Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần VII


https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=189&h=300

VII- VỤ ĐẤU TRANH tại Trại Số 5 Thanh Hóa

Đầu tháng 8-1978, chúng cho chúng tôi vào Thanh Hóa. Trại Quảng Ninh cách Mông Cáy (biên giới với Trung quốc) không xa mấy, cách bờ biển vịnh Hạ Long cũng gần, nếu Trung Cộng tấn công thì chắc không giữ được, nên chúng đưa chúng tôi đi. 

Khởi hành từ trại Quảng Ninh lúc 1 giờ sáng, chúng tôi đến Phân trại B trại số 5 Thanh Hóa vào khoảng 9 giờ tối. Ngủ một đêm, sáng hôm sau gặp mấy người tù hình sự trong đội làm bếp đem cơm đến cho chúng tôi, chúng tôi tìm cách hỏi nhỏ về địa điểm trại. Họ cho biết là trại thuộc huyện Thiệu Yên. Thiệu Yên là huyện mới, ghép hai huyện cũ là Thiệu Hoa và Yên Định. Trại nằm trên phần đất Yên Định cũ. Chúng tôi hỏi thêm ”trại Lý Bá Sơ ngày trước ở Thanh Hóa nầy ở đâu?” Thì được trả lời ‘‘Đúng nó đây rồi”. 


Sau này, chính tên Thiếu tá Trại trưởng có lần nói chuyện với chúng tôi cũng xác nhận đây chính là trại Lý Bá Sơ ngày trước, nay phát triển thành nhiều trại ở Thanh Hoá. Kinh tế Miền Bắc thì không phát triển nổi, nhưng nhà tù thì phát triển lắm. 

Thời gian ở Phân trại B hội đủ các yếu tố đưa đến một cuộc đấu tranh của chúng tôi: 

(1) Sau ba năm không có ai về; 

(2) Khẩu phần ăn chỉ bằng 2/3 so với trại Quảng Ninh, có bữa chỉ bằng phân nửa; 

(3) Trại không có phòng giam ngăn cách, chúng tôi có thể liên lạc với nhau dễ dàng; 

(4) Cán bộ đối xử rất kém; 

(5) Tình hình bên ngoài đang lúc rối loạn lo sợ Trung Quốc đánh sang, cán bộ cũng hoang mang mất tinh thần. 

Tuy vậy, trong một trại giam Cộng sản, việc đấu tranh vẫn là việc quá khó, vì chúng sẵn sàng đàn áp tàn bạo mà không sợ dư luận vì bên ngòai chẳng ai biết.

Chúng tôi đến Phân trại B đầu tháng 8 thì đầu tháng 9 chúng tôi được nghe máy phóng thanh cho truyền thanh bài diễn văn của Phạm văn Đồng đọc trong lễ Quốc Khánh 2-9-78. Trong bài diễn văn, có đoạn nói đến chúng tôi. Để trả lời dư luận lúc đó đang sôi nổi vì thấy quá hạn 3 năm rồi mà không có ai về, Phạm văn Đồng nói rằng “tuyệt đại bộ phận ngụy quân ngụy quyền đều đã được sum họp với gia đình và phục hồi quyền công dân, chỉ còn một số rất ít có tội ác với nhân dân còn phải tiếp tục cải tạo mà thôi”. Chính bài diễn văn nầy có tác dụng thúc đẩy chúng tôi tranh đấu vì sự dối trá trắng trợn của nó. 

Sau bài diễn văn, trong Phân trại B chúng tôi, không biết ai đã nghĩ ra câu chuyện hài hước và được truyền miệng thì thầm trong từng nhóm nhỏ. 

Câu chuyện hài hước như sau: 

Trong một cuộc thì nói dóc quốc tế, có ba nước được vào chung kết. Trong vòng chung kết nầy, mỗi đại diện phải kể một câu chuyện. 

Đại diện nước thứ nhất kể :

– Ở nước tôi có một cây cầu bắc qua con sông. Cây cầu dài lắm, dài quá đến nổi có một thanh niên ở bên kia cầu được điện tín báo tin cha chết ở bên nầy cầu, thì vội vã lái xe cấp tốc qua cầu để lo tang ma, nhưng khi qua khỏi cầu thì chỉ kip dự lễ mãn tang.

Đại diện nước thứ nhì kể : 

– Ở nước tôi có một cây cổ thụ rất cao. Một hôm, vào mùa hè, có một người trèo lên ngọn cây rồi bị khát nước, lấy nước ra uống và làm rơi mấy giọt nước. Cây cao quá nên khi giọt nước rơi đến đất thì biến thành tuyết, vì lúc ấy đã là mùa đông. 

Đại diện nước thứ ba : 

– Tôi từ Hà-nội đến. Ở nước tôi, chính phủ rất mực khoan hồng nhân đạo. Tuyệt đại bộ phận các viên chức sĩ quan chế độ cũ đều đã được sum họp với gia đình, chỉ trừ một số rất ít còn phải tiếp tục cải tạo mà thôi… 

Ông Chủ tich Hội đồng Giám khảo nghe đến đây thì vội ngắt lời: 

– Thôi đủ rồi. Ông là người đoạt giải.” 

Độ một tuần lễ sau ngày 2-9-78, tên cán bộ chính trị của Phân trại B, thiếu úy Đường, có tổ chức một buổi học tập để nghe lại bài diễn văn đó. Khi tên Đường đọc đến đoạn về những người học tập cải tạo nói trên, thì anh em chúng tôi ngồi dưới đất đều cười ó lên và làm ồn khiến tên Đường không đọc được nữa và giận dữ tuyên bố giải tán ngay buổi học tập. 

Sau đó ít lâu là trận lụt lớn mà chúng kêu la ầm ĩ năm 1978. Các vùng đất chung quanh trại đều bị ngập lụt. Trại huy động toàn thể chúng tôi ra nhổ sắn vì sợ sắn bị ngâm nưóc lụt lâu ngày sẽ hư thối cả. Chúng tôi phải dầm mình dưới nước mà nhổ sắn và di chuyển sắn về trại. Từ ngày đến Phân trại B, chưa có ai được tiếp tế thăm nuôi gì cả mà ăn uống thì quá kém, nên ai cũng trông mong nhân đợt nhổ sắn nầy mà trại cho ăn no được vài bữa, vì sắn nhổ về nhiều mà để lâu thì hư. Chúng tôi chịu đựng mưa gió, dầm mình dưới nước lụt với cái hy vọng nhỏ nhoi là được ăn vài bữa sắn no nê. Nhưng bữa ăn đầu tiên thật phũ phàng. 

Mặc dầu dưới nhà bếp chất đầy sắn, chất cả ra tới ngoài sân, bữa sắn đầu tiên chúng tôi nhìn thấy mà não nề . Trưa hôm ấy, thực đơn là sắn với muối. Sắn luộc nguyên vỏ, đem lên, chúng tôi chia nhau thấy mỗi phần ăn được chừng ba khúc, mỗi khúc dài chưa đến một tấc tay, ăn với một muỗng muối hột. 

Ba đội ở dãy nhà đầu tiên chúng tôi quyết định bỏ ăn. Chúng tôi bàn nhau định thông báo cho các đội khác nhưng sợ bị để ý, vã lại chưa uớc tính được phản ứng của các đội khác sẽ như thế nào, nên hãy cứ bắt đầu ở một dãy nhà đã (hồi đó khu chúng tôi ở có 4 dãy nhà, mỗi dãy nhà ở hơn 100 người, tổng cộng chúng tôi khoảng 500, đó là khu A dành cho chính trị phạm). Chúng tôi để nguyên tất cả các phần sắn và muối ngoài sân và bỏ vào nhà. Chừng 15 phút sau thì có cán bộ đến. Cán bộ phụ trách lương thực cho biết rằng đây là khẩu phần đúng theo tiêu chuẩn nhà nước quy định, tức là 1 gạo thì quy ra 3 sắn, mà mỗi người ăn chế độ 15 kí/tháng, tức là 500g/ngày, trừ đi 5% hao hụt tại kho, trừ bữa ăn sáng, còn lại mỗi bữa ăn chính là 200g, tính ra sắn là 200g x 3= 600g như thế là đủ tiêu chuẩn rồi, nếu không thì sẽ đem cân đến cân lại. 

Chúng tôi trả lời, theo trong báo chúng tôi được đọc hồi ở Quảng Ninh thì gạo quy ra sắn phải là 1 gạo 4 sắn chứ không phải là 3. Vã lại 200g gạo thì nấu ra cơm ăn cả được, trong khi sắn không lột vỏ, chúng tôi phải bỏ vỏ đi thì chẳng còn bao nhiêu để ăn. Nhìn ngay trước mắt, khẩu phần mấy miếng sắn và một chút muối như thế, làm sao một người lớn có thể ăn mà sống và lao động nổi. Trên thế giới, có xứ nào mà bữa ăn chính lại tồi tệ đến thế nầy. Thảo luận một hồi, rồi tên cán bộ về Bộ Chỉ Huy báo cáo với tên thủ trưởng Phân trại B, lúc đó là Thượng úy Quế, mà trong trại thường gọi là Ban Quế (Ban có nghĩa là ban Giám Thị). Ban Quế giải quyết bằng cách cho đem tất cả số sắn về nhà bếp, ra lệnh thay thế đội trưởng nhà bếp ngay lập tức vì lý do không lột vỏ sắn, và nấu ngay mạch (mà chúng tôi hay gọi là bo-bo) để thay thế bữa trưa. Bốn giờ chiều hôm đó, chúng tôi ăn mạch, rồi đến sáu giờ chiều, chúng tôi ăn sắn bữa tối, sắn được lột vỏ trước khi luộc. Tuy vậy số lượng sắn không gia tăng gì đáng kể. 

Chúng tôi thấy cách giải quyết như thế tương đối được, tuy chúng tôi vẫn còn quá đói. Trong tinh thần muốn đối thọai thẳng thắn, chúng tôi đề nghị một số biện pháp để chấn chỉnh nhà bếp, làm sao bảo đảm được khẩu phần lương thực dù không đủ 15 kí/tháng thì ít ra cũng bằng như ở Quảng Ninh. Nhưng Cộng sản chẳng bao giờ thành thật. Cho nên mới có những màn đấu tranh kế tiếp. 

Các đề nghị của chúng tôi là:

– cho đại diện của các đội xuống nhà bếp kiểm soát việc cân lường, nấu nướng và phân phối, 

– cần chất bổ nhưng phần sắn quá cứng và xơ không ăn được, cho chúng tôi rút tiền lưu ký để mua sắn ăn thêm, 

– công bố việc chi tiêu của nhà bếp trong việc tính tiền thực phẩm, 

– cho phát đường hoặc ăn chè hàng tháng như ở Quảng Ninh, 

– cho thi hành đúng nội quy về thư từ, gửi quà, thăm nuôi… 

Các đề nghị của chúng tôi, thật ra chẳng có gì khó giải quyết. Trong chế độ Cải Huấn của ta ngày trước, mỗi ngày đều có đại diện của phạm nhân đi chợ, khẩu phần ăn thì bao giờ cũng dư dã, mỗi tuần được thăm nuôi hai lần gặp mặt gia đình. Vậy mà nay chúng tôi chỉ xin áp dụng đúng nội quy đã công bố, nghĩa là một tháng gửi thơ một lần, ba tháng mới thăm nuôi tiếp tế một lần, chứ có phải đòi hỏi gì quá đáng đâu! Về việc ăn uống thì chúng tôi chỉ xin kiểm soát để thực hiện đúng tiêu chuẩn của nhà nước cấp phát mà thôi, trong khi chúng tôi ai cũng đã da bọc xương cả rồi mà thấy khẩu phần ăn thì ở dưới mức 15 kí/tháng quá xa. 

Chỉ yêu cầu có vậy thôi, mà ban Giám Thị đã tìm cách đối phó. 

Họ chấp nhận một vài điểm, nhưng chỉ thực hiện một thời gian ngắn rồi thay đổi ngay, hoặc không thực hiện. 

Họ cho đại diện các đội đi kiểm soát một vài ngày rồi bãi bỏ. 

Họ chấp nhận một tỷ lệ sắn (tôi không nhớ rõ con số) để bù vào chỗ sắn bị xơ và quá cứng không ăn được, nhưng sau khi bỏ việc kiểm soát thì không ai biết họ đã cân lường như thế nào. 

Việc công bố tài chánh của nhà bếp thì họ bác bỏ. 

Việc phát đường có được thực hiện nhưng không đủ tiêu chuẩn 200g/ tháng. 

Việc rút tiền lưu ký để mua sắn, họ chấp thuận trên nguyên tắc, nhưng chờ mãi không thấy thực hiện. 

Việc thư từ và gởi quà thì họ có cho thực hiện nhưng khi quà đến nơi, họ soát xét qua một cách rất đểu cáng, rõ ràng có dụng ý muốn phá cho hư hỏng quà của chúng tôi, ví dụ họ rạch nát tất cả các bao đựng bột, đựng thức ăn; lấy cây khuấy vào tất cả các gói thúc ăn; đồ hộp họ cũng bắt khui ra rồi dùng cây khuấy vào, kiếm cớ tịch thu món nầy món nọ. 

Ngoài ra họ tìm đủ mọi dịp để hăm dọa. Ai đứng gần hàng rào là trạm gác nổ súng ngay, mặc dầu chúng tôi vẫn ở trong khuôn viên trại. Mỗi khi tập họp, họ bắt những người đeo kính cận thị phải bỏ kính xuống. Đấy là một điều rất kỳ quặc của Miền Bắc. Tôi không hiểu tại sao họ lại ghét những người đeo kính cận thị đến thế. Nếu là kính đen thì họ bắt bỏ ra khi nói chuyện cũng còn có lý. Đằng nầy kính cận thì mà họ cứ bắt bỏ ra. Về sau chúng tôi đọc báo Nhân Dân thấy nói bên Campuchia, chế độ Pol Pot tàn sát bất cứ người nào đeo kính trắng vì cho là trí thức. Tôi nghĩ chắc cán bộ Cộng sản Miền Bắc ghét kính cận thị vì cho rằng đấy là dấu hiệu của người trí thức. 

Nhưng cách đối phó trả đủa của ban Giám Thị chỉ làm cho chúng tôi thêm công phẫn. Khẩu phần vẫn tiếp tục thê thảm. Chúng tôi nhận thấy nếu kéo dài mãi mức ăn như thế thì một số đông chúng tôi khó lòng qua khỏi mùa đông năm đó. Không tranh đấu cũng chết, nhiều anh em nói với nhau như vậy. 

Do đó, nhiều cuộc tuyệt thực nổ ra, hết đội nầy đến đội khác. Tỷ số người đi làm lao động xuống rất thấp. Ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12-1978 số người đi làm lao động chỉ độ 50 người trong số 500 người toàn khu chúng tôi. Ngày thường chỉ chừng 200 đến 300 người đi lao động. Ra địa điểm lao động, chúng tôi cũng làm việc rất lơ là vì đói quá không làm nổi. Cán bộ đến bảo làm, chúng tôi trả lời là quá đói rồi. Chúng bắt bình bầu người ăn 18 kí, người ăn 13 kí, thì tất cả các đội chúng tôi đều từ chối, và tuyên bố sẽ chia đều phần ăn. Chúng đặt ban Thi Đua, trưởng ban là Nguyễn văn Mai (Thiếu tá Cảnh sát, trước làm ở Sở Ngoại Kiều) mục đích là mượn tay người trong đám chúng tôi để dòm ngó kìm kep nhau và thúc đẩy đi lao động khổ sai, thì một nhóm anh em bố trí giả vờ gây chuyện để đánh cho Nguyễn văn Mai một trận. Sau vụ nầy, ban Thi Đua và các ban Tư Quản đội đều co rút. 

Trong thành phần Tư Quản lúc đó, có một anh đội trưởng mà chúng cho là đã chỉ định làm. Đó là anh Cao văn Bảy trước là Tổng Thư ký Phong Trào Phục Hưng Miền Nam. Anh ấy là một người rất tốt trong anh em chúng tôi. Về sau chúng thay thế anh Bảy, goi điều tra rồi giam phòng kỷ luật. Chúng cho rằng chính anh Bảy đã sách động đội anh tuyệt thực nhiều lần. Anh Bảy là người bị nhốt trong phòng kỷ luật lâu nhất. Cho đến đầu năm 1980, anh vẫn còn ở trong phòng kỷ luật và đã bị kỷ luật hơn một năm. Tôi không biết bây giờ anh đã được ra khỏi phòng kỷ luật chưa hay đã gục ngã rồi. Đó là một người can đảm.

Một người nữa cũng bị nhốt phòng kỷ luật cả năm trời, là anh Nguyễn Hữu Thới, trước là Dân biểu Bình Định. Anh Thới ở cùng đội với tôi, đội trồng rau. Đói quá, trong buổi làm lao động, anh xuống ruộng bắt được mấy con cá. Khi về bị tên cán bộ soát thấy, nó kết tội anh là bỏ lao động để đi bắt cá, bắt làm kiểm điểm và nhục mạ anh trước mặt cả đội. Anh viết kiểm điểm, nội dung có đoạn nêu lên sự đói khổ của Miền Bắc, nêu lên sự đói khổ cùng cực của đám tù chúng tôi để nói tại sao phải đi bắt cá. Thế là tên cán bộ chính trị gọi anh lên quy cho anh là phản động. Chúng đưa anh qua một đội khác, rồi bắt anh nhốt phòng kỷ luật cùng lúc với anh Cao văn Bảy. Khoảng một năm sau, cuối năm 1979, anh được thả ra khỏi phòng kỷ luật để ở với anh em tại Phân trại A. 

Khi mới ra khỏi phòng kỷ luật, anh đi không nổi, phải chống gậy, có lúc phải bò. Vợ anh ra thăm, nhìn thấy anh không sao cầm được nước mắt. 

Ông Phạm Trọng Nhân, trước là nhà ngoại giao, có viết một bức thư cho ban Giám Thị chỉ trích cách soát xét quà, cách phát quà. Vì ông là nhà ngoại giao lời lẽ khéo léo nên chúng không nói gì, nhưng cũng chẳng trả lời. 

Nhiều đội họp nhau viết thỉnh nguyện thư gởi lên Bộ Nội Vụ (nội quy trại giam có ghi rõ là tù nhân có quyền viết thư như thế). Nhung vấn đề là làm sao gởi đi? Đưa cho trại thì chắc trại không chuyển. 

Có lẽ trại cũng đã báo cáo các vụ lộn xộn lên Cục Trại Giam Bộ Nội Vụ rồi. Khoảng giữa tháng 12, nhiều cán bộ của Bộ Nội Vụ đến trại. Sau nầy, chúng tôi biết cầm đầu đoàn công tác đó là tên Hoàng Thanh, Đai tá Cục phó Cục Trại Giam. Chưa cần biết là ai, thấy có cán bộ trung ương đến, chúng tôi xúm vào đặt vấn đề khẩu phần ăn, vấn đề thăm nuôi, tiếp tế và các vấn đề khác về quy chế giam giữ trong đó có vấn đề tại sao 3 năm không có ai về. Một tên cán bộ trung ương, trong khi trả lời, có nói với chúng tôi: “Nếu các anh giam giữ chúng tôi mà chúng tôi tuyệt thực, chống đối trong trại giam thế này thì các anh sẽ phản ứng thế nào?” 

Luật sư Tiếp (tôi không nhớ họ của anh, anh Tiếp trước có làm cho Phủ Đặc ủy Tình Báo) trả lời ngay: 

”Nếu chúng tôi bảo quý vị đi học tập 1 tháng rồi thành ở tù 3 năm, rồi thành ở tù không biết bao giờ về, và ăn sắn, và đói triền miên như thế này, thì quý vị sẽ phản ứng ra sao?” 

LỄ GIÁNG SINH NĂM 1978

Mùa Giáng Sinh ’78 về với Phân trại B trong khi tinh thần đấu tranh của anh em đang lên cao. Mùa Giáng Sinh là mùa hi vọng. Dù có đạo hay không, anh em chúng tôi đều rung động với mùa Giáng Sinh. 

”Bình an dưới thế…” 

Anh em chúng tôi đang ở trong trại giam Cộng sản, cách biệt với thế giới bên ngoài, không biết bao giờ có thể được sum họp với gia đình, thở lại không khí tự do. Trong hoàn cảnh như vậy, và để đối chọi với chủ nghĩa duy vật như là phản ứng chung của những kẻ bị tù đày đối với chính quyền duy vật đã giam giữ mình, chúng tôi tưởng tượng đến ánh sao Noël như một niềm hi vọng, đến máng cỏ Chúa Hài-Đồng như một cái gì thật là ấm áp, nhớ đến câu: 

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm 

như một lời ru thanh thản giúp chúng tôi yên ổn vượt qua được thời gian ngặt nghèo trong tù Cộng sản. Phải, chúng tôi tin rằng sẽ không chết trong ngục tù Cộng sản. Chúng tôi tin rằng sẽ có một ngày mai chúng tôi được dự lễ Nửa Đêm, nghe lại tiếng chuông nhà thờ mà bao năm qua không hề được nghe thấy. Chúng tôi, những người đang khốn khổ, đang khát khao ”bình an dưới thế…” 

Từ nửa tháng trước ngày Giáng Sinh, chúng tôi chép lại những bản Thánh ca theo trí nhớ của một vài anh, và thì thầm tập cho nhau hát. Hai bài Thánh ca mà ai cũng đã thuộc nhạc nên rất dễ hát cùng nhau, là bài Silent Night mà cả thế giới đều biết, và bài Đêm Đông của Hải Linh rất quen thuộc ở Việt Nam. Có những buổi sáng ra đi làm lao động ở ngoài đồng, trong sương mù dày đặc giá buốt, lũ tù khổ sai chúng tôi, quần áo rách nát, thân thể co ro tiều tụy, đi thành từng đội, bên cạnh là những tên Cảnh vệ Cộng sản cầm súng canh giữ, chúng tôi vừa đi vừa cất cao giọng, hát bài Silent Night và Đêm Đông. Ban đầu bọn cán bộ không biết là bài gì, nhưng sau chúng biết đó là Thánh ca. Chúng bảo chúng tôi giữ im lặng, nhung chúng tôi vẫn hát. 

Cộng sản lại đặt kế hoạch đối phó. Noël năm ’78 nhằm ngày thứ hai. Đêm Noël là tối chủ nhật. Ngày chủ nhật là ngày được phép nấu nướng. Lúc dó chưa ai được thăm nuôi, quà tiếp tế gửi theo đường bưu điện ra thì không được bao nhiêu tuy vậy chúng tôi ai cũng cố dành dụm, dự định góp nhau kẻ bột người đường, làm cái bánh Giáng Sinh. Nhưng đến ngày chủ nhật 24-12-78, trại bắt chúng tôi họp sinh hoạt kiểm điểm cuối năm. Chúng cho cán bộ đến từng đội, cố kéo dài buổi họp cho đến buổi chiều. Buổi chiều, chúng ra thông cáo cấm tụ họp ca hát. Mặc dầu vậy, chiều hôm ấy, anh Nguyễn Thanh Liêm (Thiếu tá Công Binh, đạo Tin Lành) cùng anh Trọng (dường như là Nguyễn Thành Trọng) ca hát những bản Thánh ca mà anh Trọng sáng tác, phổ theo lời trích trong Thánh Kinh mà anh Liêm còn nhớ. Buổi ca hát nầy quy tụ được một số người.

Đến tối, chúng bắt vào phòng giam sớm, khóa cửa, tắt đèn và không phát dầu cốt để cho chúng tôi bị tối không ngồi với nhau được. Nhưng chúng tôi đã dự bị một ít dầu thắp đèn rồi. Chỉ có chiếc bánh Noël thì không làm được. Thôi đành nấu nước trà ngồi uống với nhau vậy. 

Anh Lê Thiên Sơn (trước là nhân viên Phủ Đặc Uỷ Tình Báo, có làm báo Quật Cường) người cao tuổi trong đội chúng tôi và là người Công Giáo, mời một số anh em, có đạo hay không, lại ngồi quanh chỗ anh để uống nước trà hút thuốc lào tưởng niệm Chuá giáng sinh. Anh và anh Nguyễn văn Mai (Nguyễn văn Mai – Tình báo, khác với Nguyễn văn Mai – Cảnh sát mà tôi đã nói trong một đoạn trước) đã cắt giấy bìa làm hình ngôi sao để trước đèn. Bên ngoài phòng nào cũng có cán bộ đứng rình. Chúng tôi biết thế, nhưng vẫn tụ họp nhau được chừng 20 người trong số toàn đội là 40 người. Đội trưởng là anh Nha, trước là nhân viên Tình báo, tuy là người Công giáo nhưng lại không dám tham dự, nằm trùm chăn. 

Mở đầu, anh Lê Thiên Sơn nhắc lại sự tích Chúa giáng sinh và nói ý nghĩa, tinh thần Giáng Sinh. Sau đó, anh em chúng tôi đồng ca bản Đêm Đông. Kế đó mỗi người góp một bài hát hay bài thơ hoặc một câu chuyện về Giáng Sinh. Kết thúc chương trình là đồng ca bản Silent Night. 

Chỉ có thế thôi, nhưng đó là đêm Giáng Sinh làm tôi cảm xúc nhất. Những lời nói, tiếng hát thì thầm nơi ngục tù Cộng sản trong đêm Giáng Sinh rét buốt của mùa đông xứ Bắc đã làm chúng tôi rung động tận đáy lòng. 

Sáng hôm sau, một anh thức dậy thật sớm, đến đập anh Sơn dậy, xin vào Công giáo. Anh ấy trước là một Thiếu tá Cảnh sát. Anh nói rằng sau đêm Giáng Sinh, nằm thao thức vì xúc động, và sau khi ngẫm nghĩ nhiều về vấn đề tôn giáo – vấn đề mà anh đã suy nghĩ từ nhiều năm rồi – anh quyết định vào Công giáo ngay từ trong tù. Anh Sơn trả lời rằng anh không phải là Linh mục nên không có quyền chính thức chấp nhận anh như thế, nhưng ngay từ giờ phút ấy anh có thể tự coi mình là người Công giáo. 

Hôm sau 25-2-78 là ngày thứ hai, ngày phải đi lao động, vì Cộng sản không có nghỉ Noël. Nhưng hầu hết chúng tôi đều khai bệnh ở nhà. Chúng tôi bảo nhau “dù thế nào chúng ta cũng phải nghỉ Noël”. 

Các đội khác, đội nào cũng có nhóm hội họp với nhau để tưởng niệm đêm Giáng Sinh. Riêng đội I là hội họp hăng nhất. Gần như toàn đội. Hát Thánh ca, công khai hát thật lớn. Cán bộ đứng ngoài mấy lần can thiệp bảo im, nhưng các anh vẫn hát. Đội I là đội gồm những người mà chúng cho là xúi dục các cuộc tuyệt thực đấu tranh nên dồn vào một phòng giam và cô lập với những đội khác. 

Sau lễ Giáng Sinh, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục. 

NGÀY CUỐI NĂM 1978

Trước ngày cuối năm, trại thông báo cho các đội là sẽ có một “đai hội kiểm điểm thành tích năm 1978” tổ chức vào ngày 1-1-79. Mỗi đội phải chuẩn bị một bản “quyết tâm thư” để đọc trong đại hội.. Nội dung quyết tâm thư đã được hướng dẫn trước cho các đội trưởng, đại khái là ”hạ quyết tâm tích cực cải tạo, tích cực lao động, tích cực tố giác lẫn nhau v.v…” Khi các đội trưởng về họp với các đội viên thì hầu hết các đội đều bác bỏ việc làm quyết tâm thư nầy. Chúng tôi nói với nhau: chẳng có ai lại điên khùng quyết tâm ở tù. Đảng và Nhà nước giam giữ mãi không thả thì đành phải chịu, chứ còn bảo quyết tâm gì nữa. Có đội mạnh dạn hơn, không làm quyết tâm thư nhưng làm một bản gồm các đề nghị của đội về vấn đề ăn uống, thư từ, thăm nuôi, và nêu cả vấn đề thời hạn giam giữ. Trong các bản kiểm điểm cá nhân, có anh viết thẳng là yêu cầu được tống xuất đi ngoại quốc. 

Trong số 12 đội đọc quyết tâm thư, nhưng sau khi theo dõi việc làm của các đội, chúng quyết định chọn một đội đọc quyết tâm thư mà thôi. Buổi lễ cũng được đổi ngày. Đáng lẽ làm ngày 1-1-79 thì chúng làm vào ngày 31-12-78. 

Trong buổi lễ, đến mục đọc quyết tâm thư, anh em chúng tôi la ó ồn ào khi một đội trưởng được chọn bước lên để đọc quyết tâm thư. Có nhiều tiếng nói lớn “Quỳ xuống, lạy đi mà quyết tâm ở tù”. 

Buổi lễ được kết thúc sớm trong sư giận dữ của ban Giám Thị. 

PHÂN TÁN, CHUYỂN TRẠI

Đoàn cán bộ của Cục Trại Giam do tên Đại tá Hoàng Thanh hướng dẫn đã đến để giải quyết vụ đấu tranh đã kéo dài. 

Ngày 7-1-79 (cùng ngày quân đội Cộng sản Việt Nam chiếm Nam Vang) chúng chuyển trại toàn thể chúng tôi. Chúng chọn 100 người sang Phân trại A và kiên giam trong ba phòng. Tôi thuộc số 100 người nầy. Kiên giam nghĩa là chỉ ở trong phòng, không được tiếp xúc với bên ngoài, không đi lao động. Còn lại hơn 400 người sang Phân trại C ở trong các căn nhà mới cất, có tường ngăn cách từng dãy không thể liên lạc với nhau. Chính ở Phân trại C nầy mới nổ ra vụ đấu tranh quyết liệt. 

Anh Cao văn Bảy và anh Nguyễn Hữu Thời vẫn ở phòng kỷ luật. 

Nhóm chúng tôi 100 người sang Phân trại A bị ngăn cách và chỉ nêu vài vấn đề về lương thực, và phát biểu một vài ý kiến về thời hạn giam giữ với đòan cán bộ trung ương, mà không có vụ đấu tranh nào lớn. 

Trong thời gian ở Phân trại A, dù bị ngăn cách, chúng tôi cũng có liên lạc được với các chiến sĩ biệt kích đã nhảy dù ra Bắc trong chiến tranh và bị bắt, đến nay vẫn còn bị giam. Trong dịp Tết, chúng tôi cũng có liên lạc được với anh em sĩ quan quân đội cấp Tá và cấp Úy VNCH bị giam ở khu Z6 cùng Phân trại A. Trong số anh em sĩ quan nầy có Phan Nhật Nam, tác giả cuốn MÙA HÈ ĐỎ LỬA. Sau Tết, bên Z6 có vụ đấu tranh, và anh Phan Nhật Nam bị nhốt phòng kỷ luật một thời gian. Tôi không được rõ về cuôc đấu tranh nầy vì bị ngăn cách, và sau đó không lâu tôi lại bị chuyển sang Phân trại C. 

NHỮNG CHIẾN SĨ BIỆT KÍCH

Trong dịp Tết năm đó, lợi dụng vài sự dễ dãi trong ngày Tết, vài anh em trẻ trong nhóm chúng tôi đã liên lạc nói chuyện được với các chiến sĩ Biệt Kích.

Nhóm Biệt Kích bị giam ở Phân trại A lúc đó có chừng vài trăm người, phần lớn đã ở tù trên 10 năm, có người ra Bắc từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. 

Mặc dù ở tù lâu như thế, anh em vẫn rất vững tinh thần. Trước kia, muốn được chọn làm Biệt Kích, phải có sức khỏe thật tốt. Nhờ vậy mà anh em đủ sức chịu đựng muời mấy năm lao tù, tuy cũng yếu đi nhiều. 

Anh em đã truyền cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm về cuộc sống lao tù, cách đối phó với cán bộ trại giam. Anh em Biệt Kích vẫn tin tưởng vào tương lai. 

Anh em có kể lại hồi hiệp định Paris, anh em đã được cấp phát quần áo, giày dép để chuẩn bị trao đổi tù binh. Nhưng sau đó chúng đổi ý kiến, không trao đổi nữa. Anh em tuyệt thực đấu tranh. Chúng đàn áp dữ dội. Nhiều anh em bị cho vào phòng kỷ luật và cùm cho đến chết. Trên 20 người đã chết trong cuộc đấu tranh đó. Rồi chúng phân tán, chuyển trại. 

Nhưng anh em Biệt Kích nói rằng lần thất vọng vì không được trao đổi tù binh theo hiệp định Paris không phải là lúc buồn nhất trong mười mấy năm tù đày. Phải nói lúc thất vọng ê chề nhất là lúc nghe tin Miền Nam sụp đổ năm 1975. Thoạt đầu có nhiều người không tin. Nhưng sau rồi cũng phải chịu rằng đó là sự thật. Cộng sản cho liên hoan trong trại giam để mừng đã chiếm được Miền Nam, cho ăn thịt lợn, thịt trâu. Anh em trong tù đói triền miên, thèm thịt vô cùng, thế mà bữa liên hoan đó, ai cũng buồn bã bỏ ăn. Không phải tuyệt thực đấu tranh gì cả, không hẹn nhau mà ai nấy cùng bỏ ăn, nhìn nhau chảy nước mắt. 

Sau nầy anh em mới dần dần lấy lại nhận định, nhìn thấy những sự bế tắc của Cộng sản Việt Nam, và phục hồi tinh thần lạc quan. 

Anh em có nói đã từng gặp một nhóm sĩ quan Cộng sản bị giam trong tù vì đảo chính hụt. “Một cuộc đảo chính tại Hà-nội tuy khó khăn nhưng không phải là chuyện không tưởng đâu”, một anh Biệt Kích đã nhắn qua phiá chúng tôi như vậy. 

Khi Trung cộng đánh sang Việt Nam tháng 2-1979, trại lại cúp đài phát thanh, cúp báo. Chính những anh em Biệt Kích đã tìm cách thông tin ngay cho anh em chúng tôi vụ tấn công này trong khi trại còn dấu diếm………………..

VỤ ĐẤU TRANH THÁNG 1-79 TẠI PHÂN TRẠI C

Tôi ở Phân trại A ba tháng. Đến tháng 4 -79 Phân trại A chuyển 30 người sang Phân trại C, trong số đó có tôi. Khi đến Phân trại C, tôi được nghe kể lại vụ đấu tranh tai Phân trại nầy, vụ đấu tranh mà cán bộ Cục Trại Giam trung ương đã trực tiếp đàn áp và coi là một biến cố lớn trong hệ thống trại giam Miền Bắc. 

Khi số 400 ngưòi được chuyển từ Phân trại B đến Phân trại C (mỗi Phân trại cách nhau chừng 5 cây số đi bộ) ngày 7-1-79, sắp xếp chỗ ở rồi, sang ngày 8-1, ban Giám Thị Phân trại C tổ chức một buổi học tập nội quy Phân trại cốt để khép chặt kỷ luật. Trong buổi học tập, có anh Trần văn Chí (trước là Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình), anh Tiếp (Luật sư), và một anh nữa mà nay tôi không nhớ tên, đã phát biểu ý kiến mạnh mẽ chống lại những quy định chặt chẽ và những lời hăm dọa của ban Giám Thị… 

Ngay chiều hôm ấy, 3 anh nầy bị bắt đưa đi nhốt vào phòng kỷ luật. Anh Chí bị sang ở phòng kỷ luật tại Phân trại A, còn hai anh kia bị đưa sang Phân trại B. (Hai tháng sau, anh Chí được thả ra khỏi phòng kỷ luật, rồi sau đó được chỉ định làm đội trưởng nhóm 30 người chúng tôi từ Phân trại A sang Phân trại C. Còn 2 anh kia thì cho đến đầu năm 1980 vẫn bị kỷ luật, không rõ ở đâu). 

Qua hôm sau 9-1-79, toàn khu A (1) Phân trại C hơn 400 người đồng tuyệt thực yêu cầu thả 3 anh nói trên về trại với anh em. Suốt ngày 9, từ sáng đến tối, toàn thể anh em đều tuyệt thực. Cán bộ đến làm áp lực, cố gắng gây chia rẽ trong hàng ngũ anh em nhưng vô hiệu. Anh em ngồi trong từng nhà ca hát những bản nhạc Miền Nam cũ, nhất là bản Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy. Có nhóm hát cả bản Cờ Bay, bản nhạc ca ngợi việc chiếm lại Cổ thành Quảng Trị năm 1972. Chỉ một bản nhạc của Cộng sản được hát trong ngày đó là bản ”Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh…” Về sau trại cấm luôn chúng tôi, không cho hát bài nầy nữa dù là nhạc Cộng sản. 

Chiều hôm đó, Phân trại C vội vã đổi hết tù hình sự sang Phân trại B, có lẽ vì sợ ảnh hưởng dây chuyền. 

Sáng ngày 10-1, chúng đem Cảnh vệ đông đảo, cùng với súng ống và xích xiềng, vào ra lệnh toàn thể tập họp, ai không tuân lệnh sẽ có biện pháp mạnh ngay. Sau khi tập họp, chúng đọc tên hơn 60 người, trói quặt khuỷu tay từng người rồi dắt đi (sau nầy chúng tôi biết là chúng dẫn sang Phân trại B nhốt phòng kỷ luật, rồi đến tháng 5-1979 chúng lại đưa trở về Phân trại C nhưng thiếu mất 4 người, có lẽ vẫn còn nằm kỷ luật ở Phân trại B). Sau đó chúng ra lệnh cho tất cả những người còn lại phải ký giấy chịu ăn cơm, chịu đi lao động, nếu không ký sẽ có biện pháp mạnh ngay. Trước những mũi súng của Cộng sản, vẫn có 2 người không chịu ký, chúng bắt trói ngay tại chỗ, dẫn đi. Một người là anh Việt (Thiếu tá Cảnh sát) , còn mấy người nữa tôi không nhớ tên. 

Từ đó về sau không khí Phân trại C rất ngột ngạt. Ban Thi Đua do Nguyễn văn Mai (thiếu tá Cảnh sát) cầm đầu cùng với Hóa và Điệp (nhân viên Phủ Đặc ủy Tình Báo) đặt hệ thống mật báo viên báo cáo tất cả mọi hành vi của anh em. Có những tên đội trưởng kìm kẹp anh em dữ dội như tên Nguyễn Nhược (trước là Thiếu tá Cảnh sát), tên Nghiệp (trước là giáo sư ở Định Tường) mà anh em gọi là “giáo gian”. Ban Giám Thị lúc nào cũng sẵn sàng đưa người đi nhốt phòng kỷ luật. Nhiều người lâm vào tình trạng kiệt sức mà không dám bỏ lao động. 

Cuộc đấu tranh bắt đầu từ tháng 9-1978 đến tháng 1-1979 tuy không có những kết quả tức thời, và sau đó chúng tôi bị khép vào kỷ luật chặt chẽ hơn; nhưng cũng làm cho Cộng sản nới tay về mặt khác: khẩu phần lương thực ở Phân trại C khá hơn Phân trại B, được ăn cơm nhiều hơn là sắn, thư từ quà cáp nhận được đều hơn trước , và từ giữa năm 1979 việc cấp giấy phép cho thân nhân chúng tôi từ Miền Nam ra thăm nuôi tương đối dễ dàng. 

Đêm Giáng Sinh 1979, tại Phân trại C, chỉ có 2 người ngồi hát Thánh ca, sáng hôm sau cả hai đều bị gọi lên cho vào phòng kỷ luật. Vài nhóm khác ngồi quây quần với nhau, liền bị Cảnh vệ chỉa súng vào cửa sổ bắt phải giải tán. 

(1) Khu A là chính trị phạm, khu B là hình sự

https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét