Chỉ còn hai ngày nữa là đến bầu cử tổng thống vòng 1, nhưng thời sự Ukraina vẫn chiếm phần lớn bài vở trên các nhật báo Pháp. Le Monde chú ý đến « Vùng Donbass đang nằm trong gọng kềm, chiến lược mới của Nga ». Tương tự đối với Les Echos « Nga bị cô lập, cố gắng tìm chiến thắng quân sự tại Donbass ».
Donbass, chiến trường quy mô sắp tới
Một cuộc chạy đua với thời gian đang diễn ra giữa quân đội Nga và Ukraina để triển khai ở miền đông, nơi có thể là chiến trường chính sắp tới, một chiến trường dữ dội nhất ở châu Âu kể từ 1945. Chính quyền Ukraina kêu gọi cư dân sơ tán, ngành đường sắt cho biết đã di tản được 15.000 người. Ở phía nam Donbass, quân Nga tiếp tục tiến về Mariupol, thành phố bị vây hãm từ cuối tháng Hai nhưng kiên quyết không đầu hàng. Những trận đánh ở đây tiếp tục cầm chân một lực lượng lớn của Nga.
Tình hình Donbass ngược lại với trận chiến Kiev, nơi quân kháng chiến đã thắng lớn. Đối với Ukraina, đường tiếp tế bị kéo dài, còn với quân xâm lược thì được rút ngắn. Quân Nga có thể được tiếp đạn dược, vũ khí, quân tăng viện ở cách đó chưa đầy 100 km, còn viện trợ phương Tây cho Ukraina chủ yếu đến từ Ba Lan cách Donbass đến 1.000 km theo đường chim bay và đường bộ thì còn xa hơn nữa. Ukraina rất cần xe bọc thép, thiết bị phòng không cũng như đạn dược, phụ tùng, nhiên liệu.
Nhà phân tích Michael Kofman nhận định, Ukraina phải đối mặt với viễn cảnh một cuộc chiến tranh hao mòn, trong khi không đủ sức mạnh cơ giới để tổ chức phản công lớn. Khó khăn đối với Nga là xuyên thủng được tuyến phòng vệ Ukraina đã được củng cố từ tám năm qua. Phía Nga đã có từ 7.000 đến 15.000 lính tử trận, và số bị thương gấp đôi hoặc gấp ba. Cộng với số vũ khí bị phá hủy, quân Nga đã mất 10 đến 25 % năng lực tác chiến.
Theo trang web độc lập Oryxspioenkop.com, quân xâm lược bị thiệt hại về trang thiết bị gấp bốn lần quân kháng chiến. Cụ thể, Nga mất 427 xe tăng, 20 máy bay, 32 trực thăng, Ukraina mất 93 xe tăng, 15 máy bay, 3 trực thăng. Ba trong số 30 drone Bayraktak của Ukraina bị phá hủy, ngược với khẳng định của Nga là đã diệt được toàn bộ nhưng không đưa ra chứng cứ. Nga tấn công vào phía sau lực lượng Ukraina bằng hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn hành trình bắn đi từ Belarus và từ Hắc Hải.
Phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraina
Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Kiev tiếp tục âm thầm chuyển giao vũ khí cho Ukraina. Hoa Kỳ loan báo giải ngân 100 triệu đô la để cung ứng khẩn cấp hỏa tiễn chống tăng Javelin. Washington từ chối cho biết cụ thể về những loại vũ khí khác, cũng như mức độ hỗ trợ của tình báo Mỹ. Cộng hòa Sec là nước đầu tiên xác nhận đã gởi cho Ukraina một số thiết bị thời Liên Xô cũ gồm xe tăng T-72 và xe bọc thép BVP-1, với sự đồng ý của các đồng minh NATO. Ba nước vùng Baltic tích cực nhất, nhưng khả năng có hạn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt và tăng viện trợ quân sự cho Ukraina. Anh quốc nằm trong số các nước tỏ ra nghi ngờ về nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với quá nhiều nhượng bộ cho Putin, và là một trong những quốc gia đầu tiên gởi vũ khí cho Ukraina ngay từ tháng Giêng. Theo tờ Times, Anh còn muốn gởi thêm hỏa tiễn chống hạm để Ukraina có thể tự vệ trước những chiến dịch tấn công của Nga từ Hắc Hải. Tuy nhiên tổng tham mưu trưởng Anh, Sir Tony Radakin cảnh báo, với những vũ khí tối tân, các chiến binh cần ra khỏi Ukraina để được huấn luyện trong thời gian dài tại các nước láng giềng.
Về phía Đức vốn bị chỉ trích, Berlin quyết định viện trợ 300 triệu euro và đề nghị Ukraina chọn lựa trong danh sách 200 « mặt hàng » gồm moọc-chê, súng máy, radar, kính ngắm hồng ngoại, nón sắt, áo giáp, drone.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét