Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Thời sự Việt Nam

Việt Nam/COVID: Tăng 2,2 triệu ca nhiễm, hơn 2.500 ca tử vong sau 1 tháng 

07/3/2022 

VOA Tiếng Việt 

Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online) 

Số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam liên tiếp tăng với tốc độ chóng mặt trong vòng 1 tháng qua, từ mức hơn 14.000 ca hôm 6/2 lên mức hơn 147.000 ca hôm 7/3. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, số ca tử vong chỉ tăng thêm hơn 2.500, theo thông tin do Bộ Y tế Việt Nam công bố.

Bản tin về đại dịch của Bộ Y tế cho hay số ca nhiễm ghi nhận hôm 7/3 đạt mức kỷ lục chưa từng có là 147.358 ca, trong đó chỉ có 23 người nhập cảnh. Hà Nội có số người nhiễm trong ngày nhiều nhất, với hơn 32.300 ca.

Số ca nhiễm trong ngày 7/3 của riêng Việt Nam cao hơn toàn bộ vùng Đông Nam Á cộng lại. Cùng ngày trong khu vực này ghi nhận 88.331 ca mới, trong đó, Indonesia tăng gần 24.900 ca, Malaysia tăng hơn 27.000 ca, Thái Lan tăng hơn 21.000 ca, Singapore tăng hơn 13.000 ca, Myanmar tăng hơn 1.000 ca, Lào và Campuchia mỗi nước tăng thêm hơn 300 ca, Đông Timor tăng 23 ca.

Ở thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm của Việt Nam được thống kê từ đầu đại dịch là hơn 4 triệu 580 nghìn người. So với 1 tháng trước, số ca nhiễm tăng thêm hơn 2,2 triệu ca từ con số hơn 2 triệu 334 nghìn ca của hôm 6/2.

Tuy nhiên, trong khi số ca nhiễm tính theo một ngày đã tăng gấp 10 lần, số ca tử vong không tăng quá nhiều. Bộ Y tế cho biết có 78 người qua đời vì COVID-19 hôm 7/3, và tính trung bình 7 ngày gần đây, số ca tử vong mỗi ngày là 91, cao hơn 44% so với mức 63 người chết vì đại dịch hôm 6/2.

Tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 ở Việt Nam từ đầu đại dịch đến nay là 40.981, tăng thêm 2.567 ca tử vong từ mức 38.324 ca cách nay 1 tháng, tương đương mức tăng 6%.

Trong gần 1 năm qua, các địa phương ghi nhận số người nhiễm tích lũy cao là thành phố Hồ Chí Minh, hơn 553.000 ca; Hà Nội, hơn 427.000 ca; Bình Dương, 315.500 ca; Bắc Ninh, hơn 151.000 ca; và Quảng Ninh hơn 128.000 ca.

Về số ca nhiễm, Việt Nam đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn về tổng số ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 24/225, theo Bộ Y tế.

TNLT Cấn Thị Thêu và con trai bị chuyển đi các trại giam xa nhau hàng trăm km

RFA
08/3/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-prisoners-can-thi-theu-and-her-son-were-tranferred-to-separate-prisons-in-far-away-places-03082022074742.html/@@images/image

Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư /HRW 

Hai mẹ con tù nhân lương tâm người Dương Nội bị chuyển tới các trại giam khác nhau và cách nhà hàng trăm cây số.

Cả hai người trước đó bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình, tuy nhiên theo thông tin mới nhất từ gia đình thì họ vừa bị chuyển đi thi hành án đến các trại giam khác nhau.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Bá Khiêm, chồng của bà Cấn Thị Thêu cho biết thông tin về sự việc:

“Gia đình tôi nhận được thông tin này vào chiều tối hôm mùng 6 tháng 3. Nội dung của nó thì có hai vấn đề, thứ nhất là tôi đã nhiều lần yêu cầu trại cho gọi điện về gia đình nhưng mà không cho gọi, thì tôi đến các cơ quan công an thì trại giam trả lời là do Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư không có nhu cầu gọi điện thoại, đấy là một câu trả lời.

Câu trả lời thứ hai là theo luật Thi Hành án Hình sự thì đã chuyển vợ tôi là Cấn Thị Thêu vào trong trại số 5 Thanh Hoá, còn con tôi là Trịnh Bá Tư thì trại đã chuyển vào trại số 6, phân trại chính nằm ở xã Vĩnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.”

Ông Khiêm cũng cho biết là trước đó đã đến trại giam công an tỉnh Hoà Bình hai lần vào những ngày cuối tháng hai để giao đồ tiếp tế cho vợ và con trai, nhưng không hề được thông báo rằng người thân của mình đã bị chuyển đi. Phải đến ngày 6 tháng 3 thì mới nhận được giấy báo.

Một ngày sau khi nhận thông báo thì ông cũng đã tới Trại giam số 5 để tìm hiểu thông tin và được xác nhận rằng bà Cấn Thị Thêu đã được chuyển đến đây. Ông Khiêm cho biết sẽ đến Trại giam số 6 để tìm hiểu thông tin của Trịnh Bá Tư trong thời gian sớm nhất.

Hai trại giam nêu trên là nơi mà gia đình ông Trịnh Bá Khiêm và bà Cấn Thị Thêu đã có trải nghiệm, ông nói thêm:

“Cái trại giam số 6 đấy thì ngày trước từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2015 thì chế độ Cộng Sản đã giam giữ tôi ở đấy, còn trại giam số 5 thì cuối năm 2014 đến giữa năm 2015 cũng đã giam giữ vợ tôi ở trại đấy.”

Ông Khiêm bị bắt đi tù hồi năm 2014 cùng với vợ mình là bà Cấn Thị Thêu trong khi phản đối việc cưỡng chế đất đai của chính quyền quận Hà Đông, Hà Nội. Hai ông bà sau đó bị kết án 15 tháng tù giam.

Đây đã là lần thứ ba bà Cấn Thị Thêu bị bắt, hiện bà đang thụ án mức án tám năm tù do bị buộc tội “phát tán tài liệu chống Nhà nước”. Con trai bà là Trịnh Bá Tư cũng đang bị giam giữ vì cùng tội danh, và chịu cùng mức án.

Gia đình này còn một thành viên nữa cũng đang bị giam giữ là con trai lớn Trịnh Bá Phương. Anh này bị cáo buộc với cùng tội danh, và đã bị kết án 10 năm tù giam trong phiên toà sơ thẩm hôm 15 tháng 12 năm 2021.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền đều cho rằng các thành viên của gia đình này là những nhà hoạt động nhân quyền, và cáo buộc nhà nước Việt Nam bỏ tù những người này vì động cơ chính trị.

Việt Nam không thuộc danh sách các nước không thân thiện của Nga

Việt Nam không thuộc danh sách các nước không thân thiện của Nga

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc tại Điện Kremlin, Moscow hôm 22/5/2019 /AFP 

Hôm 7/3, Chính phủ Nga công bố danh sách các nước "không thân thiện" với chính quyền của Tổng thống Putin - Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba... không có tên.

Các nước bị liệt vào danh sách này, bao gồm: Úc, Anh, 27 quốc gia Liên minh Châu Âu, Iceland, Liechtenstein, Monaco, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, San Marino, Singapore, Hoa Kỳ, Đài Loan, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Nhật Bản.

Đây là những nước chỉ trích hay cấm vận Nga về hành động xâm lược Ukraine, đồng thời gửi hàng cứu trợ nhân đạo hoặc cung cấp vũ khí cho quân đội của Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskyy.

Theo Reuters, Điện Kremlin cho biết các giao dịch mua bán chứng khoán hoặc bất động sản hoặc cung cấp các khoản vay bằng đồng rúp liên quan đến các thực thể từ các quốc gia không thân thiện với Nga sẽ phải có sự cho phép từ ủy ban đặc biệt kể từ ngày 2/3.

Việt Nam, Lào, Trung Quốc và 32 nước khác hôm 2/3 bỏ phiếu trắng trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc về một nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút quân đội về nước.

Có 141 trong số 193 thành viên của Liên hiệp quốc ủng hộ nghị quyết, trong khi Nga, Bắc Hàn, Syria, Belarus và Eritrea bỏ phiếu chống.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam - bà Nataliya Zhynkina sau đó bày tỏ thất vọng với Hà Nội vì bỏ phiếu trắng trước Liên Hiệp Quốc.

Hai sĩ quan cấp tá tại Học viện Quân y bị bắt liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á

Hai sĩ quan cấp tá tại Học viện Quân y bị bắt liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á

Ông Hồ Anh Sơn, cùng ông Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) tại buổi giới thiệu bộ kit test COVID-19 (Hình minh hoạ) /VGP-vov-RFA edited 

Hai cán bộ cao cấp tại Học viện Quân y liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á đã bị bắt tạm giam để điều tra tội “tham ô tài sản” và “qui phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng trong ngày 8/3 cho truyền thông hay tin trên đồng thời cho biết cụ thể đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam thượng tá Hồ Anh Sơn, phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự-Học viện Quân y về tội “tham ô tài sản” và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu - trưởng phòng trang bị, vật tư Học viện Quân y - về tội "vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng".

Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự trung ương phê chuẩn.

Theo cơ quan điều tra, cả hai được xác định có sai phạm trong việc nghiên cứu, bàn giao đề tài chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 và trong việc mua một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Được biết, ông Sơn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, được chủ trì thực hiện bởi Học viện Quân y và có sự tham gia của Việt Á.

Đây được coi là vụ vi phạm nghiêm trọng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Đã có ít nhất 20 người bị bắt giữ và khởi tố liên quan đến vụ kit xét nghiệm của Việt Á bao gồm lãnh đạo công ty, các quan chức của Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Học viện Quân y và ít nhất bốn giám đốc CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An và Bình Dương.

Trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 3/3 cho biết, cơ quan điều tra của 62/63 tỉnh, thành đã tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để tập hợp, củng cố, làm rõ đầy đủ các hành vi vi phạm của các đối tượng trong vụ án.

Ông Xô cũng cho hay đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã kê biên, thu hồi tài sản của các bị can, đối tượng có liên quan với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng.

Tăng trưởng thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ được duy trì


Tăng trưởng thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ được duy trì

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ /vov.vn 

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề “Định hình lại quan hệ kinh tế song phương” đã diễn ra tại Hà Nội sáng 8/3 (giờ Việt Nam).

Truyền thông Nhà nước loan tin hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện cấp cao nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước tham gia.

Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại hội nghị nói về năm nội dung chính gồm sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi số.

Cũng tại hội nghị, ông Chính cho rằng Việt Nam đang tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 nội dung chính (xóa quan liêu bao cấp; kinh tế nhiều thành phần; hội nhập kinh tế quốc tế).

Do đó, Thủ tướng VN nhấn mạnh song song với sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020).

Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Qua đó, ông Chính tin rằng thành công của Hội nghị sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ nói riêng và quan hệ hai nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển thực chất và hiệu quả.

Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) phối hợp tổ chức.

Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff cho biết tại hội nghị rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì.

Loan tin về Hội nghị trong ngày 8/3 tờ Foreign Brief.com cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến ​​tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh riêng với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo ASEAN khác tại Washington vào cuối tháng này.

Tờ này cũng nêu rằng Việt Nam có thể sẽ thúc đẩy một số Hiệp định Thương mại Tự do mới, cụ thể là với EU và Anh, bên cạnh quan hệ đối tác với Hoa Kỳ.

Do đó, Hà Nội sẽ tăng cường xuất khẩu các mặt hàng công nghệ, dệt may và nông sản, chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất công nghệ cao vào năm 2030, Việt Nam sẽ hướng đầu tư đáng kể từ nước ngoài và trong nước vào lĩnh vực này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét