Võ Thái Hà tổng hợp
Báo cáo độc lập : Từ khi xâm lược Ukraina, Nga bội thu nhờ xuất khẩu chất đốt
Ảnh minh họa : Logo tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga. REUTERS - REUTERS PHOTOGRAPHER
Theo báo cáo mới của một trung tâm tư vấn độc lập, từ khi Putin điều quân xâm lăng Ukraina, lợi nhuận của Nga về khí đốt và dầu lửa đã tăng mạnh, bất chấp lệnh trừng phạt của Tây phương. Báo cáo mới của Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (Crea) có trụ sở tại Phần Lan được công bố ngày 27/04/2022, trong bối cảnh Liên Âu tố cáo Nga bắt chẹt về « năng lượng » khi quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgari.
Đài France 24 cho biết, theo thẩm định của các chuyên gia thuộc trung tâm tư vấn Crea, trong vòng hơn 2 tháng kể từ khi quân Nga bắt đầu tấn công xâm lược Ukraina hôm 24/02/2022, Matxcơva đã thu được 63 tỉ euro từ xuất khẩu khí đốt, dầu lửa và than đá. Đứng đầu trong số các khách hàng nhập khẩu chất đốt của Nga là Liên Âu, 44 tỉ euro, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, nhiều hơn cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo của Crea cho thấy mặc dù các biện pháp trừng phạt và sự đe dọa của Tây phương nhắm vào Nga đã phát huy tác dụng : hoạt động xuất khẩu năng lượng hóa thạch của Nga đã sụt giảm mạnh từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, nhưng nghịch lý là cũng chính vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, mà giá năng lượng Nga xuất khẩu đã tăng vọt.
Thêm vào đó, nhiều nước trước đây nhập khẩu nhiều chất đốt từ Ukraina nay chuyển sang mua của Nga hoặc tăng cường nhập khí đốt của Nga, chẳng hạn Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập. Riêng mức xuất khẩu khí ga hóa lỏng của Nga sang Trung Quốc đã tăng 210% trong hơn hai tháng qua.
Còn theo AFP, hôm qua 28/04, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom thông báo lãi ròng năm 2021 (2.159 tỉ rúp) đã tăng gấp 13 lần so với năm 2020, chủ yếu xuất khẩu sang Tây Âu, nhờ kinh tế hậu Covid khởi sắc và nhu cầu chất đốt tăng.
Cuộc chiến Ukraine: Kyiv trúng tên lửa giữa lúc Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thừa nhận thất bại
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ ngày 28/04/2022
Kyiv đã bị tên lửa bắn trúng giữa lúc Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang thăm thành phố và chỉ trích Hội đồng Bảo an, tổ chức của chính mình.
Ông Antonio Guterres cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Đây là "nguồn gốc của sự thất vọng, chán ngán và tức giận to lớn" - ông cho biết.
"Tôi xin nói rõ: [Hội đồng Bảo an] đã thất bại trong việc làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn và chấm dứt cuộc chiến này." - ông Guterres phát biểu.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên được giao nhiệm vụ đặc biệt để đảm bảo hòa bình và an ninh toàn cầu.
Nhưng họ đã phải đối mặt với những chỉ trích, bao gồm cả từ chính phủ Ukraine, vì đã không hành động kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng Hai.
Nga là một trong năm thành viên thường trực của hội đồng này và họ đã phủ quyết nhiều hơn một lần cho giải pháp về cuộc xung đột này.
Ông Guterres đã phát biểu trong một cuộc họp báo chung vào tối 28/04 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người trước đây đã chỉ trích Hội đồng Bảo an.
"Tôi đến đây để nói với ngài, thưa ngài Tổng thống và người dân Ukraine, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc." - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng bênh vực tổ chức của mình, thừa nhận rằng trong khi Hội đồng Bảo an bị "tê liệt" thì Liên Hợp Quốc đang thực hiện các hành động khác.
"Liên Hợp Quốc có 1.400 nhân viên đang làm việc ở Ukraine để cung cấp hỗ trợ, thực phẩm, tiền mặt [và] các hình thức hỗ trợ khác", ông nói với BBC.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Antonio Guterres thăm một số thị trấn xung quanh Kyiv bị quân đội Nga tàn phá nặng nề
Trong cuộc họp hôm 28/04, Tổng thống Zelensky cho biết ông Guterres đã có cơ hội tận mắt chứng kiến "tất cả các tội ác chiến tranh" mà Nga gây ra ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ukraine một lần nữa mô tả hành động của Nga ở đất nước ông là "tội ác diệt chủng".
Trong chuyến thăm của người đứng đầu Liên Hợp Quốc, hai vụ tấn công bằng tên lửa đã xảy ra ở quận Shevchenko ở trung tâm của Kyiv, khiến 3 người bị thương được đưa đến bệnh viện, theo thị trưởng thành phố.
Ông Guterres cũng đã đến thăm một số địa điểm mà Ukraine cáo buộc Nga gây ra tội ác chiến tranh. Phía Moscow phủ nhận cáo buộc này.
Tại thị trấn Borodyanka, phía tây bắc của thành phố Kyiv, ông Guterres nói chuyện với các phóng viên ở trước những tòa nhà đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công và pháo kích.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết hiện trường khiến ông liên tưởng nếu nó xảy ra với chính gia đình mình sẽ như thế nào, và gọi cuộc chiến ở Ukraine là một "điều phi lý trong thế kỷ 21".
Ông Guterres cũng đưa ra lời kêu gọi nhiệt thành cứu trợ hàng ngàn người ở thành phố Mariupol, miền nam Ukraine, nơi hầu như đã bị phá hủy sau nhiều tuần hứng chịu các cuộc pháo kích nặng nề của Nga.
"Mariupol là một cuộc khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng. Hàng ngàn thường dân cần được hỗ trợ để giữ lấy mạng sống, trong số đó có nhiều người là người già, cần được chăm sóc y tế hoặc bị hạn chế khả năng di chuyển. Họ cần một lối thoát khỏi ngày tận thế." - ông Guterres nói.
Cho đến nay, Nga đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Kyiv cho phép những người bảo vệ Ukraine cuối cùng và thường dân bị mắc kẹt trong khu công nghiệp Azovstal được sơ tán.
Nhưng sau đó, ông Guterres nói với BBC rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý "về nguyên tắc" cho phép dân thường sơ tán khỏi thành phố này.
Nhưng nỗ lực sơ tán trước đây đã bị đình trệ và các quan chức địa phương đổ lỗi cho các cuộc pháo kích của Nga.
Tổng thống Mỹ yêu cầu Quốc Hội hỗ trợ Ukraina thêm 33 tỉ đô la, chủ yếu cho quốc phòng
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington DC, Hoa Kỳ ngày 21/04/2022. AP - Evan Vucci
Tăng viện trợ quân sự cho Ukraina là chủ trương của chính quyền Joe Biden. Hôm qua, 28/04/2022, tổng thống Mỹ đã yêu cầu Quốc Hội bổ sung thêm 33 tỉ đô la viện trợ cho Ukraina, trong đó 20 tỉ đô la sẽ được sử dụng để cung cấp vũ khí, tức gấp 7 lần tổng số viện trợ quân sự cho Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga.
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
« Thêm nhiều pháo, đạn dược, xe bọc thép, cùng vũ khí chống tăng, vũ khí phòng không cho Ukraina, đó là mục tiêu của Joe Biden. Đối với tổng thống Hoa Kỳ, lỗi là ở Nga. Ông nói : ‘‘Chúng tôi không tấn công Nga. Chúng tôi đang giúp Ukraina tự vệ trước sự xâm lược của Nga. Và nếu như Putin đã quyết định phát động cuộc xâm lược tàn bạo này, ông ấy có thể quyết định kết thúc. Nga là kẻ xâm lược. Và chừng nào các cuộc tấn công và những hành động tàn bạo tiếp diễn, chúng tôi sẽ tiếp tục viện trợ quân sự. »
Viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina ngày càng khiến điện Kremlin không hài lòng. Đối với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tại Ukraina, Mỹ và NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga. Ngoại trưởng Nga cũng nói thêm rằng không nên coi nhẹ nguy cơ xảy ra Đệ Tam Thế Chiến và việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng đối với tổng thống Hoa Kỳ, đó chỉ là tuyên truyền.
Tổng thống Biden nói : ‘‘Thay vì nói rằng người Ukraina được trang bị một số phương tiện kháng cự đã gây tổn thất cho họ, thì họ lại nói với người dân Nga là chính Hoa Kỳ và toàn thể khối NATO đang cố gắng tiêu diệt binh sĩ, xe tăng Nga… Không nên đưa ra những tuyên bố không cần thiết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc khả năng sử dụng chúng. Làm như thế thật vô trách nhiệm !’’.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến ủy nhiệm trở thành cuộc chiến trực tiếp, tổng thống Joe Biden cảnh báo: "Bất kể họ làm điều gì, chúng tôi cũng đều sẵn sàng" ».
Cũng ngày hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ gửi đến các nước châu Âu thông điệp trấn an, sau khi Nga ngừng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgari, do từ chối thanh toán tiền bằng đồng rúp. Ông Joe Biden cho biết rõ, sẽ không để Matxcơva « hù dọa » các nước châu Âu khi đe dọa ngừng cung cấp khí đốt.
Thụy Điển sẽ không trưng cầu dân ý về khả năng trở thành thành viên NATO
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết chính phủ không có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nếu Quốc hội nước này quyết định tiến hành xin gia nhập NATO.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc cả Thụy Điển và Phần Lan phải xem xét lại niềm tin lâu nay rằng trung lập quân sự là phương tiện tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia, và cả hai nước dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc có gia nhập NATO hay không trong vài tuần tới.
Thủ tướng Thụy Điển Andersson nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý là “ý tưởng tồi”.
“Tôi không nghĩ rằng đó là một vấn đề phù hợp cho một cuộc trưng cầu dân ý,” bà nói với các phóng viên, theo Reuters.
“Có rất nhiều thông tin về an ninh quốc gia là tối mật, vì vậy sẽ có những vấn đề quan trọng mà không thể được bàn luận [rộng rãi] trong cuộc trưng cầu dân ý như vậy.”
Quốc hội Thụy Điển đang xem xét lại chính sách an ninh với một báo cáo mới dự kiến sẽ được đưa ra vào giữa tháng Năm. Riêng đảng Dân chủ Xã hội của bà Andersson đang xem xét liệu có nên bỏ phản đối việc trở thành thành viên NATO hay không.
Với đa số trong quốc hội ủng hộ tư cách thành viên NATO, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền được coi là trở ngại lớn nhất đối với việc Thụy Điển xin gia nhập liên minh quân sự.
Lãnh đạo của Đảng ôn hòa, đảng đối lập lớn nhất, cũng đã bác bỏ lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này.
“Các cử tri … không ngây thơ về nước Nga”, Ulf Kristersson nói với nhật báo Aftonbladet vào đầu tuần này trong một cuộc tranh luận với lãnh đạo Đảng Cánh tả Nooshi Dadgostar. “Rõ ràng là các cử tri Thụy Điển đã hiểu những gì đã xảy ra vào ngày 24 tháng 2 và đã đưa ra kết luận của họ.”
Ông Dadgostar nói với tờ Aftonbladet rằng người Thụy Điển nên có tiếng nói trong quyết định này.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Demoskop trên nhật báo Aftonbladet được công bố vào ngày 20 tháng 4 cho thấy 57% người Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập NATO, tăng từ 51% vào tháng Ba.
Ngân Hà (theo Reuters)
Kinh tế Nga ổn định một cách đáng ngạc nhiên
Chiến tranh? Chiến tranh nào? Vào thời điểm Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai, ai cũng nghĩ nền kinh tế nước này sẽ sụp đổ dưới tác động của lệnh trừng phạt. Đồng rúp mất giá trong khi lạm phát tăng vọt. Nhưng kể từ đó kinh tế Nga đã tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên. Ngân hàng trung ương Nga thậm chí có thể sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng một tháng vào thứ Sáu, một điều không thể tưởng tượng nổi chỉ vài tuần trước đây.
Hiện đồng rúp hầu như đã về lại mức trước chiến tranh, và cũng không còn hiện tượng hoảng loạn rút tiền. Do đó không còn cần tăng lãi suất để thu hút vốn. Nền kinh tế thực cũng đang rất ổn: GDP theo giá thực cao hơn khoảng 4% so với thời điểm trước covid. Với việc dầu và khí tiếp tục mang về hàng tỷ ngoại tệ mỗi tháng, kinh tế Nga vẫn sẽ sống tốt.
Đức giảm dự báo tăng trưởng GDP
Đức sẽ công bố số liệu GDP quý một vào thứ Sáu. Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,2%, trong khi triển vọng cho phần còn lại của năm là ảm đạm. Tuần này, chính phủ đã giảm dự báo cho năm 2022 từ 3,6% trong tháng 1 xuống còn 2,2%, chủ yếu vì cuộc chiến ở Ukraine. Họ dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình là 6,1% trong năm nay, cao hơn nhiều so với con số đưa ra vài tháng trước.
Triển vọng cho năm tới có vẻ tươi sáng hơn một chút, với mức tăng trưởng dự kiến lên tới 2,5%. Tuy nhiên mọi chuyện còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine. Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank gần đây đã cảnh báo rằng nền kinh tế Đức có thể suy thoái 2% trong năm nay nếu chiến tranh leo thang và EU cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
AstraZeneca chuẩn bị công bố thu nhập quý
Mặc dù cung cấp hơn 2 tỷ liều vắc-xin covid-19, AstraZeneca đã kết thúc năm 2021 không được trọn vẹn. Cổ phiếu của Moderna và Pfizer tăng vọt, trái ngược hoàn toàn với đà giảm của AstraZeneca.
Nhưng hãng sẽ có tin tốt khi công bố thu nhập quý một vào thứ Sáu này. Hồi tháng 2 AstraZeneca đã báo cáo doanh thu quý cao kỷ lục, tăng 62% so với năm trước. Kể từ đó, họ nhận được một loạt phê duyệt cho các sản phẩm của mình, từ thuốc ngừa covid-19 Evusheld cho đến Lynparza, một loại thuốc điều trị ung thư vú. Các nhà phân tích kỳ vọng giá cổ phiếu của AstraZeneca, vốn đã tăng 25% kể từ đầu năm, sẽ còn tăng hơn nữa. Bản thân công ty cho biết vào tháng 2 là họ dự báo doanh thu tăng “gần hai mươi phần trăm” trong năm 2022. Các dữ liệu công bố vào thứ Sáu sẽ kiểm chứng cho tuyên bố của họ.
Bạo lực không hồi kết ở Nigeria
Kể từ khi các chiến binh thánh chiến bắt cóc 276 nữ sinh ở Chibok, miền bắc Nigeria, vào năm 2014, thế giới đã chứng kiến nỗi kinh hoàng gây ra bởi Boko Haram và tổ chức kế nhiệm của nó, Nhà nước Hồi giáo khu vực Tây Phi. Song đối với nhiều người Nigeria, các phần tử thánh chiến thật ra ít đáng sợ hơn là các băng nhóm bắt cóc giết người trên khắp đất nước – cũng như các lực lượng an ninh kém cỏi.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), có tổng cộng 4.310 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến chính trị và băng đảng ở Nigeria trong 12 tháng tính đến tháng 3. Trong đó có một nửa là do cơ quan nhà nước (2.329). Ngược lại, Boko Haram sát hại 328 thường dân. Để khôi phục hòa bình ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, nhà nước cần cảnh sát và binh lính, những người phải được đào tạo để tôn trọng nhân quyền và chịu trách nhiệm cho hành vi giết người của mình.
Dịch bùng phát dữ dội, Đài Loan vẫn quyết tâm từ bỏ chính sách Zero Covid
Người dân đi mua sắm tại một khu chợ ở Cơ Long, Đài Loan ngày 28/04/2022. REUTERS - I-HWA CHENG
Từ vài tuần nay, Đài Loan, với 24 triệu dân đang hứng chịu một đợt dịch bùng lên dữ dội. Số ca nhiễm mới thường nhật tăng vọt, ngày 28/04/2022 lên đến 11.000 ca. Nhưng chính phủ Đài Loan vẫn kiên quyết không quay trở lại chính sách Zero Covid.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre cho biết thêm chi tiết :
11.000 ca nhiễm mới trong vòng chưa đầy 24 giờ ngày hôm qua, thứ Năm. Số ca nhiễm mới một lần nữa đã phá kỷ lục ở Đài Loan. Và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) hôm thứ Ba nhắc lại là đợt bùng phát dịch lần này còn lâu mới kết thúc. Bà nói : « Tốc độ lây lan của biến thể Omicron là rất cao. Dựa vào kinh nghiệm của các nước khác, có thể nói rằng dịch bệnh ở Đài Loan còn lâu mới đạt đỉnh ».
Quả thực, từ vài tuần nay người ta đã lo ngại là có sự bùng nổ số ca nhiễm mới, nhưng chính phủ Đài Loan vẫn quyết tâm ngưng chiến lược « Zero Covid ». Tổng thống Thái Anh Văn giải thích : « Kể từ đầu năm đến nay, hơn 99% số ca nhiễm ở Đài Loan là các trường hợp không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng bệnh nhẹ, như vậy là biến thể mới này ít nguy hiểm hơn những biến thể trước. Chính vì thế, mục tiêu của chúng ta hiện nay là hạn chế các thể bệnh nặng nhưng vẫn phải duy trì nền kinh tế và đời sống xã hội của chúng ta ».
Về phía dân chúng, nhiều người hưởng ứng ở một chừng mực nào đó nhưng vẫn để ý theo dõi tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi. Tại Đài Loan, 20% những người trên 75 tuổi vẫn chưa được tiêm ngừa Covid-19. Vì thế, biên giới sẽ không được mở lại quá nhanh. Hiện thời, biện pháp cách ly 10 ngày khi nhập cảnh vào Đài Loan vẫn được duy trì.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, theo Reuters, để tránh dịch bệnh lây lan nhanh như ở Thượng Hải, chính quyền Bắc Kinh hôm nay 29/04 phong tỏa thêm nhiều khu nhà ở, trung tâm spa, thể thao, rạp phim, thư viện và ít nhất 2 trung tâm thương mại. Ngày 28/04, Bắc Kinh ghi nhận 49 ca nhiễm mới. Quận Triều Dương (Chaoyang), khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thủ đô, hôm nay bắt đầu chiến dịch xét nghiệm tầm soát diện rộng đợt 3 toàn bộ 3,5 triệu dân. Phần lớn các khu vực khác của Bắc Kinh bắt đầu tầm soát đợt 3 vào ngày mai 30/04.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét