Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Thời sự Việt Nam

Mỹ đứng đầu về tặng vaccine COVID-19 cho Việt Nam, gần 38 triệu liều 

05/4/2022 

VOA Tiếng Việt 

Một lô vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ viện trợ cho Việt Nam.

Một lô vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ viện trợ cho Việt Nam. 

Mỹ hiện là nước trợ giúp vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất cho Việt Nam, với tổng cộng gần 38 triệu liều sau nhiều đợt bàn giao tính đến nay, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói trên trang Facebook chính thức của họ hôm 5/4.

Riêng trong vòng 1 tuần qua, chính phủ Mỹ tặng Việt Nam hơn 1,7 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech qua chương trình COVAX, vẫn theo đại sứ quán.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai chương trình vaccine COVID-19 một cách hiệu quả và thành công”, Đại sứ quán Mỹ khẳng định.

Trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch, Mỹ không chỉ viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam mà còn giúp bằng một số chương trình hỗ trợ cũng như cung cấp một loạt thiết bị khác, trong đó có hơn 110 tủ đông âm sâu, 100 máy thở, 2 máy giải trình tự gien, 1 hệ thống tạo oxy lỏng di động, hàng trăm nghìn khẩu trang chất lượng cao, v.v… với tổng giá trị lên đến gần 23,5 triệu đô la, theo công bố của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID).

Trên bình diện toàn cầu, Mỹ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho cơ chế COVAX, và thông qua USAID, chính phủ Mỹ đã đóng góp 4 tỷ đô la để hỗ trợ COVAX mua và phân phối vaccine COVID-19 tới 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được tổng cộng hơn 207 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Trong đó, hơn 71 triệu liều là tiêm mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 là hơn 68 triệu liều và mũi 3 là hơn 1,5 triệu liều.

Số ca nhiễm hàng ngày ở Việt Nam giảm mạnh xuống còn khoảng 50.000-55.000 trong 3 ngày nay từ mức kỷ lục 180,5 nghìn ca cách đây gần 3 tuần.

Đại dịch đã làm hơn 42.600 người thiệt mạng ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ 0,4% trên tổng số ca nhiễm. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua là 38.

Cố vấn Mỹ sang Việt Nam và triển vọng nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ

Phân tích của Lê Hoàng Sang
05/4/2022

Cố vấn Mỹ sang Việt Nam và triển vọng nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ

Cố vấn cấp cao Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP 

Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ vừa có chuyến công du Việt Nam từ ngày 31/3 đến 1/4 vừa qua trong nỗ lực nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/3 thông báo Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, ông Derek Chollet sẽ công du Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 28/3 đến ngày 2/4 (1).

Thông báo cho biết chuyến thăm của ông Chollet nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tham gia cùng với các bên liên quan chính về các vấn đề song phương và khu vực, gồm các nỗ lực nhằm khôi phục hòa bình cho nền dân chủ ở Myanmar. Cố vấn Chollet cũng thảo luận về tác động của cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

Trả lời báo chí Việt Nam kết thúc chuyến thăm, ông Chollet cho biết Mỹ hy vọng sẽ có cơ hội để nâng tầm quan hệ hai nước lên một tầm mới.

Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Mỹ đề nghị với phía Việt Nam nâng tầm quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên cao hơn, tức đối tác chiến lược.

Vấn đề nâng cấp quan hệ

Trong lần gặp các lãnh đạo Việt Nam mới đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Marc Knapper cũng nhắc lại quan điểm, đó là: “Hoa Kỳ mong muốn trở thành đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh năng lượng, lương thực, khí hậu. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ, tư nhân của Hoa Kỳ.” (2)

Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Trung Quốc và Nga, “quan hệ đối tác chiến lược” với hai nước Anh và Pháp. Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược” với 17 quốc gia.

Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ sâu sắc hơn, đa diện hơn so với một số quốc gia ở cấp cao hơn trong hệ thống thứ bậc quan hệ ngoại giao của Hà Nội. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 của Việt Nam với gần 10 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ quốc phòng cũng tiến triển đáng kể trong những năm gần đây. Trong khi các thỏa thuận vũ khí quy mô lớn rất khó xảy ra do Việt Nam có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Nga, nhưng hợp tác Việt-Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, lập trường ngày càng vững chắc của Washington về các tranh chấp ở Biển Đông đã mang lại lợi ích cho Hà Nội và các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á. Trong khi phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước và lương thực do các đập lớn trên sông Mekong gây ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các sáng kiến của Washington về sông Mekong nhằm giúp thúc đẩy nghề cá bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Vì sao Việt Nam chần chừ?

Sở dĩ Hà Nội vẫn chần chừ, chưa đáp ứng kỳ vọng lâu nay của Washington là do Hà Nội cho rằng thực chất của mối quan hệ quan trọng hơn hình thức. Khi phát triển quan hệ với Mỹ trong hai thập kỷ qua, Hà Nội rất cố gắng không tỏ ra đứng về bên nào hoặc được coi là cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam quá hiểu về hàng loạt công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để áp chế Hà Nội, gồm các hành động ở Biển Đông, các biện pháp trừng phạt thương mại và đầu tư, tin tặc và chiến tranh mạng, chưa nói đến việc kiểm soát thượng lưu sông Mekong và sông Hồng để Trung Quốc có khả năng điều phối lũ lụt và hạn hán ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc nâng cấp mối quan hệ trong tương lai cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực ngoại giao. Việt Nam đã nỗ lực hơn bất kỳ quốc gia nào khác để được gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song đã rất “đau lòng” trước việc Trump rút khỏi hiệp định. Bất chấp những hứa hẹn về một hiệp định thương mại song phương, các cuộc đàm phán vẫn chưa thể bắt đầu. Tổng thống Biden không có vốn chính trị cũng như ý định sớm gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là TPP. Điều này tiếp tục gây khó chịu cho Hà Nội. Do đó, bất kỳ sự nâng cấp nào cho quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ phải được đảm bảo trên một nền tảng kinh tế vững chắc.

Sự không chắc chắn về tình hình chính trị nội bộ của Mỹ cũng là một trong những rào cản đối với việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ. Việt Nam, giống như tất cả các nước, nhận thức được rằng trong vòng chưa đầy ba năm nữa, Mỹ có thể có một tổng thống khác và điều này có thể gây hỗn loạn và phá vỡ hệ thống quốc tế. Với những bất ổn này, Hà Nội khó có thể thực hiện bước nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm “chiến lược”.

Nói cách khác, nếu hoàn cảnh của Hà Nội đòi hỏi phải nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược với Washington, thì những lợi ích phải vượt trội so với rủi ro có thể thấy trước. Đối với Washington, việc nâng cấp quan hệ với Hà Nội có ý nghĩa về tín hiệu đa phương. Chính quyền Biden không chỉ tìm kiếm đột phá về chính sách đối ngoại, mà họ đang cố gắng cho thấy Washington hết sức đề phòng Bắc Kinh, thể hiện qua việc thu hút các đồng minh và đối tác khu vực, đồng thời dành đủ nguồn lực để đương đầu với thách thức.

Đối với Mỹ, Việt Nam thực sự là lựa chọn duy nhất trong khu vực. Về mặt ngoại giao, với tư duy chiến lược và sắc sảo, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và cũng là một trong những quốc gia duy nhất trong khu vực thường xuyên kháng cự hành vi gây hấn của Trung Quốc. Quân đội Việt Nam là một trong những quân đội trong khu vực tập trung vào các mối đe dọa từ bên ngoài. Quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam rất ấn tượng, và dù không thể sánh được với tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc, song giờ đây Việt Nam có đủ khả năng quân sự để khiến các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc phải “đoán già, đoán non”. Vì vậy, việc Hà Nội nâng cấp quan hệ với Mỹ lên quan hệ “đối tác chiến lược” hoặc “chiến lược toàn diện” sẽ gửi tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh về sự bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Trung Quốc về trật tự khu vực. Đó là điều mà Mỹ có vẻ rất muốn thấy, dù trên thực tế, họ hiểu rằng điều này có thể phản tác dụng.

Triển vọng việc nâng cấp quan hệ này ra sao?

Dù chưa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược, Hà Nội đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp cao hơn với nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ, đồng thời tham gia vào một loạt cơ chế hợp tác an ninh và quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với việc cả hai bên đều có thể và có khả năng tăng cường cam kết thông qua các diễn đàn đa phương như ASEAN và “Bộ tứ”, Việt Nam cũng đã thể hiện ý định và vai trò của mình trong các chiến lược của Hoa Kỳ đã đưa ra.

Một trong những lý do khiến Việt Nam e ngại việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, chính là sự phản đối từ Bắc Kinh. Trong thời gian qua, Việt Nam đã cố gắng “đu dây” để cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc này. Chính vì vậy, Việt Nam luôn đặt ra phương châm là tăng cường các hoạt động thực tế, chứ không chỉ là tên gọi cho quan hệ giữa đôi bên, thực chất là Việt Nam không muốn làm mích lòng Trung Quốc. Với sự kiện cuộc chiến Ukraine mới xảy ra gần đây, lại thêm lý do cho Việt Nam lo ngại khi không muốn “chọc giận” anh hàng xóm khổng lồ, giống như Ukraine đã làm với Nga.

Điều đó cho thấy, khả năng trong thời gian vài năm tới, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc nâng cấp quan hệ như ý muốn của Washington.

___________

Tham khảo:

1. https://www.state.gov/counselor-chollets-travel-to-the-philippines-vietnam-and-japan/

2. https://www.vietnamplus.vn/hoa-ky-muon-tro-thanh-doi-tac-quan-trong-cua-viet-nam/779319.vnp


Việt Nam : Số ca Covid lây nhiễm mới bắt đầu tăng trở lại

VNTB – Số ca Covid lây nhiễm mới bắt đầu tăng trở lại

Nguyễn Huỳnh

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.922.040 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đợt dịch thứ 4 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.914.301 ca.

Tính từ 16g ngày 04-4 đến 16g ngày 05-4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 54.995 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 54.995 ca ghi nhận trong nước, tăng 6.280 ca so với ngày trước đó tại 61 tỉnh, thành phố, với 38.040 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.199), Nghệ An (2.925), Phú Thọ (2.827), Bắc Giang (2.357), Yên Bái (2.280), Hà Giang (2.024), Bắc Kạn (1.990), Quảng Ninh (1.972), Đắk Lắk (1.901), Vĩnh Phúc (1.824), Lào Cai (1.766), Quảng Ngãi (1.504), Hưng Yên (1.398), Tuyên Quang (1.249), Hải Dương (1.248), Cao Bằng (1.233);

TP. Hồ Chí Minh (1.158), Thái Bình (1.152), Quảng Bình (1.113), Thái Nguyên (963), Tây Ninh (940), Lâm Đồng (930), Sơn La (925), Lạng Sơn (876), Hòa Bình (832), Vĩnh Long (764), Bắc Ninh (731), Cà Mau (726), Quảng Trị (665), Lai Châu (662), Hà Tĩnh (633), Hà Nam (596), Bình Định (589), Đà Nẵng (586), Điện Biên (552), Đắk Nông (516), Bình Dương (514);

Ninh Bình (496), Nam Định (467), Bình Phước (451), Phú Yên (393), Bà Rịa – Vũng Tàu (347), Hải Phòng (332), Thanh Hóa (322), Thừa Thiên Huế (317), Trà Vinh (280), Khánh Hòa (273), Quảng Nam (269), Bình Thuận (232), Bến Tre (145), An Giang (94), Bạc Liêu (94), Đồng Tháp (77), Long An (70), Kon Tum (51), Kiên Giang (44), Cần Thơ (43), Đồng Nai (38), Ninh Thuận (17), Hậu Giang (13), Tiền Giang (10).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.507.310), TP.HCM (598.098), Nghệ An (405.832), Bình Dương (379.578), Hải Dương (349.303).

Một ngày trước đó, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, TP.HCM cho biết, đơn vị này gần đây đã liên tục tiếp nhận 2 bệnh nhân mắc Covid-19 bị viêm cơ tim cấp với tình trạng nguy kịch. Trường hợp đầu tiên là bé trai L.N.H 9 tuổi trú tại Bình Chánh. Được biết, sau 2 ngày nhiễm Covid-19 bé có tình trạng sốt cao, nôn ói, tái nhợt kèm với đó là tim đập nhanh, chậm bất thường.

Sau khi đưa tới bệnh viện, bệnh nhi H được chuẩn đoán bị tràn dịch màng tim, sốc tim và viêm cơ tim. Dù đã được dẫn lưu dịch ra ngoài nhưng tình trạng sức khỏe vẫn của H vẫn không khả quan. Vậy nên các bác sĩ đã  quyết định cho H chạy ECMO khẩn cấp. Sau hơn 10 ngày nguy kịch, được sự chăm sóc và điều trị của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố hiện bệnh nhi đang dần hồi phục và đã được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực để tiến hành cai ECMO.

Một trường hợp khác, vào đêm 3-4, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận bệnh nhi nữ bị viêm cơ tim do mắc Covid-19. Bệnh nhi 7 tuổi trú tại Tây Ninh nhiễm Covid-19. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tổn thương tim trầm trọng và cần phải can thiệp ECMO ngay lập tức.

Các chuyên gia nhi khoa đã liên tục đưa ra cảnh báo, tổn thương ở tim do SARS-CoV-2 gây ra ở trẻ em chưa bao giờ là nhẹ nhàng, đặc biệt là căn bệnh viêm cơ tim nguy hiểm nhưng lại có các biểu hiện giống với cảm sốt thông thường.

Tin tức liên quan tình hình dịch bệnh Covid, phía Bộ Y tế Việt Nam khá dè dặt khi nói về phiên bản tái tổ hợp giữa 2 biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron, lần đầu tiên được ghi nhận tại Anh, có tên gọi XE, có thể là biến thể dễ lây lan nhất từ trước đến nay. Ước tính XE có khả năng lây nhiễm cao hơn 10% so với BA.2 – vốn cũng được cho là có thể lây lan nhanh hơn biến thể ban đầu Omicron.

Trong khi đó, Trung Quốc – nước đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, thông báo ghi nhận 2 biến thể mới của Omicron có giải trình tự gen không giống với bất kỳ biến thể hiện có nào. Theo Bộ Y tế thì hiện chưa rõ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc chỉ gây tác động nhỏ hay là dấu hiệu cho các đợt bùng phát lớn trong tương lai.

Việc virus SARS-CoV-2 lại hoành hành tại Trung Quốc đại lục sau gần 2 năm rưỡi, chủ yếu do sự xuất hiện của các biến thể mới, kéo theo vòng luẩn quẩn số ca mắc mới và tử vong lại gia tăng ở cùng một khu vực, đã thực sự trở thành vấn đề đối với quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam khi quyết định sống chung với Covid-19.

UNICEF kêu gọi mở cửa trường học ở tất cả các cấp cho trẻ em Việt Nam 

05/4/2022 

UNICEF tại Geneva.

UNICEF tại Geneva. 

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở Hà Nội mới đây đã lên tiếng kêu gọi mở cửa trường học ở tất cả các cấp cho trẻ em Việt Nam, bất kể tình trạng tiêm chủng của các em.

Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết “hết sức lo ngại về tình trạng trẻ em mất đi cơ hội học tập và nguy cơ bất bình đẳng đang gia tăng đối với quá nhiều trẻ trên khắp cả nước”, khi đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba.

Bà dẫn một báo cáo toàn cầu, trong đó nhấn mạnh về yêu cầu cấp thiết phải giải quyết sự mất mát to lớn trong học tập mà trẻ em trên toàn thế giới phải hứng chịu.

“Đã có tổng cộng 2 nghìn tỷ giờ học trực tiếp bị mất đi do trường học đóng cửa kể từ tháng 3 năm 2020 và cứ 5 quốc gia thì có đến 4 quốc gia mà học sinh tại đó đã bị tụt hậu trong học tập”, bà Flowers nói trong một tuyên bố.

Đại diện cơ quan của Liên Hợp Quốc nói thêm rằng khi trẻ em không được tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè, việc học, kỹ năng nhận thức và phát triển trí não cũng như các kỹ năng xã hội và làm việc có được thông qua quá trình tương tác và giao tiếp “đều sẽ bị ảnh hưởng”.

Tổ chức này nói thêm rằng trong khi số lượng ca nhiễm COVID-19 đang giảm đi và tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành đạt mức cao, “nguy cơ trẻ em nghỉ học lớn hơn rất nhiều so với rủi ro sức khỏe các em phải đối mặt ở trường”.

“Trong bối cảnh khủng hoảng, chúng ta luôn buộc phải đánh đổi để đưa ra những quyết định khó khăn, và UNICEF hiểu rõ những thách thức chưa từng có mà đại dịch COVID-19 đã mang lại cho các trường học tại Việt Nam. Song, rủi ro đánh đổi trong những quyết định như thế này là quá lớn. Việt Nam đang thực sự mở cửa một cách hiệu quả cho tất cả mọi người, ngoại trừ trẻ em khi chỉ số nghèo về học tập (Learning Poverty) của trẻ em vẫn tăng lên mỗi ngày”, bà Flowers nói.

“Chúng ta phải chung tay làm tất cả những gì có thể để tất cả trẻ em, kể cả trẻ mẫu giáo, được quay trở lại trường học ở mọi thành phố, thị trấn và làng mạc mà không vướng bận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

Cơ quan phụ trách trẻ em của Liên Hợp Quốc nói rằng “các biện pháp 5K giảm thiểu dịch bệnh giúp giữ an toàn cho trẻ em” và rằng “khoảng 99% ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam hiện đang không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ” nên “giáo dục thì không thể chờ đợi” và “chúng ta cần mạnh dạn hành động để đưa mọi trẻ em trở lại trường học”.

Thông tấn xã Việt Nam hôm 4/4 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ rằng hiện Việt Nam “có 92,17% số học sinh đã trở lại trường học trực tiếp tại các cấp”.

Ông được dẫn lời cho biết thêm rằng chiều 4/4, Hà Nội đã công bố kế hoạch ngày 6/4 đưa học sinh tiểu học trở lại trường, và như vậy, “tổng số học sinh trở lại trường học trực tiếp sẽ lên con số 97%”.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, riêng bậc mầm non, có 62/63 tỉnh, thành phố, trừ Hà Nội, cho trẻ em mầm non đến trường. Trong 62/63 tỉnh, thành phố, có 7 tỉnh cho dừng 1 huyện hoặc thành phố do dịch bùng phát nhanh.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt giam vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

RFA
05/4/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chairman-of-tan-hoang-ming-joint-stock-corp-arrested-for-fraud-04052022093949.html/@@images/image

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh /RFA edit 

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015. Bộ Công an thông báo tin này trên cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ vào ngày 5/4/2022.

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) đã điều tra và xác định: trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng ba công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành chín đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngoài ông Đỗ Anh Dũng, công an cũng khởi tố và bắt giam sáu lãnh đạo khác thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: ông Đỗ Hoàng Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, ông Trần Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, ông Nguyễn Khoa Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông, Lê Văn Thịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, ông Phùng Thế Tính, Nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Trước khi có tin bắt giam chính thức các lãnh đạo Tân Hoàng Minh, vào ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã ban hành văn bản hủy bỏ chín đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của ba đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil.

Lý do được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra là vì "có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.

Mặc dù thông tin chính thức về vụ bắt giữ ông Dũng mới được công bố vào ngày 5/4, nhưng từ hồi cuối tuần qua, đã có những tin đồn trên mạng xã hội Facebook về khả năng bắt giữ các lãnh đạo của Tân Hoàng Minh.

Vụ bắt giữ các lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam xảy ra một tuần sau khi tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - một tập đoàn cũng kinh doanh bất động sản, bị bắt giữ hôm 29/3 với cáo buộc “Thao túng trị trường chứng khoán”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét