Võ Thái Hà tổng hợp
Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Việt Nam
05/7/2022
Có một số diễn biến đáng chú ý liên quan đến quan hệ Việt – Mỹ trong vài tuần tới. Đầu tiên, tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ thăm Đà Nẵng vào nửa cuối tháng 7, theo các nguồn tin.
Chuyến thăm này diễn ra sau khi tàu USS Abraham Lincoln bất ngờ hoãn chuyến thăm Việt Nam được lên kế hoạch vào tháng 5.
Thứ hai là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong vài tuần nữa. Theo tôi được biết, chuyến thăm được lên kế hoạch diễn ra vào thượng tuần tháng 7 nhưng được dời lại vài tuần sau.
Theo suy đoán, có lẽ nó được dời lại vì diễn ra quá sát với chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người thăm Việt Nam từ 5 – 6.7. Việc này có thể đặt nước chủ nhà Việt Nam vì tình thế khó xử.
Trước đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã có chuyến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 6.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị công an Hà Nội bắt theo Điều 117 BLHS
Nguồn hình ảnh, FB Nguyen Lan Thang
Ông Nguyễn Lân Thắng, một trong những nhà hoạt động được nhiều người chú ý, vừa bị công an Hà Nội bắt tạm giam.
Tin ông Thắng bị bắt gây bất ngờ, vì trong thời gian khoảng hai năm gần đây, gương mặt từng mạnh mẽ chỉ trích chính quyền, hầu như không hoạt động gì.
"Ông Thắng rất bận bịu với hai con nhỏ nên ít đi lại ra bên ngoài như trước đây," nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người bạn của ông Lân Thắng, cho BBC biết, do đó, khó để biết lý do gì đằng sau dẫn tới vụ bắt giữ này. "Từ hồi sinh con nhỏ đến nay, ông Thắng lo ở nhà giúp vợ chăm sóc con cái là chính, không còn hoạt động gì nữa."
Tuy nhiên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói đây không phải là chuyện quá bất thường.
"Mấy năm trở lại đây, giới chức liên tục bắt những nhà hoạt động xã hội dân sự dù hiện nay họ đã không làm gì," ông Chênh nói. "Ở Hà Nội bị bắt nhiều nhất, với các vụ bắt Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung, Lê Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thuý Hạnh, Đoan Trang, Trương Dũng và bây giờ là Lân Thắng."
"Hà Nội trước đó còn bắt các ông Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy và Lê Anh Hùng. Anh em Hà Nội bị bắt nhiều nhất."
Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng viết về vụ ông Thắng bị bắt giữ: "Bất ngờ mà lại không 'ngạc nhiên'."
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng từng viết nhiều bài, trả lời phỏng vấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, và về những vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam.
"Ông Nguyễn Lân Thắng là nhà hoạt động xã hội dân sự từ rất sớm. Mong muốn của ông ấy là có một xã hội tiến bộ, đất nước giàu mạnh không bị Trung Quốc hiếp đáp," nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói.
'Trấn áp tiếng nói đối lập'
"Chiến dịch trấn áp quá đáng và không thể chấp nhận của Việt Nam đối với quyền tự do biểu đạt vừa bẫy thêm được một nạn nhân nữa, người chắc chắn sẽ phải đối diện với một phiên tòa bỏ túi và nhiều năm tù vì dám nói lên suy nghĩ của mình," ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong một thông cáo hôm 5/7.
"Việc ông Nguyễn Lân Thắng cổ súy một cách ôn hòa cho việc cải cách dân chủ và công lý cần phải được tôn trọng, lắng nghe thay vì phải đối diện với sự đàn áp bất công như thế này."
"Chính phủ các nước trên thế giới cần phải đòi trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho Nguyễn Lân Thắng, và gây áp lực để Hà Nội chấm dứt làn sóng đàn áp này."
Tin cho hay ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào khoảng 8 giờ sáng. Nhà riêng của ông bị khám xét, và giới chức đã tịch thu một số thiết bị điện tử cùng một số sách về nhân quyền.
Hồi năm 2015, ông Nguyễn Lân Thắng bị hăm dọa bằng việc "hắt sơn đỏ be bét" vào nhà "trông rất kinh hoàng", bên cạnh việc bị "tấn công khi đi đón con ở trường mầm non" và "liên tục theo dõi, theo đuổi và khủng bố", ông nói với BBC tại thời điểm đó.
"Ai bị bắt thì trước đó cũng bị gây sự cách này cách khác trước vài tháng," nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bình luận với BBC.
Từ sáng 5/7, trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Lân Thắng tuy vẫn thường xuyên cập nhật nhưng lại không do ông kiểm soát. Trạng này thậm chí vẫn tiếp tục đăng dòng trạng thái mới, sau khi ông Thắng đã bị bắt giữ.
Các báo Việt Nam trong chiều 5/7/2022 đồng loạt đăng bản tin ngắn với nội dung giống nhau, nói ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo Điều 117, người bị kết tội này có thể phải chịu mức án tù tối đa là 20 năm, và có thể phải chịu thêm một số hình phạt bổ sung như tước quyền công dân đến 5 năm, phạt quản chế, cấm cư trú đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Miền đông Ukraina: TT Nga lệnh cho quân đội tiếp tục chiến dịch sau khi chiếm Lysychansk
Một ngày sau khi chiếm được thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Luhansk, hôm qua, 04/07/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiếp tục chiến dịch tấn công tại miền đông Ukraina.
Trong buổi làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Sergueï Choïgou, được AFP trích dẫn, tổng thống Nga đã ra lệnh cho quân đội tiếp tục ‘‘hoàn thành nhiệm vụ’’, với việc thực thi ‘‘các kế hoạch đã định’’. Cũng về tuyên bố của tổng thống Nga hôm qua, theo hãng tin Mỹ AP, tuy ông Putin ra lệnh tiếp tục chiến dịch, nhưng cũng thừa nhận sau chiến thắng tại Severodonetsk và Lysychansk, các lực lượng tại Donbass ‘‘cần nghỉ ngơi, và tăng cường khả năng chiến đấu’’.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institut of War), có trụ sở tại Washington, quân Nga ‘‘cần một khoảng thời gian quan trọng để nghỉ ngơi và tái trang bị trước khi tiếp tục các hoạt động tấn công quy mô lớn’’, nhưng hiện tại ‘‘không rõ là quân đội Nga có chấp nhận rủi ro khi tạm dừng hoạt động đủ lâu để cho phép các lực lượng bị kiệt quệ này lấy lại sức chiến đấu hay không’’. Theo nhà phân tích quân sự Ukraina, ông Oleh Zhdanov, được AP trích dẫn, nhiều đơn vị Nga đã thiệt hại đến một nửa quân số sau chiến dịch vừa qua.
Đa số các đợt tấn công tại Donetsk bị đẩy lui
Trên thực địa, trong buổi tối hôm qua 04/07, quân đội Ukraina ghi nhận quân Nga đã tiến hành nhiều đợt tấn công tại vùng Kharkiv (đông bắc) và ở tỉnh Donetsk ở miền đông, nhưng đều bị đẩy lui. Tuy nhiên, ‘‘quân thù đã thành công một phần trong cuộc tấn công nhắm vào ngôi làng Mazanivka (gần thành phố Sloviansk)’’.
Hai thành phố Sloviansk, cách Lysychansk hơn 70 km, cùng với Kramatorsk, thuộc tỉnh Donetsk, là đích ngắm tiếp theo của quân đội Nga. Sloviansk là mục tiêu pháo kích của quân Nga. Theo AFP, sáng hôm qua, phố phường thành phố này gần như không có người đi lại. Thống đốc tỉnh Donetsk, Pavlo Kirilenko, cho biết các cuộc oanh kích của Nga hôm Chủ nhật khiến 10 người, trong đó có hai trẻ em, thiệt mạng tại thành phố Sloviansk và một số khu vực lân cận.
Bổ nhiệm một cựu sĩ quan an ninh FSB đứng đầu vùng Kherson Nga chiếm đóng
Nhân vật số hai của vùng Kaliningrad (tây bắc nước Nga) được bổ nhiệm làm ‘‘người đứng đầu chính phủ vùng Kherson’’, theo cơ quan quân quản Nga tại tỉnh miền nam Ukraina. Việc bổ nhiệm có hiệu lực hôm nay, 05/07. Ông Sergueï Elisseïev, 51 tuổi, tốt nghiệp Học viện An ninh Nga FSB, đã từng phục vụ trong ngành an ninh, theo trang mạng của chính quyền tỉnh Kaliningrad.
Kể từ khi chiếm được Kherson, chính quyền Matxcơva đã theo đuổi chính sách Nga hóa khu vực này, với việc đưa vào sử dụng đồng rúp, cấp hộ chiếu Nga, một ngân hàng đầu tiên của Nga được mở vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các lực lượng Ukraina phản công trở lại tỉnh Kherson, và đã giành lại được nhiều đất từ tay quân Nga.
Úc dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập cảng của Ukraine
Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Trái) và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói chuyện với giới truyền thông trong cuộc họp báo tại Phủ Tổng thống ở Kyiv, Ukraine, Chủ Nhật ngày 03/07/2022. Ông Albanese đã có chuyến thăm kéo dài 12 giờ tới Kyiv trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AAP Images/Lukas Coch)
Chính phủ Úc đã dỡ bỏ tất cả các loại thuế đối với hàng hóa đến từ Ukraine trong 12 tháng tới như một phần của gói viện trợ được công bố gần đây.
Có hiệu lực ngay từ ngày 04/07, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Don Farrell cho biết việc dỡ bỏ thuế quan là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm làm sâu sắc hơn mối liên kết thương mại song phương giữa hai nước.
Ông Farrell cho biết trong một thông cáo báo chí: “Những biện pháp này của Úc và các đối tác quốc tế khác nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine và mở rộng cơ hội thương mại là sống còn đối với sự phục hồi và tái thiết của Ukraine trong ngắn hạn và dài hạn.”
“Úc lên án hành động xâm lược đơn phương, bất hợp pháp và vô đạo đức của Nga nhắm vào người dân Ukraine. Biện pháp này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ nền kinh tế Ukraine khi nước này đương đầu với những tác động tàn phá đang diễn ra từ cuộc xâm lược của Nga.”
Đại sứ quán Ukraine tại Úc lưu ý các mặt hàng xuất cảng chính của nước này đến Úc Châu bao gồm các loại dầu ăn như dầu hướng dương, luyện kim và máy móc, tàu thuyền, cũng như phân bón.
Sau khi áp dụng các biện pháp này, mức thuế quan lên tới 5% đối với hàng hóa được sản xuất hoặc sản xuất tại Ukraine sẽ giảm về 0 trong kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, các loại thuế tương đương với thuế tiêu thụ đặc biệt, giống như thuế áp dụng cho nhiên liệu, rượu và các sản phẩm thuốc lá, sẽ vẫn được áp dụng.
Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại và bộ trưởng của cơ quan này, kim ngạch nhập cảng từ Ukraine đạt gần 122 triệu AUD vào năm 2021, trong khi xuất cảng của Úc sang Ukraine đạt 29.8 triệu AUD trong năm 2018.
Úc viện trợ 100 triệu AUD cho Ukraine
Thông báo của bộ trưởng thương mại được đưa ra một ngày sau khi thủ tướng Úc đến thăm Ukraine hôm 03/07. Ông đã đến thăm một số thị trấn xung quanh thủ đô Kyiv bao gồm Bucha, Irpin, và Hostomel — nơi mà chính phủ Ukraine cho biết đã xảy ra một số hành động tàn ác nhất trong cuộc xâm lược của Nga. Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng tuyên bố chính phủ nước ông sẽ cung cấp 99.5 triệu Úc kim viện trợ quân sự, bao gồm 14 xe thiết giáp chở quân M113, 20 xe thiết giáp Bushmaster và phi cơ không người lái do ngành công nghiệp quốc phòng Úc cung cấp.
Úc cũng sẽ đóng góp vào Quỹ Ủy thác Gói Hỗ trợ Toàn diện cho Ukraine của NATO và trao 8.7 triệu AUD (6 triệu USD) để hỗ trợ Cơ quan Biên phòng Ukraine nâng cấp thiết bị quản lý biên giới, cải thiện an ninh mạng, và củng cố hoạt động biên giới trên thực địa.
Tổng cộng, gói viện trợ mới nhất này sẽ nâng tổng số tiền chi viện của Úc cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine lên tới khoảng 388 triệu AUD.
Hiện nay, Úc là nước không thuộc NATO có đóng góp nhiều nhất cho quốc phòng Ukraine.
Úc cũng sẽ tham gia cùng các đồng minh của mình — Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ — cấm nhập cảng vàng của Nga để cắt giảm nguồn tài trợ cho cuộc xâm lược của nước này.
Đại sứ Ukraine tại Úc Vasyl Myroshnychenko nói với ABC Radio National hôm 04/07 rằng Úc đã làm hết khả năng của mình để thể hiện sự ủng hộ của nước này đối với Ukraine.
Ông nói: “Tổng thống của tôi nói, hãy nhìn xem, điều này thực sự tuyệt vời khi Úc đã làm được rất nhiều điều hỗ trợ từ rất xa cho Ukraine. Mọi người ở Ukraine đều rất cảm kích sự hỗ trợ đến từ Úc và người dân Úc.”
Bà Victoria Kelly-Clark là một phóng viên người Úc tập trung vào chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.
Nhật Thăng biên dịch
Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ gần 79% vì Tổng thống của họ nghĩ khác với cả thế giới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu ngày 5/4/2021. (Adem Altan / AFP qua Getty Images)
Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đi trên một con đường độc đạo, bơm tiền thoải mái qua chính sách lãi suất thấp bất chấp lạm phát để chạy theo thành tích tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi lạm phát là nguyên nhân gốc rễ bào mòn tài sản, tích lũy và thúc đẩy nợ nần của khu vực dân cư. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ thất bại sinh động khi điều hành chính sách tiền tệ theo cách nghĩ khác với cả thế giới…
Lạm phát gần 79%, cao nhất trong 24 năm qua
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tốc trong tháng thứ 13 liên tiếp lên 78,6% vào tháng 6/2022 (cùng kỳ năm trước lạm phát tăng 17,5%), mức cao nhất kể từ tháng 9/1998 và vượt qua kỳ vọng của thị trường là 78,3%.
Giá trị đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là lira ngày một giảm sâu khi nước này thực thi chính sách lãi suất thực âm (lãi suất huy động bình quân trừ đi kỳ vọng lạm phát bình quân nhỏ hơn 0).
Nhưng đây chỉ là số liệu công bố chính thức. Theo các chuyên gia từ Nhóm Nghiên cứu Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ độc lập (ENAG), con số này thực sự vẫn cao hơn nhiều. Họ cho rằng có nhiều khả năng lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ gần 160,8% (lớn gấp hơn 2 lần so với số liệu thống kê của chính phủ).
84 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong bão giá
Giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến dân số 84 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân nước này ít có hy vọng giá cả cải thiện trong thời gian tới do hậu quả của chiến tranh Nga-Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm cao, đồng thời đồng lira mất giá mạnh.
Trang tin DW của Đức mô tả hoàn cảnh một người phụ nữ nghỉ hưu tức giận với tài xế xe buýt vì phải trả giá vé cao gấp hơn 3 lần, từ 2,5 lira lên tới 7 lira cho cùng một quãng đường trong thời gian ngắn. Sau khi tức giận với tài xế xe buýt, người phụ nữ nói bà tức giận dù biết đó không phải lỗi của tài xế. Đó là lỗi của ông ấy [ám chỉ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ].
Trang DW cho biết người phụ nữ từ chối công khai tên họ của bà vì sợ bị trả thù. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị trả thù, thậm chí bị bắt giữ vì xúc phạm tổng thống. Điều này diễn ra ở khắp mọi nơi.
Người lái xe nói với DW: “Chúng tôi không muốn tăng giá. Mọi người đang gặp khó khăn vì giá vé tăng phi mã. Nếu giá tăng một lần nữa, chúng tôi sẽ có ít khách hàng hơn”.
Tổng thống muốn chứng minh lý thuyết và thực hành của NHTW khắp thế giới là sai
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm trước, nhưng trước rủi ro giá cả bắt đầu tăng và dấu hiệu lạm phát rõ ràng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từ chối tăng lãi suất điều hành để hạ nhiệt tình trạng lạm phát. Ông Erdogan cho rằng “lãi suất là mẹ của mọi tệ nạn”, rằng lãi suất tăng sẽ bóp nghẹt tăng trưởng. Để chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, vốn có thể là thành tích cho đợt bầu cử nhiệm kỳ kế tiếp vào năm 2023, ông Erdogan thà chấp nhận nhìn túi tiền của người dân bốc hơi vì lạm phát.
Với lý do đó, tổng thống Erdogan đã chỉ thị cho ngân hàng trung ương của đất nước – mà các nhà phân tích cho rằng không độc lập với quyền lực của ông – liên tục cắt giảm lãi suất điều hành năm 2020 và 2021, ngay cả khi lạm phát tiếp tục tăng. Cũng trong hai năm này, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã thay liên tiếp tới 4 vị thống đốc.
Lãi suất của đất nước đã dần dần giảm xuống 14% vào mùa thu năm ngoái và không thay đổi kể từ đó. Đồng lira đã mất giá tới 93,59% so với đồng USD trong 12 tháng qua.
Lãi suất điều hành của NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đứng im, không hề thay đổi bất chấp lạm phát tăng phi mã, ngày càng bỏ xa lãi suất trong hai năm qua (Nguồn: ảnh chụp màn hình từ trang Trading Economics).
Các chuyên gia tài chính, trong đó có nhà kinh tế Murat Birdal của Đại học Istanbul, đổ lỗi rất nhiều cho Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Birdal cho biết ông dự kiến tỷ lệ lạm phát ba con số vào cuối năm nay.
Ngân hàng Trung ương lẽ ra phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nhiều tháng qua khi đối mặt với lạm phát phi mã; phản ứng chính sách này ít nhất là đã được chấp nhận trên thực tế, là kiến thức phổ quát của các NHTW khắp toàn cầu. Nhưng có vẻ như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không tin vào mớ lý thuyết này, ông ấy muốn thử nghiệm một con đường khác dù cái giá phải trả là gì.
Tổng thống Erdogan đã khẳng định một cách kiên định rằng lạm phát là kết quả của lãi suất cao. Và kết quả là lạm phát ở đất nước này tăng chóng mặt khi lãi suất thấp. Chưa rõ khi nào ông Erdogan sẽ thay đổi quan điểm chính sách của mình và không rõ liệu các chuyên gia kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tác động tới quan điểm kiên định của tổng thống hay không.
Quang Nhật
Trung Quốc nói cuộc đàm phán trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ ‘mang tính xây dựng’
05/7/2022
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vừa có một cuộc đối thoại trực tuyến “mang tính xây dựng” với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen hôm 5/7, theo đó cả hai bên đồng ý phối hợp tốt hơn các chính sách vĩ mô, Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về các mức thuế bổ sung mà Hoa Kỳ đã áp lên hàng hóa Trung Quốc, trong một cuộc trao đổi mà Bộ Thương mại Trung Quốc viết trong tuyên bố là “thực dụng và thẳng thắn”.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ bày tỏ sự đồng tình trong tuyên bố của mình, nói rằng cuộc trao đổi “thẳng thắn và thực chất”, nhưng không đề cập đến mối quan ngại của Trung Quốc về việc Hoa Kỳ áp thuế quan.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang cân nhắc việc nới lỏng thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc, một phần để giảm lạm phát, điều mà ông nói là ưu tiên hàng đầu.
“Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại về các vấn đề như dỡ bỏ thuế quan bổ sung và các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Trung Quốc, và đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
“Cả hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đối thoại và liên lạc”, tuyên bố của phía Trung Quốc cho biết thêm.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói rằng bà Yellen “thẳng thắn” đưa ra các vấn đề quan ngại bao gồm tác động của cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu và các hoạt động kinh tế không công bằng và phi thị trường của Trung Quốc.
Tuyên bố của Trung Quốc không đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, nhưng ông Lưu và bà Yellen nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức “nghiệt ngã”.
Đặc sứ Vatican cảnh báo Công giáo tại Hong Kong sắp bị đàn áp
05/7/2022
Một buỗi lễ tại nhà thờ Công giáo ở Hong Kong.
Đức ông Javier Herrera-Corona, đại diện không chính thức của Vatican tại Hong Kong, vừa đưa ra một thông điệp rõ ràng tới 50 phái bộ Công giáo của thành phố này trước khi kết thúc nhiệm kỳ 6 năm vào tháng 3: các quyền tự do mà họ được hưởng trong nhiều thập kỷ qua đã hết, theo Reuters.
Trong bốn cuộc họp được tổ chức trong nhiều tháng, bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, vị giám mục 54 tuổi người Mexico nói với các nhà truyền giáo ở Hong Kong rằng hãy chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn khi Trung Quốc thắt chặt quyền kiểm soát thành phố và ông kêu gọi các đồng nghiệp bảo vệ tài sản, hồ sơ và quỹ của phái bộ, theo bốn người nắm tin tức từ các cuộc họp riêng.
Giám mục Herrera-Corona cảnh báo các nhà truyền giáo: “Sự thay đổi sắp xảy ra và quý ngài tốt hơn hết là nên chuẩn bị”, theo lời một trong những người nói với Reuters. Người này tóm tắt thông điệp của ông Herrea- Corona: “Hong Kong không phải là vùng đất tuyệt vời của Công giáo”.
Thông điệp của ông Herrera-Corona được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiến hành đàn áp ở Hong Kong sau các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019, bao gồm việc xói mòn quyền tự do dân sự, bắt giữ hàng chục nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và đe dọa tính độc lập của cơ quan tư pháp.
Nhưng những lo ngại của ông vượt xa hơn những đàn áp an ninh đang diễn ra, nguồn tin nói: ông Herrera-Corona cảnh báo rằng việc hội nhập chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong những năm tới có thể dẫn đến những hạn chế theo kiểu đại lục đối với các nhóm tôn giáo.
Tại đại lục, người Công giáo từ lâu đã bị chia ra thành một là theo giáo hội ngầm trung thành với Vatican và hai là theo giáo hội chính thức do nhà nước kiểm soát. Vatican không có đại diện chính thức ở Trung Quốc sau khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt vào năm 1951 ngoài sự hiện diện của hai đặc phái viên không chính thức ở Hong Kong. Người thay thế ông Herrera-Corona làm người đứng đầu sứ mệnh không chính thức đó sẽ đến nhận nhiệm sở vào tháng tới.
Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương Trung Quốc tại Hong Kong và Cơ quan Quản lý Nhà nước về Các vấn đề Tôn giáo thuộc Quốc vụ viện ở Bắc Kinh không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trong chuyến thăm đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/7 bảo vệ phương châm quản lý “một quốc gia, hai hệ thống” của thành phố, theo đó trao cho chính quyền Hong Kong quyền tự trị rộng chưa từng thấy ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo và quyền tự do báo chí. Ông nói: “Hệ thống này phải được duy trì lâu dài”.
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông trong ngày 5 và 6/7
RFA
05/7/2022
Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 2/1/2017 cho thấy máy bay chiến đấu J - 15 của Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông
AFP
Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam trong hai ngày 5 và 6/7.
Thông tin trên được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) và được truyền thông nhà nước Việt Nam loan trong ngày 5/7.
Thông báo không nói rõ qui mô tập trận, chỉ nói tàu thuyền bị cấm vào khu vực liên quan.
Theo các thông báo được đăng trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post, tính từ đầu năm 2022 đến nay, TQ đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có chín cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và một cuộc tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 19/6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng đã từng phản ứng đối với các cuộc tập trận của TQ tại khu vực thuộc chủ quyền của VN rằng: "Việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông".
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trước đó, hôm 27/5, Cơ quan An toàn Hàng hải của Trung Quốc hôm thông báo nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận ngoài khơi đảo Hải Nam vào ngày 28/5 và yêu cầu các tàu thuyền không được đi vào vùng tập trận trong phạm vi 100 mét vuông.
Cuộc tập trận được thực hiện ở khoảng cách dưới 25 km cách bờ biển đảo Hải Nam.
Cuộc tập trận diễn ra vào lúc có nhiều chỉ trích từ Mỹ và các nước Phương Tây đối với hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển có nhiều tranh chấp này, đặc biệt là đối với Đài Loan, nơi Trung Quốc luôn cho là một phần lãnh thổ cần được thống nhất với đại lục.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương bế mạc tại Phú Yên
05/7/2022
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22) tại Việt Nam bế mạc hôm 3/7 ở tỉnh Phú Yên.
Theo Đại sứ quán Mỹ, trong thời gian tiến hành chương trình ở Việt Nam, nhóm PP22 gồm các đại diện từ Australia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ đã “triển khai một loạt các hoạt động và dự án nhân đạo, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương tại Phú Yên”.
Tin cho hay, các bác sĩ và y tá từ những nước trên đã thăm khám cho 650 bệnh nhân và 23 thủ thuật y khoa đã được tiến hành trên tàu bệnh viện USNS Mercy. Thêm nữa, còn có 115 buổi trao đổi chuyên môn.
Ngoài ra, theo Đại sứ quán Mỹ, 10 chương trình biểu diễn của ban nhạc với các nhạc công đến từ bốn nước đã thu hút 6700 khán giả.
Chuẩn đô đốc Mark Melson, Chỉ huy Lực lượng Tây Thái Bình Dương, được cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ dẫn lời nói tại buổi lễ bế mạc rằng “mối quan hệ hợp tác và tình hữu nghị của chúng tôi với Việt Nam tiếp tục phát triển và lớn mạnh qua mỗi nhiệm vụ và hoạt động của chương trình Đối tác Thái Bình Dương…”
Ông nói thêm rằng “điều này tăng cường khả năng làm việc chung của chúng ta, nhất là trong tình huống cần thiết, như thiên tai hay bất kì trường hợp nào cần tới hỗ trợ nhân đạo”.
Theo Đại sứ quán Mỹ, chương trình PP22 đã “củng cố quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với tất cả các nước tham gia”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper được dẫn lời nói rằng “chương trình Đối tác Thái Bình Dương biến các cam kết của các nhà lãnh đạo của chúng ta thành những hành động cụ thể” và rằng “những nỗ lực của chúng ta tại đây tập trung vào việc chăm sóc lẫn nhau hôm nay, ngày mai và trong tương lai”.
“Các bệnh nhân trong bệnh viện địa phương hoặc trên tàu bệnh viện USNS Mercy, các học sinh tiểu học tại ba trường học địa phương, chúng ta đều đã nhìn thấy và cảm nhận được tác động của sự gắn kết ngày một lớn mạnh của chúng ta thông qua mối quan hệ song phương kéo dài 27 năm, được thể hiện qua Chương trình đối tác Thái Bình Dương”, ông Knapper nói, theo Đại sứ quán Mỹ.
Cơ quan ngoại giao này dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Đào Mỹ “cảm ơn Đoàn PP22 đã xây dựng chương trình hoạt động hiệu quả, phù hợp trên cả bốn nhánh hoạt động chính là: xây dựng, y tế, phòng chống thiên tai thảm họa và giao lưu cộng đồng, và vì đã lựa chọn Phú Yên là điểm dừng chân đầu tiên trong kế hoạch hoạt động năm nay”.
Cổng thông tin của Phú Yên dẫn lời ông Mỹ nói rằng “các bác sĩ PP22 đã dành nỗ lực cao nhất để vận chuyển thiết bị thay khớp, quyết tâm thực hiện được các ca phẫu thuật miễn phí cho người dân Phú Yên”.
Ông Mỹ cũng nói rằng thông qua các hoạt động của PP22, “đội ngũ bác sĩ, kỹ sư và nhân viên của tỉnh Phú Yên đã có cơ hội được tham gia trực tiếp hoạt động hợp tác quốc tế, trau dồi nhiều kỹ năng nghiệp vụ”.
Theo cổng thông tin trên, ông Mỹ cũng bày tỏ “hy vọng đất và người Phú Yên sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp với các thành viên đoàn tham gia PP22” cũng như “đáp ứng được sự trông đợi của Chương trình Đối tác Thái bình dương trong hoạt động nhân đạo và giao lưu hữu nghị”.
Tin cho hay, đây là năm hoạt động thứ 17 của Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, một chương trình hàng năm nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa và viện trợ nhân đạo đa quốc gia có quy mô lớn nhất được thực hiện tại Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét