Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Thời sự Việt Nam

Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu điện từ thuỷ điện của Lào

RFA
01/4/2022

Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu điện từ thuỷ điện của Lào

Hình minh hoạ: Các. cột điện cao thế ở ngoại thành Hà Nội /AFP 

Việt Nam vừa ký hợp đồng hai gói thầu xây lắp nhập khẩu điện từ các thuỷ điện của Lào hôm 31/3 tại Hà Nội.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam hôm 31/3 cho biết Ban Quản lý dự án Điện 2 đã tổ chức ký hợp đồng “cung cấp thiết bị, thi công xây lắp công trình và thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị dự án Trạm cắt 220 kV Bờ Y và các đường dây 220 kV đấu nối từ cụm Nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 (Lào) vào Hệ thống điện Việt Nam" và hợp đồng "Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và các đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào Hệ thống điện Việt Nam".

Dự án Trạm cắt 220 kV Bờ Y và các đường dây 220 kV đấu nối từ cụm nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 (Lào) vào Hệ thống điện Việt Nam, được đầu tư xây dựng tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý IV/2022. 

Dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và các đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, được đầu tư xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý I/2023. 

Cả hai dự án này đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Điện 2 là quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư.

Theo truyền thông Nhà nước, đây là các dự án được thực thực hiện theo cam kết song phương về quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ trong lĩnh vực phát triển năng lượng, nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 và Nam Emoun (Lào) về Việt Nam.

Do thiếu điện, Việt Nam hiện đang thúc đẩy việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc và Campuchia.

Hồi năm 2016, Việt Nam và Lào đã ký văn bản ghi nhớ về khả năng hợp tác trao đổi, mua bán điện giữa hai bên. Theo đó, hai bên thống nhất sơ bộ đến năm 2020, Lào có thể xuất khẩu 1.000MW cho Việt Nam; năm 2025 có thể xuất khẩu 3.000MW và đến năm 2030 có thể xuất khẩu 5.000MW.

Việt Nam nói gửi ‘bức tranh đầy đủ về nhân quyền’ cho Liên Hiệp Quốc

Việt Nam nói gửi ‘bức tranh đầy đủ về nhân quyền’ cho Liên Hiệp Quốc

Hình minh hoạ: Biểu tình trước Liên Hiệp Quốc hôm 22/1/2019 nhân Kiểm điểm định kỳ phổ quát đối với Việt Nam /Photo: RFA 

Hôm 31/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Chính phủ Hà Nội đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III và thông tin việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Vietnamplus dẫn lời ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói trong hội nghị rằng, bản báo cáo mang đến một bức tranh đầy đủ về nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện như thế nào cũng như chỉ ra những thách thức vẫn còn nằm ở đâu.

Chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ chối 50 trên tổng cộng 291 khuyến nghị mà các nước đưa ra trong phiên điều trần UPR trước Liên hiệp quốc hồi tháng 1/2021.

Trong số những khuyến nghị mà nước này không chấp nhận, đáng chú ý có khuyến nghị của đại diện chính phủ Cộng hòa Czech, yêu cầu Vệt Nam tạo điều kiện cho đa nguyên, đa đảng và đảm bảo bầu cử dân chủ.

Phái đoàn Việt Nam cho rằng, một số khuyến nghị chưa phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện thực tiễn, các khuyến nghị chủ yếu liên quan đến việc gia nhập một số điều ước quốc tế cụ thể, yêu cầu sửa đổi các văn bản luật mới được ban hành, đề nghị bỏ hoặc dừng thi hành án tử hình, hoặc sử dụng những khái niệm, thông tin không chính xác về tình hình Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng cho rằng, bản báo cáo lần này đã tái khẳng định cam kết và ủng hộ của Việt Nam đối với cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam nhận thấy đây là cơ chế phù hợp, hiệu quả nhất để tất cả các quốc gia có những nỗ lực về nhân quyền được các nước khác xem xét trên cơ sở bình đẳng.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 12 năm 2021 ra thông cáo báo chí lên án các phiên toà dồn dập và các bản án nặng nề mà chính quyền Việt Nam dành cho các nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam chỉ trong tháng 12, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức cho những người này.

Tổng thống Biden ca ngợi đầu tư của tập đoàn lớn nhất Việt Nam trong chiến lược kinh tế Mỹ 

31/3/2022 

VOA Tiếng Việt 

Thống đốc North Carolina, Roy Cooper, và Phó Chủ tịch Vingroup kiêm CEO toàn cầu của VinFast Lê Thị Thu Thủy ký bản ghi nhớ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô, của đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup, tại Raleigh hôm 29/3.

Thống đốc North Carolina, Roy Cooper, và Phó Chủ tịch Vingroup kiêm CEO toàn cầu của VinFast Lê Thị Thu Thủy ký bản ghi nhớ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô, của đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup, tại Raleigh hôm 29/3. 

Quyết định xây nhà máy sản xuất ô tô điện trị giá nhiều tỷ đô la của VinFast tại North Carolina được Tổng thống Joe Biden ca ngợi vì đóng góp vào chiến lược kinh tế phát triển năng lượng sạch và tạo việc làm tại Mỹ.

Vingroup, tập đoàn kinh doanh lớn nhất Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hôm 30/3 công bố việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại North Carolina với đầu tư ban đầu là 2 tỷ USD. Ngoài xe thể thao đa dụng (SUV) chạy bằng điện, VinFast cũng sẽ sản xuất xe bus điện và pin cho các xe chạy bằng điện tại nhà máy mà hãng này dự kiến bắt đầu xây dựng trong năm nay tại tiểu bang miền đông Hoa Kỳ.

Trước đó hôm 29/3, Thống đốc North Carolina Roy Cooper và Phó Chủ tịch Vingroup kiêm CEO toàn cầu của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, công bố tại một sự kiện ở Raleigh, thủ phủ của tiểu bang, về việc VinFast lựa chọn North Carolina làm nơi xây dựng nhà máy đầu tiên của họ ở Mỹ.

Đây sẽ là nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của North Carolina và cũng là dự án đầu tư cho phát triển kinh tế lớn nhất của tiểu bang này khi nhà máy của VinFast dự kiến sẽ tạo ra 7.500 việc làm tại đây, theo tuyên bố của Thống đốc Cooper đưa ra hôm 29/3.

Sau đó trong ngày, Tổng thống Biden đưa ra một tuyên bố, trong đó ca ngợi việc VinFast đầu tư xây dựng nhà máy tại Mỹ.

“Công bố hôm nay rằng nhà sản xuất xe điện, VinFast, sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện và pin tại North Carolina – với 4 tỷ USD để tạo ra hơn 7.000 việc làm và hàng trăm nghìn xe điện và pin – là ví dụ mới nhất về chiến lược kinh tế của tôi đã phát huy tác dụng,” Tổng thống Biden nói trong tuyên bố.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã phát động một chiến lược công nghiệp nhằm hồi sinh ngành sản xuất trong nước với việc tạo ra công ăn việc làm có thu nhập tốt cho người dân Mỹ cũng như củng cố chuỗi cung ứng và thúc đẩy ngành công nghiệp tương lai như ô tô điện. Vào năm ngoái, Tổng thống Biden đã ký Luật Cơ sở Hạ tầng để xây dựng cơ cở hạ tầng các trạm sạc điện cho xe điện cũng như ký một lệnh hành pháp nhắm mục tiêu đạt được 50% thị phần xe chạy bằng điện vào năm 2030.

Thống đốc Cooper nói rằng “dự án mang tính chuyển đổi của VinFast sẽ mang lại nhiều việc làm tốt” cho tiểu bang của ông “cùng với một môi trường trong lành hơn khi ngày càng có nhiều xe điện ra đường để giúp giảm phát khí thải nhà kính.”

Về quyết định chọn North Carolina làm nơi đặt nhà máy, bà Thủy nói rằng những cam kết mạnh mẽ của tiểu bang này trong việc “tạo ra một nền kinh tế năng lượng sạch, chống lại biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính trong giao thông là một địa điểm lý tưởng cho VinFast phát triển xe chạy bằng điện thông minh và thân thiện với môi trường.

Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp sản xuất Triangle Innovation Point ở thị trấn Chatham, thuộc khu tam giác trọng điểm của North Carolina. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2024 với công suất ban đầu là 150.000 xe mỗi năm. Theo bản ghi nhớ (MOU) được ký giữa Thống đốc Cooper và bà Thủy hôm 29/3, VinFast sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy này trong các giai đoạn tiếp theo trong tương lai, dự kiến lên đến 4 tỷ USD.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Marc Knapper, cũng ca ngợi tầm quan trọng của dự án đầu tư của VinFast tại Mỹ trong việc thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

“Đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của một công ty Việt Nam vào Hoa Kỳ và sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng của cả hai quốc gia,” ông Knapper nói trong một video được Đại sứ quán Mỹ công bố hôm 30/3. “Quan hệ đối tác mới giữa bang North Carolina và VinFast là một thành tựu và dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương đang lớn mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”

Đây sẽ là nhà máy đầu tiên của VinFast tại Mỹ nhưng là nhà máy thứ 2 của hãng sản xuất ô tô duy nhất của Việt Nam cho tới lúc này, theo sau nhà máy của họ ở Hải Phòng.

VinFast, được thành lập năm 2017, đặt mục tiêu phân phối ô tô tại Mỹ, Canada và châu Âu vào cuối năm nay. Giá các mẫu SUV điện, mà VinFast cho ra mắt tại triển lãm ô tô ở Los Angeles và Las Vegas cuối năm ngoái đầu năm nay, sẽ từ 41.000 USD đến 61.000 USD. Hãng dự kiến bắt đầu giao những chiếc ô tô điện đầu tiên ở thị trường Việt Nam vào tháng 12.

Vingroup đang chuẩn bị cho một đợt IPO bằng việc niêm yết hãng sản xuất ô tô của họ, VinFast, trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay, dự kiến huy động nhiều tỷ đô la cho việc sản xuất tại Hoa Kỳ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2022 

31/3/2022 

Công nhân Việt Nam.

Công nhân Việt Nam. 

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP) hôm 30/3 thông báo trên Facebook rằng Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. 

Tin cho hay, tính chung quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%.

Theo VGP, Việt Nam có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện; diện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ trợ khác; dệt may; giày dép.

Theo trang web của Trung Tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương, Việt Nam “đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ”.

Trang này nói rằng trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, nông sản, thuỷ sản, đồ nội thất, trang trí… “chiếm vị thế hết sức quan trọng” vì “đây là các nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và Mỹ có nhu cầu lớn”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 8/3 dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương".

Tin cho hay, ông Chính đã “đề cập 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số”.

"Tôi vui mừng trước kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Amcham, theo đó, có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ và sự năng động của doanh nghiệp hai nước", ông Chính nói, theo VGP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét