Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 18 tháng 3 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Mỹ cảnh cáo Trung Quốc không nên hỗ trợ Nga xâm lăng Ukraina

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G) cùng với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và thứ trưởng quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks (P) tại Nhà Trắng ở Washington DC, Hoa Kỳ ngày 16/03/2022. REUTERS - TOM BRENNER 

Hôm nay, 18/03/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vài giờ trước cuộc điện đàm, Washington đã cảnh cáo là Bắc Kinh sẽ bị các biện pháp trả đũa nếu “yểm trợ cuộc xâm lăng Ukraina của Nga”.  

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình:

Theo Nhà Trắng, đây chính là nhằm duy trì một kênh liên lạc với Trung Quốc. Nhưng cuộc nói chuyện sẽ không diễn ra trong bầu khí nồng ấm. Hoa Kỳ đã công khai bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc yểm trợ nước Nga nhằm làm giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Matxcơva. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không ngần ngại cảnh cáo chính quyền Bắc Kinh là họ sẽ chịu trách nhiệm về mọi hành động nhằm hỗ trợ cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Và nhất là ông nói thêm rằng Washington sẽ không ngần ngại ban hành các trừng phạt nếu Bắc Kinh yểm trợ quân sự trực tiếp cho Matxcơva. 

Đó là cảnh cáo rõ ràng nhất của chính quyền Biden đối với Trung Quốc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng của Nga. Giọng điệu của Mỹ đã trở nên cứng rắn hơn trong những ngày gần đây. 

Sau cuộc gặp rất căng thẳng giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với ủy viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì, Hoa Kỳ đã tuyên bố đặc biệt lo ngại về khả năng Bắc Kinh ngả theo Matxcơva. 

Khi gọi điện cho Tập Cận Bình, Joe Biden sẽ cố chứng minh rằng các lợi ích của lãnh đạo Trung Quốc không giống với lợi ích của Vladimir Putin và không nên để cho cạnh tranh Mỹ-Trung, mà hiện ngày càng trở thành cuộc đối đầu thù địch, đưa thế giới đi đến hỗn loạn.”

Bãi bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga

Hôm qua, Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định bãi bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga và Belarus nhằm đáp trả cuộc xâm lăng Ukraina. Quyết định này đã được tổng thống Biden thông báo từ thứ Sáu tuần trước nhằm “cô lập hơn nữa nước Nga trên trường quốc tế”, nhưng biện pháp còn phải được hai viện của Quốc Hội thông qua. Sau Hạ Viện, chắc chắc Thượng Viện Mỹ cũng sẽ thông qua quyết định này, mở đường cho việc áp đặt các mức thuế quan mang tính trừng phạt đối với hàng hóa nhập từ Nga.

Tàu sân bay TQ đi qua eo biển Đài Loan vài giờ trước khi hai ông Biden, Tập điện đàm 

18/3/2022 

Reuters 

Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng.

Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng. 

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết một tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Sáu 18/3, chỉ vài giờ trước khi tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc có lịch điện đàm.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan có chính quyền dân chủ là lãnh thổ của Trung Quốc, và trong hai năm qua đã tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo này để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, khiến Đài Bắc và Washington thấy báo động.

Một nguồn tin nắm trực tiếp về vấn đề này, nhưng không được phép nói chuyện với báo giới và muốn giấu tên, nói với Reuters rằng tàu sân bay Sơn Đông đã di chuyển gần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, nằm ngay đối diện với thành phố Hạ Môn của Trung Quốc.

"Khoảng 10h30 sáng, tàu CV-17 xuất hiện cách Kim Môn khoảng 30 hải lý về phía tây nam và một hành khách trên máy bay dân dụng chụp ảnh được", nguồn tin nói, nhắc đến số hiệu chính thức của tàu Sơn Đông.

Tàu USS Ralph Johnson của Mỹ, một tàu khu trục mang tên lửa điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke, đã bám theo tàu sân bay Trung Quốc ít nhất là một đoạn trong hành trình di chuyển. Nguồn tin cho biết thêm rằng tàu Sơn Đông không có máy bay trên boong và đi qua eo biển về phía bắc.

Nguồn tin cho hay Đài Loan cũng cử tàu chiến tới để theo dõi tình hình.

Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong một tuyên bố ngắn gọn, xác nhận việc tàu Sơn Đông đi qua nhưng không đưa ra chi tiết nào ngoài việc nói rằng lực lượng của họ "nắm được đầy đủ" những gì tàu thuyền và máy bay của Trung Quốc làm ở eo biển Đài Loan.

Người phát ngôn Hải quân Hoa Kỳ, Trung úy Mark Langford cho biết tàu Ralph Johnson đã "thực hiện một chuyến đi quá cảnh thường lệ qua eo biển Đài Loan vào ngày 17/3 (giờ địa phương) qua các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế". Ông không đi vào chi tiết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) khuyên phóng viên nên hỏi Bộ Quốc phòng Trung Quốc, song bộ này không hồi đáp lời đề nghị đưa ra bình luận. Về phần ông Zhao, ông cho biết tàu Sơn Đông có "lịch trình huấn luyện thường lệ".

Chuyến hải hành của tàu diễn ra khoảng 12 giờ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm đã được lên lịch với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nguồn tin cho rằng chuyến hải hành của tàu Sơn Đông rất sát giờ với cuộc điện đàm đến mức có thể xem là có tính chất "khiêu khích" và điều bất thường là tàu đi vào ban ngày, trong khi các hoạt động trước đó của tàu diễn ra vào ban đêm.

Kuo Yu-jen, một chuyên gia an ninh tại Đại học quốc gia Tôn Trung Sơn Đài Loan, cho rằng tàu Sơn Đông có khả năng đang trên đường tới miền bắc Trung Quốc để tham gia lễ kỷ niệm ngày thành lập hải quân Trung Quốc vào tháng tới.

"Nó không chở máy bay và không có tàu hộ tống", ông nói thêm.

(Reuters)

Nga tăng tốc tấn công Ukraina

Xe hơi bị quân đội Nga pháo kích tại thủ đô Kiev, Ukraina. Ảnh công bố ngày 18/03/2022 via REUTERS - STATE EMERGENCY SERVICE 

Chiến tranh Ukraina bước sang ngày thứ 23. Quân đội Nga dồn dập tấn công nhiều thành phố, từ Kiev đến Kharkiv, thành phố lơn thứ nhì của Ukraina. Riêng Mariupol tiếp tục cầm cự và vẫn tìm kiếm nạn nhân trong vụ nhà hát thành phố bị dội bom hôm qua. Dân cư tại thị trấn Varashc cách không xa biên giới với Belarus lo ngại chính quyền Minsk tiếp tay với Nga, đưa quân sang Ukraina. 

Tại miền tây Ukraina, gần biên giới Ba Lan, sáng ngày 18/03/2022, một nhà máy gần phi trường thành phố Lviv bị ném bom. Quân đội Ukraina xác định Nga phóng bốn tên lửa hành trình từ Hắc Hải nhắm vào một nhà máy gần sân bay Lviv, một số khác đã bị bắn chận kịp thời trước khi tới mục tiêu. Chủ Nhật vừa qua, quân đội Nga đã nhắm vào căn căn cứ quân sự Yavoriv, gần Lviv và cách biên giới Ba Lan khoảng 20 km.

Còn tại Mariupol, đông nam Ukraina, thị trưởng thành phố cho biết tính đến sáng nay, khoảng 80 % các khu dân cư bị tàn phá, hơn 2.000 thường dân thiệt mạng kể từ khi quân đội Nga bao vây. Cũng trong khu vực này, Mykolayiv, đường dẫn đến cảng Odessa, là một điểm chiếm lược trong tầm ngắm của Nga. Thành phố này đang cố thủ trước đà tiến của quân Nga.

Đặc phái viên RFI, Cléa Broadhurst gửi về bài phóng sự :

Trên đường phố Mykolayiv, tiếng đại bác vang lên nhưng vẫn còn ở xa. Cứ mỗi lần có tiếng nổ, Ivanka dừng tay nghe ngóng. Chung cư nơi cô cư ngụ, ở phía nam thành phố, cách nay vài hôm vừa bị trúng pháo. Ivanka kể lại : « Tôi nghe thấy tiếng nổ, tôi ngã bật ngửa về phía một bức tường trong hành lang của chung cư. Choáng váng vì chấn động quá mạnh. Giờ đây chúng tôi không có điện nước, không có sưởi. Cái lũ giặc luôn tấn công trong lúc dân chúng đang ngủ ».

Dân cư Mykolayiv không phải ai cũng may mắn tìm được một chỗ trú ẩn. Xích lên phía bắc thành phố, Svetlana may mắn tìm được một hầm trú bom gần nhà. Cô cho biết « Mỗi ngày vào hầm trú bom khoảng 2 lần. Từ ba đêm nay đêm nào tôi cũng đến đây để ngủ, vì tình hình đã xấu đi nhiều. Mỗi lần nghe tiếng bom, tôi đến ngạt thở. Nghe còi hụ báo động là tôi chạy vào boongke. Đầu gối của tôi run hết cả lên, tôi không thở được vì bị stress ».

Vừa dứt lời cô nhận báo động qua điện thoại. Svetlana khoác vội chiếc túi, tay dẫn bà cô đã cao tuổi. Hai cô cháu Svetlana cùng với chúng tôi mau chân đi vào hầm trú bom. Cả chục người chen chúc trong một không gian ẩm ướt. Albina, 10 tuổi, cho chúng tôi xem hình cháu vẽ từ trong hầm. Cô bé nói : « Cháu vẽ hình gia đình, một mẹ một con. Vẽ xe tăng Nga trên thành phố rồi đến khi máy bay Ukraina phá hủy được những chiếc xe tăng đó. Cháu vẽ cảnh quân Nga bị thiêu đốt ».

Chung quanh mọi người gật đầu tán đồng trước những bức tranh của Albina.

Lập trường của Trung Quốc đối với Ukraine

Trung Quốc thích thể hiện mình là một người khổng lồ yêu chuộng hòa bình, luôn phản đối các cuộc xâm lược của nước ngoài. Vậy còn cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine thì sao? Mặc dù luôn nói về hòa bình, Trung Quốc cũng có lý do của mình khi muốn tổng thống Nga Vladimir Putin chiến thắng.

Hiện hai nước ngày càng gắn bó với nhau. Vào ngày 4 tháng 2, ông Putin đã công bố một thỏa thuận dầu khí trị giá 118 tỷ đô la với Trung Quốc. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc coi việc các công ty phương Tây rời khỏi Nga là cơ hội cho giới kinh doanh của họ. Tương tự, các lãnh đạo Trung Quốc nhìn thấy lợi ích chính trị từ chiến tranh. Nga được miêu tả là nạn nhân bị phương Tây bắt nạt, một điều mà họ cho rằng Trung Quốc phải chịu đựng từ lâu. Mọi biểu hiện ủng hộ Ukraine trên mạng đều bị kiểm duyệt.

Hơn bất cứ điều gì, Trung Quốc muốn một trật tự thế giới xoay quanh các khu vực ảnh hưởng, trong đó họ kiểm soát châu Á, Nga có quyền phủ quyết đối với các vấn đề an ninh châu Âu, và Mỹ bị đẩy lùi về địa bàn của mình. Nếu cuộc chiến của Nga ở Ukraine giúp tạo ra trật tự đó, thì hãy cứ để nó diễn ra.

Hợp tác vũ trụ Nga-phương Tây sụp đổ

Vào thứ Sáu này một tên lửa Nga sẽ đưa ba phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Vụ phóng diễn ra vào một thời điểm rất căng thẳng. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, quan hệ đối tác về không gian của nước này với phương Tây đã đi vào sụp đổ. Hôm thứ Năm, cơ quan không gian của châu Âu cho đình chỉ sứ mệnh ExoMars hợp tác giữa châu Âu với Nga, vốn được lên kế hoạch trong hơn 20 năm qua. Đức cũng chấm dứt mọi hợp tác không gian với Nga, trong khi Nga tuyên bố ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ. Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ của Nga, lên tiếng đe dọa nếu Nga bị cắt hợp tác trên ISS – điều chưa có bên nào đề xuất – thì trạm có thể rơi ra khỏi quỹ đạo.

Trên thực tế, Nga không có nhiều quân bài để đấu với các nước, đơn giản vì họ không còn phụ thuộc nhiều vào Moscow như trước. Giờ đây, Mỹ có thể sử dụng tên lửa do SpaceX chế tạo để lên ISS thay vì mua tên lửa Nga. Tuy nhiên, Nga lại tỏ ra thân thiện với Trung Quốc: hai nước có kế hoạch cùng xây một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng.

Lạm phát tăng ở Nhật Bản

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này đã bắt đầu tăng lãi suất để chế ngự lạm phát. Song đừng mong đợi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) làm theo khi ủy ban của họ họp vào thứ Sáu này. Hiện lạm phát cũng đang tăng ở Nhật Bản – điều có vẻ là tốt cho một nước đã không có lạm phát suốt nhiều thập niên qua.

Lạm phát mà Nhật Bản đối mặt hầu như phản ánh chi phí nhập khẩu tăng; vì vậy BoJ cho rằng lạm phát sẽ không tồn tại đủ lâu để khiến họ thay đổi lập trường nới lỏng. Tuy nhiên đồng yên hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua so với đồng đô la, khiến giá năng lượng, thực phẩm và nguyên liệu thô tăng lên. Những chuyển biến này có khả năng xóa sạch mọi khoản tăng lương của người lao động. Một số nhà kinh tế thậm chí dự đoán tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật chạm 2% trong năm nay. Đây là mục tiêu dài hạn được BoJ đặt ra, nhưng cách mà nó đạt tới con số đó chắc chắn không nằm trong dự tính của thống đốc Kuroda Haruhiko.

Cơ hội cho Ấn Độ khi giá lúa mì tăng

Lễ hội Holi truyền thống theo đạo Hindu của Ấn Độ là dịp để người tham gia cùng bôi bột màu lên họ hàng, bạn bè, và thậm chí là người lạ. Sự kiện này có ý nghĩa kỉ niệm chiến thắng của cái thiện trước cái ác, song cũng đánh dấu khởi đầu một mùa thu hoạch mới. Và đối với nông dân trông lúa mì của Ấn Độ, họ có rất nhiều điều để ăn mừng.

Chiến sự ở Ukraine làm giá lúa mì tăng vọt. Nhiều nông dân đang muốn tăng lợi nhuận bằng cách bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu thay vì bán cho chính phủ như thường làm. Điều này giúp chính phủ giảm tiền trợ cấp, vì vậy các quan chức ủng hộ họ. Hiện chính phủ đang đầu tư vào các biện pháp để xác định các loại lúa mì đủ chất lượng xuất khẩu, một điều rất cần thiết. Mặc dù là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ lại không xuất khẩu nhiều khi chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng toàn cầu.

Nghiên cứu xác nhận omicron gây bệnh nhẹ hơn delta

Giới nghiên cứu đã xác nhận những quan sát của các bác sĩ về biến thể omicron của Covid-19: các ca nhiễm nhẹ hơn nhiều so với Delta trước đây. Một nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm trên tạp chí Lancet cho thấy nguyên nhân là do omicron về bản chất là một loại virus ít nghiêm trọng hơn delta.

Nghiên cứu xem xét 1,5 triệu ca mắc covid ở Anh. Sau khi điều chỉnh cho tình trạng nhiễm trùng trong quá khứ, tình trạng tiêm chủng, v.v., các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ nhập viện đối với các ca omicron thấp hơn 59% so với Delta. Nguy cơ tử vong thấp hơn tới 69%. Những người không tiêm chủng cũng ít bị bệnh nặng do omicron hơn so với delta. Song vắc-xin có phần kém hiệu quả hơn đối với omicron, dù vẫn có tính bảo vệ cao. Cụ thể, tiêm đủ ba mũi giúp giảm hơn 70% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. Trước mắt có thể dự đoán omicron sẽ bị các biến thể khác soán ngôi, chúng ta chỉ có thể hy vọng là chúng sẽ yếu hơn.

Xung đột Ukraine: Putin đưa yêu cầu trong điện đàm với đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ

John Simpson

Biên tập World Affairs, BBC News

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Thổ Nhĩ Kỳ rất cẩn trọng định vị mình khi làm trung gian giữa Nga và Ukraine và điều này dường như đang được đền đáp.

Chiều thứ Năm, Tổng thống Putin đã gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan, và cho biết yêu cầu của Nga với Ukraine về một thỏa thuận hòa bình.

30 phút sau khi kết thúc cuộc điện đàm, tôi đã phỏng vấn Ibrahim Kalin, cố vấn hàng đầu và phát ngôn viên của ông Erdogan. Một nhóm ít quan chức trong đó có ông Kalin đã được nghe cuộc điện đàm này.

Yêu cầu của Nga được chia thành hai hạng mục.

Theo ông Kalin, bốn yêu cầu đầu tiên không quá khó để Ukraine đáp ứng.

Quan trọng nhất là Ukraine cần chấp nhận trung lập và không gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chấp nhận điều này.

Những yêu cầu khác trong danh mục này hầu hết dường như là để giữ thể diện cho Nga.

Xe tăng Nga

Nguồn hình ảnh, Tass

Chụp lại hình ảnh, 

Xe tăng Nga

Ukraine phải giải trừ quân bị để không là mối đe dọa với Nga. Ukraine phải bảo vệ tiếng Nga trên lãnh thổ của mình. Và có một thứ gọi là trừ khử quốc xã.

Điều này xúc phạm nặng nề ông Zelensky, vốn là người Do Thái và một số người mà thân nhân của họ đã bị thiêu chết trong thảm họa diệt chủng Holocaust. Nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông Zelensky sẽ chấp nhận dễ dàng. Có lẽ như vậy đủ để Ukraine lên án tất cả các hình thức của chủ nghĩa tân phát xít và hứa hẹn kiểm soát chúng.

Khó khăn nằm ở danh mục thứ hai, ông Putin nói cần đàm phán trực tiếp giữa ông và Tổng thống Zelensky trước khi đạt được thỏa thuận về những điểm này. Ông Zelensky từng nói ông đã chuẩn bị đàm phán tay đôi với Tổng thống Nga.

Ông Kalin không cho biết cụ thể hơn, chỉ nói chúng liên quan đến tình trạng ở Donbas, miền đông Ukraine, những phần đã tách khỏi Ukraine và nhấn mạnh đặc tính Nga, cũng như tình trạng Crimea.

Mặc dù ông Kalin không cho biết chi tiết, có giả thiết là Nga sẽ yêu cầu chính phủ Ukraine từ bỏ lãnh thổ ở miền đông Ukraine. Điều này sẽ gây tranh cãi sâu sắc.

Một nhà máy điện hạt nhân bọc thép ở Ukraine

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Một nhà máy điện hạt nhân bọc thép ở Ukraine

Một giả thiết khác là Nga sẽ yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crimea, bị Nga sáp nhập bất hợp pháp hồi 2014. Nếu đúng vậy, đối với Ukraine đây sẽ là một viên thuốc đắng khó nuốt.

Đó là một sự đồng lõa, dù Nga không có quyền sở hữu Crimea và đã ký hiệp ước công nhận Crimea là một phần của Ukraine, sau sự kiện chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, nhưng trước khi Putin lên nắm quyền.

Tuy các yêu cầu của Putin không quá nghiệt ngã như một số người lo ngại, chúng dường như không xứng với bạo lực, đổ máu và tàn phá mà Nga đã gây ra cho Ukraine.

Với việc truyền thông Nga bị kiểm soát chặt chẽ, không khó để ông ta và các học trò của mình thể hiện điều này như một chiến thắng lớn.

Tuy nhiên, sẽ có những lo lắng sâu sắc đối với Ukraine.

Nếu các chi tiết của bất kỳ thỏa thuận nào không được xem xét cẩn trọng, Putin hoặc những người kế nhiệm ông có thể dùng chúng như một cái cớ để xâm lược Ukraine một lần nữa.

Một thỏa thuận hòa bình có thể mất nhiều thời gian để đàm phán, khi lệnh ngừng bắn chấm dứt là lại có đổ máu.

Ukraine đã phải gánh chịu hậu quả kinh hoàng trong vài tuần qua, việc xây dựng lại các thị trấn và thành phố mà Nga đã làm hư hại và phá hủy sẽ mất nhiều thời gian. Cũng như phải sửa lại hàng triệu ngôi nhà của người tị nạn đã bỏ nhà ra đi.

Bản thân Vladimir Putin thì sao? Đã có ý kiến cho rằng anh ta không khỏe, thậm chí có thể có vấn đề tâm lý. Qua cuộc điện đàm ông Kalin có thấy dấu hiệu gì lạ về Putin? Không hề, anh ấy nói. Ông Putin rất rõ ràng và ngắn gọn khi truyền đạt mọi vấn đề.

Tuy nhiên, dù ông ta nói về một thỏa thuận với Ukraine như một chiến thắng vẻ vang trước chủ nghĩa phát xít mới, thì ở quê nhà vị thế của Putin vẫn suy yếu.

Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng ông ta đã tỏ ra thái quá thái quá, và những câu chuyện về những người lính đã bị giết hoặc bị bắt đang lan truyền nhanh chóng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét