Việt Nam phản đối giải thưởng Phụ nữ Can đảm mà Hoa Kỳ trao cho tù chính trị Phạm Đoan Trang
RFA
Nhà báo Phạm Đoan Trang và các cuốn sách do cô viết
Facebook Phạm Đoan Trang
Giải thưởng ‘Phụ nữ can đảm quốc tế’ mà Hoa Kỳ trao cho tù chính trị Phạm Đoan Trang tại Việt Nam bị Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho là ‘không khách quan, không phù hợp, không có lợi cho quan hệ hai nước’. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 17/3 về phát ngôn vừa nêu của bà Hằng tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Theo người phát ngôn nhân này của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì Việt Nam luôn bảo vệ và thúc đẩy quyền của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ.
Vào ngày 14/3 vừa qua nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang của Việt Nam cùng 11 phụ nữ từ các nước khác trên thế giới được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quốc tế Can đảm.
Tại buổi lễ trao giải, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken lên án việc cầm tù bất công đối với nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang và kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho bà.
Trong phần mô tả về nhà báo Phạm Đoan Trang trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà báo đang bị cầm tù này được cho là đã “can đảm viết về những vấn đề xã hội không được truyền thông Việt Nam đả động đến”.
Nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang bị toà sơ thẩm Hà Nội kết án chín năm tù giam hồi ngày 14 tháng 12/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Sau khi Tòa án Hà Nội tuyên án đối với bà Phạm Đoan Trang, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả thù.
Tác giả Chân Trời Tím qua đời ở Sài Gòn, ở tuổi 89
Tuấn Khanh
Chân dung nhà văn Văn Quang, lúc tác phẩm Chân Trời Tím ra mắt (1964), và được Liên Ảnh chọn quay thành phim, tạo nên tên tuổi nhà văn ở Miền Nam.
Tin từ gia đình cho hay, nhà văn Văn Quang, tác giả nhiều truyện ngắn và kịch bản phim nổi tiếng trước 1975, đã qua đời vào lúc 10g20 (giờ Việt Nam) sáng ngày 15 Tháng Ba, 2022 tại nhà riêng ở Cư xá Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Sài Gòn, hưởng thọ 89 tuổi.
Sau năm 1975, nhà văn Văn Quang ở lại Sài Gòn, sống ẩn dật và chọn viết những tâm tình và ký sự của một Sài Gòn thời cộng sản cho các tờ báo hải ngoại. Từ một nhà văn với số lượng tác phẩm văn chương và báo chí nhiều đến đáng kinh ngạc, ông chọn dừng lại mọi thứ trước thời thế mới.
Trước năm 1975, nhà văn Văn Quang không phải là một cái tên xa lạ. Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình.
Năm 1953, động viên gia nhập Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước hiệp định Geneve năm 1954.
Từ năm 1957, chuyển sang ngành Tâm lý chiến với nhiệm vụ Trưởng phòng Báo chí Quân Đội thuộc Cục Tâm lý chiến, Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH và là Trưởng Ban biên tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.
Từ năm 1969 cho đến 30/4/1075, là Quản đốc đài Phát thanh Quân Đội, cấp bậc Trung tá. Tác phẩm đầu tay của Văn Quang là “Tiếng Tơ Lòng” được đăng trên nhật báo Thanh Dân, Hà Nội cuối năm 1953 và tác phẩm thứ nhì là tập truyện ngắn Thùy Dương Trang do Lạc Việt xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.
Từ đó cho đến 30 Tháng Tư 1975, Văn Quang cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San…
Trong khoảng thời gian này, Văn Quang hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện dài, trong số có những tác phẩm từng gây sôi nổi một thời trong giới độc giả trẻ như “Nét Môi Cuồng Vọng”, “Nguyệt Áo Đỏ”, “Người yêu Của Lính”… và đặc biệt đã có bốn tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là “Ngàn Năm Mây Bay”, “Chân Trời Tím”, “Đời Chưa Trang Điểm”, “Tiếng Hát Học Trò”.
Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành bốn nhóm đề tài: Mô tả cuộc sống tuổi trẻ; Phản ảnh đời sống quân ngũ; Phản ảnh thực đời sống thời chiến; và những châm biếm những lề lói thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm nghệ thuật.
Sau 30 Tháng Tư 1975, cũng như mọi sĩ quan quân lực VNCH khác, Văn Quang bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm. Ông trải qua nhiều năm tù ở K5 Vĩnh Phú và K2 thuộc Z30 tại Hàm Tân. Tháng Chín năm 1987, được thả ra khỏi trại tù, Văn Quang trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện HO, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam. Năm 2002, ông rời bỏ Sài Gòn và dọn lên Lộc Ninh sinh sống. Ở đấy hàng tuần, Văn Quang cho ra loạt ký sự “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự”, và chỉ gửi ra cho các báo Việt Nam ở hải ngoại. Loạt bài này rất được độc giả hải ngoại ưu ái đón nhận.
Về văn nghiệp, từ năm 1992, Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại như báo Chiêu Dương tại Australia, báo Người Việt, Thời Luận của nhà văn Đỗ Tiến Đức tại Nam California và Tiếng Vang tại Sacramento…
Bộ phim chuyển thể Chân Trời Tím được thực hiện vào năm 1970, dưới sự hợp lực của Liên-ảnh Công-ty (tổ hợp gồm bảy hãng phim, mà lớn nhất là Trung-tâm Quốc-gia Điện-ảnh và Mỹ-Vân Điện-ảnh Công-ty) và tán trợ Bộ Quốc-phòng cùng ba binh chủng. Bộ phim được quay ròng rã ba tháng, với 100 chiến xa, 45 trực thăng, 300 xe cơ giới các loại, 600 tài tử chính phụ và đã thu về 94 triệu đồng, nghĩa là lời gấp gần bảy lần so với số vốn bỏ ra. Cho tới thời điểm 2020 vẫn là xuất phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh có kinh phí, nhân sự và cả doanh thu lớn nhất tại Việt Nam.
Sau khi được đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao tượng vàng Văn học Nghệ thuật tại tiệc chiêu đãi ở Dinh Độc Lập năm 1970, bộ phim này cũng lại đoạt giải nhất nghệ thuật tại Liên hoan phim Á châu – Đài Bắc (Best Artistic Expression Award from the Asian Film Festival) năm 1971. Theo lời nghệ sĩ Hùng Cường, bức ảnh chụp Kim Vui – Hùng Cường hôn nhau trên bãi tắm (phục vụ cảnh phim) được phóng to rồi đem trưng tại một triển lãm trong “chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” năm 1978.
Ngược lại thời điểm sách mới phát hành, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cảm tác ca khúc Chân trời tím. Năm 1970, trong quá trình thảo luận về nhạc phim, đã có đề nghị đưa ca khúc này làm nền, nhưng vì lúc đó bài hát đã lỗi thời nên nhà sản xuất Quốc Phong quyết định đặt nhạc sĩ Phạm Đình Chương soạn các bài Nửa hồn thương đau và Người đi qua đời tôi thay thế, bản thân ông Phạm Đình Chương cũng được mời góp một vai phụ (nhạc công phòng trà) trong phim.
Nhà thơ Du Tử Lê (tựa lần tái bản Chân trời tím năm 2006, nhà Tiếng Quê Hương) viết:
Thời điểm 1954, khi cuộc phân chia đất nước diễn ra, rất nhiều nhà văn trẻ, từng cầm bút trước Hiệp định Geneva ở miền Bắc di cư vào Nam. Trong số này, chúng ta không có nhiều nhà văn sớm có tiểu thuyết được các báo hàng ngày chọn đăng như trường hợp Văn Quang. Người xưa từng nói, tuy sống suốt một đời thật đấy, nhưng nghiệm lại xem, đã mấy ai, tới khi từ trần, viết được trọn vẹn chỉ một nét thôi, của chữ “Nhân” hai nét, theo Hán tự?
Càng hiếm hoi hơn nữa, số người viết nốt được nét còn lại của chữ “Nhân” ấy! Riêng ông, trong ghi nhận của tôi thì chẳng những ông đã viết được trọn vẹn chữ “Nhân” hai nét – mà ông còn viết được trong một hoàn cảnh khó khăn hơn những gì chúng ta có thể tưởng. Vì thế, thưa ông, cho phép tôi được gửi tới ông, lời chúc mừng chân thành của một người ở bên ngoài đất nước.
(Tổng hợp)
Đắk Lắk: Nông dân biểu tình phản đối công ty lâm trường vì không chịu “cảnh nô lệ”
RFA
Người dân huyện Cư M’ Gar, Đăk Lăk biểu tình phản đối thu hồi đất
Ảnh chụp màn hình
Hàng trăm nông dân ở huyện Cư M’ Gar trong mấy ngày qua đã liên tục biểu tình để chống lại việc thu hồi đất.
Đã bốn ngày liên tiếp, hàng trăm người dân gồm cả người Kinh và người dân tộc ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk tập trung giương khẩu hiệu để đòi quyền sử dụng đất đai.
Được biết, hoạt động này của người dân là nhằm phản ứng lại việc toà án huyện Cư M’Gar, tiến hành thẩm định tài sản theo đơn kiện của công ty TNHH Một Thành Viên Lâm Nghiệp Buôn Ja Wầm.
Trước đó, vào năm 2018, công ty này đã đâm đơn kiện 13 hộ dân ở đây vì không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng thuê khoán tài sản.
Qua tìm hiểu của Đài Á châu Tự do, công ty này được chính quyền địa phương giao cho 6.940 ha rừng và đất rừng trên địa bàn hai xã Ea Kiết và Ea Kuêh vào năm 1993. Đến năm 1996 thì đơn vị này ký hợp đồng giao khoán lại cho những hộ dân địa phương với diện tích 400 ha đất để canh tác, và tiến hành thu sản phầm hàng năm.
Tuy nhiên thì từ năm 2016, nhiều hộ dân ở đây đã chấm dứt việc nộp sản phẩm dẫn đến việc công ty này đâm đơn kiện đòi toà án yêu cầu người dân trả nợ và trả đất.
Phóng viên của đài RFA đã phỏng vấn một số người dân ở xã Ea Kiết để tìm hiểu quan điểm của họ về sự việc.
Một người dân ở thôn 11 xã Ea Kiết trao đổi với đài Á Châu Tự do với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, về căn nguyên của việc người dân chấm dứt nộp khoán:
“Bà con hiện nay đang đứng lên để đấu tranh đòi quyền lợi là bởi vì bà con nhận thấy cái công ty này là làm ăn gian dối với người dân. Bởi vì, như chúng ta đã hiểu rằng là khi mà đã liên kết với nhau làm ăn thì anh phải bỏ vốn ra đầu tư cho người dân, khi ấy người dân mới có thu nhập hàng năm để nộp thuế, nộp sản lượng cho bên công ty.
Nhưng ngược lại bên công ty không đầu tư một hột phân hay là một giọt nước nào cả, hoặc là kỹ thuật gì. Mà hàng năm là thu sản lượng của người dân. Rồi nếu như hộ người dân nào mà hàng năm chưa kịp nộp sản lượng cho công ty kịp thời, thì công ty cho người đến nhà áp đảo, đe doạ. Sau đó nếu như không nạp kịp thời là có xảy ra những trường hợp đánh đập người dân đến mức độ thương tích 20, 30 phần trăm nhưng mà cuối cùng là chính quyền cũng không xử lý được việc gì cả.
Vì là người dân nhận thấy đằng sau công ty này có một nhóm lợi ích nào đó cho nên mới bao che công ty này, còn nếu như mà sai sờ sờ như vậy rồi nhưng mà rồi cuối cùng người dân cũng thấp cổ bé họng không biết kêu ai, người dân đành phải chịu những cảnh nô lệ.”
Phóng viên của đài RFA đã gọi điện vào số điện thoại công khai của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm nhiều lần để xác minh thông tin này, nhưng không ai nhấc máy.
Trong một bài báo trên báo mạng Doanh nghiệp Hội nhập hồi năm 2018, ông Phan Quốc Tấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, cho rằng lý do người dân dừng nộp sản phẩm là do “đối tượng xấu xúi giục, kích động”.
Khi được hỏi nếu toà án xử phía công ty thắng kiện và thu hồi lại đất của các hộ bị kiện, thì chuyện gì sẽ xảy ra, một người dân trong nhóm này cho biết là sẽ không biết phải mưu sinh thế nào vì gia đình trông cậy hoàn toàn vào việc canh tác trên mảnh đất này.
Người dân ở đây cũng cho biết họ mong muốn đối thoại với công ty để tìm ra giải pháp có lợi cho cả đôi bên, nhưng phía công ty không đáp lại. Một người giấu tên nói với RFA như sau:
“Không, hoàn toàn không đối thoại mặc dù người dân vẫn tha thiết yêu cầu chính quyền các cấp sẽ cùng với công ty Buôn Ja Wầm với người dân làm cà phê này ngồi lại. Chính quyền làm trọng tài ở giữa rồi để đối thoại với công ty và với người dân để đưa ra những phương án nào cho phù hợp, giải quyết ổn thoả để tránh thiệt hại cho công ty và người dân. Hiện nay người dân đã yêu cầu nhiều lần rồi nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa làm được điều đó. Người dân rất khẩn thiết muốn điều đó xảy ra.”
Một vấn đề mấu chốt nữa là người dân cho rằng họ đã đến vùng đất này khai hoang và trồng trọt từ những năm 80 theo chương trình Kinh tế Mới, và phải đến năm 1996 thì Nhà nước mới giao đất cho công ty này để thực hiện dự án trông cà phê.
Do vậy phía người dân tranh luận rằng họ lẽ ra phải có quyền sử dụng đất vì đã đến đây khai phá trước, nhưng cuối cùng Nhà nước lại trao quyền cho công ty Buôn Ja Wầm.
Một người dân ở thôn 5 xã Ea Kiết đã mua lại mảnh đất mà gia đình ông đang định canh định cư từ một gia đình khác vốn đến khu vực này khai phá từ thời Kinh tế Mới, nhưng hiện vẫn không có giấy tờ pháp lý nào để chứng minh quyền sử dụng đất, do đó nếu bị thu hồi thì sẽ mất tất cả.
Người này cho biết nguyện vọng của mình:
“Nguyện vọng của người dân nói chung là cũng mong muốn chính quyền, nhất là Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thu hồi đất của công ty này về trao trả cho địa phương, để địa phương giao cho nhân dân để nhân dân tự cách tác trên mảnh đất của mình và đóng thuế cho Nhà nước, và cũng để đảm bảo cuộc sống cho gia đình.”
Phóng viên đã nhiều lần gọi điện vào các số liên lạc của lãnh đạo huyện Cư M’Ga để tìm hiểu hướng giải quyết của chính quyền, nhưng không ai nhấc máy.
Bộ trưởng Tài chính VN tiết lộ thu gần 5.000 tỉ đồng tiền thuế từ Facebook, Google, Microsoft
Facebook đã nộp 1.694 tỉ đồng tiền thuế tại VN (Hình minh hoạ)
AFP
Việt Nam thu được gần năm ngàn tỉ đồng tiền thuế của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong năm 2021.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thông tin trên trong ngày 16/3 tại buổi trả lời chất vấn trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc quản lý thuế trên mạng và được truyền thông Nhà nước loan trong cùng ngày.
Cụ thể, ông Phớc cho biết ngành thuế các năm qua đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 5.000 tỉ đồng. Trong đó nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỉ đồng, Google khoảng 1.618 tỉ đồng, Microsoft gần 576 tỉ đồng và thu thuế từ dịch vụ thương mại xuyên biên giới 1.317,7 tỉ đồng.
Ông Bộ trưởng tài chính cũng cho biết Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng. Cổng này sẽ được khai trương để doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng qua biên giới trực tiếp kê khai và nộp thuế bắt đầu từ 21/3.
Cục thuế sắp tới cũng lấy mã định danh dân cư làm mã thuế để chủ động quản lý trong vấn đề thu thuế bán hàng online.
Ông Phớc cho biết thêm cuối năm 2021, Thông tư 100 sửa đổi Thông tư 40 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc thu thuế với hộ và cá nhân kinh doanh. Trong đó có đề cập thêm việc thu thuế cá nhân bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nhưng chưa đưa ra lộ trình cụ thể. Do đó, Nếu sàn thương mại điện tử không khai thay, nộp thuế thay thì cần chia sẻ và cung cấp thông tin của người kinh doanh theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
Qua đó, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế.
Còn với các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó tìm cách thu thuế.
Nguyen Luong Hai Khoi - Nghệ thuật và chính trị
Nghệ thuật và chính trị
Đang ngồi xem "Đầy tớ của nhân dân" (Servant of the people) của Zelenskyy, cảm động quá phải bấm bấm vài dòng.
Hoá ra đây là một dự án chính trị của Zelenskyy. Ông làm phim cũng như Phan Châu Trinh viết tiểu thuyết "Bích Câu kỳ ngộ", Phan Bội Châu viết "Trùng Quang tâm sử".
Đảng chính trị hỗ trợ Zelenskyy ban đầu có tên, tạm dịch, "Đảng Quyết Đoán", nhưng khi bộ phim thành công vang dội, họ lấy luôn tên phim làm tên đảng (Đảng Đầy tớ của nhân dân). Sợ đảng khác chôm mất thương hiệu của mình.
Kịch bản bộ phim này được viết dựa trên những nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội rất nghiêm túc.
Nhưng người nghệ sỹ - chính trị gia không biến tác phẩm thành bài giảng khô khan (và ngu ngốc) mà chuyển hoá chúng thành tiếng cười. Cực kỳ thông minh.
Không có gì ngạc nhiên khi Zelenskyy tranh cử, ông chỉ đăng ký, hầu như không vận động tranh cử gì cả, và nhận hơn 70% phiếu bầu.
Kết hợp chính trị và nghệ thuật không phải là chuyện xa lạ trong lịch sử châu Á.
Lương Khải Siêu năm xưa đến thành Đông Kinh xứ Phù Tang lưu học, trở về Trung Quốc oà khóc: Chúng ta muốn phú quốc cường binh, thoát khỏi thân phận bán khai, phải hiện đại hoá tiểu thuyết.
Lưu học ở Đông Kinh, Lương nhận ra trí thức Nhật thời Minh Trị dùng tiểu thuyết để truyền bá tinh thần "khai sáng" học được từ phương Tây.
Việt Nam đến thập niên 1930s xuất hiện Tự Lực Văn đoàn mà người sáng lập đồng thời là yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng giai đoạn sau. Tinh thần cải cách xã hội của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng là một cách biểu đạt tư tưởng chính trị.
Ước mơ chính trị của Tự lực văn đoàn không thành. Cuối đời, nhà sáng lập ra nó để lại một đại tác của văn chương Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết "Dòng sông Thanh Thuỷ".
Thật tự hào vì văn học Việt Nam có một tiểu thuyết chính trị như thế. (Nhưng thật đau thương vì lịch sử của chúng ta lại sinh ra cuốn tiểu thuyết ấy).
Tôi từng nghĩ rằng thời đại của tiểu thuyết đã qua. Câu nói của Lương Khải Siêu năm nào phải thay "tiểu thuyết" bằng "điện ảnh".
Nhưng tôi chưa từng tưởng tượng được rằng có thể có một dự án nghệ thuật - chính trị như "Đầy tớ của nhân dân" trên đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét