Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ năm 28 tháng 4 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Tổng thống Biden sắp sửa có chuyến công du châu Á đầu tiên đến Nhật, Hàn 

28/04/2022 

Reuters 

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du châu Á lần đầu tiên vào tháng tới kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2021 và sẽ hội đàm với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và các mối đe dọa mới nhất từ Triều Tiên vốn có vũ khí hạt nhân.

“Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cơ hội làm sâu sắc thêm các mối quan hệ an ninh quan trọng của chúng ta, tăng cường quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác chặt chẽ của chúng ta để mang lại kết quả thực tế,” Tòa Bạch Ốc ra tuyên bố cho biết.

Ông Biden sẽ gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 21/5, trong chuyến thăm 3 ngày diễn ra ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Yoon vào ngày 10/5, hãng tin Yonhap đưa tin.

Tổng thống Mỹ sau đó sẽ đến Nhật Bản vào ngày 22/5 để gặp Thủ tướng Fumio Kishida, trước khi cả hai nhà lãnh đạo tham dự một cuộc họp của nhóm Bộ Tứ cùng với Úc và Ấn Độ.

Chuyến công du của ông Biden tới châu Á diễn ra vào lúc Washington đang tìm cách củng cố đoàn kết và cam kết giữa các đồng minh để đối phó với cả cuộc xâm lược Ukraine của Nga và ảnh hưởng kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Triều Tiên dự kiến sẽ là chủ đề thảo luận chính ở cả Seoul và Tokyo, do Bình Nhưỡng đang phác thảo học thuyết mở rộng mới về sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công bất cứ nước nào vi phạm ‘lợi ích cơ bản’ của Triều Tiên.

Hồi tháng trước, Triều Tiên đã nối lại thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa lần đầu tiên kể từ năm 2017, và các quan chức Seoul và Washington cho biết Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị một đợt thử nghiệm hạt nhân mới.

Ông Yoon và ông Biden sẽ tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về một loạt các vấn đề bao gồm phát triển liên minh Mỹ-Hàn, ‘phối hợp chính sách về Triều Tiên, an ninh kinh tế và các vấn đề khu vực và quốc tế lớn’, phát ngôn nhân của Tổng thống Yoon, ông Bae Hyun-jin, cho biết.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Yoon đã cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tại Tokyo, ông Biden và ông Kishida sẽ tìm cách vận dụng mối quan hệ song phương để hướng đến hòa bình và thịnh vượng hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và rộng hơn nữa, Chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno cho biết trong một cuộc họp báo.

“Cuộc xâm lược Ukraine của Nga là nỗ lực đơn phương bằng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng và là một cú sốc lớn đối với trật tự quốc tế… và điều cần thiết là tăng cường hơn nữa liên minh Mỹ-Nhật và xác minh các mối quan hệ vốn cho phép chúng tôi phấn đấu cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.”

Putin cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức và nhanh chóng nếu phương Tây can thiệp vào Ukraina

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp của Thượng Viện Nga, St Petersbourg, ngày 27/04/2022. via REUTERS - SPUTNIK 

Sau khi bị phương Tây cáo buộc « bắt chẹt » vì cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgari, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/04/2022, cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa nhanh chóng nếu phương Tây can thiệp Ukraina. 

Trong chuyến đi Saint Peterburg, theo AFP, lần đầu tiên, tổng thống Nga Putin tỏ lòng biết ơn những người lính Nga « hoàn thành nghĩa vụ và hy sinh anh dũng ở Ukraina » trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Phát biểu trước các nghị sĩ Nga, Vladimir Putin nhận định rằng phương Tây muốn « cắt Nga thành nhiều mảnh », đồng thời cáo buộc các nước phương Tây đẩy Ukraina vào cuộc xung đột với Nga. 

Trước những tuyên bố mới đây của Hoa Kỳ về việc sẵn sàng « làm mọi thứ có thể » để giúp Ukraina thắng Nga, hôm thứ Tư 27/04, Putin yêu cầu Washington ngừng gửi vũ khí cho Kiev và cảnh báo rằng các viện trợ về vũ khí cho Ukraina chỉ làm cuộc xung đột thêm căng thẳng.

« Bất kỳ thế lực nào từ bên ngoài cố gắng can thiệp vào tình hình hiện nay tại Ukraina, sẽ tạo ra những mối đe dọa chiến lược và Nga không thể chấp điều này. Họ nên biết rằng Nga sẽ phản công ngay lập tức và nhanh chóng đối với những hành động gây hấn như vậy. Chúng tôi có tất cả các phương tiện cần thiết, mà hiện nay, chỉ duy nhất Nga có. Chúng tôi không phải khoe khoang mà chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần. Và tôi muốn tất cả mọi người nhận thức được điều đó. » 

Tổng thống Nga cũng khẳng định rằng các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina sẽ « đạt được đầy đủ ». Điều này cho phép bảo đảm an ninh cho cư dân ở các khu vực ly khai thuộc miền đông Ukraina mà Nga đã công nhận độc lập từ trước khi phát động chiến dịch quân sự.

Cắt nguồn cung dầu từ Nga liệu có khả thi cho EU? 

28/4/2022 

Reuters 

Một cơ sở lọc dầu ở Đức. Đức là khách hàng mua dầu mỏ Nga lớn nhất ở châu Âu

Một cơ sở lọc dầu ở Đức. Đức là khách hàng mua dầu mỏ Nga lớn nhất ở châu Âu 

Liên minh châu Âu đang xem xét các lựa chọn nhằm cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga nằm trong gói trừng phạt kế tiếp mà EU có thể sắp áp đặt lên Moscow do hành động xâm lược Ukraine, nhưng chưa có biện pháp nào chính thức được đề xuất khi chính phủ các nước đang đánh giá tác động.

Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga là đến EU. Nếu EU cắt giảm thì Moscow sẽ bị mất đi nguồn thu lớn.

Châu Âu đã trả cho Nga 14 tỷ euro (14,94 tỷ đô la) để mua dầu Nga kể từ khi bắt đầu cái mà họ gọi là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở Ukraine hai tháng trước, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.

Các biện pháp cấm vận này cũng tác động đến EU, vì Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của khối vào năm 2020. Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga ở châu Âu.

Biện pháp rõ ràng nhất để trừng phạt Moscow là cấm nhập dầu, đi theo kiểu lệnh cấm hồi tháng trước do EU áp đặt đối với than của Nga.

Nhưng các chính phủ EU vẫn chưa đồng ý về các khía cạnh quan trọng của động thái như vậy, bao gồm khi nào nó có hiệu lực, thời gian chuyển đổi sẽ kéo dài bao lâu đối với các hợp đồng hiện tại và liệu nó có gồm tất cả các loại dầu của Nga hay không.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết họ phấn đấu ngưng nhập dầu của Nga cho đến cuối năm nay. Do đó, nếu lệnh cấm này có thể có tác động gây ngưng trệ cho chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga thì tác động này sẽ không xảy ra ngay.

Ngược lại, việc áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy quá nhanh có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế châu Âu và có thể giúp Nga tăng tổng doanh thu do giá dầu toàn cầu tăng.

Để hạn chế tác động tiêu cực đối với EU, khối này đang chạy đua tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế với mức giá vừa phải.

Họ cũng có thể lựa chọn giảm dần dần khối lượng dầu nhập khẩu từ Nga mà không cần phải cấm hẳn.

Khoảng 60% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sang châu Âu hồi năm ngoái được ký theo các hợp đồng cam kết dài hạn, khác với dầu mua trên thị trường giao ngay, vốn dễ bị cắt giảm hơn, theo JPMorgan.

Các biện pháp trừng phạt cũng có thể được áp dụng khác nhau tùy thuộc vào cách giao hàng, một nguồn tin của EU nói với Reuters, và ông tách bạch giữa dầu nhập khẩu thông qua đường ống và dầu được chở đến bằng tàu.

Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết một cách để cắt giảm nhập khẩu của EU sẽ là áp thuế đối với dầu của Nga.

Điều đó sẽ buộc Nga phải giảm giá xuất khẩu trước thuế quan để giữ mức giá cạnh tranh, khiến cho doanh thu của họ trên thực tế giảm đi, ông Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên cao cấp tại cơ quan nghiên cứu Bruegel tại Brussels, nói với Reuters.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể góp phần làm giá xăng dầu tăng thêm ở EU vốn đã phải gánh chịu lạm phát ở mức kỷ lục do giá năng lượng tăng cao.

Viêc các chính phủ châu Âu đánh thuế tiêu thụ lên dầu Nga sẽ có tác động tích cực và tiêu cực tương tự, mặc dù người dân EU chứ không phải Moscow sẽ phải trả thuế.

Tất cả các biện pháp khác để giảm nhập dầu của Nga đều có thể gây lạm phát, nhưng thuế quan và thuế tiêu thụ hết sức gây chia rẽ vì EU có thể bị đổ lỗi trực tiếp nếu việc này khiến giá cả trong khối tăng.

Nga cũng có thể phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trả đũa tiếp theo đối với EU, điều này có thể dẫn đến giá dầu thậm chí còn cao hơn.

Các nước EU cũng có thể lựa chọn cách hạn chế mức giá mà họ sẵn sàng trả cho Moscow để mua dầu.

Điều đó sẽ không vi phạm các hợp đồng dầu mỏ hiện có nếu các nước EU chỉ là ngừng mua dầu của Nga một khi đạt đến ngưỡng mà họ áp đặt cho mình.

Tuy nhiên, nếu thiếu các lựa chọn thay thế đầy đủ và có giá phải chăng, EU sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt hoặc các hoạt động kinh tế bị chậm lại.

Điều này có thể bị các đảng hoài nghi châu Âu khai thác, một rủi ro chính trị ở Pháp khi nước này sắp diễn ra cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã kêu gọi thiết lập một tài khoản ký quỹ để đưa vào các khoản tiền mà EU thanh toán dầu mỏ cho Nga và số tiền này tạm thời được giữ ở đó.

Nga chỉ có thể tiếp cận số tiền đó sau này hoặc chỉ được giải ngân cho các chi tiêu cố định, chẳng hạn như mua thiết bị y tế hay thậm chí chi trả tiền tái thiết các thành phố bị tàn phá ở Ukraine.

Điều này sẽ làm giảm các khoản thanh toán của EU cho Nga mà không nhất thiết phải giảm nhập khẩu dầu của Nga vào EU.

Tuy nhiên, nó có thể vi phạm các hợp đồng. Điều đó sẽ đặt EU vào tình thế khó xử về mặt pháp lý và có thể dẫn đến quyết định của Moscow đơn phương ngừng hoặc giảm xuất khẩu năng lượng sang EU.

Ukraina chuẩn bị đối phó với « những tuần vô cùng khó khăn » sắp tới

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov (P) họp với người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) tại một cuộc họp của nhóm hỗ trợ Quốc phòng cho Ukraina tại căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Ramstein, Đức, ngày 24/04/2022. REUTERS - KAI PFAFFENBACH 

Việc phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev có thể là một bước ngoặt mới, trong bối cảnh quân đội Nga « tập trung lực lượng để mở một cuộc tấn công lớn ở miền đông ». Ngày 27/04/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksii Reznikov, cảnh báo « những tuần sắp tới sẽ vô cùng khó khăn ». 

Từ hai tuần nay, miền đông Ukraina trở thành chiến trường ưu tiên của tổng thống Putin. Matxcơva dường như muốn nhanh chóng giành được một thắng lợi quan trọng trước ngày 09/05, dịp kỉ niệm chiến thắng phát xít. Tại miền đông, quân Nga tiếp tục oanh kích thành phố Kharkov, khiến một người chết và hai người bị thương trong ngày 27/04. Tên lửa của Nga chủ yếu nhắm vào các khu phố ở phía đông bắc và tây bắc của Kharkov, sát đường chiến tuyến.

Tại vùng Donbass, chính quyền Kiev thừa nhận quân Nga đã chiếm được một số địa phương nhỏ. Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraina duy trì cảnh giác cao độ trước đà tiến của quân Nga. Đặc phái viên RFI Oriane Verdier và Aabla Jounaïdi đã gặp một đơn vị thuộc lực lượng này ở vùng Donbass :

« Trên con đường đất nằm ở đâu đó quanh Slaviansk, ba người đàn ông mặc quân phục chờ chúng tôi. Người chỉ huy cho biết : « Rất nhiều người dân ở đây ủng hộ Nga, họ là những người ly khai. Dân cư thành phố Slaviansk được biết phần lớn theo phe ly khai. Những người này đã cung cấp tất cả vị trí của quân đội Ukraina cho phía Nga, nhưng chúng tôi vẫn cố kín đáo ».

Từ xa vẳng lại tiếng súng. Nhưng Ruzlan, người duy nhất được huấn luyện quân sự, giải thích đó chỉ là các cuộc huấn luyện. Ông nói : « Một người lính phải học cách trở thành bạn với vũ khí của mình. Khi tôi bắt đầu nghĩa vụ quân sự, trong suốt nhiều tháng, tôi sống và ngủ với khẩu súng của mình ».

Các lực lượng phòng vệ lãnh thổ, bao gồm dân thường, có nhiệm vụ hỗ trợ quân đội chính quy. Những người ở đây đều đến từ vùng Donbass và cho biết sẵn sàng hy sinh vì quê hương. Nhưng trước một mặt trận tĩnh lặng, khó mà giữ được động lực cho các nhóm quân, theo giải thích của người đội trưởng, trước đây là nhiếp ảnh gia phong cảnh.

« Không thể nói là ở đây họ buồn chán, nhưng có những người hiện đang ở mặt trận, nơi diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt. Tất cả chúng tôi tới đây để chiến đấu, thế mà hiện giờ chúng tôi chỉ đi tuần tra trong thành phố. Vì thế, tôi liên tục cố gắng động viên đơn vị của mình ».

Tuy nhiên, quân Nga cũng đã hai lần chọc thủng trận tuyến, phía đông bắc và tây bắc Slanviansk. Từ ngày 24/02, mỗi người luôn tự nhủ là tình hình có thể đảo ngược bất cứ lúc nào ».

Tại miền nam nơi thành phố Mariupol vẫn bị vây hãm, Serguei Volyna, chỉ huy Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến Mariupol cho biết « kẻ thù vẫn oanh kích ồ ạt và chặn các đơn vị của chúng tôi gần nhà máy Azovstal ». Ông kêu gọi hỗ trợ giải vây vì « tất cả sẽ chết ở đây, thường dân cũng chết với chúng tôi ». Hiện có đến 600 quân nhân bị thương và vài trăm thường dân vẫn bị kẹt trong khu vực nhà máy luyện kim Azovstal.

Còn tại thành phố Kherson, bị quân Nga chiếm đóng, người dân Ukraina biểu tình với khẩu hiệu « Kherson là của Ukraina » đã bị « lực lượng chiếm đóng ném lựu đạn hơi cay » để giải tán. Trong thông cáo ngày 27/04, quân đội Ukraina cho biết nhiều người biểu tình « đã bị thương và bị tạm giam ».

« Chiến dịch quân sự » do tổng thống Nga phát động đã bị các dân biểu Canada coi là « những hành động diệt chủng chống lại người Ukraina ». Văn bản được dân biểu Heather McPherson của Tân đảng Dân chủ (NPD, cánh tả) đã được Hạ Viện nhất trí thông qua hôm qua 27/04.

Lý giải cho khả năng chiến đấu kém của quân đội Nga

Quân đội Nga đáng lẽ phải là hàng đầu thế giới. Sau kết quả thất vọng trong chiến tranh Gruzia năm 2008, họ đã cắt giảm quy mô, đẩy mạnh đầu tư và trải qua thực chiến ở miền đông Ukraine và Syria. Nhưng cho đến nay, màn thể hiện của họ ở Ukraine là vô cùng tệ hại, khiến một số quan chức phương Tây tự hỏi liệu Nga có phải một con gấu giấy hay không. Kế hoạch tác chiến sai lầm trong khi hàng ngũ bất mãn. Rất nhiều vấn đề của quân đội — chẳng hạn như tham nhũng thâm căn cố đế, hậu cần cứng nhắc và việc không có lớp đệm hạ sĩ quan — hoàn toàn mang tính căn bản.

Một quan chức cấp cao của NATO cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận. “Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn,” ông nói. “Cả hai bên đều đang thích nghi.” Nhưng một vị tướng nghỉ hưu của châu Âu lại cho biết nó khiến ông nhớ về những chuyến thăm tới Đông Đức và Ba Lan sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ông nói: “Chúng tôi nhận ra Tập đoàn quân Xung kích số 3 [của Liên Xô] cũng chẳng có gì ghê gớm.” “Chúng ta lại một lần nữa bị tuyên truyền của họ thuyết phục.”

Công bố GDP quý đầu năm của Mỹ

Dữ liệu công bố vào thứ Năm có thể cho thấy tăng trưởng trong quý đầu năm 2022 đã giảm xuống còn 1% theo năm. Con số này giảm so với gần 7% của quý cuối năm 2021.

Nhưng nó có thể gây hiểu lầm khi quá chú trọng vào GDP. Còn nhớ GDP cuối năm ngoái lên cao phần nào nhờ tăng tồn kho bán lẻ; để rồi xuống đi khi số hàng hóa này được bán ra trong đầu năm nay. Tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi lên mức gần 3% trong phần còn lại của năm 2022.

Lạm phát, hiện ở mức cao nhất 40 năm qua, mới là vấn đề lớn. Do đó chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới. Một quý tăng trưởng nhẹ cũng sẽ không thay đổi được điều đó.

Erdogan thăm Ả Rập Saudi

Chỉ mới vài tháng trước một cái bắt tay giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và thái tử Saudi Muhammad bin Salman vẫn còn là một điều không thể tưởng tượng được. Nhưng nó sẽ xảy ra vào thứ Năm khi ông Erdogan đến thăm thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi. Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo trở nên căng thẳng từ năm 2018 vì vụ Ả Rập Saudi sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi ngay bên trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul.

Với một nền kinh tế chìm trong lạm phát 61% và đang khát dòng tiền từ nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách nối lại quan hệ. Thái tử Muhammad chỉ xuống nước sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao vụ xét xử 26 người Saudi bị cáo buộc giết Khashoggi cho Riyadh. Thái tử, được nhiều người cho là chủ mưu, chắc chắn sẽ không bao giờ nhận trách nhiệm cho tội ác này. Giờ đây mọi hy vọng về việc đưa những kẻ gây án ra công lý đã biến mất.

Tuần công bố thu nhập của các công ty dầu mỏ

ExxonMobil, Chevron và TotalEnergies sẽ báo cáo thu nhập vào thứ Năm và thứ Sáu. Tại thời điểm này năm ngoái, ngành dầu đang mỏi mòn chờ tin tốt sau khi đại dịch covid-19 làm họ lỗ hàng tỷ đô la trong năm 2020. Còn ở thời điểm hiện tại, giá dầu cao khiến các nhà phân tích đặt ra dự đoán lợi nhuận toàn ngành cao nhất kể từ năm 2008. Dầu thô Brent hiện có giá 98 USD/thùng trong quý đầu năm, cao hơn tới 18% so với ba tháng trước đó.

Nhưng liệu có kéo dài lâu? Giá dầu có thể tăng vọt trở lại nếu cuộc chiến ở Ukraine leo thang. Nhưng lãi suất tăng ở các nền kinh tế lớn có thể kéo giảm nhu cầu, và theo đó là lợi nhuận của các công ty. Sự bất định như vậy làm cho đầu tư vào khai thác trở nên kém hấp dẫn; thay vào đó, dòng tiền tăng lên có thể sẽ được chi cho mua lại cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức. Dù thế nào, thì các cổ đông đã bám trụ qua năm 2020 ít nhất cũng sẽ được đền đáp.

Liên Âu lên án Nga lấy khí đốt « bắt chẹt »

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại trụ sở LHCA ở Bruxelles, Bỉ, ngày 27/04/2022. AP - Kenzo Tribouillard 


Matxcơva quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgari, ngày 27/04/2022, ngay lập tức Bruxelles đã lên lên án hành động lấy khí đốt để bắt bí nước khác, đồng thời hứa sẽ phối hợp hỗ trợc các nước tìm nguồn cung ứng khác khí đốt Nga. 

Quảng cáo 

Bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá thông báo cắt cung cấp khi đốt của Nga cho Ba Lan và Bulgari là « sự khiêu khích » và « mưu đồ bắt chẹt ». Lãnh đạo châu Âu cho rằng qua quyết định đơn phương nói trên Nga muốn gieo rắc chia rẽ trong Liên Hiệp và bà nhấn mạnh « kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch Nga ở châu Âu sẽ kết thúc ».   

Tuy nhiên, quyết định đó liên quan chủ yếu đến những diễn biến mới về việc cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Thông tín viên Damian Vodénitcharov tại Sofia cho biết thêm thông tin :   

Thông tin đã gây trấn động Bulgari. Thủ tướng Kiril Petkov không ngần ngại dùng các từ  « bắt chẹt », « cưỡng ép », để phản ứng về việc Nga dừng cung cấp khí đốt. Khác hẳn với giọng điệu từ trước đến giờ vẫn hòa giải nể nang người « anh lớn » Nga, nước mà Bulgari lệ thuộc toàn bộ vào năng lượng hóa thạch.  

Matxcơva biện minh cho quyết định trả đũa này là do Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp, một đòi hỏi ngang ngược mới đây của Kremlin. Nhưng từ nhiều ngày qua, xuất hiện những ngờ vực xung quanh việc bán vũ khí cho Ukraina. Vũ khí đạn dược có thể sẽ được bán cho các công ty ở Mỹ, Ba Lan hay Cộng hòa Séc để sau đó được chuyển cho Ukraina. Thủ tướng Bulgari ngỏ ý sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Kiev. Đây là một chủ đề kiêng kỵ vì có thể làm dấy lên căng thẳng trong chính phủ liên minh hiện nay ở Bulgari. Về khí đốt, Sofia cuối cùng sẽ phải tìm một nhà cung cấp mới sau nhiều năm không ngớt đề cập đến vấn này.

Thủ tướng Nhật công du châu Á và châu Âu

Ông Fumio Kishida nhậm chức thủ tướng vào tháng 10/2021.

Nguồn hình ảnh, Wales News Service

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Fumio Kishida nhậm chức thủ tướng vào tháng 10/2021.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida sẽ công du ba quốc gia ở Đông Nam Á và hai nước ở Châu Âu để hội đàm nhằm tái khẳng định hợp tác với các nước trong bối cảnh Nga tham chiến ở Ukraine, chính phủ Nhật Bản cho biết hôm thứ Năm.

Trong chuyến công du kéo dài 8 ngày kể từ thứ Sáu, ông Kishida dự kiến sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Ý và Anh về cách ứng phó với cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine cũng như tăng cường hợp tác để tiến tới một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng hàng hải trong khu vực, theo hãng tin Kyodo. 

"Chúng tôi sẽ xác nhận hợp tác trong việc ứng phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm các tình hình ở Ukraine, Biển Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông), Triều Tiên và Myanmar," Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết.

Tại Indonesia, điểm dừng chân đầu tiên của ông Kishida và là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay vào tháng 11, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ gặp Tổng thống Joko Widodo.

Tại Việt Nam, ông Kishida dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trước khi sang Thái Lan, nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay, nơi ông dự kiến gặp Thủ tướng Prayut Chan- o-cha.

Được biết Nhật Bản và Thái Lan đang tìm cách ký một thỏa thuận về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, là thỏa thuận tương tự màTokyo đã ký với Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Tại châu Âu, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ thảo luận với Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson về cách ứng phó với việc Nga tiếp tục gây chiến ở Ukraine và hỗ trợ những người dân chạy nạn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Trong khi đại dịch coronavirus cản trở các cuộc gặp trực tiếp, ông Kishida, người nhậm chức vào tháng 10/2021, đã tăng cường hoạt động ngoại giao trực diện sau khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.

Thủ tướng Kishida đã đến thăm Ấn Độ và Campuchia vào cuối tháng Ba, ngay sau đó là chuyến đi tới Bỉ, nơi ông và các nhà lãnh đạo khác của G7 cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ nỗ lực nào để giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, kể như để cảnh báo các nước như Trung Quốc có thể tìm cách viện trợ cho Moscow.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết ông đang có kế hoạch thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 để tham dự hội nghị thượng đỉnh "Bộ Tứ" cũng có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Australia và Ấn Độ. 

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Biden tới Nhật Bản trên cương vị tổng thống, và hội nghị thượng đỉnh sẽ thể hiện sự hợp tác gia tăng giữa bốn nền dân chủ lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương khi họ cố gắng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào cuối tháng 11/2021.

Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh giữa những "quan ngại nghiêm trọng", ám chỉ đến các động thái gây hấn trên biển của Trung Quốc.

Hai bên khi đó đưa ra tuyên bố chung "bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình trên Biển Đông và bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam.

"Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản, sẽ đóng vai trò là trụ cột trong nỗ lực của chúng tôi nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", ông Kishida nói với báo giới sau cuộc hội đàm cùng với ông Chính.

Tại cuộc hội đàm trong chuyến thăm đó, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng do Nhật Bản sản xuất, bao gồm cả tàu sang Việt Nam.

Thủ tướng Chính khi đó nói ông vinh dự trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời đến Nhật Bản kể từ khi chính quyền Kishida ra mắt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét