Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Nguyễn Mạnh Hùng - Phỏng vấn Nguyễn Ngọc Huy. Phần 3. Hết

Bài phỏng vấn gồm 3 phần.

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2022/06/Screen-Shot-2022-06-20-at-9.25.07-PM-e1655785667565.png


NNH: Thì tôi nghĩ như vậy.

NMH: Bởi vì nếu anh có chính quyền thì anh không bị giết lúc đó.

NNH: Bởi vì lúc đó mà nếu cướp chính quyền mà Bảo Đại trao quyền cho họ đó thì mình không mất cái, không khai thác được cái thế gọi là thế hợp pháp chính quyền để mà được đa số dân chúng theo. Nghĩa là hồi đó nếu mà so sánh lực lượng của các đoàn thể thì Cộng Sản yếu hơn các đoàn thể Quốc Gia. Nhưng mà nhờ nó khai thác được cái khối quần chúng theo chính phủ hợp pháp mà thành ra mình phải thành yếu hơn nó.

NMH: Thế các đảng phái Quốc Gia thì còn có ưu điểm nào trong giai đoạn đó, có ưu điểm gì không?


NNH: Ưu điểm thì có thể nói là đông người hơn, hi sinh cũng đâu thua Cộng Sản. Người giỏi cũng không thua nhưng mà vấn đề là tại thiếu chính quyền, thiếu đoàn thể, thiếu cái sự mà đồng tâm nhất trí với nhau và xung đột với nhau. Rồi nhiều khi sai lầm là bây giờ chính nhiều hệ phái rồi đâm ra đã giết nhau nhiều hơn là giết Cộng.

NMH: Thưa anh, cái về sau này đó, khi mà ông Bảo Đại về rồi đó thì các đảng phái, một số các đảng phái Quốc Gia cũng đã có quyền trong giai đoạn Bảo Đại, thế tại sao lại bảo không có chính quyền?

NNH: Nó rủi là bởi vì ông Bảo Đại ông lại đi với Pháp nhiều quá mà không biết đòi quyền thực sự đối với Pháp. Pháp nó lợi dụng Bảo Đại làm bù nhìn, mà nó không chịu trả quyền cho ông. Mà ông lại không cương quyết đi với bên Quốc Gia để mà đòi cho được quyền, Pháp biểu sao ông chịu làm vậy thôi. Vì vậy mà thành ra mới lại chính những, hồi đó thì Việt Quốc đâu ủng hộ ông Bảo Đại, chỉ có tụi tôi thôi. Nhưng mà rồi chúng tôi làm vậy mà Bảo Đại không hề giúp đỡ bên Quốc Gia. Ông Bảo Đại thì lại muốn phân hoá để ông ngồi ông hưởng chức vị của ông, chứ ông không thành thật mà đặt vấn đề quyền lợi quốc gia.

NMH: Thưa anh, giờ trở lại cuộc đời cá nhân của anh trong cái khung cảnh hoạt động chính trị Việt Nam. Thì là đến năm 1950 về sau này anh hoạt động trong Nam nhiều lắm, đến năm 53 trở đi là anh hoạt động rất nhiều. Thì sau đó là cái chuyện gì xảy ra? Năm 53 sau khi mà anh đi máy bay về miền Nam – Tân Sơn Nhất đấy thì anh phải đi, có lẽ anh phải đi trốn phải, để khỏi bị bắt?

NNH: Lúc đó thì chưa, tôi về, lúc đầu tôi về nhưng tôi nói hai năm tôi động viên, tôi vô quân đội, phải không? Rồi tôi giải ngũ năm 55, năm 55 giải ngũ rồi, tôi mới trốn sang Pháp.

NMH: Tại sao anh phải làm vậy? 

NNH: Bởi vì lúc tôi là hạng thi không đủ sức khoẻ tòng quân, mà lúc đó ông ông Hinh ông cần nhiều quá, thành ra ông bắt nghĩa là kể cả những người yếu sức để vô mà làm việc văn phòng, thế cho mấy anh đủ sức khỏe anh ra mặt trận.

NMH: Dạ, thế 55 là giải ngũ, rồi anh trốn sang Pháp?

NNH: Trốn, trốn sang Pháp.

NMH: Trốn là bởi vì lý do là anh liên lạc với ông Nhu?

NNH: Là tôi, lúc đó ông Diệm cầm quyền mà làm chế độ độc tài, rồi anh em cho biết là tôi ở lại thế nào cũng bị bắt. Mà bị bắt thì chắc là cũng không có lợi gì, thành ra bảo thôi thì trốn đi ra ngoài cho nó… Lúc đó anh Hoàn đã đi Pháp rồi, thành ra tôi qua bên để phụ với anh Hoàn.

NMH: Thế là anh sang Pháp phụ anh Hoàn, đồng thời anh đi học luôn, có phải không?

NNH: Tôi đi học luôn. 

NMH: Thế rồi đến giai đoạn nào thì anh trở lại, xin anh cho tiếp tục cái …

NNH: Dạ, nói thật ra thì tôi, lúc đầu định tính ông Diệm không ở lâu như thế, đến khi mà tôi sang Pháp tôi học mà tôi ghi tên tôi học cái trường mà ngắn nhất là trường … trường Khoa học Chính trị. Hồi đó có ba năm là tốt nghiệp, thì mình tính có ba năm nhưng mà sẵn dịp học luôn luật khoa. Nhưng mà khi ba năm ông Diệm chưa rớt thì tôi tiếp tục luật khoa, rồi lên cao học, rồi làm tiến sĩ luôn. Cũng may là tôi lấy bằng tiến sĩ hồi tháng 6/63 thì tới tháng 11, ông Diệm rớt. Chính ông Diệm rớt trước chắc tôi cũng không đợi…có tiến sĩ.

NMH: Thưa anh, nhưng mà cái chuyện mà ông Diệm rớt thì thì đảng Đại Việt có dính tay vào trong không?

NNH: Có chứ. Chúng tôi có tham dự cái cuộc đảo chính hụt 60. Đảo chính hụt 60 là do anh anh Vương Văn Đông làm nhưng mà trong đám sĩ quan thì có anh em tụi tôi. Rồi tới năm 63 thì anh em tham dự nhiều trong cuộc đảo chánh.

NMH: Như vậy anh có thể nói là đảng Đại Việt có một cái quá trình tranh đấu chống độc tài không?

NNH: Ít ra là xứ bộ miền Nam.

NMH: Trước hết là quá trình chiến đấu chống thực dân trước đã này, phải không?

NNH: Chống thực dân, chống Cộng Sản, còn chống lại chế độ độc tài đó thì riêng xứ bộ miền Nam chống. Xứ bộ miền Trung thì chống những người, những đoàn thể, những người không phải Đại Việt, chứ không phải là chống độc tài (cười).

NMH: Thế chống Diệm hay chống độc tài, thế có cái dịp nào để, cái giai đoạn năm 1963, cái năm 64, có lẽ đảng Đại Việt được cái dịp để thi hành chính sách của mình?

NNH: Được dịp đó… Chúng tôi đã, thứ nhứt là chính chúng tôi đã thực hiện một cái, một cái chính phủ đoàn kết quốc gia. Xong chúng tôi mời, chính tôi đích thân mời anh Bùi Tường Huân và anh Trần Quang Thuận đại diện Phật Giáo đi vô chính quyền. Chúng tôi, bên phía bên Việt Quốc chúng tôi mời anh Phạm Thái, chúng tôi có mời bên phía Hòa Hảo là ông Nguyễn Gia Hội, có mời bên phía Cao Đài là ông Lê Văn Hoành. Có thể nói là hồi đó là chủ trương chúng tôi làm chính phủ đoàn kết quốc gia và đồng thời làm cái Lực lượng Quốc gia Thống nhứt là gom các đoàn thể lại, với kế hoạch như tôi nói là tạo cái tình thương yêu giữa người cấp dưới với các đoàn thể, để đi tới một cái, một cái nhóm Quốc Gia thật sự. Nhưng mà rủi lớn người Mỹ không chấp nhận. Và người Mỹ mới là thúc đẩy ông Khánh để mà lên làm độc tài thì chúng tôi bắt buộc phải chống lại ông Khánh.

NMH: Có một câu mà người ta thường nói là cái Hiến chương Vũng Tàu do ông Bông viết?

NNH: Tôi thì tôi không nghĩ là anh Bông viết, cái người mà viết Hiến chương Vũng Tàu đó là ông Trần Chánh Thành và ông Sullivan. Anh Bông lúc đó là Viện trưởng Quốc gia Hành chánh, thành ra ông Khánh mời với tư cách Viện trưởng để mà đọc cái hiến chương đó thôi. Chứ nói là anh Bông viết thì tôi không nghĩ như vậy, bởi cái người mà viết là Trần Chánh Thành và ông Sullivan. Và vì Trần Chánh Thành ảnh hưởng của Đệ nhất Cộng hòa cho nên viết hiến chương theo xu hướng của Đệ nhất Cộng hòa. Tôi không nghĩ là anh Bông chấp nhận. 

NMH: Như vậy anh nghĩ rằng là người Mỹ không đồng ý với giải pháp của đảng Đại Việt?

NNH: Không.

NMH: Thành ra đảng Đại Việt …

NNH: Lúc đó người Mỹ muốn một cá nhân cầm quyền, chứ không muốn dựa vào đoàn thể. Người Mỹ sợ các đoàn thể mạnh bởi vì đoàn thể mạnh có thể sẽ không nghe lời Mỹ. Người Mỹ muốn một cá nhân dễ bảo.

NMH: Thưa anh, thế như vậy sau đó thì đảng Đại Việt làm gì?

NNH: Thì chúng tôi mới…

NMH: Anh cho biết là lúc nào Đại Việt biến thành Tân Đại Việt, cái lý do, hoàn cảnh, năm?

NNH: Cái lý do… năm 64, là vì lúc đó ông Khánh mới loại anh Hoàn ra khỏi chính quyền, rồi bắt anh Hoàn với tôi phải ra khỏi nước Việt Nam. Thì tôi phải đi ba tháng, tôi đi ba tháng là từ tháng 9, cho tới, tháng 8, tháng 9, tháng 10, cuối tháng 10 tôi về. Thì trong khi tôi đi đó, ở nhà anh Hà Thúc Ký anh mới là rải truyền đơn, anh loại anh Hoàn với tôi ra khỏi Đại Việt Quốc Dân Đảng. Anh nói anh Hoàn với tôi là phản đảng.

NMH: Tại sao, lý do?

NNH: Bởi vì tôi định, tụi tôi chủ trương phải kết hợp đoàn thể khác, tại anh, khi mà chỉnh lý ông Minh rồi, thì anh anh Ký anh chủ trương là bây giờ Đại Việt cướp chánh quyền, Đại Việt sử dụng một mình chứ không phải đi với ai hết. Tôi chủ trương, tôi nói là không chơi.

NMH: Tức là cái mà đảo chính ông Minh, Đại Việt coi là Đại Việt cướp chính quyền, có phải không ạ?

NNH: Chúng tôi làm, miền Nam làm, bởi anh…

NMH: Cho là như vậy đó, tức là…

NNH: Không, chúng tôi tham dự nhiều nhứt trong việc đó thì chúng tôi ảnh hưởng nhiều nhất trong vấn đề thành lập chính phủ. Khi thành lập chính phủ thì ông Ký đã phản đối, anh Ký không muốn cho mình hợp tác với đoàn thể khác. Thứ nhì khi mà anh Hoàn làm cái Lực lượng Quốc gia Thống nhất đó, anh Ký không cộng tác. 

NMH: Lực lượng gì ạ?

NNH: Lực lượng Quốc gia Thống nhất đó. 

NMH: Vâng.

NNH: Thì anh Ký không hợp tác. Rồi sau đó thì một cái, một vấn đề nữa là khi mà anh Ký được đưa làm Tổng trưởng Nội vụ đó thì anh tự động anh thả cái anh Tàu của nhà hàng Đồng Khánh. Anh đó là trước bị bắt vì tội mà buôn tiền. Cộng Sản hồi đó phải dùng tiền miền Nam, thì anh này anh mới là lấy đô la của Cộng Sản ở bên Hồng Kông, rồi anh mới cung cấp tiền Việt Nam ở miền Nam cho Cộng Sản hoạt động. Vì thế mà bị ông Diệm bắt, bắt rồi khi mà ông Diệm rớt thì anh bị nhốt. Thì anh Ký khi mà anh làm Tổng giám đốc Nội vụ đó thì anh nhờ anh chạy chiếc xe, rồi anh xách xe anh chạy liền chỗ khác anh thả anh ta ra. Thả anh ta ra, khi mà phiên họp đầu tiên nội các, anh Nguyễn Khánh anh mới đặt vấn đề, anh nói, anh Tàu này như vậy như vậy mà tại sao ông Tổng trưởng lại thả mà không, đáng lẽ là phải bàn với nội các, mà anh tự động thả. Thì ông Ký ông nói, tôi ở tù tám năm thời ông Diệm, tôi biết là người ở tù bị oan ức thì ở tù cực khổ cho nên thành ra tôi phải thả. Thì anh, ông Khánh ông nói là, ý ông nói, không nói rõ ràng, nhưng ý anh nói là anh lấy tiền anh thả, chứ không phải là…

Mà vấn đề này là vấn đề bậy, ông Ký về có chủ trương đảo chánh nữa, chủ trương đảo chánh nữa. Thì tôi nói anh em thì tôi nói là năm 64 là năm mà Mỹ bầu cử Tổng thống. Mà hồi năm 63, ông Diệm bị lật mà Mỹ giúp, còn giúp miền Nam mình là cái may, chỉnh lý ông Minh mà họ giúp lần nữa đó là may. Bây giờ đảo chánh lần nữa là Mỹ có thể bỏ, bởi vì lúc đó dư luận Mỹ có thể bắt đầu nó chán, nó nói là đảo chánh hoài. Thành ra tôi không chịu, không chịu thì ông Ký mới làm kế hoạch đảo chánh với Đặng Thanh Liêm — anh này là người của ông Khánh gài. Bởi vì lúc đó, chính tụi tôi miền Nam mới có lực lượng để đảo chánh, ông Ký rủ thì tôi không chịu, ông mới ra rủ người ngoài thì rủ Đặng Thanh Liêm là một người của ông Khánh. Ông thấy ông Ký vậy, ông ấy nghi, mới cho Đặng Thanh Liêm tới làm kế hoạch đảo chánh với ông Ký. Đặng Thanh Liêm mới đem đưa cho ông Khánh, rồi ông Khánh ông mới đặt vấn đề với anh Hoàn thì tụi tôi nói thôi, để cho ông Ký từ chức. Nhưng mà chúng tôi vẫn sắp xếp cho anh Đoàn Thái đó là Đổng lý văn phòng ở lại làm cho ông Tổng trưởng mới là ông Lâm Văn Phát. Nhưng mà anh Ký vẫn không hài lòng và anh Ký vẫn cho là tụi tôi, tại sao trong vụ này lại bênh Khánh mà không bênh anh. Chúng tôi nói vấn đề mình phải công bằng bởi vì anh làm sai mình không bênh được thì anh lại cho chúng tôi là như vậy không trung thành với Đảng. Nhất là khi mà làm cái Lực lượng Quốc gia Thống nhất, anh không đồng ý. Thì khi mà anh Hoàn – tôi đi, ở nhà thì anh nói là, tự động anh nói là anh trục xuất anh Hoàn với tôi ra khỏi đảng. 

Khi tôi về đó là cuối tháng 10 đầu tháng 11 thì tôi họp anh em lại, tôi nói bây giờ trong tình trạng này thì mình với anh Ký không thể hợp tác được với nhau nữa. Nhưng mà tôi rút kinh nghiệm chỗ anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng đó, tranh nhau cái tên mà giết nhau bởi anh nào cũng tự xưng mình là Việt Nam Quốc Dân Đảng và phải cho mình có lý khi mình dùng tên đó anh, anh kia không có quyền dùng, anh kia là ngụy, anh kia là phản cách mạng, mình với cách mạng. Thị nội cái giành cái tên không thì giết nhau, rồi sao mà hoạt động khá được. Tôi nói thôi bây giờ mình phải dứt khoát, ha. Tôi nghĩ bây giờ mình đặt cái tên đảng mới đi. Tại vì nhường cái tên Đại Việt Quốc Dân Đảng cho anh làm việc anh làm, chứ mình ở lại mình tranh giành tên đó là chuyện không lợi gì cho quốc gia, dân tộc, mà không có lợi cho ai hết đó. Và lập cái đảng mới, thì anh em mới nói thì dù muốn dù không thì nhiều anh em đã chết với cái tên Đại Việt rồi, bỏ luôn không đành. Thành ra bọn tôi làm giải pháp dung hòa là lập đảng Tân Đại Việt, đó là tháng 11/1964. Từ đó tôi không bao giờ gặp anh Ký, anh đi đường anh, mình đi đường mình, hai bên không quyết dính dánh nhau nữa, việc anh làm, việc mình mình làm, thành ra mới là cái Tân Đại Việt.

NMH: Thưa anh, cái lúc mà làm Tân Đại Việt trở thành, trước khi mà có Tân Đại Việt, cái vai vế của anh trong Đảng là sao, đảng tổ chức ra sao, ở miền Nam anh đóng vai trò gì? 

NNH: Tôi đó thì là ủy viên thương quyết của xứ bộ miền Nam, tôi đồng thời thì…

NMH: Từ hồi nào?

NNH: Từ hồi gặp anh anh Hướng đó, 47. Sau đó thì tôi là đại diện của miền Nam ở trong Trung ương. Bởi vì mỗi năm một phái đoàn đi thì tôi là đại diện miền Nam trong Trung ương. Khi mà sau năm 1964, khi mà lật ông Khánh rồi thì mới họp lại bàn vụ mà tổ chức Trung ương cho chặt chẽ hơn. Thì lúc đó lập trường của tụi tôi đó, là mỗi xứ bộ lúc đó thì nhìn nhận xứ bộ miền Bắc của anh Nguyễn Quốc Xủng thì chúng tôi chủ trương là mỗi một xứ bộ đề cử 3 hay là 5 người làm cái Trung ương 9 hay 15 người. Rồi anh Ký thì chỉ có 3 người thôi là anh với lại anh Xủng, với anh Hoàn là 3 người làm Trung ương thôi. Chúng tôi không chịu bởi vì lúc đó anh Xủng với anh Ký lại đồng ý với nhau về vấn đề không chia quyền cho đoàn thể khác, không chịu đi hợp tác với đoàn thể khác. Nếu 3 người mà 2 người hợp lại còn anh Hoàn một mình anh thì nhất định chúng tôi bắt buộc phải theo chính sách mà chúng không thể nào chúng tôi chấp nhận được. Chúng tôi nói thà là nếu mà một cái hội mà 9 hay 15 người thì mình thuyết trình trước đám đông thì anh em khác có thể chấp nhận. Bởi vậy nếu hai ông đã họp nhất quyết vậy rồi thì 3 người không, chúng tôi không chịu 3 người, chúng tôi gọi một Trung ương phải là 9 hay 15 người. Thì anh Ký cũng không chịu nên thành ra việc đó nó không thành, lại kéo dài cho tới khi mà anh Hoàn với tôi bị ông Khánh bắt buộc rời khỏi Việt Nam. Thì anh Ký kể từ đấy mới làm ra cái văn thơ và kể từ đây trục xuất tụi tôi ra khỏi Đảng. Tôi có dứt khoát tôi nói, vậy thôi bây giờ mình làm riêng cái Tân Đại Việt cho nó dễ. Từ đó thì chúng tôi mới bắt đầu thu phục người ở miền Trung. Trước đó, vấn đề vì kính trọng cái chủ trương mà phân địa phương đó, chúng tôi không có thâu nhận người ở miền Trung. Từ năm 64, Tân Đại Việt mới là thâu nhận anh em đảng viên ở miền Trung.

NMH: Thì lúc bấy giờ anh trở thành…

NNH: Thì lúc đó tôi là là Tổng bí thư của Tân Đại Việt.

NMH: Vâng, thưa anh, cái Đảng trước kia đó, cái hồi mà trước khi là Tân Đại Việt đó thì xứ bộ miền Nam tổ chức ra sao?

NNH: Thì tổ chức là một xứ bộ gồm có nhiều…

NMH: Tức là từ hồi mà anh đảo chính anh Hướng thì tổ chức ra sao, ở trên có cái gì, có bao nhiêu người chỉ huy?

NNH: Cái xứ bộ miền Nam thì có nhiều người, cũng ít thôi nhưng mà hơn mười người họp lại làm cái ban chấp hành. Ban chấp hành đó thì cũng được mấy anh, đại hội mấy anh, của mấy đại diện các tỉnh hợp tác lại để bầu ra. Thì chúng tôi làm cái chế độ mà gọi là chế độ dân chủ từ 47 trở về sau. Nghĩa là mỗi tỉnh bộ đều đưa một số người ra, họp lại làm đại hội, rồi đại hội bầu ra cái ban chấp hành. 

NMH: Thế còn tỉnh bộ thì sao?

NNH: Thì tỉnh bộ cũng vậy, tỉnh bộ thì cấp dưới họ bầu lên.

NMH: Từ dưới họ bầu, từ dưới bầu lên trên, tức là từ chi bộ bầu lên. Anh cũng tổ chức thành chi bộ?

NNH: Cũng theo chi bộ, khu bộ.

NMH: Chi bộ có lớn không, hay là chỉ ba, bốn người như ngày xưa?

NNH: Chỉ bộ thì cũng nguyên tắc thì cũng giữ truyền thống, giữ bốn người thôi nhưng mà trên chi bộ là liên chi bộ, rồi khu bộ, nhứt chỗ nào mạnh lại lên liên khu bộ, rồi mới lên tỉnh bộ. Hoặc là giả thường thường cái khu bộ là thượng bộ đó.

NMH: Khu bộ, thuợng bộ?

NNH: Nói tóm lại là chi bộ là là xã bộ nhưng mà nếu nhiều thì làm liên chi bộ.

NMH: Tức cái giai đoạn mà anh có nghe gì về Đại Việt Duy Dân không anh?

NNH: Biết nhiều lắm chứ, anh em Đại Việt Duy Dân thì chúng tôi biết là từ 45 là biết có Duy Dân. Nhưng mà Duy Dân với bên Đại Việt làm việc khác nhau. Thứ nhứt là về Chủ nghĩa Duy Dân thì có tính chất là triết lý nhiều hơn là chính trị và xã hội. Còn Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn là chủ nghĩa đặt nặng vấn đề chính trị và xã hội. Chủ nghĩa Duy Dân thì đặt nặng về triết lý. Kỹ thuật làm việc thì Đại Việt Quốc Dân Đảng, về sau Tân Đại Việt chủ trương cán bộ thì lấy cán bộ huy động quần chúng. Còn bên Duy Dân họ lại chen vào những tổ chức tôn giáo đã có, để mà dùng tổ chức tôn giáo đó làm lực lượng của mình. Thành ra hai đó làm việc khác nhau. 

NMH: Như vậy anh, tổ chức Duy Dân họ có đảng nào không, họ không có tổ chức đảng?

NNH: Từ khi mà ông Lý Đông A chết đi đó thì họ cũng rời rạc, họ không ai nghe ai, mà không ai dám đại diện Duy Dân hết. Bởi vì lúc mà anh nhớ, lúc mà tôi giáo sư ở Quốc gia Hành chánh đó thì dạy cao học đó, tôi có một cái hội thảo về Chủ nghĩa Chính đảng, tôi có mời bên Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc đó là anh – anh gì bây giờ ở bên Úc Đại Lợi – tôi quên tên, nha. Thì anh thuyết trình lúc đó thì bên Việt Quốc không theo Tam dân Chủ nghĩa nữa, mà có chủ nghĩa mới là Thế Quân Bình Động.

NMH: Quân Bình Động?

NNH: Quân Bình Động, ông thuyết trình về cái chủ nghĩa Thế Quân Bình Động của bên, của của bên đó. Tôi thuyết trình về Dân tộc Sinh tồn. Tôi mời nhiều người để mà thuyết trình Duy Dân, không ai dám nhận hết, Thái Lăng Nghiêm không nhận, thành ra bữa đó không có thuyết trình chủ nghĩa Duy Dân. 

NMH: Thưa anh, tức là chủ nghĩa Duy Dân theo anh, tức là nặng về vấn đề lý thuyết và không tổ chức cán bộ.

NNH: Nặng về… nặng về triết lý.

NMH: Triết lý mà không tổ chức cán bộ.

NNH: Cán bộ, cán bộ họ thì họ có cán bộ nhưng mà cán bộ họ không có tổ chức thành hệ thống đảng và huy động quần chúng. Mà lại cán bộ họ vô nằm trong những tổ chức tôn giáo đã có, để dùng thế lực trong tôn giáo đó mà hoạt động cho Duy Dân.

NMH: Thế còn bên Quốc Dân Đảng thì là hoạt động cán bộ?

NNH: Quốc Dân Đảng thì là cán bộ như bên Đại Việt.

NMH: Dạ, thưa anh. Anh có cái giải thích nào mà tôi thấy cho đến giờ phút này, rất nhiều anh em trẻ vẫn thấy thích cái chủ thuyết Duy Dân, mà vẫn tin tưởng ông Lý Đông A chưa chết là tại sao?

NNH: Tôi nghĩ là có một số người thiên về…

NMH: Họ cho là chủ thuyết Duy Dân là một cái chủ thuyết duy nhất có thể chống lại Cộng Sản được?

NNH: Tôi thì tôi không nghĩ như vậy bởi vì tôi cho là nó mơ hồ quá, nó triết lý nhiều hơn. Nhưng mà có thể có một số người thích về triết lý nhiều hơn là thích về cái hoạt động chính trị mà…

NMH: Thực tiễn.

NNH: Thực tiễn.

NMH: Dạ, thưa anh nghĩ là như vậy?

NNH: Tôi thì tôi, với tại mình là học về luật, hai nữa là mình chủ trương về vấn đề thực tiễn há, thành ra khi mà tôi xét chủ nghĩa thì thứ nhứt là cái hệ thống triết lý, kế đó là cái phổ biến ra bằng những cái định chế.

NMH: Thưa anh, anh đương nói về sự khác biệt của chủ thuyết Duy Dân.

NNH: Riêng tôi, tôi cho là một cái hệ thống tư tưởng chính trị mà cho hoàn toàn đó, phải có cái nền tảng triết lý, phải đưa tới những định chế chính trị cụ thể, tổ chức như thế nào để mà đạt cái mục tiêu triết lý của mình. Thì rồi thứ ba là phải liên hệ xã hội để mà thực hiện cái định chế đó. Ba khía cạnh đó hợp lại mới thành ra một cái, một cái hệ thống hoàn mỹ. Chứ bên Duy Dân; cũng như là trong chủ nghĩa Cần lao Nhân vị của ông Ngô Đình Nhu thì đặt vấn đề triết lý rất hay nhưng mà không có định chế chính trị cụ thể để thực hiện đó. Mình không thể hình dung được cái xã hội diễn ra như thế nào. Nói chuyện triết lý thì hay lắm, nghĩa là nhiều từ ngữ nghe hay lắm nhưng mà cụ thể anh làm sao để thực hiện thì không có nói. Chế độ nào? Như chúng tôi chủ trường là phân quyền đàng hoàng, y như là mấy nước Tây phương bởi vì muốn có tự do phải có phân quyền. 

NMH: Nhưng mà thưa anh, về phương diện như vậy, về cái chủ trương của bên Đại Việt đó, là dân tộc này, rồi phân quyền thì có dân chủ này, có phải không anh, có cải cách xã hội nữa, có phải không ạ? Thế về phương diện kinh tế thì chủ trương cái gì?

NNH: Kinh tế dĩ nhiên là kinh tế gọi là kinh tế mà kế hoạch nhu tính, chấp nhận cái sự tự do kinh doanh nhưng mà hạn chế để tránh những sự bóc lột, tránh sự chênh lệch tài sản thái quá. Đồng thời về kế hoạch thì làm kế hoạch nhu tính, tức là định hướng và dùng những biện pháp về tài chánh, về hành chánh để mà khuyến khích người ta đầu tư ngành nào mà tránh ngành nào. Bởi vì ngành nào mình thấy người ta ứ đọng quá rồi thì mình không cho dễ dàng, mình không cho miễn thuế, mình không cho những cái hành chánh dễ dàng, để lái người ta qua những ngành mà thấy là có thể còn phát triển được. 

NMH: Thưa anh, như vậy có khác cái gì, cái định chế tư bản cải cách hiện nay không?

NNH: Không, thì tôi nghĩ là cái tư bản hay nhất bây giờ thì nó cũng gần giống, có thể nói là tạm thời các nước Tây phương bây giờ đều như thế cả, không có nước nào mà hoàn toàn cho tự do kinh doanh nhưng mà đều cái mức độ can thiệp đó, nó khác tùy nước. Thì mức độ can thiệp ở Pháp nhiều hơn là Mỹ chẳng hạn, định chế của Pháp thì cái can thiệp của chính quyền Pháp vào cái đời sống kinh tế nhiều hơn là ở bên Mỹ. Nhưng mà riêng tôi, tôi cho là vẫn phải để cho có cái sáng kiến cá nhân thì mới có thể phát triển kinh tế được. Nhưng mà đại khái như tôi nói là chính phủ nên có một số những cái định hướng. Thí dụ vấn đề kỹ thuật gia chẳng hạn thì phải định trước, mình muốn phát triển ngành nào thì khuyến khích người ta học ngành đó, chứ không phải cho đi học nhiều quá, rồi ra đó thất nghiệp thì không ích lợi gì. Đại khái thì một sự can thiệp nhưng mà can thiệp một cách gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp. Và dùng những cái làm cho người ta tự động người ta theo vì có lợi hơn là bắt buộc người ta phải giỏi lên. 

NMH: Thưa anh, anh có nói rằng các cuộc đảo chánh, phần lớn cuộc đảo chánh mà Đại Việt tham sự vào tại vì Đại Việt có nhiều sĩ quan trong quân đội. Có cái gì giải thích rằng Đại Việt có nhiều sĩ quan trong quân đội, có khuyến khích, có cố, có sự cố tình khuyến khích không?

NNH: Nói thiệt tình thì có thể nói là có, có kế hoạch nhưng mà phần lớn, một phần do sự ngẫu nhiên. Bởi khi mà ông Bảo Đại về nước đó thì Pháp chưa cho lập Quân đội Quốc gia Việt Nam. Và anh Hoàn làm Bộ trưởng Thanh niên đó thì chúng tôi chủ trương là khả năng của Thanh niên Bảo quốc Đoàn rồi, bây giờ tính đào luyện cán bộ thanh niên, để cho họ làm cán bộ bán quân sự. Cho nên trong cái chương trình huấn luyện ở khoá Quyết Tiến đó thì ba phần: phần về thanh niên thể thao, phần về chính trị, và phần về tổ chức xã hội. Thì chúng tôi có sự huấn luyện quân sự lúc đó mời anh Nguyễn Đình Tú này, anh Đặng Văn Đệ này, anh Hải.

NMH: Võ Văn Hải à?

NNH: Không phải Võ Văn Hải, anh Hải ở miền Bắc, chứ không phải anh miền Trung gọi Hải, Hải Nhiệm, cái gì tôi quên họ. Nhưng mà mấy anh đó là mấy anh học trường Đại Việt Lục quân Yên Bái đó, về để huấn luyện quân sự. Thì chủ trương chúng tôi lúc đó là họ ra trường rồi thì bổ nhiệm họ làm những người điều khiển thanh niên ở các tỉnh và các quận. Và họ sẽ tuyển mộ những người thanh niên, và mình sẽ võ trang cho họ để họ đánh nhau với Cộng Sản. Chưa phải là quân đội nhưng mà có thể đánh nhau với tư cách là lực lượng thanh niên. Nhưng mà sau đó thì bị cái vấn đề là như tôi nói là ông Thái Lập Thành, ông Chanson bị chết, chết thì giải tán cái Thanh niên Bảo quốc Đoàn. Thì lúc đó chúng tôi, chúng tôi có số cán bộ mà anh Hoàn lại không còn bộ trưởng nữa, có số cán bộ đào luyện mà không có chỗ dùng. Lúc đó trường Võ bị Đà Lạt mới thành lập, anh em đi học trường Đà Lạt. Do đó cho nên có một số anh em thanh niên hồi đó, họ đi học trường Đà Lạt, rồi họ mới ra họ làm sĩ quan cao cấp. Nhờ đó mà nhóm đầu tiên mà sĩ quan cao cấp của Đại Việt có nhiều hơn là xứ bộ miền Trung và miền Bắc là nhờ cái đó. 

NMH: Thưa anh, bây giờ anh nhìn lại Đại Việt từ trước đó, kể từ, có thể nói từ Bảo Đại trở đi thì có rất nhiều đảng viên như là anh đã nói, đảng Đại Việt chẳng hạn như ông Trí rồi, các ông ấy làm việc với Bảo Đại. Rồi đến thời ông Diệm thì hầu như không còn nữa. Nhưng mà sau khi đảo chánh ông Minh đó thì Đại Việt nhiều lắm, từ hồi ông Hoàn lên, dù cho ông Hoàn xuống rồi, Đại Việt cũng ở trong cái, tham gia nhiều vụ đảo chánh lắm, ở trong quân đội rất nhiều và ngay cả trong quân đội thì ông Thiệu, ông Khiêm là…?

NNH: Có một lúc là Đại Việt.

NMH: Thế thì như vậy có thể nói đó là có hai cái điều, cái sự kiện thứ nhất đó là trong cái lịch sử Việt Nam, phát triển của Việt Nam thì Đại Việt dính dáng nhiều với chính quyền hơn những các đảng khác?

NNH: Đúng.

NMH: Vậy thì cái gì giải thích cái đó, điều thứ nhất, và thứ hai dù Đại Việt dính dáng chính quyền nhiều nhất, mà lại không thực hiện được điều đảng mong muốn. Vì vậy cái gì giải thích hai cái điều đó?

NNH: Điều thứ nhứt đó, tôi cho là cái tư tưởng của Đại Việt nó hợp lý và nó chân thật, đặt những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế phù hợp, có thể nói phù hợp với nguyện vọng của số người có lý tưởng, thành ra thu hút người ta dễ hơn. Hai nữa, một khi đã có người rồi thì thu hút dễ hơn, anh đã có người trong quân đội, thí dụ mình có người cấp tướng ở trong, rủ thì dĩ nhiên mấy ông tá chạy theo dễ hơn nhiều lắm, rủ họ dễ hơn. Đại khái mình đạt cái thế rồi thì mình tạo thế dễ hơn. Đó là cái mà, với lại hai nữa là sự thật, thành thật mà nói thì cái cấp lãnh đạo của Tân Đại Việt là những anh em tốt, những phần tử mà tham nhũng, bê bối chúng tôi không chấp nhận. Như trường hợp anh Hoàn, như tôi nói anh Hoàn là một cái người rất tốt, anh ấy không bào giờ anh làm việc riêng cho anh và rất là kỷ luật. Nên thành ra có thể nói là cái đó cũng là một cái để mà thu hút người ta, đó là cái mạnh. 

Nhưng mà cái yếu đó là vì có một số họ không có trung thành. Giả sử như ông Thiệu tuyên thệ vào Đại Việt nhưng mà khi thấy là Mỹ không chấp nhận Đại Việt thì ông lờ lờ, rồi ông đi làm chơi trò cá nhân. Ông Khiêm thì ông lại người của Hà Thúc Ký, chứ đâu phải là người của miền Nam. Thành ra ông Khiêm, ông lại đi với Hà Thúc Ký, hai nữa ông Khiêm ông là tham nhũng. Thành ra có một số người mà vì tham nhũng mà họ không thể đi với Tân Đại Việt. Rồi thứ ba là việc Mỹ không chấp nhận, chứ kể hồi đó mà Mỹ chấp nhận cái lập trường tụi tôi, yểm trợ cho anh Hoàn làm, hồi lúc anh làm Phó thủ tướng phụ trách Bình Định đó, Đại Việt có thể mạnh lên và có thể cứu nước được. Cái rủi là Mỹ không chịu và Mỹ lại dùng những người tham nhũng để mà trừng trị, để mà phá tụi tôi. 

Còn vấn đề đảo chánh đó thì sau năm 65, khi mà ông Khánh đi rồi đó thì tôi mới họp anh em, tôi nói: Bây giờ đó, thấy rõ là Mỹ không chấp nhận cho một chính đảng Quốc Gia như Đại Việt cầm quyền. Mà bây giờ thế nước Việt Nam không có Mỹ không được, bây giờ mình chống họ thì bất lợi cho nước mình chứ không lợi gì hết. Thôi bây giờ thì mình phải chấp nhận cái giải pháp là mình lãng xuống mình làm, yểm trợ vào mà không, tôi nói là bây giờ tốt nhất không đảo chính nữa bởi vì đảo chánh là mất nước, không chấp nhận đảo chánh nữa. Và bây giờ thôi thì Mỹ yểm trợ ai thì mình giúp họ, có thể mình không hài lòng lắm về với việc làm của họ, ít ra thì giúp họ để giữ thì không mất về tay Cộng Sản cái đã, sau sẽ hay. 

Thành ra từ năm 65 trở đi thì ưu tiên một, là giữ cho miền Nam không mất vào tay Cộng Sản trước, hơn là chống chính quyền. Mặc dầu không hài lòng chính quyền, không hợp tác nhưng mà không chống. Thành ra như khi mà ông Thiệu mời nhờ ông Kiểu lại, mời tôi đi dự Hội nghị Paris thì tôi đi bởi vì cái đó lợi cho việc chống Cộng nhưng mời tôi làm Tổng trưởng thì tôi không làm. Nên tôi không chấp nhận cái chính sách tham nhũng và không dân chủ của họ. Nhưng mà tôi vẫn yểm trợ trong vấn đề chống Cộng. Bởi vì cho là ưu tiên một, là giữ cho miền Nam không mất tất tay Cộng Sản. Thành ra từ 65 đi là Đại Việt không, Tân Đại Việt không tham gia đảo chánh nữa.

NMH: Như vậy trong cái tình trạng như vậy, trên đe dưới búa như vậy, suốt từ đầu đến cuối thì anh có nghĩ là đảng Đại Việt là Đảng đã tranh đấu trong một tình trạng nếu không nói rằng là tuyệt vọng, là vô vọng?

NNH: Có khó khăn, biết khó khăn nhưng mà vẫn làm là bởi vì nhiệm vụ phải làm. Hai nữa, chúng tôi vẫn nghĩ là một khi mà giải quyết vấn đề Cộng Sản rồi thì vấn đề xã hội tự nhiên nó phải thay đổi. Nghĩa là cái thế áp lực dân chúng làm cho không thể làm độc tài hoài được. Bởi tôi nói là độc tài không có ai mà có điều kiện làm một ông Diệm, mà ông Diệm cũng bị lật đổ thì không ai làm độc tài hơn ông Diệm nữa. Thành ra vấn đề, bây giờ vấn đề thời gian, thành ra mình phải chấp nhận vì Mỹ thế họ mạnh quá mà họ thường giúp cho mình quá, mình không thể chống họ được, nhất định không chống Mỹ. Bởi vì chống không lợi gì cho dân tộc mình, cho Việt Nam. Chấp nhận chuyện đó và chấp nhận trong tình trạng tạm thời là, thôi thì họ dùng tham nhũng, họ dùng mặc kệ, miễn là giữ cho miền Nam không mất cái đã. Rồi sau thì mình nghĩ là nếu mà miền Nam không mất, mà thái bình trở lại thì rồi cái sự diễn tiến tự nhiên bắt buộc họ phải họ phải làm, lúc đó thì mình sẽ đứng ra mình làm. Với lại chúng tôi chủ trương là làm dân chủ mới thành lập cái Phong trào Quốc gia Cấp tiến, ha, chấp nhận cái trò chơi dân chủ.

NMH: Thưa anh, cái giai đoạn đó mà anh nói đó là cái ưu tiên vừa chống Cộng Sản, vừa chống độc tài nhưng ưu tiên là chống Cộng Sản trước đã. 

NNH: Chống Cộng Sản trước đã.

NMH: Thế rồi mình trở ngược lại cái giai đoạn năm 1945 đó thì dưới sự lãnh đạo của những người trước kia thì đảng Đại Việt lúc bấy giờ chống cả Cộng Sản lẫn Pháp, nhưng ưu tiên lúc bấy giờ đó là chống Pháp đã, có phải không ạ, chứ không phải chống Cộng Sản. Bởi vì một số người cho tôi biết là khi mà các ông rút vào chiến khu đó thì cốt là để cũng cố lực lượng thôi, để đánh Pháp, chứ không phải đánh Cộng Sản, không có đánh Cộng Sản mà chỉ phòng vệ khi nó đánh thôi, có phải không anh?

NNH: Đúng.

NMH: Như vậy, anh có nghĩ là cái thái độ đó là thái độ sai không? Bởi vì một đằng là đảng Đại Việt thuộc căn bản…

NNH: Lúc sau này đó, sau này mà mình nhìn lại đó thì có thể là sai nhưng mà điều lúc đó không làm khác hơn được.

NMH: Tại sao Cộng Sản lúc bấy giờ biết lợi dụng Pháp để đánh các đảng phái Quốc Gia, mà đảng phái Quốc Gia lại không lợi dụng Pháp, hay là lợi dụng một lúc nào đó?

NNH: Không thì…từ khi, từ khi mà đảo chính vua Bảo Đại thì tính lợi dụng Pháp, với vua Bảo Đại tính là thay đổi đó.

NMH: Vâng.

NNH: Nhưng mà năm 45 thì chưa.

NMH: Dạ.

NNH: Bởi vì anh anh nhớ hồi đó là mình bị bị Pháp nó cai trị và muốn độc lập thì dĩ nhiên phải xem Pháp là mục tiêu số 1. Giống như ông Huỳnh – Huỳnh Phú Sổ đó, Huỳnh Phú Sổ đi họp bị Cộng Sản giết là bởi vì ông chỉ xem Pháp là kẻ thù số 1 trước Cộng Sản. Thành lúc đó thì có lẽ cũng không ai nghĩ là Cộng Sản nó đến cái mức mà nó làm như sau này. Đó là lúc đó mỗi người đều còn nghĩ một chút nào Cộng Sản cũng không đến nỗi nó làm quá như là, như là nó đã làm.

NMH: Dạ, tức là lúc bấy giờ có thể nói, anh cho là đại đa số là chưa hiểu rõ Cộng Sản, phải không ạ?

NNH:  Chưa hiểu, nghĩa là…

NMH: Và tinh thần Quốc Gia chống Pháp.

NNH: Nghĩa là…biết như vậy, biết như vậy nhưng mà nghĩ là nó, dù sao cũng là Việt Nam thì nó không đến nỗi làm như nó đã làm.

NMH: Thành vì thế nhân nhượng hơn mà không có… Có người nói là các đảng phái Quốc Gia bị thất thế là bởi vì thiếu thủ đoạn chính trị. Thứ nhất là thiếu thiếu thủ đoạn chính trị không tàn ác bằng nó. Và tôi nghĩ rằng có một số người như anh Sách chẳng hạn, quan niệm là các đảng phái Quốc Gia có khuynh hướng quân tử Tàu đó. Tức là không theo thủ đoạn mà cứ đòi chính nhân quân tử trong một cái khung cảnh nhiễu nhương như vậy, bị thất bại. Và thứ hai nữa là thiếu tin tức quốc tế, thiếu liên hệ quốc tế cho nên không nắm được thời cơ.

NNH: Cái vấn đề mà thiếu tin tức quốc tế và thiếu yểm trợ quốc tế thì đúng hơn. Cái vấn đề thủ đoạn thì biết bao nhiêu thủ đoạn, bên Việt Quốc giết biết bao nhiêu người, Cao Đài giết biết bao nhiêu người, không phải là không thủ đoạn đâu, họ tàn nhẫn lắm chứ phải không. Nhưng mà chính vì tàn nhẫn mà không có cái thế để tàn nhẫn. Cộng Sản nó làm được vì nó nắm chính quyền và nó lấy cái thế chống Pháp, nó biện minh được. Anh Quốc Gia anh không nắm chính quyền mà anh giành với nhau, anh giết nhau thì anh hại hơn, càng thủ đoạn càng chết, chứ không có lợi.

NMH: Thưa anh, tại sao Cộng Sản hồi đó nó liên lạc được với OSS để làm tin tức tình báo?

NNH: Là vì hồi đó nó chống Nhật, nó chống Nhật và nó là có cái thế Trung Cộng và Nga làm môi giới cho nó. Mình thì ai đâu, mình chỉ đi với Nhật, mà Nhật lúc đó nó không tận tình giúp.

NMH: Thành ra từ đầu, thế của mình so với thế của họ – ngay từ đầu đó, mình đã đi vào một cái thế cờ…

NNH: Nội vấn đề là Quốc Gia thôi thì anh đã thất thế bởi anh chỉ lo cho nước Việt Nam thì không ai lo cho anh hết. Anh lo cho nước Việt Nam thì nước khác nó lo cho nước nó, đâu lo cho nước Việt Nam. Nó chỉ muốn thao túng Việt Nam thôi. Nội cái đó không anh đã thất thế rồi.

NMH: Thưa anh, nhưng mà ở những quốc gia khác đó, có phong trào quốc gia cũng nổi lên, rồi cũng được độc lập?

NNH: Nhưng mà vì nó là không, thế của nó thuận lợi hơn mình. Nhưng cái rủi của mình là bên Quốc Gia phần lớn là đi với Nhật là nước thua trận. Mà khi Nhật nó đương thắng, nó cũng không giúp mình. Chứ phải hồi lúc mà 45, mà hồi 1941 mà nó vào mà nó lật Pháp, nó đưa người Quốc Gia lên thì mình như Nam Dương, mình như là Mã Lai hay là Miến Điện, chứ mình đâu có mất trong tay Cộng Sản. Cái rủi cho mình là thằng Nhật lúc đó là không muốn giúp mình thật sự, phải không. Nhiều nhiều cái thất thế của mình lắm.

NMH: Thưa anh, anh còn là người nghiên cứu chính trị, mà anh đọc nhiều, bây giờ phần lớn sách báo nói về Việt Nam nhiều lắm, về vấn đề cái cuộc tranh đấu của Việt Nam giành độc lập, rồi chống Cộng Sản, lâu rồi, thì anh có thấy điều gì mà anh nghĩ rằng hiện nay mà mình coi là sự thực đó, anh cho là sai. Và cái gì mà anh nghĩ là cần phải nói thêm về cái vai trò và những khó khăn của chính đảng Việt Nam?

NNH: Cái điều mà tôi muốn nói là là cái sai lầm lớn nhất của Tây phương, là không thấy là Cộng Sản thắng được đó là vì nó được Bảo Đại giao quyền cho nó. Cái mạnh của nó, ở chỗ nó có một cái thế chính đáng, Bảo Đại chính thức giao quyền cho nó. Nó là chính phủ hợp pháp và lúc đó toàn dân vì muốn độc lập cho nên phải đi với nó. Cái đó làm cho tất cả bài toán nó sai hết, nghe không. Mà cái đó không ai thấy, không ai nói ra. Người ngoại quốc cứ nói là Cộng Sản nó giỏi này kia. Nó được, chính là nhờ Bảo Đại trao quyền cho nó. Bảo Đại trao quyền cho nó, thành ra Hồ Chí Minh có cái thế một người lãnh đạo hợp pháp của nước Việt Nam và toàn dân Việt Nam, trừ ra những chính đảng, đều nghĩ là phải đi với ông ta mới có độc lập. Cái đó là cái mạnh của nó mà ít ai nói ra. Tôi cho là cái điểm cần phải nói mạnh nhứt là cái điểm đó. 

NMH: Nhưng mà cũng có người nói là tại sao, sở dĩ nó được Bảo Đại trao quyền là nó làm áp lực Bảo Đại trao quyền?

NNH: Không phải là vì…

NMH: Thế tại sao chính đảng Việt Nam không…

NNH: Bởi vì, bởi vì Bảo Đại lúc đó là ông ta đánh điện cho ông Tưởng Giới Thạnh, cho ông Truman, cho ông De Gaulle, cho ông Stalin, yêu cầu các nước nhìn nhận độc lập thì không ai trả lời. Bảo Đại cho là các nước không nhìn nhận Bảo Đại và lúc đó Bảo Đại cũng bị cái sự tuyên truyền nói là Việt Minh nó đi với Đồng Minh. Mà lúc đó ai cũng biết là OSS ủng hộ cho tụi nó. Thành ra mình, mọi người đều cho là bây giờ Đồng Minh thắng thì tụi này đi với Đồng Minh thì nó đứng ra nó lãnh đạo mình được dễ hơn. Có thể nói là, nó là cái mà sai lầm của hầu hết người Việt Nam trong lúc đó. 

NMH: Nhưng anh nghĩ là, như vậy, sự liên hệ của nó với OSS là một cái điểm thuận lợi cho nó, ưu điểm hẳn đấy.

NNH: Tại sao bởi vì anh anh nhớ là cái bài, bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ mà.

NMH: Vâng, đúng. 

NNH: Thì lúc đó là Hồ Chí Minh đã chấp nhận, đã đã cố tình làm như vậy, để mà lấy thế của Mỹ đó. 

NMH: Thì gần đây có một số người Mỹ đã quan niệm rằng là Mỹ đã bỏ mất một cơ hội. Bởi vì thời đó nếu mà chính Hồ Chí Minh đã muốn theo Mỹ rồi. Mà nếu hồi ấy Mỹ can thiệp vào thì có lẽ Hồ Chí Minh không trở thành Cộng Sản theo kiểu bây giờ. Mà trở thành một loại Cộng Sản, nếu mà là Cộng Sản thì loại Cộng Sản như kiểu Tito có lợi cho Mỹ hơn thì anh nghĩ…

NNH: Có thể, theo tôi nghĩ có thể, nếu mà lúc đó Mỹ mà yểm trợ luôn đi, đừng có bắt trở ngược lại mà đi với Pháp thì lúc đó bắt buộc phải nhìn giúp, sự giúp đỡ của Mỹ thì có thể là, ít ra nó không thể làm quá sức như là nó đã làm.

NMH: Thưa anh, anh thấy ở trong giai đoạn mà mà 1945, 1946 cái khó khăn nhất, những cái khó khăn căn bản của các đảng phái Quốc Gia Việt Nam là những cái khó khăn nào?

NNH: Thí dụ như tôi nói đó, là vấn đề là thiếu cái thế quốc tế, ha, thiếu cái thế. Mà hai nữa là lại các đoàn thể lại không thuận nhau, không đi chung với nhau được. Mà không đoàn thể nào đủ sức làm. 

Giả sử hồi đó mà Bảo Đại đừng thoái vị, mà rủi nữa đó là Trần Trọng Kim làm Thủ tướng, chứ nếu phải Ngô đình Diệm làm Thủ tướng thì có thể khác. Cái rủi cho mình đó, ha, là ông Ngô Đình Diệm làm không đúng lúc. Ngô Đình Diệm mà ngồi chỗ Trần Trọng Kim thì ông ta nhất định không từ chức đâu. Và nhờ ông ta cương quyết mà lôi Bảo Đại theo. Đằng này ông Bảo Đại đã yếu, Trần Trọng Kim còn yếu hơn, Trần Trọng Kim nhất định tìm kiếm hòa bình, Bảo Đại không cách nào khác, Bảo Đại phải đi với Việt Minh. 

Cái hồi đó, hồi ông Ngồ Đình Diệm mà làm Thủ tướng đó thì có thể ông ta đã kết hợp được Quốc Gia để giữ không cho Cộng Sản cướp chính quyền. Thành ra có thể nói là trở thành ra nhiều khi mình trở thành ra fatalist (tin vào định mệnh), ha. Nhìn thấy là nó có nhiều cái thuận lợi cho Cộng Sản, trước 75 thì bao nhiêu thuận lợi cho nó. Như nội vấn đề mà nhiều khi Pháp đánh nó thua rồi mà Pháp không dè nó thua. Giả sử như hồi 72 – ai cũng nói kể mà Mỹ dội bom thêm chừng tuần lễ nữa là nó chịu rút khỏi miền Nam. Mà Mỹ không biết, Mỹ nghi ngại, trong lúc mà nó sắp sửa nó chịu chấp nhận điều kiện của Mỹ rồi. Thành ra có thể nói là nhiều khi nếu mình, tôi thì phần lớn có lẽ tôi, cuối cùng phần nào, tôi cũng tin tưởng phải có một sắp xếp nào đó ngoài cái sức của mình. Nhưng mà từ 75 trở đi thì đảng Cộng Sản gặp nhiều cái mà nó đã thắng rồi thì nó lại gặp bao nhiêu sự khó khăn mà ngoài ý muốn của nó.

NMH: Thưa anh, bây giờ anh nhìn lại, nhìn lại thì anh nghĩ là nếu mà anh được làm lại cuộc đời của anh, chính trị của anh đó, trong giai đoạn lịch sử Việt Nam, có những đoạn nào anh muốn làm khác cái điều mà anh đã làm?

NNH: Có lẽ là…

NMH: Hay muốn người khác làm khác điều anh làm?

NNH: Phần tôi đó, nếu mà tôi làm lại thì có lẽ tôi uyển chuyển hơn là thái độ tôi trước 1975, có thể uyển chuyển hơn nữa.

NMH: Uyển chuyển nghĩa là?

NNH: Nghĩa là mình sẽ tìm cách đi với các đoàn thể nhiều hơn, mình cũng tìm cách đi nhưng mà mình chưa có, chưa có nhân nhượng đúng mức để có thể đi với anh em một cách chặt chẽ.

NMH: Trước giai đoạn đó thì anh nghĩ là những người lãnh tụ khác thì anh nghĩ là họ, cũng muốn họ làm nhiều, thí dụ như là giai đoạn 45 – 54 chẳng hạn thì anh được, anh nghĩ rằng nếu mà anh quyết định, hoặc có quyền lực gì mà anh làm lại cái giai đoạn đó, anh muốn cái gì xảy ra?

NNH: Thì như tôi nói đó…nếu mà tôi muốn xảy ra, là muốn cho một người Thủ tướng là như Ngô Đình Diệm thay vì Trần Trọng Kim, nghe không. Rồi có thể cũng nói Ngô Đình Diệm mà làm được. Hai nữa là năm 1954 đó, người mà đưa Diệm về không phải là Mỹ mà là Pháp. Thì người ta nói là Mỹ đưa Diệm về chứ không phải là chính Pháp đưa Diệm về. Lúc đó thì Đảng MPR –Movement Republicain Populaire hay Phong trào Cộng hòa Bình dân– nó cho là ông Bảo Đại đã mất uy tín quá rồi thì nó tính là vận động đưa Bảo Long thế Bảo Đại, còn để cho bà Nam Phương làm nhiếp chính. Và đưa ông Diệm về làm Thủ tướng, để ông Diệm lấy nòng cốt Công Giáo. Và lúc đó cần phải chống nhau với Công Sản cho nên ông Diệm sẽ đoàn kết với Cao Đài, Hòa Hảo, rồi các đoàn thể Quốc Gia để mà đánh nhau với Cộng Sản. 

Cái rủi cho mình là vận động được Diệm rồi thì lại thua Điện Biên Phủ và chấp nhận ký hiệp ước với Cộng Sản Việt Nam. Thành ra cái giải pháp mời ông Diệm lại yếu đi. Và ông Diệm thay vì làm đoàn kết, ông ta lại làm độc tài luôn. Cái đó là hồi lúc mà Mặt trận Toàn quốc Hoà bình đó, nếu mà lúc đó mà Pháp tiếp tục đánh nhau với Cộng Sản thì ông Diệm về làm đội ngũ Quốc Gia, ông không có làm như ông làm đâu.

NMH: Thưa anh, tôi đã hỏi anh nhiều câu hỏi rồi, toàn là tôi hỏi. Thưa anh bây giờ, cái tapes (băng ghi âm) này tôi sẽ để lại ở trong Thư viện Quốc hội. Anh thấy rằng là tôi hỏi có điều gì thiếu sót, anh muốn thêm điều gì đó, những lời nói cuối cùng? 

NNH: Không, tôi thấy thì cũng chả có gì. Nói tóm lại là trong cái tình trạng mà từ 45 tới 75 thì phía Quốc Gia Việt Nam gặp nhiều cái chỗ rất là trở ngại. Như tôi nói quan trọng nhứt là vấn đề bên ngoài. Các nước khi mà họ can thiệp vào Việt Nam thì muốn giúp một cá nhân. Và thường thường cá nhân đó là cá nhân làm độc tài đồng thời lại tham nhũng, thành ra mất cái thế của người Quốc Gia Việt Nam. Người Quốc Gia Việt Nam mà trong sạch đàng hoàng thì lại không được người ngoại quốc tin cậy. Bởi vì họ cho là cái thứ người trong sạch, đàng hoàng thì cứng đầu, cứng cổ và khi quyền lợi Việt Nam xung đột quyền lợi nước họ thì sẽ không nhân nhượng cho họ. Cho nên họ phải tìm những người dễ sai bảo. Cái đó đặt người Quốc Gia Việt Nam trong cái thế thiệt thòi nhiều việc và mặt khác nữa thì các nước sẽ không có thật tình thi hành cái dân chủ tự do. Hay các nước dân chủ tự do thì đến Việt Nam là làm độc tài chứ không chịu làm dân chủ tự do. Bởi vì dễ cho họ hơn, một ông Đại sứ hay một ông trưởng phòng CIA tại Việt Nam, nói chuyện một người thì dễ hơn là nói chuyện năm, bảy đoàn thể mà lập trường khác nhau. Thành ra vì cái tiện nghi của họ, cũng vì quyền lợi nước họ mà họ đã có cái nhìn rất sai lạc và hết sức sai lầm về Việt Nam mà vì thế họ quá mạnh, Việt Nam quá yếu. Thành ra mình ở trong cái thế là bị đè, không thể nào làm được y như ý mình muốn.

Mặc dầu như vậy thì tôi cho là người ta đã đánh giá thấp cái khả năng tranh đấu người Quốc Gia Việt Nam. Thiệt tình với sự đàn áp Cộng Sản như vậy, với thế lực các nước như vậy, Quốc Gia vẫn còn, vẫn tiếp tục hoạt động thì ông biết là nó có tiềm tàng sinh lực rất là mạnh. Và tôi nghĩ là cuối cùng thì người Quốc Gia Việt Nam vẫn phải tìm được ngõ đi cho mình, để giải quyết vấn đề Việt Nam. Không ai tưởng tượng là sau khi Cộng Sản đàn áp như vậy, mà Quốc Gia Việt Nam còn tồn tại và hoạt động được. Mặc dầu tình thế không thuận tiện hay không vì viện trợ bên ngoài, tự động làm, bị đàn áp, thất thế vô cùng nhưng mà vẫn tồn tại được. Nội sự tồn tại không đó đã chứng tỏ sức mạnh của tinh thần Quốc Gia Việt Nam là vô biên. Và tôi nghĩ là trì chí rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của chúng ta.

NMH: Xin cảm ơn anh!

https://usvietnam.uoregon.edu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét