Phiên phúc thẩm Lê Trọng Hùng: tòa ra bản án ‘bỏ túi’, gia đình không được thông báo
22/4/2022
Ông Lê Trọng Hùng tại phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 20/4/2022. Photo: Chụp từ màn hình của Kiểm Sát TV.
Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng vừa bị tuyên y án 5 năm tù và 5 năm quản lý tại một phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội mà không có luật sư bào chữa và gia đình không được thông báo.
Kênh Kiểm Sát TV của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao loan tin rằng phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm 20/4. Kênh này dẫn cáo trạng cho biết bị cáo Lê Trọng Hùng, 43 tuổi, đã đăng tải 7 video clip “có nội dung chống phá, xuyên tạc đường lối của nhà nước” lên Facebook, dù ông Hùng cho rằng việc đăng tải các clip là không phạm tội.
Ông Hoàng Minh Thành, đại diện Viện Kiểm Sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, cho biết việc y án bị cáo Hùng “là đúng tội, đúng người”, vẫn theo kênh Kiểm Sát TV.
“Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của bị cáo Hùng là rất nghiêm trọng vì trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia, phỉ báng chính quyền nhân dân và chế độ XHCN, gây mất ổn định trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và sự thống nhất về nền tảng, chính trị, tư tưởng của quốc gia, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân vào thể chế chính trị của nhà nước”, kênh truyền thông của Viện Kiểm Sát cho biết.
Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, hôm 22/4, nói với VOA rằng gia đình không hề hay biết gì về phiên sơ thẩm xét xử ông Hùng và không được tòa án gửi thông báo. Bà chỉ biết phiên phúc thẩm đã diễn ra theo lời của một nhân viên trại giam số 1 Hà Nội khi bà đi gửi đồ cho chồng vào buổi sáng cùng ngày.
Bà Lê Na nói:
“Với trường hợp của chồng tôi thì hoàn toàn không có tin tức nào hết. Tôi đã dự định sẽ thuê luật sư cho chồng, nhưng do không có thông tin về đơn kháng án nên tôi cũng chưa kịp thuê luật sư.
“Bây giờ có thông tin rằng họ đã xử phúc thẩm chồng tôi rồi, tôi không rõ họ tự chỉ định luật sư hay chồng tôi tự bào chữa”.
VOA đã liên lạc tòa nhân dân cấp cao tại Hà Nội để tìm hiểu thêm về phiên xử phúc thẩm ông Lê Trọng Hùng, nhưng chưa được phản hồi.
Nhận định về bản án đối với ông Hùng, bà Lê Na nói:
“Phiên tòa dành cho chồng tôi cũng như nhiều người bất đồng chính kiến khác ở Việt Nam nó hoàn toàn không dựa vào một chuẩn mực nào của luật pháp quốc tế cũng như luật pháp trong nước cả. Họ tự biên tự diễn, và bản án của họ hoàn toàn là bản án bỏ túi. Chính vì vậy mà tôi không công nhận bản án này”.
Trước đó, vào ngày 31/12/2021, trong phiên xử chưa đầy hai giờ đồng hồ, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra bản án sơ thẩm đối với ông Hùng theo điều 117 Bộ Luật Hình sự quy định về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 hồi tháng 5/2021, ông Lê Trọng Hùng, nhà đồng sáng lập kênh kênh Chấn Hưng TV hay còn có tên là CHTV - thường phơi bày vấn nạn tham nhũng trong nước, đã ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Hai tháng trước ngày bầu cử, công an Hà Nội đã bắt giam ông với cáo buộc như nêu trên.
Ngay sau phiên sơ thẩm, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã lên án bản án này và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ‘trả tự do cho ông Hùng ngay lập tức’.
Ông Daniel Bastard, người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nêu nhận định: “Bản án gây sốc 5 năm tù của Lê Trọng Hùng một lần nữa cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn thiếu độc lập và sự hạn chế của tòa đến mức nào khi thực hiện mệnh lệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền”.
Các tổ chức quốc tế như Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng lên tiếng bênh vực cho ông Hùng và kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích ông.
Slovakia bắt cựu Bộ trưởng Nội vụ, người liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
RFA
2022.4.21
Ông Robert Kaliňák, cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia hồi năm 2018 /AFP
Hôm 20 tháng 4, báo chí Slovakia đưa tin cơ quan an ninh của nước này đã bắt giữ ông Robert Kaliňák, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Ông này là người bị cáo buộc đã giúp đỡ phía công an Việt Nam trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang xin tị nạn chính trị tại Đức hồi năm 2017.
Trao đổi với đài Á châu Tự do từ thủ đô Berlin nước Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi sát sao vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cho biết thêm thông tin về vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia:
“Theo như thông tin mà tôi vừa nhận được và trao đổi với các phóng viên Nhà nước ở Slovakia thì họ nói rằng, việc ông cựu Bộ trưởng Robert Kaliňák bị bắt giữ lần này có liên quan đến hàng loạt sai phạm của ông ta trong thời gian vừa qua. Bao gồm tham nhũng, nhận hối lộ, tham gia các tổ chức tội phạm có tổ chức.
Chính vì vậy đã bị cơ quan an ninh của Slovakia chuyên trách việc theo dõi tội phạm trong đội ngũ chính trị gia và công chức của Bộ Nội vụ ra lệnh bắt giữ.”
Là người đã theo dõi sát sao vụ việc bắt cóc chấn động do cơ quan an ninh của Việt Nam thực hiện ngay giữa thủ đô Berlin, ông Lê Trung Khoa lý giải vai trò của chính trị gia người Slovakia mới bị bắt trong sự việc này:
“Vai trò của ông cựu Bộ trưởng này rất lớn, bởi vì ông ta là người nắm giữ chìa khoá giúp cho phía Việt Nam có máy bay của Chính phủ Slovakia, để chở ông Trịnh Xuân Thanh từ Bratislava sang bên Moscow, từ đó là tiếp tục về Việt Nam.
Nếu không có chuyến bay đó của Chính phủ Slovakia, và không có công hàm của Chính phủ Slovakia nói rằng ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngồi trên chiếc máy bay đó, thì nó không được bay qua không phận của Ba Lan. Và đó là sự lừa đối của ông cựu bộ trưởng này.
Nếu mà không có chuyến bay đó thì ông Trịnh Xuân Thanh gần như không thể về Việt Nam một cách an toàn trong thời gian bị bắt cóc.”
Vụ bắt cóc này được báo chí phương Tây mô tả như là một câu chuyện giả tường thời Chiến tranh lạnh để nói về mức độ khó tin của nó.
Sự kiện này cũng khiến cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức gặp nhiều sóng gió.
Đơn cử như việc Đức đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và trục xuất một số nhà ngoại giao của quốc gia Cộng Sản.
Theo nhà báo Lê Trung Khoa thì cho dù mối quan hệ Đối tác Chiến lược đã được khôi phục lại, đến tận bây giờ mối quan hệ giữa hai quốc gia vẫn chưa thực sự được hoà giải.
“Cái hiệp định miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam đã không được khôi phục, có nghĩa là từ sau vụ bắt cóc xảy ra thì tất cả cán bộ ngoại giao Việt Nam khi vào Đức, dù dùng hộ chiếu ngoại giao thì vẫn phải xin visa của Đức thì mới được phép vào.
Cái thứ hai, Chính phủ Đức hiện vẫn không khôi phục đó là hai chức danh trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Chức danh thứ nhất là đại diện Interpol của Tổng cục Cảnh sát Việt Nam, trước đây do ông Lê Thanh Hải đảm trách và có tham gia vụ bắt cóc, cho đến giờ thì chức danh đó và vị trí đó không được phía Đức đồng ý cho Việt Nam đưa sang, và nó vẫn đang để trống.
Thứ hai là đại diện Tổng cục Tình báo của Bộ Công an Việt Nam, tức là Tổng cục 5, chức danh đó cũng không được khôi phục và cái chân đó ở sứ quán Việt Nam vẫn đang để trống, vì chính người này đã tổ chức vụ bắt cóc hồi năm 2017 tại Berlin.”
Ngoài ra, theo nhà báo Lê Trung Khoa, từ khi vụ bắt cóc diễn ra đến nay, chưa một quan chức cấp cao nào của Việt Nam như Chủ tịch nước, hay Thủ tướng được mời đến thăm Đức.
Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra xét xử trong nhiều vụ án khác nhau liên quan đến các cáo buộc tham nhũng, trong đó ông đã hai lần bị tuyên án tù chung thân.
Chuyến tàu chở hàng hoá xuất khẩu đầu tiên từ Trung Quốc qua biên giới vào Việt Nam
RFA
2022.4.22
Hình minh hoạ: chuyến xe lửa chở hàng từ Nam Xương, Trung Quốc vào Việt Nam hôm 22/11/2017 /Reuters
Chuyến tàu chở hàng xuất khẩu từ Trung Quốc qua biên giới vào Việt Nam đã khởi hành từ thành phố Thành Đô, huyện Song Lưu để đến Hà Nội hôm 18/4, theo thông tin từ Cảng hàng không và đường sắt quốc tế Thành Đô (Song Lưu).
Sau khi khởi hành từ Song Lưu, chuyến tàu sẽ đi qua biên giới ở cảng đường sắt Pingxiang và đi về phía nam theo tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc và mất từ năm đến bảy ngày để đến Hà Nội.
Song Lưu hiện là cảng kết nối quan trọng ở miền tây Trung Quốc tới các thành phố lớn xung quanh, nhất là các nước trong khối ASEAN.
Chuyến xe lửa chở hàng xuyên biên giới tới Việt Nam lần này có 40 container chở đầy hàng làm từ nhôm trị giá 32 triệu Nhân dân tệ (tương đương gần năm triệu đô la) của công ty có trụ sở ở Song Lưu.
Một lãnh đạo thuộc công ty có hàng xuất khẩu trên chuyến xe lửa lần này được trích lời trong thông báo nói rằng công ty này từng xuất hàng vào Việt Nam theo đường xe tải nhưng đây là lần xuất đầu tiên bằng xe lửa. Cách làm này đã giảm 20% chi phí vận chuyển và tiết kiệm 30% thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét