Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ ba 15 tháng 3 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

'Họ đang dối trá': Nhà báo Nga phản đối chiến tranh Ukraine ngay trên tivi

Một nhà báo Nga đã cầm tấm biển phản đối chiến tranh mà Nga gây ra tại Ukraine, ngay trong chương trình tin tức buổi tối trên Kênh 1 do nhà nước kiểm soát vào tối thứ Hai 14/3.

Tấm biển, có thể nhìn thấy đằng sau người dẫn chương trình đang nói, có nội dung: "Không có chiến tranh, ngừng chiến tranh, đừng tin vào những lời tuyên truyền, họ đang nói dối bạn."

Phát thanh viên vẫn tiếp tục đọc to hơn để át tiếng Ovsyannikova, nhưng khán giả có thể nhìn thấy và nghe thấy lời phản đối của cô trong vài giây trước khi kênh chuyển sang một phân đoạn được ghi sẵn.

Người phụ nữ phản chiến là Marina Ovsyannikova, một biên tập viên của kênh.

Tin tức truyền hình Nga được Điện Kremlin kiểm soát chặt chẽ và chỉ phản ánh phiên bản của Nga về các sự kiện ở Ukraine.

Cô Ovsyannikova được cho là đang bị cảnh sát tạm giữ.

Có thể nghe thấy giọng nói của cô trong chương trình khi đó rằng, "Không chiến tranh! Hãy ngừng chiến tranh!" trước khi giám đốc chương trình cắt sớm và thay bằng một bản tin thu sẵn.

Trước đó, cô đã quay một đoạn video và gọi các sự kiện ở Ukraine là một "tội ác" và nói rằng cô cảm thấy xấu hổ khi làm việc cho cái mà cô gọi là tuyên truyền của Điện Kremlin.

"Tôi xấu hổ vì đã cho phép mình nói dối từ màn hình tivi. Thật xấu hổ vì tôi đã cho phép người Nga bị biến thành thây ma", cô giải thích.

Cô kêu gọi người dân Nga phản đối chiến tranh, nói rằng chỉ có họ mới có thể "ngăn chặn cơn điên loạn".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi cô.

'Tôi biết ơn những người Nga đã không ngừng cố gắng truyền đạt sự thật," ông nói.

Phản đối Putin

Ovsyannikova cũng đăng một đoạn video được quay trước thông qua nhóm nhân quyền OVD-Info, trong đó cô bày tỏ sự xấu hổ khi làm việc cho Kênh 1.

"Thật đáng tiếc, trong một số năm, tôi đã làm việc trên Kênh 1 và làm công tác tuyên truyền của Điện Kremlin, tôi rất xấu hổ về điều này ngay bây giờ. Thật xấu hổ khi tôi được phép nói dối từ màn hình tivi. Thật xấu hổ vì tôi đã cho phép người Nga bị biến thành thây ma. Chúng tôi đã im lặng vào năm 2014 khi điều này chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi đã không ra ngoài để phản đối khi Điện Kremlin đầu độc [thủ lĩnh phe đối lập Alexei] Navalny, "cô nói.

"Chúng tôi chỉ đang âm thầm theo dõi chế độ chống con người này. Và giờ đây, cả thế giới đã quay lưng lại với chúng tôi và 10 thế hệ tiếp theo sẽ không thể rửa sạch nỗi hổ thẹn của cuộc chiến huynh đệ tương tàn này ".

Đeo một chiếc vòng cổ có màu xanh lam và màu vàng của quốc kỳ Ukraine, Ovsyannikova trong đoạn video tuyên bố rằng cha cô là người Ukraine và mẹ cô là người Nga.

Cô nói: "Những gì đang xảy ra ở Ukraine là một tội ác và Nga là kẻ xâm lược. Trách nhiệm của hành động gây hấn này chỉ nằm trên vai của một người: Vladimir Putin."

Kiểm soát

Tin tức truyền hình Nga từ lâu đã được kiểm soát bởi Điện Kremlin và các quan điểm độc lập là rất hiếm trên tất cả các kênh chính.

Nhưng luật mới được đưa ra kể từ cuộc xâm lược Ukraine đã khiến cho bối cảnh truyền thông trở nên hà khắc hơn. Luật được thông qua vào đầu tháng này quy định sẽ là phi pháp nếu gọi hành động quân sự là một "cuộc xâm lược" hoặc phổ biến tin tức "giả" về sự kiện tại Ukraine.

Truyền thông Nga do nhà nước kiểm soát gọi cuộc chiến là một "hoạt động quân sự đặc biệt" và coi Ukraine là kẻ xâm lược, với một chính phủ được mô tả là phát xít mới.

Một số hãng truyền thông độc lập còn lại đã ngừng phát sóng hoặc xuất bản sau áp lực từ chính quyền, bao gồm cả đài phát thanh Echo of Moscow và TV Rain - một kênh truyền hình trực tuyến.

Tờ báo độc lập Novaya Gazeta đang cố gắng đưa tin về tình hình mà không vi phạm luật kiểm duyệt mới.

Điện Kremlin: Chế tài của phương Tây ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân Iran 

15/03/2022 

Reuters 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. 

Hôm 15/3, Điện Kremlin cảnh báo phương Tây rằng lợi ích của Nga như một phần của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ phải được đảm bảo sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine, theo Reuters.

Các cường quốc châu Âu cảnh báo rằng yêu cầu của Nga về việc đảm bảo thương mại với Iran có thể phá hỏng nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của đất nước chúng tôi trong bối cảnh thỏa thuận đó”.

“Vì vậy, các biện pháp trừng phạt phải được tính đến”, ông Peskov nói. “Đây là một khía cạnh mới không thể bỏ qua, cần phải tính đến”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga sau khi NATO kết nạp các thành viên ở biên giới của Nga và các nước phương Tây ủng hộ các nhà lãnh đạo thân phương Tây ở Kyiv.

Ukraine nói rằng họ đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình. Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu và châu Á đã lên án cuộc xâm lược của Nga trong khi Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh.

Hôm 14/3, Iran cho biết Hoa Kỳ cần phải đưa ra quyết định để hoàn tất một thỏa thuận nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới.

Hôm 15/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết tương lai của quan hệ Iran-Nga rất tươi sáng khi các cuộc đàm phán về việc khôi phục hiệp định hạt nhân đã diễn ra suôn sẻ.

Triều Tiên lại phóng tên lửa

Trong khi phần còn lại của thế giới mải theo dõi Ukraine, Triều Tiên vẫn tiếp tục với điều họ làm tốt nhất – phóng tên lửa. Nước này gần đây đã thực hiện hai vụ phóng, với lý do kiểm tra thiết bị nhằm tiến tới triển khai “vệ tinh do thám.” Nhưng đây có thể không phải toàn bộ câu chuyện.

Trước đây nước này đã từng phóng vệ tinh, song giới phân tích nói các vệ tinh này không còn hoạt động. Kim Jong Un đã nói cần có vệ tinh mới để thu thập thông tin về “đế quốc Hoa Kỳ và các chư hầu của nó.” Tuy nhiên, Mỹ lại nói hai quả tên lửa vừa được phóng là nhằm thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nếu đúng như vậy, Triều Tiên xem như đã chấm dứt lệnh cấm thử ICBM và hạt nhân mà họ từng tự áp đặt vào năm 2018. Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phô trương sức mạnh trong một cuộc duyệt binh lớn. Mục đích thực sự của vụ phóng rồi sẽ sáng tỏ.

Diễn biến chiến trường Ukraine

Cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang tuần thứ ba, vẫn đang tỏ ra khó nhằn cho người Nga. Quân đội Ukraine chống trả quyết liệt ở các vùng ngoại ô xung quanh thủ đô Kyiv, buộc quân Nga phải ngưng đà tiến trên bộ, tổ chức lại và bổ sung tiếp tế.

Ở phía nam quân Nga có tiến bộ hơn. Họ đã chiếm các thị trấn ở phía bắc Mariupol, một thành phố cảng đang bị bao vây tàn bạo, và có thể đang tiến về Dnipro, một thành phố quan trọng trên bờ sông Dnieper.

Nếu Nga tiếp tục tiến quân từ phía nam và đông bắc, quân Ukraine ở phía đông có thể sẽ bị chia cắt và bị đánh bại. Chiến tranh cũng không còn giới hạn ở nửa phía đông của đất nước nữa. Hôm Chủ nhật khoảng 30 quả tên lửa đã bắn xuống một căn cứ huấn luyện bên ngoài thành phố Lviv ở phía tây đất nước. Vụ nổ thậm chí có thể nhìn thấy được từ cách xa 25 km ở phía bên kia biên giới Ba Lan. Điều này báo trước khả năng xảy ra các vụ tấn công nằm sát lãnh thổ NATO.

El Salvador phát hành trái phiếu bitcoin

Tháng 9 năm ngoái El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán. Tiếp theo họ sẽ trở thành nước đầu tiên phát hành trái phiếu 10 năm với tổng giá trị 1 tỷ đô la với bitcoin làm tài sản đảm bảo. Tổng thống Nayib Bukele sẽ chi nửa tiền này để mua thêm bitcoin với nửa còn lại để xây “Thành phố Bitcoin,” một khu định cư trên sườn núi lửa, nơi sẽ được quy hoạch khai thác tiền điện tử.

Kế hoạch này khiến cộng đồng tiền điện tử xôn xao, nhưng không phải ai cũng hào hứng. IMF đã chỉ trích việc El Salvador áp dụng bitcoin và dường như đã tạm dừng đàm phán cho khoản vay 1,3 tỷ đô la. Rất ít người Salvador từ bỏ đồng colone, vốn được neo theo đô la, trong khi dự trữ bitcoin của chính phủ đã giảm xuống kể từ năm ngoái. Ông Bukele, một người chuyên che giấu phong cách độc đoán của mình sau các chính sách hào nhoáng, muốn chứng minh là ông không cần các thể chế truyền thống. Ván bài của ông đang không thực sự thành công.

Cải tổ hệ thống tài chính công của Puerto Rico

Sáu năm sau khi Quốc hội Hoa Kỳ khởi động quy trình vỡ nợ cho Puerto Rico, tài chính của hòn đảo đang được phục hồi. Vào tháng 1 một thẩm phán liên bang đã thông qua một chương trình giảm 80% số nợ của chính phủ Puerto Rico. Thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực từ thứ Ba, qua đó giúp giảm bớt các khoản thanh toán lãi suất của lãnh thổ này. Một kế hoạch tài khóa mới, do hội đồng giám sát của Quốc hội đề ra, đang được tiến hành — bao gồm tăng lương cho nhiều nhân viên trong khu vực công.

Sau một thập niên rưỡi suy giảm dân số và kinh tế đình trệ, trong đó GDP giảm 20%, triển vọng trước mắt của 3,2 triệu dân Puerto Rico đang được cải thiện. Hàng chục tỷ đô la viện trợ từ liên bang sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế của hòn đảo. Nhưng các chính trị gia cần phải tận dụng cơ hội bằng cách thực hiện cải cách và kỷ luật tài chính. Nếu họ không làm vậy, các cuộc biểu tình giận dữ ở San Juan sẽ còn kéo dài.

Chiến tranh thông tin ở Nga

Những nỗ lực nhằm làm suy yếu cuộc chiến tranh thông tin của Nga đang nhanh chóng leo thang. Trong số đó có trang web 1920.in, nơi kêu gọi các tình nguyện viên nhắn tin hoặc gửi email cho những người Nga được họ chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu gồm 20 triệu số điện thoại di động và gần 140 triệu địa chỉ email. Nó thậm chí có sẵn các thông điệp bằng tiếng Nga để người gửi tự sao chép. Vận hành trang web này là một tổ chức ở Ba Lan mang tên Squad303, và tới nay đã có hàng triệu thông điệp được gửi đi. Song giọng điệu có phần chói tai. Các thông điệp có sẵn bao gồm “Putin đang hủy diệt nước Nga!” và “Đã đến lúc lật đổ nhà độc tài Putin!” Lực lượng an ninh Nga được cho là đã tăng cường kiểm tra tại chỗ điện thoại thông minh, nhằm tìm kiếm dấu hiệu cho thấy công dân có thiện cảm với thế lực bên ngoài.

Một trang web của Lithuania, CallRussia.org, lại có cách tiếp cận khác. Họ kêu gọi những người nói tiếng Nga ở nước ngoài gọi cho danh sách 40 triệu số điện thoại Nga có sẵn. Đáng kinh ngạc là gần một nửa số cuộc gọi được nhấc máy dẫn đến các cuộc trò chuyện, một nhà lãnh đạo của dự án cho biết. Ngoài ra còn có việc sử dụng một cách sáng tạo các ứng dụng hẹn hò như Tinder. Để nhằm thảo luận các sự kiện với người Nga, một số người nước ngoài đã tự thay đổi địa điểm hồ sơ của mình thành Moscow.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét