Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Thời sự Việt Nam

42 tấn chất thải độc hại bị xả chui ở Đồng Nai  

25/4/2022 

VOA Tiếng Việt 

Công an tỉnh Đồng Nai khoan hầm bê tông chứa nước thải chưa xử lý ở xí nghiệp bóng đèn Điện Quang

Công an tỉnh Đồng Nai khoan hầm bê tông chứa nước thải chưa xử lý ở xí nghiệp bóng đèn Điện Quang 

Công an tỉnh Đồng Nai vừa khai quật hơn 42 tấn chất thải ở công ty Điện Quang vốn chuyên sản xuất bóng đèn điện sau khi doanh nghiệp này bị phát hiện lén lút xả thải ra môi trường, báo chí trong nước đưa tin.

Theo đó, số chất thải này bao gồm mảnh thủy tinh bóng đèn và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải đều có chứa thủy ngân và lưu huỳnh độc hại được khai quật trong hai ngày 22 và 23/4, trang Điện tử Chính phủ cho biết. Ngoài ra, nồng độ PH trong nước thải vượt gấp 7 lần tỷ lệ cho phép.

Các chất thải này được Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh và Công an Biên Hòa cùng phát hiện bên trong Xí nghiệp đèn ống của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Chất thải được phát hiện nằm dưới hầm bê tông bên trong xí nghiệp với 15 tấn và 27 tấn còn lại nằm ngoài sân xí nghiệp, tờ Tuổi Trẻ cho hay.

Trong lúc chất thải được giao cho một bên thứ ba xử lý, nhà chức trách tỉnh Đồng Nai tiếp tục khai quật các vị trí nghi vấn khác bên trong xí nghiệp để mở rộng điều tra, cũng theo trang Điện tử Chính phủ.

Trước đó mấy ngày, công ty đặt ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, thành phố Biên Hòa này đã bị ‘bắt quả tang’ xả thải trái phép khi ‘ba công nhân đang tiến hành tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải’.

Vào lúc bắt quả tang, công an đã tìm thấy 195 bao tải có chứa gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất và các sọt nhựa chứa gần 370 nghìn bóng đèn thải chưa kịp xử lý, theo Tuổi Trẻ. Ngoài ra, công an cũng phát hiện bên trong xí nghiệp có hai hầm bê tông ngầm dưới lòng đất bên trong khuôn viên xí nghiệp dùng để chứa chất thải chưa xử lý.

Những công nhân này đã khai trước công an rằng họ đã làm công việc tiêu hủy chất thải độc hại chưa xử lý kể từ đầu tháng Ba đến nay, trang Điện tử Chính phủ cho biết, và nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước mưa.

Xả chất thải công nghiệp độc hại chưa xử lý thẳng ra môi trường, hệ thống thoát nước, sông, ngòi, biển là một vấn nạn ở Việt Nam lâu nay với ngày càng nhiều vụ việc bị phát hiện, trong đó có vụ xả thải ra biển của nhà máy gang thép của Formosa ở Hà Tĩnh khiến cá chết hàng loạt ở nhiều tỉnh miền Trung hồi năm 2016.

Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ: Việt Nam tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo

RFA
25/4/2022

Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ: Việt Nam tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo

Hình minh hoạ: Các nhà sư tại lễ hoả thiêu Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Huế hôm 29/1/2022 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam trong năm 2021 vẫn không có gì thay đổi so với năm 2020 khi Chính phủ tiếp tục thực hiện Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cho phép các giới chức truy bức các nhóm tôn giáo không được đăng ký và những nhà hoạt động vì tự do tôn giáo.

Báo cáo Tự do tôn giáo 2022 của Uỷ Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) công bố sáng ngày 25/4 (giờ Washington DC) cho biết như vừa nêu.

Theo báo cáo, giới chức chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập bao gồm Tin lành của người H’mong, Thiên chúa giáo của người Thượng, Hoà Hảo, Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Hội thánh của Đức chúa Trời, đạo Hà Mòn.

“Chính phủ xếp các nhóm này vào các nhóm tôn giáo lạ, xấu, dị giáo và thường sử dụng lý do an ninh để đàn áp họ, khiến cho một số đạo - như Hà Mòn - đối mặt với nguy cơ bị xoá bỏ hoàn toàn” - Báo cáo của USCIRF có đoạn viết.

Theo báo cáo, tính đến tháng 4 năm 2021, Uỷ ban Tôn giáo Chính phủ của Việt Nam xác nhận 85 nhóm là “tôn giáo lạ”.

USCIRF cũng cáo buộc, trong năm 2021, giới chức chính quyền liên tục quấy nhiễu làm gián đoạn các buổi lễ và đào tạo tôn giáo, sách nhiễu, bắt giữ và đe doạ những người theo các đạo này cũng như những nhà hoạt động thuộc các nhóm này.

USCIRF đề nghị Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).

Việt Nam đã từng bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách này vào năm 2004 nhưng sau đó Mỹ đã đưa Việt Nam khỏi danh sách này vào năm 2006 do có những đánh giá về tiến bộ trong tự do tôn giáo ở Việt Nam. Đó cũng là giai đoạn Việt Nam đang cố gắng “lấy lòng” phương Tây để có thể tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.

Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam lại bị USCIRF đánh giá là không có tiến triển đáng kể thậm chí còn xấu đi. USCIRF các năm sau đó tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ không đồng ý.

Thanh tra Chính phủ: Bộ Y tế, Hà Nội, TPHCM đều có sai phạm trong việc mua sắm kit xét nghiệm

RFA
25/4/2022

Thanh tra Chính phủ: Bộ Y tế, Hà Nội, TPHCM đều có sai phạm trong việc mua sắm kit xét nghiệm

Phó Thanh tra chính phủ (L) cho biết đang thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm covid-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters, TN-RFA edited 

Việc mua sắm trang thiết bị, kit xét nghiệm, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19 ở Bộ Y tế và hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Phó tổng thanh tra chính phủ Lê Sỹ Bảy phát biểu như vừa nêu với truyền thông Nhà nước trong ngày 25/4.

Theo ông Bảy, Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP.HCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Qua đó, ông Bảy cho biết sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên ông Phó thanh tra chưa đưa ra những vi phạm cụ thể mà cho hay sẽ báo cáo chi tiết Chính phủ trong tháng 5 tới.

Song song đó, ông Bảy cũng cho hay thanh tra chính phủ và các bộ, ngành cũng đang thực hiện thanh tra các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó xử lý 12 dự án yếu kém hay qui hoạch treo tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà.

Hôm đầu tháng 4/2022, Uỷ ban kiểm tra trung ương (UBKT) tại kỳ họp thứ 13 cho rằng, để xảy ra vụ thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á có sự buông lỏng lãnh đạo chỉ đạo của ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ và thành phố Hà Nội. UBKT cũng nhìn nhận rằng những vi phạm của công ty Việt Á đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ KH&CN và Bộ Y tế.

Công ty Việt Á bị Bộ Công an xác định đã thổi giá bộ xét nghiệm COVID-19 lên đến khoảng 45% và đã đút lót cho các “đối tác” khoảng 800 tỷ đồng.

Đã có ít nhất 26 người bị bắt giữ và khởi tố liên quan đến vụ bộ xét nghiệm của Việt Á bao gồm lãnh đạo công ty, các quan chức của Bộ Y tế, lãnh đạo CDC các tỉnh, thành, Bộ Khoa học Công nghệ, Học viện Quân y.v.v.

Báo Quân Đội Nhân Dân: Việt Nam - Nga họp tham vấn cuộc thi “xe tăng hành tiến”

RFA
25/4/2022

Báo Quân Đội Nhân Dân: Việt Nam - Nga họp tham vấn cuộc thi “xe tăng hành tiến”

Xe tăng T-72 của Việt Nam trong cuộc thi Tank Biathlon hồi năm 2020 diễn ra ở Moscow 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam hôm 24/4 cho biết vào ngày 15/4 vừa qua, giới chức quân sự Nga và Việt Nam đã có cuộc họp trực tuyến để chuẩn bị cho cuộc thi “xe tăng hành tiến”, một nội dung trong Army Games 2022 do Nga dự định tổ chức trong thời gian tới.

Thông tin này được trang tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa ra một tuần sau khi báo Nhà nước Nga loan tin giới chức quốc phòng hai nước gặp trực tuyến để thảo luận cho một cuộc diễn tập quân sự chung giữa hai nước.

Theo thông tin từ phía Nga đưa ra, một cuộc họp video trực tuyến diễn ra giữa phía Moscow gồm Thiếu tướng Sergei Lagutkin, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát khu vực, và Đại tá Ivan Taraev, Trưởng phòng Hợp tác quân sự quốc tế; bên phía quân đội nhân dân Việt Nam là Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh và cán bộ các cơ quan quân sự.

"Trong cuộc họp, phía Nga và Việt Nam đã nhất trí về chủ đề các cuộc diễn tập quân sự sắp tới, xác định ngày giờ và địa điểm tổ chức" – Quân khu phía Đông của quân đội Nga thông báo, tuy nhiên không cho biết thông tin chi tiết.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, vào ngày 15/4, “tại buổi họp tham vấn trực tuyến với Nga, Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Trưởng đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đề nghị phía Nga tạo điều kiện cho Đội tuyển xe tăng của Việt Nam được sang Nga trước khi diễn ra hội thao để luyện tập chung, làm quen địa hình, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kết quả nội dung thi “xe tăng hành tiến” nếu Army Games 2022 được tổ chức trong thời gian tới.”

Báo Nhà nước Nga trích lời Đại tá Taraev, Trưởng phòng Hợp tác quân sự quốc tế của Nga, cho biết, mục đích của cuộc diễn tập chung Nga – Việt Nam là nhằm nâng cao kỹ năng thực hành của cán bộ chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức hoạt động huấn luyện chiến đấu và quản lý đơn vị trong môi trường chiến thuật phức tạp, cũng như hoàn thiện các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ.

Thông tin cuộc tập trận diễn ra vào khi thế giới đang lên án Nga đưa quân xâm lược Ukraine, trong khi Việt Nam giữ lập trường trung lập trong vấn đề này.

Báo chí Nhà nước Việt Nam im lặng trong nhiều ngày về thông tin từ phía Nga đưa ra. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo hôm 21/4 nói một cách gián tiếp rằng, chủ trương nhất quán của Việt Nam là các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước bao gồm giao lưu, luyện tập chung, hội thao, hội thi là nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị, đoàn kết, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Việt Nam: Vụ án Việt Á 'hết sức phức tạp, thận trọng, khách quan'

26/4/2022

Xét nghiệm COVID-19 tại một con phố ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 1 tháng 3 năm 2022

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Xét nghiệm COVID-19 tại một con phố ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 1 tháng 3 năm 2022

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan giám sát kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa nói rằng vụ án tại Công ty Việt Á "hết sức phức tạp".

Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đưa ra nhận xét vào sáng 25/4/2022 khi khai mạc Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát.

Vào tháng 12 năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá Kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh thành.

Đầu tháng Ba, Bộ Công an cho hay đã tiến hành ủy thác cho Cơ quan điều tra công an cấp tỉnh, thành phố tại 62/63 tỉnh, thành phố để tiến hành thu thập các tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp.

'Thận trọng, khách quan'

Phát biểu ngày 25/4, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Cẩm Tú nhấn mạnh: "Trước mắt phải kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vụ án tại Công ty Việt Á."

Ông Tú cho hay UBKT Trung ương đã thành lập các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban cán sự đảng UBND tỉnh, thành; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 UBKT tỉnh ủy, thành ủy thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm.

Ông Trần Cẩm Tú nói: "Đây là một vụ việc hết sức phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, dư luận xã hội hết sức quan tâm."

"Chúng ta phải tiến hành kiểm tra hết sức thận trọng, khách quan, kịp thời, đồng bộ, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, rõ đến đâu, kết luận đến đấy, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy (cố gắng kết thúc trong Quý II)."

Trước đó, ngày 31/3 Ủy ban Kiểm tra Trung ương loan báo các kết luận điều tra về mặt Đảng đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Thông cáo nói các ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong vụ án.

Khởi tố, kỷ luật

Ban đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).

Sau đó, hàng loạt nhân vật đã bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật Đảng.

Ngày 25/4, Công an tỉnh Nam Định công bố khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Giám đốc và 4 cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định.

Ngày 18/4, Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Cà Mau và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư ngày 5/4 để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Quân y. 

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 bằng hình thức cảnh cáo; thi hành kỷ luật trung tướng Đỗ Quyết và thiếu tướng Hoàng Văn Lương bằng hình thức "cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng" nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét