Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Thời sự Việt Nam

Việt Nam xét xử nhóm cựu nhà báo, công an ‘nói xấu lãnh đạo’ 

Từ trái sang: cựu nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, doanh nhân Lê Anh Dũng và cựu công an Nguyễn Huy tại TAND tỉnh Quảng Trị vào ngày 30/3/2022.

Từ trái sang: cựu nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, doanh nhân Lê Anh Dũng và cựu công an Nguyễn Huy tại TAND tỉnh Quảng Trị vào ngày 30/3/2022. 

Một toà án tại Việt Nam hôm 30/3 xét xử một nhóm gồm doanh nhân, cựu nhà báo và cựu công an về tội bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo trong vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Nhóm ba người bao gồm cựu nhà báo Phan Bùi Bảo Thi, 50 tuổi, từng công tác tại Báo Giáo dục và Thời đại; cựu công an Nguyễn Huy, 44 tuổi, từng công tác tại Công an tỉnh Quảng Trị; và ông Lê Anh Dũng, 56 tuổi, làm kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị vì đã đăng nhiều bài viết “xuyên tạc, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của một số lãnh đạo tỉnh Quảng Trị”, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Các “bị hại” trong vụ án đều là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh, bao gồm ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, hiện giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị; ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị; ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, hiện giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cam Lộ; bà Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh Đoàn tỉnh Quảng Trị; ông Trần Đức Việt, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Mặc dù tất cả các “bị hại” đều vắng mặt, nhưng Hội đồng Xét xử cho rằng hồ sơ vụ án đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ nên vẫn đủ cơ sở để tiếp tục phiên xét xử.

Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng toà án cho biết xuất phát từ “bức xúc cá nhân và nhận thức sai lệch về chống tiêu cực”, nên đầu năm 2020, ông Lê Anh Dũng xin tài khoản Facebook có tên Thu Hà rồi cùng với ông Phan Bùi Bảo Thy viết bài, đăng tải lên Facebook này những bài viết nói xấu ông Trần Đức Việt, là giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị vào thời điểm đó.

Các bài viết đều có nội dung liên quan đến tình hình nội bộ Công an tỉnh Quảng Trị và cá nhân ông Việt do ông Thy thu thập thông tin, kết hợp các thông tin của ông Dũng cung cấp.

Ngoài ra, nhóm này cũng đăng nhiều bài viết liên quan đến các lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khác.

Tuổi Trẻ dẫn kết luận giám định các bài đăng của nhóm này nói nội dung các bài viết “có thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, xâm phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của các cá nhân bị phản ánh, tạo ra sự hoài nghi của quần chúng nhân dân về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác của các cá nhân này, qua đó ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức mà những người này là những người đứng đầu”.

Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết thêm rằng những nội dung mà nhóm này đăng lên mạng xã hội đều là do thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, chứ không phải do họ tự bịa đặt, và không xác định được độ xác thực của các thông tin này nên không đủ yếu tố cấu thành tội “vu khống”.

Dự kiến, phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày mai, 31/3.

Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Việt Nam, bàn vấn đề an ninh và nhân quyền 

31/3/2022 

VOA Tiếng Việt 

Cố vấn cấp cao Ngoại trưởng Hoa Kỳ Derek Chollet

Cố vấn cấp cao Ngoại trưởng Hoa Kỳ Derek Chollet 

Ông Derek Chollet, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, sẽ có chuyến công du đến Việt Nam trong tuần này tái khẳng định cam kết của Washington về vấn đề an ninh khu vực, tình hình Ukraine và sẽ thảo luận với giới lãnh đạo ở Hà Nội về vấn đề nhân quyền.

Một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Derek Chollet sẽ có chuyến công du ba nước châu Á bao gồm Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 28/3 đến ngày 2/4.

Cố vấn Chollet sẽ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tham gia với các bên liên quan chính về các vấn đề song phương và khu vực, bao gồm các nỗ lực nhằm tìm kiếm một sự trở lại hòa bình cho nền dân chủ ở Myanmar, thông báo cho biết.

“Ông cũng sẽ thảo luận về tác động của cuộc xâm lược Ukraine được tính toán trước, vô cớ và phi lý của Nga”, thông báo viết.

Tại Việt Nam, ông Chollet sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính phủ để khẳng định quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar.

“Cố vấn và những người đồng cấp Việt Nam cũng sẽ thảo luận về các cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh. Cố vấn cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Tại lễ trao thưởng Phụ nữ Cam đảm Quốc tế 2022 trong tháng này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người đang thụ án 9 năm tù tại Việt Nam vì lên tiếng cho nhân quyền. Phía Việt Nam cho rằng hành động này của Hoa Kỳ là “thiếu khách quan và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước”.

Cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Antony Blinken viết trên Twitter về mục đích chung của chuyến công du ba nước châu Á: “Vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự là cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và tìm cách chúng ta có thể làm việc cùng nhau để hỗ trợ Ukraine”.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Chollet, từng làm việc ở Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng, hiện mang hàm Thứ trưởng, là cố vấn chính sách cấp cao cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ về nhiều vấn đề và thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao đặc biệt theo chỉ đạo của Ngoại trưởng.

Hiện đang có mặt tại Manila, ông Chollet gặp gỡ các quan chức Philippines về nỗ lực chung giữa hai nước nhằm ủng hộ thượng tôn pháp luật và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với liên minh Mỹ- Philippines như đã được thể hiện trong tầm nhìn chung về quan hệ đối tác Mỹ- Philippines thế kỷ 21.

Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị và sự khác biệt 

31/3/2022 

VOA Tiếng Việt 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper hôm 30/3/2022. Photo Facebook US Embassy in Hanoi.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper hôm 30/3/2022. Photo Facebook US Embassy in Hanoi. 

Tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper chiều ngày 30/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tái khẳng định rằng “Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, nhưng bày tỏ mong muốn Washington tôn trọng “thể chế chính trị và sự khác biệt” của Hà Nội.

“Việt Nam mong muốn cùng Hoa Kỳ tiếp tục đưa quan hệ Đối tác Toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và sự khác biệt của nhau”, Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

“Đại sứ Knapper vừa có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để thảo luận về những cơ hội giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, bao gồm hợp tác về năng lượng sạch và y tế toàn cầu”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 31/3 cho biết.

Truyền thông trong nước dẫn lời Đại sứ Knapper nêu cam kết: “Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam”.

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ tin tưởng rằng chương trình hồi phục nhanh và phát triển bền vững của Việt Nam sẽ thành công, góp phần dẫn dắt quá trình phục hồi và phát triển kinh tế ở khu vực sau đại dịch.

Đại sứ Knapper tái khẳng định mong muốn của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, thể hiện qua các chiến lược và sáng kiến mới như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Chính và ông Knapper cũng trao đổi về lập trường các nước ASEAN trong bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Dự kiến trong tuần này, ông Derek Chollet, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, sẽ gặp gỡ các quan chức Nhà nước, Chính phủ cấp cao của Hà Nội để tái khẳng định quan hệ Đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam.

“Cố vấn Chollet và các lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận về các cơ hội nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh Việt – Mỹ hơn nữa”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định trong một thông báo.

Ngoài ra, cố vấn Chollet cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền khi gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam, một vấn đề mà Hà Nội thường cho rằng “có sự khác biệt” trong mối quan hệ song phương Việt – Mỹ.

Ông Võ Văn Thưởng: Vụ bà Nguyễn Phương Hằng "thách thức đường lối, chủ trương của Đảng”

RFA

Ông Võ Văn Thưởng: Vụ bà Nguyễn Phương Hằng "thách thức đường lối, chủ trương của Đảng”

Ông Võ Văng Thưởng tại một hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương hôm 1/2/2021 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Chính Phủ 

Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa tuyên bố các vụ bắt giữ liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng và nhóm Báo Sạch là vì có sự thách thức đường lối, chủ trương của Đảng.

Ông Thưởng đưa ra phát biểu này tại hội nghị giữa Ban Nội chính Trung ương - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và chỉ đạo các vụ án có yếu tố chính trị và củng cố sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản tại các cơ quan nhà nước, và Bộ Công an, hôm 31/3 ở Hà Nội.

Hội nghị này có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng Sản.

Phát biểu trong cuộc họp này ông Võ Văn Thưởng cho biết cần phải đẩy mạnh điều tra, truy tố và xét xử các vụ việc “tác động lớn đến dư luận xã hội, liên quan đến nhiều người, có sự thách thức đường lối, chủ trương của Đảng”.

Lấy ví dụ về các vụ việc thuộc dạng này, ông Thưởng đề cập đến vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng, nhóm Báo Sạch, và tuy không nêu tên, nhưng qua việc nhắc tới vụ thao túng thị trường trứng khoán, có thể hiểu ông Thường trực Ban Bí thư đang ám chỉ vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, hôm 29/3 vừa qua.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt vào hôm 24 tháng 3 dưới tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây cũng chính là tội danh mà các thành viên của nhóm Báo Sạch - một nhóm các nhà báo chuyên viết bài chống tiêu cực - bị truy tố và bỏ tù.

Trước đó, có ý kiến cho rằng bà Hằng bị bắt là vì đã đụng chạm tới ông Phan Văn Mãi, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh vì đã chỉ trích đích danh ông này trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội.

Tập đoàn FLC huỷ sự kiện ở Anh Quốc sau khi Chủ tịch bị bắt giữ

RFA

Tập đoàn FLC huỷ sự kiện ở Anh Quốc sau khi Chủ tịch bị bắt giữ

Ông Trịnh Văn Quyết và mô hình máy bay của hãng Bamboo Airways tại văn phòng ở Hà Nội hồi năm 2018 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airway thuộc hãng này vừa huỷ một sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh Quốc.

Sự kiện này nằm trong chuỗi Tuần lễ Việt Nam tại Vương Quốc Anh do đại sứ quán Việt Nam và tập đoàn FLC đồng tổ chức kéo dài từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 3, nhằm thu hút đầu tư từ Anh Quốc.

Theo dự kiến sự kiện có tên Diễn đàn Du lịch Việt Nam sẽ được tổ chức vào chiều ngày 30 tháng 3, nhưng theo báo Kinh tế Sài Gòn Online thì ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hãng - bị bắt, Đại sứ quán Việt Nam tại London đã thông báo tới các khách mời về việc huỷ bỏ sự kiện này.

Ông Trịnh Văn Quyết trước đó được cho biết là sẽ tới Anh Quốc để tham dự các sự kiện trong chuỗi Tuần lễ Việt Nam tại Vương Quốc Anh, nhưng tối ngày 27 tháng 3, một ngày trước khi sự kiện diễn ra thì có tin ông bị áp dụng lệnh cấm xuất cảnh.

Dù phía bộ công an hôm sau thông báo rằng không có việc ông chủ tịch tập đoàn FLC bị cấm xuất cảnh, nhưng cũng chỉ một ngày sau thì ông Quyết bị bắt.

Được biết ngoài sự kiện bị huỷ trên thì các sự kiện của Tuần lễ Việt Nam tại Vương Quốc Anh vẫn diễn ra bình thường. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét