Phân tích của Đinh Việt Thành
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc đầu tư và xây dựng đang thua lỗ nặng nề /AFP
Lào sắp vỡ nợ
Lào là quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai con đường (BRI) nhưng hiện nay đang lâm vào tình trạng phá sản khi giá dầu tăng cao và đồng nội tệ mất giá mạnh hiện nay khiến cho nhiều nơi thiếu hụt nhiên liệu. Tuy nhiên, điều khiến Lào lo ngại nhất là nợ quốc gia cao ngất ngưỡng, trong khi dự trữ tiền mặt đang dần cạn kiệt.
Nền kinh tế Lào với dân số 7,5 triệu người đang khủng hoảng nặng nề. Dự trữ tiền mặt ngày càng ít đi, lạm phát không ngừng gia tăng có thể khiến cho Lào trở thành quốc gia vỡ nợ tiếp theo của châu Á sau Sri Lanka.
Phó Chủ tịch Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s Anushka Shah cho biết: “Lào đang ở bên bờ vực vỡ nợ” (1). Ngày 14/6, Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Lào xuống mức “Caa3” (chất lượng tín dụng kém và rủi ro rất cao) với lý do quản trị kém, nợ nần nghiêm trọng, hơn nữa dự trữ ngoại hối không đủ để thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn (2).
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến tháng 12/2021, dự trữ ngoại hối của Lào đạt 1,48 tỷ USD (3), nhưng đến năm 2025, tổng nợ nước ngoài Lào phải trả hàng năm đã xấp xỉ con số này, nghĩa là khoảng 1/2 tổng thu nhập quốc nội (4).
Trong một năm qua, giá đồng kip của Lào giảm 36% so với USD. Bên cạnh đó, Lào cũng đang đối diện với tình hình lạm phát cao từ năm 2014 đến nay, chạm mức 13% vào tháng trước. Đây là một đòn giáng mạnh đối với quốc gia có hơn 1/3 dân số sống dưới mức trung bình thấp. Một số chuyên gia nhấn mạnh, thâm hụt tài khoản vãng lai nhiều năm đồng nghĩa với việc Lào thiếu USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Do đồng nội tệ liên tục mất giá, nên Lào không thể nhập khẩu nhiên liệu đầy đủ, nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, người dân xếp hàng dài chờ đợi ở các trạm xăng. Truyền thông địa phương cho biết, mỗi tháng Lào cần 120 triệu lít nhiên liệu mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng số lượng nhập khẩu thực tế chưa đến một nửa so với nhu cầu.
Năm 2021, nợ công của Lào đạt 14,5 tỷ USD, trong đó khoảng 1/2 là do Trung Quốc nắm giữ. Ngay từ năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, nợ công của Lào cao, rủi ro vỡ nợ rất lớn.
Ảnh chụp màn hình TV hôm 16/10/2021 cho thấy toàn cảnh bên ngoài nhà ga xe lửa ở Vientiane, Lào, nơi Trun gQuocos đầu tư xây dựng tuyến đường sắt trị giá sáu tỷ đô la. AFP
Câu chuyện vỡ nợ của Srilanka
Lào không phải là quốc gia duy nhất trong BRI rơi vào khủng hoảng kinh tế như vậy. Cách đây không lâu, Sri Lanka - một quốc gia Nam Á cũng nằm trong BRI đã bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập. Quốc đảo này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng quan trọng, cũng như tình trạng thiếu trầm trọng lực lượng tuần tra, thuốc men và dự trữ ngoại hối trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán diễn ra nghiêm trọng.
Khủng hoảng tài chính dẫn đến sự phẫn nộ của công chúng và các cuộc biểu tình bạo lực chống lại chính phủ cầm quyền, buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và Nội các phải từ chức và một Thủ tướng mới được bổ nhiệm.
Sự hỗn loạn kinh tế của Sri Lanka không phải là một tai nạn đơn thuần mà là kết quả của một loạt các chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ. Tình trạng bất ổn do cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Sri Lanka hiện đã dẫn đến việc áp đặt tình trạng khẩn cấp chính trị đối với hòn đảo này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này và trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích là phải chịu trách nhiệm một phần cho khoản nợ nước ngoài ngày càng lớn của Sri Lanka, cũng như hành vi lợi dụng sau đó như hợp đồng thuê cảng Hambantota trong 99 năm và hàng nghìn hecta đất nông nghiệp xung quanh cảng. Trong thập kỷ qua, chính phủ Sri Lanka thực hiện rất nhiều dự án lớn không cần thiết như cảng biển Hambantota, sân bay quốc tế Rajapakse, thành phố Colombo của Trung Quốc và một số đường cao tốc bất khả thi được các nhà phê bình gọi là dự án "voi trắng".
Trong khi hầu hết các dự án này không mang lại lợi nhuận, chúng đã được thực hiện bằng các khoản vay lãi suất cao từ Trung Quốc. Chính phủ cũng thu về 9 tỷ USD từ thị trường quốc tế để đổi lấy trái phiếu nợ có bản chất ngắn hạn và đi kèm với lãi suất cao hơn gần 8%. Kết quả là tổng nợ nước ngoài của đảo quốc này lên tới 51 tỷ USD, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ là 80 tỷ USD. Do đó, Sri Lanka không trả được khoản vay trị giá gần 8 tỷ USD và buộc phải tuyên bố phá sản (5).
Năm 2021, tổ chức nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD), Viện kinh tế thế giới Kiel và Viện kinh tế quốc tế Peterson đã công bố một báo cáo nhấn mạnh, giai đoạn 1999-2020, chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã ký 100 hợp đồng ở 24 quốc gia đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Đông Âu…, bao gồm các điều khoản bảo mật vô cùng rộng rãi, khiến các nước vay nợ không thể tiết lộ sự tồn tại của khoản vay, khó nhận được các khoản vay và viện trợ cả các nước khác, làm cho những nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc (6).
Cơ chế hợp tác không minh bạch này cũng trở thành tiêu điểm để các giới bên ngoài công kích BRI. Michael Bennon, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford và nhà kinh tế chính trị nổi tiếng gốc Nhật Bản Francis Fukuyama đã đăng bài viết “Bình luận chính sách kinh tế của Oxford” trên tạp chí kinh tế (The Economic Journal), liệt kê chín trường hợp tranh chấp hoặc đàm phán lại về BRI ở Montenegro, Sri Lanka, Pakistan…, nhấn mạnh rủi ro đạo đức mà Trung Quốc đối diện trên thực tế là sau khi hoàn công các dự án cơ sở hạ tầng, các nước vay nợ lấy lý do không có khả năng thanh toán để yêu cầu đàm phán lại (7).
Việt Nam học được gì?
Câu chuyện vỡ nợ của Lào và Srilanka đã cho thấy những mặt trái trong các dự án đầu tư khổng lồ trong BRI của Trung Quốc. Tại Việt Nam, mấy ngày gần đây, báo chí cho biết đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau hàng chục năm xây dựng kéo dài, tháng 11/2021 đã đi vào hoạt động. Nhưng cho đến nay, dự án đường sắt này vẫn đang lỗ vốn nặng nề (8). Điều này chứng tỏ dự án này không có hiệu quả kinh tế.
Ngoài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ra, còn rất nhiều dự án với Trung Quốc có thể nằm trong BRI nhưng không được Chính phủ Việt Nam công khai thông tin. Nghĩa là có rất nhiều khoản nợ “kín” của phía Việt Nam đối với các doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc.
Những bài học sai lầm của Lào và Srilanka đã cho thấy những nguy cơ khi điều hành chính phủ mà vướng vào những khoản nợ với Trung Quốc, mà công chúng không hề nắm được thông tin, do chính phủ không minh bạch các thông tin đầu tư này.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn trong phạm vi an toàn, báo cáo hồi đầu năm của Ngân hàng thế giới cho biết nợ công của Việt Nam năm 2020 chiếm 56,9 % GDP, đây cũng là mức gần tới mức báo động đỏ.
Báo chí Việt Nam từ năm 2017 cho biết: “Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đưa ra hồi năm 2014, trong tổng số 62 dự án xi măng của Việt Nam triển khai theo hình thức BOT, có tới 49 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Tương tự, có tới 16/27 dự án BOT nhiệt điện do các công ty của Trung Quốc làm tổng thầu. Trong khi đó, hầu hết dự án đều chậm tiến độ từ vài tháng cho tới vài ba năm và chất lượng thiết bị không đồng đều. Số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cũng cho biết tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Trong đó, chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim, đáng chú ý, có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, với giá trị hàng tỷ USD.”
Tuy nhiên, cho đến nay, số phận các dự án do Trung Quốc đầu tư này ra sao thì cũng không thấy ai nhắc tới.
Điều đáng chú ý là một trong các điều kiện để nhận vốn vay của Trung Quốc theo chương trình BRI, các nước phải chấp nhận thuê các tổng thầu là công ty nhà nước Trung Quốc, thậm chí chấp nhận đưa các công nhân Trung Quốc vào làm việc.
Tính đến tháng 11/2020, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 18 tỷ USD vào Việt Nam với khoảng 3.087 dự án. FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam còn lớn hơn nhiều lần số liệu thống kê, lý do là các nhà đầu tư Trung Quốc và nguồn vốn đầu tư liên doanh liên kết, góp vốn (bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc…) ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực là rất nhiều. Tuy nhiên, tất cả những thông tin chi tiết đều không được công khai để người dân biết.
Hàng loạt các vụ bắt bớ các nhân vật cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy tham nhũng trong bộ máy của đất nước này đến cỡ nào. Và trong các vụ án tham nhũng tày trời đó, có bao nhiêu liên quan đến Trung Quốc? Nếu không có giải pháp hữu hiệu và minh bạch các thông tin về các dự án đầu tư từ Trung Quốc, thì ngày Việt Nam nối gót Lào và Srilanka là không còn xa.
https://www.rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét