Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Thời Sự Việt Nam

 Việt Nam được WHO chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA 

VOA Tiếng Việt 

Các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ mRNA giúp sản xuất ra vaccine - Pieter Cullis (trái), Drew Weissman (thứ 2 từ trái) và Katalin Kariko (phải) - nhận giải Vinfuture Grand Prize từ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại một lễ trao giải của Vingroup tại Hà Nội hôm 20/1.

Các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ mRNA giúp sản xuất ra vaccine - Pieter Cullis (trái), Drew Weissman (thứ 2 từ trái) và Katalin Kariko (phải) - nhận giải Vinfuture Grand Prize từ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại một lễ trao giải của Vingroup tại Hà Nội hôm 20/1. 

Việt Nam là một trong số 5 quốc gia mới được Tổ chức Y tế Thế giới chọn lựa để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA nhằm ứng phó với COVID-19 và các đại dịch trong tương lai, theo Bộ Y tế Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, 4 quốc gia còn lại mới được WHO lựa chọn gồm có Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia. Hiện có 11 quốc gia được nhận chuyển giao công nghệ loại vaccine được xem là tiên tiến nhất hiện nay.

Trước đó vào ngày 18/2, WHO thông báo 6 nước đầu tiên đuợc chọn lựa – đều ở châu Phi, trong đó có Nam Phi và Ai Cập – để thiết lập dây chuyền sản xuất từ trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của tổ chức này nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Theo WHO, những nước này được lựa chọn bởi một nhóm các chuyên gia và do đã chứng minh được rằng họ có khả năng hấp thu công nghệ này và, cùng với việc đào tạo có mục đích, sẽ tiến tới việc sản xuất một cách nhanh chóng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus chủ trì buổi công bố hôm 23/2 đối với Việt Nam và 4 quốc gia còn lại, theo Bộ Y tế.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long nói tại buổi công bố trực tuyến rằng việc lựa chọn cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực. Các trung tâm này sẽ phục vụ các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình muốn sản xuất sinh phẩm, như vaccine, insulin, kháng thể đơn dòng và phương pháp điều trị ung thư.

Vaccine mRNA là một công nghệ tiên tiến cho phép việc sửa đổi và cập nhật nhanh chóng để đáp ứng với các biến thể mới của virus cũng như việc sản xuất với số lượng lớn. Pfizer và Moderna là hai loại vaccine duy nhất hiện nay đang được sản xuất theo công nghệ này.

Vào tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa mRNA – gồm Pieter Cullis, Drew Weissman và Katalin Kariko - đã được Quỹ VinFuture của tỷ phú giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, trao giải thưởng trị giá hàng triệu đô la Mỹ vì những gì họ đã làm giúp mở đường cho việc chế tạo loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả, cứu sống vô số người.

Theo người đứng đầu WHO, một trong những trở ngại chính trong quá trình chuyển giao công nghệ cho các nước thu nhập trung bình và thấp là việc thiếu lực lượng lao động có tay nghề và các hệ thống quản lý lỏng lẻo, theo TTXVN.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Long cho biết rằng Việt Nam dù là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua và rằng hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam cũng được WHO công nhận.

Người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các nhà sản xuất vaccine trong nước trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Việt Nam, từ một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực giờ đây đã trở thành một trong 6 nước có số luợng người được tiêm hai mũi vaccine cao nhất thế giới nhờ có lượng vaccine từ chuơng trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX và nguồn hiến tặng từ nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất là từ Mỹ.

Đại sứ mới của Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 1/3 cho biết Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam thêm 1,6 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech tới TPHCM. Theo vị đại sứ mới nhậm chức hồi tháng 1, tới nay Mỹ đã trao tặng Việt Nam hơn 26 triệu liều vaccine COVID-19 thông qua cơ chế COVAX.

Hiện Việt Nam đang tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người trưởng thành với mục tiêu hoàn thành chiến dịch “tiêm chủng thần tốc” vào cuối tháng sau.

Y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn

VNTB – Y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn

Phiên xử phúc thẩm ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên thứ 3 của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị bắt giữ vào tháng 6/2020 diễn ra ngày 28/2/2022 tại phòng xử số 02 – Trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh – địa chỉ: Số 8, đường số 57, phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức. 

Tại phiên toà được cho là xét xử công khai toà tuyên giữ y án11 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn trong một phiên xử chóng vánh chỉ diễn ra vọn vẹn chưa đầy 3 tiếng đồng hồ từ 7:30 đến 10:00 sáng cùng ngày. Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho Lê Hữu Minh Tuấn cho biết trong phiên xử, Lê Hữu Minh Tuấn vẫn giữ được tinh thần vững vàng, khẳng định mình vô tội và không vi phạm pháp luật Việt Nam như đã từng tuyên bố ở phiên xử sơ thẩm hơn một năm trước đó.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn nói ông chỉ đang thực hiện các quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội… Những việc làm của ông Tuấn và hội là thực hiện đúng quyền của mình và không nhằm chống lại nhà nước Việt Nam… 

Giữ vững được tinh thần, vẫn cương quyết khẳng định mình vô tội dù bị khủng bố tinh thần trong điều kiện sinh hoạt tồi tệ của trại tạm giam Chí Hoà – Phan Đăng Lưu của ông Lê Hữu Minh Tuấn là điều mà chỉ những tù nhân chính trị mới có thể làm được.

Kể từ phiên xử sơ thẩm ngày 5/1/2021, ông Lê Hữu Minh Tuấn tiếp tục bị biệt giam trên 1 năm tại trại tạm giam Phan Đăng Lưu dù đã làm đơn kháng cáo và đáng ra sẽ phải được đưa ra xét xử trong vòng 90 ngày kể từ khi có đơn kháng cáo theo như quy định tại Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trong khi đó cơ quan chức năng cũng không có thông báo, thông tin gì về việc hoãn phiên xử phúc thẩm trong một thời gian dài như vậy. 

Cho đến khi phiên phúc thẩm diễn ra ông Lê Hữu Minh Tuấn không được tiếp xúc luật sư bào chữa vì lý do trại giam Chí Hoà – Phan Đăng Lưu đang có nhiều F0. Việc tiếp tế thực phẩm cũng bị gián đoạn vì COVID và thân nhân chỉ được gửi tiền tiếp tế qua đường bưu điện. 

Kết quả y án của phiên xử phúc thẩm không phải là điều ngạc nhiên đối với bất kỳ ai theo dõi các phiên toà án an ninh quốc gia. Các bản án bỏ túi đã được định sẵn và sẽ không có gì thay đổi, cho dù cho cho lên đến giám đốc thẩm. 

Trong vòng 15 ngày tới, có thể ông Lê Hữu Minh Tuấn sẽ được đưa đi đến trại giam trung chuyển khác trước khi được đưa đi thụ án ở một trại giam khác như trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ trước đây. 

Từ những bài viết phản biện xã hội, chính trị tại Việt Nam được cho là của Lê Hữu Minh Tuấn được đăng trên trang mạng Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã buộc tội ông Lê Hữu Minh Tuấn cùng Chủ tịch Hội Phạm Chí Dũng và Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ tội theo khoản 2 của điều 117 Bộ Luật hình sự.

Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam và 3 năm quản chế, ông Nguyễn Tường Thuỵ nhận mức án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông vào ban đêm

RFA

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông vào ban đêm

Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 2/1/2017 - Máy bay J-15 của Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông /AFP 

Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông vào đêm ngày 1/3, theo thông báo mới đăng trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc.

Thông báo được đưa ra vào khoảng 21 giờ 30 ngày 1/3. Theo đó, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 23 giờ ngày 1/3 đến 0 giờ ngày 2/3.

Khu vực tập trận nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Thông báo không cho biết quy mô của cuộc tập trận, chỉ yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.

Trước đó, vào ngày 25/2, Cục Hải sự Trung Quốc cũng thông báo một cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 27/2 đến ngày 1/3  ở phía đông bắc đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Vào ngày 16/2, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết Trung Quốc tiến hành nột cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía bắc Biển Đông và ngày 17/2.

Những cuộc tập trận liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông diễn ra vào khi có những căng thẳng trong khu vực.

Hoa Kỳ mới đây đã cho tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 26/2 trong hoạt động được Hải quân Hoa Kỳ gọi là chuyến đi thường xuyên của tàu chiến Mỹ trong khu vực nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Trung Quốc gọi hành động này của Mỹ là gây hấn.

Việt Nam ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm COVID-19 trong ngày, lo quá tải bệnh viện


Việt Nam ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm COVID-19 trong ngày, lo quá tải bệnh viện

Một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội hôm 30/8/2021 /AFP 

Bộ Y tế Việt Nam hôm 2/3 cho biết cả nước đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ. Đây được cho là con số kỷ lục về số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày kể từ sau Tết Nguyên đán đến này.

Điểm đáng chú ý trong thống kê của Bộ Y tế là một số tỉnh, thành ở miền Bắc có số ca nhiễm cao nhất. Điển hình là Hà Nội với hơn 15.000 ca nhiễm mới trong ngày, Bắc Ninh hơn 4.600 ca, Quảng Ninh hơn 3.900 ca. Trong khi đó, TPHCM ghi nhận 2.746 ca mới.

Báo chí Nhà nước trong tuần qua lên tiếng cảnh báo về tình trạng quá tải ở bệnh viện của Thủ đô khi số ca nhiễm mới liên tục tăng kể từ sau Tết Nguyên đán.

Mỗi ngày, trung bình Hà Nội ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới. Nguyên nhân được xác định là do việc mở cửa tất cả cấc hoạt động kinh tế - xã hội cũng như cho học sinh trở lại trường sau Tết.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố hôm 27/2 đã cảnh báo thành phố sẽ đạt đỉnh dịch hai tuần tới, tạo áp lực cho y tế cơ sở.

Báo Lao Động trích lời Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Hà cho biết hiện số ca F0 điều trị tại nhà chiếm 96%. Bà Hà cho biết, vì số ca nhiễm vẫn tiếp tục cao mỗi ngày nên thành phố đã phải thay đổi cách điều trị. Theo đó, những người nhập viện mà có chuyển biến tốt thì dù chưa đủ 10 ngày cũng sẽ về nhà điều trị.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị được hơn 2.000 giường cho bệnh nhân COVID-19 nhưng mới chỉ sử dụng khoảng 1.000 giường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét