Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Thời sự Việt Nam

Đại sứ các nước thuộc EU, Thuỵ Sĩ, Na Uy và Anh kêu gọi Việt Nam ủng hộ Ukraine

RFA
10/3/2022

Đại sứ các nước thuộc EU, Thuỵ Sĩ, Na Uy và Anh kêu gọi Việt Nam ủng hộ Ukraine

Đại diện ngoại giao các nước thuộc EU chụp hình ủng hộ Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội hôm 28/2/2022 /European Union in Hanoi 

Các vị đại sứ Liên Minh Châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sĩ, và Vương Quốc Anh tại Hà Nội cùng kêu gọi Việt Nam theo lập trường ủng hộ Ukraine. Trang mạng của Phái đoàn EU tại Việt Nam vào ngày 8/3 đăng bài báo chung do các vị đại sứ vừa nêu.

Bài báo chung nhắc lại việc Việt Nam không nằm trong nhóm 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Liên hiệp quốc hôm 2/3 kêu gọi Nga rút quân ngay ra khỏi Ukraine.

Việt Nam nằm trong số 35 quốc gia đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này mặc dù trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trước đó, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang đã nêu lập trường của Việt Nam là phản đối chiến tranh và kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bài báo chung của các Đại sứ các nước EU, Na Uy và Anh có đoạn viết:

“Cũng giống như người dân châu Âu, người dân Việt Nam không may mắn khi biết quá rõ chiến tranh là như thế nào. Việt Nam, cũng như châu Âu, đã nếm trải nỗi đau khổ của những thường dân vô tội và biết rằng tại sao việc đấu tranh cho quyền tự do và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình là vô cùng quan trọng. Việt Nam, cũng như châu Âu, hiểu rất rõ những gì mà người dân Ukraine đang phải trải qua.”

Và đặt câu hỏi cho lập trường của Việt Nam:

“Xét về mặt khoảng cách địa lý, Việt Nam đương nhiên có những lợi ích riêng và một số quan điểm khác với chúng tôi ở châu Âu. Nhưng trong thời điểm khủng hoảng này, tất cả chúng ta phải tập trung vào câu hỏi căn bản là liệu có biện minh được cho việc Nga, một nước lớn, bắt nạt và xâm lược nước láng giềng Ukraine để cố gắng vẽ lại các ranh giới trên bản đồ, đi ngược lại các quy tắc quốc tế hay không? Việt Nam liệu có được lợi ích khi thế giới được cai trị bằng logic đó hơn là bằng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình?”

Các đại sứ các nước nhìn nhận Việt Nam và Liên Xô cũ đã có quan hệ tốt đẹp trong quá khứ khi Liên Xô đã giúp Việt Nam rất nhiều nhưng "Liên Xô đã tan rã từ lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới.”

Vì vậy, các đại sứ  các nước Châu Âu kêu gọi “Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ với Nga”. Phần cuối của bài báo viết:

“Chúng tôi tin rằng các bạn, những người Việt Nam, cũng như chúng tôi, đều mong muốn một kết quả tích cực cho cả Nga và Ukraine. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn chia sẻ quan điểm với chúng tôi rằng việc giảm leo thang và rút lui quân sự không chỉ là điều đúng đắn cần làm vì những lý do về mặt pháp lý và nhân đạo, mà đó còn là lựa chọn chính trị đúng đắn của Nga vì toàn thể cộng đồng quốc tế và vì hòa bình và sự ổn định mà các dân tộc của chúng ta cần có để phát triển.”

Việt Nam: Vật giá leo thang, lo ngại tác động tiêu cực

Những người bán hàng rong

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Chụp lại hình ảnh, 

Những người bán hàng rong

Việt Nam, từ hai tháng qua, chứng kiến xăng dầu tăng giá tới sáu lần, khiến giá cả hàng hóa tăng hàng loạt. 

Thông tin giá vàng trong nước được cho là cao hơn thế giới khoảng 20 triệu/cây, xăng có thể lên 30 ngàn đồng/lít vào ngày 11/3 được loan truyền rộng.

VnExpress có bài giải thích hôm 8/3: "Vì sao giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 20 triệu một lượng?"

Báo Dân Trí, ngày 9/3, phản ánh tình hình ở Thanh Hóa: "Giá cả thực phẩm, giá xăng tăng "thẳng đứng", trong khi đó đồng lương không tăng và eo hẹp, nhiều công nhân bị mắc Covid-19 phải nghỉ làm và lâm vào tình trạng "giật gấu vá vai"."

Hôm 5/3, tờ Lao Động chạy tựa: "Giá xăng có thể lên 30.000 đồng, DN như "ngồi trên lửa", dân chịu sao nổi".

Tờ Thanh Niên ngày 8/3 đưa tin "Hàng quán Sài Gòn đồng loạt dán giá mới: 'leo' theo giá xăng". 

Bài này có đoạn: "Rất nhiều quán ăn ở Q.1, Q.3 (TP.HCM) đã dán đè biển giá mới thay giá cũ khi giá xăng, giá gas tăng. Trung bình mỗi quán tăng từ 5.000-10.000 đồng so với giá cũ. Đây là điều không muốn nhưng các chủ quán chia sẻ rằng không lên giá thì sẽ lỗ."

Một cửa hàng xăng dầu

Nguồn hình ảnh, Education Images/Chụp lại hình ảnh, 

Một cửa hàng xăng dầu (ảnh minh họa)

Ồn ào giá xăng

Xăng là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến túi tiền, mức chi tiêu của người dân. Nhiều người không ngần ngại bày tỏ trên mạng xã hội.

Trên nhóm Đồng hương Thanh Chương có nội dung: "Theo báo chí thì ngày 11/3 khả năng xăng tăng đến 30 ngàn. Kèm theo các hàng hóa tăng mạnh, dân chuẩn bị gồng mình gánh giá mới".

Nông dân Việt Nam thường phải bán nông sản với giá thấp

Nguồn hình ảnh, Matthew King/Chụp lại hình ảnh, 

Nông dân Việt Nam thường phải bán nông sản với giá thấp

Nhóm Mua bán Lúa gạo và kỹ thuật canh tác có bài của bạn Tiết Phương thu hút nhiều ý kiến. Bài này so sánh biến động giá vàng và giá lúa.

Tiết Phương viết: "Vàng là thước đo giá trị hàng hoá" và đưa ra cách tính và so sánh như sau: 

"Tháng 3/2021, giá vàng là 55triệu/lượng. Giá lúa tươi 6,5 triệu/tấn. Như vậy 8,6 tấn lúa tươi = 1 lượng vàng."

"Tháng 3/2022, giá vàng là 73triệu/lượng. Giá lúa tươi 5,8 triệu/tấn. Như vậy 12,6 tấn lúa tươi = 1 lượng vàng."

Thêm một vài phép tính, danh khoản này kết luận: "Như vậy, nếu lấy vàng làm thước đo giá trị hàng hoá, thì năm nay nông dân phải bán lúa tươi giá 8,488 triệu/tấn thì mới có lợi nhuận bằng năm ngoái."

Người Việt Nam đi lại chủ yếu bằng xe máy

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Chụp lại hình ảnh, 

Người Việt Nam đi lại chủ yếu bằng xe máy

Danh khoản Sang Châu Ngọc bình luận: "Hồi lúc xưa có năm hai tấn lúa được một cây vàng, giờ phải rẽ vậy mua cho đã, giờ làm nông mà muốn mua vàng mua cũng hỏng nổi, cái gì cũng lên có lúa là hỏng lên hà."

Nhóm Bạn hữu đường xa cũng có người đặt vấn đề: "Giá xăng dầu có thể tăng gấp đôi ba năm trước. Vậy giá cước dịch vụ có thể tăng gấp đôi ba năm trước được không?"

Bạn Linh Dan hỏi: "Có phải giá xăng giá dầu tăng mà mọi thứ đều tăng chóng mặt không mọi người. Hộp xôi 20k lề đường (nguội ngắt, thêm ít chà bông, đậu phộng) đối diện tiệm hủ tiếu Minh Kí trên đường Châu Thị Vĩnh Tế, làm cốc cafe dạo là đi tong 40 ngàn ăn sáng rồi."

Một quầy giò chả

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/Chụp lại hình ảnh, 

Một quầy giò chả

Vui mà, có gì đâu?

Không khó bắt gặp ý kiến phản đối những người "hay kêu ca", bày tỏ "khía cạnh tích cực của việc xăng tăng giá". 

Bạn Trần Trung Mạnh viết: "Lúc xăng xuống thì chả thấy ai kêu. Giờ lên có "một tí" mọi người kêu ầm cả lên. Đi bộ với đi xe đạp cho đỡ ô nhiễm môi trường."

Nguyễn Tuấn viết: "Nhà mình mẹ đi xe đạp điện. Bố làm cạnh nhà. Còn mỗi mình đang đi xe máy cũng tính chuyển xang đi xe đạp vì nhà gần công ty mà đường cũng đẹp. Mình lại dân gym. Mong muốn của mình là giá xăng lên khoảng 100k 1 lít. Để người người nhà nhà đều đi xe đạp bảo vệ môi trường và sức khỏe."

"Chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu càng ngày càng nhiều. Thậm chí giờ giá còn khá thấp so với khu vực. Nếu cứ duy trì như thế này thì tình trạng lỗ sẽ kéo dài. Hi vọng người dân chung tay chịu lỗ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam..." là lời khuyên của Nguyen Anh.

Quang Trường: "Sao tự nhiên hình ảnh chiếc xe đạp hồi trước của mình cứ ùa về vậy ta hình ảnh ấy đẹp biết bao. Nghĩ đến chiếc xe đạp ấy thật tuyệt vời..."

Được biết nhiều khả năng giá xăng ở Việt Nam sẽ tăng trong những ngày tới.

Tờ Đại Đoàn Kết đưa tin: "Theo phân tích của chuyên gia, giá xăng dầu vào ngày (11/3) sẽ tăng lên khoảng gần 4.000 đồng/lít đối với xăng, còn dầu còn tăng mạnh hơn. Với mức tăng này, giá xăng RON 95 có vượt ngưỡng 30.000 đồng mỗi lít đối với vùng 1 và vượt thêm 2% đối với vùng 2 (cách kho giao hàng tổng 200 km trở lên)."

Báo này cũng biện giải là: "Trước diễn biến thị trường giá dầu thế giới liên tục tăng cao kỷ lục lên đến 158,44 USD mỗi thùng. Điều này kéo theo giá xăng trong nước tại chu kỳ điều chỉnh vào ngày 11/3 tăng cao, có thể lên đến 30 ngàn đồng/ lít." 

Để giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ - ngành cho dự thảo nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu. 

Theo dự thảo, sẽ có đề xuất giảm thuế BVMT ở mức 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít, kg dầu. Mức giảm này dự kiến có hiệu lực đến ngày 31/12.


Hải Phòng yêu cầu toàn bộ ngành giáo dục “định hướng, tuyên truyền” về tình hình Ukraine-Nga

RFA
10/3/2022

Hải Phòng yêu cầu toàn bộ ngành giáo dục “định hướng, tuyên truyền” về tình hình Ukraine-Nga

Hình minh hoạ. Sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tại một lớp học hôm 2/3/2020 /AFP 

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng ban hành công văn yêu cầu toàn ngành giáo dục của địa phương này phải định hướng cho học sinh về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Ngày 7 tháng 3 năm 2022, cơ quan quản lý ngành giáo dục của thành phố Hải Phòng ban hành công văn với tựa đề “định hướng, tuyên truyền, theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội về tình hình Nga - U-crai-na”.

Văn bản này được cho là nhằm đối phó với việc tin tức về cuộc chiến tranh đang được truyền tải theo hướng thân Phương Tây, và kéo theo đó là những phát ngôn, bình luận “chống phá Đảng” trên mạng xã hội.

Trước đó, Thành uỷ Hải Phòng, cơ quan cao nhất của Đảng Cộng sản tại thành phố cảng, đã ra văn bản yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông, và đội ngũ dư luận viên cùng tham gia vào việc tuyên truyền về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Công văn do Đảng bộ thành phố đưa ra gồm ba điểm, trong đó yêu cầu không chỉ trích, phê phán một phía, ca ngợi đường lối của Đảng Cộng sản, và đối phó với các bình luận chỉ trích Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương này còn yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo nếu phát hiện các trường hợp vi phạm. 

Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng để xác minh về công văn trên, và được ông Trần Tiến Chinh, Chánh văn phòng cơ quan này, xác nhận. Ông này cho hay:

“Có, Sở có ban hành theo đường hướng dẫn của cấp trên thôi, khi triển khai về các sở, ban ngành đều có một công văn như thế”.

Phóng viên sau đó hỏi ông Chính về mục đích ban hành công văn trên của của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, thì ông này trả lời rằng phải “tham mưu” với cấp trên và dừng cuộc phỏng vấn.

Nhà nước Việt Nam và truyền thông dòng chính cho đến nay vẫn từ chối gọi việc Nga đưa quân vào Ukraine là hành vi xâm lược, thay vào đó báo chí trong nước gọi cuộc chiến này là “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo cách tổng thống Nga, Putin sử dụng.

Ngoài ra các trang mạng xã hội ủng hộ chính quyền cũng tích cực tham gia vào việc tuyên truyền luận điệu do phía Nga đưa ra từ khi chiến tranh nổ ra.

Bình luận về hành động của chính quyền Hải Phòng nói riêng và Nhà nước Việt Nam nói chung trong thái độ tuyên truyền về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhà quan sát và bình luận chính trị Nguyễn Tiến Trung, cho RFA biết quan điểm của ông qua ứng dụng nhắn tin:

“Theo tôi suy đoán thì Đảng ủy Hải Phòng không muốn xã hội nói về cuộc chiến tranh Putin đang xâm lược Ukraine, giết chóc dân thường vô tội, vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế vì những lẽ sau: Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Nga, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như dầu khí, vũ khí quốc phòng. Từ xưa tới nay đã lỡ tuyên truyền là Nga mới là người bảo vệ hòa bình, còn NATO và Mỹ chuyên đi xâm lược, bây giờ khó nói ngược lại.”

Ông Trung cũng cho rằng lý do Đảng Cộng sản ở Việt Nam không muốn người dân ủng hộ Ukraine còn vì lý do an ninh của chế độ. Ông cho biết cụ thể:

“Có lẽ tuyên giáo cũng ngại người dân Việt Nam biết sự thật là Putin muốn đàn áp một đất nước theo chế độ dân chủ để áp đặt lại chế độ độc tài giống ở Nga, sợ người dân Việt Nam biết về các cuộc cách mạng đòi dân chủ ở Ukraine.

Sau khi độc lập từ Liên bang Xô Viết, cứ mỗi lần phải chọn lựa giữa độc tài và dân chủ, giữa nô lệ và tự do, giữa phụ thuộc vào Đại Nga của Putin và độc lập tự quyết, người dân Ukraine đã luôn chọn lựa tự do, dân chủ và quyền dân tộc tự quyết.

Đó có thể là tấm gương tuyệt vời cho Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia thực sự dân chủ, công bằng, văn minh, thực sự độc lập, tự do, hạnh phúc.”

Hoạt động liên vận đường sắt quốc tế sang Châu Âu của VN bị tác động bởi cuộc chiến ở Ukraine

RFA
09/3/2022

Hoạt động liên vận đường sắt quốc tế sang Châu Âu của VN bị tác động bởi cuộc chiến ở Ukraine

Hình minh hoạ. Đoàn tàu Bắc Nam vào Hà Nội hôm 20/4/2010 /AFP 

Trưởng Ban Vận tải Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Vương Khả Sơn, vào ngày 9/3  cho Thông tấn xã Việt Nam biết Tổng giám đốc Hiệp hội đường sắt quốc tế (UIC) vừa gửi thư tới các đường sắt thành viên thông báo UIC đình chỉ tư cách thành viên của đường sắt Nga và Belarus trong các hoạt động của UIC. Như vậy đường sắt Nga và Belarus trong thời gian tới sẽ không thể tham gia vào các cuộc họp, diễn đàn, nền tảng, lĩnh vực và nhóm công tác theo luật của UIC hoặc hưởng lợi từ các dịch vụ của Hiệp hội.

Do đó liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và Châu Âu theo lộ trình qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang Đức và các nước Tây Âu có khả năng bị ảnh hưởng nếu đường sắt Ba Lan dừng vận chuyển qua biên giới với đường sắt Belarus .

Tin cho biết vào đầu tháng 3/2022, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức đoàn tàu chuyên container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi Châu Âu. Tuy nhiên, do cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina nên kế hoạch này đang tạm hoãn.

Ngày 20/7/2021, ngành đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy đoàn tàu chuyên container đầu tiên sang Bỉ. Hiện RATRACO đang duy trì hàng tuần khoảng ba đoàn tàu chuyên container xuất phát tại ga Yên Viên đi Châu Âu.

Trước đó, đường sắt vẫn chạy tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu nhưng bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa theo hình thức nguyên đoàn container.

Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt VN cho thấy trong năm 2021, ngành đường sắt VN vận chuyển gần 1,16 triệu tấn hàng hóa ra nước ngoài, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước đó.

Vinacas: 36 container hạt điều trị giá 7 triệu đô la có khả năng bị “mất kiểm soát”

RFA
10/3/2022

Vinacas: 36 container điều trị giá 7 triệu đô la có khả năng bị “mất kiểm soát”

Các doanh nghiệp sản xuất hạt điều tại VN /thitruong&dautu 

Mấy ngày qua, nhiều thông tin về 100 container hạt điều xuất sang Ý của doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị lừa đảo và mất hàng lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang.

Trong ngày 9/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch trường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chính thức trả lời trên tờ Người lao động rằng thực tế chỉ có 36 container hạt điều, trị giá bảy triệu đô la (tương đương 162 tỉ đồng) của doanh nghiệp Việt Nam (DN VN) bị mất kiểm soát chứ không phải 100 container.

Ông Nhựt cũng xác nhận có năm doanh nghiệp bị hại, nặng nhất là 27 container, còn lại mỗi doanh nghiệp có vài container.

Theo ông Nhựt, các DN đang lo lắng vì lẽ ra trong tháng 3, tất cả các lô hàng này sẽ được cập cảng tại Ý nhưng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều không biết bộ chứng từ gốc của các lô hàng ở đâu trong khi bất cứ ai có chứng từ gốc đều có thể nhận hàng.

Ông Bạch Khánh Nhựt xác nhận trước giờ trên thương trường những dạng lừa đảo kiểu này là có nhưng đơn lẻ, không đồng loạt như lần này.

Theo Vinacas, cả 5 doanh nghiệp bị hại đều xuất khẩu hàng sang Ý cho những khách hàng mới thông qua một công ty môi giới có tên Kim Hạnh Việt.

Về việc công ty môi giới có tiếp tay cho lừa đảo hay không, ông Nhựt cho biết chưa có bằng chứng. Tuy nhiên, người đại diện Vinacas cung cấp thông tin về công ty Kim Hạnh Việt rằng đây là công ty có chủ là người Việt, quốc tịch Mỹ, có hơn 10 năm trong ngành và không có lịch sử xấu trong môi giới. Ông Nhựt khẳng định từ năm 2019 đến nay, chủ công ty Kim Hạnh Việt không về Việt Nam vì COVID-19 chứ không phải "bỏ trốn" như một số tin đồn.

Trong ngày 9/3, tờ Vietnamplus cũng cho biết Vinacas đã gửi công văn hoả tốc đến Đại sứ quán, thương vụ VN tại Ý cùng các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp vụ việc này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét