Nguồn: Thomas de Maizière và A. Wess Mitchell, Putin United the West—but Now Comes the Hard Part, Foreign Policy, 11/03/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Để có an ninh, đòi hỏi phải có những sự đánh đổi đau đớn mà các chính phủ phương Tây có thể chưa sẵn sàng thực hiện.
Khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề nghị chúng tôi làm đồng chủ trì một nhóm cấp cao với nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị nhằm củng cố liên minh phương Tây vào năm 2020, NATO có lẽ đang chia rẽ hơn bao giờ hết – ngay cả trong câu hỏi về cách đối phó với Nga. Như chúng tôi đã viết trong báo cáo gần đây, Nga vẫn là mối đe dọa quân sự lớn nhất của châu Âu, liên tục đối đầu với NATO, dẫn tới “nguy cơ tạo ra tình huống ‘sự đã rồi’, hoặc tạo một áp lực kéo dài, gây tê liệt trong tình huống khủng hoảng.”
Cuộc tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực, khiến NATO phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Nhưng cuộc xâm lược cũng đã mang lại cho liên minh sự thống nhất và mục đích chung lớn hơn những gì từng xuất hiện trong hàng thập niên. Sau nhiều năm tự mãn, các đồng minh trong hiệp ước đang tăng cường chi tiêu quốc phòng, gửi vũ khí tới Ukraine, gấp rút tiếp viện cho sườn phía đông của NATO, và cuối cùng cũng nghĩ đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của họ.
Sự thống nhất mới của NATO xuất hiện là nhờ xương máu và sự hy sinh của người dân Ukraine, những người mà hành động bảo vệ đất nước của họ không chỉ gây được sự đồng cảm, mà còn đưa ra bằng chứng hữu hình rằng, trên thực tế, Putin có thể bị ngăn chặn. Nhưng điều đó cũng xuất hiện bởi nỗi sợ hãi cho nền an ninh của châu Âu. Như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói trong bài phát biểu trước Hạ viện hồi tuần trước, “Chúng ta đặt ra mục tiêu này [chi tiêu quốc phòng cao hơn] không chỉ vì chúng ta đã hứa với bạn bè của mình… [mà còn] vì an ninh của chính chúng ta… [và] để bảo vệ tự do của chúng ta.”
Sợ hãi có thể là một động lực lành mạnh. Nó tập trung sự chú ý của xã hội vào điều quan trọng nhất, và giúp hình thành sự đồng thuận xung quanh các mục tiêu thay thế cho những bận tâm của thời bình. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó cũng có thể chỉ là thoáng qua. Ngày nay, những nguy cơ trông như thể sẽ đến gần có thể nhanh chóng biến mất – hoặc tệ hơn, có thể được biện minh và loại bỏ, một khi hàm ý của chúng trở nên rõ ràng.
Mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống nhất mới của phương Tây – bên cạnh xe tăng, hay thậm chí là vũ khí hạt nhân của Nga – là sự không sẵn sàng dấn thân hy sinh thực sự, vì lợi ích an ninh. Điều đáng lo là, sau khi tận mắt chứng kiến sự nguy hiểm (và xấu xa) của Putin, các nhà lãnh đạo và công chúng phương Tây, những người vừa tỉnh lại từ cú sốc ban đầu, sẽ né tránh làm các công việc hữu hình và tốn kém mà họ cần phải làm để đứng lên chống lại Putin, và ngăn ông ta tái diễn mọi chuyện trong tương lai. Sức hấp dẫn của chính sách xoa dịu – về bản chất, là sự quay trở lại các chính sách từng được nhiều thủ đô phương Tây theo đuổi trong hai thập niên qua – sẽ vô cùng mạnh mẽ.
Ví dụ lớn nhất là năng lượng. Để ngừng cung cấp tài chính cho Putin và các cuộc chiến của ông ta, sớm muộn gì phương Tây cũng phải từ bỏ việc mua dầu và khí đốt của Nga. Và điều đó sẽ gây tổn hại, rất nhiều tổn hại. Châu Âu mua khoảng 3 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày, con số ở Mỹ là 700.000. Việc đảo ngược thói quen sẽ không chỉ thể hiện qua những cơn đau đầu ở trạm xăng, mà còn là lạm phát cao hơn, và có thể dẫn đến suy thoái vào thời điểm các nền kinh tế Mỹ và châu Âu chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch coronavirus.
Tất cả những điều này cũng sẽ đặt ra chi phí chính trị cho các chính phủ và xã hội phương Tây, những người đang tăng mức tiêu thụ các nguồn cung năng lượng từ Nga, như một giải pháp tạm thời để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Trong trường hợp của Đức, năng lượng từ Nga đã giúp nước này chuyển đổi khỏi năng lượng hạt nhân, và Berlin đã kỳ vọng sử dụng nguồn cung lớn hơn nữa để loại bỏ dần than đá, đạt mục tiêu phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045. Trong trường hợp của Mỹ, thị trường toàn cầu dồi dào dầu mỏ và khí đốt đã giúp bù đắp cho việc nước này cắt giảm sản lượng, theo tuyên bố của chính quyền Biden, để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về cắt giảm khí thải. Trong cả hai trường hợp, ưu tiên mục tiêu an ninh hơn mục tiêu khí hậu có thể gây nguy hiểm cho sự ủng hộ đối với đảng cầm quyền.
Một lĩnh vực khác đòi hỏi sự hy sinh là chi tiêu quân sự. Ví dụ đáng chú ý nhất, ngân sách quốc phòng hàng năm của Đức sẽ sớm tăng hơn 50% – từ khoảng 49 tỷ đô la lên 76 tỷ đô la. Berlin cũng đã thành lập một quỹ trị giá 113 tỷ USD để tăng cường mua vũ khí. Italy, Ba Lan, Hà Lan, Romania, Thụy Điển và Đan Mạch cũng đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng.
Những khoản chi này là tin tức đáng hoan nghênh sau nhiều năm ngân sách quốc phòng bị thu hẹp. Tuy nhiên, tài trợ cho quốc phòng sẽ dẫn đến nhiều nợ hơn, thuế cao hơn, hoặc cắt giảm các chương trình hỗ trợ mà người dân châu Âu đã quen thuộc sau nhiều thập niên hòa bình. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có nhiều thanh niên châu Âu phải đi nghĩa vụ quân sự và phục vụ ở các vị trí tuyến đầu tại sườn phía đông của NATO – trong một hoàn cảnh rất khác so với thế hệ cha mẹ của họ.
Trong tất cả những trường hợp này, điểm mấu chốt là cái giá thực sự của việc đối phó với mối đe dọa từ Nga vẫn còn đang chờ phía trước. Để trả được cái giá đó, sẽ đòi hỏi sự thay đổi đáng kể mô hình chi tiêu hiện tại, và sự chuyển hướng nguồn lực khỏi các mục tiêu chính trị thường được ưu tiên – cho dù đó là chi tiêu xã hội, trợ cấp công nghiệp, hay mục tiêu khí hậu – nhân danh an ninh tập thể. Nói tóm lại, sự đánh đổi đau đớn sẽ là cần thiết. Và mỗi khi lựa chọn khó khăn xuất hiện ở các nền dân chủ, sẽ có rất nhiều điều không ngờ có thể xảy ra. Sau khi đã làm điều đúng đắn trước cuộc xâm lược của Putin, các chính phủ phương Tây không nên để rơi vào tình huống không muốn, hoặc không thể, tiếp tục ý định ban đầu của họ.
Cũng có thể việc Mỹ và châu Âu tẩy chay năng lượng Nga sẽ gây ra nhiều khổ sở đến nỗi người tiêu dùng và các công ty nổi dậy. Dù những hình ảnh về các đợt tấn công của Nga nhắm vào dân thường Ukraine có đáng sợ đến đâu, thì ảnh hưởng của chúng lên ý thức cộng đồng vẫn có thể nhanh chóng suy giảm trong bối cảnh suy thoái và mất việc làm.
Không có giải pháp nào là hoàn hảo trong cả hai kịch bản. Các nền dân chủ thường hay thay đổi, và có thể đi từ thái cực này sang thái cực khác với một tốc độ đáng kinh ngạc. Điều giúp nền dân chủ tiếp tục giữ được hướng đi là quyết định của các nhà lãnh đạo chính trị: đối phó với nỗi sợ hãi bằng cách tạo ra đồng thuận xã hội ủng hộ sự hy sinh. Về mặt này, những sự hy sinh tại Ukraine mang ý nghĩa gấp đôi, bởi vì chúng không chỉ ngăn chặn xe tăng Nga, mà còn nhắc nhở người dân chúng ta ở phương Tây, rằng phía trước sẽ còn những hy sinh lớn hơn rất nhiều, nếu chúng ta không chặn được cuộc xâm lược khi còn có thể.
Khi đó, hy sinh vì an ninh không phải là một hành động vị tha, mà chính là vì lợi ích của chúng ta. Một cuộc suy thoái kinh tế có khủng khiếp đến đâu, với tỷ lệ thất nghiệp nhiều đến mức nào, thì nó vẫn ít đau đớn hơn chiến tranh. Chỉ một phương Tây có khả năng quân sự mạnh mẽ, gắn kết về chính trị, và không dễ bị ảnh hưởng bởi trò tống tiền năng lượng, mới có thể tiếp tục tận hưởng thành quả của hòa bình và tự do. Điều này đã từng đúng trong quá khứ, chỉ là nhiều người trong chúng ta đã không chuẩn bị kỹ càng khi lầm tưởng rằng mình có thể đối đầu với Putin mà không phải trả giá đắt.
Cuộc chiến Ukraine thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng nếu Putin quả thực đã đánh thức phương Tây, thì giờ đây, đến lượt phương Tây phải giữ cho mình tỉnh táo.
Thomas de Maizière là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, cựu Bộ trưởng Nội vụ Đức và hiện là thành viên Hạ viện Đức.
A. Wess Mitchell là người đứng đầu viện nghiên cứu Sáng kiến Marathon, và là cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Âu và Á-Âu trong thời chính quyền Trump.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét