Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 11 tháng 3 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Mỹ tố cáo Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa liên lục địa mới

Lãnh đạo Kim Jong Un tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae, Bắc Triều Tiên, ngày 11/03/2022. Ảnh của KCNA. via REUTERS - KCNA 

Một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc, hôm qua, 10/03/2022, Washington khẳng định các vụ phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng tiến hành trong hai ngày 26/02 và 04/03/2022 là nhằm thử nghiệm một « hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa mới ».   

Theo Nhà Trắng, đây là một hành động leo thang nghiêm trọng. Một loạt các biện pháp trừng phạt mới được ban hành. Từ Seoul, thông tín viên  Nicolas Rocca giải thích thêm : 

« Báo chí Bắc Triều Tiên thứ Sáu này miêu tả một Kim Jong Un trong tư thế thoải mái, mặc áo khoác da, đeo kính mát, đến thăm căn cứ phóng vệ tinh Sohae, nơi có thể được dùng để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Thông tin này đang làm bùng lên những lời đồn đoán sắp có một vụ thử quy mô lớn, mà theo Washington được ngụy trang thành "chiến dịch không gian".  

Bởi vì, hai vụ thử gần đây đã được Bình Nhưỡng mô tả là "những chiếc vệ tinh do thám", trong khi Hoa Kỳ khẳng định rằng chúng có liên quan đến một hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. Chắc chắn đây chính là chiếc Hwasong 17, được phô trương ầm ĩ nhân cuộc diễu binh năm 2020. 

Một quyết định như thế của chế độ Bắc Triều Tiên dường như đồng nghĩa với việc chấm dứt triển hạn lệnh cấm các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng tự áp đặt từ năm 2017. Ngay cả trước khi sự việc như vậy diễn ra, Washington đã thông báo nhiều biện pháp trừng phạt mới vào thứ Sáu này, nhắm vào nhiều nhân vật và doanh nghiệp Nga có can dự vào chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. 

Ngay giữa chiến tranh Ukraina và vào lúc tổng thống tân cử Hàn Quốc sẽ nhậm chức trong hai tháng nữa, Bình Nhưỡng dường như đã sẵn sàng gia tăng áp lực lên Mỹ và các đồng minh của nước này. »

Liên Âu loại trừ khả năng kết nạp nhanh Ukraina

Lãnh đạo các thành viên Liên Hiệp Châu Âu chụp ảnh bên ngoài Cung điện Versailles, ngoại ô Paris, Pháp, trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh, 10/03/2022. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER 

Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại lâu đài Versailles, ngoại ô Paris, hôm qua, 10/03/2022, lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí loại trừ mọi khả năng kết nạp nhanh Ukraina vào Liên Âu, nhưng vẫn mở cửa cho việc thắt chặt hơn quan hệ với Kiev.  

Đề nghị chính thức của Ukraina, hôm 28/02, muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nhanh nhất có thể là một chủ đề nhạy cảm đối với Liên Âu. Trong cuộc họp thượng đỉnh tại lâu đài Versailles hôm qua, lãnh đạo 27 nước đã loại trừ ý định kết nạp nhanh Kiev. Vấn đề đã được nhất trí hoàn toàn. Pháp, chủ tịch luân phiên của EU, cũng như nhiều nước thành viên khácnhư Đức hay Hà Lan, đều khẳng định không thể có khả năng Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu trong ngắn hạn.

Tại cuộc họp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu : «  Liệu ta có thể mở thủ tục gia nhập (Liên Âu) cho một đất nước đang có chiến tranh ? Tôi không tin điều đó. Liệu ta phải đóng cửa và nói rằng không bao giờ ? Như thế là bất công ». 

Chủ đề trọng tâm của cuộc họp thượng đỉnh lần này là soạn thảo một chương trình đối phó về kinh tế và quân sự của Liên Hiệp Châu Âu, trước cú sốc Nga xâm lược Ukraina. Vấn đề được thảo luận là thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga và phát triển chiến lược quốc phòng chung của Liên Âu, cũng như củng cố kinh tế của Liên Âu. Cuộc họp lần này không đưa ra quyết định cụ thể nào, mà chỉ vạch ra phương hướng chính sách để triển khai trong thời gian tới.  

Đặc phái viên RFI Alexis Bédu từ Versailles cho biết thêm thông tin: 

« Việc triển khai thực hiện sẽ bắt đầu với một cuộc họp thượng đỉnh nữa vào cuối tháng Ba. Cuộc gặp này sẽ nhằm phê chuẩn các thỏa thuận đã đạt được ở Versailles, đặc biệt về vấn đề năng lượng. Các thành viên Liên Âu sẽ phải chấm dứt lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga từ nay đến năm 2027. Một kế hoạch đầu tư đang là trọng tâm của các cuộc thảo luận.  

Nước Đức có vẻ e ngại, nhưng theo thủ tướng Ý Mario Draghi, kế hoạch này là cần thiết. Ông nói :  ''Kinh tế châu Âu còn tiếp tục phát triển. Đã có sự buông lỏng, chúng tôi nhận thấy có sự khan hiếm nguyên vật liệu, sự khan hiếm không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, mà cả trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm… Tình hình này là của Ý cũng là của cả châu Âu. Chúng ta phải có câu trả lời cho vấn đề đó bằng cách hỗ trợ các công ty, hỗ trợ các hộ gia đình, chúng ta hành động với cùng quyết tâm đã thúc đẩy chúng ta đáp trả lại Nga''. 

Vấn đề Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cũng đã được thảo luận. Về điểm này, các phát biểu đều theo cùng hướng : Đồng ý xích gần với Ukraina, nhưng sẽ không có thủ tục kết nạp đặc biệt và nhanh chóng. Không đóng cửa với Ukraina, nhưng 27 nước thành viên cũng muốn làm dịu tình hình, sau yêu cầu mạnh mẽ của tổng thống Zelensky muốn sớm gia nhập Liên Âu. »  

Nga xốc lại đội hình sau những thất bại; Ukraine nói bệnh viện tâm thần bị tấn công 

11/3/2022 

Reuters 

Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies về binh lính và khí tài Nga ở tây bắc của sân bay Antonov, Lubyanka, Ukraine, 10/3/2022. (Satellite image ©2022 Maxar Technologies via AP)

Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies về binh lính và khí tài Nga ở tây bắc của sân bay Antonov, Lubyanka, Ukraine, 10/3/2022. (Satellite image ©2022 Maxar Technologies via AP) 

Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng Nga tấn công Kyiv đang tập hợp lại ở phía tây bắc thủ đô Ukraine, và Anh cho biết hôm thứ Sáu 11/3 rằng Moscow có thể đang lên kế hoạch tấn công Kyiv trong vòng vài ngày tới.

Ukraine cáo buộc các lực lượng Nga đã tấn công một bệnh viện tâm thần gần thị trấn Izyum, miền đông Ukraine. Thống đốc khu vực này gọi đó là "một cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào dân thường". Các dịch vụ cứu thương, cứu hỏa cho biết không có ai bị thương vì 330 người bao gồm cả các bệnh nhân đã trú ẩn dưới tầng hầm.

Cuộc tấn công kể trên diễn ra chưa đầy hai ngày sau khi Nga ném bom một bệnh viện phụ sản tại thành phố cảng Mariupol bị vây hãm ở miền nam, cuộc tấn công này bị Washington gọi là tội ác chiến tranh.

Moscow không đưa ra bình luận gì ngay lập tức.

Nga đã và đang tấn công các thành phố của Ukraine trong khi lực lượng tấn công chính của họ ở phía bắc Kyiv đã bị ùn lại trên các con đường kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược, họ đã thất bại với kế hoạch ban đầu về một cuộc tấn công chớp nhoáng vào thủ đô của Ukraine, theo cách đánh giá của các nước phương Tây.

Các hình ảnh do công ty vệ tinh tư nhân Maxar của Mỹ công bố cho thấy các đơn vị thiết giáp di chuyển bên trong và xuyên qua các thị trấn gần sân bay Hostomel ở vùng ngoại ô phía tây bắc của Kyiv, nơi xảy ra giao tranh dữ dội kể từ khi Nga cho lính dù đổ bộ vào những giờ đầu tiên của cuộc chiến.

Các đơn vị khác đã tái bố trí gần khu dân cư nhỏ Lubyanka ở phía bắc, với các khẩu pháo đã được kéo vào các vị trí khai hỏa, Maxar cho hay.

Trong một bản tin tình báo cập nhật, Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Nga có thể đang tìm cách xốc lại và tái bố trí lực lượng của họ cho các hoạt động tấn công mới trong những ngày tới. Việc này có thể sẽ bao gồm các hoạt động đánh vào thủ đô Kyiv".

Bản tin cập nhật của Anh cho rằng lực lượng trên bộ của Nga vẫn chỉ đạt được tiến bộ hạn chế, do vấp phải các vấn đề hậu cần kéo dài và sự kháng cự của Ukraine.

Ukraine nói các lực lượng Nga đang tập hợp lại sau khi chịu tổn thất nặng nề. Trong tuyên bố qua đêm về tình hình chiến trường, bộ tổng tham mưu Ukraine cũng cho biết họ đã đẩy các lực lượng Nga trở lại "vị trí bất lợi" ở quận Polyskiy, một khu vực gần biên giới Belarus và là hậu phương của lực lượng chủ lực của Nga đang tiến tới Kyiv.

Tuy Nga không đạt được mấy tiến triển trên đường đến Kyiv và cho đến nay họ chưa chiếm được bất kỳ thành phố nào ở miền bắc hoặc miền đông Ukraine, song họ đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể hơn ở miền nam. Hôm 11/3, Moscow cho biết đồng minh của họ là phe ly khai khỏi Ukraine ở miền đông nam đã chiếm được thị trấn Volnovakha ở phía bắc của Mariupol.

(Reuters)

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol: Gắn bó hơn với Mỹ

Lê Tây Sơn

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1366517742-1280x853.jpg

Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images) 

Ứng viên Yoon Suk-yeol đã giành chiến thắng khít khao trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 đầy chia rẽ. Chiến thắng của Yoon, trước đây là công tố viên hàng đầu, đánh dấu sự trở lại của Đảng Nhân dân Bảo thủ sau 5 năm cầm quyền của Đảng Dân chủ.

Ông Yoon Suk-yeol sẽ tuyên thệ để trở thành tổng thống vào Tháng Năm 2022 sau khi về đầu trong cuộc bầu cử được xem là gây tranh cãi nhất lịch sử dân chủ của quốc gia này. Kết quả bầu cử được công bố vào sáng sớm Thứ Năm ngày 10 Tháng Ba kết thúc mùa vận động tranh cử không thể đoán trước, với số cử tri đi bầu ấn tượng dù tỉ lệ ca nhiễm Covid-19 đạt kỷ lục mới trên cả nước. 77% cử tri đăng ký bỏ phiếu, bằng kỷ lục năm 2017 khi đất nước chọn nhà lãnh đạo mới sau cuộc luận tội kịch tính nhằm vào cựu Tổng thống Park Geun-hye (bị kết án 22 năm tù vì tham nhũng và đã được đặc xá).

Tân Tổng thống Yoon Suk-Yeol, 61 tuổi, một khuôn mặt mới trên chính trường, thăng tiến rất nhanh trong đội ngũ công tố địa phương và quốc gia. Thành tích đáng chú ý nhất của ông là giúp kết tội cựu Tổng thống Park Geun-hye. Ngồi vào ghế tổng thống, Yoon Suk-Yeol sẽ đối mặt những thách thức lớn. Kinh tế đang khựng và hố sâu thu nhập không giảm. Chiến thắng của Yoon đã thể hiện sự mất niềm tin của cử tri đối với tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy kinh tế suy giảm và giá nhà đất tăng vọt là hai vấn đề cử tri quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử. Giá nhà đất đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nhiều người mới ra trường phàn nàn việc thiếu cơ hội việc làm. Sự khác biệt về xuất thân của hai ứng viên cũng ảnh hưởng lá phiếu. Trong khi Lee vươn lên từ một lao động nghèo thì Yoon là con một gia đình giàu có và là công tố viên lâu năm.

Theo Tom Rafferty, Giám đốc khu vực châu Á tại The Economist Intelligence Unit, mối quan hệ với Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc sẽ có tầm quan trọng đặc biệt. Yoon Suk-Yeol muốn thắt chặt hơn mối quan hệ với Hoa Kỳ. Theo Karl Friedhoff, chuyên gia chính sách châu Á tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, Yoon Suk-Yeol có thể bật đèn xanh việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, vốn bỏ lửng từ năm 2016. Yoon Suk-Yeol chắc chắn thay đổi chương trình nghị sự của chính phủ đương nhiệm, đặc biệt chính sách tìm kiếm đối thoại và hòa bình với Triều Tiên. Trên cương vị tổng thống, Moon Jae-in đã gặp Kim Jong-un ba lần và điều đó vẫn không thể ngăn Kim mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân.

Yoon Suk-Yeol cũng kêu gọi tăng cường các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ – vốn bị giới hạn dưới thời Moon Jae-in. Trong chiến dịch tranh cử, Yoon Suk-Yeol nói: “Hòa bình là vô nghĩa trừ khi nó được hỗ trợ bởi quyền lực. Chiến tranh chỉ có thể tránh được khi chúng ta có được khả năng tung đòn phủ đầu và thể hiện sự sẵn sàng”. Trong khi Moon Jae-in giữ sự cân bằng giữa Hoa Kỳ, đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc; với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này – cách tiếp cận gọi là “sự mơ hồ chiến lược”, thì Yoon Suk-Yeol lại nói ông sẽ thể hiện “sự rõ ràng về chiến lược”. Ông gọi sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ-Trung là “cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa độc tài”.

Quan hệ liên Triều luôn là vấn đề quan trọng, với sự căng thẳng gia tăng trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử nghiệm hỏa tiễn. Nước này đã phóng chín vụ thử tên lửa chỉ trong năm 2022, trong đó có một loại “tên lửa siêu thanh”. Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Sejong, cho biết các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ​​tan vỡ năm 2019. Tổng thống tân cử Yoon Suk-Yeol chỉ trích kịch liệt cách tiếp cận của Tổng thống Moon Jae-in đối với Triều Tiên cũng như đối Trung Quốc. Ông khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nên được thực thi cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, một lập trường phù hợp với Washington.

Phát biểu tại Seoul vào ngày 24 Tháng Một, Yoon Suk-Yeol nói cánh cửa ngoại giao và đối thoại “luôn để ngỏ” – nhưng ông sẽ theo đuổi một nền hòa bình “dựa trên thế trận quốc phòng vững chắc, không khuất phục”. “Chúng tôi sẽ xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh có thể bảo đảm ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm bảo vệ sự an toàn và tài sản của công dân cũng như bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia”.

Dân Ukraine chống đối lính Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với đất nước của ông là giới “lãnh đạo phát xít nghiện thuốc” của Ukraine đã gây ra tội ác diệt chủng và do đó Ukraine cần được giải cứu. Song quân đội của ông lại không được chào đón trên lãnh thổ Ukraine. Thay vào đó, lính Nga được chào đón với thái độ khinh thường. Trong một đoạn phim quay tại thị trấn đông bắc Ukraine Konotop, một phụ nữ địa phương đã cảnh cáo một lính xe tăng Nga về việc thị trấn này có “ma thuật”. “Mọi phụ nữ ở đây đều là phù thủy,” bà nói với anh ta. “Ngày mai thức dậy mày sẽ không còn điều khiển được cơ thể đâu.”

Bà không phải là người duy nhất. Nhiều đoạn clip khác đã ghi lại cảnh người Ukraine đứng chặn trước xe tăng. Một người biểu tình thừa nhận họ có sợ các binh sĩ Nga, nhưng sợ hơn về viễn cảnh đàn áp và nghèo đói như đã thấy ở Donetsk và Luhansk, hai khu vực do Nga kiểm soát kể từ 2014. Rủi ro là có. Nếu không thể giành được trái tim và khối óc, những kẻ xâm lược thường vận đến nhiều bạo lực hơn.

Người Ukraine tự chế vũ khí

Một ngày sau khi Nga xâm lược, Pravda – một nhà máy bia nhỏ ở thành phố Lviv miền tây Ukraine – chuyển từ nấu bia sang pha chế bom xăng. Các loại thiết bị trước đây chỉ sản xuất bia nay được dùng để pha trộn dầu máy, xăng, bột nhôm và polystyrene hòa tan trong dung môi. Hỗn hợp này cháy rất tốt, thích hợp để vô hiệu hóa các phương tiện quân sự của Nga. Còn ở những nơi khác, người Ukraine đang tự chế các loại chướng ngại vật và súng phóng lựu. Họ cũng đang sửa đổi vũ khí do Nga sản xuất để nâng sức chiến đấu.

Ukraine có nhiều kỹ sư và lập trình viên máy tính vốn có thể làm được nhiều việc trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Bộ máy quan liêu áp bức của chế độ Xô Viết thúc đẩy mọi người đi tìm “đường tắt,” từ đó tạo ra một tâm lý kinh doanh rất hữu ích. Vladimir Yatsenko, một nhà sản xuất phim người Ukraine đang chiến đấu ở Kyiv, mô tả đây là “DARPA quốc gia của chúng tôi,” ám chỉ cơ quan nghiên cứu quân sự nổi tiếng của Mỹ. Chiến tranh không tốt đẹp gì, nhưng trong cái khó ló cái khôn.

Đã hai năm kể từ khi WHO công bố covid-19 là đại dịch toàn cầu

Các ca nhiễm đầu tiên của coronavirus được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2019, và đúng hai năm trước vào hôm nay, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch toàn cầu.

Kể từ đó, khoảng 6 triệu người đã chết vì covid-19. Mô hình của The Economist cho thấy số người chết thực sự là gần 20 triệu người. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thiệt hại kinh tế ước tính là gần 13,8 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2023, so với trước đại dịch.

Đã có những khiếu nại về sự không công bằng trong phân phối vắc xin. Song cho đến nay phản ứng khoa học trước đại dịch là chưa từng có tiền lệ. Vắc-xin được phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy với hơn 11 tỷ liều được sản xuất chỉ trong năm 2021. Thậm chí hiện nay đã có một loạt các loại thuốc trị bệnh. Song dù thế giới có bước vào giai đoạn cuối của đại dịch, những biến chủng mới vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện.

Chile có tổng thống mới

Vào thứ Sáu, Gabriel Boric nhậm chức tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Chile. Chính phủ của ông, trong đó bao gồm Đảng Cộng sản, sẽ là chính phủ tả khuynh nhất kể từ khi Chile trở lại chế độ dân chủ vào năm 1990. Nhưng ông được coi là một người ôn hòa trong làn sóng các lãnh đạo cánh tả được bầu gần đây ở Mỹ Latinh.

Ông Boric muốn có y tế công toàn dân và tăng lương hưu công. Ông cũng có kế hoạch xóa nợ sinh viên. Để chi trả cho các chính sách này, ông đề xuất tăng thuế lên thêm 5% GDP trong 4 năm tới. Nhóm của ông cũng muốn thành lập một công ty lithium nhà nước và một ngân hàng phát triển quốc gia.

Số phận của những chính sách này phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, quốc hội Chile: ông Boric thiếu đa số nên sẽ cần sự ủng hộ của các nhà lập pháp để thông qua cải cách. Thứ hai, một hiến pháp mới đang được soạn thảo, với ủy ban soạn thảo bao gồm nhiều nhân vật cực tả. Nếu được thông qua, hiến pháp sẽ đặt nền móng cho chính trường Chile trong nhiều năm tới.

Lạm phát tháng 2 tại Mỹ tăng 7,9%, đạt mức cao mới trong 40 năm

Chi Anh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/ntdvn_los-angeles-gas-1200x801-1.jpeg

Giá xăng tại một trạm xăng Mobil ở Los Angeles, ngày 07/03/2022. (Ảnh: Mario Tama / Getty Images) 

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), lạm phát tháng 2/2022 tại Mỹ đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát lõi, không bao gồm lĩnh vực thực phẩm và năng lượng, đã tăng 6,4%.

“Chúng ta không bất ngờ về lạm phát gia tăng. Trong năm qua, chúng ta đã thấy chi phí tăng cao, một số người cho rằng đó chỉ là tạm thời do Covid-19 và một số vấn đề mang tính hệ thống. Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến tác động kép của chi phí năng lượng tăng nhanh, khiến giá hàng hóa tăng theo”, ông Marc Scudillo, giám đốc của EisnerAmper nói với The Epoch Times.

Giá thực phẩm tăng cao

Chỉ số giá lương thực tại Mỹ tăng 7,9%. Giá thịt bò, thịt gà, cá và hải sản đều tăng cao, trên 10%.

Giá trứng tăng 11,4%, sữa tăng 11,2%, trái cây và rau quả tăng 7,6%. Giá cà phê tăng 10,5%. 

Không có mặt hàng nào được liệt kê trong danh sách của BLS ghi nhận sự giảm giá.

Áp lực lạm phát lương thực dự kiến ​​sẽ gia tăng trong những tháng tới, do xung đột quân sự Nga – Ukraine và tác động của nó lên dòng chảy thương mại toàn cầu, giá năng lượng và phân bón đang ở mức cao, lượng hàng hóa dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Thijs Geijer, nhà kinh tế cấp cao về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm cho rằng: “Tác động của việc giá cả tăng cao sẽ chủ yếu tác động đến các công ty trong ngành thức ăn chăn nuôi, ngành bánh, sản xuất bia và dầu thực vật bởi những ngành này phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc và các loại hạt chứa dầu”.

“Việc chuyển chi phí [lên khách hàng] sẽ là cần thiết bởi tỷ suất lợi nhuận trong những ngành này khá hẹp; tuy nhiên mọi việc sẽ khó khăn vì các công ty thực phẩm vốn đã có những cuộc trò chuyện về vấn đề này với khách hàng của họ trong vài tháng qua. Trong một số trường hợp, các công ty sẽ tìm cách thay đổi công thức sản phẩm bằng cách thay thế dầu hướng dương bằng dầu cọ để có thể duy trì sản xuất”. Một gói thịt bò nướng nặng 3,48 pound (khoảng 1,5kg) được bán với giá 25,82 USD tại Walmart ở Flagstaff, Arizona, ngày 17/02/2022. (Ảnh: Allan Stein / The Epoch Times)

Chi phí năng lượng tăng cao 

Chỉ số giá năng lượng tăng 25,6%, trong đó giá dầu FO tăng 43,6%, xăng tăng 38%, điện tăng 9%.

Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ, giá xăng đã tăng chóng mặt trong những tuần gần đây, lên mức trung bình trên toàn nước Mỹ là 4,318 USD/gallon. Con số này tăng từ mức 2,815 USD vào cùng thời điểm năm 2021. Các nhà phân tích năng lượng cho rằng giá gas cao có thể duy trì lâu hơn nhiều so với dự đoán. Khách hàng đang bơm xăng ở Irvine, California, ngày 23/02/2022. (Ảnh: John Fredricks / The Epoch Times)

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến ​​sẽ tăng 25 điểm lãi suất cơ bản, lựa chọn cách tiếp cận thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, bất chấp lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm.

Bà Ipek Ozkardeskaya, một nhà phân tích cấp cao tại Swissquote Bank, cho biết: “Dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể khiến Fed trở nên diều hầu hơn, nhưng có rất ít dư địa cho phe diều hâu của Fed”. 

Theo Naeem Aslam, một nhà phân tích thị trường tại AvaTrade, mặc dù xung đột quân sự ở Đông Âu đang chiếm ưu thế trên các tiêu đề truyền thông, nhưng lạm phát là “nỗi lo lớn nhất mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt”.

“Thời gian tới đây, lạm phát gia tăng dường như là nỗi lo lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt, trong khi triển vọng tăng trưởng đang trở nên tiêu cực”, ông Aslam cho biết. “Đây là lý do tại sao, ngay cả khi giá cổ phiếu của các công ty giảm, các nhà giao dịch chứng khoán dường như không còn hứng thú với việc mua vào khi giá giảm nữa”.

Các nhà kinh tế cho biết điều kiện thị trường hiện tại, từ lạm phát gia tăng đến thắt chặt định lượng, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Các nhà phân tích đã tranh luận về việc liệu quyết định tăng lãi suất của Fed vào năm 2022 và cắt giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD có xóa bỏ triển vọng tăng trưởng sau khủng hoảng hay không.

“Lịch sử cho thấy lạm phát sẽ ở lại với chúng ta trong một thời gian và lãi suất sẽ tiếp tục tăng, từ đó có thể tạo ra suy thoái. Chúng tôi đã chứng kiến điều này trước đây”, Peter Tanous, người sáng lập và Chủ tịch của Lynx Investment Advisory, nói với The Epoch Times.

Chi Anh

Đài Loan muốn trở thành thành viên đầy đủ của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ

Bảo Nguyên

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/ntdvn_gettyimages-1129757645-1200x800-1.jpeg

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong diễn đàn Ấn Độ-Thái Bình Dương về tự do tôn giáo ở Đài Bắc vào ngày 11/03/2019. (Ảnh: Chris Stowers / AFP qua Getty Images) 

Đài Loan đang muốn trở thành thành viên đầy đủ của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ. Đáp lại, Mỹ cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư với hòn đảo tự trị này. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Đài Loan ủng hộ Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ

Một bộ trưởng cấp cao của Đài Loan cho biết hòn đảo tự trị này đang muốn trở thành “thành viên đầy đủ” của khuôn khổ kinh tế do Mỹ dẫn đầu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đài Bắc là một đối tác “an toàn và đáng tin cậy” và là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trưởng đoàn đàm phán Thương mại John Deng cho biết vào ngày 09/03 khi ông phát biểu tại hội thảo qua mạng về vai trò của Đài Loan trong chuỗi cung ứng toàn cầu do Viện Brookings – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington tổ chức: “Đài Loan rất sẵn lòng ủng hộ Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ”.

​​Vào ngày 11/02, Tòa Bạch Ốc đã phát hành sách trắng dài 18 trang về Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương khi Mỹ đang đặt mục tiêu đẩy lùi những gì nước này coi là nỗ lực của Trung Quốc để tạo ra một phạm vi ảnh hưởng trong khu vực và trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới. Báo cáo cho biết các chính phủ khu vực nên có quyền tự do và không bị ép buộc khi đưa ra các lựa chọn về chủ quyền của riêng họ.

Báo cáo cũng đề cập đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương mà chính quyền Biden có kế hoạch khởi động vào đầu năm nay. Theo báo cáo, mối quan hệ đối tác đa phương sẽ là cơ sở cho việc tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và ngoại giao của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi được Chính quyền Trump công nhận là “trọng điểm của thế giới”.

Ông Deng nói trong khi đưa ra nhận xét quan trọng của mình vào ngày 09/03: “Chúng tôi tin rằng sự tham gia của chúng tôi sẽ củng cố hơn nữa khuôn khổ này. Đài Loan là một đối tác đáng tin cậy và ổn định về mặt chính trị và kinh tế”.

Trung Quốc là mối đe dọa với trật tự thế giới

Bộ trưởng không bộ Đài Loan (Bộ trưởng không phụ trách một bộ cụ thể nào) cho biết hòn đảo này đã tích cực duy trì an ninh chuỗi cung ứng và không bao giờ gây sức ép lên các nước khác về mặt kinh tế. Thông điệp đề cập đến các hành vi thương mại không công bằng của nước láng giềng lớn nhất qua eo biển Đài Loan – Trung Quốc.

Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu từ Úc, bao gồm thịt bò, than và nho, để trả đũa việc Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc của COVID-19. Trung Quốc cũng áp đặt thuế quan đối với rượu và lúa mạch của nước này.

Trong khi đó, coi Đài Loan là một phần lãnh thổ mình, Trung Quốc đã cố gắng chèn ép Đài Loan một cách chiến lược trên bình diện toàn cầu, đồng thời quấy nhiễu lực lượng không quân của Đài Loan bằng các cuộc xâm nhập lặp đi lặp lại. Theo truyền thông Đài Loan, hòn đảo này đã chứng kiến ​​số lượng kỷ lục là 961 cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc vào vùng biển và vùng trời của họ trong 239 ngày vào năm 2021.

Ông Deng nói tại sự kiện trực tuyến: “Tham vọng chính trị và quân sự của Trung Quốc cũng cho thế giới thấy rằng nước này là mối đe dọa đối với trật tự thế giới. Tôi muốn thuyết phục chính phủ Mỹ và tôi hy vọng tất cả khán giả tham gia hội thảo ngày hôm nay có thể giúp chúng tôi truyền tải thông điệp này đến chính phủ Mỹ rằng Đài Loan muốn trở thành một thành viên đầy đủ của khuôn khổ này”.

Mỹ cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư với Đài Loan

Một người biểu tình dẫn đầu một nhóm người Mỹ gốc Đài Loan cầm cờ Đài Loan để phản đối sự hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan trong cuộc biểu tình ở New York vào ngày 13/03/1996. (Ảnh: Robert Miller / AFP qua Getty Images)

Ông Deng nói thêm, hợp tác chuỗi cung ứng giữa Đài Loan, một nhà sản xuất chất bán dẫn lớn và Mỹ là rất quan trọng đối với cả hai quốc gia. Washington vẫn chưa giải thích chính xác khuôn khổ kinh tế dự kiến ​​của Biden sẽ đòi hỏi những gì.

Trung Quốc đã lên án nỗ lực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng Washington đang tạo ra “các câu lạc bộ độc quyền”.

Khi được hỏi về nhận xét của ông Deng, một quan chức chính quyền Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ đang hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong việc phát triển khuôn khổ nhưng hiện không có thông tin chi tiết về “tư cách thành viên” để công bố.

Quan chức này cho biết: “Dù vậy, Mỹ cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư với Đài Loan”.

Tháng trước, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết đất nước của ông “không có ý định” hợp tác với Trung Quốc trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Bảo Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét