Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Biển Đông - Tàu Trung Quốc dồn về cụm Sinh Tồn

Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn

02/3/2022

Những diễn biến mới ở bãi cạn Scarborough Shoal và cụm Sinh Tồn diễn ra giữa lúc có nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ Nga xâm lược Ukraine để tiến hành động thái gây hấn mới ở khu vực Biển Đông.

I. Biển Đông

1. Trung Quốc tập trận

Cục Hải sự Hải Nam tiếp tục thông báo một cuộc tập trận quân sự ở phía nam Tam Á trong ngày 2.3. Trung Quốc vẫn thường xuyên tiến hành tập trận ở khu vực này nên không có gì bất thường.

Trong khi đó, thông báo về cuộc huấn luyện quân sự ở xung quanh Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương nhiều khả năng chỉ phục vụ cho vụ phóng tên lửa Trường Chinh 8 diễn ra vào ngày 27.2. Tên lửa này mang theo chòm vệ tinh Hải Nam vốn phục vụ cho việc quan sát Biển Đông.

2. Bãi cạn Scarborough

Ngày 1.3, hai tàu tuần tra của Philippines và hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã có cuộc rượt đuổi ở gần bãi cạn Scarborough.

Cuộc rượt đuổi diễn ra khi Philippines triển khai hai tàu tuần duyên BRP Capones và BRP Malabrigo áp sát khu vực bãi cạn mà Trung Quốc đang kiểm soát trên thực tế. Đáp lại, Trung Quốc đã điều hai tàu hải cảnh 3103 và 3305 đang trú tại bãi cạn ra ngăn cản.

Các tàu này vờn nhau trong nhiều tiếng đồng hồ đến đêm 1.3. Hình ảnh vệ tinh cho thấy có thời điểm các tàu này chỉ cách nhau khoảng nửa hải lý.

3. Tàu hải cảnh, khảo sát Trung Quốc

Ngày 28.2, tàu nghiên cứu Đại Dương của Trung Quốc đã thả neo ở Tam Á trong khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang hoạt động ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa.

Tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc 5901 cũng xuất hiện ở khu vực Hoàng Sa, cùng với các tàu 4108 và 4304.

Liên quan đến hoạt động của tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) vừa công bố báo cáo mới tổng kết phạm vi hoạt động của các tàu này trong vài năm qua ở khu vực Biển Đông.

4. Cụm Sinh Tồn

Những ngày qua, một số lượng lớn tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện ở cụm Sinh Tồn.

Hình ảnh vệ tinh ngày 27.2 cho thấy khoảng vài trăm chiếc tàu Trung Quốc có mặt tại đây. Chúng tập trung ở hai khu vực Đá Ba Đầu và gần Đá Huy Gơ.

Tàu Trung Quốc ở Ba Đầu

Trung Quốc vẫn thường xuyên duy trì một số tàu ở Đá Ba Đầu, nhưng số lượng đã tăng đột biến. Thậm chí có thể còn nhiều hơn thời điểm tháng 3 năm ngoái, khi Philippines lên tiếng báo động về sự tập trung của tàu Trung Quốc ở Ba Đầu.

Tàu Trung Quốc ở gần Huy Gơ

Những diễn biến mới ở bãi cạn Scarborough Shoal và cụm Sinh Tồn diễn ra giữa lúc có nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ Nga xâm lược Ukraine để tiến hành động thái gây hấn mới ở khu vực Biển Đông.

II. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

1. Đài Loan

Ngày 1.3, phái đoàn các cựu quan chức quân sự và an ninh Mỹ bất ngờ đến thăm Đài Loan. Phái đoàn do cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen dẫn đầu được Tổng thống Joe Biden cử đi.

Các quan chức Mỹ cho hay chuyến thăm này gửi tín hiệu quan trọng về cam kết của Mỹ đối với Đài Loan. Tuy nhiên, hiện không rõ có được lên kế hoạch từ trước hay ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine.

Trong ngày 2.3, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có chuyến thăm Đài Loan, nhưng ông thực hiện chuyến đi với tư cách cá nhân.

2. Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN

Ngày 1.3, Tòa Bạch Ốc  thông báo Tổng thống Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á vào ngày 28 và 29.3 ở thủ đô Washington.

Trong khi đó, phát biểu trong sự kiện của Quỹ German Marshall, Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell khẳng định Mỹ có thể cùng lúc duy trì sự tập trung ở hai khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu. Ngoài ra, ông Campbell cũng cho biết Tổng thống Biden sẽ thăm Đông Nam Á trong năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét