởi chiến tranh và bởi nhà cầm quyền Liên Xô. Mãi đến năm 1991, khi Ukraine trở nên độc lập, nghệ thuật này mới được khôi phục. Ở New York có viện bảo tàng Ukraine. Và ở Ukraine có viện bảo tàng pysanky, sẽ được đề cập sau.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239577670.jpg

Nghệ thuật vẽ pysanky rất tỉ mỉ và công phu (ảnh: Aimee Dilger/SOPA Images/LightRocket via Getty Images) https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239577221.jpg

Nghệ thuật chế tác pysanky (ảnh: Aimee Dilger/SOPA Images/LightRocket via Getty Images) 

Phân biệt vài loại pysanky

Pysanky bắt nguồn từ chữ pysaty có nghĩa là viết.

Pysanky đơn giản là trứng trang hoàng nghệ thuật nhưng chữ pysanky khiến người ta nghĩ ngay đến loại trứng được vẽ nhiều họa tiết có màu sắc rực rỡ được làm bằng phương pháp batik – nhuộm bằng sáp màu và cạo lớp sáp để bộc lộ màu sắc của quả trứng. Có nhiều loại pysanky, chỉ một vài loại được nêu ra ở đây.

Krashanky: Trứng chín và nhuộm chỉ một màu. Loại màu này tươi sáng được làm bằng thảo mộc, hay vỏ củ hành. Trứng được chúc phép và ăn vào lễ Phục sinh.

Pysanky: Trứng sống được vẽ lên bằng sáp màu theo phương pháp batik với dụng cụ đặc biệt gọi là stylus hay kistka. Trứng làm bằng gỗ và trứng bọc cườm cũng được gọi là pysanky.

Krapanky: Trứng tươi, trang hoàng bằng những dấu chấm bằng nhỏ bằng sáp ong. Đây là loại pysanky đơn giản nhất.

Dryapanky: Trứng được nhuộm bằng sáp màu và cạo bỏ lớp sáp để lộ một phần vỏ trắng bên dưới lớp sáp.

Malyovanky: Trứng được vẽ tay bằng sơn màu hay màu nước.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1232591016.jpg

Một quả trứng pysanka cao 1.5m tại quảng trường Nezalezhnosti, Vinnytsia, Ukraine – dịp Phục sinh 2021 (ảnh: Oleksandr Lapin/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) 

Pysanky tìm thấy trong khảo cổ học

Nghệ thuật pysanky và krashanky bắt nguồn từ Ukraine từ thời cổ xưa. Loại pysanky làm bằng vỏ trứng tươi không tồn tại vì dễ vỡ. Một số trứng làm bằng gốm được tìm thấy gần làng Luka Vrublivets’ka trong vùng đất khảo cổ Trypillian (thuộc vào thời kỳ thứ năm cho đến thứ ba trước Thiên Chúa). Những quả trứng này là đồ trang hoàng, giống như cái lục lạc, bên trong quả trứng bằng gốm có hòn đá nhỏ, khi lúc lắc sẽ nghe tiếng leng keng, được dùng để đuổi tà ma.

Phần lớn pysanky tìm thấy ở Ukraine gồm có trứng bằng gốm, vẽ những nét màu xanh và vàng trên nền sậm. Nhiều pysanky được tìm thấy trong mộ của người lớn lẫn trẻ em. Trứng gốm tìm thấy ở Kyivan Rus’ có kích thước nhỏ hơn, được làm bằng đất sét đỏ, có nhuộm màu nâu, xanh lá cây, hay vàng, sọc vàng và xanh.

Quả trứng pysanka lâu đời nhất được tìm thấy ở Lviv năm 2013, trong một hệ thống chứa nước từ thế kỷ 15 hay 16. Nó là trứng ngỗng có vẽ hình những đợt sóng, vẫn còn nguyên vẹn khi tìm thấy. Quả trứng lâu đời thứ nhì được tìm thấy ở Baturyn năm 2008, có tuổi đời vào thế kỷ thứ 17. Baturyn là thủ đô của người Cossack Mazepa, bị tàn phá năm 1708 bởi đạo quân của Nga Hoàng Peter. Toàn thể quả trứng được tìm thấy, nhưng tiếc thay, đã bị vỡ.  Đây là vỏ trứng gà, được vẽ lên những mẫu hình học trên nền có màu xanh và xám.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1209949938.jpg

Trứng Phục sinh pysanky tại Vyzhnytsia, vùng Chernivtsi, Tây Ukraine – dịp Phục sinh 2020 (ảnh: Yurii Rylchuk/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) 

Huyền thoại về pysanky

Huyền thoại Ukraine kể rằng trong vũ trụ có một quả trứng khổng lồ xuất hiện. Quả trứng được xiềng vào núi đá. Người ta tin rằng trứng này có thể dùng để chữa lành bệnh và vết thương, bảo vệ, mang đến sự may mắn và giàu có. Hễ trứng còn thì người còn. Niềm tin này là lý do nghệ thuật pysanky được bảo vệ và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Hutsuls – người dân tộc sống trên núi Carpathian phía Tây Ukraine, cho rằng vận mệnh thế giới tùy thuộc vào pysanky. Khi nào nghệ thuật viết vẽ lên vỏ quả trứng còn tồn tại thì thế giới còn tồn tại. Nếu vì lý do gì đó phong tục này bị chấm dứt, quỉ sứ dưới hình dáng một con rắn khổng lồ bị giam giữ ở một triền núi sẽ xổng ra và phá hoại cả thế giới. Mỗi năm con rắn quỉ thả ra rất nhiều rắn con để xem bao nhiêu pysanky được làm ra. Nếu số pysanky tăng, thế giới sẽ ổn định và con quỉ dữ tiếp tục bị giam cầm.

Truyện xưa kể rằng có người bán hàng rong tên Simon đã giúp Jesus vác thánh giá suốt chặng đường đến Calvary. Simon để hàng hóa của ông bên lề đường và khi ông quay trở lại, tất cả những quả trứng đều biến thành những quả trứng được vẽ đầy những họa tiết có màu sắc linh động và rực rỡ. Pysanky!

Cách sử dụng pysanky

Pysanky, vì đòi hỏi nhiều công sức và thì giờ, chỉ làm quà tặng cho người thân trong gia đình và làm lễ vật tặng những người mình kính trọng. Pysanka là món quà tượng trưng cho đời sống, do đó phải là quả trứng phải còn nguyên vẹn. Màu sắc và họa tiết trên quả trứng cũng rất quan trọng vì bên cạnh là biểu tượng của đời sống còn là lời cầu chúc người nhận được bảo vệ, nhiều may mắn, và luôn được yêu thương. Ở trong nhà, pysanky phải được chưng bày ở nơi trang trọng nhất, được nhiều người chiêm ngưỡng nhất.

yves-cedric-schulze-RKYPRNMCBsY-unsplashwolfgang-rottmann-nXmoPR576HM-unsplashtim-mossholder-oXZ56PGNXbo-unsplashtim-mossholder-BB3HiyDQ4vA-unsplash

Ảnh: Unsplash

Họa tiết pysanky

Những họa tiết trên pysanky đều là những hình mẫu tìm thấy trong nghệ thuật dân gian của các bộ môn thêu may, họa văn trên đồ gốm, dệt vải và thảm, tranh vẽ trên tường hay treo tường. Những bức họa hay điêu khắc bằng gỗ, ngay cả những mẫu hoa văn trên kim loại nhìn thấy trên pysanky vẫn còn được dùng cho đến ngày hôm nay.

Xuất phát từ nhân gian, một họa viên có thể thiết kế một họa tiết đặt cho nó cái tên cùng với một ý nghĩa. Lưu truyền từ đời này sang đời khác, làng này sang làng khác, mỗi họa tiết có thể được thay đổi vài nét. Do đó một biểu tượng có thể có nhiều dị bản, khác tên và mang những ý nghĩa khác nhau, thậm chí có thể đối nghịch nhau. Thời cổ xưa, những biểu tượng này mang tính chất tôn giáo và huyền thoại, vì thế bị người đời sau xem như mê tín dị đoan. Niềm tin vào huyền thoại dần dần phai mờ được kể lại như một câu chuyện đời xưa. Một số họa tiết có những thiết kế căn bản như:

Thiết kế hình học-geometry bao gồm hình vuông, hình tam giác, hình tròn, hình trái tim.  Thiết kế hình dụng cụ bao gồm hình dáng dụng cụ nông nghiệp như cái cào, lược, cửa sổ, chìa khóa. Thiết kế hình hoa cỏ thiên nhiên, thú vật, biểu tượng tôn giáo, v.v…[2]

Những mẫu họa tiết thay đổi tùy theo vùng miền. Ở vùng núi Carpathian các họa tiết này thường theo mẫu hình học. Vùng núi bậc thang ở phía Đông Ukraine, các họa tiết pysanky thường là thú vật, cây cỏ, thiên nhiên, mặt trời, và trăng sao.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1198737385.jpg

Trứng Phục sinh pysanky tại Triển lãm Pysanka Thế giới tổ chức ở Kharkiv, Đông Bắc Ukraine, 2020 (ảnh: Vyacheslav Madiyevskyy/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) 

Vài nét phác họa về cách làm pysanky

Phương pháp vẽ pysanky rất phức tạp. Kỹ thuật dùng để vẽ pysanky được gọi là batik.  Trứng được nhúng vào nhiều loại màu nhuộm bằng sáp, từ màu nhạt đến màu đậm, mỗi lần nhuộm màu đều được bao phủ bằng sáp. Những lớp sáp này được cạo dần bằng một dụng cụ gọi là kitska hay stylus, để lộ ra những nét vẽ tinh vi đẹp mắt. Trứng được nhuộm bằng nhiều loại màu lấy từ cây cỏ trong thiên nhiên như hạt hướng dương, trái walnut, vỏ của lúa mạch, rong, lá cây bạch dương, v.v. Vỏ sồi, cây tần bì (ash), cành táo dại, hoa nghệ, lá liễu đều được dùng để làm ra màu nhuộm trứng. Kitska ngày xưa là một dụng cụ để dùng sáp perehynia bằng tay, do đó cần phải được liên tục hâm nóng. Ngày nay, stylus dùng bằng điện và màu nhân tạo nên công việc dễ dàng hơn xưa. [3]

Để giải thích bàn tay của Đấng Sáng tạo, người cổ xưa đã viết huyền thoại trong đó quả trứng được xem như nguồn gốc của đời sống, Mặt trời, và thế giới. Đối với người Ukraine, pysanky có quyền lực rất lớn, không chỉ ở quả trứng vì trong quả trứng có mầm sống, nhưng còn ở những họa tiết đầy màu sắc được tô vẽ lên quả trứng.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1211292412.jpg

Mùa Phục sinh 2020 tại Chernihiv, Bắc Ukraine (ảnh: Koshmal Victor/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images) https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-667209616.jpg

Trứng pysanky tại Ba Lan (ảnh: Maciej Gillert/Gallo Images Poland/Getty Images) 

Màu sắc dùng để nhuộm trứng cũng có ý nghĩa của nó. Màu đỏ tượng trưng Mặt trời, màu vàng dùng để chỉ sự giàu sang và sức sinh sản; màu xanh lục là dấu hiệu của mùa Xuân và cây cỏ. Ở Đông Âu, trứng được nhuộm màu đỏ để tượng trưng cho máu của Chúa. Người Ukraine đã mất nhiều thời gian để pysanky trở thành một nghệ thuật tuyệt hảo. Ngày nay người ta không còn xem pysanky là một thứ bùa may mắn nữa mà chỉ là một tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Mùa Xuân chính thức bắt đầu từ ngày Vernal Equinox (Xuân Phân) cho người ở Bắc Bán Cầu. Trứng được dùng để chào đón, ăn mừng lễ hội mùa Xuân. Người ta đồn rằng trong ngày Xuân Phân, quả trứng có thể đứng thăng bằng trên cái đầu nhỏ của nó. Bạn có bao giờ thử thực hiện điều này chưa?

Thời xưa, pysansky chỉ được “trang điểm” qua bàn tay phụ nữ và các cô gái nhỏ. Trứng được chọn lựa rất cẩn thận, chỉ có những quả trứng “có trống” mới được dùng, của đàn gà mới đẻ trứng lần đầu tiên. Buổi vẽ trứng được tổ chức một cách bí mật. Bên cạnh việc giữ kín bí quyết nghệ thuật, người lạ bị cấm đến gần vì người làm pysanky sợ bị yểm bùa lên trứng gây tai họa cho người nhận. Trong thời kỳ người ta theo đạo pagan, pysanky được trang trí vào mùa Xuân. Khi Thiên Chúa Giáo hoạt động ở Ukraine, những buổi làm pysanky được tổ chức trước lễ Phục Sinh.[4]

massimo-adami-LEtcB5OTLkY-unsplashboba-jaglicic-kztp-VpjlBA-unsplashashkan-forouzani-0ZJ-fIs-LF0-unsplash

Ảnh: Unsplash

Pysanka Museum 

Viện bảo tàng Pysanka được thành lập năm 2000 ở Kolomya, Ivano-Frankivska Oblast, thuộc phía Tây Ukraine. Đây là viện bảo tàng duy nhất trưng bày nghệ thuật pysanky. Phần giữa của viện bảo tàng có hình dáng như quả trứng pysanka. Bên trong viện bảo tàng cũng trang trí giống như pysanky. Viện bảo tàng chứa khoảng 10 ngàn trứng pysanky của nhiều nghệ sĩ, nhiều thời đại, và của một số nước Đông Âu lân cận như Belarus, Ba Lan, Cộng hòa Czech và một vài quốc gia khác xa hơn.

Lễ Phục Sinh năm 2022 diễn ra trong những ngày Ukraine bị Nga xâm lấn, hy vọng pysanky sẽ mang lại may mắn, và nền độc lập rất non trẻ của quốc gia này sẽ sống lâu dài.

__________

[1] Khai quật những ngôi mộ cổ ở Ukraine người ta thấy pysanky làm bằng gốm vào khoảng thế kỷ thứ năm cho đến thứ ba trước Thiên Chúa, trong khi Thiên Chúa Giáo đến Ukraine vào khoảng năm 988.

[2] https://www.pysanky.info/Symbols_NEW/Symbols.html

[3] Phỏng dịch và tóm tắt từ Wikipedia

[4] PYSANKY – Ukrainian Easter Eggs – Ukrainian Museum (NYC) Exhibits/Lectures

https://saigonnhonews.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét