Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Trương Duy Hy - Tử thủ căn cứ hỏa lực 30 Hạ Lào. Chương 10, 11, 12

 Chương 10, 11, 12

Posted on March 27, 2022 by Lê Thy

Trong tháng tư năm 2022, Báo Quốc Dân sẽ lần lượt đăng lại quyển Hồi ký chiến tranh của Đại úy Pháo binh Trương Duy Hy, Quyển hồi ký gồm 25 chương, hàng ngày sẽ phổ biến 3 chương.

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ sách in trước 1975 do TM gởi tặng)

Chương 10

KỶ-LUẬT CỦA TIỂU-ĐOÀN 2 DÙ

Ngày 18-2-71, từ 9g00 chúng tôi đã xếp hàng Khẩu 2 và móc dây vào súng. 9g30 Sky-Crane đến bốc về Đông Hà.

Ngay sau đó, Cộng quân pháo kích lai rai bằng đại bác, tuy vậy cũng chưa có quả nào rơi vào giữa căn-cứ.

Thiếu-úy Thiện kiểm kê xong số đạn còn tồn kho, vào báo cáo:

– Trình Đại Bàng, tôi để ý từ hai hôm nay có mất một số đạn chiếu sáng, hôm qua 4 quả, hôm nay 7 quả nữa! Mới có hai ngày mà mất 11 quả! Tôi trình với Đại Bàng để Đại Bàng quyết định biện pháp canh gác… chứ nếu không thì e rằng với cái đà này đạn chiếu sáng thất thoát nữa.

– Lính nào ăn cắp anh có biết không?

– Tôi không biết, vừa rồi tôi có dò hỏi nhưng chịu!

– Có lẽ pháo thủ của mình ăn cắp (?) vì chỉ có Pháo-binh mới biết cách tháo đạn lấy dù chứ lính thường làm gì biết tháo?

– Chưa chắc đâu Đại Bàng ơi! Tiểu-đoàn 2 Dù cũng có một số binh sĩ trước kia ở Pháo-binh. Đại Bàng cho điều tra thử.

Tôi gọi TSI Bình, Thường-vụ Pháo-đội vào và chỉ thị điều tra vụ mất đạn.

Sau một hồi dò hỏi, TSI Bình vào cho tôi biết:

– Thưa Đại-úy, có 11 quả đạn chiếu sáng vứt ở mé Nam bãi đáp trực thăng, bên trong quả đạn đã rỗng ruột. Có dấu ai đã gỡ lấy dù ra rồi. Tôi có điều tra và lính mình thì không ai lấy cả vì biết Đại-úy cấm ngặt từ hồi ở Đồi 37 Đai Lộc nên không đứa nào dám liều mạng để bị đập.

Tôi bực mình hết sức và đi ngay qua BCH/TĐ2 Dù trình với Trung-tá Thạch:

– Thưa Trung-tá, đáng lẽ tôi không muốn trình với Trung-tá, nhưng tôi sợ có thể xảy ra tai nạn, nên xin Trung-tá lưu ý các binh sĩ đừng tháo dù ở đạn chiếu sáng 155 ly.

– Sao anh biết lính tôi tháo dù?

– Thưa Trung-tá, hôm qua chúng tôi mất 4 quả, hôm nay mất 7 quả, chỉ có 2 ngày mà mất 11 quả! Bây giờ 11 cái vỏ còn vất ở mé đồi. Sự thật tôi chỉ sợ nguy hiểm thôi. Lỡ lúc tháo dù bị thương, bị chết… xin máy bay triệt thoái không phải là dễ.

– Cái này chắc lính Pháo-binh các anh gỡ chứ chẳng ai vào đó. Bọn lính tôi làm gì biết mà tháo dù.

– Tôi cũng nghĩ như Trung-tá, nhưng xin Trung-tá thử cho điều tra xem, có thể vài tên trước kia ở Pháo-binh chăng?

Trung-tá có vẻ bực mình lắm. Ông cho gọi Trung-úy Ban 2 đến và chỉ thị điều tra ngay.

Tôi trở về Đài Tác-xạ mà thật tâm chẳng yên lòng tí nào.

30 phút sau, một binh sĩ Dù đến gọi tôi qua gặp Trung-tá.

Đến nơi, tôi thấy một binh sĩ Dù (anh ta vẫn thường giữ nhiệm vụ đánh dấu bãi đáp và ra thủ hiệu cho các loại trực thăng lên xuống căn-cứ) ngồi trên ghế — cạnh anh một binh sĩ khác đang dùng tondeuse ủi trọc cả đầu và ủi sạch luôn hai hàng lông mày của anh!…

Vừa gặp tôi, Trung-tá Thạch phì cười — vừa trỏ về phía anh trọc đầu bảo tôi:

– Thủ phạm! Đích thị hắn là thủ phạm đã tháo đạn chiếu sáng của anh để lấy dù! Tôi mới đập một trận nên thân và cho cạo trụi lũi hết! Dại quá là dại… Tháo một cây dù có lợi gì đâu… nhỡ nó nổ một phát thấy mẹ…! Nhưng nó khai ông TSI Thường-vụ của anh cho?

Tôi giận run cả người! TSI Bình của tôi lại cả gan đến thế ư? Tôi liền cho gọi TSI Bình qua đối chứng. TSI Bình quả quyết không cho, vì sợ tôi phạt, nhưng thấy anh ta hay giúp đỡ Pháo-đội trong những lần tiếp nhận tiếp tế nên có bảo rằng anh muốn lấy dù thì hãy vào xin Đại-úy tôi.

Một đằng vì tình cảm, một đằng vì nghĩ đến công giúp đỡ của chính mình nên đã tự hiểu ngầm với nhau… đưa đến kết quả tự tiện phá đạn lấy dù. Tuy nhiên, anh ta chỉ chịu lỗi tháo hai quả đạn thôi, số còn lại do người khác tháo chứ không phải anh.

Chỉ trong phút chốc, 6 cây dù được mang trả lại Pháo-đội! Với sự điều tra nhanh chóng của Ban 2 TĐ 2 Dù như thế, đã làm cho anh em chúng tôi khâm phục vô cùng.

Thấy các binh sĩ Dù bị Trung-tá phạt nặng quá, tôi đâm thương hại, ngỏ lời xin:

– Thưa Trung-tá, dầu sao việc đã dĩ lỡ, xin Trung-tá tha cho các anh ấy để hòa khí giữa các pháo thủ và binh sĩ của Trung-tá vui vẻ hơn. Các anh ấy đã nhận lỗi, Trung-tá la là đủ cho các anh ấy sợ rồi.

– Ồ! Nói như anh hỏng mất, kỷ luật là kỷ luật. Tiểu-đoàn tôi phạt như thế này là nhẹ nhất đấy, ở trỏng (ý Trung-tá muốn nói lúc ở trại Phi Long trong Sài Gòn) tôi còn đập bằng cây sắt chứ thế này thấm gì!

Sau đấy tôi vào hầm Đại-úy Hạnh… Lúc nào gặp Đại-úy cũng thấy Đại-úy bận rộn, hết bốc máy này liên lạc với các Đại-đội tiền đồn đến bốc máy kia liên lạc về Bộ Tư Lệnh Sư-đoàn Dù. Dường như Đại-úy là tượng trưng cho một điều hợp hoạt động của toàn bộ Tiểu-đoàn 2 Dù.

Thấy tôi bước vào hầm, Đại-úy Hạnh trở vào chiếc ghế bên cạnh mời tôi ngồi và đưa thuốc cho tôi hút…

Lát sau gài ống liên hợp vào máy xong, Đại-úy quay sang tiếp tôi. Nhân tiện tôi ngỏ ý e ngại những việc không hay vừa xảy ra giữa các binh sĩ Dù và Pháo-đội tôi… từ việc không cho nước uống đến việc tháo gỡ đạn chiếu sáng…

– Anh đừng ngại gì cả. Tiểu-đoàn chúng tôi có truyền thống kỷ luật từ khuya rồi. Chúng nó biết lỗi khi phạm lỗi thì chịu kỷ luật, không kêu ca than oán gì cả. Cái hay là ở chỗ đó. Tôi sống với binh chủng này đã lâu, tôi biết, nó không dám hỗn với các anh đâu mà ngại.

– Thật ra, tôi chỉ e hòa khí giữa pháo thủ tôi và binh sĩ Dù bên này không còn đẹp nữa — Vì thấy Trung-tá làm dữ quá!

– Ông Già bên này nghiêm lắm… không có sao đâu.

Kế đó, Đại-úy hỏi thăm tin tức gia đình tôi, thuật lại việc làm bận rộn của Ban 3 Tiểu-đoàn 2 Dù từ lúc đặt chân đến căn-cứ này… kể lại vài mẫu chuyện chiến đấu với những kinh nghiệm rút tỉa được tại đất Chùa Tháp. Thôi thì đủ chuyện hàn huyên… nhờ đó mà tôi hiểu được Đại-úy Hạnh nhiều hơn và tôi thầm cảm mến, khâm phục bởi các chiến tích mà Đại-úy đã gặt hái…

Rời Đại-úy Hạnh, tôi trở về Đài Tác-xạ vừa lúc Trung-úy Kim túc trực bên máy vô tuyến, xin bắn tối đa cho Tiểu-đoàn 39 Biệt-Động-Quân.

Chương 11

YỂM-TRỢ CỨU NGUY TIỂU- ĐOÀN 39 BIỆT-ĐỘNG-QUÂN

Bấy giờ, tại mặt Đông Bắc, Tiểu-đoàn 39 BĐQ càng lúc càng chạm súng mạnh với địch. Pháo-đội tôi xử dụng hai Khẩu 4 và 3 liên tục yểm trợ.

Song song với tác xạ này, 3 khẩu đại bác còn lại hướng thẳng về Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 bắn suốt ngày. Pháo-đội C 3 Dù, vài khẩu hướng về tiền đồn Đông Nam yểm trợ cho các Đại-đội của Tiểu-đoàn 2 Dù, số còn lại cũng dốc hẳn cho Căn-Cứ Hỏa-Lực 31. Có thể nói, hôm nay số đạn tiêu thụ cao nhất — mặc dầu với 5 khẩu, chúng tôi đã bắn từ 6g30 đến 19g00. 1000 quả đạn kịp thời gởi đến bổ sung với một móc hậu nước.

Chưa bao giờ Pháo-đội chúng tôi vất vả bằng ngày hôm nay! Trời lại không trăng, chúng tôi vừa tác xạ, vừa dọn bãi đáp, vác đạn và xếp nạp vào hầm đến 21g00 mới xong.

Ngày 19-2-71, vòm trời Hạ Lào vẫn trong sáng, nhưng tại Khe Sanh thì sa mù xuống thấp, dày đặc, đứng cách nhau 5 thước không nhìn thấy nhau. Các phi vụ tiếp tế đều bị hủy bỏ. Chỉ có vài trực thăng và phản lực jet hoạt động rời rạc yểm trợ cho các cánh quân bạn xa căn-cứ chúng tôi. Lúc bấy giờ Pháo-đội chúng tôi mới thấy giá trị lời tiên đoán thời tiết do Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng báo động hôm trước.

Nhờ đã tích trữ sẵn nước, chúng tôi không phải vất vả xuôi ngược tìm nước! Đồng thời, mức độ tác xạ không thể vì thiếu tiếp tế mà đình chỉ.

Tờ mờ sáng, chúng tôi đã tác xạ yểm trợ cho Tiểu-đoàn 39 BĐQ mãi đến ngày 20-2-71, không còn nhận điện văn xin yểm trợ của Tiền-sát-viên của Tiểu-đoàn này nữa, chúng tôi mới chấm dứt nhiệm vụ.

Tin tức Tiểu-đoàn 39 BĐQ anh dũng chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng rồi phân tán mỏng chứ không một ai đầu hàng địch, phút chốc đã bay khắp nơi.

Vì không có nhiệm vụ trực tiếp yểm trợ cho Tiểu-đoàn này nên chúng tôi không rõ tình hình chi tiết — ngoài hai hôm nay, đặc biệt Pháo-đội tôi có tác xạ tăng cường cho Tiểu-đoàn 64 PB nên qua máy PCR-25 của Trung-úy Kim, chúng tôi được biết: về sau, một số binh sĩ Tiểu-đoàn 39 BĐQ nhập chung với Tiểu-đoàn 21 BĐQ do Thiếu-tá Hiệp chỉ huy cách đó không xa.

Sáng ngày 20-2-71, một trực thăng bị phòng không địch bắn trúng máy, sà thấp… lướt đến bãi đáp. Nhân viên phi hành thoát vội ra ngoài, không ai bị thương tích.

Chiều lại, thêm một trực thăng khác ngộ nạn, cố gắng đáp xuống căn-cứ chúng tôi. Một nhân viên phi hành bị thương nhẹ.

Hầu hết các nhân viên phi hành đều là quân nhân Hoa Kỳ, họ được di tản về Khe Sanh không quá 10 phút sau khi đáp xuống căn-cứ chúng tôi.

Hôm nay chúng tôi tiếp nhận trên 1000 quả đạn, ngay lúc mực độ đạn còn lại của Pháo-đội xuống dưới mức an toàn tối thiểu. Chúng tôi còn được nhận thêm nhiều đầu nổ cao cần thiết dùng yểm trợ cho những đơn vị bạn bị tràn ngập — nếu có lời xin, cũng như xử dụng cho những mục tiêu đòi hỏi đạn nổ cao.

Đêm đến, bắt đầu từ 19g00 hỏa châu được thắp sáng cả bầu trời. Bốn hỏa châu liên tục… liên tục… soi rõ chiến trường hướng Bắc, nơi Tiểu-đoàn 21 BĐQ đang cầm cự với địch.

Rạng ngày 21-1-71, các tiền đồn Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 đều bị địch quấy phá. Sĩ quan liên lạc của Đại-đội 330 liên tiếp gởi điện văn xin tác xạ nới rộng vòng đai an ninh cho các tiền đồn này. Sau đó, 330 báo về cho chúng tôi biết nhờ vào các tác xạ của chúng tôi, lại thêm một kho đạn địch phát nổ ở Tây Bắc căn-cứ.

Suốt ngày, Đài Tác-xạ làm việc không nghỉ. Hết bắn cho Căn-Cứ Hỏa-Lực 31 đến tác xạ cho Tiểu-đoàn 21 BĐQ và tiền đồn của Tiểu-đoàn 2 Dù. Tại Khẩu, nhân viên vất vả không kém. Nhiều khi phải quay càng súng để hỏa lực không tập trung, nâng cao hiệu quả.

Cùng lúc, tại Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 chúng tôi, Cộng quân bắt đầu gia tăng pháo kích bằng súng cối 82 ly, tăng cường thêm cho các khẩu đại bác của chúng — Có lẽ vì hiệu quả đại bác của chúng hầu như vô hiệu đối với vị trí “thuận lợi” của chúng tôi.

Ở bãi đáp, mấy chiếc trực thăng ngộ nạn được triệt thoái về Khe Sanh để lại một khoảng đất rộng rãi, sẵn sàng đón nhận tất cả tiếp liệu phẩm tái tiếp tế trong kỳ tới.

Khi trời nhá nhem tối, đang lúc nhân viên Khẩu Đội tháo gỡ các kiện đạn, nạp, mang di chuyển vào kho, một trực thăng từ xa lảo đảo lao đến và may mắn, vừa tới bãi đáp thì cánh quạt ngưng quay… trên cao khoảng hơn 1 thước, trực thăng rơi xuống, lắc lư trên đất qua hai càng mỏng manh dọc theo thân trực thăng, rồi nằm yên bất động! Phi hành đoàn thoát vội ra hai bên hông, khom người chạy nhanh tìm chỗ nấp, làm cho nhân viên Pháo-đội một phen hoảng hốt nhảy xuống các hầm ven bãi đáp.

Ngày 22-2-71, khoảng 9g00 hơn, chúng tôi bó gọn Khẩu 5 triệt thoái về Đông Hà và tiếp nhận Khẩu 2 đã sửa chữa xong đặt vào vị trí cũ.

Hôm nay, Cộng quân lai rai pháo kích suốt buổi sáng, nhưng vẫn chưa có quả đạn nào lọt vào giữa vị trí.

Tiếng « départ » đại bác 105 ly của địch nghe rõ mồn một ở hướng Bắc căn-cứ, khoảng cách ước lượng từ 3500 đến 4000 thước, khuất sau hai ngọn núi thấp — mà từ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 chỉ nhìn thấy đỉnh thôi. Có lẽ chúng đặt súng bên kia triền núi thứ hai (?). Pháo-đội chúng tôi và PĐC 3 Dù liên tục phản pháo, song chẳng có hiệu quả gì.

Tôi bảo Kim liên lạc với Tiền-sát-viên Tiểu-đoàn 21 BĐQ hỏi xem bên đó có quan sát được hướng « départ » của đại bác địch không?

Kim dùng vô tuyến gọi và được bên kia đáp:

– Chúng tôi cũng nghe tiếng « départ » gần nhưng không thấy dấu hiệu mục tiêu, vì ở đây bị cây rừng che lấp…

Việc xác nhận vị trí của địch thật là khó khăn. Vả lại Tiền-sát-viên của Tiểu-đoàn 21 BĐQ lại ở dưới hố, tiếng vang của núi rừng không thể cho anh ta một suy đoán chắn chắn về hướng và tầm xa chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận được mục tiêu với sự cố gắng ước lượng của Tiền-sát-viên này gởi về. Phối hợp với nhận xét của tôi và Trí, chúng tôi tính yếu tố phản pháo ngay.

Kết quả, chúng tôi vẫn không làm câm họng được đại bác địch. Tôi có cảm tưởng như thằng mù quờ cây gậy đập lưng kẻ thù. Nhưng nghĩ cho cùng có đập như vậy còn hơn không, và ít ra, cũng có tiếng gọi là đáp lễ.

Chương 12

ĐỐI-THOẠI VỚI CỘNG QUÂN VÀ KHẢ-NĂNG PHÁO-BINH ĐỊCH

Vào Đài Tác-xạ với Lân và Kim, bỗng tôi nghe tiếng Việt cộng hỗn láo đối đáp với Trung-tá Thạch qua tần số Bộ Binh của PRC-25 đang trực… Tò mò, tôi đưa máy vào hầm riêng để theo dõi, còn máy trực tác xạ với các Tiền-sát-viên vẫn liên tục làm việc tại Đài.

Giọng nói bên kia máy là giọng nói của người miền Bắc, có lẽ hắn ta là người Hà Nội.

– Bọn Ngụy chúng mày không sớm rút về, chúng ông sẽ tiêu diệt bằng Trận-Địa-Pháo chết hết. Hãy cút đi các con!… Không thì nát thây tan xác các con ạ!!…

Trung-tá Thạch đáp lại một thôi dài với lời lẽ ôn hòa hơn:

– Chúng tôi mà có đến đây, thì là cũng vì các anh. Các anh lấy đất đai Hạ Lào này làm mật khu. Cái Mặt Trận Giải Phóng của các anh đã sát hại hàng ngàn, hàng vạn đồng bào vô tội tại miền Nam, đến bà già con nít cũng không chừa. Vĩ tuyến 17 đã chia đôi, các anh không lo kiến thiết ngoài đó lại xâm lăng miền Nam, gây tang tóc cho đồng bào miền Nam rồi lại rêu rao là giải phóng! Nói thật cho các anh biết, tôi đã từng tham dự hầu hết các cuộc hành quân trên miền Bắc. Chỗ nào tôi cũng đã bước chân đến, từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn… đến Điện Biên Phủ tôi đều có mặt. Tôi nhận thấy giới lãnh đạo miền Bắc đã lừa bịp các anh rất nhiều, đem nướng các anh trong chiến thuật biển người của chúng mà chính các anh không biết.

Còn dọa rằng các anh dùng Trận-Địa-Pháo để tiêu diệt chúng tôi? Khó lắm! Chúng tôi thách các anh! Hầm chúng tôi rất kiên cố với hàng chục lớp bao cát… Tôi xin mách các anh một kinh nghiệm làm hầm là: khi nào có đốn cây thì nhớ lấy đất trét lên gốc cây kẻo phi cơ quan sát khám phá được, gọi B52 đến dội bom… B52 mà dội thì chắc chắn các anh không thể toàn mạng để mong có ngày về với gia đình nhìn vợ con đâu!

Đối với chúng tôi, dầu có chết ở chiến trường cũng không sao vì vợ con chúng tôi được hưởng 12 tháng lương, con chúng tôi được chính phủ chu cấp cho đi học đến tuổi trưởng thành. Chúng tôi, mọi cấp trong Quân Đội đều có chính phủ lo chứ không phải như các anh, chết xong bất quá được chính quyền miền Bắc dùng vài lời rao tuyên truyền rồi thôi.

Vì vậy, các anh nên đi về miền Bắc gấp là hơn, để khỏi chết một cách điên rồ, vô lý!

– Các con ơi, đừng tuyên truyền với chúng ông nữa! Cái chết của các con đã gần kề rồi. Hãy nghe lời ông mà cút đi, đừng bợ đít thằng Mỹ mà không có ngày về với vợ con!!…

– Hãy ăn nói đàng hoàng! Các anh cứ suy nghĩ lại, chúng tôi đã bắt được Thượng-sĩ Thanh và một số binh sĩ thuộc hạ của các anh, mỗi người mang AK chỉ có 3 băng đạn! Với số lượng đạn được hạn định tối thiểu như thế làm sao các anh đương đầu nổi với hỏa lực hùng hậu của chúng tôi! Mỗi binh sĩ chúng tôi có hàng ngàn viên đạn, bắn các anh suốt ngày không hết. Thiếu đâu nhận tiếp tế đấy. Còn các anh thì chỉ có một dúm hỏa lực không đủ tự vệ, còn đâu mà đánh với đá. Chỉ nội việc cấp phát đạn dược cho các anh chiến đấu đủ thấy dã tâm của cấp chỉ huy các anh như thế nào rồi! Thôi, chi bằng các anh vứt mẹ súng rồi chuồng về miền Bắc để giữ mạng sống. Đó là hành động sáng suốt nhất… Hãy thực hiện đi…

Lải nhải với giọng vô giáo dục, có lẽ do giới lãnh đạo miền Bắc nhồi sọ từ lâu, chúng không tranh luận mà chỉ nói hỗn với lời lẽ hạ cấp, bỗng dưng tôi có cảm tưởng: hắn quả là kẻ vai u thịt bắp, đã bị khích động bởi những lời tuyên truyền bịp bợm yêu nước thương nòi của guồng máy tuyên truyền miền Bắc! Có điều chắc chắn, lời nói của Trung-tá Thạch bấy giờ đã cho bọn chúng tối thiểu 5, 7 đứa ngồi quanh máy nghe và biết được tinh thần binh sĩ ta và ít ra, đó cũng là dịp Trung-tá Thạch phản tuyên truyền vậy.

Chiều lại, khoảng 17g00 mặt trời hướng Tây còn ở trên cao, ánh nắng vẫn còn gay gắt. Từ bên kia tiền đồn hướng Đông, vài binh sĩ Dù đang dẫn một quân nhân tiến qua bãi đáp, đưa về BCH/TĐ 2 Dù. Lúc đến gần, chúng tôi mới nhận ra đó là một binh sĩ Biệt-Động-Quân.

Sau khi trình diện BCH/TĐ 2 Dù, anh ta tìm nước tắm. Tôi gọi lại hỏi và được biết: anh ta là Hạ Sĩ Phạm-Văn-Đăng thuộc Đại-đội 1 Tiểu-đoàn 39 Biệt-Động-Quân do Thiếu-tá Vũ Đình Khang làm Tiểu-đoàn Trưởng. Đăng nhỏ người, khoảng 20, 21 tuổi, nói tiếng Huế, đầu đội nón sắt, chiếc áo giáp còn khoác trên mình. Áo quần, mặt mày, tay chân đều phủ tro than và bụi đất đen kịt như người Phi Châu.

Đăng thuật lại:

– Sau ngày toàn thắng 19-2-71, Tiểu-đoàn 39 BĐQ của anh thu trên 500 súng đủ loại, phá nát các kho chứa hàng ven đường mòn Hồ Chí Minh, giết trọn 1 Tiểu-đoàn Việt cộng, xác nằm la liệt tại trận chiến.

Sau đó, bọn chúng phản công mãnh liệt. Đại-đội anh đã chiến đấu đến hết viên đạn cuối cùng mới rút đi. Khi rút, anh cùng chạy với 3 người bạn. Lạc đường, lạc hướng, anh có nghe tiếng « départ » của đại bác, anh định bụng: có lẽ vị trí Pháo-binh của ta đây rồi! Anh cùng bạn bè bò dần đến nơi xuất phát tiếng « départ ». Anh ngạc nhiên thấy súng ngụy trang, nhìn kỹ, tất cả pháo thủ đều đội nón cối và không một ai có áo giáp.

Anh hoảng hốt thốt lên: Việt cộng rồi bây ơi!

Anh khẽ bảo các bạn như thế. Rồi mỗi người một hướng tìm cách bò ra khỏi vị trí pháo địch. Anh và các bạn lạc nhau từ đấy.

Đêm xuống, anh tìm cây cao leo lên dựa lưng ngồi chờ sáng, không một hột cơm, không một giọt nước. Sáng hôm sau, anh nhắm hướng Nam bò lên sườn núi để cố gắng đi trên đỉnh hầu dễ quan sát.

Ngày đi và bò, đêm thì thức chờ sáng. Đói khát đe dọa triền miên, nhưng anh nhứt quyết thà chết chứ không để lọt vào tay địch.

Mãi đến nay, sau 3 ngày gian khổ cùng cực, anh lên được đỉnh núi cao ở hướng Đông Bắc Căn-Cứ Hỏa-Lực 30 và cách căn-cứ khoảng 2 cây số. Đỉnh núi này trống trãi vì bị Pháo-đội tôi phát quang bằng đạn khói làm cháy rụi tất cả lau lách, cây cối. Tại đấy, anh nhìn rõ vị trí chúng tôi, có đồn lũy, đại bác… Anh mừng thầm, không đến nỗi bỏ xác ngoài rừng nữa.

Men theo triền núi, anh tiến dần xuống tiền đồn chúng tôi. Lúc đầu, binh sĩ Dù ngỡ anh là quân do thám của Việt cộng, bố trí sẵn sàng nổ súng. Nhưng khi anh càng tiến gần lại, binh sĩ Dù nhìn rõ được quân phục anh đang mang trên người, nhất là không thấy anh có súng, nên lên tiếng hỏi. Nhờ đó, một lần nữa anh thoát chết vì ngộ nhận!

Là Pháo-binh, thật tâm tôi chỉ ước muốn Đăng cho tôi biết rõ về Pháo-binh địch hơn là các chi tiết khác. Những bực dọc vì phản pháo không có hiệu quả cứ ám ảnh tôi mãi… Tôi hỏi Đăng:

– Anh thấy đại bác Việt cộng có nhiều không? Nó để ở đâu bắn? Anh có nhớ hướng đặt súng của chúng không?

– Bọn chúng có 3 khẩu. Sau mỗi lần bắn chúng đẩy vào hầm. Hầm làm ở sườn bên kia núi, đục sâu vào núi và vì tôi ở xéo vị trí chúng nên không biết đường hầm vào bên trong có lối rẽ ngang dọc hay không? Nhưng khi nào bắn thì tôi thấy chúng đẩy ra. May cho tôi, khi thấy và biết chắc bọn chúng là Việt cộng, tôi liền nghĩ phải tìm chỗ nấp trước đã — và tôi lủi ngay vào bụi rậm gần đấy tức khắc. Nhờ đó mà tôi quan sát được hoạt động của chúng, và cũng nhờ đó mà tôi không bị bắt… Mấy thằng bạn tôi, có đứa bị nó bắt được sau đó nhưng anh em không khai gì cả nên chúng hoàn toàn không biết chỗ nấp của tôi.

– Bây giờ anh có thể định hướng chỗ bọn chúng đặt súng không?

– Dạ được! Hướng súng chúng đặt ở chỗ này… (vừa nói, Đăng vừa trỏ tay chỉ đúng vào hướng mà chúng tôi đã từng phản pháo, nhưng khoảng cách thì Đăng cũng chỉ ước lượng thôi).

Đăng tiếp:

– Nếu Đại-úy có Quan-sát-viên ở trên đỉnh núi kia (hướng Đông Bắc) thì có thể rõ chỗ đặt súng của chúng.

Tôi bảo nhân viên đưa bản đồ và hỏi Đăng. Đăng biết xử dụng, nhưng vị trí pháo địch do Đăng chỉ cũng không khác với tọa độ chúng tôi đã chấm trên xạ bảng để phản pháo.

Sau khi nghỉ mệt, tôi cho Đăng một cặp đồ trận, 2 ống nước và xà-phòng để « tẩy uế », và 1 phần lương khô. Trông Đăng ăn mà đâm ra thương hại. Những thèm khát vì thiếu ăn, giờ được thỏa mãn, Đăng hết lời cảm ơn tôi dù tôi không nhận và cho đó là bổn phận, là ràng buộc của tình đồng đội mà bất cứ quân nhân nào cũng phải có.

Trong lúc chờ trực thăng đưa Đăng về trình diện Bộ Chỉ-huy Liên-đoàn 1 Biệt-Động-Quân tại Phú Lộc, Đăng đã tá túc tại vị trí chúng tôi cùng với các pháo thủ. Nhân cơ hội này, anh em chúng tôi được Đăng tường thuật lại những phút oai hùng nhất của Tiểu-đoàn 30 BĐQ, và cũng kinh khủng nhất trong những pha giằng co quyết tử để bảo vệ màu cờ binh chủng. Chính Đăng đã đạp trên xác địch thoát thân trong lúc đơn vị anh phân tán mỏng để khỏi bị tiêu diệt tập thể bằng hàng loạt, hàng loạt đợt tấn công biển người của Cộng quân. Dưới mắt anh, quả thật Cộng quân hy sinh nhân mạng một cách điên cuồng, khủng khiếp nhất — mà, chính anh, theo lời anh nói — chưa hề thấy trên hàng chục trận anh đã đụng độ tại quốc nội.

Với nụ cười kiêu hùng, anh trọ trẹ tiếng Huế với tôi:

– Thưa Đại-úy, em tiếc quá! Phải chi có trực thăng triệt thoái hết số vũ khí mà bọn em tịch thu hôm 17, 18 tháng 2 đem về Khe Sanh thì tốt biết mấy, đằng này vì trời mù — em nghe Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn em có xin trực thăng triệt thoái súng, nhưng máy bay không đến được… Uổng quá!…

Rồi Đăng lập luận:

– Đành rằng vì không có máy bay bốc chiến lợi phẩm, bọn em cũng nhờ súng đạn của chúng đánh lại chúng. Nhưng dầu sao cũng tiếc một điều là, nếu có trực thăng đến đưa chiến lợi phẩm về hậu cứ, thì bọn em đương nhiên nhận thêm đạn dược trong những chuyến trực thăng đến với chúng em — và như thế, hẳn chúng em không đến nổi khan đạn… Nhưng dầu sao em vẫn thấy Tiểu-đoàn em thắng hẳn bọn chúng, nếu đếm thật kỹ số xác để tại trận của chúng…

https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/03/27

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét