Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

Tin tức thế giới

Võ Thái Hà tổng hợp

Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ điện đàm về Ukraine vào ngày 18/3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 18/3 và sẽ thảo luận về việc quản lý cạnh tranh giữa hai nước cũng như cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 17/3.

(Theo Reuters)

Tòa Bạch Ốc nói về vùng cấm bay: ‘Chúng tôi không có hứng thú tham gia Thế Chiến III’ 

https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/03/psaki-e1647490817493-700x420-1.jpg


Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki tổ chức một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 15/03/2022. (Ảnh: Leah Millis/File Photo/Reuters) 

Hôm thứ Tư (16/03), Tòa Bạch Ốc đã kiên quyết phản đối việc thiết lập vùng cấm bay đối với Ukraine sau khi Tổng thống (TT) Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ thêm trong một bài diễn văn thời chiến hiếm hoi trước lưỡng viện của Quốc hội. 

Trong bài diễn văn trước Quốc hội, TT Zelensky đã một lần nữa kêu gọi chính phủ TT Biden giúp thực thi vùng cấm bay ở Ukraine để bảo vệ dân thường, trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã kéo dài gần đến tuần thứ tư. 

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/03/17-3-2022.jpg

“Ngài là nhà lãnh đạo của quốc gia vĩ đại của ngài. Tôi mong ngài sẽ trở thành nhà lãnh đạo của thế giới. Là nhà lãnh đạo của thế giới có nghĩa là trở thành nhà lãnh đạo của hòa bình,” TT Zelensky nói trong một thông điệp hướng tới Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. 

Tòa Bạch Ốc trước đó đã từ chối yêu cầu của ông Zelensky trong việc giúp thực hiện vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, nói rằng hành động này có thể được coi là một hành động leo thang, điều có khả năng đưa Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh mở rộng với Nga. 

Sau bài diễn văn của ông Zelensky hôm thứ Tư, tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc này đã lặp lại những nhận xét trước đó. 

“Chúng tôi đang giữ liên lạc rất chặt chẽ với người Ukraine. Vì lẽ đó không có điều gì mà ông ấy yêu cầu hoặc nói hôm nay là điều bất ngờ. Nếu chúng tôi là Tổng thống Zelensky, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu mọi thứ có thể,” bà Psaki nói với các phóng viên. “Ông ấy đang chứng kiến đất nước và người dân của mình bị tấn công tàn bạo bởi Tổng thống Putin và quân đội Nga.” 

“Tuy nhiên, cách Tổng thống Biden đưa ra quyết định là qua lăng kính an ninh quốc gia của riêng chúng ta và như chúng tôi đã nói trước đây, một vùng cấm bay sẽ đòi hỏi việc thực thi, nó có thể sẽ đòi hỏi chúng ta phải bắn hạ các phi cơ của Nga, cũng như đòi hỏi NATO phải bắn hạ phi cơ Nga, và chúng tôi không có hứng thú tham gia Thế Chiến III.” 

Bà Psaki cũng được hỏi về việc liệu ông Zelensky có xem “vùng cấm bay nhân đạo” và “vùng cấm bay toàn diện” là như nhau hay không. Bà Psaki cho rằng cả hai loại vùng cấm bay này đều có nguy cơ gây ra chiến tranh với Nga. 

Bà Psaki cho biết, “Đã có những mô tả về cả hai loại vùng cấm bay đó trong vài tuần qua và đôi khi — và tôi không muốn dẫn sai lời ông ấy — nhưng một khu vực cấm bay nhân đạo có thể là vùng địa lý cụ thể hoặc một phần của miền tây Ukraine, mặc dù kiểu vùng cấm bay này đôi khi người ta cũng xem như là toàn bộ đất nước đó.” 

Bà cũng nói thêm, “Theo quan điểm của chúng tôi và quan điểm của quân đội, không có sự khác biệt nào trong việc khai triển và tác động leo thang [giữa hai loại vùng cấm bay này].”  

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tháng này đã từ chối yêu cầu của Ukraine về việc thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine, nói rằng điều đó sẽ dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn, tàn khốc hơn trên khắp Âu Châu. 

“Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này, và chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm cho cuộc xung đột này không leo thang và lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine,” ông Stoltenberg tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 04/03. 

Ông Stoltenberg cho biết, “Chúng tôi hiểu được sự tuyệt vọng đó nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm vậy (thực thi vùng cấm bay), thì chúng ta sẽ kết thúc với một điều gì đó có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện ở Âu Châu liên quan đến nhiều quốc gia hơn và nhiều đau khổ hơn.”  

Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London. 

Thanh Tâm biên dịch

Bốn nhà sản xuất vac-xin ngừa Covid đồng thuận tạm bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh họa. © REUTERS / Dado Ruvic 

Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) hôm thứ Tư, 16/3/2022, hoan nghênh thỏa thuận giữa 4 nhà sản xuất dược phẩm chính về việc dỡ bỏ, trong một thời gian nhất định, quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng sáng chế vac-xin Covid-19. 

Thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi. Tuy nhiên, WTO vẫn cần có sự đồng thuận của một số quốc gia thành viên khác. Việc thực thi thỏa thuận cho phép chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về vac-xin trên thế giới, các nước đang phát triển có thể sản xuất và phân phối vac-xin với giá thành rẻ hơn.

Từ Geneva, thông tín viên RFI Jérémie Lanche cho biết thêm. 

« Theo hãng thông tấn Reuters, văn bản dường như cho phép các quốc gia sản xuất vac-xin ngừa Covid-19, như là vac-xin của Pfizer và Moderna, mà không cần trả phí cho bằng sáng chế và trong thời gian từ 3 đến 5 năm. Cơ chế này chỉ liên quan đến các loại vac-xin mà không bao gồm các thuốc điều trị, và điều này khiến các tổ chức phi chính phủ như tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới thất vọng. Tổ chức này đấu tranh cho việc dỡ bỏ hoàn toàn các quyền sở hữu trí tuệ. Một số quốc gia không được hưởng quy chế này, như Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này chiếm 10% tổng số vac-xin Covid-19 toàn thế giới. 

Tuy nhiên, điều này không ngăn cản lãnh đạo của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, bà Ngozi Okonjo-Iweala, nhận định rằng đây là một bước tiến quan trọng, trong khi các đàm phán dậm chân tại chỗ từ hơn 1 năm nay. Vấn đề là ở WTO, tất các quyết định phải có được sự đồng thuận, tức là tất cả các thành viên ủng hộ văn bản này. Tuy nhiên, hiện nay, một số nước như Anh và Thụy Sỹ không đồng ý. Các quốc gia có nhiều công ty dược phẩm đặt trụ sở phản đối bất cứ sửa đổi nào của hệ thống hiện hành. » 

NATO từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraina

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ ngày 16/03/2022. REUTERS - JOHANNA GERON 

Bộ trưởng Quốc Phòng của 30 nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Dương (NATO) họp hôm thứ Tư, 16/03/2022, tại Bruxelles, Bỉ, để thảo luận về việc viện trợ vũ khí, hỗ trợ Ukraina và lập kế hoạch dài hạn trong việc bố trí lực lượng NATO thường trực ở Đông Âu. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của Ukraina về việc thiết lập vùng cấm bay, NATO không có ý định đáp ứng mong muốn này của Kiev. 

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình :

Các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Dương đồng thuận hỗ trợ tài chính và vật chất cho Ukraina nhưng từ chối yêu cầu của tổng thống Volodymyr Zelensky về việc lập vùng cấm bay ở Ukraina. 

Tổng thư ký của NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết :  

« Các nước đồng minh đoàn kết, hỗ trợ Ukraina, giúp đỡ Ukraina thực hiện quyền tự vệ. Tuy nhiên các đồng minh cũng đồng thuận nói rằng NATO không nên triển khai lực lượng trên lãnh thổ hoặc không phận Ukraina. Bởi vì chúng tôi có trách nhiệm bảo đảm rằng cuộc xung đột này, cuộc chiến này, không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukrana. Chúng tôi biết là có người thiệt mạng, chúng tôi biết Ukraina đang bị tàn phá, chúng tôi cũng thấy sự khổ đau của người dân Ukraina. Nhưng điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu NATO có những biện pháp biến đổi tình hình này thành một cuộc chiến tranh thật sự giữa NATO và Nga. » 

Publicité

Điều quan trọng nhất của NATO hiện nay đó là củng cố thế phòng thủ, (hiện tại và về lâu dài) ở sườn đông châu Âu để đối phó với Nga. Và điểm cuối cùng là các đồng minh phải tuân thủ các cam kết dành 2 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự, như trường hợp của Đan Mạch và Đức, hai quốc gia vừa mới xác nhận ý định này.

Tình báo rò rỉ của Nga: Trung Quốc lên kế hoạch xâm lược Đài Loan vào mùa thu

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/ntdvn_thumb-tq-xam-luoc-dai-loan-1.jpg

Nhà ngoại giao hàng đầu của Đài Loan cho biết ông không thể nói về tính xác thực của một tài liệu tình báo Nga trong đó nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch sáp nhập quốc đảo vào mùa thu này.

Joseph Wu, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, cho biết hôm thứ Tư rằng đất nước của ông đằng nào cũng sẽ phải chuẩn bị. Ông nói với các phóng viên ở Đài Bắc: “Bất kể Trung Quốc quyết định tấn công chúng ta khi nào, chúng ta phải luôn sẵn sàng tự vệ.”

Trong phiên điều trần của ủy ban quốc phòng tại cơ quan lập pháp của hòn đảo, ông Wu nói với các nhà lập pháp rằng ông đã biết các báo cáo trên phương tiện truyền thông về tài liệu được cho là do một nhà phân tích giấu tên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) viết, người tự gọi mình là “Wind of Change” (“Ngọn gió thay đổi”). Ngoại trưởng cho biết ông không thể xác minh tài liệu của FSB, nhưng cho biết các cơ quan tình báo của Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan.

Bức thư được đề cập là một phần của loạt bài do nhà bất đồng chính kiến ​​người Nga Vladimir Osechkin đăng tải. Ông hiện đang ở Pháp và là luật sư nhân quyền điều hành gulagu-net.ru, một trang web ghi lại những vụ lạm dụng trong các nhà tù ở Nga. Osechkin tuyên bố đã nhận được 7 lá thư kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Người tố giác ở FSB đã nêu chi tiết về nỗi sợ hãi và hỗn loạn bên trong cơ quan tình báo chính của Nga, nơi dường như chỉ có một số người được chọn biết về kế hoạch của ông Putin.

Trong bức thư thứ tư gửi cho Osechkin, ngày 9/3, tác giả mô tả tình thế khó khăn mà Moscow đã đặt ra cho Bắc Kinh vì quyết định xâm lược Ukraine của ông Putin, một động thái khiến phương Tây trở nên đoàn kết và biến Nga thành một kẻ xấu đến mức Trung Quốc cũng khó để hỗ trợ.

Bức thư viết: “Vì chiến tranh, hình ảnh của Nga đã trở nên tiêu cực đối với một số quốc gia đến nỗi Hoa Kỳ có thể dễ dàng thúc đẩy các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc, ít nhất là cùng với châu Âu, nếu nước này có nguy cơ lách lệnh trừng phạt đối với Nga”. “Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu quá nhiều, cùng với sự phụ thuộc vào giá hàng hóa … đây gần như là một đòn chí mạng.”

Người tố cáo tiếp tục: “Không chỉ vậy: Tập Cận Bình cũng đang đắn đo việc chiếm Đài Loan vào mùa thu, ông ấy cần một chiến thắng nhỏ của mình để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, nơi đang diễn ra một cuộc tranh giành quyền lực ghê gớm giữa các đảng viên hàng đầu. Giờ đây, sau các sự kiện ở Ukraine, cơ hội này đã đóng lại, khiến Hoa Kỳ có cơ hội hăm dọa ông Tập và đàm phán với các đối thủ [chính trị] của ông ấy theo những điều kiện có lợi.”

Tác giả kết luận rằng hành động của Moscow đã vô tình khiến Bắc Kinh sập bẫy, buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải suy xét các kế hoạch xâm lược của họ.

Đáng lưu ý, thông tin về dự đoán thời gian xâm lược của Trung Quốc mâu thuẫn với thông tin tình báo của chính Đài Loan về chủ đề này.

Vào tháng 10 năm 2021, nhiều tháng sau khi Nga tích lũy quân đội dọc theo biên giới Ukraine, Giám đốc tình báo Đài Bắc, Chen Ming-tong, nói với các nhà lập pháp rằng một cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ không có khả năng xảy ra trong ba năm tới, cho đến sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn rời nhiệm sở.

Một cuộc đổ bộ của Trung Quốc vào mùa thu cũng sẽ đi ngược lại với tư duy quân sự thông thường, vốn tính đến điều kiện thời tiết bất lợi trên eo biển Đài Loan trong suốt mùa hè và ít nhất là đến tháng 9.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi ông Tập dự kiến ​​sẽ có nhiệm kỳ thứ ba, cũng được lên kế hoạch vào mùa thu và có thể bắt đầu vào tháng 10 hoặc tháng 11.

Xuân Lan (theo Newsweek)

Đàm phán giữa Nga và Ukraine có tiến triển tốt

Một tia hy vọng bỗng lóe lên chỉ hai ngày sau khi tên lửa Nga bắt đầu tấn công Kyiv. Đàm phán hòa bình Nga-Ukraine được cho là đang đạt tiến triển tốt khi hai bên hướng đến các chi tiết cụ thể của một thỏa thuận đình chiến. Tin này đến đúng lúc các cư dân của thủ đô căng thẳng đón đợt oanh tạc tồi tệ nhất.

Trong 18 ngày đầu của cuộc chiến, tên lửa và bom của Nga gần như hoàn toàn không động đến Kyiv, phần lớn nhờ vào hệ thống phòng không nhiều lớp bao quanh thành phố. Ngoài ra còn vì có thông tin tình báo tốt. Nhưng từ ngày 14 tháng 3 Nga bắt đầu oanh tạc các mục tiêu dân sự ở Kyiv. Quân Ukraine hiện đang nỗ lực chống trả, trong khi các thị trấn ngoại ô và thành phố lân cận đều đã bị san bằng. Nếu đàm phán hòa bình đình trệ và quân Nga phá vỡ phòng tuyến của Kyiv, cuộc chiến chắc chắn sẽ kéo dài và đẫm máu.

Syria gửi quân đến Ukraine

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến giờ vẫn nắm quyền là nhờ có Vladimir Putin, sau khi Nga gửi quân can thiệp trong cuộc nội chiến Syria hồi năm 2015. Do vậy không quá ngạc nhiên khi xuất hiện các tin đồn cho thấy ông Assad sẽ trả ơn. Những ngày gần đây có tin cho thấy các chiến binh Syria đã đăng ký tham gia cuộc chiến ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói 16.000 tình nguyện viên từ Trung Đông đã sẵn sàng nhập ngũ.

Không rõ họ đã đến chiến trường chưa. Nhưng nỗ lực gọi quân dường như là có thật. Cuộc xung đột ở Ukraine có thể là một lời đề nghị hấp dẫn cho những người lính đánh thuê của ông Assad, đặc biệt khi binh sĩ nước này có khi chỉ kiếm được 20 đô la một tháng. Hơn sáu năm sau khi Nga can thiệp để cứu ông Assad, công việc béo bở nhất mà ông có thể mang lại cho công dân của mình là tham gia vào một cuộc chiến tranh ngoại bang khốc liệt.

Xe tăng Nga chật vật đối phó vũ khí của Ukraine

Giới quan sát đã ghi nhận nhiều xe tăng Nga gắn lồng trên nóc ở chiến trường Ukraine. Chúng là chi tiết không có sẵn, mà chỉ được thêm vào sau khi xe đi vào hoạt động. Thoạt nhìn chúng có vẻ giúp tăng khả năng tự vệ. Nhưng các nhà phân tích nói chúng chỉ làm nặng xe, gây chú ý không mong muốn và một cảm giác an toàn không có thật cho lính ở bên trong.

https://www.economist.com/img/b/1000/563/90/sites/default/files/images/2022/03/articles/main/20220319_stp501.jpg

Một trong những mối đe dọa chính đối với xe bọc thép là các loại vũ khí chống tăng có chất nổ cao. Những quả lựu đạn phóng bằng tên lửa này dễ dàng xuyên thủng lớp thép dày, với RPG-7 (B41) do Nga sản xuất (nhưng được sử dụng rộng rãi) có thể xuyên sâu tới 30cm. Ngoài ra Ukraine còn có các loại vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm súng chống tăng Javelin và tên lửa MAM-L bắn từ máy bay không người lái.

Gắn thêm giáp là một cách rẻ tiền và nhẹ để chống lại vũ khí diệt tăng. Song những chiếc lồng này khó có thể mang đến sự bảo vệ nào. Có lẽ chúng chỉ nhằm tăng tinh thần chiến đấu. Hình ảnh những chiếc tăng bị phá hủy dường như ủng hộ giả thuyết này.

Tổng thống Pháp sắp công bố tuyên ngôn tranh cử

Vào thứ Năm này tổng thống Pháp sẽ mang chiến dịch tái tranh cử của mình tới Seine-Saint-Denis ở Paris. Tại đây, Emmanuel Macron sẽ công bố tuyên ngôn tranh cử. Hiện công luận đã được biết trước một số chi tiết, bao gồm lời hứa tăng tuổi hưu từ 62 lên 65 tuổi để giảm bớt áp lực cho nhà nước phúc lợi. Đây sẽ là động thái mạnh hơn cả kế hoạch trước đây của ông Macron, vốn đã bị gác lại trong đại dịch. Hiện một số đối thủ của ông hứa hạ tuổi nghỉ hưu, do đó đây hứa hẹn là một chủ đề gây tranh cãi.

Macron tiết lộ kế hoạch của mình vào phút chót, tương tự như cách ông đợi đến giây cuối cùng để ra tuyên bố tranh cử. Song cơ hội của ông không hề bị ảnh hưởng. Phe đối lập đang hoàn toàn bị chia rẽ với 12 ứng viên tranh cử. Lo lắng về chiến tranh, cũng như tâm lý mong muốn ổn định, giúp ông thể hiện tốt trong các cuộc thăm dò. Mô hình dự báo của The Economist hiện đặt xác suất tái đắc cử vào tháng 4 của ông lên tới 97%. Ông Macron ngày càng trông có vẻ không thể bị đánh bại.

Tòa án Công Lý Quốc Tế ra lệnh cho Nga phải dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/toa-an-quoc-te.jpg

Vào ngày 16/3, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc, vừa ra phán quyết yêu cầu Nga chấm dứt ngay chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine.

Phán quyết được thông qua với 13 phiếu thuận, trên tổng số 15 thẩm phán của ICJ. Hai thẩm phán bỏ phiếu chống đến từ Nga và Trung Quốc.

“Tòa án nhận thức sâu sắc mức độ thảm họa nhân đạo đang xảy ra ở Ukraine. Tòa quan ngại sâu sắc về hành vi sử dụng vũ lực của Nga ở Ukraine, gây ra những vấn đề rất nghiêm trọng cho luật pháp quốc tế”, Thẩm phán Joan Donoghue đọc nội dung mở đầu của phán quyết.

“Liên bang Nga ngay lập tức phải dừng các hoạt động quân sự của nước này, bắt đầu từ ngày 24/2/2022, trên lãnh thổ Ukraine”, Reuters dẫn phán quyết của các thẩm phán.

Tòa án cũng yêu cầu Nga phải bảo đảm những lực lượng khác dưới sự kiểm soát hoặc hỗ trợ của Moscow cũng không được tiếp tục các hoạt động quân sự.

Tổng thống Ukraine hoan nghênh phán quyết này của tòa ICJ.

“Ukraine đã giành được chiến thắng trong vụ kiện Nga tại ICJ. ICJ đã yêu cầu Nga chấm dứt tấn công. Yêu cầu của ICJ có giá trị ràng buộc pháp lý theo luật pháp quốc tế. Nga phải tuân thủ ngay lập tức”, ông Zelensky viết trên Twitter.

“Phớt lờ phán quyết sẽ chỉ càng khiến Nga bị cô lập hơn nữa”, Tổng thống Ukraine bày tỏ.

Phán quyết đưa ra ngày 16/3 mới chỉ bao gồm các biện pháp tạm thời. Tòa ICJ sẽ tiếp tục xem xét vụ kiện do Ukraine đề xuất, trong đó Kyiv yêu cầu ICJ bác bỏ tuyên bố của Moscow về cáo buộc diệt chủng ở miền Đông Ukraine.

Trong vụ kiện lên ICJ, vốn có thể kéo dài nhiều năm, phía Ukraine yêu cầu thẩm phán ra phán quyết buộc Nga “từ bỏ chiến dịch quân sự ngay lập tức”, theo AP.

Phía Nga cho rằng chiến dịch này “nhằm ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng” ở hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine.

Moscow không cử đại diện tham dự phiên điều trần ngày 7/3 của tòa ICJ về vấn đề Ukraine.

Vẫn chưa rõ liệu Nga có tuân thủ yêu cầu của ICJ hay không.

ICJ là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và cố vấn pháp luật cho Liên Hợp Quốc. Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc.

Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét